Cầm Sơn
HAI LẦN ĐÀO NGŨ
Người đời thường nói “Sang, hèn do số”, không ít người cứ tự nhiên đùng đùng phất lên như “Diều gặp gió”. Ngay như Hoàng cũng vậy, đã từng dính cái án “Đào ngũ’ phải đi cải tạo lao động bắt buộc ba năm ở một lâm trường trên vùng núi phía Bắc, vậy mà bây giờ lại trở thành ông giám đốc một doanh nghiệp xây dựng có hạng. Ừ thì cứ cho là tại cái số nó đỏ đi, nhưng Hoàng chiêm nghiệm ra rằng cái câu “Linh tại ngã, bất linh tại ngã” mới hay, mới đúng, số má gì thì cũng vẫn là do mình mà nên, cứ nói “Số giàu trồng lau ra mía” rồi ngồi đấy mà chờ thì khác nào “Đại Lãn chờ sung”. Hết hạn cải tạo lao động bắt buộc, Hoàng xin ở lại làm công nhân lâm trường. Qua một năm, sau khi được biên chế chính thức, do gia đình nhà Hoàng có người làm việc trên tỉnh xin cho Hoàng được chuyển công tác về một huyện miền xuôi. Âu cũng là để dấu đi cái vết nhơ “Lao động bắt buộc”. Ở nơi công tác mới, Hoàng nghiễm nhiên là một anh cán bộ trẻ, có học vấn, có năng lực. Vốn tính cởi mở dễ gần lại biết lựa ý mọi người nên Hoàng nhanh chóng chiếm được cảm tình của mọi người trong cơ quan. Quan trọng nhất là Hoàng lại được vừa lòng các sếp do nhanh nhạy, hiểu ý và tận tuỵ với cấp trên. Cứ nói giời nói bể về đạo đức cách mạng, giao giảng khắp nơi trên diễn đàn về những tấm gương người tốt việc tốt…Nhưng rồi cứ thử phê bình về một khuyết điểm gì đấy của sếp trong một cuộc họp nào đó xem…Hoàng nhận ra, làm người ai chả thích được khen, được tâng bốc. Nếu làm sếp thì ai chả muốn được cấp dưới phục tùng một cách toàn diện vô điều kiện. Có điều muốn tâng bốc sếp cũng phải ý tứ, kín đáo, đừng để cho những kẻ ganh gét, đua chen khác lợi dụng mang ra đàm tiếu thì có khi lại hỏng việc. Hoàng được bố trí làm Phó Văn phòng, rồi sau một khoá bồi dưỡng cán bộ được đề bạt lên làm Chánh Văn phòng. Ở cương vị này, Hoàng lại càng có nhiều thời gian được gần sếp hơn. Công nhận sếp cũng khéo chọn người, chọn việc, đúng sở trường của Hoàng. Cái anh Chánh Văn phòng phải là người nhanh nhẹn, linh hoạt, hiểu ý sếp như tát nước gàu giai ấy chứ. Đặc biệt chỉ cần lườm qua sắc mặt sếp cũng đã biết mình nên làm gì, không nên làm gì. Có những việc ở cơ quan, đôi khi sếp không tiện nói ra nhưng Văn phòng nó lại làm đúng ý sếp muốn thì cái anh Chánh Văn phòng ấy quả là người có năng lực chứ còn sao nữa. Những việc về chuyên môn như soạn thảo văn bản, viết báo cáo, viết bài phát biểu cho sếp đi dự hội nghị này, hội nghị kia thì đã có Phó Văn phòng và các chuyên viên giúp việc. Việc của Hoàng chủ yếu trong lĩnh vực lễ tân, đi đây đi đó tháp tùng để lo lắng về đi đứng, sinh hoạt và giao tiếp của sếp. Sếp nào cũng có cá tính riêng, sở thích riêng mà chẳng ai giống ai, Hoàng chiều được hết. Có một thời kỳ rộ lên thú chơi cây cảnh, những thông tin về cây hàng tỷ đồng không chỉ là lời đồn thổi mà kể cả các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả những tờ báo có hạng cũng đăng tải ca ngợi nghệ nhân nọ, làng nghề kia cứ như là phát kiến về một mô hình kinh tế mới. Người ta còn tổ chức những cuộc triển lãm hoành tráng với quy mô toàn quốc để quảng bá những cây cảnh khủng có giá hàng vài chục tỷ đồng. Người ta nói thú chơi cây cảnh là một nét tao nhã của các đấng quân vương và lớp người quý phái từ thời xa xưa. Vậy thì ngày nay, ở khuôn viên cơ quan cũng phải có những cây cảnh, những tiểu cảnh có giá trị mới thể hiện được phong thái cao sang của người đứng đầu. Ấy là trong lúc trà dư tửu hậu những lời Hoàng đã ngon ngọt lọt vào tai sếp. Đương nhiên là việc này thuộc trách nhiệm Văn phòng. Thế là ở cơ quan người ta thấy xuất hiện những nghệ nhân cây cảnh, những nhà phong thuỷ đi lại chỉ trỏ, thiết kế tiểu cảnh. Nơi này là núi non bộ, nơi kia là đài phun nước, đèn chùm. Rồi các cây cối có hình dáng lạ do đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân uốn tỉa cầu kỳ được đưa tới. Người ta tán dương về bộ cây sung, Lộc, tuế được thể hiện giống như là ba ông phúc, lộc, thọ. Căn cứ vào hình dáng, người ta đặt cho cây sung cái tên “Long tiên xuất động”, cây lộc “Ngoạ hổ tàng sơn”, còn cây tuế là ”Lão nhân đa túc”. Nhà phong thuỷ còn bảo sếp của cơ quan mình tuổi rồng, mệnh thuỷ thì cái núi non bộ phải làm phía sau, còn phía trước làm cái đài bằng con rồng uốn lượn chín khúc rồi nhe nanh, há mồm phun nước trong ánh sáng đủ màu của chùm đèn được lắp từ những cây đèn bằng thép trắng đến những bóng đèn chiếu sáng được lắp ngay trong đài nước, về đêm trông cứ lung linh kỳ ảo. Các nhà phong thuỷ bảo thế là khuôn viên cơ quan giờ đã được hội tụ hài hoà, phát huy được khả năng tương sinh và chế ngự được tương khắc của ngũ hành sinh ra vạn vật đất trời là kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Thế nào rồi thì cái cơ quan này cũng ăn nên làm ra, ngày càng mở mang, phát triển. Đặc biệt là con đường quan lộ của người đứng đầu sẽ thênh thang, sáng sủa. Và cái công trình ấy được sếp vui vẻ phê duyệt kinh phí, nó không giống như các công trình xây dựng cơ bản khác gồm sắt thép, xi măng, gạch, đá…Những vật liệu ấy đều có giá chuẩn, kể cả công lao động cũng có định mức, Đằng này công là công kỹ thuật của nghệ nhân, bao nhiêu chất xám kết tinh lại chứ đâu có bỡn. Riêng về cây cảnh là những cây khủng có tên tuổi hẳn hoi chứ không phải mua của những kẻ bán dong ngoài đường. Do vậy, cái công trình ấy của văn phòng đương nhiên là nó cũng có một mức giá khủng mà những người trong cơ quan cũng chỉ biết đến thế là đủ, ai muốn đoán non nghĩ già gì thì cứ mặc. Còn Hoàng, sau đấy, vào một lúc thuận lợi nhất, Hoàng gặp và đưa sếp một bọc được gói gém cẩn thận trông như một viên gạch kèm theo lời giải thích là cái thằng cha nghệ nhân cây cảnh và nhà phong thuỷ gửi lời cám ơn và có chút quà biếu sếp. Thực ra thì cái cách Hoàng làm cũng chẳng phải mới lạ gì, anh Chánh Văn phòng nào ở đâu chẳng thế. Điều quan trọng nhất mà Hoàng tâm niệm là sự cúc cung tận tuỵ và lòng trung thực của mình đối với sếp, sếp là ân nhân dìu dắt mình nên lúc nào sếp cũng là người cao quý đáng kính. Lại còn phải hiểu thêm là sếp cũng còn những người cấp trên của sếp và mối quan hệ cứ như thế, cứ gắn bó, tận tâm với nhau thì trên dưới thật là bền vững và phát triển khôn cùng. Rồi đến lúc sếp của Hoàng được cất nhắc lên cấp cao hơn và đương nhiên là sếp không thể quên thằng em đệ tử trung thành tận tuỵ. Hoàng được bổ nhiệm sang làm giám đốc một công ty trong ngành xây dựng có hạng trong tỉnh. Đã là công ty có hạng thì giám đốc công ty cũng phải là người có hạng. Quan hệ của Hoàng ngày càng rộng, càng lớn, càng cao. Công ty của Hoàng liên tục giành được những dự án lớn và đương nhiên là giám đốc công ty cũng liên tục giành được những danh hiệu vẻ vang. Nỗi ám ảnh của quá khứ về những ngày phải đi cải tạo lao động do đảo ngũ cứ vật vờ day dứt làm Hoàng càng thôi thúc phải dành được nhiều danh hiệu hơn để biện minh và tẩy rửa cái vết nhơ nhuốc xa xưa. Không bao giờ xoá nhoà trong kí ức của Hoàng về một khuôn mặt vuông chữ điền với cặp lông mày sâu róm và đôi mắt sâu hoắm lóng lánh sáng hừng lên như ánh thép. Ấy là trung đội trưởng Đạt. Ngày ấy, khi Hoàng cùng một số bạn bè dời giảng đường trường đại học Xây dựng xung vào quân ngũ. Sau một đợt huấn luyện quân sự cơ bản nửa tháng ở vùng đất trung du Phú Thọ. Hoàng được biên chế về một đơn vị bộ binh và hành quân ra mặt trận. Đường ra mặt trận thật lắm nẻo, đơn vị của Hoàng lúc thì hành quân bộ, lúc lại được đi bằng ô tô, bằng tàu hoả, lúc xuống đồng bằng, lúc trèo lên núi, lúc đi ban đêm, lúc đi ban ngày. Rồi cũng đến được đất Quảng Trạch, Quảng Bình. Đơn vị được lệnh tạm trú nhờ nhà dân một thời gian. Trong thời gian này, trước hết mỗi người phải tự đào một hầm trú ẩn cá nhân tránh bom ngoài vườn, sau đó là học tập chính trị và chờ ngày tiếp tục hành quân. Bấy giờ là giáp tết âm lịch vào năm 1973. Nhớ nhà da diết. Trong đơn vị có tin là sẽ đóng quân ở đây đến sau tết mới lên đường, lại xì xèo có mấy cậu bên đại đội bạn đã tranh thủ vù về nhà ăn tết. Hoàng nghĩ mấy thằng ấy khéo mà lại khôn. Chắc chắn không đời nào người ta bắt lính hành quân đúng vào mấy ngày tết, mà nằm đây thì cũng chẳng phải làm việc gì, thỉnh thoảng tập trung gọi là học tập nhưng kỳ thực cũng chỉ là để kiểm điểm quân số và cho nó có quân kỷ tý chút thôi mà. Hoàng lặng lẽ chuẩn bị những điều cần thiết cho việc tranh thủ vù về. Từ việc có bộ quần áo thường phục đến việc lên kế hoạch di chuyển trên các đoạn đường, đoạn nào có thể đi nhờ xe quân sự, đoạn nào phải cuốc bộ và đoạn nào thì nhảy lên tàu hoả. Tốt nhất là nếu trung đội trưởng Đạt thông cảm làm ngơ đi thì êm ru. Ngoài trung đội ra, có mấy ngày nằm khàn thì cấp trên mắt nào mà ngó ngàng tới. Nhưng điều ấy xem ra khó vì trong buổi họp trung đội ban sáng Hoàng đang lân la bắt chuyện thì trung đội trưởng Đạt nhìn xoáy vào mắt Hoàng như điều đã đoán ra ý nghĩ trong đầu làm Hoàng phải quay đi tránh cái ánh mắt như có lửa mà sắc lẹm tựa dao ấy. Hoàng lại nghĩ thôi thì cứ lẳng lặng mà biến, bất quá lúc quay trở lại đơn vị thì cũng đến làm một bản kiểm điểm là cùng, đã thấy có thằng nào bị tội đâu, nhất là trước khi ra trận, sắp sửa xông vào nơi mưa bom bão đạn người ta vẫn thường thể tất những khiếm khuyết cho nhau. Do ở lẻ tẻ trong nhà dân nên việc quản lính của trung đội khó mà chặt chẽ được. Hoàng dậy từ ba giờ sáng, khẽ khàng nhẹ nhàng nhón bước ra khỏi cổng nhà rồi co cẳng chạy, đúng là trốn chạy nhanh như một thằng đảo ngũ. Ấy là thần hồn nát thần tính của những kẻ đang làm điều vụng trộm vậy thôi chứ đến sáu giờ trung đội mới tập trung kiểm điểm, phát hiện được thì Hoàng đã tếch được hàng chục cây số rồi, đường rừng lắm nẻo biết lối nào mà truy. Rồi thì Hoàng cũng mò được về đến nhà đúng vào chiều ba mươi tết. Nhưng hoá ra không đơn giản chút nào. Khi hành quân cùng đơn vị thì có những trạm đón quân, họ chỉ đạo giờ giấc hành quân trên các cung đường theo những quy luật nhất định và họ đã lựa chọn phương án tối ưu đảm bảo độ an toàn cao nhất cho đoàn quân. Còn Hoàng thì đâu biết được điều đó, mấy lần hút chết vì gặp máy bay Mỹ đánh bom. Và cũng chính vì thế, qua mấy ngày tết Hoàng đâm ra sợ cái chặng đường dằng dặc đầy bom đạn để trở lại đơn vị. Nhỡ đâu không may bị bom vùi giữa đường thì đào ngũ cứ là đào ngũ mà lại còn chết mất xác không biết đâu mà tìm. Hoàng nấn ná ở Hà Nội mấy ngày rồi quay về nhà nói dối là đơn vị đã hành quân đột xuất trước thời hạn trả phép nên những người được về nhà ăn tết binh chủng sẽ triệu tập sau. Con đường trở thành kẻ đào ngũ là như vậy chứ Hoàng nghĩ trong thâm tâm Hoàng cũng đâu có tồi tệ đến thế.
Ừ thì “Trăm đường không tránh khỏi số”, người ta ai cũng có số. Đồng lứa đồng môn với Hoàng khối người trải qua chiến tranh, huân huy chương đầy ngực mà bây giờ cuộc sống vẫn đì đẹt, khó khăn. Nhưng Hoàng thì cho rằng nghệ thuật sống của mỗi người mới là quan trọng. Cùng là những công ty kinh doanh nhưng có anh nào giống anh nào. Cứ cặm cụi lo quản lý, lo cải tiến công nghệ rồi áp dụng trăm môn ngàn kiểu từ những kiến thức người ta truyền đạt ở nhà trường đến việc đúc rút những kinh nghiệm của tiền nhân, của bản thân nhằm nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. May lắm đủ ăn hoặc lờ lãi tí ti là khá, còn không khéo lại đẩy công ty đến bên bờ vực phá sản. Cái khôn khéo, cái nghệ thuật của một nhà doanh nghiệp là phải biết tìm ra những lối đi mới, độc đáo, không giống ai, mà cũng chỉ nên đi theo lối ấy một đoạn đường vừa đủ, khi đã có nhiều người lao vào thì mình lại tìm một lối mới rẽ sang. Các cụ ngày xưa đã chẳng từng nói “Nước chảy chỗ trũng” đó sao. Cái quan trọng là làm sao tạo được thành chỗ trũng cho mình. Chỉ cần một lần tạo được chỗ trũng có khi bằng cả một đời người cặm cụi ý chứ. Mà muốn tạo thành chỗ trũng thì không có bàn tay của sếp không xong. Công ty xây dựng lo nhận được các công trình đường xá, cầu cống, nhà cửa…ở cái tỉnh này có đến hàng trăm chứ đâu chỉ một cái công ty của Hoàng. Và thế là cái dự án xây dựng khu đô thị kiểu mẫu An Vương của công ty xây dựng Phú An mà Hoàng làm giám đốc ra đời. Dự án có quy mô về diện tích lên tới vài trăm héc ta đất bao gồm nhiều hạng mục công trình hoành tráng và đồ sộ đến mức từ quan chức hàng tỉnh đến dân thường ai đã từng xem mô hình cũng phải ngỡ ngàng. Nhiều người nghi ngờ tính khả thi của dự án vì cái công ty Phú An ấy tiếng là lớn nhất tỉnh nhưng so với quy mô của dự án thì bõ bèn gì. Ấy vậy mà sau khi giải phóng xong mặt bằng, các hạng mục công trình cứ lần lượt được hoàn thành theo đúng kế hoạch tiến độ. Người ta ai biết trước được rằng sau khi có quỹ đất, Hoàng đã bán từng hạng mục công trình cho các nhà đầu tư khác với giá cao gấp nhiều lần so với chi phí giải phóng mặt bằng. Đương nhiên đâu có phải công ty của Hoàng được hưởng cả, còn bao nhiêu các chi phí trên trời dưới đất khác nữa chứ, mà xem chừng cái chi phí mà người ta quen gọi là chi phí “ngoại giao” có phần chiếm tỷ trọng cao hơn cả. Ngay như những anh mua lại hạng mục công trình của Hoàng cũng còn có những “xuất căn hộ ngoại giao”, “xuất biệt thự ngoại giao” quảng cáo bán đầy trên mạng nữa là. Người dân có đất trong vùng dự án thì được đền bù. Cả đời mấy ai đã được cầm tiền đến hàng triệu, ấy vậy mà một lúc tự nhiên có cả một cục tiền hàng trăm triệu thì ai mà chả sướng. Cục tiền ấy được đưa vào sửa chữa, nâng cấp nhà cửa, mua sắm tiện nghi và bao nhiêu những nhu cầu khác mấy chốc mà hết. Đến lúc hết tiền người ta mới nhận ra rằng cái cục tiền ấy đâu có nhiều nhặn gì so với diện tích đất người ta bị mất, người ta mới thấy là mình đã bị thiệt thòi do giá đền bù quá thấp. Và từ đấy, việc giải phóng mặt bằng cho các dự án đâu có còn đơn giản như trước nữa. Người ta đấu tranh vì những quyền lợi chính đáng của mình, nhiều nơi đã từng xảy ra xô xát đối đầu đến căng thẳng giữa nhà đầu tư với người dân có đất. Nhưng đến lúc ấy, Hoàng đã ung dung khoanh tay ngồi nhìn. Bây giờ thì Hoàng lại là người chỉ đi mua lại những hạng mục công trình đã có quỹ đất sạch, và Hoàng cũng đủ vốn tự có để khỏi phải nuôi mấy anh Ngân hàng “ngồi mát ăn bát vàng” cho vay với lãi suất cao ngất ngưởng…
Cứ đến ngày nghỉ cuối tuần, đã thành lệ, Hoàng tự lái xe đến nhà đón sếp đi hưởng cái thú riêng của sếp là câu cá. Mỗi tuần lại một địa điểm khác nhau do các đệ tử của sếp bố trí. Thường thì đến các điểm ở ngoại thành để đón cái “hương đồng, gió nội”. Còn lần này thì bọn đệ tử lại bố trí lên tận một cái trang trại ở một huyện miền núi để ngoài câu cá ra còn có gà tơ chín cựa, lợn nòi cắp nách…và thưởng thức cái gọi là “gió núi, hương rừng”. Đường xa, lại là đường ngược lên miền núi nhiều đèo lắm dốc, sếp bảo Hoàng thôi đừng có nói chuyện gì, hãy tập trung vào tay lái đảm bảo cho xe chạy an toàn. Ấy vậy nên cái đầu Hoàng mới miên man suy tưởng, gặm nhấm lại đường đời thế chứ. Kiểm điểm toàn cảnh chặng đường đã đi qua. Trừ cái án đảo ngũ rồi phải đi cải tạo lao động bắt buộc mấy năm ra thì Hoàng hoàn toàn có thể bằng lòng về đường đi nước bước của mình. Hoàn toàn xứng đáng với những danh hiệu “Doanh nhân văn hoá”, “Doanh nghiệp tiêu biểu”, “Cúp vàng chất lượng”…Bỗng một chiếc xe máy chở hai người lao từ đường ngang vút qua mũi xe. Hoàng giật mình đạp phanh làm chiếc xe khựng lại. Cả một khối thịt to mập bất ngờ dồn lên nén mạnh vào hàng ghế phía trước kèm theo tiếng thét lạc giọng của sếp: cái gì đấy?. Chiếc xe máy do đột ngột phải bẻ ngoặt tay lái đã lăn kềnh ra giữa đường, may mà do tốc độ không lớn nên cả hai người ngồi trên xe máy chỉ bị trầy xước nhẹ. Hoàng nhảy xuống xe quát:
- Đi đứng kiểu gì thế, muốn chết à!
Người lái xe ôm vừa lồm cồm bò dậy vừa thanh minh
- Dạ, bác thông cảm bỏ lỗi cho. Tại quen đường núi ít xe nên cháu đi hơi ẩu.
Người ngồi đằng sau xe mặc một bộ đồ quân phục bạc màu đang cúi xuống ôm lấy cẳng chân.
- Còn ngồi ăn vạ ở đấy đến bao giờ, đứng dậy để người ta đi chứ!
Người lái xe ôm đã đến bên kịp đỡ người mặc quân phục đứng dậy. Hoá ra ông ấy có một cái chân giả. Ông ta ngửa mặt lên nhìn Hoàng, một khuôn mặt vuông chữ điền với cặp lông mày sâu róm và đôi mắt sâu hoắm lóng lánh sáng hừng lên như ánh thép.
Hoàng bối rối quay lại chui tọt vào xe, sập cửa rồi rú ga trốn chạy nhanh như đang thực hiện một cuộc đào ngũ lần thứ hai.
C.S