bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 39
Trong ngày: 688
Trong tuần: 1400
Lượt truy cập: 774534

NGƯỜI SÓT LẠI

Võ Thị Hảo
 
NGƯỜI SÓT LẠI CỦA RỪNG CƯỜI.
 
   Một kho quân nhu và bốn cô gái náu mình dưới tán cây rừng Trường Sơn. Bốn cô gái trẻ măng nhưng mái tóc chỉ còn là một dúm xơ xác. Dòng nước khe màu xanh đen thớ lợ đã dần dà vặt trụi tóc họ. Hôm đón Thảo, cô gái thứ năm về, bốn người cũ mừng rỡ khi nhìn thấy mái tóc óng mượt dài chấm gót của cô. Họ cưng Thảo như vàng, nhất trí rằng không thể để rừng cướp mất mái tóc ấy của họ. Nhưng rừng mạnh hơn.
 
   Hai tháng sau, bất chấp đủ loại lá thơm mà đồng đội đã mang về cho gội, tóc Thảo chỉ còn là một túm sợi mỏng mảnh xơ xác.
 
  Cả bốn cô gái ôm nhau khóc cay đắng còn Thảo thì cười: "Các chị khóc làm gì. Đằng nào thì em cũng đã có người yêu. Người yêu em chung thủy lắm nhé. Em thế này chứ giá như có bị trọc đầu thì anh ấy vẫn yêu cơ mà".
 
 Và thế là các cô gái nín khóc, tròn xoe mắt nghe Thảo kể về mối tình của cô với chàng sinh viên Văn khoa Hà Nội. Người con trai ấy được khúc xạ qua bao lớp bụi và khói, cuối cùng đến lớp sương mù lung linh huyền ảo của ký ức Thảo, hiện lên như một chàng hoàng tử hào hiệp thủy chung.
 
 Cả bốn cô gái đều đem lòng si mê chàng trai ấy, nhưng không phải cho họ, mà cho Thảo. Cái sự si mê hộ người khác ấy không hy vọng cắt nghĩa nổi trong thời bình, dưới những ánh đèn mầu huy hoàng, mà chỉ những ai đã từng qua chiến tranh, trải nỗi cô đơn đặc quánh, qua cảm giác đang cựa quậy giữa chốn giáp gianh, giữa địa ngục và trần gian mới hiểu nổi.
 
 Họ ở đây đã qua ba mùa mưa rầu rĩ và đang ở giữa mùa khô thứ tư bỏng rát. Kho quân nhu im lìm nép trong vòng tay ma quái của rừng sâu. Thỉnh thoảng mới có một đoàn quân tạt qua lĩnh quân trang quân dụng rồi vội vàng đi. Họ đến mang theo những câu bông đùa suồng sã, dăm ba cái cấu véo của những người đàn ông sống xa thế giới đàn bà lâu ngày có xu hướng trở thành hoang dã. Thảng hoặc cũng có những người lặng lẽ chiêm ngưỡng họ như những nữ hoàng, chăng vào lòng những cô gái bé nhỏ chút hy vọng mơ màng vương vấn như tơ nhện rồi thoắt biến, cho các cô gái càng thấm thía nỗi cô đơn.
 
 Mặt trận đã lùi về gần kho. Năm cô gái sống trong lo âu mà rừng thì cứ lầm lì trải đầy thảm lá rụng. Ánh đỏ của thảm lá hắt lên cả bầu trời ánh ỏi, khiến cho đêm của họ cũng mang mầu đỏ.
 
  Một buổi trưa có ba người lính đến lĩnh quân trang. Cách kho một quãng, họ bỗng chùn chân vì vẳng tiếng cười man dại. Nghe ngóng một chốc, ba người lính lại bước tiếp, thoáng nhớ lại câu chuyện hoang đường về bữa tiệc của các mụ phù thủy trong rừng. Gần đến chòi canh kho, bỗng "soạt", rồi "huỵch" - hình như có con vượn trắng vừa nhẩy từ chòi canh xuống và lẩn vào đám lá. Ba người tản ra, một người chui vào bụi đuổi theo con vượn. Anh ta đang ngơ ngác nhìn ngược nhìn xuôi thì "phốc", một đôi tay từ đâu đã ghì chặt lấy cổ và sau gáy anh vang lên tiếng cười man dại lúc nãy. Vừa cố sức gỡ ra, vừa ngoái lại, anh kinh hoàng thấy con vượn lúc nãy đang ôm chặt lấy anh. Nhưng anh còn bàng hoàng gấp đôi khi nhận ra rằng "con vượn trắng" ấy lại là một người con gái hoàn toàn trần truồng tóc xõa, vẻ mặt bơ phờ và đang ngửa cổ ra sau cười khanh khách.
 
  Anh ta líu cả lưỡi, gọi không ra tiếng : Hiên ơi ! Hiên. Một người lính cao cao, trông già dặn hơn, chạy vội đến. Thấy anh bạn mình đang đứng như trời trồng trong tay một người con gái lõa lồ thì vừa sợ vừa buồn cười. Anh đã từng nghe nói đến chứng bệnh mà các cô gái thường mắc phải trong những trường hợp tương tự. Anh bước tới, ra hiệu cho anh bạn đừng cố sức gỡ tay cô gái ra làm gì, mà cứ dịu dàng vỗ về an ủi, một chốc, cô ta sẽ dịu lại. Rồi anh nhảy ba bậc một lên chòi canh kho.
 
  Trên sàn chòi khấp khểnh, ba cô gái đang vừa cười vừa khóc, tay dứt tóc và xé quần xé áo. Còn một cô khác trẻ hơn đang chạy tới chạy lui ôm đầu đầy vẻ tuyệt vọng. Cô chưa bị lây, nhưng với cung cách này, chẳng bao lâu, cô ta cũng sẽ không thoát khỏi.
 
  Đã dạn dày với cảnh chết chóc, mà giờ đây, khi đứng trước thân thể lõa lồ căng đầy sức sống của những người con gái, Hiên run bắn. Người đàn ông đã ngủ quên trong anh vùng vằng giẫy đạp. Trong phút chốc, Hiên muốn buông trôi, muốn quên hết. Phải một lúc sau, Hiên mới trấn tĩnh được. Anh nhớ lại cách chữa bệnh này. Trước đây, hồi còn là một cậu bé, anh đã nghe kể lào phào bên tai. Hiên khóa chốt an toàn, cầm ngang khẩu súng, đột ngột lao tới đạp mạnh vào cửa chòi, gân cổ quát lớn :
- Mấy con Việt Cộng kia ! Kho đâu ? Chỉ mau, không tao bắn vỡ sọ !
 
  Như có phép lạ, các cô gái đang cười sằng sặc bỗng im bặt, bàng hoàng rồi sực tỉnh, vơ ngay lấy súng, nhảy vội xuống đất chĩa vào Hiên định bóp cò. May sao, người bạn đứng trong lùm cây vội la lên: "Đừng bắn ! Quân mình đó !". Khi ấy, các cô gái mới nhìn rõ ngôi sao trên mũ và bộ quân phục anh đang mặc. Họ từ từ bỏ súng xuống, bất chợt nhìn nhau rồi cúi xuống, thấy mình không một mảnh vải che thân trước mặt ba người đàn ông xa lạ. Các cô kinh hoàng chạy biến vào rừng, chúi vào gốc cây khóc không ra tiếng. Cả Thảo, cô gái duy nhất không mắc bệnh cười, cũng chạy trốn. Cô thấy thương các chị đến quặn ruột. Cô buồn tủi, tiếc cho lòng trinh bạch con gái. Đến tối, năm chị em mới dám dìu nhau về, nghe ngóng động tĩnh mãi mới lần lên chòi.
 
   Ba người lính đã ra đi. Họ cài lại mảnh giấy xé vội vàng từ một cuốn sổ nhỏ :
"Kính chào các đồng chí ! Chúng tôi sẽ lấy quân trang ở kho khác và gọi bác sĩ đến. Các đồng đội thân yêu ! Chiến tranh mà. Mong tha lỗi ! Vĩnh biệt."
 
  Vài ngày sau, có y tá đến, cho các cô gái uống thứ thuốc gì đó màu trăng trắng. Không thuốc thì cũng đã khỏi. Nhưng các cô gái trầm lặng hẳn và già thêm hai mươi tuổi.
 
  Cánh rừng này được mang tên "Rừng Cười" từ đó. Từ đây, người ta không gọi tên kho ấy theo ký hiệu quy định nữa, mà bảo: "Hôm nay, tôi về kho rừng cười lấy quân trang."
 
  Vài tháng sau, kho Rừng Cười nhận được lệnh chuyển. Tiếng súng của những trận đánh nghe đã gần lắm. Chưa kịp đi thì địch đã đưa cả một đại đội đến đánh chiếm chòi và năm cô gái nhỏ. Lúc đó, Thảo đang bị sốt mê man, những trận sốt rét nhập môn cho người ở rừng. Bốn chị kia đã dìu Thảo đi giấu ở một hốc cây kín đáo rồi về cầm súng. Chuyện thần thoại của chiến trường không xảy ra ở đây. Bốn cô gái không chống chọi nổi đã dành viên đạn cuối cùng cho mình để tránh ô nhục. Tên tuổi họ, lẽ ra phải được in bằng chữ đậm trên trang nhất của các báo như những anh hùng. Nhưng cũng chẳng có gì lạ. Họ nằm lặng lẽ dưới nấm mồ chung do bàn tay yếu ớt của Thảo cố sức đắp sau cơn sốt. Khi cô từ hốc cây tỉnh lại thì địch đã rút.
 
  Đầu Thảo như muốn nổ tung. Cô khóc không nổi. Nhớ lại đêm trước trận đánh, cả năm chị em cùng như linh cảm thấy một điều gì khác thường. Đêm oi ả, tù đọng. Mấy chị em nói chuyện bâng quơ rồi một chị đòi Thảo kể về người yêu. Và như mọi lần, Thảo vừa kể bằng chuyện thực vừa bằng hoang tưởng, vẽ lên chàng "hoàng tử". Ba chị kia mắt sáng ngời, lắng nghe như nuốt lấy từng lời. Nhưng Thắm, chị tổ trưởng, trước lúc chui vào màn đã đến vuốt tóc Thảo và bảo: "Thảo ơi ! Liệu em có quá yêu người ta không đấy, không hiểu sao, chị bỗng thấy sợ cho em. Em là người duy nhất trong chúng ta đang có hạnh phúc. Mai này, có trở về, dù thế nào, em cũng không được để đàn ông người ta phải thương hại mình nghe !"
 
  Lúc đó Thảo đã thoáng chút hờn giận chị. Thế mà giờ đây, Thắm và ba đồng đội của cô đã chết trong những tư thế rất khác nhau. Một lưỡi lê cay cú đã đâm nát một bên ngực của Thắm. Trước đây mỗi lúc tắm chung dưới khe, Thảo thường ngắm trộm ngực chị Thắm và thầm nghĩ: "Ngực thần Vệ nữ cũng có lẽ chỉ đẹp đến thế là cùng và ước ao phải chi mình cũng có bộ ngực như thế". Giờ đây, Thảo chỉ còn mỗi cách là vần các đồng đội của mình xuống huyệt, rải lên bốn thi thể con gái một thảm lá thật dầy rồi lấp đất. Cô trồng lên mộ bốn cây bằng lăng nhỏ, rồi dốc nốt chỗ nước trong bi đông xuống tưới cho cây. Mặt đất khô khan kêu "xèo" một tiếng, bốc hơi ngùn ngụt quẩn vào chân Thảo.
Sau này, khi đang nằm điều dưỡng ở quân y viện, Thảo được biết là Hiên, người đã cứu họ trong cơn điên loạn cũng đã chết trong một trận đánh. Nghe rằng, cấp trên đã nêu gương hy sinh anh dũng của anh, đang làm giấy định gởi ra Bắc truy tặng danh hiệu anh hùng thì chính trị viên đọc được những dòng này trong cuốn nhật ký nhầu nát nhét dưới túi có ba lô.
 
   "…Sẽ không bao giờ mình quên được những gì đã nhìn thấy ở Rừng Cười. Có lẽ cảnh chết chóc còn dễ chịu hơn ! Ôi ! Thế là sau chín năm ở chiến trường, nay tôi đã nhìn thấy ở Rừng Cười cái cười méo mó man dại của chiến tranh.
 
   Việc chiến tranh lôi những người phụ nữ vào chiến cuộc thật khủng khiếp. Tôi sẵn sàng chết hai lần cho họ khỏi lâm vào cảnh ấy.
 
  Tôi rùng mình khi nghĩ rằng, người yêu tôi, em gái tôi, cũng đang cười sằng sặc như thế, giữa một khu rừng mênh mông nào đó."
 
  Vì những dòng này, người ta kết luận rằng Hiên có tư tưởng dao động, sặc mùi tiểu tư sản (anh vốn là sinh viên). Hành động anh hùng của anh chỉ là ngẫu nhiên, bột phát. Chính trị viên nói: "Anh ta không bị kiểm thảo là may rồi !"
Đó là chuyện cũ.
 
  Hai năm sau, Thảo - người sót lại của rừng Cười - đang học năm thứ nhất, khoa văn.
 
 Thảo vẫn giữ được những đường nét bẩm sinh. Nhưng đôi mắt cô như mắt của người đang đi trong một giấc mộng dài. Làn da xanh tái vì những cơn sốt rừng. Khuôn mặt chỉ sinh động lên mỗi khi cô cười, mà những nụ cười thường hiếm hoi. Cô thường so đôi vai gầy, nép mình trong góc giường tầng để viết nhật ký. Trong những cuộc đối thoại, cô thường lơ đễnh.
 
  Thảo thường qua đêm với hai loại giấc mơ: một loại giấc mơ thời thơ bé, cô thấy may mắn nhất là nhặt được cặp ba lá, khá nữa là nhặt được trứng vịt đẻ rơi. Còn trong giấc mơ tuổi thanh xuân, cô chỉ thấy tóc rụng như trút, rụng đầy khuôn ngực đã bị đâm nát của chị Thắm, và từ trong đám tóc rối ấy lẩy ra hai giọt nước mắt trong veo và rắn câng như thủy tinh, đập mãi không vỡ. Đến đây, cô hét lên và tỉnh dậy, nắm chặt lấy hai thành giường lạnh buốt.
 
   Trong đêm Thảo nhìn suốt lượt mười một cô gái đang nằm ngủ. Họ cũng đang trong mơ, nhưng môi cười thanh thản, mặt ửng hồng. Trông họ đáng yêu làm sao. Giấc mơ của họ khác xa với giấc mơ của đồng đội cô hồi còn sống. Thảo thở dài, biết rằng mình thật là quỷnh, thật khó nhập cuộc.
 
   Người yêu - chàng hoàng tử của Thảo, của năm cô gái Rừng Cười - giờ cũng đang học năm cuối, cùng trường. Họ cũng hẹn hò, đưa nhau đi chơi mỗi tối thứ bảy, trên con đường trồng phi lao ngập đầy ánh trăng. Thành đã giữ lời thề thốt yêu đương ngày trước. Anh săn sóc Thảo chu đáo, ân cần. Nhưng họ ít có chuyện để nói với nhau. Họ thường im lặng đếm bước, nghe rõ cả tiếng của những con chim ăn đêm về tổ muộn hốt hoảng vẫy đôi cánh nhỏ. Thứ bảy nào Thành cũng chờ Thảo ở hành lang để đưa Thảo đi chơi và về đúng chín giờ.
Nhưng mỗi lần gặp nhau, cả hai đều ngượng ngập, như cảm thấy có lỗi, như không còn chuyện gì để nói. Mỗi thứ bảy, Thảo vừa mong lại sợ. Cô không còn thấy lại ánh mắt long lanh vụt sáng mỗi lần Thành gặp cô như ngày xưa.
   Thảo thường nhăn mặt mỗi khi nhớ đến lần gặp lại đầu tiên sau mấy năm xa cách. Khi Thảo xuống tàu, vai đeo ba lô, Thành ra đón, anh ngỡ ngàng đến không thốt nổi một lời khi vừa nhìn thấy cô. Đôi mắt anh lướt qua thân hình gầy gò trong bộ quân phục lạc lõng, qua làn môi nhợt nhạt, mái tóc xơ xác của cô rồi mới kêu lên: "Ô ! Em". Lúc đó, Thảo cảm thấy như vừa có cơn sóng lạnh buốt tràn qua ngực. Thoắt chốc, mắt cô đong đầy nước hờn tủi. Thành giật mình chợt tỉnh. Để chuộc lỗi, anh tỏ ra vồn vã hơi quá đáng. Điều đó càng làm Thảo chạnh buồn. Cô nhìn sâu vào đáy mắt Thành:
"Anh không nghĩ rằng em sẽ như thế, phải không ?"
"Anh không quan tâm đến hình thức. Chỉ cần em trở về."
"Không đúng. Em biết mình. Hôm nay, anh thật lòng mừng vì em đã trở về, nhưng ngày mai, anh sẽ thấy rằng yêu một người như em là hy sinh quá lớn."
"Đừng nói thế em. Anh đã chờ em ròng rã mấy năm !"
"Đúng thế, nhưng giờ đây em giải thoát cho anh khỏi lòng chung thủy của anh."
"Đừng ác khẩu thế cô bé ! Chưa chi chúng ta đã cãi nhau rồi. Lời đầu tiên em nói với anh sau những năm chờ đợi là như thế sao ?"
 
Thành cười độ lượng và nắm tay Thảo. Lòng cô dịu hẳn. "Có lẽ mình trở nên cứng nhắc và hiếu chiến sau mấy năm ở chiến trường !... ".
 
   Thời gian thấm thoắt đã nửa năm với những tối thứ bảy đến đều đặn như máy.
Một hôm,Thảo có việc phải tìm đến tận lớp Thành để gặp anh, tranh thủ mấy phút nghỉ giữa giờ. Đang đứng nói chuyện với Thảo ngoài hành lang, Thành bất giác ngừng bặt, mặt tái đi rồi đỏ ửng. Thảo ngạc nhiên quay lại, nhìn thấy từ phía sau lưng mình một cô gái có đôi môi mòng mọng như nũng nịu, với làn da trắng hồng, tươi mát, trẻ trung đang đi đến. Cô nhìn Thành qua vai Thảo bằng ánh mắt say mê ngưỡng mộ hồn nhiên như trẻ thơ. Cô gái ấy học cùng lớp Thành. Cô đi vào lớp rồi, Thành mới sực nhớ ra, nối lại câu chuyện cũ. Nhưng bàn tay rất đẹp đặt trên lan can của anh thoáng run rẩy. Bực mình vì sự yếu đuối của mình, anh nắm tay đấm nhẹ vào thành lan can. Đôi mắt anh ngước nhìn trộm Thảo, vẻ có lỗi.
 
   Thảo chợt hiểu. Cô nhanh chóng kết thúc câu chuyện, ra về. Thảo tủi thân và thấy thương Thành. Rõ ràng là hai người kia thầm yêu nhau. Họ đẹp đôi quá và lại ở gần nhau, làm sao không yêu được ! Thảo là vật cản. Thành gắn bó với cô chỉ bằng nghĩa chứ không có tình. "Vậy mà nhiều lần mình bảo anh ấy đi yêu người khác, anh ấy không chịu. Anh ấy không nỡ. Rồi đây, lấy nhau, cuộc sống sẽ hết sức tẻ nhạt..." Thảo chợt nhớ lại lời dặn tưởng như vu vơ của Thắm đêm trước khi chị bị giết.
 
  Sau nghỉ học kỳ, Thảo từ quê lên, bảo Thành cô xin nói chuyện nghiêm túc với anh, rằng hai người không hợp nhau, rằng cô đã có người yêu khác, mong anh đừng nghĩ tới cô nữa. Thành nghe những lời Thảo nói với vẻ thờ ơ: anh biết cô nói dối. Nhưng sau vài tháng, thấy cứ mỗi chiều thứ bảy, Thảo lại lên văn phòng khoa nhận về một phong thư dầy cộm với dòng chữ nắn nót đề ngoài: "Thương yêu gửi em Mạc Thị Thảo".
Thành dần tin là thật. Anh thầm trách con người phụ bạc, nhưng đồng thời thấy nhẹ nhõm như vừa cất được gánh nặng.
 
  Một tháng sau anh chính thức ngỏ lời với cô gái cùng lớp và sau hai tháng, họ cưới vào dịp nghỉ hè để sắp sửa ra trường.
 
Đêm tân hôn của Thành, Thảo chong ngọn đèn dầu trên giường nhỏ, không dám bật điện, sợ làm mấy cô gái cùng phòng khó ngủ. Từ khi Thảo nhận được những lá thư vào thứ bảy, các cô gái đã lần lần xa lánh cô. Họ coi Thảo như một ổ dịch.
 
Thảo tẩn mẩn giở những lá thư ra đếm. Có mười sáu lá tất cả. Cả mười sáu lá đều chưa hề bóc… Bốn tháng đã trôi qua. Đã bốn tháng, cô bị cả khoa chê trách dè bỉu về tội phụ tình. Mà phụ ai chứ ! Nỡ phụ bạc một chàng trai đẹp và chung thủy đến thế !... Thảo tần ngần bóc lá thư đầu tiên.
 
   Thảo nghĩ đến Thành. Chắc giờ đây, lòng thanh thản và ngập tràn hạnh phúc, anh đang mê đắm trong vòng tay người vợ mới cưới. Ngày ở Rừng Cuời, cô đã khao khát đến cháy lòng ngày ấy ! Cái ngày ấy là một trong những đốm lửa sáng nhất giục giã cô cố nhoài ra khỏi cuộc sống hoang dã chốn rừng sâu.
 
   Cái ngày ấy !... Thảo thấy ngọn đèn dầu nhòe dần, và đung đưa trước mắt cô một quả cà chua chín đỏ lịm hình trái tim chập chờn, chập chờn. Cô đưa tay bắt. Hình như nước cà chua vỡ ra, chạy dọc theo cánh tay, vào tận ngực. Thứ nước đỏ nhờn nhợt như máu loãng. Không hiểu sao, cô thấy buồn buồn ở nách như bị ai cù, và cô bật lên tiếng cười. Trong một trạng thái gần như vô thức, Thảo vung tay, mười sáu phong thư dày cộm vung vãi khắp giường.
Đang ngủ, cô gái nằm cạnh Thảo bỗng mơ thấy ma cười khanh khách. Cô choàng tỉnh, tự giật giật tóc, vẫn nghe tiếng cười và nhìn thấy bóng đèn dầu chập chờn trên tường. Cô sợ hãi chồm dậy, thấy Thảo đang vừa cười vừa khóc. Cả mười một cô gái trong phòng tỉnh dậy. Họ cho rằng Thảo đã bị điên. "Esteris" đó mà, một cô ra vẻ thành thạo giải thích. Họ xúm lại đưa Thảo xuống trạm xá cấp cứu. Thảo không đi : "Tôi không điên". Các cô gái càng sợ. Người giữ chân, kẻ giữ tay, lại có các bạn trai giúp sức, họ cõng Thảo xuống trạm xá. Ở đó, người ta bắt ép Thảo uống những viên gac-đê-nan màu trắng. Cả ký túc xá huyên náo cả lên, đến lúc Thảo thiu thiu ngủ mới thôi.
 
   Mười một cô gái trở về phòng. Họ định thu dọn vài thứ lặt vặt mang lên trạm xá cho Thảo, thì thấy những bì thư nằm vung vãi trên giường. Họ tìm được một phong thư đã bóc thì chỉ thấy vẻn vẹn mấy dòng :
 
"Từ nay, tôi sẽ viết cho tôi, vào mỗi tối thứ năm, để sáng mai, đạp xe ra bưu điện Ngã tư Sở bỏ thư và rồi chính tôi lại nhận được nó vào mỗi chiều thứ bảy.
Vô duyên quá ! Nhưng không thế, Thành sẽ không yên tâm rời bỏ tôi. Thắm ơi ! Em là người sót lại của rừng cười, nhưng hạnh phúc chẳng còn sót lại nơi em !
Thắm và các đồng đội của em ! Cứ yên nghỉ ở Rừng Cười ! Em không làm cho vong hồn con gái của các chị phải tủi hổ. Em cũng sẽ khiến cho Thành mãi mãi vẫn là chàng hoàng tử hào hiệp của chúng ta."
 
Các cô gái khoa Văn vốn nhạy cảm, lờ mờ đoán ra sự việc. Họ khóc khi nhớ lại những tháng qua, họ đã xa lánh và dè bỉu chị Thảo đến khi nào. Trời vừa chợt sáng, họ đã chạy lên căn gác xép.
 
- Phòng hạnh phúc của Thành ở tầng trên, báo cho Thành biết.
 
Nghe tiếng gọi cửa, Thành hơi bực mình, càu nhàu ra mở. Các cô gái không nói gì, dắt tay anh đến bên chiếc giường ngổn ngang mười sáu phong thư. Thành đọc lá thư đầu tiên, rồi lập cập bóc tất cả. Hai phần ba số thư chỉ toàn là giấy trắng. Thành choáng váng như người bước hụt.
 
Thành tức tốc chạy xuống trạm xá, nhưng Thảo đã đi rồi. Cửa phòng bệnh khép hờ. Chiếc giường trải ga trắng in vệt lõm thân hình bé nhỏ của Thảo nằm đêm qua, khi cô bị ép uống những viên thuốc an thần màu trắng, khi mọi người yên chí rằng cô đã hóa điên, và nhìn cô bằng ánh mắt chế giễu, lúc đó anh đang tận hưởng thú vui của đêm tân hôn với một cô gái khác.
 
    Thành bước ra hành lang, bước xuống đường. Gió bấc từng cơn thổi lạnh. Lá báng súng vàng vung đầy trời tơi tả như đàn bướm bị bão. Anh vừa đi vừa nhìn thấy chao qua chao lại trước mặt mình người con gái đã bị tước đi sạch trơn, đêm đêm ngồi vò võ viết thư tự gởi mình trước ngọn đèn dầu đỏ quạch. Anh chợt nghĩ đến huyền thoại về loài yến huyết ngoài biển khơi đã nhả từng hạt máu để dệt nên chiếc tổ màu hồng quý giá. Rồi, khi sức tàn lực kiệt, chim yến bé nhỏ bay vút lên không trung, lao mình vào vách đá nhọn hoắt cho ngực vỡ nát.
 
Đôi chân lang thang dẫn Thành về bến tầu quen thuộc. Ở đây, đã nhiều lần, bằng những đồng học bổng ít ỏi, anh mua tặng Thảo những quả mận tím đỏ đầy nước chua và chát. Thế mà Thảo đã ăn nó một cách nhiệt thành, cố không nhăn mặt, để cho anh yên lòng đến thế. Thành hỏi bà bán mận đang ngủ gật, tì cả cái mũi vào lòng bàn tay để ngủ :
- Bà ơi ! Bà có thấy cô gái hay mặc bộ quần áo bộ đội đã cũ đi qua đây không ?
Bác hàng mận chợt tỉnh. Bà véo véo mũi cho qua cơn buồn ngủ :
- Không, ờ mà có. Cái cô mà ngày xưa hay qua đây ăn mận cùng anh chứ gì ? Cô ấy xuôi tàu rồi !
 
Thành cũng xuôi tàu. Thành đi tìm Thảo tận quê, tìm khắp nơi mà không thấy. Anh về sống với người vợ mới cuới, rồi nhận công tác ở ngay Hà Nội. Cuộc sống trôi đều đều. Nhưng trong óc anh vẫn chớp chới đôi cánh bé nhỏ của loài yến huyết.
 
Năm năm sau, hội trường Tổng Hợp. Những cựu sinh viên từ các miền về đây. Họ tìm về một thời lãng mạn.
 
   Trong bữa tiệc của các cựu khoa sinh viên khoa Ngữ văn, Thành chọn một góc ngồi cạnh cửa sổ, mặc dù trời đang lạnh.
Biết đâu, sẽ có phép lạ, và Thảo của anh sẽ bất ngờ xuất hiện. Nếu phép lạ đến, cô sẽ hiện ra trước mắt anh với hình dạng ra sao đây ? Với một thân hình tàn tạ bơ phờ, mắt mộng du, tay cầm cành liễu ? Hay với bộ quần áo nâu sồng, tay chắp trước ngực: "A di đà Phật !" ? Hay một bà chủ sang trọng, tay đầy xuyến và nhẫn ? Hay một phóng viên đầy tài năng vừa từ Sài Gòn bay ra ?
 
    Bữa tiệc ồn ào, huyên náo. Gió qua lại như tiếng chân chạy. Thành vẫn đăm đắm ngóng ra cổng trường. "Rừng Cười ơi ! Đã no nê máu và nước mắt, lẽ nào người cướp nốt của ta con chim yến nhỏ nhoi !"
V.T.H
Nguồn: Mỗi ngày một câu chuyện LS
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)