H O A T R O N G G I Ó
( Đọc thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà )
NHÀ THƠ NGUYỄN THỊ NGỌC HÀ
Đã từng là nhà giáo gắn bó với ngành thương nghiệp, thương mại, nhưng nói như nhà phê bình Bùi Việt Thắng, nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà như đi “giữa đôi bờ văn thơ”. Với 7 thi tập, chị đã mang đến cho bạn đọc góc nhìn rộng về con đường thơ của mình. Đó là con đường của hoa trong gió, của ẩn ức bóng ngày, của năm tháng trở về gõ cửa.
Bước sang tuổi 75, khi đường xa nhìn lại, hình ảnh đầu tiên hiện lên từ ký ức là mẹ, là “cánh đồng tháng mười”: “nay/ lạc tận đâu/ cánh đồng tháng mười rời rợi/ chỉ còn cây bàng trước ngõ/ muôn ngàn mắt lá khóc úa chân trời”. Có thể “hoang giọt mưa đêm”, “hoang cánh cò vỗ trắng miền mây”..., nhưng trên “cánh đồng người” và trong trái tim thi nhân “chỉ nỗi nhớ mẹchẳng thể nào hoang nổi”. Và nỗi nhớ ấy gắn liền với sự thấm thía rưng rưng khi “một ngày bớt dại/ con mới mặn/ cái mặn của nước mắt từ mẹ thấm sang con”. Trên hành trình thi ca của người thơ ấy, bóng hình cha mẹ thường hiện lên trầm huyền, khắc khoải nhớ thương. Mẹ và quê hương, quê hương và mẹ. Bởi vì “con lớn lên/ giữa cung đường ngổn ngang sỏi đá/…tiếng hú con tàu đêm ấy buốt dọc đời con”.
Phải chăng, thơ bắt đầu từ đó…
Có thể nói, thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà hiện lên bao nỗi niềm khó gọi thành tên. Nhà Phê bình Chu Văn Sơn đã từng nhấn mạnh: “Say mê cái mơ hồ, nắm bắt cái mơ hồ được xem là thiên chức của thi sĩ”. Thơ chị không phải là tấm hình chụp lại, hiện thực thường nhòe đi trong ký tự, để hiện lên những vầng chữ trong suy tưởng. “Gánh vô hình” là một trong nhiều bài thơ được viết theo cách biểu đạt đó: “không rõ đấy là ai/ chỉ thấy/ chìm dưới cái bóng/ từng giọt mồ hôi/ nặng hơn những giọt mồ hôi/ nắng gió vẫn cuốn theo từng bước/ tôi gọi/ Người không ngoảnh lại/ trên con đường hoang hoải/ tiếng thở dài chưa dứt/ đã ngàn năm/ vẫn đầy ắp cái vô hình/ oằn trĩu hai đầu đòn gánh/ bỏ lại phía sau/ những dấu chân giữa đất trời ráo hoảnh”. Với cách xuất hiện và ẩn dụ như vậy, “Người” có mặt khá nhiều trong thơ chị. Họ là âm bản, đi vào thơ từ chính đời sống nhọc nhằn khuất lấp. “Tiếng thở dài chưa dứt/ đã ngàn năm”, “bỏ lại phía sau/ những dấu chân giữa đất trời ráo hoảnh”. Với lối nói như thế, dẫu chưa phải là toàn bộ, nhưng sự đổi mới biểu đạt ấy là một trong những vùng sáng của thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà. Viết như thế nào vẫn luôn là câu hỏi lớn với mỗi nhà thơ. Phải chăng, “Người” vô hình, “Gánh vô hình” là hiện hữu của vô thường, là sự ám ảnh về thân phận, về truyền kiếp, về sự mơ hồ vô định… Cùng với “Gánh vô hình”, một số bài thơ khác: Trong hoa ngát hương, Vọng tà áo trắng, Đợi, Một cung đường, Khép vội gió heo may, Vùng mắt ướt đã mang đến nhiều nét mới cho diễn ngôn của một “nhà thơ không biết lối về già”. Và theo biểu đạt đó, khi đi qua các miền đất, tác giả cũng không sa vào lối viết thường thấy: Cảm tác, nhật ký, hoặc ngâm vịnh. Đây là câu thơ “Gọi thóc” trong vụ mùa như “vẫy vào vô tận”: “tháng năm lặng lẽ quay vòng/ chỉ nhớ thương đứng lại/ lắng tiếng gà hoang hoải/ gọi thóc tận vô cùng”.
Bên cạnh những tưởng tượng lạ, thơ viết mở, tự do, có thể kể thêm như: “những đứa trẻ H’mông/ đầu trần chân trụi/ chạy lên cổng trời/ khép vội gió heo may”, “tôi lang thang/ tận có và không”…, là những câu thơ của vần điệu, của tuyến tính. Không viết nhiều lục bát, nhưng tôi tin rằng một số cặp 6/8 của chị sẽ khiến nhiều người đọc lại và nhớ mãi: “bát cơm dấm dứt sắn khoai/ trâu không rơm rạ nhai hoài bão giông”, “khóm hồng bông thấp bông cao/ lặng im gai cứ nhói vào riêng em”…
Góc nhìn rộng, thơ chị bao quát nhiều vấn đề của hiện thực và thể hiện sự đa dạng các trạng thái của cảm và nghĩ: Gia đình, quê hương, biển đảo, thế sự, trữ tình, chiến tranh và hậu chiến, thân phận, ẩn ức, hoài niệm, hồi cố, thao thức, hiện sinh, nhạy cảm trước thời tiết của nhân tình, cách nhìn về Cái Đẹp…
Trở về, tìm lại chính mình như là một tâm thức trong thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà. Phải chăng đây là tâm thức hiện sinh ám ảnh vào thơ. Ta gặp nhiều câu thơ mang tâm trạng tôi gọi tôi trong gió: “tôi gọi tôi ơi”, “một mình tôi khóc tôi”, “vẫn tôi hời chính tôi”… Rưng rưng nhìn lại miền dâu bể để “gọi miền trinh nữ”, nơi có tà áo trắng đã hóa thành mây trời, chỉ còn lại tục lụy, chỉ còn lại hư không. Thảng thốt trở về trong bản thể: “vọng tà áo trắng bay/ phập phồng vồng ngực trẻ/ áo hóa chi mây trời/ để trụi trần tục lụy/ nổi chìm trong nhân thế/ còn lại toàn hư không/ ngoảnh về miền hương sắc/ rưng rưng một cánh hồng”. Mất và còn, “trồng hoa lạithành cỏ”, không gian thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà nhiều gió: “trong em tiếng gió đã về”, “ra đồng gặt toàn gió”, “quay lại hỏi Người/ chỉ nghe gió tràn bờ”… Đó là những câu thơ nhiều dự cảm, khắc khoải lo âu trước hiện hữu và hư vô. Nhưng không phải tất cả đều là tiếng thở dài, buông xuôi, mà thao thức hướng về phía “nguyên khôi”.
Thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà thường ánh lên vẻ đẹp của nỗi niềm, của tự nghe nước mắt. Đó là ẩn ức của hoa, thấp thoáng “nỗi đau ở giữa vô cùng”. Dịu dàng, trong trẻo, nhưng ưu tư mơ hồ bất chợt. Buồn mà nhã, thơ chị không dành cho quảng trường, đó là thơ của “vùng mắt ướt”. Cũng là “Đợi” nhưng đã hiện lên một nét riêng nào đó rất Nguyễn Thị Ngọc Hà: “đợi Người chỉ thấy bóng/ lẩn quất lạ trong quen/ ngày dang tay ôm gió/ đêm mong manh lửa đèn/… nhân tình là mạch nước/ giếng cạn vẫn soi trời/ buông dây gàu chạm đáy/ múc lên toàn tiếng rơi”. Rất gần mà lại rất xa, hư và thực, đợi chờ trong phôi pha, câu thơ như được viết bởi vang vọng của hư vô, của mảnh vỡ, từ thăm thẳm giếng đời. Thời gian trong và đục cứ chập chờn ảo ảnh, buồn và đẹp cứ sóng sánh trong nhau. Cái Đẹp lại thường mong manh. Buồn – Đẹp – Mong manh, đâu là bóng, đâu là hình, tất cả như cộng hưởng, chữ - nghĩa và người như nương tựa vào nhau trong giấc mơ: “đợi Người chỉ thấy bóng/trong muôn vạn hình hài/ đành cất chưng năm tháng/ để mơ về một mai”. Hao khuyết mà đầy đặn, phẩm tính này của thơ cần một tạng người “đồng thanh tương ứng”. Nếu không, dễ tự chìm trong buồn đau giàn giụa, hoặc vô tình làm mất đi vẻ đẹp lấp lánh nhói sáng của miền gương vỡ trong đêm. Thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà có nhiều khoảnh khắc của thiên tính nữ. Đặc điểm ấy đã mang đến cho thơ chị một cách nhìn giận hờn mà trong suốt: “mùa thu ấy qua đã lâu/ gió vẫn rơi vàng nỗi nhớ/… gió thả vào ta một vùng mắt ướt/ biết cất quá khứ vào đâu cho hết/ cất gió vào đâu cho thôi gió/ để giận hờn trong suốt trước nhau”. Mỗi nhà thơ có một miền ký ức, có một vùng trời của riêng mình. Dường như với chị, nỗi buồn không bao giờ cũ: “trút bốn mùa/ tầm gai/ tơ lụa/ ta bước qua tấm thân trần tục của mình/ để ngả vào sự tinh khiết của hoa/ nhờ hương thơm/ thuần hóa nỗi đau không chịu cũ”. “Trong hoa ngát hương” là tự sự của hoa và người thơ hay là câu chuyện của Cái Đẹp. Trong hao khuyết phôi pha, trong ẩn ức cô đơn vẫn ánh lên khao khát, vẫn nghe thấy hơi thở dịu dàng hồn hậu. Vượt qua tục lụy, vượt qua chính mình, buồn mà đẹp, nhạy cảm và tinh tế. Đêm cuối năm, nhà thơ đối diện với hoa, đối diện với chính mình: “có ai biết/ hoa tàn một mình/ chỉ chiếc bình đời nâng niu mãi/… Người có hay/ ta ngát buồn trong hoa ngát hương”. Hình như trong đêm của mùa người, người đọc nhận ra thi nhân rõ nhất là nhờ những khoảnh khắc đột sáng của thơ. Có thể nói, đây là một trong những bài thơ hay, điển hình cho phong cách thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà. Thật ngạc nhiên, chị viết bài thơ này khi đã ở tuổi 65 với một biểu đạt không có dấu vết của tuổi rác, nhưng lặng lẽ nghiệm sinh. Bao chất nghĩ trong tàng hương cảm xúc. Nhà Lý luận Trương Đăng Dung đã từng nhấn mạnh: “Cô đơn, khoảnh khắc và khát vọng là những cảm thức nguồn của thơ hiện đại”.
Thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà, một tâm hồn nhạy cảm và đa cảm, một giọng thơ thao thiết và khắc khoải, vừa đằm thắm vừa cô đơn và đa mang ẩn ức, một bóng một đèn “ngả vào giữa nguyên khôi”. Một giọng thơ nghiêng về phía mĩ cảm của Cái Buồn và Đẹp. Xưa và nay, thơ hay lại thường buồn. Thơ chị như đi giữa đường biên của nhiều hình thức biểu đạt.
Tôi ngồi với bình minh và chợt nhớ câu thơ của chị:
ta dìm đêm vào cafe đắng chát
để tâm hồn tỉnh dậy mỗi sớm mai
Khương Trung, ngày 9/7/2023
LÊ ANH PHONG
Người gửi / điện thoại