Trong cuộc đời mỗi con người, hầu như ai cũng có những kỷ niệm- Những kỷ niệm buồn vui, không tên và có tên.
Chàng trai trẻ - Trung tá - Nhà văn Hoàng Anh Tuấn ở mảnh đất Lào Cai “ Nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt” viết nên những vần thơ kể về kỷ niệm với một loài hoa. Chàng trai ấy đã thể hiện nó qua bài thơ “ NHỮNG CHIỀU TAM GIÁC MẠCH”.
Nói đến hoa tam giác mạch, nhiều người đã biết nó chỉ sinh tồn ở vùng núi, mà hẳn là vùng núi đá. Những bông hoa li ti, những cánh hoa li ti, mỏng manh với màu sắc giản dị mà vẫn toát lên sự tươi tắn, bí ẩn đến mê đắm. Ngắm hoa Tam giác mạch, tôi liên tưởng tới hoa Ti -gôn. Hơn cả hoa Ti-gôn, vì nó còn cho người ta hạt.
“Những chiều tam giác mạch” như một câu chuyện tình yêu được kể bằng thơ, về cuộc sống của đồng bào vùng cao, đầy ắp khổ đau và hạnh phúc.
"Nhũ hoa tam giác mạch/ Nở hồng trên ngực đồi/ Nắng tháng mười trinh bạch/ Chiều ngập ngừng không trôi".
Mở đầu bài thơ, tác giả cho ta “xem” một bức tranh thủy mặc. Tôi mường tượng vồng ngực đồi như vầng ngực nàng sơn nữ. Cảnh đẹp không phô phang rờ rỡ mà e ấp đến lạ lùng. Tháng mười, nắng mượt như lụa, làm nổi bật lên màu xanh của núi rừng, màu hồng của hoa tam giác mạch. Cảnh sắc đẹp như Thiên Thai khiến ngày như muốn níu dài, mặt trời dùng dắng chẳng nỡ đi. Sự phi lý mà có lý trong tục ngữ dân gian: “Ngày tháng mười chưa cười đã tối”.
"Đứa gái tươi nét môi/ Địu gùi hoa phía bản/ Đứa trai lùa đàn trâu/ No căng làn gió ngát".
Cảnh sắc chiều hôm, nhịp sống chầm chậm. Sự xuất hiện của con người : Sự sống. Cuộc sống bình yên của những người dân lam lũ, tảo tần. “Bức tranh” đã có hồn khe khẽ rung lên.
"Nả gieo tam giác mạch/ Xuống ruột đá tai mèo/ Sao cạn ngày giáp hạt/ Lại sang mùa gieo neo".
Xung quanh là núi, con người sống trên đá, chết gửi xương trong đá. Người đàn bà gieo hạt tam giác mạch hay gieo niềm hy vọng cho những hạt mầm trong phấp phỏng phôi thai. Chỉ cần có chỗ cho một hạt giống gieo xuống thôi cũng đủ thành cây nuôi sự sống. Khí hậu khắc nghiệt thường làm cho con người đói cơm, nhạt muối, nhưng tình yêu vẫn cứ nảy mầm.
"Nhà anh bên Nàn Sán/ Bếp lửa vùi sương mây/Gặp em phiên Cán Cấu/Vòng bạc lồng cổ tay".
Những cô bé, cậu bé vùng cao sinh ra trên đá, tồn tại như là sự ngẫu nhiên. Đến một ngày, như hạt mầm qua sự chọn lọc khắc nghiệt của thiên nhiên, đã gội đủ sương, tắm đủ ánh mặt trời, ăn đủ ánh trăng, vụt lớn lên như cây ngô, cây mạch. Những buổi chợ phiên, nơi giao lưu, mua bán và hẹn hò, gặp nhau như định mệnh, lóng lánh chiếc vòng lồng khít cổ tay.
"Ta cưới thôi em nhé/ Cùng trèo núi trỉa ngô/ Hái mạch ngon làm bánh/ Nắm chung đuôi ngựa thồ".
Hình như hạt mạch đã chín, tình yêu đã chín - người trai thổ lộ lòng mình. Chàng ước mong một cuộc sống bình thường như những cuộc sống bình thường mà từ bao đời người dân nơi đây đã chọn. Không phải “túp lều tranh và hai trái tim vàng”. Sự lựa chọn thực tế, có cả vật chất và tinh thần, có cả hoa tam giác mạch và mèn mén. Người trai trưởng thành đầy trách nhiệm mơ ước một cuộc sống vừa thực tế, vừa lãng mạn.
"Em cúi đầu ngượng nghịu/ Má như hoa ửng đào/ Bụng ưng người mắt sáng/ Dạ say khèn nôn nao".
Bức chân dung đặc tả đôi trai gái đã hoàn tất: Người con gái dịu dàng, xinh xắn như hoa; người con trai mắt sáng thể hiện sự thật thà, đẹp đẽ khỏe mạnh, rót tiếng khèn làm say đắm lòng người thể hiện sự tài hoa.
"Ngủ với nhau một đêm/ Giữa đồi tam giác mạch/ Nhớ về nhau nhiều đêm/ Dù nghìn trùng xa cách".
Tình yêu đã chín, chữ “ngủ” gợi mà không thô. Ngủ với nhau có cỏ hoa và trăng sao chứng giám. Một tình yêu thánh thiện giữa đồi hồng. Một đêm thôi mà nhớ nhau mãi thế? Nghìn trùng xa cách đâu chỉ do vị trí địa lý. Một đêm để nhớ suốt đời. Nỗi nhớ đơn phương hay song phương?
"Những chiều tam giác mạch/ Cứ dâng hương bẽ bàng/ Em cuốn xà cạp mới/ Đời làm dâu họ Vàng".
Cảnh đấy, người đâu? Chỉ còn nỗi đau, chàng trai thương mình, thương hoa tam giác mạch. Nỗi chua xót cứ dâng lên bẽ bàng
khi muốn chỉ một lần chôn chặt dưới đáy tim. Do ép buộc hay tự nguyện mà em bỏ anh đi làm dâu nhà khác? Hay duyên đôi mình chỉ bấy nhiêu thôi?
"Những chiều tam giác mạch/ Trải hồng ra cuối trời/ Áo chàm anh vừa giặt/ Vắt nỗi buồn đem phơi".
Em đã ra đi, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, những cánh hoa tí xíu hình tim vẫn run rẩy trong chiều. “ Vắt nỗi buồn đem phơi”. Câu này thật đắt vì trong bối cảnh cụ thể thì không có câu nào phù hợp hơn. Bát nước nóng sẽ nguội dần, cuộc sống mới sẽ làm dần vơi nỗi buồn. Áo chàm đã giặt sạch, phơi gió núi, mây ngàn, hy vọng sẽ khô.
"Nả ngừng băm rau lợn/ Lấy vợ thôi con à/ Tôi bỏ lên đồi cũ/ Thương một vùng nát hoa…".
Tôi nhận ra tác giả có sự đối sánh “… xà cạp mới” và “ đồi cũ”. Cũ hay mới là do quan niệm. Rất nhân văn! Đồi cũ, nơi hằn in dấu tích đêm nao. Đêm hôm ấy đã bao lâu, điều đó không quan trọng. Chỉ còn lại nỗi đau chưa liền sẹo. Vẫn biết phải nghe theo lời khuyên của mẹ. Sẽ có ngày ấy, nhưng chẳng biết đến khi nào.
Tác phẩm được chuyển tải bởi thể thơ 5 chữ khiến tôi nhận thấy nhịp độ gấp gáp hơn, nó sẽ đẩy niềm vui đến tột đỉnh và nỗi buồn đến tận đáy. Nhịp câu bật lên như những tiếng nấc nghẹn ngào. “ Những chiều tam giác mạch” gây ấn tượng cho tôi bởi cách khai thác số phận con người một cách giản dị mà trực diện đến thế. Lần đầu tiên đọc, tôi đã khóc và bây giờ cũng vậy. Khóc thương những phận người, những mối tình, những mùa hoa.
N.T.N.H