Phạm Trọng Thanh
HAI BÀI THƠ HAY THẾ KỶ XIX
Trên đường thiên lý vào Nam ra Bắc, theo trục quốc lộ 1A, du khách có dịp ngắm đèo Hải Vân, một bên sừng sững núi cao mây trắng, một bên biển thẳm sóng xao giữa trập trùng miền Trung đất nước.
Vào năm Minh Mệnh nguyên niên (năm Canh Thìn, 1820), nhà vua cho tôn tạo cửa ải Hải Vân thành "Đệ Nhất hùng quan". Lên đèo mây, dừng bước trước Hải Vân quan, chúng ta không thể không nhắc đến những thi nhân từng một thuở làm người "hành dịch", trên đường công vụ vẫn đeo dây thao với "túi thơ, bầu rượu", trao lại cho hậu thế những bài thơ đặc sắc. Ở đây, xin được nói đến bài thơ Đường luật của nhà thơ miền Nam thế kỷ XIX: Cử nhân Huỳnh Mẫn Đạt.
LÊN ĐÈO HẢI VÂN
Đồi liễu ngàn mai cảnh quạnh hiu,
Chia hai Thuận, Quảng một con đèo.
Lá dòm mặt nước, cây mong lội,
Biển bọc chân non, sóng muốn trèo.
Mặt đất day ngang đường khuất khúc,
Sườn non dựng ngược đá cheo leo.
Vén mây muốn bước lên trên tót,
Đoái lại vầng trăng lẽo đẽo theo.
Huỳnh Mẫn Đạt
( Hợp tuyển Thơ Văn Việt Nam, 1958-1920
Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1984)
Huỳnh Mẫn Đạt người tỉnh Rạch Giá (có sách chép ông người làng Tân Hội, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định ). Ông sinh năm 1807, mất năm 1883. Huỳnh Mẫn Đạt thi hương đậu Cử nhân năm 1831, làm quan triều vua Tự Đức, đến chức Tuần phủ tỉnh An Giang (Châu Đốc). Khi thực dân Pháp chiếm đóng Nam Kỳ, tuy mới hơn năm mươi tuổi, ông xin về hưu, kiên quyết không hợp tác với địch. Học rộng, thơ hay, ông là bạn xướng hoạ với Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, giúp Bùi Hữu Nghĩa trong việc soạn bản tuồng “Kim Thạch kỳ duyên”. Cùng với Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nam Kỳ, Huỳnh Mẫn Đạt dùng ngòi bút vạch mặt bọn tay sai thực dân, ca tụng những chiến công của nghĩa quân chống Pháp. Ông là tác giả những lời thơ hùng tráng khen ngợi Nguyễn Trung Trực nhân việc đốt "tàu đồng" của Pháp ở Nhật Tảo (trận đánh ngày 10-12-1861, đốt cháy và đánh chìm tiểu pháo hạm Espérance, tiêu diệt 37 địch) và đánh Pháp ở Kiên Giang: “Hoả hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”.
Lên đèo Hải Vân là bài thơ được sáng tác khi đất nước còn yên ổn, tác giả là vị đường quan đương nhiệm. Câu phá đề mở ra cái nhìn tổng quan: Đồi liễu ngàn mai cảnh quạnh hiu, cho thấy tiết trời (thời gian) có vẻ như đang mùa khô, cây lá suốt dải rừng đèo chưa khởi sắc. Về "địa giới hành chính" (không gian), câu thừa đề miêu tả vị trí tự nhiên đèo Hải Vân ở nơi phân giới hai tỉnh Thuận Hoá, Quảng Nam ngày ấy: Chia hai Thuận, Quảng một con đèo. Thơ tôn vinh quyền uy ngự trị của Hải Vân đèo bằng hai từ "chia hai", cứ như "con đèo" được thay quyền tạo hoá mà phân định cương vực vậy.Tiếp theo, ngọn bút Huỳnh Mẫn Đạt đẩy lên đến độ thần tình trong hai câu thực:
Lá dòm mặt nước, cây mong lội
Biển bọc chân non, sóng muốn trèo...
Cảnh vật thật hồn nhiên đáng yêu. Đối tượng được phản ánh sinh động hẳn lên. Các "nhân vật trong thiên nhiên" khi được nhà thơ "nhân hoá" đều mang cá tính, đều có có tâm hồn. Lá chen nhau để được dòm mặt nước duềnh biển xanh màu ngọc bích. Cây mong lội qua ghềnh lô xô đá quầng, đá tảng, nơi biển cả thời gian mài giũa, sáng ngời sắc điệu trùng dương. Biển dặt dìu bọc lấy chân non để sóng dạt dào theo nhau từng lớp, sóng muốn trèo lên! Một Hải Vân hùng vĩ, nơi gặp gỡ, chốn giao tình của núi với biển, cây với nước, sóng với đèo...dưới trời mây bát ngát. Con đường sườn non được thi nhân đặc tả:
Mặt đất day ngang đường khuất khúc
Sườn non dựng ngược đá cheo leo
Đây là hai câu luận gân guốc,chắc thiệt: "day ngang" đối với "dựng ngược", "khuất khúc" đối cùng "cheo leo" - những chữ như bện vào đất, như tạc vào đá, khắc hoạ sự hiểm trở trên mỗi chặng đường đèo. Ở hai câu kết bài thơ, thi nhân sảng khoái đứng ở tầm cao Hải Vân nhìn bao quát non nước hữu tình bên làn mây mỏng buông xuống đỉnh đèo. Phía sau, một “vầng trăng lẽo đẽo” theo lên:
Vén mây muốn bước lên trên tót,
Đoái lại vầng trăng lẽo đẽo theo.
Một bài thơ viết bằng chữ Nôm thuần Việt, không mượn điển cố, không dùng một từ Hán nào. Ngôn ngữ trong sáng, thuần hậu, dùng chữ thật cao tay. Tác giả làm tươi lại những từ mang "hương vị" nguyên sơ: dòm (nhòm), day (xoay trở), đoái (tưởng đến, ngoảnh lại trông), tót ( trên cao...). Lên đèo Hải Vân, một bài thơ tuyệt bút của Huỳnh Mẫn Đạt, một thi phẩm toàn bích của văn học miền Nam thế kỷ XIX.
2- Ba lần qua Hải Vân
Trong tác phẩm thi ca của các danh sĩ triều vua Tự Đức còn lưu lại cho hậu thế, bài thơ Tam quá Hải Vân (Ba lần qua Hải Vân) của Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San (1840-1877) được nhiều người truyền tụng, chép cả nguyên văn chữ Hán để thưởng thức. Bài thơ lưu truyền từ thế kỷ XIX, nay lại có thêm những bức thư pháp in trên lụa, treo trang trọng trong thư phòng những gia đình nền nếp. Một "hiện tượng" yêu thơ của bạn đọc nhiều thế hệ "minh chứng" cho một bài thơ tuyệt bút vượt thời gian trên một thế kỷ qua.
Trần Bích San, tên hiệu là Mai Nham, ông sinh ngày 4 tháng Giêng năm Canh Tí (1840) tại Cổ Mai Trang, làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nay là ngôi nhà số 7, phố Bến Ngự, thành phố Nam Định. Ông là con cả cụ Phó bảng Trần Doãn Đạt, nổi tiếng thông minh từ thuở nhỏ, được cha rèn cặp, đến tuổi khoá sinh, ông theo học các vị danh sư quê nhà. Trần Bích San đi thi, đỗ Tú tài năm 1861, đỗ Giải nguyên trường thi Nam Định năm 1864; đỗ liền Hội nguyên, Đình nguyên năm 1865. Ông là vị "Tam nguyên liên trúng" duy nhất triều vua Tự Đức, được người đời truyền tụng hai câu: "Nhất cử đăng khoa thiên hạ hữu/ Tam nguyên liên trúng quốc triều vô", tôn vinh sự nghiệp khoa bảng của vị Tam nguyên tuổi trẻ tài cao.
Ông được bổ dụng làm Tu soạn viện Hàn lâm, sung chức Hành tẩu sổ Bí thư tòa Nội các, tham gia soạn sách Nhân sự kim giám. Những năm “hạ phóng” làm Tri phủ Thăng Bình, rồi Tri phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; làm Phó chủ khảo trường thi hương Thừa Thiên, bị giáng làm Tri phủ An Nhơn, Bình Định, ông đã mấy lần qua lại đèo Hải Vân. Năm 1869, được thăng Biện lý sự vụ bộ Hộ, rồi quyền Biện lý sự vụ bộ Lễ kiêm quản ty Thông chính, Ấn vụ viện Hàn lâm,Tham biện tòa Nội các năm 1870. Năm 1871, thăng Hồng lô tự khanh, được cử đi công cán ở Quảng Đông (Trung Quốc). Về nước sau 3 năm cư tang cha, năm 1874, vào triều, được thăng Thị lang bộ Lại, Tuần phủ Quảng Bình – Quảng Trị, rồi đổi làm Tuần phủ Hà Nội. Năm 1877, được trao chức Tham tri bộ Lễ, và được cử làm Chánh sứ sang Pháp, nhưng chưa kịp lên đường, ông ngộ bệnh mất tại Huế ngày 27 tháng 9 năm Đinh Sửu (8-11-1877). Vua Tự Đức vô cùng thương tiếc, có chỉ dụ và ban thơ ngự chế trong việc tổ chức lễ tang Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San, đưa linh cữu nhà thơ quá cố từ kinh đô Huế về quê nhà. Trần Bích San được tôn vinh là một nhà thơ yêu nước thời ấy. Ông để lại tập thơ chữ Hán Mai Nham thi thảo, trong đó có bài thơ nổi tiếng ghi lại việc ba lần qua đèo Hải Vân.
Phiên âm nguyên tác:
TAM QUÁ HẢI VÂN
Tam niên tam thướng Hải Vân đài,
Nhất điểu thân khinh độc vãng hồi.
Thảo thụ bán không đê nhật nguyệt,
Càn khôn chích nhỡn tiểu trần ai.
Văn phi sơn thuỷ vô kỳ khí,
Nhân bất phong sương vị lão tài.
Hưu đạo Tần quan chinh lộ hiểm,
Mã đầu hoa tận đới yên khai.
TRẦN BÍCH SAN
(Tam nguyên Trần Bích san – Cuộc đời và Tác phẩm
Hội Văn học Nghệ thuật Nam Hà -1994)
Dịch nghĩa:
Ba lần qua Hải Vân
Ba năm ba lần lên đèo Hải Vân,
Con chim thân nhẹ một mình qua lại.
Cây cỏ giữa tầng không, mặt trời mặt trăng đều dưới thấp,
Cả đất trời thu vào con mắt, cõi trần coi như nhỏ không.
Văn không có sơn thuỷ thì không có khí lạ,
Người chưa dãi dầu sương gió rèn chí luyện tài thì chưa thể già dặn.
Thôi đừng nói đường qua ải Tần là hiểm trở,
Nơi đầu ngựa, hoa đều đội mây mà nở.
Với nhiều người yêu thơ, Tam quá Hải Vân của Trần Bích San đáng được xem là "Đệ nhất hùng quan thi phẩm" viết về đèo Hải Vân.
Dịch thơ:
BA LẦN QUA HẢI VÂN
Ba năm ba chuyến vượt đèo,
Cánh chim qua lại nhẹ vèo biển mây.
Nhật nguyệt thấp, vút trời cây,
Cõi đời khoé mắt vơi đầy càn khôn.
Văn hay hùng khí nước non,
Người không sương gió đâu còn tài trai!
Ải Tần đừng nói chông gai,
Ngựa chen mây Hải Vân đài nở hoa.
Phạm Trọng Thanh dịch
----