bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 20
Trong ngày: 518
Trong tuần: 1451
Lượt truy cập: 640300

MIỀN THƠ GIÀU CẢM XÚC

Nguyễn Thị Mai
 
MIỀN BAN TRẮNG – MIỀN THƠ GIÀU CẢM XÚC
(Giới thiệu tập thơ Miền ban trắng của nhà thơ Phạm Minh Tân).
 
Trong gần 2 trăm hội viên nữ của Hội Nhà văn Hà Nội, nhà thơ Phạm Minh Tân không nổi trội, không có dấu ấn rõ nét về sáng tác nhưng trong lực lượng văn nghệ khu vực Hà Đông – Sơn Tây chị lại là tên tuổi được bạn bè biết đến, yêu thích và trân trọng bởi những thành quả sáng tạo văn học chân thực, dung dị làm nên cảm xúc trong lành, truyền được niềm tin yêu cho người đọc.
Tính đến nay, nhà thơ Phạm Minh Tân đã có 7 đầu sách in riêng, gồm cả truyện và thơ. Tuy nhiên với tôi, thơ là thế mạnh của chị, là thật nhất với tâm tư, nỗi niềm của con người nhân hậu, khiêm nhường, nhiều nén chịu trong chị.
Và tôi chọn thơ – Vì  thơ mới thể hiện rõ tâm hồn, cốt cách của cây bút nữ Phạm Minh Tân.
Từ tập thơ đầu tiên là Nắng chiều (xuất bản năm 2008) đến Tiếng thầm (2011), Khoảng lặng (2014), Khúc ru cánh cò (2017) đến gần đây nhất là tập Miền ban trắng (2019), ta thấy thơ Phạm Minh Tân một mặt chín hơn, trải nghiệm hơn, một mặt vẫn giữ được cảm xúc dồi dào, tư tưởng trong trong sáng, tin yêu cuộc sống và nhân hậu thương đời.
Thật vậy, làm thơ trước hết phải có cảm xúc. Cảm xúc là quyền năng thơ ca. Kể cả  thơ phục vụ tuyên truyền, giáo dục, nếu có cảm xúc yêu ghét, buồn thương, giận hờn, mê đắm thực sự thì thơ sẽ đi vào lòng người. Thơ Phạm Minh Tân thu hút bạn đọc trước tiên ở cảm xúc chân thực và dồi dào. Đọc thơ chị như cùng được theo chân chị đi khắp nơi trên nhiều miền quê hương đất nước. Nếu làm một con số thống kê, bạn đọc sẽ thú vị vì thơ Phạm Minh Tân có rất nhiều địa danh đất Việt từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ sông đến biển, từ thành phố đến nông thôn, từ cuối đất Cà Mau đến cùng trời Lũng Cú… nhưng điều khác người đối với nhà thơ là đi đến đâu lòng cũng bật ra được những cảm xúc. Những cảm xúc trong thơ Phạm Minh Tân không chỉ dồi dào, nhanh nhạy mà còn lan tỏa. Vì thế mà nhiều bài thơ của chị như những bức tranh sống động về cảnh vật thiên nhiên, cuộc sống con người nơi chị đến khiến ta như được chiêm ngưỡng cái đẹp thật sự ngay trước mặt, như các bài: Đêm ở quê, Chiều quê, Bình minh trên hồ Ba Bể, Đêm Bản Lác, Trước thềm xuân, Bến đợi,Tam Đảo mùa thu chín, Giao cảm, Nhớ thu Hà Nội, Trăng trên hồ Ba Bể… Đó là những cảm xúc lạc quan làm nên bức tranh đẹp. Để có cảm xúc lạc quan, thi sĩ phải có cái nhìn cuộc đời bằng con mắt thi vị hóa với một tâm hồn trong trẻo. Người như Phạm Minh Tân xuất phát là một kỹ sư điện tử - cái nghề vốn khô khan, tuổi cũng đã “cao cao bên cửa sổ” và cuộc sống không ít gian truân mà vẫn nhìn đời tươi mới sáng trong, vẫn thăng hoa cảm xúc trước hiện thực thì đúng là một hồn thơ đích thực.img_9653
Tuy nhiên cảm xúc dồi dào trong thơ Phạm Minh Tân không chỉ thấy ở những bức tranh đẹp được miêu tả bằng thơ mà còn thấy trong cái nhìn về con người và nhìn vào chính bản thân chị.
Về con người, thơ chị chia sẻ bằng những cảm xúc buồn thương, cảm thông thực lòng. Đó là người đàn bà bán hoa ế trong chiều 30 Tết, là người đàn ông đạp xích lô mua hoa ế để gánh đỡ nỗi nhọc nhằn cùng cảnh kiếm sống với nhau, là em gái đi lấy chồng ngoại quốc mong đổi đời, là cô Thanh niên xung phong một thời xuân sắc đi bạt núi mở đường giờ về cô đơn thầm lặng, là các cô giáo miền xuôi lên vùng cao cắm bản dạy chữ cho đàn em, là kẻ thiếu ăn bán sức ở chợ người… tất cả họ đều chịu thiệt thòi bởi số phận không may mắn. Nhà thơ khác người thường ở chỗ: con mắt luôn tìm đến họ, trái tim nhạy cảm về cảnh đời của họ và tâm hồn phải xúc động, có nhu cầu sẻ chia với thân phận họ. Có vậy mới viết được thơ. Nếu như ở tập Tiếng thầm (2011) tác giả mới chỉ có hình ảnh một em gái mù mồ côi lang thang với người thương binh chống nạng, thì đến tập thơ này, chị đã có khá nhiều hình ảnh những con người với cảnh đời bất hạnh của họ. Tuy nhiên, viết về họ, thơ Phạm Minh Tân không bi lụy gây thương hại mà cảm thông thật lòng để mọi người cùng thương yêu đồng cảm.
 Nhưng cảm động nhất có lẽ là những bài thơ Phạm Minh Tân viết về cha mẹ. Trong tập thơ có 6 bài viết về cha và mẹ thì cả 6 bài đều rất xúc động. Là thi sĩ, hầu như ai cũng có những bài thơ sâu nặng nỗi niềm về cha mẹ mình nhưng cách thể hiện không ai giống ai bởi mỗi người có một người cha người mẹ của riêng mình. Người mẹ của Phạm Minh Tân: “Mẹ nghèo/ Tõe cả bàn chân/ Gian truân mẹ gánh phúc phần cho con” (Mưa chiều nhớ mẹ), “Mẹ ngồi giặt lụa hong đầy bến sông” (Hoài niệm một dòng sông) “Mẹ ngồi gom nhớ vào quên/ Lời ru cánh võng nhà bên vọng vềMẹ nằm đếm tháng ngày qua/ Nghe tàu cau rụng ngỡ là tiếng con” (Mẹ), … Còn người cha của chị thì: Những năm giặc giã/ cái rét run chân/ cái đói run tay… ông giáo già tóc bạc / Khi nghỉ hưu được mua gỗ làm nhà/ Nhưng phải tự tay đi khai thác tận Ngòi Hoa/ Năm ấy nước sông Hồng lũ xoáy/ Bè gỗ tan/ cha thoát nạn/ diệu kỳ… Nhớ cha giọng trầm ấm thiết tha/ Mỗi khi mẹ rầy la/ cha thường chở che bằng chuyện kể khôi hài…(Cha), Lưng cha hun bóng màu đồng/ Vồng tay cuộn nắng dò vùng cá tôm (Hoài niệm một dòng sông). Và với tôi, câu thơ dựng chân dung đẹp nhất về người cha của Phạm Minh Tân, cũng là câu thơ hay nhất của tập thơ là câu: Chập chờn/ vóc hạc dáng cha/ Dìu con qua những phong ba cõi người (Xuân nhớ). Vẫn là miêu tả vườn quê, hoa xoan hoa bưởi, hàng cau, con đường, ngõ nhỏ, cầu ao, dòng sông, con đò.v.v… rất quen thuộc với thế hệ chúng ta một thời, nhưng sao vẫn gây được xúc động? bởi khung cảnh ấy gắn với mẹ cha ta, gắn với một thời lam lũ đói nghèo nhưng thương yêu đùm bọc, gắn với những kỷ niệm đẹp đẽ nuôi tâm hồn ta lớn lên. Giờ nhờ ngòi bủt tâm tình của nhà thơ mà ta gặp lại, lòng ai không rưng rưng xúc động. Điều đó chính là giá trị nội dung thơ Phạm Minh Tân.
Tuy nhiên, dành cảm xúc cho cảnh vật, con người, cha mẹ thì nhiều nhưng dành cảm xúc cho mình trong tập thơ chưa nhiều (Có khoảng dăm sáu bài). Về lý luận văn học, nếu bàn luận, người ta sẽ đánh giá thơ Phạm Minh Tân thiên về hướng ngoại. Nhưng hướng nội hay hướng ngoại không phải là thước đo giá trị tập thơ. Quan trọng là thơ viết thế nào? Với những bài thơ hướng nội ít ỏi ấy, ta đọc thấy cả nỗi niềm tâm can của người đàn bà nhân hậu, đầy bản lĩnh để vượt lên nỗi khổ của cuộc đời. Quả vậy, người thơ ấy cũng “Bước song hành cùng những buồn vui/ Kiếp nhân sinh / mờ tỏ mặt người (Tri kỷ), cũng hằng đêm thức chong đèn để ngấm ngáp nỗi đau: Bão giông từ phía dặm xa/ Đau từ trong ruột đau ra đã nhiều/ Tựa vào chiếc bóng cuối chiều/ Đêm nay thức với phiêu diêu cõi mình ( Đêm thức) và có những đêm “Thảng thốt/ nghe tim rạn vỡ” (Tình khúc đêm). Chỉ bằng những câu thơ cô đọng ấy, ta biết thân phận nhà thơ. Họ tự bạch cái “cõi mình” để giải tỏa chứ không hề cầu mong ai thương xót. Bởi chị là người có bản lĩnh, tin yêu cuộc sống và tin ở chính mình: “Chỉ có em/ Đi giữa dòng đời/ Gạn đục khơi trong/ Kết thành câu chữ/ Thanh lọc tâm hồn/ Sẻ chia niềm khốn khổ/ Chỉ có em / Rơi lệ khóc phận Kiều (Tri kỷ). Có hai câu thơ về hoa lá quả. Không biết có ẩn ý về cuộc đời mình không nhưng viết được như thế, làm cho câu thơ giàu tính liên tưởng thì thơ mới sâu sắc,  thú  vị: “Bây giờ/ hoa trái ngọt lành/ Vẫn nghe tiếng lá rơi cành mà thương! (Chiếc là). Bạn đọc hãy lắng mình, tĩnh tâm một chút sẽ thấy nhiều nghĩa trong cái vỏ chữ nghĩa của hai câu thơ trên. Và tất nhiên trong những đêm thức vì trăn trở nỗi đời, nhà thơ Phạm Minh Tân cũng có những đêm thức để hát ru mình, dặn lòng an nhiên với cuộc đời này:
Chợt như gió lạc vườn Tiên
Trái thơm còn sót hương lên nồng nàn
Nhạc lòng
Tự khúc miên man
Bâng khuâng nẻo lá rồi lan trong chiều (Tự khúc).
Khi đọc những câu thơ này, tôi chợt tự hỏi sao tập thơ Miền ban trắng không lấy đầu đề là Tự khúc? Nhưmg đấy là cái lý của người đọc. Còn nhà thơ đặt đầu đề thế nào họ có cái lý của họ. Cũng không sao bởi đầu đề tập thơ chưa làm nên giá trị tập thơ.
Như vậy, Miền ban trắng của Phạm Minh Tân là tập thơ dồi dào cảm xúc, trong sáng tư tưởng, tin yêu cuộc đời. Một số bài chạm đến triết lý như bài: Chợ, Tình khúc đêm, Sự già, Cây… đã cho người đọc chút suy tư nghĩ ngợi. Tuy nhiên còn một số bài khiến người đọc mong chờ một thông điệp. Thơ nặng về tả, ít biểu cảm, nhưng có lẽ cũng là một bút pháp riêng. Điều đáng quý rút ra ở thơ Phạm Minh Tân chính là tính chân thực, lạc quan, nhân hậu và tin yêu. Đúng như chị đã tự nhận trong bài Tri kỷ: “Trái tim thơ/ chân thật tình người”.
 
                                                                      Thanh Xuân, ngày 14/4/2921
                                                                                       N.T.M
 


Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)