MỘT KHÚC SÔNG QUÊ
THAO THỨC
truyện ngắn của Vũ Thiện Khái
NHÀ VĂN VŨ THIỆN KHÁI
Xa quê hơn bốn chục năm, ông Định vẻn vẹn hai cuộc trở về. Một lần cách nay tròn một giáp, ông rước hũ di cốt thân phụ về làng an táng cạnh mộ phần thân mẫu. Nhân thể chào hỏi họ hàng, thăm thằng Hiền đồng môn bị tai biến nằm dãi thượt mấy năm rồi. Cái buổi gặp gỡ gượng gạo ấy, vợ nó - người yêu đầu của ông ngồi xoa bóp tay chồng, ngúc ngoắc mái tóc xác xơ xụt xịt những lời oán thán cải lương nhạt nhẽo. Lần này về cùng anh em xây dựng ngôi từ đường họ Vũ. Nói thế cho có vẻ to tát, thực ra chỉ có mỗi việc ký vào tờ giấy đồng ý cho phá ngôi nhà cũ đã bỏ không mấy chục năm trên miếng vườn hương hỏa ông đứng tên sử dụng. Đơn giản vậy, ông đã nhắn anh em cứ tự tiện, nhưng họ bắt ông phải hiện diện cho nó chính danh, cho nó chắc.
Chao ôi! Gia đình ông ở làng giờ còn ai đâu mà họ sợ rắc rối sau này. Mẹ mất lâu rồi Cha đi kháng chiến Biền biệt Mình ta Tự tập Bước ta đi… Hồi đang học năm cuối Tổng Hợp Văn một đêm mưa dầm rả rích, ông buồn bã viết liền một mạch mấy chục câu thơ. Khổ nào cũng mang mang tâm trạng cô đơn, u sầu. Viết xong ông vứt vào giữa đám giấy má đầu giường. Nào ngờ thứ hai tuần sau bị gọi lên khoa. Rồi lên ban giám hiệu. Rồi nhận tờ quyết định tạm thời đi lao động tận công trường khai thác nứa Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang xa tít. Buổi sáng ông khoác ba lô đi chào từ biệt, giáo sư chủ nhiệm khoa bùi ngùi vỗ lưng, cầm tay an ủi:
- Thày rất tiếc, thày rất tiếc.
Gọi là tạm, nhưng anh Định đã yên vị làm anh công nhân chặt nứa đóng bè mấy năm liền, hai lòng bàn tay xẻ ngang xẻ dọc chẳng biết bao nhiêu vết sẹo. Một lần được phép về làng, lên Ủy ban trình giấy, người bạn chí cốt của cha anh đang làm Chủ tịch xã bảo:
- Nom bộ dạng anh thế này, không ổn rồi. Thư thả để qua Tết bác tính cho. Mà anh cũng khái tính lắm cơ. Đến nông nỗi này còn không lên xin ông Thanh một tiếng. Anh tưởng họ chuyển anh về công trường lao động chỉ vì mấy câu thơ vớ vẩn ấy sao?
A! Vậy thì vì cái gì nhỉ? Điều này lúc ấy anh chưa thể nào biết được…
Ông Thanh là Bí thư huyện thời cha anh làm Chánh văn phòng huyện Bộ Việt Minh, nay đảm trách một cương vị quan trọng trên tỉnh. Hồi bà nội anh còn sống, ông Thanh đã mấy lần tiện thể công tác ghé thăm rất thân tình. Nhưng suy nghĩ mãi, anh chả dám làm phiền. Hình như ông Chủ tịch xã đã vận động gì đó. Chưa hết tháng giêng anh Định được khăn gói về xuôi. Lại được làm anh giáo gõ đầu trẻ tại trường cấp một ngay trong xã. May mắn ngoài sức tưởng tượng. Biết tin, mấy bạn cùng khóa, kéo về thăm, họ úp mở kể với anh, kẻ đem bài thơ nhiều tâm sự ấy nộp lên tổ chức chính là thằng Hiền. Cay đắng mất ít ngày, rồi một khuya anh sằng sặc cười một tràng dài tống tiễn nỗi buồn. Sáng mai anh lên xã gặp Chủ tịch xin đi bộ đội. Vậy mà mãi ba năm sau anh mới được toại nguyện đeo sao mặc áo lính. Sau chiến thắng 30/4/1975 khoảng một năm, qua nhiều tìm kiếm anh tìm được địa chỉ cha ở Sài Gòn. Tận mắt chứng kiến chỗ trú ngụ của cha, chỉ là một căn phòng nhỏ dành cho giáo viên trường cơ điện. Lại biết mấy mươi năm ròng cha vẫn độc thân, anh xót xa thương cha chẳng nói nên lời. Trong buổi trùng phùng sau bao năm xa cách ấy, hai cha con ngồi ôm nhau khóc nghẹn. Ở với cha được ít ngày, anh phải trở về đơn vị. Buổi sáng đứng đợi xe ở góc ngã ba Ông Tạ, cha vỗ vỗ lưng anh căn dặn:
- Mọi chuyện rồi đâu có đó. Chiến tranh xẩy ra nhiều tình thế khó lường lắm. Con chưa hiểu được đâu. Cứ tin tưởng, tin tưởng con ạ.
An vị trên xe lam rồi, anh nhớ lại bàn tay chủ nhiệm khoa vỗ vỗ lưng mình cùng lời thì thầm năm nào: Thày rất tiếc… thày rất tiếc. Anh chợt ngộ ra, các bậc trí giả ai cũng đều thâm trầm, bình tĩnh cả. Tự nhiên hai má anh nóng ran vì xấu hổ, vì ân hận về những tràng cười nông nổi của mình.
Năm 1981 cha anh được tổ chức minh oan. Ông Chủ tịch xã báo cho anh biết chốn quê nhà đã nhận được văn bản chính thức phục hồi Đảng tịch và quân tịch cho cha anh rồi. Thay mặt chính quyền và nhân dân xã, ông trân trọng mời cha con anh về dự lễ tuyên bố. Nhưng cha anh đã ốm liệt giường mấy tháng. Trước phút lâm chung, một bàn tay cha cầm chặt tờ quyết định, một bàn tay cha run rẩy nắm bàn tay con trai, trào lệ:
- Cha xin lỗi… Thều thào được đúng ba tiếng, rồi cha anh ngừng thở.
Lo xong việc mai táng, ngay đêm ấy anh đóng cửa căn phòng trả lại nhà trường. Lại mất mấy đêm liền suy nghĩ, anh quyết định xin giải ngũ. Với bản lý lịch đã được chứng minh cực kỳ trong sạch, cùng với mớ kiến thức đã có, anh được một nhà xuất bản chuyên về văn chương nhận làm chân tập sự biên tập. Rồi anh lấy vợ, sinh con, đến tuổi thì hưu. Cứ vậy anh rì rà sống tới bây giờ, ngoại bẩy mươi rồi. Ngẫm nghĩ, đời anh có hàng trăm sự kiện đau buồn, chả hiểu sao rất nhiều đêm chỉ nhớ đến những ngày ở nông trường nứa, với những lời dị nghị sau lưng như cật nứa cứa vào khúc ruột: Trông ra dáng thư sinh thế kia mà bị đuổi học, ngữ ấy không ăn cắp thì cũng hủ hóa hiếp dâm thôi. Anh lại vô thức bật ra một tràng cười khé khé, dài đến nỗi nước mắt nước mũi nhòe nhoẹt cả khuôn mặt hốc hác. Khiến vợ anh, cô công nhân nhà in sợ hãi thốt lên: Khốn khổ chồng tôi bị tâm thần mất rồi.
Mấy năm dạy học ở làng, ngoài những buổi sáng lên lớp, còn lại những buổi chiều và cả ngày chủ nhật dài dằng dặc, anh giáo Định chả biết làm gì. Có mảnh vườn bé tẹo xưa bà nội anh trồng mấy cây chè với giàn trầu không, khi bà qui tiên chúng đã rầu héo rồi chết theo bà. Bây giờ anh trồng vài chục gốc chuối. Tháng được một vài buồng chín, anh gọi học trò đến cùng ăn. Thày trò vui vẻ ồn ào được một lúc, rồi căn nhà lại trở về trạng thái nghe không sót một tiếng thạch sùng tặc lưỡi trong kẽ cột.
Đứng giữa sân nhà anh có thể trông thấy con đê sông Đáy. Đi bộ khoảng mươi phút đã vượt khỏi thân đê xuống thẳng bến đò. Bến đò có gốc cây đa cổ thụ dư trăm tuổi. Sát bến đò có một xóm chài tụ họp vài chục nóc gia thấp lè tè. Chiều chiều anh thường có mặt ở chốn này. Khi tựa gốc đa mơ màng nghe sóng rì rầm, khi tư lự nhìn mặt sông phảng phất khói sương mờ ảo. Có lẽ anh sẽ buồn đến chết nếu không được kết bạn với cụ Đồng, một lão ngư râu trắng như cước thân hình khô quắt và dẻo dai tựa mái chèo gỗ liễu. Cả ngày cụ lui cui trong chiếc thuyền chài nhỏ xíu, cột vào mẩu rễ đa chìa ra ngoài chân sóng. Cụ bảo lưng không có cảm giác bồng bềnh không ngủ được. Thằng Quang cháu cụ ăn ngủ một mình trong căn lều giữa xóm chài. Năm ấy nó mới mười sáu tuổi, nhưng cao to vạm vỡ đô vật còn thua. Trẻ con xóm chài chả đứa nào đi học, thằng Quang và chúng bạn đều mù chữ như nhau. Nó thủ thỉ với thày Định: Em ức lắm. Mù chữ không được đi bộ đội. Cái Dậu nó chê em vì em không đủ tiêu chuẩn ra chiến trường đánh Mỹ. Anh biết cái Dậu con bà Ngọ ở xóm chài. Hình như mọi người con gái đẹp đều là vưu vật của thiên nhiên ban tặng loài người một cách vô cùng bí ẩn. Một bà mẹ xồ xề, cư dân của xóm chài rách rưới nghèo khổ truyền đời mà sinh ra được cái Dậu sắc nước hương trời nhường ấy cũng là sự lạ. Năm ấy nó mới mười sáu tuổi mà bộ ngực đã vồng lên nưng nức. Môi hồng, mắt xanh biếc, má bồ quân, vẻ đẹp chim sa cá lặn dường ấy nhưng trời bắt nó phải ở xóm chài, ngày hai buổi đều đặn đi làm hợp tác, rồi vài tuổi nữa sẽ lại lấy một anh chài nào đó mà thôi. Bao chàng trai trong làng lên đường vào chiến trường, không ít người thấp thỏm ngày chiến thắng trở về, liệu hoa kia còn phong nhụy trên cành. Thời ấy, phong trào hợp tác hóa nông thôn đang rầm rộ tiến lên cao cấp. Không một nghề nào, không một người nào được phép làm ăn riêng lẻ. Vài chục hộ xóm chài cũng phải nhập vào hợp tác xã nông nghiệp trong đê. Mấy chục con thuyền nhỏ bé bỏ không cắm sào nhấp nhô cạnh bờ sông Đáy. Chỉ vui cho lũ trẻ thi thoảng hè nhau gạt mái chèo đưa thuyền nhấp nhô ra giữa mặt sông lừng sóng. Chuyển sang làm nông nghiệp, lứa cái Dậu, thằng Quang thì hội nhập nhanh chóng, còn cha mẹ chúng đôi tay quen chèo thuyền, đánh lưới, giờ nhổ mạ, cày bừa cứ lóng ngóng như thợ vụng mất kim, công điểm thu nhập chẳng là bao. Đêm họ lén đi bỏ vài tay lưới kiếm thêm đồng mắm muối cũng bị phê bình ngoan cố bám theo con đường tư hữu. Vậy nên mới có chuyện một chiều màu nắng có vẻ bất thường, cụ Đồng búng ngón tay xuống mặt sông ngửi ngửi, lại ngửa mặt trông mây, nghe gió rồi bảo: Đêm nay nước cá mòi về. Nửa đêm vài chục con thuyền chài lén xuất kích, thuyền nào cũng thu dăm chục ký cá tươi rói. Anh giáo Định đêm ấy cũng tham gia với thuyền cụ Đồng và thằng Quang. Cụ Đồng chèo, thằng Quang hạ hai càng te xúc cá. Mỗi mẻ cất lên vài chục con trắng lấp lánh. Đang ngon trớn, nghe tiếng lệt xệt cọ đáy thuyền, cụ Đồng hổn hển: Chạm tía cá rồi, Quang cứng tay vào. Mẻ ấy và mấy mẻ nữa thằng Quang phải lừa bớt cá ra mới nâng lên nổi. Qua một đêm hì hụi, một khoang thuyền đầy ắp cá mòi. Sáng sớm mai, đang tính cho thằng Quang chèo sang bờ bên kia bán cho lái cá, chắc mẩm đủ tiền mua chiếc xe đạp Thống Nhất, niềm mơ ước cháy gan của nó. Thì một hồi còi ré lên, ông chủ nhiệm cùng với mấy dân quân xuất hiện ra một lệnh ngắn gọn: Toàn bộ số cá do làm ăn kiểu tư bản chủ nghĩa phải nộp về cho hợp tác xã. Bù lại mỗi người được hưởng năm công lao động. Năm công này đến mùa may được mươi cân thóc.
Nhìn vẻ mặt thằng Quang tiu nghỉu, anh giáo Định động viên nó: Thế Quang có muốn học biết chữ để được đi tòng quân, được cái Dậu yêu không. Nó tươi rói đáp: Em muốn lắm. Cụ Đồng khẩn cầu: Xin thày giáo giúp cháu. Nó khổ từ tấm bé. Năm tuổi đã mồ côi cả bố lẫn mẹ. Lần đánh cá đêm năm ấy, chẳng biết ma quỷ nào dẫn dụ, cha nó đưa thuyền vào đúng vòng xoáy hun hút giữa vụng Đức Ông. Sáng mai cả vạn chài bổ đi tìm kiếm chẳng thấy mảy may vết tích. Cứ như con thuyền và cha mẹ nó chui vào bụng thần sông vậy. Anh Định quá biết cái vụng này cách bến đò chừng non cây số. Trên bờ vực có đền thờ Quan Thám. Ông Thám hoa này chẳng biết đỗ khoa nào, thời nào. Chỉ truyền lại sự tích ngài nhảy xuống vụng tự tử, do uất ức làng anh không đón rước buổi ngài vinh qui bái tổ. Làng anh từ xưa đã là làng của lắm vị đại khoa. Nghe nói đã có một ông quan huyện ngồi võng đi qua, gặp một cụ bà cố ý vén váy đứng đái giữa đường, quan truyền lính gọi lại hạch hỏi thì bị cụ chỉ mặt mắng: Cái ngữ quan còn to hơn mày tao vén váy đái ra dăm thằng đấy. Bởi vậy, với làng anh, Thám hoa là cái đinh gì. Đỗ đạt ở đâu không biết, ở đây hắn cũng chỉ là thân phận kẻ ngụ cư thôi. Ấy vậy mới tiêu đời oan uổng một vị Thám hoa. Ấy vậy mới sinh ra đại dịch chết hại nhiều người, khiến làng phải lập đền thờ Ngài, mới tai qua nạn khỏi.
Thằng Quang lớn lên tự nhiên như gió sông, như triều dâng. Đích thực thằng trai mười bẩy bẻ gãy sừng trâu. Anh giáo Định thường bắt gặp nó ngồi tư lự mũi thuyền căng lồng ngực cất lên câu hò: Hò ơ hò… Vắng em chỉ một phiên đò… Ơ ơ hò trầu ăn chẳng có, buồn lê thê buồn. Anh vỗ vai thân mật: Yêu rồi phải không? Nó hồn nhiên: Không biết yêu, chỉ thích thôi. Anh đoán chắc cu cậu thích cái Dậu rồi. Chả biết vì động cơ được đi bộ đội hay vì cái Dậu mà nó học chữ tấn tới không ngờ. Chưa đầy năm, nó đã đạt kiến thức tương đương lớp bốn. Thày Định xin cho nó được đặc cách thi tốt nghiệp cấp một. Nó đậu hạng trung bình. Dịp tuyển quân cuối năm ấy, cả hai thày trò nhập ngũ cùng ngày. Trong buổi tiễn đưa, cái Dậu dúi vào tay thằng Quang tấm khăn màu hồng thêu đôi chim bồ câu và dòng chữ Em sẽ đợi anh về. Kỷ niệm cho thày giáo có công dạy dỗ người yêu, cái Dậu tặng anh Định một xấp giấy viết thư và hai chục tấm phong bì. Suốt mấy năm chiến tranh anh Định chỉ dùng hết một tấm. Ấy là lần anh gửi thư cho cái Dậu báo tin Quang và anh đã tách ra hai đơn vị xa nhau và khuyên Dậu chung thuỷ chờ ngày Quang chiến thắng về làng. Mười chín tấm còn lại, anh giữ tới bây giờ.
Xâm xẩm tối, chiếc xe khách thả ông Định xuống bến đò làng. Ngồi tầu hỏa, hai ngày liền, mình mẩy ông đau ê ẩm. Muốn nghỉ ngơi một chút, ông lần bước xuống bến đò lúc này sương đã dâng đầy. Quang cảnh hiu hiu vắng lặng. Vừa ngồi tựa gốc đa, nhắm mắt hồi tưởng những chiều buồn mấy mươi năm trước, ông chợt nghe bì bọp tiếng mái chèo vỗ nước. Như chui ra từ sương khói mặt sông, một con thuyền chài hạ kín mui êm ru trờ tới. Dưới sông âm u vọng lên giọng nói quen quen:
- Ai như ông giáo Định phải không?
- Ôi! Ôi, cụ Đồng, đúng cụ Đồng rồi. Mừng quá, quên cả tuổi già, ông Định lội ào xuống mép nước bước lên mũi thuyền. Trong quầng ánh sáng ngọn đèn chai leo lét, ông Định nhận ra cụ Đồng chẳng già đi mấy tí. Vẫn bộ râu trắng như cước và đôi cánh tay dẻo dai như cành liễu.
- Lâu lắm mới gặp cố nhân, ta làm một vòng chơi sông chứ? Cụ Đồng đề nghị.
- Được vậy thì sung sướng quá, chỉ sợ cụ tuổi cao không còn sức chèo thôi.
Chưa yên vị, ông đã nghe tiếng hai mái chèo phía đuôi thuyền đều đặn chém vào mặt sóng nghe lép chép. Có cảm giác như ông và cụ Đồng đang trôi giữa sương mù. Tay nọ véo tay kia đau nhói, biết mình không mơ, ông Định sực tỉnh hỏi cụ Đồng về tuổi tác, về sức khỏe. Cụ xa vắng đáp:
- Tuổi giời cho thì vô thuỷ vô chung ông à. Sức khỏe thì cũng vậy, tôi nay được khang thái vĩnh viễn rồi. Hỏi tới thằng Quang, ông cũng chỉ được nghe cụ lấp lửng:
- Nó giờ đang ở đâu đó, cho là gần thì thật gần, cho là xa thì xa lắm.
Nói rồi buông mái chèo phó mặc con thuyền trôi xuôi lờ lững, cụ lệt xệt bò vào trong khoang ngồi đối diện ông Định. Giữa hai người là một bộ đồ trà nghi ngút tỏa ra khói hương ngào ngạt. Sành như ông Định mà vẫn chẳng nhận ra loại trà thượng phẩm nào. Vừa thưởng thức trà, ông Định vừa ngắm dòng sông đêm dưới sương mờ màu sữa loãng. Đêm nay đang cữ cuối tháng, cuối đông. Mảnh trăng hạ huyền thanh mảnh đã lên cao tầm hai con sào phía chân trời tả ngạn. Ánh trăng yếu ớt không đủ xuyên thủng màn sương. Nhưng trên đầu vô vàn con sóng lăn tăn như được gắn vô vàn hạt kim cương lấp lánh. Cũng đủ cho ông Định nhận ra quang cảnh sông đêm huyền ảo. Nghe eo éo tiếng nước xiết, ông Định nhắc cụ Đồng cẩn thận. Cụ chép miệng: Vụng Đức Ông đấy. Ông đừng lo. Chợt ông Định có cảm giác bồng bềnh như là thuyền đang bay qua mặt vụng. Nhìn lên bờ ông nhận ra một dáng người ngồi bất động, nón lá che kín hai vai, hai bàn tay khum khum ôm chiếc cần câu cong vút. Cụ Đồng chép miệng: Ông Mô đấy. Rõ khổ, mấy chục năm rồi vẫn ngồi đấy, vẫn câu những con cá chép to mấy khía rồi lại vất tũm xuống sông ông ạ.
Ông Mô là bạn cùng tham gia Việt Minh với cha ông từ hồi còn bí mật. Tới hòa bình ông xin nghỉ mọi công tác. Đêm đêm ngồi câu bên vụng Đức ông. Rất nhiều lần anh giáo Định đã theo ông ngồi câu thâu đêm. Bác cháu rì rầm nhiều chuyện, anh mới vỡ ra uẩn khúc, ông tự giác xin tổ chức cho về làm dân là do anh Đàm, người con trai ông gửi vào vùng tự do theo học trường trung học kháng chiến. Anh ta mê cô hàng xén chợ Ngọc, rồi dắt nhau di cư vào Nam hồi 1954. Sợ con theo giặc nhúng vào tội ác, ông xấu hổ không dám ăn nói với đồng bào. Sau 1975, ông Định có gặp anh Đàm mấy lần. Anh có bằng tiến sĩ, không đi lính, chỉ làm Thanh tra Bộ giáo dục tới ngày chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Vậy là ông Mô vẫn còn sống. Lần này mình phải cho ông biết sự thực về anh Đàm để tới lúc ra đi ông được thanh thản cõi lòng. Cắt dòng hồi tưởng của ông Định, cụ Đồng nói lớn: Đức Ông đấy, thuyền Đức Ông đã hồi cung. Ông Định vội quay về phía sừng sững bóng một ngôi đền. Ngang thuyền ông, một con thuyền lớn treo vô số đèn lồng, cùng thánh thót tiếng đàn tiếng sáo đang lừng lững quay vào trong vụng. Từ trong khoang sáng rực, vọng ra tiếng ca nương véo von lan trên mặt sóng. Cụ Đồng giải thích thêm: Lâu lắm mới thấy Đức Ngài ngự giá về đền. Tết này dân gian tha hồ vui vẻ hội hè, năm tới sẽ cực kỳ phong đăng hòa cốc cho mà xem.
Thuyền Đức Ông khuất dạng thì thuyền cụ Đồng cũng trôi ngang bến sông làng. Lúc này đã quá nửa đêm, nhưng sao bến làng còn chộn rộn vậy. Cả hai đầu bến đều san sát những bóng thuyền vèo vèo qua lại. Trên thuyền lố nhố mũ tai bèo, lỉnh kỉnh xếp đầy hòm xiểng. Cụ Đồng bảo: Hòm quân nhu, khí tài đấy. Chả đêm nào không rậm rịch trung chuyển qua bến này hàng trăm tấn.
Chưa hết ngạc nhiên, ông Định đã nghe tiếng gà xa xa eo óc gáy. Cụ Đồng gác mái chèo, thuyền cập bến. Ông bước lên bờ, vừa kịp hẹn ngày mai xin đến thăm thì con thuyền và cụ Đồng đã trôi hun hút tận đâu rồi.
Ngồi dựa tạm vào gốc cây đa, định bụng chốc nữa ông sẽ thong thả về làng. Lại có cảm giác mình đang mơ, ông nghe văng vẳng từ mặt sóng, tiếng thằng Quang cất lên câu hò buồn bã thuở nào: Hò… Ơ Hò… Vắng em chỉ một phiên đò, trầu ăn chẳng có, buồn lê thê buồn. Ông khum tay làm loa hét to: Quang… Phải Quang không? Đáp lời ông không phải thằng Quang mà của mấy đứa cháu. Chúng bảo được tin bác hẹn chiều về, ra đón tứ phía không gặp. Di động bác cũng tắt. Làm cả họ lo mất ngủ. Ông kể vừa đi chơi một vòng sông với cụ Đồng. Bọn chúng ồ lên kinh ngạc: Cụ Đồng bến đò mất lâu rồi, mất trước cả ngày xã làm lễ truy điệu anh Quang cơ. Lại đến lượt ông kinh ngạc. Quay ra bến sông chẳng thấy bóng cây đa, chẳng thấy bóng con thuyền nào. Chỉ xa xa phía thượng nguồn một quầng sáng điện lung linh cùng tiếng máy nổ ì ầm. Theo tay ông chỉ, chúng giải thích: Mấy chiếc tầu hút cát của anh Hậu con ông Hiền bạn học ngày xưa của bác đấy. Công ty của anh ấy đang thi công khu du lịch vệ tinh của đại dự án du lịch Bái Đính. Trong đoàn còn có cô gái từ nãy giờ im tiếng, ông Đồng trông quen quen, hao hao cái Dậu năm xưa. Nhưng cô này xinh đẹp hơn, vẻ trí thức hơn. Như hiểu sự hồ nghi của ông, cô tự giới thiệu: “Cháu là con gái của mẹ Dậu cháu ngày xưa đấy ạ.” - “Vậy cháu cũng là con bố Quang?” - “Không ạ. Bác Quang hy sinh ở mặt trận cổ thành Quảng Trị rồi. Sau thống nhất mẹ Dậu mới xây dựng với bố cháu là thương binh bạn đồng ngũ với bác Quang.” Thằng cháu ông đế vào: “Giới thiệu với bác, chị đây là một Chủ tịch xã trẻ nhất huyện đấy.”
Theo chân bọn trẻ lên đê, cả một vùng giầu có hiện ra bát ngát trước mắt ông. Dưới chân đê là con đường hai làn xe phẳng lì chạy xa tít tắp. Phía làng ông, sau thưa thoáng lũy tre, những mái nhà cao tầng nhô lên tươi rói trong ánh bình minh. Khi đoàn về tới đầu làng, cô Chủ tịch xã xinh đẹp lễ phép thưa: “May bác về dịp này gặp xã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu bến đò anh hùng thời chống Mỹ và trao quyết định truy tặng huân chương Kháng chiến cho các bậc lão thành tham gia cách mạng trước 1945, trong đó có cụ Mô, và ông nhà ta ạ.”
Thoáng nghe chuyện, thoáng nhìn quang cảnh làng xưa, ông Định chỉ thốt được mấy tiếng vâng vâng nghèn nghẹn. Những khúc sông xứ người ông đã đi qua nhiều lắm. Dù chúng tuyệt đẹp theo cách hùng vĩ, theo cách mộng mơ, ông vẫn cứ thấy nó nhàn nhạt thế nào. Đến buổi sáng nay trước khúc sông quê thao thức chuyển vần trầm tích vui buồn, ông mới chợt hiểu ra rằng, nó nhạt vì nó thiếu vị quê nhà, cái vị chẳng thể phân biệt được nơi đầu lưỡi, bởi nó lặn sâu, nó tan hòa vào trong máu mỗi một con người.
Viết xong ngày 31/7/2014
Người gửi / điện thoại