NHỮNG CON SÓNG RÌ RẦM VỖ MÃI KHÔN NGUÔI
Đọc tập thơ Lòng ta vỗ sóng của Duy Khoát, nhà xuất bản Thông Tin Và Truyền Thông, 2015
Vũ Nho
NHÀ VĂN VŨ NHO - ẢNH PHẠM VĂN SƠN
Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm rồi, thường thì người ta nghỉ ngơi, gác kiếm rửa tay, hoặc tìm thú vui nơn non xanh nước biếc. Nhưng với nhà thơ Duy Khoát thì không thế. Anh cứ như cái cây lặng lẽ xanh, lặng lẽ nở hoa , lặng lẽ dâng tặng bạn đọc của mình những chùm quả đẹp. Và anh cũng ước mình được như một con ong. Mà chẳng phải là cầu được, ước thấy hay sao.
Ước mình như một con ong
Thu muôn hoa nhụy từ trong đất trời
Tạo nên mật ngát hương đời
Những câu thơ gửi cho người đang yêu
Con ong và thi sĩ
Những nhà thơ là những người mơ mộng nhất trần gian. Họ hay ước ao, hay tưởng tượng, hay mơ tưởng. Và không chỉ thế, họ còn hành động để biến những mơ ước thành hiện thực. 100 bài thơ này là kết quả cần cù thu hoa nhụy của Duy Khoát tặng cho bạn đọc, cho người đang yêu.
Đây là những bài thơ của người đã từng trải, đã chiêm nghiệm, đã lên thác xuống ghềnh trong cuộc đời nhiều vất vả, bon chen, lắm niềm vui cũng không ít nỗi buồn. Với bao nhiêu nhà thơ, thời gian là khách quan lạnh lùng, thời gian là nghiệt ngã, là vùn vụt tên bay. Với Duy Khoát thì vì anh duy tình cho nên anh thấy thời gian là gã bạc tình:
Bóng chiều buông xuống lặng thinh
Thời gian là gã bạc tình, tóc ơi!
Trước gương
Và cái tâm trạng tần ngần tiếc nuối này phải là tâm trạng của một người yêu đời lắm, tiếc mỗi ngày ghê lắm:
Bóc đi một tờ lịch
Đời ngắn đi một ngày
Lòng bần thần đưa tiễn
Xác thời gian trên tay
Tờ lịch
Tuy những bài thơ chiếm tỉ lệ cao trong tập là thơ tình, nhưng Duy Khoát đâu chỉ quan tâm đến tình yêu nam nữ, gái trai. Là người nhạy cảm với cái đẹp, với cái thiện, với những gì yếu đuối, mong manh, Duy Khoát không thể không băn khoăn, trăn trở về thế sự, về thời cuộc. Đến Nha Trang ngắm di tích Hòn Chồng, nhà thơ chạnh lòng:
Vợ sang Đài Bắc làm thuê
Chồng ngồi hóa đã tái tê nỗi đời
Hòn Chồng
Và cái cảnh các đại gia Hà Nội đi xem mưa tuyết “tưng bừng” thật tương phản một cách bất nhẫn với cảnh đói rét của những đứa trẻ:
Sa Pa mưa tuyết trắng rừng
Đại gia Hà Nội tưng bừng lên xem
Bản Mông, lũ trẻ lọ lem
Ở truồng run rẩy đang thèm mì tôm
Mưa tuyết
Thôi, đại gia có tiền, sẵn xe thì họ cứ việc đi xem. Nhưng có thể “đại gia” đó chính là quan tham, hay con em của các quan tham, giàu lên một cách bất minh nhờ “ăn đất” :
Quan tham cướp đất dân cày
Đội đơn đi kiện gió bay mất rồi
Đất
Thành phố không có người ăn xin. Đó không phải vì kinh tế phát triển, ai cũng có cơm ăn. Mà đó chỉ là thành tích giả, đáng buồn hơn đáng vui:
Phố phường đã đuổi ăn mày
Cho xe bạc tỉ đỗ đầy ngõ quan
Lạc quan
Quyền lực
Nhà thơ nói đến Ải Chi Lăng, nói tâm trạng “Đứng bên cột mốc”, nói chuyện “ Trước am Mị Châu” để nhắc nhở về tinh thần cảnh giác cho chính mình và mọi người.
Có lần viết về Duy Khoát, tôi đã nói rằng nhà thơ này chính là con chiên theo giáo phái TÌNH YÊU. Quả thật là Duy Khoát say đắm về mảng thơ tình. Hình như mùa nào, khoảnh khắc nào, địa điểm nào, thời gian nào cũng có …thơ. Có lẽ cú hích khiến cho trong lòng nhà thơ vỗ sống khôn nguôi là tình huống này chăng?
Từ hôm em bước xuống đò
Lòng ta vỗ sóng giày vò câu thơ
Cõi tình thực biến thành mơ
Thơ tình viết nữa bây giờ cho ai!
Lòng ta vỗ sóng
Chỉ biết rằng tưởng là không viết được nữa vì đau, vì giày vò, nhưng hóa ra do “thất tình” nên càng đeo đẳng với tình, đeo đẳng với thơ.
Khi thì bất chợt tiếc nuối:
Giá mà trở lại ngày xưa
Tôi còn trai trẻ, em chưa có chồng
Giá mà
Khi bỗng chốc sững sờ :
Ngẩn ngơ trước vẻ mịn màng
Tỏa thơm mười búp trên bàn tay em
Hoa Ngọc lan
Biết bao câu thơ như là thánh kinh để Duy Khoát tụng niệm, tôn thờ trước vẻ đẹp của người anh yêu:
Thuốc lào say đến quay lơ
Chưa bằng cặp mắt ngây thơ em cười
Thuốc lào
Mắt em thăm thẳm nước trời
Để anh chới với chưa bơi đã chìm
Tắm biển Cồn Vành
Chén tình chưa chạm lên môi
Đã say ngã xuống vùng trời mắt em
Rượu ngày xuân
Rồi nhà thơ nói nỗi niềm “ Anh sợ”, nói nỗi “ Nhớ bóng”, nói chuyện Hà Giang “Núi đôi vú tiên”, nói cảnh “Chiều mùng ba Tết”, nói “ Hòn đá kì”, chuyện “ Một chiều xuân” , nói chuyện “Cửa Thiền”:
Gió bay mái tóc phai màu
Mấy nhà thơ phố rủ nhau đi chùa
Cửa Thiền lốc cốc mõ khua
Vài đôi mắt vẫn bỏ bùa cho nhau
Và cả chuyện uống cà phê khác đời này nữa :
Ly cà phê uống cạn rồi
Anh còn muốn nhấn nhá ngồi …uống em
Cà phê chiều
Bốc đồng lên, thi nhân còn dọa …đi tu nếu Chúa ngục khoan hồng sớm:
Anh muốn được ở tù trong tim em trọn kiếp
Đừng phóng thích anh trước hạn tù
Nếu Chúa ngục khoan hồng vội vã
Anh sẽ về
quyết chí
đi tu!
Tù nhân
Có nhà phê bình khái quát rằng thơ tình chủ yếu là thơ “thất tình” và sau khi người ta kết hôn rồi là thơ “ngoại tình”. Quả thật cũng ít thấy thơ tình làm chuyên cho một người vừa là vợ vừa là người tình như Aragon với Enxa. Các nhà thơ làm thơ tình hay “ngoại tình” thì cũng chỉ là những phút thăng hoa cảm xúc, những phút giây “ngoài vợ, ngoài chồng”. Họ sống ở trong mơ, họ sống ở trong thơ để cho bạn đọc thêm một lần cảm nhận cái rạo rực của cảm giác yêu. Nhà thơ Xuân Diệu, ông hoàng của thơ tình, làm thơ cho bao nhiêu em. Nhưng em thực ở trong đời có mấy người? Duy Khoát có lẽ cũng vậy thôi. Em có thật và em trong mơ tưởng. Miễn là thơ hay, được bạn đọc tâm đắc.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng viết cảm xúc khi đọc thơ tình:
Khi nào tác giả xưng “em”
Tưởng như thơ viết gửi riêng một người
Khi bài thơ gọi “em ơi”
Lòng nao nao muốn cất lời chào thưa
Thơ tình ai viết
Chúng ta lại gặp cảm giác tương tự như thế của Nguyễn Thị Hồng Thức trong nhóm bút Luy Lâu khi đọc thơ Duy Khoát:
Thơ tình anh viết tặng ai
Mà nghe cứ tưởng nhiều bài tặng tôi
Thơ sao giống thế, người ơi
Đọc lên mà thấy bồi hồi tâm can
Ngoài Hồng Thức, các nhà thơ, nhà văn, nhà báo nhiều lứa tuổi, nhiều vùng miền : Duy Phi, Lưu Xuân Thanh, Minh Mỵ, Bùi Thị Hạnh, Hạnh Mai, Hoàng Giá, Xuân Huy, Ngô Duy Ban, Phạm Đức Nhị, Phạm Hoàn, Vũ Từ Sơn, Hoàng Gia Cương, Thái Giang, Lê Khả Sĩ đều có bình thơ và tặng thơ Duy Khoát in ở cuối tập này. Đó khác nào những lời bạt đa sắc, đa thanh. Thế chẳng đáng vui sao!
Người gửi / điện thoại