Cầm Sơn
HƯƠNG SẮC LÂM BÌNH
Kỳ 3: Đậm vị trà Khau Mút
Ngày thứ ba trong hành trình khám phá hương sắc Lâm Bình, Giám đốc Công ty Du lịch Năm Sao Lương Duy Doanh trực tiếp đánh xe hướng dẫn chúng tôi đến xã Thổ Bình. Do đã có hẹn trước nên khi xe của đoàn đến trụ sở UBND xã, đoàn đã được Chủ tịch UBND Vi Văn Sự cùng Xã đội trưởng Ma Đức Thanh, Trung tá Thắng - trưởng công an xã và một số cán bộ nhân viên chờ sẵn ở sân trụ sở đón tiếp. Để tiết kiệm thời gian, người của xã cùng với các Nhiếp ảnh gia nhập thành một đoàn lên đường ngay. Đích đến là vùng chè shan tuyết trên đỉnh núi Khau Mút.
Khau Mút là một dãy núi cao quanh năm mây phủ nên để lên được đỉnh núi không dễ dàng gì. Hiện nay, xã Thổ Bình đang được thi công một con đường dải bê tông dài khoảng trên 3km lên các bản làng có chè shan trên đỉnh Khau Mút. Con đường cơ bản đã hoàn thành, tuy ngoằn nghoèo cua gấp và độ dốc khá lớn nhưng xe chúng tôi là loại hai cầu nên vẫn chạy suôn sẻ. Đến cuối đoạn đường, đoàn phải xuống xe đi bộ leo dốc cỡ một giờ đồng hồ trên những đoạn đường mòn. Trên đường đi đã thấy rất nhiều nương chè do dân trồng và lác đác cũng có những cây chè cổ thụ. Nhưng để chụp được những tấm ảnh đẹp thì phải lên tận đỉnh núi mới có những cây chè lớn có đường kính gốc lên tới 30cm. Đến khúc cuối cùng, đoạn đường dựng đứng, để leo lên được thì phải dùng cả hai tay hỗ trợ. Đến đây, do tay phải tôi đang bị viêm khớp xương quay nên đành đầu hàng, dừng lại. Trên đường quay xuống núi, tôi gặp hai mẹ con đang phát một vạt rừng, hóa ra đấy là nương chè đã lâu không được chăm sóc. Người mẹ cho biết chị là người dân tộc Tày lấy chồng người dân tộc Dao, gia đình có nhiều diện tích chè nên không chăm sóc kịp. Tôi hỏi cháu bé thì cháu nói đang đi học trường nghề dưới huyện, nhưng là ngày nghỉ về nhà giúp gia đình. Đi tiếp xuống nữa lại gặp được một chị đang hái búp chè ở một cây chè cao khoảng hơn 2 mét, theo thông tin của chị thì đoàn lên núi hôm nay sẽ ăn cơm trưa tại trại rừng của bố mẹ chị và theo hướng dẫn của chị, tôi tìm được đường về trại rừng tập kết. Chủ trại là vợ chồng cựu chiến binh Phùng Văn Tiều, có con trai là Phùng Thừa Thành và một chú em đang quay lò sấy chè tôi quên không hỏi tên. Được biết hai mẹ con trên đồi là vợ con Thành còn người tôi gặp sau là con gái cả của ông Tiều, chị gái Phùng Thừa Thành. Ông Phùng Văn Tiều cho biết, ông đi bộ đội về thì lên đây khai khẩn, trồng mới được 8ha chè và chăm sóc những cây chè tự nhiên có sẵn, còn đất ruộng có lẽ phải đến 10 ha. Tại vườn của ông có trồng những cây lê, cây mận và nuôi ngựa, ông nói ngày xưa thì để thồ hàng còn bây giờ là nuôi ngựa thịt. Ngoài vườn cũng có những cây chè lâu năm, tôi có chụp được tấm ảnh Phùng Thừa Thành leo lên trên cây chè. Thành nói đã có người hỏi mua cây chè bứng bầu mang đi nhưng Thành không bán.
Chè shan tuyết trên núi Khau Mút gồm các cây chè mọc tự nhiên có tuổi đời hàng trăm năm cùng với các cây chè do nhân dân Bản Phú và Bản Pước trồng mới. Tổng diện tích hiện tại theo thống kê là 257,2 ha gồm 210 hộ gia đình quản lý. Theo Chủ tịch UBND xã Vi Văn Sự thì còn có một cái khó là ở đây tuy có những nương chè xen kẽ nhưng vẫn là rừng phòng hộ. Tiềm năng du lịch thì có bởi ngoài cây chè ra Khau Mút còn là một điểm cao để có thể ngắm cảnh núi non hùng vĩ của cả một vùng rừng núi rộng lớn thuộc mấy huyện, có nhiều cảnh quan để cho các tay máy ảnh thể hiện, nhưng không có đường thì chịu. Nếu được chuyển đổi thành rừng sản xuất thì mới được làm đường và xã sẽ có kế hoạch cho dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè, thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến.
Về đến trung tâm xã, chúng tôi được Trương Phúc Nam là công an viên của xã đưa đến một cơ sở chế biến, kinh doanh chè là Hợp tác xã Phúc Hưng. Ở đây, tôi hoàn toàn bị bất ngờ vì chè shan tuyết loại đặc biệt có giá bán… 500K/kg?! Chúng tôi đã được thưởng thức và các nhà nhiếp ảnh cũng đã mua mang về để tiếp cận và quảng bá.
Với con mắt của một người đã làm công tác quản lý trong ngành Lâm nghiệp lâu năm. Sau chuyến lên Khau Mút tôi xin nêu ra mấy suy nghĩ nhỏ như sau:
Một là việc xin chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất là không cần thiết và có lẽ sẽ khó được chấp thuận vì đây là rừng nguyên sinh còn rất nhiều cây gỗ lớn, thảm thực vật đa dạng cộng với độ cao tầng đỉnh núi thuộc loại rừng phòng hộ đặc biệt nghiêm ngặt. Nói như vậy không có nghĩa là không thể phát triển sản xuất được. Trước hết, đường cho ô tô chạy được đã có thể mở đến khu vực trang trại nhà ông Nguyễn Văn Tiều, nếu cần làm tiếp khoảng hai cây số nữa thì vẫn có thể cho làm đường ô tô chạy dưới tán rừng giống như con đường ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn tỉnh Phú Thọ đã làm, vẫn có đường nhưng không phải chặt phá cây rừng hoặc phải chặt ở mức tối thiểu. Ngoài ra, sao lại không nghĩ đến chuyện có thể làm cáp treo để khỏi làm đường không phải xâm phạm đến môi trường rừng? Sau nữa là cây chè shan tuyết vẫn có thể trồng mới dưới tán rừng theo quy trình trồng bổ sung làm giàu rừng tự nhiên. Và như thế vẫn có thể vừa phát triển cây chè, vừa phát triển du lịch.
Hai là việc xây dựng nhà máy và tăng diện tích trồng chè là không cần thiết. Việc xây dựng nhà máy trong thời đại ngày nay thì không thể xây dựng kiểu nhà máy với công suất nhỏ, nếu xây dựng nhà máy với công suất lớn thì vùng nguyên liệu phải có vài ngàn héc ta, điều này là bất khả thi. Có một giải pháp hay hơn nhiều cho việc tăng diện tích trồng chè là: với diện tích chè hiện tại trong đó có nhiều diện tích còn đang không được chăm sóc kịp thời như của gia đình Phùng Thừa Thành thì sản lượng còn rất thấp. Nếu được chú ý chăm sóc tốt thì với 257,2 ha chè hiện có, hoàn toàn có thể đẩy năng suất chè búp tươi lên 5 tấn/ha.năm tương đương 1 tấn chè thành phẩm/ha.năm và tổng sản lượng sẽ là 250 tấn chè thành phẩm một năm. Nếu tăng giá bán lên gấp 10 lần đạt ở mức giá bán bình quân các loại phẩm cấp trà là 3 triệu VNĐ/kg. Điều này nằm trong tầm tay vì hiện nay trên thị trường trong nước, các loại trà shan tuyết ở Hà Giang, ở Suối Giàng Yên Bái, ở Tà Xùa Bắc Yên cũng đã có giá bán từ 4 đến 5 triệu VNĐ/kg. Lúc ấy, Khau Mút sẽ có doanh số là 750 tỷ VNĐ/năm.
Vậy làm thế nào để tăng được giá bán trà. Xin thưa không có cách nào khác là phải thay đổi cách chế biến để tăng chất lượng chè thành phẩm.
Hãy nhìn sang nước bạn ngay cạnh chúng ta, có một vùng chè khá tương đồng với vùng chè Khau Mút, đấy là địa danh Long Tỉnh thuộc Hàng Châu tỉnh Chiết Giang Trung Quốc. Trà Long Tỉnh đã trở thành Quốc trà của đất nước Trung hoa và thương hiệu của nó nổi danh trên toàn thế giới từ thời Nhà Thanh. Tôi đã thực mục sở thị đến tận những ngôi nhà dân ở Long Tỉnh, việc chế biến chè của họ là hoàn toàn làm bằng tay thủ công, sao xấy chè trên một cái chảo từ lúc còn là búp chè tươi cho đến khi chè thành phẩm, không hề có chuyện cho chè ra vò. Lúc đầu thì khuấy đảo bằng cây đũa tre, sau thì dùng bằng tay xoa gọi là đánh chảo chè đến khi nào búp chè khô nổi mốc trắng ra là đạt yêu cầu. Khi nếm thử nước trà loại 500K/kg của Hợp tác xã Phúc Hưng ở xã Thổ Bình tôi thấy một là cánh trà màu đen không có mốc trắng, hai là hương vị vẫn thấy ngái, chứng tỏ là việc đánh chảo chè chưa đạt tới mức cần thiết. Quay trở lại cách chế biến chè của Long Tỉnh, họ không chỉ có chè búp mà họ còn có cả chè bột, chè bánh nghiền từ lá già, có bánh, kẹo làm từ lá trà tươi, có cả kem dưỡng da làm từ bột lá chè… Có nghĩa là họ có rất nhiều loại sản phẩm làm ra từ cây chè. Riêng trà xanh, họ phân ra thành 7 loại và dĩ nhiên là có 7 giá khác nhau để phục vụ cho 7 loại túi tiền khác nhau. Và hiện tại tôi được biết giá của Long Tỉnh Trà (龍井茶) có loại được bán với tầm 2 triệu VNĐ cho một gói 100 gram, có nghĩa là 20 triệu VNĐ/kg.
Chè Khau Mút là loại chè sống ở độ cao hàng ngàn mét so với mặt biển, ở vùng gần như mây phủ quanh năm có địa hình không khác gì cây chè Long Tỉnh ở Hàng Châu Trung Quốc. Xin nói thêm là khi tôi viết những dòng chữ này, ở bên Long Tỉnh họ vẫn giữ nguyên cách chế biến trà truyền thống là làm bằng tay như trên tôi miêu tả và họ cũng giống như ta, ở một vùng rừng phòng hộ không thể mở mang thêm diện tích trồng chè. Có điều giờ đây, được sở hữu một thương hiệu trà nổi tiếng, người dân ở ngôi làng Long Tỉnh ấy họ rất giàu có, họ đã từng tự bỏ tiền ra chứ không cần xin tiền của Nhà nước để làm đường và còn đục hơn hai km đường hầm làm hai làn đường rộng thênh thang cho xe chạy từ Hàng Châu lên ngôi làng của họ, thu hút khách du lịch không chỉ ở trong nước mà còn có nhiều lượt du khách Quốc tế đến tham quan.
Tất nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng không có lẽ Chè Khau Mút lại không học tập được gì ở ngôi làng trên núi cao ấy giống như mình? Mà thôi, nói để đuổi theo Trà Long Tỉnh có vẻ xa vời quá, hãy nhìn ngay ở trong nước sang vùng trà shan Suối Giàng, trà shan Hà Giang cho nó dễ học tập, tôi cam đoan rằng những cây chè cổ thụ trên núi Khau Mút còn to, cao, bề thế hơn nhiều những cây chè cổ thụ ở Suối Giàng. Có lý gì mà lại chỉ có giá 500VNĐ/kg? Còn rẻ hơn cả trà xanh trồng đại trà có năng suất lên tới 25 tấn chè búp tươi/ha.năm ở Thái Nguyên, ở Mộc Châu!
Tôi nghĩ, hương vị đậm đà của trà Khau Mút không thể chỉ dừng lại ở OCOP 3 sao của tỉnh Tuyên Quang mà sẽ trở thành thương hiệu Quốc gia, thương hiệu Quốc tế.
Hoàn toàn có cơ sở để Khau Mút có thể làm được điều ấy!
Trong một tương lai không xa!
C.S