TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 13
Trong ngày: 14
Trong tuần: 1078
Lượt truy cập: 786961

NGUYÊN KHÍ NGÀN ĐỜI -TIỂU THUYẾT HAY VỀ TRIỀU MẠC

“Nguyên khí ngàn đời” – tiểu thuyết lịch sử hay về triều Mạc

       Đọc “Nguyên khí ngàn đời” của Lục Hường, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021

                                                   Vũ Nho

luc_huong

                      TÁC GIẢ LỤC HƯỜNG

          Triều nhà Mạc thường bị các sử gia trước đây coi là “ngụy triều” và có những đánh giá, định kiến, thiếu công bằng. Ngay cả việc “đầu hàng” về danh nghĩa của Mạc Thái Tổ cũng bị chê bai. Nhưng những năm gần đây, các nhà sử học đã đánh giá lại hành động “chịu nhục” này để tránh một cuộc chiến không cân sức cho dân chúng. Và người ta đã có những nhận định đúng đắn về sự phát triển, kinh tế, văn hóa, văn học thời nhà Mạc.  Các triều đại Lí, Trần, Hồ, Lê, Nguyễn đã có nhiều tác giả viết tiểu thuyết lịch sử. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên về nhà Mạc là của  nhà văn Lưu Văn Khuê có nhan đề “Mạc Đăng Dung”, do nhà xuất bản Hải Phòng xuất bản năm 2007.

          Tác giả trẻ Lục Hường viết cuốn “Nguyên Khí ngàn đời” có lẽ là cuốn sách thứ hai viết về nhà Mạc. Tuy nhiên, tác giả lại chọn viết về  cuộc đời một nhân vật lịch sử Phạm Thọ Khảo, là nhân vật  có thật, từng đỗ Tiến sĩ, làm Lễ bộ thượng thư Tả thị lang dưới triều vua Mạc Mậu Hợp, triều đại cuối cùng của nhà Mạc ở đất Thăng Long. Mạc Mậu Hợp lên ngôi từ năm 2 tuổi, ở ngôi 30 năm. Phạm Thọ Khảo là nhân vật quan trọng của triều đại đó, ông chỉ làm quan có 10 năm và  mất đột ngột năm 1581. Ông được nhà vua thương tiếc và  phong tặng sáu chữ “Dực Vận Khai Bình Đại Liêu”(đại ý là: Vị quan lớn có công lao mang lại thái bình thịnh trị cho đất nước).

          Khác với các tác giả viết tiểu thuyết Lịch sử khác, người viết thường dựng lại bối cảnh lịch sử, những hoạt động chính của nhân vật,  trong mối quan hệ với các  nhân vật cùng thời; ở đây tác giả Lục Hường để cho nhân vật Phạm Thọ Khảo tự kể chuyện từ ngày từ biệt cha mẹ vào cung nhận trọng trách  Lễ bộ thương thư Tả thị lang cho đến khi rời bỏ cõi trần. Mười năm làm quan là mười năm  Phạm Thọ Khảo cùng với người cận vệ thân tín Vũ Túc, cùng với công chúa con gái Tiên hoàng, tìm cách bảo vệ hoàng thượng và Vương triều Mạc, chống lại âm mưu chia rẽ và phản loạn của Vương gia liên kết với Bùi tướng quân. Chắc không phải ngẫu nhiên mà tác giả để cho nhân vật Phạm Thọ Khảo viết một cuốn sách quan trọng dâng lên Hoàng thượng. Cuốn sách đó được viết trên gốm. Những mảnh  gốm ghép lại sẽ thành một cuốn sách hoàn chỉnh, là một “kho báu” tri thức cần thiết cho mọi triều đại.  Nội dung cuốn sách đó chính là “nguyên khí ngàn đời” mà Tiến sĩ  Lễ bộ thượng thư Tả thị lang đã tổng kết lịch sử các triều đại; đưa ra những cảnh báo về dấu hiệu sụp đổ; cách thức để giữ thanh danh của một vương triều.  Rất nhiều lần  nhân vật Phạm Thọ Khảo nhắc đến nội dung cuốn sách, nhắc đến kho báu tri thức, nhắc đến nguyên khí ngàn đời.  “ Nguyên khí ngàn đời  nằm ở sự chân thành, xã tắc thịnh vượng khi vua chân thành với quan với dân; quan chân thành với vua, với các quan và với dân. Dân chân thành với nhau và đoàn kết”.

            Cuốn sách của Phạm Thọ Khảo viết trên gốm. Có thể nói đây là một tưởng tượng của tác giả, nhưng lại không hề ngẫu nhiên. Các vật liệu để làm sách  bằng mai rùa, tre, trúc, giấy gió, thậm chí cả đồng thau. Nhưng chưa có sách viết trên gốm. Thời nhà Mạc là thời kì mà gốm Chu Đậu vô cùng phát triển. Những sản phẩm gốm Chu Đậu đã từng được bán qua nhiều nước châu Âu. Việc Phạm Thọ Khảo dùng gốm làm vật liệu viết sách “nguyên khí”, lại viết các phần riêng biệt trên các mảnh ghép có ý nghĩa biểu trưng về nội dung và hình thức cuốn sách.

           Nhân vật chính xuyên suốt toàn bộ tiểu thuyết  là Phạm Thọ Khảo. Ông có thể “dịch chuyển” trong không gian bằng những giấc mơ để biết được những toan tính hay hành động của phủ Vương gia, phủ Bùi tướng quân. Ông lại cũng có thể dịch chuyển để đi tới tương lai. Ở không gian và thời gian khác, ông gặp hậu duệ của mình là Phạm Thọ Quang, chứng kiến những gian khổ, hi sinh của hậu duệ cùng thế hệ các chàng trai, cô gái xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Ông  đã chứng kiến các hậu duệ của mình nhờ các nhà ngoại cảm để tìm mộ mình và tìm mộ Phạm Thọ Quang. Ông cũng mượn người ở dương thế để liên lạc với các hậu duệ về chuyện chuyển di cốt của Phạm Thọ Quang và chuyển di cốt của chính ông về quê hương. Đoạn miêu tả việc cụ Phạm Thọ Khảo băn khoăn  khi chọn người thay  mặt mình để liên lạc với hậu duệ khá thú vị. Cụ không muốn nhập vào vợ của Phạm Thọ Bảy, không muốn nhập vào một người bạn đi cùng mà chọn chị Nguyệt, em dâu đằng vợ để tránh những nghi ngờ và rắc rối không cần thiết. Cụ chọn chị Nguyệt vì “cái duyên”, nhưng cái chính “là người trong gia đình không quá gần, không quá xa” để có thể đồng hành trong thời gian dài (tr. 278- 279).

          Nhà văn đã để cho nhân vật Phạm Thọ Khảo tự tìm hiểu một loạt câu hỏi:

  • Ai ra tay đối với cái chết của Dạ phi mẹ công chúa Dạ Vũ?
  • Bùi tướng quân muốn gì?
  • Vì sao vương gia lại cố ép con trai thành thân với công chúa Dạ Vũ?
  • Vương gia bắt cóc con trai của Bùi tướng quân nhằm mục đích gì?
  • Làm thế nào để giao những mảnh gốm của cuốn sách “kho báu” cho Vương gia mà vẫn đảm bảo được an toàn cho mình và Hoàng thượng?
  • Vì sao phe Vương gia và Bùi tướng quân lại hạ độc Phạm Thọ Khảo?
  • Bị đầu độc, làm thế nào có thể lấy được thuốc giải mà không bị nguy hiểm đến tính mạng?

          Tất cả những điều đó làm cho câu chuyện luôn luôn hấp dẫn, cuốn hút, kích thích sự tò mò của bạn đọc.

        Tác giả Lục Hường bộc bạch: “Câu chuyện tôi viết có thực, có hư, những điều hư ảo quyện vào từng chi tiết thực tế”. Những điều đó làm cho tiểu thuyết có một vẻ riêng đặc biệt. Phạm Thọ Khảo đã mất hơn bốn trăm năm. Nhưng tác giả để cho nhân vật khẳng định rằng ông đang cùng công chúa Dạ Vũ đi tới tương lai : “chúng ta vẫn luôn sống cùng với sự biến đổi không ngừng nghỉ của không gian, thời gian giữa quá khứ, hiện tại và tương lai” (tr. 436).

          Trong số  khoảng một chục tiểu thuyết lịch sử chúng tôi đã đọc, chúng tôi thấy chỉ có tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Vũ Ngọc Tiến đề cập đến quá khứ và hiện tại bằng  hai tiểu thuyết đan xen. Một tiểu thuyết lịch sử và một tiểu thuyết đương đại (Quỷ VươngKẻ sĩ thời loạn). Nhà văn Bùi Thanh Minh (tiểu thuyết Huyệt cát) và nhà văn Lê Hoài Nam (tiểu thuyết Cuộc đời xa khuất) có đề cập đến người dương, người âm cùng nhau đối thoại, hành động. Riêng tác giả Lục Hường viết về nhân vật Lịch sử Phạm Thọ Khảo, nhưng nhân vật  lại có khả năng dịch chuyển bằng giấc mơ, qua không gian và thời gian để giáo tiếp với người cùng thời, giao tiếp với người tương lai. Bởi thế mà Phạm Thọ Khảo cùng với các nhân vật trong triều đại Mạc Mậu Hợp có thể chứng kiến cuộc kháng chiến chống Mỹ và sự hy sinh của Phạm Thọ Quang hậu duệ  đời thứ 19, có thể chứng kiến việc tìm mộ Phạm Thọ Quang và tìm mộ Phạm Thọ Khảo vằng việc gọi hồn, dùng thủ thuật tâm linh. Đúng như tác giả Lục Hường đã nói về thực, hư; hư ảo quyện vào hiện thực. Đây là một điểm mới, rất mới của tiểu thuyết này.

          Chúng tôi muốn nói đến cốt truyện và cách xây dựng nhân vật độc đáo của tác giả. Ở đây, nhân vật Phạm Thọ Khảo luôn xưng “ta” trong suốt 29 chương sách và kể lại các biến cố.  Suốt 29 chương sách, nhân vật nhậm chức vụ quan trọng và bắt đầu viết cuốn sách tổng kết các triều đại, cảnh báo nguy cơ sụp đổ vương triều và những giải pháp để giữ gìn danh tiếng của một vương triều. Tác giả đã để cho nhân vật cùng với cận vệ Vũ Túc, công chúa Dạ Vũ chống lại mưu đồ phản loạn của Vương gia liên kết với Bùi tướng quân. Đồng thời  với việc Phạm Thọ Khảo đi tới tương lai, chứng kiến hậu duệ của mình chiến đấu hi sinh trong cuộc chiến tranh chống Mĩ. Các câu chuyện đan cài, qúa khứ xen với tương lai, huyền áo xen lẫn, hòa quyện vào hiện thực. Có sự hồi hộp như xem tiểu thuyết trinh thám (hai phái thăm dò, kìm hãm, chống phá nhau). Có sự lãng mạn, bay bổng như xem tiểu thuyết lãng mạn (mối tình của Thọ Khảo và công chúa). Có sự   tò mò bảng lảng, nửa tin nửa ngờ về cuộc gọi hồn, giao tiếp gữa nhà ngoại cảm với linh hồn của người ở thế giới khác (cuộc gọi hồn, tìm mộ). Có sự ngạc nhiên khi các nhân vật Tiên hoàng, Dạ phi và sau này cả Phạm Thọ Khảo, công chúa Dạ Vũ chuẩn bị cho cái chết của mình (thực chất là bước vào một không gian khác). Tất cả được viết bằng một lối văn trong sáng, giản dị, bàng bạc chất thơ.

         Không nghi ngờ gì, dù tuổi trẻ, nhưng Lục Hường có một cách tiếp cận lịch sử mới mẻ. Và tiểu thuyết “Nguyên Khí ngàn đời” là một cuốn sách hay về lịch sử,  chứa đựng thông điệp  từ quá khứ, tràn đầy chất thơ và niềm tin cậy, tình cảm chân thành  gửi tới mỗi người đọc hôm nay./.

                                     Hà Nội, 19 tháng Tư năm 2021

a.3

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)