MUÔN NẺO CÕI VỀ
TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI
Thời kháng chiến chống Pháp, làng quê ông Hiếu lọt vào vùng đệm giữa ta và địch. Ban ngày tề ngụy tạm thời kiểm soát. Ban đêm các đoàn thể Việt Minh công khai hội họp, du kích bí mật gài mìn tận chân đồn lính ngụy. Thuở ấy ông Hiếu còn bé tẹo. Sau này được bà nội kể cho nghe: Rằng thì là cha mày hồi đó đang là ông giáo trường làng. Rằng thì là, đang buổi hỗn canh hỗn cư, một sáng chủ nhật, cha mày liều lĩnh lên thành phố viếng tang thày giáo, lớ ngớ thế nào, lạc vào trận càn, bị bọn giặc tóm vào trại lính. Thế là ngẫu nhiên từ chân hương sư, chúng ép cha mày mặc đồ nhà binh vàng chòe màu cứt ngựa. Chuyện cứ như đùa. Cứ đinh ninh đích thân ông huấn học can thiệp thì ắt được trả về bục giảng. Ai ngờ, bị lùa tuốt luốt xuống tầu chiến, chạy thẳng vào Nam kỳ, cha mày bặt tin từ đấ
Từ đấy, cuộc đời cha ông Hiếu cắm neo vào con hẻm nhếch nhác, bát nháo giữa Sài Gòn hoa lệ. Chịu phận tha hương bằn bặt mấy chục năm trường, tới tuổi già lụ khụ, ông cụ mới có dịp về thăm cố hương đúng một lần. Chưa thực hiện được ý định cuối đời sẽ quay về đất Tổ, sống thêm vài ba năm, lúc nào hai năm mươi thì yên nghỉ giữa lòng đất mẹ. Chẳng dè, cụ nhắm mắt xuôi tay sau một cơn đột quỵ. Hũ tro cốt của cha, ông Hiếu gửi tạm trong một ngôi chùa ở vùng ven thành phố. Chùa nhỏ nhưng ngôi tháp để cốt cao ngất những chín tầng. Một chỗ ngồi cho một hũ cốt, chỉ nhỏ bằng hai bàn tay, phải đóng số tiền không nhỏ. Xưa nay việc hiếu ai nỡ so đo mắc rẻ. Cứ tưởng gửi tạm thôi. Chẳng ngờ vong hồn cha ông phải chen chúc ở đấy hơn chục năm rồi.
Cũng do yêu cầu công vụ, sau ngày đất nước thống nhất, ông Hiếu được điều động vào phía Nam công tác. Từ đấy, cả gia đình ông định cư cùng phường với cha già, nhà cách nhau vài con phố. Lúc ra đi, ông Hiếu phải đứt ruột bán căn nhà cổ và miếng thổ cư, sở hữu của mấy chục đời gia tộc. Ngày ấy, hai con gái ông chưa học xong cấp một. Bây giờ chúng đã con cái đề huề. Vợ chồng ông cũng nghỉ hưu mười mấy năm rồi. Năm nay, trước ngày giỗ cha mấy bữa, ông Hiếu lững thững đi bộ lên chùa. Sáng ấy, nhà chùa bận làm lễ cầu siêu cho ai đấy, các chú tiểu tíu tít nơi chính điện. Tòa tháp chín tầng vắng tanh. Ông Hiếu chậm rãi leo lên đến tầng áp nóc đã hổn hển há miệng như cá nằm trên cạn, mắt hoa, tim đập loạn sạ. Lẩy bẩy đẩy cánh cửa gian thờ, một làn khí lạnh lởn vởn như sương đục bay thốc ra, phả vào mặt ông buốt cóng. Đứng nghỉ một lát, đợi qua cơn mệt rũ, lưng áo ướt đầm mồ hôi, toàn thân run bắn như cảm lạnh, ông Hiếu bất giác rùng mình, linh cảm rất nhiều đôi mắt người chết nhợt nhạt, lờ đờ nhìn vào sau gáy. Ông tự trấn an, mình gần đất xa trời rồi, sắp thành ma rồi, còn sợ gì ma nữa. Cắm nén nhang cháy đỏ vào lư hương công đồng, quay sang chỗ thờ cha, ông Hiếu kính cẩn dâng hương trước tấm hình thân phụ in trên men sứ. Sau cúi lạy thứ nhất, ngẩng lên, ông giật thót người. Hình như gương mặt cha đang động đậy, đôi mắt nhấp nhính đôi dòng lệ, đôi môi méo xệch, muốn khóc. Chưa hết bàng hoàng, ông Hiếu đã nghe giọng cha cha khàn khàn: Ở đây toàn ma quỷ canh giữ con ơi. Cha sợ lắm. Con hãy mau mau đưa cha thoát khỏi chốn này càng sớm càng tốt. Tốt nhất là về quê ở cùng các cụ nhà ta… Thoắt im bặt. Những tiếng rì rầm như ong vỡ tổ cũng im bặt. Bên ngoài vang lên lẹt xẹt những bước chân. Ông Hiếu nhìn ra, chặn giữa khung cửa, một chú tiểu lưng cúi lom khom, tay cầm cán chổi quẹt đi quẹt lại xuất hiện tự lúc nào. Có vẻ như chú ta đang làm phận sự canh chừng trước cửa, không phải chủ tâm quét rác. Lại một sự lạ nữa, tận mắt ông chứng kiến, từ hai bên đỉnh đầu chú ta dần dần nhú lên hai chiếc sừng nhớp nháp máu tươi, ngọ ngà ngọ nguậy. Nếu lúc ấy không nghe được câu niệm: A Di Đà Phật, thay lời chào, chắc ông vỡ tim chết đứng. Sực tỉnh, trước mắt ông, lại là chú tiểu thùng thình trong bộ đồ tu, đầu nhẵn thín, cử chỉ khoan thai, thân thiện nở nụ cười từ bi nửa miệng. Hốt hoảng đến toát mồ hôi trán, ông Hiếu loạng choạng chắp tay trả lễ, lập cập xuống lầu.
Từ bữa ấy, ông Hiếu ăn ngủ không yên. Chả nhẽ cái bệnh huyết áp thất thường của mình gây ra ảo giác. Xưa nay ông chưa hề tin có quỷ, có thần, có địa ngục, có mờ mịt cõi Âm. Nhưng mà đôi mắt cha sáng ấy, thật sự rịn rịn hai dòng lệ cùng với đôi môi run rẩy khẩn cầu đau đớn luôn hiện lên trong tâm trí ông từng phút, từng giờ. Chả lẽ chỗ ấy là sào huyệt của bọn ma quỷ giả danh cửa Phật để hành sự ác. Đắn đo mãi, ông mới kể mọi sự với các em và các con, từng đứa thản nhiên vui vẻ trả lời ông đều một giọng như là thương cảm, như là giễu cợt: Cụ lẩm cẩm rồi. Hoang tưởng rồi. Chả biết san sẻ cùng ai, ông Hiếu quyết tâm âm thầm chuẩn bị cho chuyến bí mật về quê vào dịp Tết này. Nếu nơi phần mộ tổ tiên còn rộng đất, ông sẽ kính cáo các cụ xin rước hũ cốt của cha về quê đoàn tụ. Ông biết để lộ ra bọn nó sẽ tìm cách ngăn cản. Sẽ tấu lên điệp khúc: Ối giời ơi, chỉ ít ngày nữa tròn tám chục rồi, chân tay lẩy bẩy, ngày nào quên uống thuốc thì huyết áp nó hành đến xây xẩm mặt mày, một mình ra Bắc có mà… Điên toàn tập bố ơi! Hoặc: Anh ơi!
Ba giờ chiều ngày hai mươi tám Tết. Đoàn tầu Thống nhất chạy suốt Nam Bắc đổ khách xuống ga. Từ đây về làng ông chỉ còn khoảng ba cây số. Ông Hiếu thận trọng đeo lên vai chiếc túi chứa vài bộ đồ chống rét, vài vỉ thuốc phòng ngừa bệnh tim mạch. Thong thả xuống tầu. Thong thả ra ngoài cửa ga. Ông thấy trong người khỏe re, tim đập nhẹ nhàng. Có lẽ ngọn gió se se cùng với hương vị và những màu sắc Tết cổ truyền chốn cố hương đã truyền cho ông sinh lực. Chả cần vội vã, kéo cao cổ áo len, bỏ qua nhiều lời chèo kéo của mấy tay xe ôm lẻo mép, ông vững tâm đi bộ. Quang cảnh ngoài cửa ga, ngày giáp tết có khác, đường phố lới phới sấc màu, xe cộ vùn vụt qua lại đến chóng mặt. Ông Hiếu tự khen mình sáng suốt: Ngồi sau xe các chú, vù vù giữa đám bát nháo kia, thân già này chưa muốn tịch đâu nhé.
Về đến đầu làng, Ông Hiếu dừng chân bên gốc cây muỗm lụ khụ vài trăm tuổi, lặng ngắm toàn bộ tàng lá trên ngọn đang phủ nhẹ làn nắng chiều vàng rưc. Ông biết, ngày đông tháng giá, còn hoe hoe thế này, còn lâu trời mới tối. Thăm quê lần trước, nghe xôn xao dư luận dân tình, mấy ông bà xóm trưởng, thôn trưởng muốn ngả cây này làm nhà văn hóa, lòng ông cứ thấp thỏm lo âu. Nghĩ, cây cao bóng cả chính là thể phách, là bổn mạng của mỗi xóm, mỗi làng, thậm chí mỗi đời người nữa. Định can ngăn, nhưng chợt nhớ thân phận tha hương, ông chỉ im lặng nắm chặt những bàn tay anh em tiễn đưa bịn rịn. Rồi cắm cúi bước đi. Bữa nay, còn được dựa lưng vào tấm thân vâm váp của ngài đại thụ đang vui vẻ rì rào cành lá thẫm xanh cùng gió, ông mừng như gặp được cố nhân. Ly hương mấy chục năm rồi, anh em họ hàng, làng xóm, người hàng tổng, cỡ tuổi ông chắc chả còn được mấy. Tự dưng rưng muốn khóc. Dừng chân trước lũy tre xơ xác dọc theo mép đường, từng cây tre vàng óng đang lào xào thả nốt những chiếc lá khô queo xuống mặt nước ao tù thả đầy bèo cái. Ông Hiếu nhận ra ngõ nhà người bạn đã cùng ông vào sinh ra tử gần chục năm Đánh Mỹ. Thời chiến, nó huân, huy chương đầy ngực. Thời bình lại giơ vai xông xáo dọc ngang, quyết tâm xốc dậy một làng quê khăn khó trăm bề. Vậy mà bây giờ đã ngồi đây, vô hồn trên chiếc xe lăn, trước mặt ngồn ngộn một nia đầy thịt lợn. Nhấp nhổm quanh chiếc nia, một người luôn tay xẻ thịt, một người cân nhắc ném từng miếng dính máu vào bốn phần bốn góc nia. Thằng cháu cao nghêu, tay thọc túi quần zin, tay cầm iphon, đứng sau xe lăn, có vẻ sinh viên về nghỉ Tết. Nghe bố nó sai: Mày trông củi lửa nồi luộc cho tao nhờ. Nó vặc lại: Bố, cả ông nữa, bây giờ là thời nào mà còn lẩm cẩm đụng với chạm, mất thì giờ. Thịt lợn ngoài chợ bán đầy, mua miếng nào ra miếng ấy. Tết nhất, nhợt chân nhợt tay, chia banh chia bách mấy cục bèo nhèo. Mất ngon. Bố nó huơ con dao bóng mỡ ngẩng lên mắng: Cha bố anh. Trứng khôn hơn vịt. Cả năm trời chúng tao góp cám, góp công, chịu cực rét mướt lội ao vớt bèo mới vỗ béo được chú ỉn sạch hơn sáu chục lô này đấy. Nuôi bằng thức ăn gia súc, ba tháng lớn hơn trăm ký, mày tưởng bố mày dại. Ba ngày Tết, ních đầy bụng thứ thực phẩm bẩn nhiễm đầy hóa chất độc hại ngoài chợ, có mà toi sớm.
Chứng kiến màn đối đáp qua lại kiểu chân quê vừa rồi, định mở cổng ghé vào góp vui vài lời, nhân tiện thăm bạn già một thể, đúng lúc thằng nhỏ mở nắp vung đồng, Một luồng hơi nước bốc lên ngùn ngụt mang theo mùi thơm đặc trưng của bộ lòng lợn vừa chín tới trong nồi nước suýt. Ngày xưa, chả nhớ bao nhiêu lần thằng bé Hiếu đã đội chiếc rổ lên đầu theo ông nội đi nhận phần chia thịt tết. Ngày ấy, dưới mái ngôi nhà cổ kính còn xum vầy đông đủ bốn thế hệ tứ đại đồng đường, không khí ngày giáp tết của gia đình ông Hiếu vui vẻ ấm cúng biết bao. Cụ nội với chiếc mục kỉnh trễ ngang sống mũi, ngồi tỉ mẩn tỉa gọt củ thủy tiên. Ông nội lăng xăng bận rộn cùng những tờ câu đối đỏ. Với ông nội, mỗi chiều ba mươi tết, được ngồi khề khà nhắp ly rượu cúc, gắp miếng lòng lợn thơm lừng mùi húng quế, tới ngà ngà say, đứng dậy xoa tay, líu lưỡi: Tết của tao vậy là xong rồi đấy. Mà cần gì hơn nhỉ? Tao lên giường khò đây. Mặc đất của vua, mặc chùa của bụt, mặc chúng mày moóc chê, lựu đạn ùng oàng choảng nhau. Tết năm sau, chiến sự lan đến gần làng, gia đình ông Hiếu chỉ còn mấy người già bám đất. Con cháu tản cư mỗi đứa một phương trời, một mình ông nội khệ nê bê rổ thịt đánh đụng về nhà, tự thái đĩa lòng xén, một mình ngồi nhâm nhi, kêu miệng đắng nghét, rồi chửi: Cha tổ thằng Phú Lãng Sa làm cả làng mất tết. Rồi lẳng lặng lặng lên giường, nằm duỗi thẳng chân tay, lẳng lặng giả Thánh Hiền chữ nghĩa, lẳng lặng giả Chùa cho Bụt. Đêm ấy nội thăng thiên, nhẹ nhàng như nằm ngủ một giấc dài. Tết năm ấy đình hàng tổng tế Thánh vắng nội, thiếu một chân ngân nga xướng lễ. Các quan viên ngẩn ngơ thương tiếc một tài hoa sinh chẳng gặp thời.
Ngâm ngẩm chuỗi hồi ức buồn buồn, ông Hiếu đổi ý, tặc lưỡi, để ngoài ngày ra thăm nó. Rồi thủng thẳng dấn từng bước một trên đường làng. Con đường này ngày xưa, mấy chục năm rồi, nhắm mắt ông còn nhớ như in từng cọng cỏ. Bây giờ khô cứng bê tông. Hiếm hoi mới gặp một cánh cổng tre, một khóm tre già kẽo kẹt cọ nhau run rẩy trước heo may se sắt. Vượt qua ông, chốc chốc một vài chiếc ô tô bóng loáng. Đắt tiền lắm đấy, làng mình giầu có thật sự rồi. Ông thoáng nghĩ. Nhiều hơn vẫn là những chiếc xe máy chở cả một gia đình thu gọn, líu ra líu ríu về quê ăn Tết. Hết chiếc này đến chiếc khác toe toe bóp còi sát sau lưng. Chả một ai lộ trên vẻ mặt nhận ra lão già đơn độc đang thận trọng từng bước giữa khung cảnh phất phới hoa người, hoa tết. Ông cũng chả nhận ra chúng là con cái nhà ai. Trong lòng nặng trĩu u buồn, nhưng lạ kỳ, hai bàn chân ông bước đi nhẹ bẫng. Cứ như mặt đường phủ đầy sương khói bâng khuâng. Ông lại tặc lưỡi, chưa tối, còn sức khỏe, ra thăm mộ các cụ nhà mình trước đã.
Làng ông có một khoảnh đất rộng chừng mười mấy hecta. Chả biết nó là loại đất gì, đến cỏ cũng không mọc nổi. Từ xưa làng đã dành riêng cho những cuộc người mãn phần tụ tập về đây an cư vĩnh cửu. Bây giờ vẫn được quy hoạch làm nghĩa địa. Về quê lần trước, ông đã rất ngạc nhiên, cái làng của người âm phủ này đua nhau mọc lên những ngôi mộ nhấp nhô, cao thấp, nhỏ to chả kiểu nào giống kiểu nào. Lần này, trước mặt ông, cái sự bát nháo ấy vẫn hiện ra đủ mọi cung bậc kèn cựa khoe khoang tiền của chưa có dấu hiệu dừng. Trước mũi giầy ông, ngôi mả mới của vị nào mà ngất ngưởng ngự hẳn một ngôi đình thu nhỏ, tám mái lợp ngói lưu ly, tám góc đao đình gắn tám con rồng cong đuôi, ngạo nghễ vểnh đầu bò lên tận nóc. Tò mò, ông Hiếu lách qua cánh cửa khép hờ. Chắn mắt ông, tấm bia đá to bằng manh chiếu khắc nổi hàng chữ Nguyễn Ngọc C… với đầy đủ học hàm, học vị. Bức chân dung chủ nhân choán gần hết mặt bia. Bản mặt ông ta dương dương hãnh tiến cứ như là thuở đang tại vị. Ồ, thì ra là… Ông này, ông Hiếu quá rành. Chú mục vào hai túm lông mày rậm rịt, hai con mắt ốc nhồi loe lóe tia lửa tham lam chưa khi nào nguội tắt, ông Hiếu hỏi nhỏ: Nhận ra bạn cũ không Lý Quỳ? Đừng làm bộ làm tịch như thời ông còn ngồi cao chót vót đấy. Vẫn còn để bụng giận chúng tôi hồi ấy đã đặt cho ông cái biệt danh Lý Quỳ phải không? Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò, chỉ là tinh nghịch thôi mà. Lúc này, hai đứa mình mày mày, tao tao như xưa cho thân mật nhé. Ngày ấy, chúng tao đùa hơi quá lố, khiến mày đỏ mặt xấu hổ với bọn con gái. Xin lỗi nhé. Với cái mồm loe loe rộng quá cỡ, đôi môi dầy như hai miếng thịt nạc và đôi con ngươi tròn xoe chô chố, lồi lồi hiện lên chân tướng đã ham ăn, lại ăn hỗn chả biết nhường ai thì, chỉ có cái hỗn danh Lý Quỳ mới hợp với mày. Cùng cảnh học trò nghèo trọ học với nhau, một đĩa tép rang cho mười đứa, mày quơ ba đũa đã sạch sành sanh, tham lam thế nên sau này, gặp cơ hội là mày xơi tuốt luốt. Như cái đận mày về tỉnh A thanh tra vụ đất rừng của lưu dân khai phá ấy. Dựa vào một quyết định thu hồi giao cho nông trường quốc doanh, chả biết thế lực nào phù phép, rất nhiều thửa đất nằm ngoài bản đồ phê duyệt, đã trở thành những trang trại hàng trăm mẫu cao su của mấy đại gia gốc bự. Vụ ấy tao và đồng nghiệp bẩy tờ báo lớn bí mật điều tra, gặp gỡ nhiều nạn nhân bị giải tỏa trắng, đã thu thập được những tài liệu chi li đến chân tơ kẽ tóc để tung ra nhiều bài phóng sự trung thực, chan chứa tình người, thấm mặn mồ hôi, nước mắt dân lành. Biết mày thanh tra vụ ấy, tao đã gặp mày, lấy tình bằng hữu, thông tin cho mày mọi nhẽ. Mày ôm vai tao, thân mật: Yên tâm, trắng đen sẽ rõ thôi, mày hãy tin tao. Bao nhiêu đơn khiếu nại tới tấp tấp gửi đến đoàn thanh tra của mày, tin tưởng và hy vọng. Vậy mà cuối cùng, trang trại cao su, trước của ai, sau vẫn y sỳ của người ấy. Chỉ hơi khác chút là trên tấm sổ đỏ, trước ghi quyền sử dụng, sau đổi thành cho thuê 50 năm. Về thực chất thì có khác gì đâu. Dân tình nghi mày đút tút bộn vàng. Dân nghi rồi để đó, bởi hồi ấy luật đất đai còn chưa hoàn thiện. Nhưng mà tao biết chắc họ đồn đoán chẳng sai. Bởi tao quá rành Lý Quỳ mày. Sau này mày còn làm nhiều vụ động trời hơn nữa. Cứ tưởng ngã ngựa đến nơi, ai dè số mày đỏ lắm. Ô dù vững lắm. Nắng chả đến mặt. Mưa chả đến đầu. Im lặng một lúc, ông Hiếu châm lửa cây nhang, tay run run cắm vào bát hương, miệng lẩm bẩm: Bây giờ mày lại khôn lỏi về đây nằm trước tao rồi. Nhớ ngày xưa mày chửi chúng tao: Sức mấy chúng mày có được quý tướng rộng miệng như tao. Tướng làm quan đấy. Cái loại, lỗ mồm chun hún không đút lọt quả táo, tướng chúng mày chì mòn kiếp lính hầu khiêng kiệu suốt đời thôi. Hồi ấy, chúng tao đã phì cười vào mũi mày. Nhưng mà, bây giờ, thấm thía sự đời, tao phải công nhận, còn máu đầu chưa sạch mà mày đã tinh đời thế. Trong khi chúng tao, thằng nào thằng ấy vào sinh ra tử thì, mày chễm chệ xuất du học nước ngoài, về nước thênh thang quan chức. Mà mày có giỏi giang gì đâu. Chung quy mày khôn lỏi hơn người. Đang là sinh viên năm thứ hai, mày đã tính toán lấy bằng được con vợ, nhan sắc xấu tí nhưng là con gái cưng của ông vụ trưởng vụ tổ chức gì đó. Lứa sinh viên năm thứ ba ngày ấy, lên đường ra tiền tuyến gần hết lớp, riêng mày và ít đứa khác chẳng mảy may rụng sợi lông chân. Hòa bình, bọn tao lao lướt mưu sinh, phấn đấu thế nào cũng không qua khỏi thân phận anh chạy giấy quèn. Còn mày thăng tiến vù vù. Nhưng mà, thôi vậy, đã chết rồi, coi như hết tội, tạm biệt mày, tao có việc tao.
Chủ tâm đến thẳng ngôi mộ Tổ, chả biết có ma lực nào xui khiến, chân ông lại dẫn đến trước một ngôi xây kiểu vi la Thái, quy mô còn hoành tráng hơn mộ Lý Quỳ. Tò mò tiến đến trước tấm đá hoa cương nguyên khối, trên mặt chình ình một bức tượng bán thân mạ đồng vàng ánh. Ngó quen quen. Vỗ trán ba lần, ông Hiếu nhận ra thằng bạn thuở chăn trâu có biệt danh Đại ca Đa Vít. Bố mẹ nó đều dân tu xuất, liều lĩnh yêu nhau, trốn nhà thờ Chúa. Không dám về xứ đạo, họ ẩn mình xây tổ ấm ở làng này, đẻ ra thằng này. Mẹ nó, nghe nói lai Tây, da trắng bóc, tóc bạch kim, cao lớn hơn chồng một cái đầu. Bà ta giỏi khâu vá, suốt ngày cục cạch bên chiếc máy may. Bố nó người lùn tịt. Mặt ngắn chũn, đầu nhẵn thín, tròn vo như chiếc gáo dừa. Hằng ngày ông ta chuyên cần mỗi việc vác chiếc cần câu dài vút, lón tón lội khắp cánh đồng, một bên hông đeo chiếc giỏ con đựng mồi nhái sống, mộ bên khệ nệ chiếc giỏ to trát sơn ta, óc ách nước. Mỗi ngày ông lùn ấy ít nhất cũng câu được vài con cá quả. Gặp ai cũng múm mím khoe: Về bồi dưỡng cho thằng chó con. Tôi nghiệp nó ốm o yếu đuôi. Cái thằng mà ông bảo ốm o ấy, mười hai tuổi đã chổ ngồng giống lính Tây, tính cách hung hãn không ai bằng. Thằng nào không may bị nó đấm cho một quả thì vài tháng sau, gặp nó, mặt còn xanh lét. Do vậy nó mới nổi tiếng biệt danh Đại ca Đa Vít. Đến tôi, lớn hơn nó mấy tuổi, cũng chẳng dám ho he đọ sức cùng nắm tay của nó. Ngồi trong lớp, như chú gà chọi cồ giữa đám chíp hôi nhiếp nhiếp, sinh mặc cảm, nó nửa chừng bỏ học, xung phong tòng quân đánh Mỹ. Một lần, tình cờ gặp giữa đường hành quân, trên vai nó loảng xoảng những xoong cùng chảo, tôi nói kháy: To con thế, chưa bị tụi đồng chủng mũi lõ cho xơi kẹo đồng à. Nó bặm môi giơ nắm tay cỡ trái bưởi, tôi lỉnh vội. Tới năm bẩy chín, đơn vị chuyển lên mặt trận đánh Tầu, nó êm ru chuồn thẳng. Giấy báo đảo ngũ về địa phương, nó bặt vô âm tín. Ba mươi năm sau Đại ca Đê Vít đột ngột về làng trên chiếc xe con êm ái giá vài ba tỷ. Con vợ nó xinh như mộng, hé mở cửa tấm kính màu, mùi nước hoa ngào ngạt xông ra làm choáng váng từ ông già đến con nít. Đận ấy, nó xây cho bố mẹ căn nhà nhỏ hơn trụ sở Ủy ban xã một tý. Lại tài trợ cho xã một phòng hộ sinh với đầy đủ thiết bị y khoa hiện đại. Lại bỏ tiền phục dựng ngôi đền hàng tổng bị sập nửa mái ngói do bom Mỹ. Chả ai nhắc đến chuyện nó đảo ngũ nữa. Cũng chả ai truy vấn đống tiền ấy ở đâu ra. Hôm đám ma bố nó, cả làng đi sau linh cữu. Mỗi người được một phong bì lót tay, trong ruột chứa một tờ bạc xanh xanh mới cóng. Ai vắng mặt, cứ hùi hụi tiếc. Vậy mà bây giờ đại ca chịu nằm im ắng trong ngôi biệt thự kiểu Thái thu nhỏ này.
Ra khỏi khu phố ma giầu có cực kỳ, lố lăng cũng cực kỳ, ông Hiếu thấy trời đã xâm xẩm tối tự lúc nào. Không một chút gió mà sao lạnh lẽo buốt giá từ bàn chân đến đỉnh đầu. Khép vội hai tà áo, cắm đầu bước. Lần này chân ông lại đưa ông đến trước cổng nhà mình ngày xưa. Đứng trước hai cánh cổng lim nặng chịch. Một cánh còn y nguyên một lỗ sâu hoắm tua tủa dằm lim gần sát mặt ông. Đấy là vết tích thằng Tây mũ đỏ vồ trượt con gà, tức tối dương súng bóp cò nổ cái đoàng. Háo hức như con trẻ, ông Hiếu ráng sức đẩy hai cánh cổng, bị dằm đâm đau nhói ngón áp út. Chợt nghe vọng ra: Thằng chắt đích tôn, đã đến sao không vào thăm cụ. Thôi chết rồi, cụ Đồ truyền gọi mà không kịp trình diện thì ăn đòn cái chắc. Vừa nghĩ vậy, ông Hiếu đã thấy mình khoanh tay đứng trước cụ Đồ. Cụ đang ngồi trên chiếc trường kỷ gỗ gụ đen bóng. Khoác trên người cụ, vẫn chiếc áo the bợt bạt màu cháo lòng. Hai bàn tay với những ngón dài khác thường đang ôm trọn tách nước trà bốc khói, chắc là cụ đang bị lạnh. Sau màn kính cẩn lạy chào như thường lệ, ông Hiếu mạnh dạn mở lời: Thưa cụ! Tết nhất đến nơi rồi, sao nhà ta vắng vẻ vậy? Ờ ờ… Ông nội anh thì bận lăng xăng lo viết câu đối ngoài đình hàng tổng. Còn việc anh định nói, ta biết rồi, biết rồi, mau đưa cha anh về ở nhà này cho vui. Đoạn cụ quay đầu gọi: Chú Ới đâu, lấy chiếc bút và thỏi mực Nho để ta mừng tuổi cho thằng chắt, rồi đưa cậu ra về kẻo lạnh. Ông Hiếu hoang mang thầm nghĩ: Chú Ới đã chết từ lâu lắm rồi kia mà. Ngày xưa, mỗi ngày chú ấy thường dẫn mình đến trường học. Hôm nào có đình đám thì bưng tráp theo hầu cụ. Vậy là chú đâu đã chết. Cầm trong tay gói quà mừng tuổi, ông Hiếu nhón gót theo sau chú Ới. Bước chân ông nhẹ tênh len lỏi qua những căn nhà bé tẹo le lói ánh đèn dầu. Sau cửa sổ một căn nhà nhỏ ở góc đường chờn vờn bóng tối, ông Hiếu thoáng thấy thày giáo thời tiểu học của mình đang chăm chú ngồi trước cuốn sách dầy cộp. Người bạn ngồi trên xe lăn mà ông định vào thăm lúc về tới đầu làng là con trai thày giáo. Muốn ghé chào thày, chú Ới can: Không được đâu cậu ơi. Ở đây âm khí nặng lắm, cậu không chịu nổi đâu. Đoạn khác, lại thấy một ông lão đang bước lóm khóm với chiếc cần câu dài vút, ông Hiếu nhận ra đấy là cha thằng Đa Vít Đại ca, với hai cái giỏ hai bên hông lúc la lúc lắc. Qua cổng ngôi nhà kiểu Thái, chưa kịp hỏi: Sao tối tăm lạnh lẽo này? Chú Ới thì thầm: Biệt thự của Đại ca Đa Vít đấy. Bị ngài Phán quan sai quỷ sứ lôi đi ngay từ lúc ông ấy về đây, chưa kịp bước qua cánh cổng. Qua ngôi nhà bát giác lợp ngói lưu ly cũng im ỉm cửa đóng then cài, chú Ới thông báo nhanh: Giống như ông kia, quỷ sứ bắt ngay lúc vừa thò lò đến cửa. Nghe nói ông ấy là ông quan lớn đấy. Định hỏi thêm câu nữa, ông Hiếu đã bị chú Ới đẩy nhẹ sau lưng: Ở đây âm khí nặng nề,Thôi cậu về mạnh giỏi.
Có vẻ như là ông Hiếu vừa bị té uỵch xuống đất, mà sao chả thấy đau đớn chút nào. Vội nhỏm dậy, đã bị choa chóa mấy ngọn đèn pin soi thẳng mặt. Nhiều tiếng người lao xao. Bác ấy tỉnh rồi, đừng gọi xe cấp cứu nữa. Nhìn kỹ, ông Hiếu nhận ra mấy thằng cháu họ. Đứa lom khom đỡ lưng ông, đứa liến láu kể: Từ sáng đến giờ, các chị trong ấy gọi ra liên tục. Chúng cháu chia nhau đón khắp ngả đường không tìm thấy bác. Ai ngờ bác lại nằm ngủ tít thò lò bên mộ cụ thế này.
Đêm kéo xập xuống đã lâu. Gió bấc se se nhưng không lạnh buốt như cái lạnh lẽo ông vừa trải qua. Mấy bác cháu thận trọng đi qua từng khe mộ. Qua nấm mồ đại ca Đa Vít, ông Hiếu hỏi: Ông ta chết lâu chưa. Thằng liến láu nhanh nhẩu: Mấy năm rồi bác ạ. Bị giang hồ thanh toán. Đưa xác về làng, mới lộ ra, lâu nay ông ta là đại ca trùm khai thác than lậu. Lại thâu tóm cả đường dây lén lút xuất than sang Trung quốc. Không bị tụi chúng khử thì cũng bị pháp luật sờ gáy vì tội sập lò, vùi một lúc mười mấy mạng người không lấy được xác. Nghe thủng, ông Hiếu lẩm bẩm: Thoát tội cõi này, không thoát tội cõi khác. Thật là kinh hãi. Thật là kinh hãi. Một đứa hỏi: Bác nói gì vậy? Một lúc sau, ông Hiếu lại lẩm bà lẩm bẩm: Kinh hãi thật. Mở bàn tay thấy trống trơn, ông hốt hoảng: Quay lại cho bác tìm cây bút cụ Đồ vừa mừng tuổi. Mấy đứa cháu há hốc mồm kinh ngạc chẳng hiểu chuyện gì. Cảm giác đầu ngón tay còn nhoi nhói vì chiếc dằm lim, Ông Hiếu soi vào ánh sáng đèn pin, buột miệng: May quá không chảy máu. Chợt hiểu ra có kể những chuyện vừa trải qua, chắc chắn sẽ bị chúng cười vào mũi, Ông Hiếu im im bặt, lầm lũi bước.
|
Ngay đêm ấy, thằng liến láu điện vào cho các con ông: Các chị ơi, về quê ngay đi, bác trai bị tâm thần nặng lắm rồi.
Người gửi / điện thoại