bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 

nghiêm thị hằng 0948360597

Xin chân thành cảm ơn ban biên tập CLB Văn chương đã đăng bải chia sẻ thông tin về hành trinh tìm dấu tích phàn mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương như mò kim đáy biển

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TAC NHIỆT TÌNH CỦA NHÀ THƠ LÊ ANH PHONG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!CHÚC BÁC VUI KHỎE!

 

nghiêm thị hằng 0948360597

rất cảm ơn PGS-TS Vũ Nho về những ý kiến khách quan

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!CHÚC BÁC VUI KHỎE!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 44
Trong tuần: 1047
Lượt truy cập: 750059

MÈO ĐI CÂU

Năm MÃO (MÈO) đã đến. Xin giới thiệu bài Vũ Nho  viết về tập thơ MÈO ĐI CÂU của nhà thơ VƯƠNG TRỌNG!

     ti_xung.jpvng_trng_1  

               Nhà thơ Vương Trọng                          

MÈO ĐI CÂU

Tuyển thơ Thiếu nhi của Vương Trọng trong tập Tác phẩm được giải thưởng nhà nước, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2014

 

             VŨ NHO

v_nho_tc_bch_kim

Ở bài thơ nho nhỏ “Bác với thiếu nhi”, nhà thơ Vương Trọng viết:

                   Ngày thường bao việc lo toan

          Với thiếu nhi Bác chỉ toàn vui thôi

Có thể xem đây cũng là định hướng, là phương châm viết thơ thiếu nhi của tác giả. Nghĩa là thơ cho các em phải đem đến toàn niềm vui. Vui vì khám phá những sự vật quanh em nhiều điều thú vị. Vui vì các quan hệ tốt đẹp giữa người với sự vật. Vui vì có những con vật tưởng như mâu thuẫn, khó bạn bè, nhưng hoá ra rất thông cảm, rất thương yêu nhau, đoàn kết, gắn bó. Vui vì rằng  không chỉ “Đã là ngày hội/ Đừng nói xấu nhau”, mà còn vì ai cũng tự nguyện góp vui:

          Tre Nứa nổi nhạc sáo

          Khe Suối góp nhạc đàn

          Công dẫn đầu đội múa

          Khướu lĩnh xướng dàn ca

          Kì nhông diễn ảo thuật

          Thay đổi hoài màu da

                           Hội rừng

Trong khi vui vẻ với những quan sát và khám phá về bạn bè, về các con vật, các em sẽ thấy được điều gì cần tránh, điều gì nên học. Tính nhận thức và giáo dục của thơ được thể hiện một cách hoàn toàn tự nhiên. Đấy là mục đích và cũng là thước đo thành công thơ cho thiếu nhi.

Bé là một trong các nhân vật chính trong thơ của Vương Trọng. Nhưng mà có khá nhiều bé khác nhau. Một bé có hai răng cửa đi “sơ tán”, thành ra có “hàm răng mở cửa”. Chuyện cái răng gẫy làm “xấu” khuôn mặt đi một tí, nên làm cho chủ nhân “che che, ngượng lắm”, nhưng rồi thấy bạn cũng giống mình thì hết ngượng, cười nụ cười rất… mới:

          Hàm răng mở cửa

          Cái cười rộng thênh!

Bé khác thì là con trai của chiến sĩ biên phòng nên oai lắm, phi ngựa, đeo súng đi tuần. Chỉ có điều súng là súng nhựa, ngựa là  ngựa gỗ thôi:

          Ngồi trên mình ngựa gỗ

          Phi bập bênh, bập bênh

          Lưng mang AK nhựa

           Mũ lưỡi trai nghênh nghênh

                           Con trai chiến sĩ biên phòng

Một bé có bà ở quê ra. Bé rất thương bà. Thế là tự hoá thành “chiếc gậy” hết sức tin cậy của bà:

                     Thương bà nhớ ngọn gió xa

          Cháu làm chiếc gậy dắt bà đi chơi

                Thương bà

Bé nọ chia lá dong quà rừng của chiến sĩ biên phòng cho mọi nhà để:

                  Ấp iu hương nếp thơm lành

          Làng chung cái tết lá xanh biên phòng

                                       Quà Tết

Có bé đi nhà trẻ bạn với bát, thìa (Bạn bé). Lại có bé “leo ngược bản Mông” mà không ngớt thương trường, lớp (Về Tết). Có bé “Đi giầy của bố” để làm bộ đội, nhưng kết quả thì bố đánh giá “Bố cười: oai quá/ Giống hệt Táo quân” (Chuyện nhỏ ngày giáp Tết). Có bé hay hỏi những câu hóc búa thật là khó trả lời:

          Sao hạt mưa rơi xuống

          Ngọn khói lại bay lên?

          Sao gà mẹ màu đen

          Lại sinh con lông trắng?

          Sao Dê con có râu

          Hệt như là Dê cụ?

                          Hỏi

Còn nhiều điều vui, lí thú liên quan đến nhân vật Bé.

Ngoài Bé, thì những con vật thân thương, gần gũi cũng luôn gây cho Bé và mọi người niềm vui vì những phát hiện bất ngờ, ngộ nghĩnh. Này nhé, chú nhện con tập giăng lưới bắt mồi:

                        Đêm mơ ruồi muỗi dính quanh

          Sáng ra bắt được long lanh sương trời

                                      Nhện con

Thay vì thức ăn, chú nhện con lại bắt được cái đẹp. Cũng bõ công đan lưới lắm chứ.

          Đàn vịt do mẹ gà ấp nở nhảy xuống nước bơi. Trên bờ mẹ gà hốt hoảng kêu cứu. Trong khi:

          Vịt con phía dưới

          Bơi lội tung tăng

          Cười với nhau rằng:

          - Mẹ mình đùa đấy!

            Mẹ gà con vịt

Gà con thì có một nhầm lẫn đáng yêu vì đã làm đúng theo lời mẹ miêu tả, thế nhưng gà con lại nhận cái «cây» là bố mình:

          Xin phép mẹ đi chơi

          Gặp cây mào gà đỏ

          Mặt gà con hớn hở

          - Bố của con đây rồi!

                    Gà con tìm bố

Các nhân vật khác như mèo con, chó cún, con bò, con dê, con chuột, con hổ, con trâu, con ngựa... (chùm thơ 12 con giáp) chúng ta đều đã gặp ở đâu đó trong thơ của bác Phạm Hổ, chú Nguyễn Hoàng Sơn,... nhưng nhà thơ Vương Trọng cũng có những phát hiện riêng. Chẳng hạn chuyện của Mèo con và Chó con:

          Chó con thấy Mèo con

“Meo” được ăn cơm cá

Cố học theo, bạnh mồm

Nhưng “meo” thì khó quá

Thôi chẳng cần học nữa

Mình “gau gau” tiếng mình

Rồi Chó con còn thách:

  • Mèo con kia có giỏi

“Gau gau” thử xem nào?

Bên cạnh chú Mèo con vồ... chuột hụt lại túm được đuôi mình thì chú «Mèo đi câu» là một khắc họa ngộ nghĩnh về Mèo. Nếu như chỉ chuyển cho Cún con đi câu hoặc chú Bò đi câu thì sẽ mất thú, bởi vì các con vật ấy không thích ăn cá. Thêm nữa, Mèo không tìm được cần câu thì «buộc chỉ câu» vào đuôi... cũng dài dài như là cần câu. Và điều quan trọng nhất là khi ngã nhào xuống sông thì chú Mèo, người đi câu lại thành «mồi câu» trong sự xôn xao, kinh ngạc của lũ cá:

                   Cá Mương nhớn nhác hỏi nhau

          Ai câu mà thả mồi câu bằng Mèo?

                  Mèo đi câu

Với chú Chuột thầy thuốc thì mọi người không thể nhịn cười khi chú kê đơn cho Mèo ốm:

          Từ nay phải ăn kiêng

          Nhớ ăn chay càng tốt

          Nếu thèm không nhịn được

          Thì ăn tạm thịt Chim

Trong khí đó người bệnh không thích Chim lại khăng khăng: «Nhưng thịt Chuột ngon hơn!».

 

«Mèo đi câu» là tập thơ thiếu nhi được giải thưởng của Hội nhà Văn Việt Nam năm 1996. Nhà thơ Đặng Hấn khi tuyển chọn cho tập thơ Cây đèn thần, nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh 1999 có viết bài cho tập này và tuyển 20 bài thơ. Trong tập Tác phẩm được giải thưởng văn học nhà nước, nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2014, Mèo đi câu là tên chung cho phần thơ thiếu nhi. Tác giả tuyển 62 bài. Hai mươi bài trong Cây đèn thần, chỉ được tác giả giữ lại 12 bài. Trong số đó, tác giả vẫn tiếp tục sửa chữa ví như bài Con tằm sửa thành Tằm ơi, Đôi bạn mùa Đông thành Đôi bạn mùa Thu... Tuy vậy nếu nhà thơ chọn kĩ hơn nữa về chi tiết về câu chữ các bài Lời ru mẹ Gióng, Đôi bạn mùa thu, Lo, Cây sấu, Gà trống thì những bài thơ sẽ thú vị hơn. Trong tập, lại có những hai bài trùng Đôi bạn (trang 437 và 471), Chó con (447 và 468).

          Dẫu sao thì Vương Trọng cũng là một trong bát tú (tám ngôi sao) thơ thiếu nhi thành tựu được nhắc ở trong Cây đèn thần (Định Hải, Đặng Hấn, Trần Mạnh Hảo, Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa, Xuân Quỳnh, Nguyễn Hoàng Sơn, Vương Trọng). Bên cạnh đó còn có các tên tuổi khác như Huy Cận và sau này là Quang Khải, Lê Hồng Thiện, Vũ Xuân Quản, Trần Minh, Phi Tuyết Ba,... Dù thơ thiếu nhi không phải là đóng góp chính của nhà thơ, nhưng có được kết quả như vậy cũng rất đáng trân trọng quý mến!

                     

                                                                                       Hà Nội, 5/5/2015

         

 hoa-tuoi-go-vap_hoa-mai

         

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)