Ở nước ta, ngoài 2 danh hiệu cao quý là Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật, xét trên góc độ chuyên môn nghề nghiệp thì Giải thưởng văn học thường niên của Hội nhà văn Việt Nam, cùng giải thưởng các cuộc thi văn học của báo Văn Nghệ (cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam) và tạp chí Văn nghệ Quân đội (của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) thường được đánh giá cao nhất và được công chúng văn học cũng như dư luận xã hội quan tâm nhất. Hằng năm, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam được đón đợi như một trong những sự kiện văn học quan trọng bậc nhất trong năm, bởi ngoài việc tôn vinh tác phẩm, Giải thưởng của Hội Nhà văn còn mang rất nhiều thông điệp liên quan đến nhiều vấn đề của đời sống văn học trong giai đoạn-thời điểm đó. Rất nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Nhà văn và báo Văn Nghệ trước đây đã được thử thách qua thời gian, tạo nên những dấu ấn trong nền văn học nước nhà. Tiêu biểu như Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 với việc vinh danh 3 tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng và Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường. Hơn ba chục năm đã trôi qua, đến nay đó vẫn là 3 tác phẩm xuất sắc đỉnh cao của văn học thời kỳ Đổi mới, thậm chí là những đỉnh cao “khó vượt qua” đối với nhiều cây bút hiện nay.
Hoặc như trong lịch sử xây dựng và phát triển của mình, báo Văn nghệ - cơ quan của của Hội Nhà văn Việt Nam - có 2 cuộc thi hết sức thành công “giòn giã” là cuộc thi thơ năm 1969-1970 và cuộc thi thơ năm 1972-1973. Hầu hết những tác phẩm đoạt giải trong 2 cuộc thi trên đây, thực sự là những thi phẩm đi cùng năm tháng, như: “Lửa đèn”, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, “Gửi em cô Thanh niên xung phong”... của Phạm Tiến Duật; “Xóm đê”, “Hương thầm” của Phan thị Thanh Nhàn; “Bầu trời vuông”, “Tre Việt Nam”, “Hơi ấm ổ rơm”... của Nguyễn Duy; “Khoảng trời hố bom”, “Gặt đêm”, “Tin ở bàn tay”... của Lâm Thị Mỹ Dạ; “Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt”, “Thư mùa thu”, “Anh bộ đội và tiếng nhạc la”... của Hoàng Nhuận Cầm; “Mùa xuân đi đón” của Hữu Thỉnh v.v... Đặc biệt, 2 cuộc thi trên đây đã phát hiện một loạt những cây bút tài năng, khích lệ và tạo điều kiện cho họ tiếp tục trau dồi kiến thức và lao động sáng tạo, gặt hái được những thành tựu văn học mới. Trong đó nhiều người tiếp tục đoạt được những giải thưởng cao hơn, trở thành những tác giả tiêu biểu của nền văn học Việt Nam đương đại; nhiều người trở thành những cán bộ lãnh đạo và quản lý văn học nghệ thuật có uy tín.
Tiếc rằng trong đời sống văn học nước nhà những năm gần đây, câu chuyện giải thưởng hầu như đã giảm bớt độ “thiêng” so với trước đây. Hiện tượng thường thấy sau mỗi kỳ trao giải là bên cạnh những tràng pháo tay rầm rộ, những cuộc liên hoan tưng bừng, những lời chúc mừng và những gương mặt hân hoan mãn nguyện… là những cái lắc đầu thất vọng, phản ứng, chê bai… thậm chí có những phản ứng chê bai tạo nên những đợt “sóng” trong dư luận xã hội. Nói về những phản ứng tiêu cực trên đây, có ý kiến cho rằng đó là “hiệu ứng đám đông” trên mạng xã hội. Lại có ý kiến hoài nghi về sự xâm nhập của những mặt trái “cơ chế thị trường” vào hoạt động chấm giải; có ý kiến đổ cho hiện tượng “lạm phát giải thưởng” trong cơ chế xã hội hóa văn hóa, dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở” hiện nay. Có người lại cho rằng hiện tượng đó là tất yếu trong môi trường “văn chương lâm nguy” của thời đại kỹ thuật số, của sự lên ngôi các phương tiện giải trí nghe nhìn, của tâm lý hưởng thụ vật chất và “sống gấp” v.v...
Những lý giải trên đây có thể đúng phần nào, nhưng một thực tế không thể phủ nhận là không ít những “chê bai” trên các diễn đàn chính thống và mạng xã hội mang tính phản biện khá thuyết phục. Không ít những tác phẩm được trao giải gần đây đã không để lại một dấu ấn tích cực trong đời sống văn học, thậm chí bị quên lãng ngay sau khi nhận giải thưởng. Không ít những tác giả sau khi đăng quang đã sớm vắng mặt, thậm chí “biệt tăm” trên văn đàn. Có thể biện minh cho hiện tượng này là do các cơ quan văn nghệ chính thống hiện nay là những tổ chức nghề nghiệp-chính trị, với những nguyên tắc riêng của mình và giải thưởng của các tổ chức ấy vì thế cũng chịu những chế định của những quy tắc đó. Và những quy tắc đó sẽ quy định ngược trở lại chất lượng của giải thưởng, đôi khi có cả những hệ quả tiêu cực. Các cuộc thi văn chương do các cơ quan văn nghệ chính thống tổ chức cũng vậy, có những qui tắc và thể lệ riêng mà đôi khi một tác phẩm được coi là “hay” lại không hội đủ những tiêu chí cần thiết để đoạt giải. Ấy là chưa kể, giải thưởng của mỗi cuộc thi còn phụ thuộc rất nhiều vào cái “gu” văn chương của các thành viên giám khảo và quan điểm, định hướng của các Hội đồng giám khảo.
Có lập luận rằng: Các giải thưởng văn chương chỉ là giải của một cuộc thi cụ thể, hoặc là của một niên hạn nhất định. Văn chương cũng như mùa vụ nhà nông, có vụ được mùa, có vụ thất bát. Việc so sánh chất lượng giải thưởng của cuộc thi này với cuộc thi khác, của niên hạn này với niên hạn khác... là khiên cưỡng, áp đặt. Điều đó có phần đúng, nhưng với những giải thưởng có uy tín thì chất lượng là yếu tố quyết định thương hiệu. Trên thực tế đã có những cuộc thi, những giải thưởng niên hạn không có giải Nhất, thậm chí cả giải Nhì và đó là việc làm cần thiết để bảo vệ uy tín của giải thưởng. Yếu tố qui chế cũng vậy, qui chế do con người đặt ra thì con người cũng có thể điều chỉnh, thay đổi, nhất là khi chính qui chế đã làm ảnh hưởng đến ý nghĩa sự tồn tại của giải thưởng, theo đó là uy tín của cơ quan văn nghệ chủ quản của giải thưởng đó.
Gần đây, mỗi khi bàn đến chất lượng các giải thưởng văn chương, nhiều người thường ca thán “bao giờ cho đến ngày xưa?...”. Sinh quyển của văn chương hiện nay khác với thời chiến tranh cứu nước và khác với những thập niên đầu của công cuộc Đổi mới. Bởi vậy câu ca thán trên đây không phải nhằm so sánh với quá khứ, mà là soi chiếu vào chính hiện tại để có một cách nhìn khác và một cách làm khác, nhằm nâng tầm các giải thưởng văn học trong thời kỳ mới. Đây không chỉ là nguyện vọng chính đáng của những người làm nghề và công chúng văn học, mà còn là một đòi hỏi cấp thiết của đời sống văn học nước nhà.