NGƯỜI LAN TOẢ HƯƠNG THƠM LỤC BÁT
(Nhân đọc "Thơm hương lục bát - Thơ tuyển & Bình" của Nguyễn Thị Thiện)
Lê Hồng Thiện
Nhà văn Nguyễn Thị Thiện vừa cho ra mắt cuốn sách mới nhan đề "Thơm hương
lục bát - Thơ tuyển & Bình" do NXB Hội nhà văn ấn hành tháng 10 năm 2023. Tên sách dùng theo lối đảo từ như vậy thật cuốn hút, nhấn mạnh được ý nghĩa, giá trị của thơ lục bát. Tôi đọc hết cả 50 bài thơ tác giả tuyển chọn của 48 tác giả từ thời cận đại đến đương đại cùng với lời bình qua hơn 300 trang. Ấn tượng đọng lại về cuốn sách khiến tôi không thể không viết cảm nghĩ của mình.
Nguyễn Thị Thiện vốn là cô giáo dạy Văn bậc trung học phổ thông. Chị yêu văn thơ "say đắm" đến "tương tư" (“Người say đăm văn chương, người tương tư thơ ca” Bùi Việt Thắng – Người Hà Nội số 37- 6/ 9/ 2019). Sau khi được nghỉ hưu, chi dồn tâm lực cho nghiên cứu phê bình văn học nên chỉ trong 6 - 7 năm nay, đã xuất bản hàng chục đầu sách. "Thơm hương lục bát" là cuốn sách thứ 11 của chị. Nếu tập "Tiếng lòng nơi đầu sóng" - do NXB Quân đội Nhân dân ấn hành quý 2 năm 2023 – chỉ tập trung một chủ đề, chọn và bình những bài thơ hay về biển đảo ở các thể loại thơ khác nhau thì
"Thơm hương lục bát" lại chỉ hoàn toàn bình thơ lục bát với đề tài đa dạng.
Tập sách có thể coi là một chuyên luận mang tính khoa học và văn chương, lại như một tuyển tập thơ hay lục bát. Tác giả không chỉ chọn và bình những bài viết kiểu lục bát truyền thống mà còn chọn cả các bài thơ lục bát cách tân (Nghe chim gáy trên trận địa pháo cao xạ – Đặng Vương Hưng; Đàn bà - Nguyễn Thế Kiên). Mỗi bài thơ
trong tập sách đều tiêu biểu cho từng tác giả. Quan trọng hơn là lời bình mỗi bài, thể
hiện sự hiểu biết sâu sắc của người viết về từng thi phẩm và phong cách sáng tác của các
nhà thơ.
Như nhiều người đã biết: Việt Nam của chúng ta có những loại cây, loài hoa và
thơ có thể làm biểu tượng tinh hoa của dân tộc. Cây có cây tre, hoa có sen, thơ có lục
bát. Riêng về thể thơ này, tôi được biết: Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch có dự kiến làm đề
án trình UNESCO - tổ chức Văn hóa của Liên hiệp quốc - công nhận thơ lục bát là Quốc
thi của Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Thị Thiện xuất bản cuốn "Thơm hương lục bát" là
thêm một tiếng nói về việc làm ý nghĩa này.
Khoảng hai thập kỷ nay, thơ lục bát ở ta ngày càng phát triển với sự ra đời của
nhiều Câu lạc bộ thơ lục bát ở khắp các tỉnh, thành. Có thể nói người Việt ta xưa nay,
qua ca dao hoặc thơ, không ai là không thuộc thơ lục bát. Hơn thế, bất kỳ ai làm thơ
cũng ít nhiều làm thể lục bát. Hơn 200 năm trước, Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều -
đỉnh cao chói sáng nhất của thơ ca Việt - bằng thơ lục bát.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa nhân loại - đã viết nhiều
thể thơ, phổ biến nhất là thơ Đường luật nhưng Người viết không ít bài thơ lục bát.
Nguyễn Thị Thiện chọn bài "Đi thuyền trên sông Đáy" và rất thăng hoa khi cảm thụ bài
thơ này: "Con thuyền và trăng như có tâm hồn. Trăng trên cao vằng vặc sáng. Mặt sông
trong xanh, phẳng lặng như phản chiếu tâm hồn Bác. Trăng sao chiếu xuống in trên
dòng sông. Phía trước, phía sau con thuyền đều có trăng sao. Có lúc tưởng như "Sao
đưa thuyền chạy", có lúc "thuyền chở trăng theo". (trang 11). Cũng từ đây nhà văn
phát hiện trăng trong thơ Bác xuất hiện ở nhiều bài, thường với ngôn từ thuần Việt như
"Trăng vào cửa sổ đòi thơ", một bài thơ lục bát tuyệt bút mà tác giả chưa đề cập đến
trong tập sách. Với bài "Thề non nước" của Tản Đà, một đỉnh cao của nhà thơ quê núi
Tản, Nguyễn Thị Thiện đã bình giá khách quan với những lời văn giàu hình ảnh, dễ đi
vào lòng người: "Trong bầu trời văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, Tản Đà xuất hiện như
một ngôi sao sáng chói với phong cách sáng tác độc đáo, nội lực mạnh mẽ, đa dạng về
thể loại mà Thể non nước là một kiệt tác" (trang 15).
Tiếp đến tác giả chọn thơ Nguyễn Bính, người cùng thời với Xuân Diệu. Nếu
chúng ta từng ghi nhận Xuân Diệu là "ông hoàng về thơ tình yêu" thì có thể gọi Nguyễn
Bính là "vua của thể thơ lục bát" bởi Nguyễn Bính dường như sinh ra để làm thơ lục bát.
Thơ tình lục bát của ông bài nào cũng hay. Chọn bài nào quả là điều khó? Nguyễn Thị
Thiện chọn "Chân quê". Chị chắc đồng cảm nghĩ như tôi: thơ Nguyễn Bính quê kiểng
chứ không quê mùa, tình yêu trong bài chân thành mà lãng mạn. Chị đã có nhận định
xác đáng: "Chân quê là bài thơ tiêu biểu nhất của Nguyễn Bính, một tài năng lỗi lạc
sớm phát lộ và tỏa sáng". Đi sâu vào phân tích, Nguyễn Thị Thiện đã làm rõ nét độc đáo
của thi phẩm mà có lẽ chưa ai "chạm" đến: "Thông điệp cốt yếu Nguyễn Bình muốn
truyền tới người đọc là hãy gìn giữ và trân trọng những nét đặc trưng của làng quê,
đừng phủ nhận chối bỏ nó" (trang 25). Còn với "Hà Nội vắng em" của Tế Hanh, chị lại
có sự phát hiện cái hay của bài là ở tứ thơ lạ: "Từ thơ tình yêu lứa đôi chuyển sang tình
yêu quê hương Hà Nội, yêu chính sự trống vắng của bóng hình em". Trong tập sách, tác
giả không chỉ bình những bài thơ có dung lượng vừa phải chừng vài chục câu, chị còn
thả hồn mình vào cả những bài thơ dài như: "Việt Nam quê hương ta" trích trường ca
"Bài thơ Hắc Hải" của Nguyễn Đình Thi; "Gửi lòng con đến cùng Cha" của Thu Bồn.
Cũng có khi chị lựa chọn những bài thơ lục bát cô đọng như "Đợi thu về" của Bế Kiến
Quốc; "Bờ sông vẫn gió" của Trúc Thông. Chị thấu hiểu, đồng cảm với tâm trạng, nỗi
lòng của mỗi nhà thơ nên ngòi bút tung hứng thoải mái trong lời bình: "Đây là bài thơ
hay nhất trong đời thơ Trúc Thông, cũng là một trong số ít bài hay của thơ lục bát
đương đại". Làm căn cứ cho nhận định của mình, chị dẫn ra những ý kiến của Nguyễn
Trọng Tạo, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm và nhà phê bình văn học nổi tiếng Chu
Sơn để thực chứng cho sự khen ấy là xác đáng (trang 252).
Có thể nói 50 bài thơ lục bát Nguyễn Thị Thiện chọn và bình trong tập sách này
tuy mức độ giá trị mỗi bài có khác nhau nhưng đều là những bài hay, xứng đáng được
lan tỏa đến bạn đọc. Trong tập sách, tôi thích chùm thơ có lời bình của chị ở phần thứ 2
viết về người chị, người mẹ: "Chị dâu" (Vương Trọng), "Trở về với mẹ ta thôi!" (Đồng
Đức Bốn), "Mẹ ra Hà Nội" (Lê Đình Cánh), "Mẹ của anh" (Xuân Quỳnh), "Ngồi buồn
nhớ mẹ ta xưa" (Nguyễn Duy)… Đấy là những áng thơ tuyệt hay. Song tôi vẫn lấy làm
tiếc khi chị chưa bình bài thơ nào của các cây bút rất nổi tiếng khác như Quang Chuyền,
Huy Trụ và mới đây là của Nguyễn Phúc Lộc Thành.
Điều đáng nói nữa là tập sách tuyển và bình cả những bài thơ lục bát viết cho
thiếu nhi với chủ đề "Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai". Nguyễn Thị Thiện chọn thơ
của Tố Hữu, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trọng Tạo, Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Thị
Lam Luyến, Trần Quốc Minh và cả tác giả rất mới như Hoàng Thanh Tâm. Người viết
sau khi khai thác ở mọi góc độ, làm rõ nội dung và nghệ thuật của từng bài bằng lối viết
chân tình, dễ hiểu đã chốt lại thành những nhận xét có tầm khái quát cao mang ý nghĩa
giáo dục thấm thía "Mẹ là đất nước tháng này của con" (trang 308). Qua đây cho thấy
nhà văn rất trân quý các cây bút viết cho thiếu nhi, quan tâm đến bạn đọc nhỏ tuổi.
Tập sách cho thấy Nguyễn Thị Thiện có tâm hồn cảm thụ thơ lục bát sâu sắc,
khách quan công tâm khi bình giá các tác giả, tác phẩm. Làm nên thành công ấy bởi chị
có kinh nghiệm của một cô giáo dạy Văn với hơn 30 năm đứng lớp, lại có niềm say mê
đối với thơ ca và trái tim chân thành, quý trọng các nhà thơ. Bài viết của chị thường
dung dị, đúng mực; thơ hay đến đâu ghi nhậnđến đấy, không quá lời. Điều đặc biệt là
chị không phân biệt các tác giả thành danh hay không, miễn có thơ hay chị đều lựa chọn.
Công tâm và bình đẳng là phẩm chất rất đáng quý ở một cây bút phê bình văn học.
Giữa đời sống văn học bộn bề hôm nay, tập “Thơm hương lục bát” của Nguyễn
Thị Thiện là cuốn sách thiết thực bổ ích. Bó hoa văn chương ấy lan tỏa hương thơm của
thể thơ lục, góp phần thúc đẩy thơ ca thêm phát triển. Cuốn sách là món quà tinh thần
quý giá người viết dâng tặng cho bạn đọc.
L.H.T.
Người gửi / điện thoại