NGUYỄN KHÔI - NGƯỜI SÁNG TÁC LẠI "SỐNG CHỤ SON SAO" - TIỄN DẶN NGƯỜI YÊU
QUANG HOÀI
NHÀ THƠ NGUYỄN KHÔI
Thơ ca là hồn cốt và linh khí của một dân tộc, cái làm nên chiều kích diện mạo văn hoá tinh thần của dân tộc đó, làm cho dân tộc đó trường tồn, không bị huỷ diệt trước biến thiên nghiệt ngã của lịch sử tiến hoá nhân loại. “Mất văn hoá là nguy cơ hàng đầu tạo nên sự diệt vong của dân tộc” - đó là sự khẳng định như “cây đời mãi mãi tươi xanh”. Mà thi ca lại chính là cốt khí của văn hoá. Bởi vậy, việc chuyển ngữ một tác phẩm thơ ca của dân tộc này sang dân tộc khác là công việc cực kỳ khó khăn, hoàn toàn không dễ dàng. Nó đòi hỏi một sự sáng tạo đặc biệt nghiêm khắc - sự sáng tạo trong việc biểu đạt trung thành cả phần nổi (chữ nghĩa) và phần chìm (hồn cốt) của nguyên tác. Nhà thơ Nguyễn Khôi đã làm được việc đó khi anh chuyển ngữ thành công "SỐNG CHỤ SON SAO", truyện thơ từ tiếng Thái sang tiếng Kinh thành "TIỄN DẶN NGƯỜI YÊU".
"SỐNG CHỤ SON SAO" đã trải qua nhiều bản dịch khác nhau, trong đó đáng kể là bản dịch nghĩa của Cầm Cường và hai bản dịch thơ của Điêu Chính Ngâu (1914-1958) và của Mạc Phi (1928-1996). Bản dịch của Nguyễn Khôi là sự kế thừa và phát triển các bản dịch trên nhưng bằng sự sáng tạo hoàn toàn mới mẻ. Thể thơ song thất lục bát - một thể thơ được khẳng định vị thế của nó gắn liền với sự ra đời của “Chinh phụ ngâm” qua bản dịch của Đoàn Thị Điểm và của “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều từ thế kỷ XVII được Nguyễn Khôi “thôi xao” để chuyển ngữ tác phẩm là một sáng tạo đáng kể. Nhưng sự sáng tạo trong lột tả hồn cốt tác phẩm mới chính là điều làm cho chúng ta cảm nhận đầy đủ sự dụng công của anh. Tôi đồ rằng, phải bằng 21 năm gắn bó với Tây Bắc, thấu hiểu tâm tính, cách nghĩ, cách cảm cùng các phong tục tập quán của người Thái đen vùng Tây Bắc Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn với tâm hồn thi sĩ của một người Trai Đình Bảng vùng quê Quan họ nổi tiếng, Nguyễn Khôi mới có thể chuyển ngữ thành công khúc bi tình đau đớn và đẫm nước mắt về sự trắc trở tình duyên của đôi trai gái Thái trong truyện thơ này.
Bạn thân mến, bạn hãy đọc bản dịch của Nguyễn Khôi và cảm nhận "SỐNG CHỤ SON SAO" bằng chính tâm hồn bạn. Những vui buồn, xa xót, đắng cay, khổ đau và hạnh phúc, những tập tục bao đời chi phối nhân duyên, chia lìa đôi lứa sẽ dẫn dụ bạn trở về với bản thể người - một cõi đi về đầy bất trắc và đáng yêu biết bao! Nếu được như vậy, tôi dám chắc Nguyễn Khôi sẽ rất lấy làm hạnh phúc, bởi anh đã tâm huyết bỏ ra gần nửa đời người say mê biên dịch và khảo cứu tác phẩm này, một tác phẩm vốn được anh nâng niu và trân trọng ngay từ thời còn trai trẻ lần đầu tiên tiếp cận với nó.
Và tôi hoàn toàn đồng tình với Thái Doãn Hiểu - người phát hiện và đưa Nguyễn Khôi vào bộ "THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI", khi ông khẳng định: “… Lòng quê Quan họ thắm đượm hương sắc Mường bản, Nguyễn Khôi (Trai Đình Bảng) đã hoá thân vào chàng trai Thái để dịch, chuyển thề song thất lục bát tập đại thành của văn học Thái ra tiếng Việt… Chất thi sĩ của người Kinh Nguyễn Khôi đã nhập vào hồn những câu thơ Thái rất đẹp và duyên dáng… Có thể nói Nguyễn Khôi đã gần như sáng tác lại trên nền tảng của nguyên tác trứ danh này”.
Hà Nội, 27-9-2011
QUANG HOÀI
(Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)