bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 42
Trong ngày: 693
Trong tuần: 1402
Lượt truy cập: 774543

GIÀNG SÍN LỦ

 Cầm Sơn
 
SÍN LỦ
 
Lời tác giả: Qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, Rất nhiều những chiến binh đã trở thành Thương binh, Liệt sĩ. Công lao của họ đối với Tổ quốc đã được Nhân dân dựng tượng đài “Đời đời nhớ ơn Liết sĩ”. Nhưng vẫn còn có những Liệt sĩ vô danh, họ âm thầm trong bóng tối, sự hy sinh của họ không được người đời ghi nhận. Truyện ngắn này xin thay một nén tâm nhang cầu mong anh linh các Liệt sĩ ấy được siêu thoát cõi Vĩnh hằng cực lạc!
 
1.
     Bản Măng là nơi quần tụ của người Mường, người Thái. Nhưng chẳng biết từ bao giờ, khi Sín Lủ lớn lên đã thấy có hàng chục ngôi nhà của người H,Mông nằm chênh vênh trên sườn núi Lanh, trong đó có nhà của gia đình Sín Lủ và gia đình Thào Sếnh. Ngay từ lúc sáu, bảy tuổi, Sín Lủ đã được mẹ dạy thổi kèn lá dựa theo những bài dân ca H,Mông truyền thống. Cho đến khi Sín Lủ mười sáu tuổi thì tiếng kèn lá của Sín Lủ đã làm ngơ ngẩn biết bao chàng trai cả người H,Mông lẫn người Mường, người Thái. Nhưng Sín Lủ chưa để ý đến ai, nàng chỉ say sưa với tiếng sáo mông của người bạn hàng xóm Thào Sếnh, mỗi khi tiếng sáo cất lên từ sườn đồi phía đông thì ở sườn đồi phía tây Sín Lủ cũng đưa lá lên môi. Tiếng kèn lá của Sín Lủ quấn quýt, đan quyện cùng tiếng sáo mông của Thào Sếnh trầm bổng, âm vang đến từng nhà khắp cả bản Măng.
       Năm 1946, trung đội tự vệ đầu tiên của xã Lai Đồng được thành lập nhưng mọi hoạt động vẫn còn nằm trong bí mật. Đêm của phía bên này, ngày của phía bên kia. Hầu hết đám trai làng bản Măng đều tham gia đội tự vệ nhưng Thào Sếnh thì lại trở thành lính nguỵ trên Đồn Mù. Từ đấy, chiều chiều dân bản Măng không còn được nghe những âm hưởng của kèn lá hoà trộn với sáo mông nữa. Sín Lủ giận Thào Sếnh lắm, sao không vào đội tự vệ của làng lại đi với đồn Tây. Sín Lủ là thành viên của Mặt trận Liên Việt xã, có nhiệm vụ vận động trai làng không đi lính cho Tây. Thế mà chính người hàng xóm, chưa đến lúc bàn chuyện bày trò cướp nhau nhưng cái bụng đã ưng, cái lòng đã thuận, Thào Sếnh lại đi theo đồn Tây, không giận sao được…
    Tết  Síp xí của người Thái năm ấy, đồn trưởng Đồn Mù Benjamin Fouché dẫn một toán lính xuống bản vừa để lấy lòng dân, vừa được xem con gái Thái múa xoè. Trước khi vào quân đội, Fouché vốn đã từng học qua một trường nghệ thuật nên khi sang Việt Nam, Fouché rất chú ý đến những tài sản văn hoá phi vật thể của các tộc người bản xứ. Trong toán lính đi cùng có cả Thào Sếnh. Buổi chiều, sau khi dự tết Síp xí ở nhà chánh tổng Mường Kịt, Fouché cùng Trùm Mun đi thăm, tặng quà một số gia đình trong bản rồi tất cả kéo ra bãi soi bên bờ suối Khắc. Theo tập tục, sau mỗi điệu múa, những vị khách danh dự thường đứng lên cầm hai ly rượu đến mời và cùng uống với một cô trong đội múa mà mình thích. Do có nhiều đội nên sau một vài điệu múa, Fouché đã đến lúc ngất ngây. Đám trai làng yêu cầu tạm dừng múa để nghe Sín Lủ thổi kèn lá. Thào Sếnh đưa mắt ra hiệu cho Sín Lủ đừng thổi, nhưng Sín Lủ không những không hiểu ý của Thào Sếnh mà nàng lại càng thấy giận Thào Sếnh hơn. Mấy trai làng nhanh nhẹn chạy đi vặt hẳn cả chùm lá cho Sín Lủ. Khi tiếng kèn lá của Sín Lủ cất lên, Fouché bỗng dưng bừng tỉnh. Trong các loại hình nghệ thuật, ông ta vốn đam mê và rất am hiểu về âm nhạc. Chính vì vậy nên Thào Sếnh được ông ta yêu mến bởi có tài thổi sáo. Mặt khác, mới chỉ lên đồn tiếp xúc với người Pháp có nửa năm trời mà Thào Sếnh đã có thể sử dụng tiếng Pháp trong các trường hợp giao tiếp. Thực ra điều đó cũng dễ hiểu, bởi thanh ngữ của người H,Mông thuộc loại đa âm, tương tự với thanh ngữ của người Âu châu nên người H,Mông thường học tiếng của các nước châu Âu dễ dàng hơn người Kinh, người Mường và nhiều tộc người khác sử dụng thanh ngữ đơn âm. Nhờ sự hướng dẫn của Thào Sếnh, Fouché còn có thể thổi được một vài bài sáo mông, tuy chưa hay nhưng cũng đã đúng thanh, đúng nhịp. Fouché gọi Thào Sếnh lại gần nói:
   - Toa lấy sáo cùng thổi để tạo ra hợp âm, sẽ hay hơn nhiều!
   - Thưa sếp, em lại không đem cây sáo đi rồi!
   - Ồ! Thật đáng tiếc. Đêm nay cho toa ở lại, ngày mai mời bằng được cô gái thổi kèn lá lên đồn.
   - Dạ thưa sếp, cái đó không được đâu, con gái người H,Mông không bao giờ tự ý đi theo con trai!
    Lý trưởng  Đinh Văn Lánh vốn là người được học hành, thành thạo tiếng Pháp. Ông ta lại ngồi cạnh Fouché nên nghe rõ những lời trao đổi của hai người. Đợi cho Thào Sếnh quay trở lại vị trí cũ, ông ta ghé vào tai Fouché nói nhỏ:
   - Người H,Mông có tục Háy pú ( bắt vợ). Nếu sếp thích, có thể cho lính đồn bắt nó đi. Có điều để trai làng và dân bản không cản trở thì phải công khai ai là người đàn ông bắt, người ấy sẽ là chồng của nó nếu cái bụng nó ưng. Còn không, sau vài ngày lại cho người đem trả về tận nhà tử tế và nói với gia đình là nó không chịu. Biếu cho cha mẹ nó mấy đồng bạc trắng để cúng tổ tiên gọi ma nó về là xong.
    Ngay ngày hôm sau, nghe theo lời lý trưởng Lánh, Fouché cử mấy người lính dân địa phương đi bắt Sín Lủ rồi gọi Thào Sếnh lên phòng chỉ huy đồn trao đổi:
   - Moa cho người đi bắt cô Sín Lủ về làm vợ cho toa. Toa nghĩ sao?
   - Ấy chết! dạ thưa sếp, việc bắt vợ không làm thế được. Nói là bắt chứ thực ra cả hai người đều đã ưng nhau. Việc bắt chỉ là vờ thế thôi!
   - Toa thổi sáo, vợ toa thổi kèn lá, chả hạnh phúc lắm sao?
   - Không được đâu, thưa sếp, đúng là không chỉ mình em mà trai làng nhiều người thích Sín Lủ, nhưng chưa bàn gì với nhau mà đi bắt là không được.
   - Ấy là moa có ý tốt với toa, còn toa không đồng ý thì thôi.
  Rất may cho đám lính, khi xuống đến bản Măng thì Sín Lủ đang dẫy cỏ một mình ở nương ngô. Một người lính nói:
   - Sín Lủ à, ngài đồn trưởng cử cái mình cho bắt mày lên đồn.
   - Cái mình có tội gì mà bị bắt?
   - Mày không có tội gì cả, là ngài đồn trưởng sai cái mình đi bắt mày theo tục Háy pú của người H,Mông ta thôi.
   - Thế đứa nào bắt cái mình?
   - Chỉ biết ngài đồn trưởng sai cái mình đi bắt mày về làm vợ thôi, còn là do thằng Thào Sếnh hay là ngài đồn trưởng thì cái mình không biết đâu.
   Sín Lủ thấy như có cả một cục hơi nghẹn lên tận cổ. Thào Sếnh mới lên đồn Tây chưa đầy một năm mà đã thành người khác rồi ư. Có bàn bạc gì đâu mà dám nhờ lính tráng đi bắt người ta…Nhưng nếu  do Thào Sếnh thì phải có nó ở đây chứ. Chẳng lẽ lại do ngài đồn trưởng? Người Tây cũng có tục Háy pú hay sao, mà dẫu có tục ấy thì cũng phải hỏi người ta đã chứ?.. Cái đầu Sín Lủ như nghe thấy cả một bầy ong rừng vỡ tổ, cả cái nương ngô, cả con suối Khắc như nhoà đi, như quay cuồng trước mắt… Thôi thì đành cứ đi theo bọn nó lên đồn gặp Thào Sếnh, gặp ngài đồn trưởng của nó xem sao.
  Lên đến đồn, Sín Lủ được đưa thẳng vào phòng chỉ huy.  Fouché đã đợi sẵn ở đấy. Bằng những cử chỉ rất lịch sự, Fouché chìa tay mời Sín Lủ ngồi sang chiếc ghế đối diện với ông ta rồi quay sang nói với một người lính bằng tiếng Pháp:
   - Anh ở lại một chút dịch tiếng cho tôi!
Fouché rót một cốc nước đặt trước mặt bàn phía Sín Lủ ngồi rồi nói bằng một thứ tiếng Việt ngọng lơ lớ
   - Moi co uong nuoc!
 Đến tận khi ấy, vẫn chưa hết ấm ức, Sín Lủ nhìn thẳng vào mặt Fouché hỏi một câu gay gắt:
   - Ngài đồn trưởng, tại sao mày cho bắt cái mình?
Sau khi người lính dịch lại,  Fouché vừa cười vừa ôn tồn trả lời Sín Lủ:
   -  Ồ không! Bởi vì tôi yêu nghệ thuật thôi! ( Oh non! Parce que J,aime I,art! )
Trong hoàn cảnh đồn trưởng vừa cử mình đi bắt Sín Lủ với nội dung theo tục Háy pú của người H,Mông. Vả lại anh lính người địa phương cũng không hẳn thành thạo tiếng Pháp cho lắm nên chưa phân biệt được những thanh âm tương tự đã dịch nhầm cho Sín Lủ là:
   -  Ồ không! Bởi vì tôi yêu em thôi! ( Oh non! Parce que je t,aime! )
    Không còn gì để phải nghi ngờ, băn khoăn thêm nữa. Cứ nghĩ nó nhờ đồn trưởng đi bắt mình, làm như thế dù có thô bậy nhưng dẫu sao cũng vẫn còn cái tình. Hoá ra  nó lại dâng mình cho quan thầy nó. Cái bụng thằng Thào Sếnh thật dơ dáy thối tha. Như giọt nước tràn ly, Sín Lủ thấy trời đất tối sầm …cô gục xuống, ngất sỉu…
   Fouché luống cuống cho gọi “đốc tờ” đến cấp cứu. Nhưng rồi cũng không sao, chỉ sau vài phút sức dầu, bấm huyệt, Sín Lủ đã tỉnh táo trở lại… Đến nước này thì còn gì nữa để mà nuối tiếc. Thào Sếnh ơi, mày đã đi theo người Tây, mày bán rẻ cả lương tâm, danh dự, tình người. Bây giờ, dẫu sao thì tao cũng đã bị trai nó bắt, ma của tao đã ra khỏi nhà tao rồi, có quay trở về thì cũng vất vưởng, lắt lay. Cái bụng mày đã xấu như thế thì tao sẽ làm vợ của sếp mày để rồi xem mày xử sự ra sao. Cùng lắm thì chỉ cần vài cái lá ngón là đủ. Con gái người H,Mông ta đâu có ngại gì nắm lá ngón… Sín Lủ quay về phía người lính:
   - Mày nói với nó là cái mình đồng ý ở lại, sau ba ngày nữa hãy hay.
   Fouché mừng rối rít, sai người sắp xếp chỗ ở, chăm sóc và thực hiện những yêu cầu của Sín Lủ. Ngay buổi tối hôm ấy, Sín Lủ đồng ý thổi kèn lá và cố tình tỏ ra rất vui vẻ,  Fouché cho gọi Thào Sếnh để cùng thổi sáo nhưng Sín Lủ không những không thổi cùng Thào Sếnh mà còn không thèm nhìn mặt và nói gì với Thào Sếnh nữa. Thào Sếnh thì quá bất ngờ, hoá ra là hai người này đã có hẹn hò bàn bạc với nhau rồi nên Sín Lủ mới vui vẻ đến thế. Thôi thì biết làm sao khác được, mình đã là cái gì của Sín Lủ đâu. Mà ngài đồn trưởng uy quyền, thế lực như thế, họ thích nhau thì ai làm gì được họ. Tiếng kèn lá của Sín Lủ cất lên lần này sao mà nhấp nhô, dữ dội và cay đắng đến thế
 Biết Fouché cũng thổi được sáo mông, trong mấy ngày ở đồn, Sín Lủ ra sức kèm để tiếng sáo của Fouché hoà hợp, nhịp nhàng với tiếng kèn của Sín Lủ. Sín Lủ phải có được một người chồng thổi sáo không thua gì Thào Sếnh, phải làm sao cho Thào Sếnh đau sót, hổ thẹn và tiếc nuối.
  Vốn dĩ đã là người có kiến thức về âm nhạc lại say mê, lại được tập tành chung với người đẹp nên kỹ năng thổi sáo của Fouché tiến bộ rất nhanh. Chỉ sau hai ngày, tiếng sáo, tiếng kèn của họ đã đan quyện, nhịp nhàng, vấn vít, hài hoà…Thế rồi, từ trong tâm can sâu kín, Sín Lủ như thấy có ngọn lửa thắp lên làm ấm lại cái lạnh giá của sự cay đắng, ê chề hôm mới bị bắt. Sín Lủ thấy Fouché cũng xứng là một người đàn ông đáng yêu, đáng mến. Còn Fouché thì hoàn toàn bị hút hồn bởi cô gái mười bảy tuổi người H,Mông xinh đẹp có giọng kèn lá đến mê hồn…Và thế là…Đám cưới của ngài trung uý đồn trưởng Đồn Mù người Pháp Benjamin Fouché với cô gái người H,Mông  Giàng Sín Lủ đã làm xôn xao dư luận khắp cả xứ Mường Kịt.
    Mặc dù được Fouché yêu quý, nhưng rồi Sín Lủ cũng biết chẳng qua Fouché chỉ là người bị động trong việc phải cưới Sín Lủ vì sự hiểu lầm của anh lính phiên dịch. Nếu không có sự nhầm lẫn ấy thì chắc rằng sự việc đã khác. Lúc đầu Fouché cũng  lúng túng vì ông ta  đã có vợ, có con ở bên xứ sở của mình. Nhưng rồi suy đi nghĩ lại, ông ta thấy cũng đầy những sĩ quan xa xứ như ông ta có vợ bé. Thôi thì chậc lưỡi cho qua, được cô vợ bé vừa xinh, vừa trẻ lại cùng sở thích về âm nhạc thì cũng là một niềm hạnh phúc. Sín Lủ thấy ân hận và thương cho Thào Sếnh, thương cho thân phận mình phải làm lẽ mọn dưới con mắt kỳ thị của cả bản, cả mường. Nhưng sự đã rồi, thôi thì nhắm mắt mà bước. Thân phận đàn bà H,Mông vốn dĩ là vậy. Bước chân về làm dâu nhà nào thì phải theo nền nếp nhà ấy. Sín Lủ  học tiếng Tây nhanh đến nỗi ngay cả Fouché cũng phải kinh ngạc và sung sướng, tự hào về cái sự nói năng và phong cách giao tiếp với bạn bè, với cấp trên của chồng ở cô vợ trẻ. Mỗi dịp sên bản, sên mường Sín Lủ vẫn về quê nhưng không phải trong trang phục váy áo màu chàm có in hoa văn bằng sáp đủ các màu mà nàng vận đồ Tây, đi giày Tây cao gót. Duy chỉ có mái tóc thì nàng không “phi dê” như những bà đầm Tây, cũng không độn thêm tóc rụng để làm Pờ ló ho như người H,Mông Hoa mà nàng cứ để nó buông dài đến tận gần gót chân như những cô gái người Kinh.
    Sín Lủ ra thị xã phố tỉnh thăm và chu cấp cho đứa  em trai mình là Giàng A Trư và cả em trai Thào Sếnh là Thào A Lếnh mà mấy năm trước Sín Lủ đã đưa chúng ra học, hai đứa vốn cùng tuổi, lại là bạn thân với nhau. Đời mình coi như đã xong. Nếu ai bảo mình sung sướng, nhung lụa trắng trong, ừ thì sướng! Nếu ai bảo mình tủi nhục, vợ tạm chồng hờ, không hơn cái lũ bán trôn nuôi miệng, ừ thì tủi nhục! Nhưng còn chúng nó, phải cho chúng nó đi học để thành người. Không thành người nhà họ Thào nhưng Sín Lủ sẽ mãi mãi coi người họ Thào như người họ Giàng, chứ còn cái họ Tây Fouché là cái mượn, cái bám, cái nhờ như kiếp phù du bèo bọt. A Lếnh xin chị Sín Lủ mua và coi như là quà của nó cho anh trai Thào Sếnh một cái đèn ló sử dụng nguồn điện bằng pin dùng để đeo trên đầu khi đi săn bắn ban đêm. Mãi đến nửa buổi chiều Sín Lủ mới về đến nhà. Sau khi lau rửa qua loa, Sín Lủ đi ngay lên đồn tìm gặp Thào Sếnh để đưa quà. Thấy Thào Sếnh đang ngồi nhặt rau dưới bờ suối với anh lính nấu bếp Hà Văn Thành. Sín Lủ đi xuống bếp, đang định ra để gặp họ thì nghe Thào Sếnh nói:
   - Đi ngay đi rồi không quay trở lại đồn nữa. Coi như đã bị lộ. Gấp lắm rồi, nhớ lời tôi dặn.
   - Tôi nhớ rồi, để tôi bảo thằng Hùng là đi mua thêm rau cho nó có cái cớ.
   Sín Lủ vội nhẹ nhàng quay trở lại. Hoá ra họ là người do phía Việt Minh cài cắm. Khổ cho Thào Sếnh quá, bị biết bao nhiêu người hiểu sai. Ngay cả mình mà nó cũng ngậm miệng không cho biết để ra đến nông nỗi này. Sín Lủ bỗng ứa nước mắt. Không biết lại có việc gì sắp sảy ra nữa đây. Từ đầu năm, liên tiếp du kích của Việt Minh bẻ gãy các cuộc càn quét ở đồi Lò Rèn, đồi Nà Réo. Họ còn tấn công cả đồn Quéo bên xóm Phắt gây thiệt hại lớn cho quân đội Pháp. Sín Lủ bỗng thấy lo cho Thào Sếnh. Người Pháp đã có ý nghi ngờ trong đội ngũ lính Việt có người của Việt Minh. Họ đang ngấm ngầm theo dõi. Mặt khác, họ cũng có người được cài cắm từ phía bên kia nên nếu không cẩn thận thì sẽ rất dễ bị lộ. Ngay như cuộc trao đổi vừa rồi để Sín Lủ nghe thấy cũng thể hiện là họ còn quá thiếu kinh nghiệm…
 
    Vĩnh viễn Sín Lủ không bao giờ còn có cơ hội trao được món quà là cái đèn ló cho Thào Sếnh nữa. Theo mật lệnh của thiếu tá đồn trưởng Fouché, ngay đêm hôm ấy, Thào Sếnh được lệnh chỉ huy một tốp lính bất ngờ đánh úp để bắt gọn toàn bộ đảng viên cùa chi bộ Thu – Kiệt – Lai nhóm họp tại một cái trại trông nương thuộc xóm Lèn. Đúng 8 giờ 30 phút buổi tối, nhóm của Thào Sếnh phải có mặt tại khúc đường mòn dưới chân đồi đi lên trại để phối hợp với các mũi khác bất ngờ ập vào vây bắt.  Cũng vào đúng cái giờ định mệnh ấy,  bốn người trong nhóm của Thào Sếnh đã lọt vào tầm ngắm của ổ phục kích bên Việt Minh và bị tiêu diệt toàn bộ.
 Thào Sếnh chết đã làm cho Sín Lủ ngơ ngác như  mất hồn. Mặc dù cô là người thông minh, biết kín đáo che dấu cảm súc, suy nghĩ của mình, nhưng vẫn không qua được mắt Fouché. Một buổi tối, sau gần nửa giờ đồng hồ Fouché cùng Sín Lủ hoà tấu sáo, kèn. Bằng giọng nói và thái độ trịnh trọng, Fouché bảo Sín Lủ hãy yên lặng để nghe ông ta nói:
   - Trong mấy năm chúng ta sống với nhau. Anh liên tục được thăng tiến phải kể đến công lao không nhỏ trong cách xử sự, giao tiếp của vợ anh. Điều đó anh cám ơn em nhiều. Nhưng anh lại còn biết, trong lòng em chưa lúc nào nguôi về tình yêu và sự nuối tiếc với Thào Sếnh. Có điều em cũng đã biết dừng đúng chỗ. Nếu Thào Sếnh chỉ là người lính giỏi về thổi sáo không thôi thì hắn cũng sẽ cứ tiếp tục được thăng chức. Nhưng rất tiếc, hắn lại là người của Việt Minh. Những thất bại liên tiếp của quân đội Mẫu quốc gần đây là có bàn tay hắn và có cả sự tiếp tay vô tình của em. Nếu bắt hắn thì chính anh cũng phải ra hầu toà án binh. Thông minh như em, không nói chắc em cũng hiểu cái chết của hắn là do đạn từ phía bên nào. Thực lòng anh vẫn tiếc và thương cho hắn. Nhưng anh là quân nhân,  anh có nhiệm vụ phải trung thành với quân đội và Tổ quốc mình. Trả giá cho cái chết, hắn sẽ  được tuyên dương là người hùng của quân đội Quốc gia. Riêng về em, bây giờ  phải về Hà Nội. Anh đã  mua nhà, em hãy chọn một nghề gì đó kiếm sống. Anh sẽ về thăm mỗi khi có dịp. Giờ không cần nói gì, cứ suy nghĩ vài ngày rồi trả lời anh.
   Nói rồi, Fouché đứng dậy cầm cây sáo mông đưa lên miệng. Tiếng sáo lại gồ ghề, khấp khểnh như núi rừng Tây Bắc.
   Cứ nghĩ đơn giản Fouché chỉ là một gã chơi bời đam mê nghệ thuật. Bây giờ mới thấy ông ta cũng là một nhà quân sự lão luyện, thâm sâu. Chẳng có cuộc họp chi bộ nào cả,Thào Sếnh đã bị sập bẫy. Không những thế, cấp trên trực tiếp của Thào Sếnh là cụ chánh tổng Trùm Mun cũng  bị Fouché cho bắt về tạm giam dưới tỉnh chờ ngày ra toà. Duy chỉ còn Hà Văn Thành là con cá săn sắt được thả để lộ diện con cá rô Trùm Mun. Rõ thật là nham hiểm và tinh quái. Tự nhiên Sín Lủ thấy lợm giọng, thấy tanh nồng những máu me, khét lẹt những lửa đạn khi phải nghe tiếng sáo của Fouché. Tai nàng ù đi, choáng váng…
   Mấy ngày sau, hết giờ làm việc, từ đồn quay về nhà. Không thấy Sín Lủ đâu, Fouché vào buồng ngủ thấy một mảnh giấy đặt ngay ngắn trên bàn phấn của Sín Lủ:
  Kính gửi Benjamin Fouché!
    Xin phép từ bây giờ được gọi là ngài thiếu tá Fouché. Thưa ngài! Sín Lủ đã làm được nhiều việc cho gia đình, cho xóm bản là nhờ từ ngài. Ngài cũng là người rộng lượng, hào hoa và có lòng vị tha  đáng kính trọng. Về cá nhân, Sín Lủ rất biết ơn ngài. Tuy nhiên, như ngài đã nói, ngài có nhiệm vụ trung thành với quân đội và Tổ quốc của ngài. Sín Lủ cũng có quê hương và rất yêu quê hương. Vậy, cũng như ngài, Sín Lủ phải có trách nhiệm trung thành với làng bản, quê hương mình. Sín Lủ không thể theo ý ngài về Hà Nội được. Sín Lủ phải ở lại quê hương mình thôi. Khi ngài đọc những dòng chữ này thì Sín Lủ đang đi trên con đường mà Sín Lủ đã chọn. Tuy nhiên, ngài vẫn có thể gặp được Sín Lủ lần cuối cùng, đồng thời cũng là để ngài tiếp tục làm nốt một số việc nhằm đảm bảo bí mật như những gì bí mật mà ngài đã từng làm. Ngài nhìn thấy chỗ nào có hình bông hoa đào năm cánh được vẽ bằng son môi thì đi theo nó. Cần phải giải thích để ngài hiểu thêm, đối với những cái họ của người H,Mông, đều có những linh vật tương ứng, ví dụ như họ Sùng là con gấu, họ Giàng là con dê… còn họ Thào là bông hoa đào…
                                                                                                        Vĩnh biệt!
                                                                                                    Sín Lủ                                                                                                                                        
2.
   Sau năm 1955, đoàn Khảo sát của Bộ Canh Nông về Mường Kịt làm đề án thành lập và xây dựng các Nông, Lâm trường Quốc doanh. Đoàn được chính quyền địa phương bố trí ở  khu vực sân bay Đồng Thân. Ở đấy còn một số căn nhà làm trại lính, nhà điều hành sân bay và một dãy nhà khu gia binh đang bỏ không. Đội Thiết kế của Nguyễn Thế Vĩnh được bố trí ở tại khu gia binh.
   Đội Thiết kế cần tuyển một số người địa phương thông thạo địa hình. Được sự đồng ý của đoàn trưởng, Vĩnh đến Uỷ ban hành chính xã đặt vấn đề xin người. Vĩnh được bố trí làm việc trực tiếp với đồng chí chủ tịch:
   - Báo cáo đồng chí chủ tịch xã, Đoàn chúng tôi cần tuyển dụng khoảng ba người là thanh niên địa phương có đủ sức khoẻ làm việc cho đội Thiết kế. Nếu có trình độ học vấn cao càng tốt, còn không thì cũng phải biết đọc, biết viết và làm những con tính thông thường.
   - Chúng tôi đang phải lo tập trung xóa mù chữ, ngay như tôi đây cũng mới chỉ biết đọc, biết viết mà đôi lúc còn phải đánh vần. Lấy đâu ra lắm người nhiều chữ thể
   - Cũng có đấy bác ạ! – Một bác chừng tuổi trung niên đang rít dở điếu thuốc lào nói xen vào.
   - Là ai thế?
   - Thằng Thào A Lếnh và Giàng A Trư chẳng đã học hết “đít lôm” rồi hay sao?
   - Nhắc gì đến hai thằng ấy. Gia đình chúng nó thuộc diện gia đình nguỵ quân, anh chị chúng nó là lũ phản động. Ngay cả bây giờ dân quân du kích vẫn còn phải để mắt theo dõi chứ đừng nói cho nó chui vào cơ quan Nhà nước để chúng phá hoại à.
   Việc tìm người không thành. Đoàn trưởng cho phép đội của Vĩnh thuê người dẫn đường theo nhu cầu của từng ngày làm việc. Ngay từ ngày đầu, nhóm của Vĩnh có một cô thanh nữ người H,Mông  tự xưng tên là Thào Nhếnh xin đi dẫn đường. Thào Nhếnh không những thông thạo núi đồi, khe rạch mà cô còn tỏ ra rất thông minh. Những khi nhóm ngồi nghỉ, cô còn có khả năng tư vấn để Vĩnh phác thảo sơ đồ địa hình toàn khu vực. Có cô, nhóm của Vĩnh làm việc với một tiến độ nhanh và chính xác hơn các nhóm khác. Cả nhóm ai cũng mến cô. Riêng Vĩnh hôm nào không gặp cô  lại thấy nhớ, hình như có cái gì  gần gũi, gắn bó lắm…
   Bấy giờ muốn đo đếm một diện tích rừng nào đó, người ta phải đạc lần rồi về vẽ ra giấy ô ly để tính diện tích. Một lần làm nội nghiệp, thấy có một lô sự sai số lớn quá mức cho phép, theo nguyên tắc thì cả tổ phải đi đạc lại. Thào Nhếnh bảo: “Em biết các anh bị sai ở chỗ nào rồi. Chỉ cần anh Vĩnh đi cùng em đến chỗ ấy em sẽ chỉ cho”. Hai người  lên rừng theo đường tuyến đã được phát dọn. Đến đoạn  giao điểm giữa con suối Khắc và con suối Thúc thì  Thào Nhếnh nói với Vĩnh: “Các anh bị sai phương vị ở điểm này đây”. Vĩnh kiểm tra lại số liệu thấy đúng như lời Thào Nhếnh nói. Vĩnh hỏi:
   - Tại làm sao em lại biết các anh bị sai ở điểm này?
   - Lúc ấy em đứng gần máy ngắm, thấy kim la bàn chỉ góc 75 độ nhưng anh Tĩnh lại đọc thành 105 độ.
   - Thế là cậu ta hoa mắt đọc ngược rồi. À, nhưng mà sao em bảo không biết chữ mà lại đọc được cả phương vị la bàn?
   - Không biết chữ nhưng em biết số.
   - Cũng có lý. Nhưng anh vẫn thấy thế nào ấy, không biết chữ nhưng nói năng như người có học. Hình như em không nói thật.
   - Thôi đi mà, xuống suối ngồi nghỉ rồi em sẽ kể cho anh nghe về nhà em.
    Hai người lội ngược lên một đoạn theo dòng suối Khắc, chặt mấy tàu lá chuối, chọn một bãi đá cuội dải ra ngồi. Thào Nhếnh gỡ búi tóc trên đầu, Pờ ló ho không cần độn thêm tóc bởi cô có mái tóc dầy xoả xuống dài quá cả khoeo chân. Vĩnh chỉ còn biết ngồi im ngắm cô chải tóc. Thế rồi Thào Nhếnh búi lại mái tóc theo kiểu người Kinh. Trong khi xoay vần ống cơm lam trên ngọn lửa phập phồng, Thào Nhếnh kể cho Vĩnh nghe chuyện của chị Sín Lủ và anh trai mình là Thào Sếnh…
 …Sau khi Thào Sếnh chết thì chị Sín Lủ cũng ăn lá ngón tự tử.  Bây giờ, chị Sín Lủ thì bản làng coi như là bà đầm đã theo chồng người Tây sang Pháp hoặc biệt tích về Hà Nội. Anh Thào Sếnh thì bị coi là một nguỵ quân nguy hiểm.  Rất khổ cho những người còn lại của hai gia đình ấy, mang tiếng là gia đình của kẻ phản quốc. Chị Sín Lủ thì thôi chẳng nói làm gì. Nhưng còn anh Thào Sếnh thì oan khuất quá. Thành tích của anh đối với kháng chiến không nhỏ, nhưng ai chứng minh được điều ấy? Cụ Trùm Mun thì đã bị toà án Thực dân xử tội tử hình. Bây giờ chỉ còn hai người có thể minh oan cho anh Thào Sếnh, đó là Benjamin Fouché và Hà Văn Thành. Fouché ở mãi tận bên Pháp, là người của phía bên kia, dẫu có tìm được thì cũng chả ai tin. Còn lại Hà Văn Thành chỉ biết tên là thế chứ quê quán cũng chẳng biết ở đâu. Vào bộ đội chính quy, tiếp tục đi chiến đấu, bây giờ biết còn hay mất…Nước mắt lưng tròng, đôi vai Thào Nhếnh rung lên, cô gục đầu ôm gối nức nở. Vĩnh cũng mềm nhũn cả người, câu chuyện đã động đến lòng trắc ẩn sâu thẳm tận tâm can. Bất giác, anh ôm lấy vai Thào Nhếnh, an ủi, vỗ về…
 Khi cơn xúc động tạm thời dịu xuống, Thào Nhếnh ngẩng lên mở to đôi mắt trong suốt nhìn thẳng vào mắt Vĩnh:
   - Anh Vĩnh, anh là người có học, có vị trí trong xã hội lại được đi nhiều, biết nhiều. Anh có thể giúp em tìm ra  Hà Văn Thành để minh oan cho anh Thào Sếnh được không?
   - Biết rằng việc này rất khó, nhưng anh xin thề với em, còn sống ngày nào anh sẽ hết sức cố gắng giúp em tìm ra anh Thành.
   - Ôi! Em phải mang ơn anh nhiều lắm!
Thào Nhếnh ôm chầm lấy Vĩnh, cô hôn liên tiếp vào đầu, vào tóc, vào tai cuồng nhiệt vừa như một đứa em gái với anh trai, vừa như là một người yêu say đắm…
      Mãi đến tận gần trưa ngày hôm sau, đội thiết kế mới tìm thấy đội trưởng Nguyễn Thế Vĩnh nằm bên bờ suối Khắc. Mọi người hoảng hốt cả lên vì nghĩ anh bị cảm, nhưng sau khi vốc nước suối rửa mặt, Vĩnh trở lại hoàn toàn bình thường. Anh bảo;
    - Tôi nhớ rõ là chiều qua, tôi cùng Thào Nhếnh ăn cơm lam ở đây, ăn xong Thào Nhếnh về nhà cô ấy, còn tôi vẫn ngủ tại cái giường ở phòng tôi.
   - Thì chúng tôi cùng với anh đang đứng trên bờ suối Khắc. Rõ ràng là đêm qua anh đã ngủ cùng Thào Nhếnh ở đây.
   - Vớ vẩn, thế cô ấy đâu rồi?
   - Anh phải hỏi anh chứ, sao lại hỏi chúng tôi?
  Sự việc của Vĩnh trở nên rắc rối. Người ta quy anh vào khuyết điểm hủ hoá, bị đình chỉ công tác và ngồi viết kiểm điểm. Nhưng rồi cũng kể từ hôm ấy, bặt tăm không thấy Thào Nhếnh đâu nữa. Đoàn khảo sát cho người đi làm việc với xã, với các bản cũng không tìm thấy cô gái nào có tên là Thào Nhếnh. Căn cứ vào bản tường trình của Vĩnh, người ta lại nghi ngờ rằng cái cô Thào Nhếnh nào đó là gián điệp, đang được cài cắm để phá hoại công cuộc xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, hiện đang còn ẩn náu đâu đây. Một cuộc truy lùng được tiến hành, người ta đi khắp bờ bụi, khe suối, hang hốc quanh vùng. Nhà cửa cũng được xem xét lại kỹ lưỡng, đặc biệt là phòng của Vĩnh, mặc dù đã là đảng viên nhưng trong vụ việc này vẫn là đối tượng bị nghi vấn. Trên trần nhà trong phòng Vĩnh có một cái lỗ hình vuông là lối để trèo lên kiểm tra trần và mái nhà, bên mép lỗ thấy có hình một bông hoa đào năm cánh kiểu như được vẽ từ một thỏi son môi. Người ta cho rằng đây là một ám hiệu đáng nghi vấn, có thể Thào Nhếnh đang ẩn náu trên đó. Thế là một phương án tác chiến truy bắt đối tượng được vạch ra. Tự vệ của đoàn Khảo sát phối hợp với dân quân xã, có bao nhiêu khẩu súng được huy động sử dụng hết. Người ta cho bắc một cái thang tre ghếch lên miệng lỗ rồi dùng loa điện kêu gọi đối tượng ra tự thú để được hưởng chế độ khoan hồng. Nhưng cho gọi nhiều lần mà trên trần nhà vẫn không thấy động tĩnh gì. Thế là lại tới lúc cần đến tinh thần dũng cảm, không sợ hy sinh của các dân quân, tự vệ. Có vài người xung phong leo lên trước. Trong tư thế súng đã lên nòng, sẵn sàng nhả đạn nếu tên gián điệp ngoan cố chống cự. Nhưng mấy người này cứ trèo gần đến cái lỗ, người thì bị trẹo chân, người thì bị dính rằm tre, thậm chí có người còn bị té ngã. Lúc ấy người ta mới nghĩ đến việc yêu cầu Vĩnh trèo lên trước. Có thể vì không phải đeo súng, dành cả hai tay nắm vào các bậc thang, hoặc cũng có thể vì một yếu tố tâm linh gì đó, Vĩnh đã không bị ngã và trèo được lên trần nhà một cách dễ dàng. Sau khi Vĩnh đã đứng ở trên trần nhà thì những người có chức trách khác cũng nhanh nhẹn trèo lên. Trong tư thế lom khom, dưới  ánh sáng mờ mờ của căn gác sép, người ta nhìn thấy có một khối gì đó dài dài, đen đen nằm ở khoảng giữa trần nhà, xung quanh mạng nhện chăng dầy. Khi đến gần, người ta mới nhận ra đấy là một cái quan tài được gắn kết, bịt bọc rất cẩn thận.
    Tất nhiên, các thủ tục về hành chính để xử lý vụ việc người ta đã làm rất đúng quy định. Chỉ biết, theo biên bản của bên pháp y thì trong cái quan tài ấy có một  bộ hài cốt của người phụ nữ với mái tóc dài gần chấm gót chân và một cái đèn ló sử dụng nguồn điện bằng pin.
 
                                                                                                        Cầm Sơn
 
Nếu ngại đọc, bạn có thể nghe qua chương trình “Đọc truyện đêm khuya” của Đài Tiếng nói Việt Nam theo đường dẫn sau:
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)