bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 40
Trong ngày: 693
Trong tuần: 1402
Lượt truy cập: 774546

NHỮNG NGƯỜI RỖI VIỆC

NHỮNG NGƯỜI RỖI VIỆC

Truyện ngắn vui của Thế Đức

Ông Thản được bầu là chủ toạ, kiêm thư ký, ngồi xếp bằng tròn dưới nền nhà. Ông buông đũa, tợp một hớp rượu rồi cầm tờ giấy đọc:
Kính thưa các đồng chí…
Hôm nay, ngày…tháng…năm… tất cả chúng ta có mặt tại đây, chứng kiến một sự kiện quan trọng, đó là việc ra mắt Hội Những người anh em đã từng chung một chiến hào, thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tại đơn vị…
Ông Thản đọc một thôi, rồi đặt tờ diễn văn xuống trước mặt, tay tháo chiếc kính lão, chặn lên tờ giấy. Ông vỗ tay bồm bộp, miệng phát khẩu lệnh, khiến tất cả những người có mặt cũng hùa theo.
Tiếng vỗ tay vừa dứt, ông Thản quay sang bên cạnh.
- Ông thấy tôi viết thế nào?
- Được!
Ông Quốc, người vừa được ông Thản hỏi, miễn cưỡng trả lời. Tiếng “được” kéo dài, nghe thật nặng nề. Ông Thản cũng chẳng thèm để ý đến điều đó. Ông hứng chí, quay sang bên kia, hất hàm.
- Ông Tấn thấy thế nào?
- Rườm rà quá! Thời buổi bây giờ, ai nghe nói nhiều!
- Sao lại rườm rà, đã gọi là diễn văn thì phải đầy đủ chứ! Ông Thản gườm gườm nói với ông Tấn rồi lại vỗ tay bồm bộp ra hiệu cho mọi người trật tự - Bây giờ, yêu cầu mọi người cho biểu quyết, ai đồng ý với tinh thần tôi vừa nêu, xin giơ tay!
Tất cả đồng ý, không thiếu một ai. Ông Thản hỉ hả:
- Một trăm phần trăm, cho thông qua nhé? Đề nghị các đồng chí nâng cốc, nhiệt liệt chúc mừng sự kiện quan trọng này!
Gần hai chục con người, đều chạc tuổi trên dưới năm chục, có vẻ nhất trí cao. Họ bắt đầu sôi nổi, vừa ăn uống, vừa bàn tán đủ chuyện, nhất là những chuyện từ thời chiến tranh. Cũng phải, đó là thời kỳ không thể nào quên của bất cứ ai đã từng nếm trải.
Bỗng ông Quốc lên tiếng:
- Đã gọi là tổ chức thì phải có lãnh đạo chứ? Ta nên bầu lấy một người…
Ông Thản nhanh nhảu:
- Đúng vậy, tôi có ý kiến, tôi đề cử đồng chí Ấn làm chủ tịch. Đồng chí Ấn là người có tư cách tốt, lại nhiệt tình, rất xứng đáng đảm nhiệm cương vị lãnh đạo Hội! Ai đồng ý, xin giơ tay?
Lại một lần nữa, họ chứng tỏ sự nhất trí cao. Ông Ấn phục phịch, bụng nở gấp ba lần ngực, nặng nề đứng dậy:
- Cám ơn các đồng chí tín nhiệm bầu tôi làm chủ tịch. Tôi xin cố gắng hoàn thành nhiệm vụ ạ…
Đợi ông Ấn nói hết, ông Tấn bảo:
- Gọi là trưởng ban liên lạc, hay nhóm trưởng thôi, chủ tịch, nghe ghê quá!
Ông Thản gạt toẹt:
- Gọi chủ tịch cho oách, ai cấm!
Mọi người nhao cả lên, mỗi người một ý. Ông Thản phải hai ba lần vỗ tay yêu cầu trật tự.
- Ai muốn phát biểu, yêu cầu giơ tay! Cứ như cái chợ vỡ thế này, chẳng còn tổ chức kỷ luật gì cả. Thôi, vấn đề này coi như xong, cho thông qua!
Sứ mạng lịch sử của Hội đã ổn. Xin nêu vài nét trích ngang của vị “tân chủ tịch” và “đồng chí” thư ký:
Ông Ấn nhập ngũ năm 1970, được điều động về công tác tại tiểu đoàn 3, trung đoàn 150, sư đoàn Y. Cùng đợt với ông Ấn có ông Thản, ông Quốc, ông Bằng, và ông Tấn. Tất cả năm người đều là dân Hà Nội chính gốc nên họ thân nhau lắm. Cả nhóm người ấy sống rất sành điệu, cái gì cũng thể hiện trội hơn người. Thản và Ấn đàn giỏi, hát hay nên có chân trong đội văn nghệ của đơn vị. Vì thế, cả tiểu đoàn, không ai không biết tên tuổi.
Sau hiệp định Pa-Ri về Việt Nam, bỗng cả năm người ấy cùng nộp đơn xin ra quân. Tất nhiên không được giải quyết. Vào một đêm, họ cùng ôm ba-lô “nhảy dù”, làm xôn xao cả đơn vị.
Về Hà Nội, cả năm tên “lính dù” đều sống không hộ khẩu. Không hộ khẩu đương nhiên là không có sổ gạo, không tem phiếu…lại bị quản chế. Cực chẳng đã, Quốc, Bằng, Tấn lại xin nhập ngũ. Ấn và Thản thề sống chết, quyết không rời thủ đô. Ấn xoay sở đủ nghề. Được cái, bố mẹ để lại cho ngôi nhà mặt phố nên cũng đỡ. Thản lấy vợ, nghề ngỗng chẳng có, cuộc sống hết sức vất vả. Thản tậu chiếc xe bò kéo, chở thuê đủ loại hàng hoá, nhưng chủ yếu là than cám từ bến Phà Đen đem bán cho các chủ lò bánh mỳ ngoài quốc doanh kiếm sống.
Gần hai năm sau, chẳng biết xoay sở thế nào, Thản cũng lo được hộ khẩu, lại chạy được chân lon ton ở uỷ ban phường (hồi ấy gọi là tiểu khu). Lương lậu tuy ít, chỉ đủ để hút thuốc lào vã nhưng được cái tiếng là cán bộ tiểu khu mà lại rất nhàn hạ. Cái thời buổi, công nhân viên chức chỉ biết lấy nhàn làm lãi thì cũng coi là tạm ổn rồi. Ai cũng khen Thản thế mà giỏi! Và Thản trụ ở công việc ấy đến tận bây giờ, không tiến, cũng không rớt . Thực tình thì đã hết chỗ để rớt.
Giải phóng Miền Nam, Quốc, Tấn về phục viên. Bằng hy sinh, hài cốt được gia đình đưa về nghĩa trang liệt sĩ ở Hà Nội. Từ đó, cứ đến ngày giỗ Bằng, Thản lại huy động cả nhóm “lính dù năm 73” mang rượu, gà quay nguyên con xuống tận mộ cúng Bằng, rồi đánh chén tại chỗ. Có lần, cả đám say khướt, khóc hu hu như Bằng vừa chết hồi nãy. Được vài bận, Tấn bảo: “Tao thấy cái trò ấy dở hơi lắm, chấm dứt đi!” Thản không nghe, mắng Tấn thậm tệ, cho là Tấn không chung tình và xúc phạm đến linh hồn của bạn. Tấn không nói thêm gì nữa, lẳng lặng rời khỏi nhóm. Năm ấy, Tấn đỗ đại học tại chức, bao nhiêu công việc đang chờ. Quốc cũng bận làm ăn, không có điều kiện giao lưu nhiều. Cuối cùng, cái nhóm ấy chỉ còn lại Thản và Ấn, vẫn gắn bó, vẫn tận tuỵ với nhau đến tận mãi về sau.
*
Cũng cần nói thêm một số nhân vật khác trong “Hội”, chẳng hạn như ông Tráng, người tầm thước, trắng trẻo, mặt mũi hiền lành, đôn hậu. Sau chiến tranh bảy nhăm, ông Tráng được cử đi học lớp công đoàn chuyên trách, rồi chuyển về công tác tại đơn vị X. thuộc ngành hậu cần đóng đô ở ngoại thành Hà Nội. Ông lấy vợ, bà Hương, nguyên là nhân viên quân lực sư đoàn Y., chuyển về đơn vị X. sau ông Tráng một dạo. Sau này, ông Tráng trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của đơn vị. Gia đình ông là nguyên mẫu cho rất nhiều người học tập…
Song hành với ông Tráng trong nhiều năm có ông Quân. Ông Quân đeo lon trung tá, tận tuỵ đến tận cùng với binh nghiệp. Ông Quân được điều động đi khắp các chiến trường, rồi về làm sếp trưởng tiểu đoàn pháo cao xạ, đóng quân ngay bên rìa nội đô. Ông Tráng và ông Quân thân thiết với nhau từ ngày còn ở sư đoàn Y. Về công tác ở thủ đô được mấy năm, ông Quân được đơn vị phân nhà. Dịp may bất ngờ, ông chớp cơ hội, đưa luôn vợ con từ quê ra. Vợ ông Quân hiền lành, gia đình nhất mực hoà thuận. Về sau con cái cũng phương trưởng, thành đạt…
Nếu căn cứ vào trích ngang của những nhân vật trên, chức chủ tịch nên bầu ông Tráng hoặc ông Quân mới phải. Thế nhưng, việc ông Thản đề xuất bầu ông Ấn làm chủ tịch, được cả Hội thông qua cũng là việc đã rồi. Ông Ấn có điều kiện thuận lợi hơn người về thời giờ nhàn rỗi. Tuy chưa đến tuổi năm mươi nhưng ông Ấn chẳng phải làm bất cứ một việc gì. Kể cả việc gia đình, cũng đều do một tay bà vợ đảm, lo tuốt. Hằng ngày, ông Ấn chỉ có mỗi nhiệm vụ quan trọng nhất là đưa thằng con sinh sau đẻ muộn đi học, rồi lại đón về. Bây giờ, giữ cương vị chủ tịch, ông Ấn tỏ ra rất năng nổ. Cứ đầu giờ chiều, sau khi thả thằng con ở cửa trường, ông Ấn bắt đầu bận rộn với công việc của Hội cho đến tận lúc cậu ấm tan học…
Kỳ họp đầu tiên của Hội được tổ chức vào ngày 20 - 12 dương lịch, nhân dịp chuẩn bị mừng ngày lễ thành lập quân đội. Ngày này, về sau được ấn định làm ngày gặp mặt thường niên của Hội. Ông Quân tình nguyện đăng cai. Vợ ông Quân mang hết khả năng bếp núc, thết đãi bạn chồng một bữa tiệc thịnh soạn không kém gì người thành thị. Ông Quân lôi ra một bình rượu ngâm sáp ong rừng, vàng óng, vừa cười vừa nói:
- Rượu này tôi đã ngâm kỹ, bổ xung khiếm khuyết rất kịp thời. Ông uống, cứ gọi là... bà khen nức nở cho mà xem.
Tất cả cười ồ! Vị chủ tịch ngồi cạnh phu nhân, mặt đỏ bừng, miệng chúm chím, cũng chẳng biết ông cười hay mếu. Ông Tấn đánh mắt nhìn, cái nhìn không kìm nén được những uẩn khúc bên trong rồi quay sang ông Tráng, thì thầm:
- Không biết ông có vinh dự được Chủ tịch quan tâm, chứ tôi, chả mấy ngày Chủ tịch không đến chơi nhà. Mình đi làm về, mệt bở hơi tai, đã thấy ngồi đợi ở cửa rồi. Không tiếp thì thất lễ với chủ tịch, nhưng quả thật, sức khỏe cũng hơi bị quá tải. Sáu giờ kém, giờ cậu ấm sắp tan học, chủ tịch mới chịu nhấc đít đứng dậy.
Ông Tráng cười gượng:
- Tôi công tác cũng bận, thường xuyên về muộn. Chắc có tới cũng chẳng gặp ai ở nhà.
Bà Hương ngồi bên cạnh, nghe thế cũng xen vào:
- Anh không biết đấy thôi, nhà mình một dạo cũng thế. Em biết quy luật, hễ nghe tiếng chuông là lên gác nhìn xuống, thấy đúng thì lờ đi, coi như mình không ở nhà. Mấy lần như vậy, thế là chán…
- Ông Tấn, bà Hương chụm đầu, chuyện to, chuyện nhỏ, rồi bụm miệng cười.
Bữa tiệc vào hồi rôm rả. Mỗi năm, có dịp gặp gỡ thế cũng vui. Rượu vào, lời ra. Khi bình rượu sắp cạn thì lời lẽ bay bổng, hoa mỹ cũng không còn nhiều để tô vẽ, tán tụng nhau nữa. Thay vào đó là lời của rượu. Rượu đưa người ta cưỡi mây bay lên trời, nhẹ như bấc. Rượu lại đưa người ta rẽ nước, đi xuống tận đáy biển, dễ như chơi. Âu cũng là dễ hiểu, không thế, thì đâu còn là rượu nữa…
Ông Thản nâng tiếp chén rượu, dốc cạn vào họng. Mà đúng là ông đang lên trời xuống biển thật. Ông huơ chân, múa tay, thao thao đủ thứ chuyện, từ chuyện chính trị trong nước, đến chuyện sắp bầu cử tổng thống Mỹ. Rồi ông khoe thành tích công tác của ông trong ủy ban. Ngoắt cái, lại thấy ông chuyển đề tài, nói một hơi về tổ chức Đảng bộ các cấp…Ông Tấn ngồi nghe, thấy đau lỗ tai quá bèn cười khẩy, xỉa cho ông Thản một nhát ngang họng.
- Không dám, xin hỏi ông Thản được kết nạp Đảng từ bao giờ mà nói cứ như bí thư chi bộ thế?
Ông Thản lướt khướt, nhưng cũng biết mình bị xía đểu. Ông cười hô hô, đánh trống lảng.
- Ừ thì…mày có giỏi… chơi với tao một chén. Trăm phần trăm! Nào, dám không?...
Nói xong, ông Thản cũng chẳng cần đợi ông Tấn trả lời. Ông ngửa cổ làm một tợp cạn luôn, rồi giơ cái chén úp trước mặt ông Tấn.
- Mày…mày thì… là…là cái…đ…gì… cơ chứ!?
Vừa dứt câu, ông Thản đổ vật xuống. Cũng chẳng biết ông vô tình hay cố ý mà cái chén bỗng dưng văng sang phía ông Tấn. Cũng may, cái chén không trúng mặt ông Tấn, mà rơi xuống nền nhà, vỡ tan tành…
*
- Hết chỗ để nói! Có lẽ ta nên rút khỏi cái nhóm ấy thì hơn? Về nhà, ông Tráng nói với vợ.
- Mình làm công tác đoàn thể. Trong nhóm, có nhiều người cùng đơn vị, người ta lại đánh giá mình không quần chúng! Bà Hương cố vấn cho chồng, rồi chặc lưỡi: Mỗi năm cũng chỉ có một lần gặp mặt thôi mà…
- Vợ ông Quân có phàn nàn gì không?
- Chị ấy vừa ở quê ra, cũng thích có thêm chị em bầu bạn cho vui!
- Thế cũng đỡ! Mình cứ ngại cô ấy đánh giá…
Kỳ họp thứ hai, không thấy ai tình nguyện đăng cai. Ông Ấn đi từng nhà thu quỹ, rồi liên hệ một nhà hàng thịt chó ở Nhật Tân. Cái gió bấc hiu hiu từ sông Hồng tạt chéo qua bờ đê, thốc lên căn nhà sàn, tạo thêm không khí rất đậm đà cho món thịt chó chấm mắm tôm. Vắng mặt ông Tấn. Sau lần ông Tấn bị cái chén tạt suýt trúng người đã tuyên bố giã từ Hội và cạch mặt một số tên tuổi trong nhóm, nhất là ông Thản. Để rút kinh nghiệm việc đã rồi, lần này, chủ tịch quán triệt tinh thần đoàn kết rất kỹ, nên khá yên ổn. Liên hoan xong, mọi người còn vui vẻ chụp hình lưu niệm trước khi giải tán.
Sau lần gặp mặt ấy, không ai ngờ, một sự kiện đau buồn xảy ra với gia đình ông Tráng. Bà Hương đột ngột lâm bệnh, rồi từ trần! Cả Hội đến phúng viếng, chia buồn. Thương bà Hương quá. Tất cả mọi người không ai cầm nổi nước mắt…
Ông Tráng lâm vào cảnh gà trống nuôi con, buồn tơi tả. Đêm nằm, ông nhớ vợ, lại mở chương trình tiếng thơ của đài tiếng nói Việt Nam ra nghe. Hình như ông tìm thấy kỷ niệm một thời của vợ chồng ông trong tiết mục văn nghệ truyền thống ấy thì phải? Cứ nức nở, nghẹn ngào. Nước mắt ông thấm ướt đầm chiếc khăn phủ trên mặt gối…
Cũng vào thời kỳ ấy, nội vụ trong nhóm xảy ra rất nhiều sự kiện. Ông Quốc thất nghiệp. Vợ con lâm vào cảnh túng thiếu, cãi vã nhau suốt ngày. Chán cảnh, ông Quốc bỏ nhà đi lang thang, rồi đến gặp ông Thản để chia sẻ. Cũng đúng lúc ông Thản có quyết định về hưu non, ông Thản rủ ông Quốc đến nhà chủ tịch Ấn làm bữa đánh chén giải sầu. Bữa nhậu, thiếu Bằng đã đành, thằng Tấn còn sống lù lù ra đấy, bây giờ giầu có, chức tước, nên xa lánh, khinh miệt anh em, gọi thế nào cũng không thèm đến.
- Hay hớm đ…gì đâu? Trước khi nhập ngũ, nó cũng là dân nhảy tàu điện Bờ Hồ ấy mà!
Ông Thản ấm ức nói, rồi giơ tay chém không khí phừn phựt:
- Từ giờ phút này, anh em ta coi nó như đã chết rồi, đừng bao giờ nhắc đến nó nữa! Nào! ta chạm cốc! một… hai... ba…zô!
*
Ông Tráng đoạn tang vợ được một năm. Hai đứa con gái đã tốt nghiệp đại học. Đứa lớn lấy chồng ở Trung tâm Hà Nội. Nhà chồng giàu có, lại con một. Hai vợ chồng dính nhau như keo. Ai cũng bảo bà Hương thương con, phù hộ cho chúng nó khôn lớn, thế là mừng rồi!
Hai năm sau, đứa bé lại thi đỗ cao học ở Mỹ. Con bé cứ lăn tăn việc đi ở. Ông Tráng hiểu ý, bảo:
- Con cứ yên tâm lên đường, đừng lo cho bố! Có thế, bố mới vui con ạ!
Cũng vào dịp cuối năm, ông Tráng lo việc cải táng cho vợ. Mọi việc xong xuôi thì con gái lên đường. Đây là thời kỳ rất nhạy cảm, có nhiều diễn biến phức tạp trong cuộc sống của ông. Ông thoắt vui, lại thoắt buồn. Hơn nữa, ông cũng vừa đủ tuổi để nhận quyết định nghỉ hưu. Thời gian bây giờ là một chuỗi dài cực hình. Ông mong chóng hết ngày, nhưng ngày lâu quá. Rồi lại đến đêm, đêm cũng thật dài. Tuổi cao, khiến ông khó ngủ, cứ thao thức mãi. Căn nhà ông bây giờ thật rộng, cứ mênh mông, mênh mang thế nào ấy. Có đêm, không chịu nổi sự cô quạnh, ông đờ đẫn lên sân thượng ngồi một mình, cứ ngồi thế, ngồi mãi, có khi ông ngồi đến tận sáng…
Không lâu sau, ông Tráng nhận được thư con gái từ Mỹ gửi về. Bức thư ướt đầm nước mắt, khiến tờ giấy khô cứng lại. Ông Tráng luống cuống tìm chiếc kính lão. Vừa đúng lúc, vợ chồng cô lớn đưa nhau sang chơi. Cô đọc thư cho bố nghe, giọng cứ đứt thành quãng, rồi cả mấy bố con ôm nhau, khóc nức nở.
- Em nó nói đúng đấy! Bố nên tìm một người bầu bạn tuổi già, ở mãi một mình, cũng chả được! Con gái bảo với bố thế.
Ông Tráng đem chuyện tâm sự với vợ chồng ông Quân. Vợ chồng ông Quân ủng hộ ngay. Nhưng rồi không khí bỗng chìm lắng hẳn. Hình như họ đều nhận thấy sự hoàn hảo của bà Hương trước đây là vấn đề trở ngại rất lớn trong việc tục huyền của ông Tráng. Chợt ông Quân nghĩ tới bà Thu, rồi gợi ý với ông Tráng. Bà Thu là bạn rất thân với bà Hương khi bà Hương còn sống, lại goá chồng từ hồi trẻ. Bà Thu có một một cậu con trai sắp lập gia đình. Lúc hấp hối, bà Hương cũng có ý nhắn nhủ bà Thu như thế…
Ông Tráng đặt vấn đề với bà Thu. Bà Thu đồng ý ngay, nhưng muốn để lo việc cho con trai xong đã. Bố con ông Tráng và cả vợ chồng ông Quân đều rất vui. Thời gian cũng là dịp để ông bà làm quen với hoàn cảnh mới. Cơ quan bà Thu không xa nhà ông Tráng lắm, nên bà thường xuyên lui tới, chăm sóc ông. Cả hai người như đôi chim lạc tổ, vừa gặp lại, đã quấn quýt bên nhau không kém gì thời son trẻ.
Một hôm, ông Ấn ghé chơi nhà ông Quân. Ông Quân đi vắng. Vừa ngồi chưa ấm chỗ, bà vợ ông Quân đã lò tò mang chuyện ông Tráng chuẩn bị lấy vợ ra khoe. Vị chủ tịch trợn mắt, há hốc mồm kinh ngạc như xảy ra chuyện kinh thiên động địa vậy. Ông lao cả tấm thân ục ịch về phía bà vợ ông Quân.
- Sao lại có chuyện ấy được? Bà Hương là người tốt thế, sao ông Tráng lại nỡ lòng làm thế? Không được, không thể được!
Bà vợ ông Quân bảo:
- Cũng là nguyện vọng của các cháu bên ông Tráng, mình không nên can thiệp sâu vào chuyện nội bộ nhà người ta ông ạ!
- Bà nói thế nghe không lọt tai, sao lại là chuyện nội bộ? Bà Hương là thành viên của Hội, chúng ta phải có trách nhiệm chứ?
- Thì tôi là đàn bà, nghĩ sao nói vậy, mong ông bỏ quá cho ạ!
Chủ tịch quạt cho bà vợ ông Quân một trận tơi bời, rồi đùng đùng dắt xe đi tới nhà ông Thản, định lôi chuyện tày đình của ông Tráng ra để tố. Vừa tới nơi, bà vợ ông Thản đã xỉa xói:
- Ông ấy chuyển hộ khẩu về nhà ông Quốc rồi. Suốt ngày cặp kè với nhau, có ngó ngàng gì đến nhà cửa đâu!
Ông Ấn vội quay xe đi tiếp. Suốt mấy ngày liền, ông Ấn bỏ công gặp gỡ từng hội viên. Đến nhà ai, ông cũng mang chuyện ông Tráng sắp lấy vợ ra làm đề tài bình phẩm, đấu tố. Cuối cùng, ông Ấn quyết định đến gặp ông Tráng để có ý kiến. Phóng xe gần tới nơi, chẳng biết nghĩ thế nào, ông quay ngoắt trở lại, vòng về Bờ Hồ, tìm một chiếc ghế đá ngồi suy nghĩ rất mông lung. Ông cứ nghĩ đến việc một người đàn bà nào đó, lạ hoắc, đến ăn ở với ông Tráng, thay chỗ bà Hương là hội viên của ông thì ông không thể chịu đựng nổi. Ông lẩm nhẩm: Ăn ở với nhau mấy chục năm trời, chưa chi đã…! Ông Ấn giận ông Tráng. Giận lắm. Giận đến nỗi không thèm nhìn mặt ông Tráng nữa…
Cả giận mất khôn, ông Ấn quên béng nhiệm vụ quan trọng nhất trong ngày. Ông quay lại ngó chiếc đồng hồ trên nóc nhà bưu điện. Bỏ mẹ, đã gần bảy giờ tối rồi cơ à! Ông cuống cuồng nổ máy xe, phóng đến cổng trường đón cậu ấm. Trường học đã tan từ lúc sáu giờ, có còn bóng dáng thằng “quỷ” nào đâu! Ông hoảng hồn, lao thẳng về nhà. Bà vợ ông đang sửa soạn bữa cơm tối. Ông vội hỏi:
- Thế thằng Tít đã về chưa? Tít là tên gọi cậu ấm của ông ở nhà - Tôi bận tí việc, quên bẵng mất…
- Ô hay! Ông đi đón nó…?
- Chết cha…
Bà vợ ông mới nghe nói đã choáng, đánh rơi chảo mỡ sôi đang bưng trên tay, làm mỡ bắn tung toé. Cũng may, bà chỉ bị bỏng chút xíu ở bàn chân. Bà điên tiết, vừa rối rít xoa chỗ bỏng, vừa la hét toáng cả nhà.
- Ối giời ơi là giời! Rõ đồ ăn hại, chỉ mỗi việc đón thằng bé mà để nó lạc mất rồi! Ông không đi tìm nó, còn đứng lù lù như cái mả mới thế kia à?
Cũng may, cu Tít thuê xe ôm vừa về đến nhà. Ông Ấn nhìn thấy, cãi luôn:
- Bà nhìn xem, thế đứa nào đây? Nó bằng ngần này, có nhỡ một tý thì nó cũng tự về được. Chưa chi cái mồm đã ngoạc ra, cứ y như cái loa đuổi chợ ấy!
Cu Tít chạy vào xin mẹ tiền để trả cho người lái xe ôm. Bà móc túi lấy tiền cho con, nhưng miệng vẫn sa sả không ngớt.
- Hôm nay, ông nhịn đi, để bù vào tiền xe ôm cho nó, nghe chưa?
Ông Ấn buông mình đánh phịch xuống chiếc ghế bành giả cổ, nhìn ra ngoài. Đường phố vẫn nườm nượp người đi lại. Cái môi ông cứ mấp máy, mấp máy, định nói điều gì nhưng rồi lại im bặt. Trong đầu ông cứ bộn bề mãi về câu chuyện ông Tráng sắp sửa lấy vợ. Khổ thế chứ!

CHÉP LẠI TỪ FB CỦA THẾ ĐỨC
vbnhuy


In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)