bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 25
Trong ngày: 164
Trong tuần: 1150
Lượt truy cập: 783943

GIỌT GIỌT ĐÊM HÀ NỘI

Thanh Nguyên
 
"GIỌT GIỌT ĐÊM HÀ NỘI" RU CHO TÂM TA THỨC
 
   Trong dịp kỷ niệm 70 năm, ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo, Hội Viên Hội Nhà Văn Việt Nam, Hội Viên Hội Nhà Văn Hà Nội đã gửi tặng tôi tập Trường ca "Giọt Giọt Đêm Hà Nội" do Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn Việt Nam ấn hành tháng 8/2024.
Với tư cách là một độc giả, tôi cầm trên tay "Giọt Giọt Đêm Hà Nội" đọc nhiều lần mà vẫn cứ say . Với nhiều nội dung lớn chia thành 12 chương, trong đó ngợi ca là điểm tựa cho những cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. "Giọt Giọt Đêm Hà Nội " , nhà thơ Phương Thảo đã gom vào đó đầy đặn dòng chảy lịch sử ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội, rất đậm đà chất sử thi. Ở đây, mọi cảm thức đều gắn liền với cái toàm thể của thời đại và của đời sống dân tộc, sáng lên diện mạo văn hoá, một thế giới riêng biệt của một Thủ Đô anh hùng, một Thành Phố Vì Hoà Bình, sáng ngời lương tri và phẩm giá con người, được quán chiếu như một điểm nhấn trong trường ca, để rồi được nhà thơ hết sức nâng niu và trân trọng.
 
   "Giọt Giọt Đêm Hà Nội", từ " Giọt" là đơn vị để chỉ một thể tích nhỏ. Nhưng "Giọt Giọt Đêm Hà Nội" thì lại không nhỏ. Đó chỉ là phép tu từ, ẩn dụ làm lạ hóa ngôn từ để cho trường ca cất cánh.
Cái không nhỏ ở đây tôi muốn nói đến phối cảnh của "Giọt Giọt Đêm Hà Nội". Ngoài chất hùng tráng, kì vĩ, cao cả trong cảm thức sử thi của tác giả, thì "Giọt Giọt Đêm Hà Nội" có xu hướng dịch chuyển sang khía cạnh trữ tình gắn với những mảng màu của Hà Nội thật sự đáng yêu, mà cái tôi trữ tình của nhà thơ trải lòng ở đó.
 
   Điều này các Nhà phê bình Văn Học đã viết rất hay khi giới thiệu cuốn sách này. Chẳng hạn, Nhà Văn Phùng Văn Khai nhận xét rất sâu trong bài "Tự Thinh Không vang ấm tiếng lòng người Hà Nội". Rồi, Nhà Giáo Nhà Thơ Nguyễn Thanh Tùng với bài "Bức Tranh Tây Hồ" trong "Giọt Giọt Đêm Hà Nội" còn cho rằng Phương Thảo đã phác hoạ Hồ Tây bằng bức tranh sơn mài với gam màu cổ kính, lãng đãng mơ màng, ngan ngát hương đưa. Tuy nhiên, trong trường ca này Hà Nội có tới hàng "nghìn nghìn giọt giọt đêm tan chảy" như thế. Bởi ở đó " hồn cốt Thăng Long trầm tích", có "Sông Hồng ngàn năm không tuổi", "từng qua bao phen giận giữ. Nước Sông Hồng thêm chát mặn, máu trộn mồ hôi nước mắt, .." để làm một chứng nhân lịch sử" về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ những "chứng nhân" ấy mà một thời quá vãng ta không bao giờ quên. Ở đó:
 z5798176451308_2d0f6af6d3e645d90699c035757a95f4
"Tiếng ngày xưa và cả tiếng hôm nay
Văn minh Sông Hồng thấm bề dày lịch sử
Hà Nội ngàn năm nuôi ta lớn từng ngày"
(Sông Hồng kể chuyện)
 
   Nếu nói Trường ca là một thể loại thơ dài hơi, gom vào đó tính chất lịch sử to lớn của thời đại và mang hơi hướng sử thi, thì "Giọt Giọt Đêm Hà Nội", "tính chất lịch sử to lớn" và "hơi hướng sử thi" đều được ẩn trong cái nhẹ nhàng của phái nữ. Hơn thế tâm hồn của chị rất dễ xúc động nên chất anh hùng ca trong "Giọt Giọt Đêm Hà Nội" cũng được coi là nữ tính. Chẳng hạn "Anh Hùng Ca" trong "Tiếng Ngày Xưa" chị viết:
"Thăng Long còn đó ngàn năm
Chuông chùa Trấn Quốc, bóng rằm Hồ Tây
Vua Lý Công Uẩn về đây
Nhị hà soi bóng tháng ngày không quên."
 
   Cái "bóng" của "tháng ngày không quên" ấy chị gửi cả vào "Giọt Giọt Đêm Ca Trù". Và cả "nơi hồn thiêng tháp rùa" có rùa vàng nhận kiếm", cũng lẫn trong "tiếng sênh phách vang ngân gọi khát vọng hoà bình". Rồi, Hà Nội 12 ngày đêm bom rơi đạn nổ. Khâm thiên nát nhàu. Sao người vẫn cứ tìm nhau. Một cây đàn đáy lên màu khúc ca. Nỗi đau từ trẻ đến già. Phục sinh sự sống nở hoa từng ngày"
(Nghe trong đêm xưa tiếng đàn nương ứa máu)
Còn khi đứng trên "Cầu Long Biên Lịch Sử", nơi " Thăng Long chiến tích ngàn năm", câu chuyện 12 ngày đêm của Hà Nội năm 1972 ta lại được nghe "Sông Hồng Kể Chuyện":
"Mười hai ngày đêm
Tiếng bom Mĩ cày nát phố Khâm Thiên
Hà Nội không quên những tội ác cuồng điên
Đau thương uất hận chất chồng"
(Bài đã dẫn)
 
Nhưng, "Thủ Đô Anh Hùng" vẫn rực rỡ chiến công:
"Khi ta bắn rơi B52 của Mĩ
Những chàng trai cô gái Thủ Đô
Ánh mắt sáng và nụ cười rực rỡ
Súng trên vai sao vàng đầu mũ "
Góp phần cùng quân dân cả nước làm nên một "Điện Biên Phủ trên không lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu".
 
   Rồi, đọc đến  những tráng sĩ như "Adam Sông Hồng" "oằn mình nơi bãi giữa" để "trầm mình nơi mùa mùa lũ tràn về", mang trong mình "niềm ao ước trào dâng như nước" . Đội trời đạp đất, "trong nắng gió, cát bùn càng ao ước tự do" .
Đọc chương 3, "Ai Nhớ Những Năm 80", Nhà Thơ trong vai chủ thể trữ tình (Tôi) tạo cho chất thơ rất đằm thắm, giàu nữ tính như con người chị
"Tôi dắt con nhỏ lên xuồng tre chạy lụt
Phận người, lấm lem chân đất
Đàn bà đôi mươi, nông nổi vẫn cười.
Trên đầu mưa giăng lất phất."
"Hà Nội những năm 80 đói cơm rách áo. Người thành thị cũng phải trồng rau nuôi lợn, đan len,.. Nhưng lại rất dư dả tình người". "Người ta sẵn sàng giúp nhau qua cơn bĩ cực". Đám cưới trong những năm gian khó "áo dài mượn bạn, cùng lắm đi thuê", "chú rể đón dâu cũng bằng xe đạp", "xoang chậu nồi niêu,.. dùng làm quà cưới". Thế rồi cũng xong tất cả. "Vui duyên mới nhiệm vụ không quên".
 
   Ở chương VIII trong " Giọt Giọt Dương Cầm", Nhà Thơ lượn qua Hồ Tây, đi trên đường Nguyễn Đình Thi như nghe được dư âm của một thời "người Hà Nội đi kháng chiến chống thực dân Pháp" : "Hà Nội cháy. Khói lửa ngút trời. Sông Hồng réo. Hà Nội vùng đứng lên. Người ra đi đầu không ngoảnh lại. Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" ("Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi). Dư âm ấy chị nhắc lại để ta nhớ bản hùng ca của một thời quá vãng, mà ngày nay ở mỗi góc phố vẫn còn dấu ấn đâu dễ quên.
   Rồi, quên sao được "ký ức của 12 ngày đêm" "khi giặc Mĩ ném bom xuống Khâm Thiên" tháng 12/1972 chị nhớ đến nhà thơ Phan Vũ. Bài thơ "Hà Nội Phố" được Nhà Thơ Phan Vũ sáng tác tháng 12/1972 khi miền Bắc Việt Nam đang trong giai đoạn ác liệt của chiến tranh, không quân Mỹ đang leo thang đánh phá Hà Nội. Sau này Nhạc Sĩ Phú Quang phổ nhạc cho bài thơ này thành bài hát :"Em Ơi ! Hà Nội Phố" . Trong tiếng "Dương Cầm Reo", Nhà Thơ Phương Thảo như nghe được "Phan Vũ gọi hoài", nhắc chị không được quên một thời đau thương và oai hùng của Hà Nội, của dân tộc. Để rồi "mở ra một ngày mới", " đường phố mở ra một chân trời". ( Dương Cầm Sáng).
 
   Viết về "Anh Hùng Ca" Nhà Thơ Phương Thảo cho ta nghe bằng "Tiếng dương cầm thánh thót rơi trong đêm Hà Nội". Trong tiếng dương cầm có màu "tím", có ánh "sáng", có ánh "nắng" và có cả ánh "trăng",... Đúng là một bản anh hùng ca cách mạng. Chất lãng mạn cách mạng đã làm tăng sức vóc của bản anh hùng ca, làm cho hình hài và âm vang của nó vòi vọi như tầm vóc của lịch sử Hà Nội và dân tộc. Ngay cả khi nhìn cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nhà thơ đã coi đó là "chứng nhân của lịch sử đang còn sống". Đi qua Phố Nhà Binh trong tâm thức của chị sao quên được Lý Nam Đế. Nhìn "Bóng cây cơm nguội vàng" liền nhớ đến Trần Nhân Tông. Đúng như chị miêu tả, "những chuyện cũ xưa" là những "mê đắm không bao giờ cũ" (Khúc Giao Mùa)
"Thăng Long còn đó ngàn năm
Chuông chùa Trấn Quốc, bóng rằm Hồ Tây
Vua Lý Công Uẩn về đây
Nhị Hà soi bóng tháng ngày không quên".
Cái "bóng" của "tháng ngày không quên" ấy, chị gửi cả vào "Giọt Giọt Đêm Ca Trù", và cả nơi hồn thiêng Tháp Rùa "có rùa vàng nhận kiếm" cũng lẫn trong "tiếng sênh phách vang ngân gọi khát vọng hoà bình". Rồi, Hà Nội 12 ngày đêm bom rơi đạn nổ", "Khâm Thiên nát nhàu" "sao người vẫn cứ tìm nhau. Một cây đàn đáy lên màu khúc ca. Nỗi đau từ trẻ đến già. Phục sinh sự sống nở hoa từng ngày". (Nghe trong đêm xưa tiếng đàn nương ứa máu ). Còn khi đứng trên "Cầu Long Biên Lịch Sử", nơi "Thăng Long chiến tích ngàn năm", câu chuyện 12 ngày đêm của Hà Nội năm 1972 ta lại được nghe "Sông Hồng kể chuyện".
 
  Đó là cách thể hiện của Nhà Thơ Phương Thảo về các sự kiện lịch sử của Hà Nội. Hay là ở đó. Cái đẹp của cuộc sống trong trường ca của chị đã được chị khám phá một cách nghệ thuật theo quy luật của cái đẹp. Trường ca "Giọt Giọt Đêm Hà Nội" của Nhà Thơ Phương Thảo ta có thể quán chiếu từ lý thuyết này. Có lẽ vì thế nhà thơ ngẫm về sự đổi thay, về sự an nhiên và tận hiến cho hạnh phúc mỗi ngày rất chuẩn mực. Theo Phật Giáo, hạnh phúc là cuộc sống an nhiên, an lạc ngay trong thực tại. Nó vốn dĩ là tính tự nhiên có sẵn trong mỗi người chúng ta, nhưng không ai giống ai. Với Phương Thảo, hạnh phúc của chị là khao khát "một thủ đô xanh như em khát anh, Hà Nội mãi tươi xanh như tình em có anh", chị chỉ mong muốn "thành một chiếc lá. Chiếc lá mềm, chiếc lá xanh rụng khẽ xuống môi mùa." Hiếm có một người yêu Hà Nội đến thế. Tình yêu của chị đúng là máu thịt. Yêu tới mức " Hà Nội như người yêu suốt đời. Cho ta sự dâng hiến tận tụy mà không chờ đền đáp". (Chương XI, "Mắt đêm mở ra ánh sáng"). Với chị, hạnh phúc là "cho", "cho" đi mang lại cảm giác an yên và lưu giữ được những giá trị quý giá còn mãi trong cuộc đời.
 
  Mới đây thôi, tháng 9/2024, tôi viết bài: "Những Búp Gió Tây Hồ ấm áp tiếng lòng người viết về Hà Nội" đăng trên facebook sau khi tôi đọc cuốn sách "Những Búp Gió Tây Hồ" của Nhà Thơ Phương Thảo. Trong bài viết có một khía cạnh tôi để cập, đó là: "Đối diện với thiên nhiên và con người Hà Nội, Nhà Thơ Phương Thảo không vô tâm. Chị đã đạt được trạng thái tinh thần minh mẫn và cảm xúc bình tĩnh, ổn định như bản chất Thiền của Đạo Phật. Điều mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông cho rằng: " Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền" ( Đối cảnh mà vô tâm thì đừng hỏi đến Thiền mà làm gì). Nay đọc "Giọt Giọt Đêm Hà Nội", chữ Thiền chị bộc lộ rõ hơn. Trong bài "Hoa Thiền trong lặng im" viết về hoa súng có đoạn:
"Một bông hoa tím biếc
Nở thẫm trong vườn nhà
Bàn tay vừa liền lại
Năm ngón hiền như hoa".
 
  Phật Giáo cho rằng, hoa súng và hoa sen tượng trưng cho sự giác ngộ. Hoa súng còn biểu thị cho tình yêu và niềm đam mê, được coi là hoa của trái tim. Có lẽ vì thế Nhà Thơ đã kết bài thơ "Hoa Thiền trong lặng im" bằng bốn câu:
"Vui, nhìn nhau là hiểu
Buồn, đau bạn, đau ta
Phút có nhau hoạn nạn
Thủy chung đến lúc già."
 
  Rồi, trong bài "Sen đã nở trong chiếc bình gốm cũ ", chữ Thiền cũng được nhắc lại:
"Dẫu biết khi đã nở là khi hoa đã tàn
Sen vẫn nức nở thơm khi Thiền toạ trong bình
Chiếc bình của chúng sinh
Chắc sen biết em buồn nên phai nhạt sắc hương."
  Phật Giáo đặc biệt cho rằng, mọi chúng sinh đều có "Phật tính". Nhà Thơ Phạm Thị Phương Thảo Thiền bằng cái "Tâm bất biến trong dòng đời vạn biến" của nhà Phật. Đồng thời hiểu sự vật đến tận cùng bằng cái "tâm tĩnh" để quán chiếu cái động. Điều này được thể hiện trong bài viết về "Rừng cây và đời người":
"Rồi một ngày
Cây héo khô và dần tàn lụi
Giống như đời người
Khi lá rụng biết tìm về nguồn cội
Đời cây cũng như đời người, vô thường, dài ngắn và hữu hạn làm sao."
 
  Ở đây như có sự tiếc nuối về số phận con người. Và, cũng không phải ai cũng "dĩ chúng tâm vi kì tâm" như Phật, tức là lấy cái "muốn" của thiên hạ làm cái "muốn" của mình. Nhưng trong "Rừng cây và đời người", trước cái hữu hạn của đời người chị muốn con người cũng phải như cây. "Cây dạy ta biết sống để tươi xanh, biết đón bình minh mỗi ngày. Biết chấp nhận gian khó. Biết hứng mưa khi khô khát, biết đứng vững khi bão gió, có khi biết reo hát và lấp lánh khi nắng lên". Đó là cái "muốn" nhân văn nhân ái đã được quán chiếu trong tư duy nghệ thuật của Nhà Thơ Phương Thảo.
 
  Ở chương VIII viết về "Mùa Mùa Trôi Qua Phố", "trong mơ hồ về tháng chạp" Nhà Thơ Phương Thảo nhắc đến "sắc sắc không không". Theo đạo Phật mọi vật do sự biến đổi mà sinh ra.
Thân thể của chúng ta hay của vạn vật là "sắc", chỉ có tạm trong một thời gian sống, sau đó chết đi trở thành "không". Mùa đại dịch Covid cách đây mấy năm là sự ám ảnh đối với chị. Nhưng giữa mùa đại dịch chết chóc vẫn có một "người ra phố cùng thơ" để vẽ:
"Vẽ những nét vụng về nham nhở
Hoa đồng nội nhẹ bay trong chiều gió
Những dịu dàng, lên hương của cỏ cây hoa lá
Những gương mặt dấu yêu, những chùm lá mát xanh
Người và lá bất ngờ thức dậy
Cùng bước ra đi trên phố mát lành"
(Vẽ trong mùa Covid)
  Nhà Thơ gạt sang bên cái "không" tìm lại cái "sắc" cho sự sống sau mùa đại dịch bằng nét vẽ giàu lòng nhân ái. Điều đó chứng tỏ chị cảm thức về đạo phật bằng sự "minh triết" chứ không mơ hồ. Trong bài "Hoàng hôn cháy" của chương VIII "Mùa mùa trôi qua phố" chị viết:
"Vẻ đẹp minh triết của sự giao hòa bừng lên trước sự mê hoặc của ánh sáng và bóng tối."
  Phật Giáo coi "mê hoặc" là sự vô minh . Ở đây Nhà Thơ Phương Thảo cho rằng, sự vô minh không thể che lấp được cái đẹp của sự "minh triết". Cái đẹp đó, đặc biệt nhà thơ đưa ta đến với sen.
 
Trong Trường ca "Giotj Giọt Đêm Hà Nội", đề tài sen được coi là môt trong những điểm nhấn của bức tranh đa sắc màu về Hà Nội. Ở chương IX " Giấc Sen Chạm Gót Tây Hồ", trong "Bóng Sen Đêm", Nhà Thơ Phạm Thị Phương Thảo viết:
"Sen âm thầm tỏa hương
Vệt bùn đen thơm lên lấp lánh,
Phải chăng sự an nhiên đã cho người giác ngộ"?
Phật Giáo cho rằng "an" có nghĩa là bình an, yên tĩnh không cạnh tranh, "nhiên" là không gượng ép, mọi thứ xảy ra theo tự nhiên. An nhiên chính là nói về trạng thái tâm hồn ung dung tự tại, không lo nghĩ, không ưu phiền. Còn "giác ngộ" theo Phật Giáo là thấu hiểu bốn chân lý gọi là "tứ diệu đế" gồm "khổ đế", " tập đế", "diệt đế", và "đạo đế", đồng thời loại trừ những phiền não trong tâm. Trong "tứ diệu đế" của giác ngộ quan trọng nhất là "đạo đế". Tức là con đường tu hành để diệt trừ khố đau, đi đến cảnh giới, đạt sự giải thoát và an lạc.
 
  Vẻ đẹp của sen trong " Giọt Giọt Đêm Hà Nội" càng đọc càng thấy như mình lạc vào cõi mộng. "Sen là bùa mê. Thảo thơm gọi gió. Bước chân mùa về. Nhân gian kiếp cỏ" (Giấc sen còn thổi đêm ngày). Rồi, "Đêm sen bỡ ngỡ. Đôi toà dâng hương. Cánh sen hé mở. Giây phút vô thường". (Nụ đêm). Rồi, "Đêm xanh mở đóa vô thường. Sen bần bật gió nõn nường đóa trăng" (Sen muộn). Rồi, "Gặp nhau giây phút vô thường. Áo sen mỏng mảnh, nõn nường thịt da" (Mơ sen).
Vẻ đẹp của sen nhà thơ đã gắn vào cái "vô thường" một trong những giáo lý căn bản của Phật Giáo. Đó là mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ không đứng yên mà luôn biến đổi. Miêu tả vẻ đẹp của sen ngần ấy vẫn chưa đủ. Chị vẽ. Vốn chị cũng là hoạ sĩ. Nhưng đứng trước:
"Những sắc màu ma mị
Tự thấy mình bất lực trước sen
Trước cái đẹp ẩn mình
Cây cọ vụng về không sao diễn tả"
(Thiên nga dạo gót đầm xanh).
 
Ở chương XI, "Mắt Đêm Mở Ra Ánh Sáng" trong bài "Độc Ẩm Sen" chị viết:
"Nâng lên ly trà thơm
Tự quán chiếu mình
Rót cho nguôi nỗi nhớ mùa sinh".
  Theo Đạo Phật "quán chiếu" là tham Thiền, suy sét mà chiếu thấy, cao hơn là đạt tới mức trí tuệ chân thật. Còn "mùa sinh" là mùa Phật Đản. Phật sinh vào ngày 8/4 âm lịch. Mùa sen cũng bắt đầu từ tháng 4. Và, có một điều chắc chắn ít người biết nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo tác giả trường ca "Giọt Giọt Đêm Hà Nội" cũng sinh vào tháng 4. Tiết lộ điều này tôi muốn để bạn đọc hiểu thêm về một con người yêu sen đến mức "Sen có ở trong tôi. Tôi có ở trong sen. Sen thơm từ bùn đen. Dâng tinh túy cho đời" như chị nói. (Bóng sen đêm). Đồng thời cũng để cắt nghĩa vì sao trong con người nhà thơ lại rất giàu "Phật tính" đến thế. Bởi vì theo truyền thuyết, hoa sen không phải là thứ hoa nơi trần thế mà bắt nguồn từ thiên thượng, là biểu tượng thanh tịnh của cõi Phật và cũng là biểu tượng cho nghệ thuật Phật giáo ở Phương Đông. Viết về sen Nhà Thơ Phạm Thị Phương Thảo dường như rất nhạy cảm với thiên hướng nghệ thuật này. Đó là bản chất thanh tịnh sáng suốt và từ bi có sẵn trong con người chị.
 
  Trường ca "Giọt Giọt Đêm Hà Nội" Nhà Thơ Phạm Thị Phương Thảo dành riêng hai bài dài viết về Sông Hồng. Một bài mở đầu cho tập trường ca, đó là bài "Sông Hồng kể chuyện". Trong bài này, Sông Hồng như một bức tranh đủ các gam màu về cái đẹp của dòng sông và Hà Nội chảy dài trong lịch sử hàng ngàn năm. Ở đó có "Thăng Long cổ xưa không cũ", có "hồn cốt Thăng Long trầm tích", có "Giọt giọt đêm là giọt giọt ca trù", có "phố sông Tô" và sâu thẳm là "Sông sông mùa mùa vẫn chảy. Mang theo da diết ân tình". Đó là vẻ đẹp của dòng sông, để mà yêu Sông Hồng, yêu Hà Nội hơn thế, "trong nắng gió cát bùn càng mơ ước tự do."Bài thứ hai cũng là bài kết của tập trường ca này. Đó là bài "Một Đời Sông Là Muôn Vạn Kiếp Người". Bài đầu là "Sông Hồng Kể Chuyện" còn trong bài này là "kể chuyện Sông Hồng. "
"Tôi bay dọc triền sông trên đôi cánh thi ca
Nghe bao ngọn gió thiêng đang kể chuyện Sông Hồng."
 
  Ở đó "có huyền tích cha ông, nơi mảnh đất Thăng Long. Lịch sử còn ghi mãi. Sự tích của tiên rồng". Ở đó " nơi bậc nhất Kinh Kỳ. Vững chãi thành Đại La. Lý Công Uẩn rời đô. Người làm nên lịch sử" ; Ở đó "biết bao cuộc giao tranh. Chống giặc ngoại xâm phương Bắc. Nơi đẫm những máu xương. Của đàn con dân Việt"; Ở đó, "những kiếp đời cần lao. Đang ngày đêm cống hiến. Bao thăng trầm hiển hiện". Và có cả "một Hà Nội xa xưa. Đẹp cùng bao truyền thuyết. Một Hà Nội bây giờ hội nhập cùng thế giới. "Viết về Sông Hồng như là cái "duyên" của chị. Chị trải lòng từ đầu sông tới cuối sông để đi tìm triết lý của dòng sông. Chị "lắng nghe Sông Hồng thở" mà cảm nhận được dòng chảy của sông vào lòng "rì rào như tiếng mẹ". " Sông Hồng cười khóc trong tôi", "sông chảy vào tôi ào ạt dòng lịch sử, như Tổ Quốc khắc vào tim tôi máu ứa"... Chị cảm nhận như vậy. Để rồi, trên đôi cánh thi ca của chị " Sông Hồng dâng mặn chát trang thơ", bởi "Một đời sông là muôn vạn kiếp người".
 
  Với tư cách người đọc, ở cái tuổi "bát thập dư" như tôi, chân chậm mắt mờ, trí nhớ không còn minh mẫn, nhưng đọc "Giọt Giọt Đêm Hà Nội" của Nhà Thơ Phương Thảo tôi như thấy mình từng giọt từng giọt cảm xúc vẫn còn dâng trào. Cái hay của "Giọt Giọt Đêm Hà Nội" là ở đó. Tác phẩm đã cuốn hút được người đọc, tựa như lời ru đang ru cho tâm ta thức. Viết mà được người đọc yêu thích, thậm chí đam mê như thế không phải dễ đâu.
  Cảm ơn nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo đã tặng cho tôi sách. Chúc đôi cánh thi ca của chị bay cao bay xa.
 
                                                                       Ngày 8/12/2024
                                                                                  T.N
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)