PHAN THỊ VĨNH HÀ
(Đăng tuần san Đời sống gia đình số 25 ngày 21/6/2018) Kính tặng mẹ của anh
Mẹ đừng buồn khi anh ấy yêu con
Bởi trước con anh ấy là của mẹ
Anh ấy có thể yêu con một thời trai trẻ
Nhưng suốt đời anh yêu mẹ, mẹ ơi!
Mẹ đã sinh ra anh ấy ở trên đời
Hình bóng mẹ lắng vào tim anh ấy
Dẫu bây giờ con được yêu đến mấy
Con cũng chỉ là người đàn bà thứ hai!...
Mẹ đừng buồn những chiều hôm, những sớm mai
Anh ấy có thể nhớ con hơn nhớ mẹ
Nhưng con chỉ là cơn gió nhẹ
Mẹ luôn là bến bờ thương nhớ của đời anh
Con chỉ là cơn mưa mỏng manh
Những người đàn bà khác có thể thay thế con
trong trái tim anh ấy
Nhưng có một tình yêu suốt đời âm ỉ cháy
Anh ấy chỉ giành cho mẹ, mẹ ơi!
Anh ấy có thể yêu con suốt cả cuộc đời
Cũng có thể chia tay ngay ngày mai, có thể
Nhưng anh ấy suốt đời yêu mẹ
Dù thế nào con vẫn chỉ là người thứ hai.
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN
Trong số những sáng tác của Phan Thị Vĩnh Hà, tôi rất thú vị với bài “Người thứ hai” bởi đây là tiếng nói cảm xúc chân thành của người con dâu hiếu thảo. Thi phẩm giàu nữ tính và chất nhân văn này thể hiện cái nhìn đúng đắn, quan điểm sống, lối ứng xử thấu tình đạt lý trong mối quan hệ gia đình vốn phức tạp và tế nhị.
Bài thơ có nói tới ba nhân vật: mẹ chồng, con dâu và chàng trai . “Anh ấy” luôn hiện diện trong tư cách vừa là con vừa là chồng, tùy từng thời điểm mà anh ấy có thiên hướng lệch về phía con hay phía mẹ. Vì thế mở đầu bài là những lời thơ nửa như đối thoại nửa như tâm sự và an ủi mẹ: “Mẹ đừng buồn khi anh ấy yêu con / Bởi trước con anh ấy là của mẹ/ Anh ấy có thể yêu con một thời trai trẻ…”. Những câu thơ nói lên một thực trạng: trước khi lấy con, “anh ấy là của mẹ” tất cả. Nhưng kể từ khi gắn bó cuộc đời anh với con, “anh ấy” không còn hoàn toàn thuộc về mẹ nữa. Qui luật cuộc sống vốn là vậy. Song dẫu có yêu con “một thời trai trẻ” mặn nồng đến thế nào chăng nữa “Nhưng suốt đời anh yêu mẹ, mẹ ơi!”. Người con dâu an ủi mẹ qua điệp ngữ “Mẹ đừng buồn”, qua những câu thơ mang tính lý giải để nhấn mạnh: cho dù sống ở góc bể chân trời nào, làm việc ở đâu, trái tim anh ấy vẫn luônhướng về mẹ, vẫn suốt đời yêu mẹ chẳng lúc nào ngơi. Trong phần thơ tiếp người con dâu như hóa thân vào mẹ để đồng cảm và thấu hiểu nỗi niềm sâu kín trong nghĩ suy của mẹ: “Mẹ đã sinh ra anh ấy ở trên đời / Hình bóng mẹ lắng vào tim anh ấy…”. Đứa con là bản sao huyết thống, là hạnh phúc, là tình cảm thiêng liêng nhất của mẹ. “Mẫu tử tình thâm”, hình bóng mẹ luôn có chỗ đứng vĩnh hằng trong trái tim “anh ấy” không gì có thể thay thế. Vậy nên người con dâu an ủi mẹ, đồng thời cũng tự nhận vị trí thật khiêm nhường của mình trong trái tim của “anh ấy” cũng như trong gia đình: “Dẫu bây giờ con được yêu đến mấy / Con cũng chỉ là người đàn bà thứ hai!...”. Thật cảm động và đáng khen biết bao trong lối ứng xử hiếu nghĩa này. Những khổ thơ còn lại, tác giả vẫn tiếp nối ý thơ và mạch cảm xúc ở phần trước để động viên mẹ: “Mẹ đừng buồn” cho dù trong hôn nhân, vợ chồng nhớ thương nhau “những chiều hôm, những sớm mai” nhiều hơn nhớ mẹ là tất yếu. Thế nhưng người con dâu vẫn nhận mình chỉ là “cơn gió nhẹ” hay “cơn mưa mỏng manh”- những hiện tượng thiên nhiên luôn tồn tại nhưng biến đổi khôn lường và có thể thay thế bằng hiện tượng thiên nhiên khác không mấy khó khăn: “Những người đàn bà khác có thể thay thế con trong trái tim anh ấy”. Cùng nói về ý này, ca dao của ông cha xưa có câu “Vợ chồng như áo tháng ba / Mặc vào thì mát cởi ra thì lìa”. Tiếp đó, người con dâu mượn hình ảnh bến bờ - những sự vật vừa lớn lao, dung dị lại vừa bền vững, thêm một lần nữa khẳng định chắc chắn tình cảm con trai dành cho mẹ: “Mẹ luôn là bến bờ thương nhớ của đời anh”. Chưa hết, người con dâu ấy còn mượn cả hình ảnh ngọn lửa để nói về tình yêu bất biến: “có một tình yêu suốt đời âm ỉ cháy / Anh ấy chỉ giành cho mẹ, mẹ ơi!”. Bài thơ kết thúc bằng những câu khẳng định tình yêu của “anh ấy” dành cho mẹ và vị thế của chủ thể trữ tình: “Nhưng anh ấy suốt đời yêu mẹ / Dù thế nào con vẫn chỉ là người thứ hai”. Điệp ngữ “người thứ hai” được lấy làm nhan đề của bài và láy lại tới ba lần, khắc sâu ở câu kết càng nói lên tấm lòng yêu thương, đức khiêm tốn, vị tha ở người con dâu.
Nhiều người yêu thích bài thơ bởi nó được chắt lọc từ một trái tim nhân hậu, bao dung, thấu hiểu đạo lý làm con nói riêng và làm người nói chung. Đọc từng câu, từng chữ của bài, tất cả đều ánh lên lòng yêu kính với mẹ chồng, niềm khát khao sự hòa hợp đồng cảm và yêu thương người thân. Đó là bí quyết để nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình bền chặt.
Người gửi / điện thoại