“Từ trong khói lửa đao binh
Bước ra, ngắm cái bóng mình cũng oai”
“Thơ mình, trà đá, thuốc lào
Lê la hè phố lại vào xóm quê”
“Ở đời trên búa, dưới đe
Thơ tình chẳng thấu, thì…vè cho vui”
Đó là bức chân dung tự họa của Lê Tiến Vượng, cùng với đủ cả tiểu sử bản thân, tự bạch, lẫn tuyên ngôn thơ phú.
Vì là bạn thân của ông, nên tôi muốn bổ sung thêm: Lê Tiến Vượng là nhà thơ thích đùa, để mua vui, ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, cho bất cứ ai.
Vui đùa, tếu táo, tiêu tao là “gam” chủ đạo trong thơ Lê Tiến Vượng. Mỗi bài thơ của ông là một câu chuyện, có nội dung, có nhân vật, có đối thoại, có dạo đầu, kết thúc…và thường là mua vui cho bạn đọc, cho người thân. Chuyện làng biến thành phố, chuyện phố chuyển thành làng, chuyện quan chức thi nhau vào tù, chuyện thơ phú linh tinh, chuyện mua may bán rủi, chuyện quảng cáo, chuyện nịnh vợ, chuyện về bản thân mình…Nói chung không còn thiếu bất cứ chuyện gì mà ông không đưa vào thơ. Ngay tên của các tập thơ đã nói rõ cái chủ ý vui đùa là chính: Lục bát bên đời; Lục bát khóc cười; Lục bát đùa chơi; Lục bát thế thời…Ông quan niệm, thơ ca gì thì cũng phải có người đọc. Đọc và hiểu. Đọc và thuộc. Đọc và nhớ. Để từ đó suy ngẫm về bản thân, rồi, biết đâu, có thể nhờ thế mà thay đổi!
Một thằng trộm đọc thơ ông không ăn trộm nữa, đó là cái ông được. Một kẻ tham quan đọc thơ ông, chỉ cần bỗng thấy chùn tay khi thò vào két nhà nước, đó là ông được. Một bà vợ định li thân với chồng, đọc thơ ông về bỏ ý định ấy, đó là ông được. Một người định tự tử vì tuyệt vọng, đọc thơ ông cười phá lên rồi quay ra làm ăn quần quật, ấy là ông được. Quan niệm về thơ như vậy nên ông không cầu kỳ chữ nghĩa, không trịnh trọng mỗi khi đặt bút, không vật vã chọn đề tài, chọn vấn đề.
Thậm chí vì “Chưa già nên thích làm thơ/ Mai này lú lẫn, ẫm ờ đọc chơi”. Bởi vì “Bỗng dưng bảy sắc cầu vồng/ Quay đi ngoảnh lại đã không còn gì”. Rồi “Em đẹp em cứ thần tiên/ Ta nghèo thơ phú luyên thuyên…đỡ buồn”.
Từ năm 2014 đến nay, hầu như năm nào Lê Tiến Vượng cũng cho ra đời một tập thơ, tất cả đều chỉ dùng thể lục bát. Ông viết rất nhanh, gần như xuất khẩu thành thơ nên chỉ việc ghi lại, không hề phải sửa chữa nhiều trước khi phóng nó lên trang cá nhân.
Ấy vậy mà bạn đọc thơ của Lê Tiến Vượng “đông như quân Nguyên”, đến mức không ít nhà thơ có danh có phận, giải thưởng chồng chất vẫn phải thèm khát. Họ háo hức đọc ông, hồi hộp chờ đọc tiếp, tiện tay sửa những chữ ông viết sai chính tả do ảnh hưởng phương ngữ hoặc do lỗi bàn phím và lâu lâu không thấy ông đăng thơ là sốt ruột nhắn tin hỏi.
Trong cái nghêu ngao bông đùa, thỉnh thoảng Lê Tiến Vượng khiến ta phải giật thót mình. Chẳng hạn như bài sau đây:
NGỘ RA
“Chắt mình ra uống với ta
Cái buồn trộn với cái tha thiết chiều
Nỗi nhớ hòa với lời yêu
Nỗi đau hòa với bao điều dại khôn
Lọc ra này xác này hồn
Này bao nhiêu những nụ hôn bọt bèo
Ngộ ra mới biết mình nghèo
Xót xa những bát nước lèo âm u
Hóa ra ta một tên tù
Ngộ ra mới tỏ lời ru lọc lừa
Một thời gió một thời mưa
Một thời cái nhục cò cưa cái hèn
Một thời trắng một thời đen
Cơ cầu cơm áo ta quên cả mình
Thằng hề lại tưởng anh minh
Để bao ma mãnh tráo hình đổi vai
Ngộ ra…chả đủ quan tài
Để chôn bao cái bi hài lấm lem”.
Có nhiều cách để đến thẳng với dân gian. Lê Tiến Vượng nhằm tới đối tượng là đại chúng. Bạn đọc của ông gồm đủ các thành phần. Họ tìm thấy ở thơ của Lê Tiến Vượng một không gian, một thứ ngôn ngữ hợp với sinh thái của họ.
“Dăm quả cam, mấy quả hồng
Ta thành “kẻ chợ” chạy rông phố phường
Rời làng từ lúc tinh sương
Gánh gồng từ thủa còn đương chín mười
Phố-quê hai nửa vành nôi
Mồ hôi thì mặn, lời người thì chua
Gánh gồng qua nắng qua mưa
Kiếm dăm bạc lẻ cò cưa để mà…
Phần con, phần vợ, phần cha
Phần dành mai để
Làm ma cho mình"
Đùa vui mà đau đến tái người.
Còn đây, cũng là đau, nhưng đau để hoài niệm:
“Tiếng ve rỗng ruột trên cao
Phượng rơi đỏ gốc chiêm bao học trò
….
Tiếng rao cũng ngọt như thơ
Thăng Long một thủa bây giờ ngàn năm”
Thơ Lê Tiến Vượng vui, bông phèng, nghêu ngao, tán róc, đùa cợt (không thiếu cả có lúc đùa nhả, đùa dai, …), châm chích, đả kích, đau đớn, xót xa…đủ cả. Nó là ái, ố, hỉ, nộ…đủ hết. Thanh, nhã, tục, bậy…không thiếu thứ gì.
Nhưng không ít khi nó cứ gợi nỗi hoài niệm xót xa, tiếc nuối về một kí ức xa vời, một kỉ niệm bị quên lãng, một nỗi đau tưởng đã lành; về muôn mầu muôn vẻ của đời sống bị tham, sân, si…bủa vây hoặc tìm cách vùi lấp.
“Trải qua bao cuộc bể dâu
Giờ nhìn…sao bỗng thương nhau lạ lùng”
Thương nhau, “thương cả cho đời bạc”#, vì thế mà nhất định phải tìm lại tiếng cười, để vui sống.
________________-
#mượn ý từ tên truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.