bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 18
Trong ngày: 85
Trong tuần: 1573
Lượt truy cập: 776084

NIỀM VUI...

NIỀM VUI ĐƯỢC THƯỞNG THỨC NHỮNG VẦN THƠ NÀY MÀ NGHĨ

GS. Nguyễn Đình Chú

(Bài đăng Tạp chí LÝ LUẬN PHÊ BÌNH Văn học Nnghệ thuật số tháng 8 năm 2022)


Cụ thể trong tay tôi hiện có bốn cuốn sách: Tình cha con (Tuyển & Bình thơ) Tình
quê Tình Người (Giới thiệu và Bình thơ. Tập 1 Tập2), Thơ dâng Mẹ (Tuyển và Bình) của
nhà văn Hà Nội Nguyễn Thị Thiện. Đã có Lời giới thiệu của TS Nguyễn Xuân Lạc và lời
của hai nhà văn Bùi Việt Thắng, Vũ Nho cùng bạn đồng môn Bùi Thị Cúc đánh giá một
cách thỏa đáng, coi là thực sự có ích cho cuộc sống. Còn tôi, từ niềm vui được thưởng
thức những bài thơ và lời bình thơ ở cả 04 công trình nhưng riêng về bộ phận thơ tình mẹ
tình cha thì xin được nói thêm những suy nghĩ sau đây.


I. Thơ và cuộc sống

1.
Rõ ràng là chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ sự nghiệp vị thế như hôm nay: giàu
có hơn, sung sướng hơn, văn minh hơn, đặc biệt là thanh danh quốc tế cao hơn hẳn. Đó là
một sự thật không ai không được thụ hưởng và vui mừng nhưng vẫn còn một phần sự
thật mà từ lãnh đạo đến nhân dân không ai không xót xa là cái thiện xem ra đang phần
nào bị cái ác xâm lấn, khí quyển đạo lý xem ra đang loãng dần. Chỉ nói riêng trong phạm
vi gia đình, không ít chuyện này chuyện khác, chuyện con đánh cha đánh mẹ, cha con giết
nhau, dì ghẻ đánh chết con mà bố trơ mắt ngồi nhìn không một chút bảo vệ, nạn ly hôn, tới
mức chưa từng có. Chuyện gia thanh, gia thế, gia phong, gia đạo, gia giáo, gia pháp hầu
như đã là chuyện của muôn năm cũ, ai nhớ ai quên? Đúng là đất nước trên đường hội nhập
phát triển sôi động không ít điều vui mà đang phải đương đầu với qui luật khắc nghiệt của
trần gian chung cả toàn cầu chứ không riêng một Việt Nam mà cách đây hơn một trăm
năm, nhà thơ của núi Tản sông Đà (Tản Đà) trong Giấc mộng con Tập I (1916) đã cảnh
báo: “Sự văn minh tiến hóa bao nhiêu thì sự dã man cũng tiến hóa bấy nhiêu. Sự công
nghệ tiến hóa bao nhiêu thì sự giết người cũng tiến hóa bấy nhiêu. Sự nông tang tiến hóa
bao nhiêu thì sự dâm đãng cũng tiến hóa bấy nhiêu”.
Nên hôm nay, lãnh đạo đất nước đang cố gắng cùng nhân dân giải bài toán hắc búa
là sự cân đối giữa giàu có và đạo lý. Là một công dân với tinh thần “quốc gia hưng vong
thất phu hữu trách”, chỉ riêng với khát vọng khôi phục đạo dức gia đình, trong gần hai
năm qua, tôi đã có hai bài viết giới thiệu ngợi ca hai hồn thơ về tình cha tình mẹ. Một là
hồn thơ rất đặc sắc của nhà giáo nhà văn từng nổi tiếng một thời là Tiên Độ Tiêu Lang

2.
(Chàng Tiêu Độ Nọ) Nguyễn Đức Bính. Một nữa là hồn thơ của một doanh nhân nổi danh
Anh hùng lao động thời đổi mới là Nguyễn Đăng Giáp. Rồi nữa, trên Tạp chí Lý luận
nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật của Trung ương số tháng 8 năm 2020 , tôi còn
có bài Tình mẹ tình cha tình gia thất với văn học nghệ thuật hôm nay, trong đó nói xưa
nay là sao? Khác nhau thế nào ? Cả ở thực tiễn cuộc sống, cả ở văn chương nghệ thuật. Từ
đó, tôi thiết tha mong sao văn học nghệ thuật hôm nay đặc biệt là âm nhạc, sân khấu điện
ảnh gia tăng càng nhiều càng tốt chủ đề về tình mẹ con, cha con, tình gia thất... Riêng về
văn học, tôi đề nghị làm sao có được những chuyên khảo về văn học gia đình xưa nay của
đất nước để có mặt trong các thư viện. Đặc biệt nên có nhiều Tuyển tập thơ về tình cha,
tình mẹ, tình nhà xưa nay của đất nước để có mặt trong mọi gia đình, trong mỗi trường
học, thành sách gối đầu giường của tuổi trẻ, kể cả các bậc phụ huynh. Trong phạm vi
chương trình Ngữ Văn các cấp học, hãy dành thơ ca về tình cha, tình mẹ, tình nhà sao cho
đậm đà hơn chứ không để nói là có như hiện nay.
Kể ra nói thế đã đủ nhưng với tôi thì đó chỉ mới là phần ngọn, chưa hẳn là phần gốc.
Đất nước đã có chủ trương không gì thiết yếu hơn là xây dựng một nền văn hóa hiện
đại tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; hòa nhập mà không hòa tan. Đại hội Đảng lần
thứ XIII vừa qua còn nêu rõ: Kinh tế - Xã hội - Văn hóa cùng đồng hành mà Kinh tế
là trọng tâm, Văn hóa là nền tảng tinh thần của đất nước. Đại hội Văn hóa toàn quốc
kỷ niệm 75 năm Hội nghị văn hóa toàn quốc (14/12/1946 ) và Hội thảo khoa học về văn
học nghệ thuật của Hội dồng Lý luận nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật trung ương
vừa qua đã cố gắng tìm hiểu Nghị quyết và cụ thể hóa nội dung thực hiện ở mỗi ngành..
Hàng ngày các cơ quan truyền thông đại chúng vẫn đưa tin về các hoạt động văn hóa nghệ
thuật sôi động hơn, phong phú hơn đặc biệt là những chương trình truyền hình về di tích
lịch sử, lễ hội truyền thống, âm nhạc dân gian, phong tục tập quán tín ngưỡng cổ truyền
của các dân tộc ít người vốn còn giữ được nguyên trạng nguyên chất hơn đâu hết. Tôi
hoan nghênh những gì đã và đang làm đó để giữ yên cuộc sống bình tình an vui trong
hoàn cảnh có phần căng thẳng , dịch giã gây ra không ít khó khăn tai họa. Nhưng tôi vẫn
muốn có sự quan tâm tích cực làm sáng tỏ hơn, tường minh hơn những gì là gốc rễ thuộc
về triêt lý đạo đức nhân sinh khi nói văn hóa là nền tảng tinh thần của đất nước. Bởi
đây là cơ sở vững chãi cho sự nhận thức và thực hành những hoạt động cụ thể đúng với
mục tiêu của Nghị quyết Do đó, vẫn phải có thêm những công trình khoa học có qui mô
lớn và đích đáng theo phương châm khoa học là Rechcrche nghĩa là tìm đi tìm lại cứ thế
mà tìm.

3.

Mà không gì thiết thực hơn là vừa dựa vào khí thế, vừa cố gắng nâng cao trình
độ nhận thức để nâng cao chất lượng của phong trào học tập và làm theo Tư tưởng đạo
đức và lối sống Hồ Chí Minh. Bởi ở Hồ Chí Minh có sự tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân
loại như chính Người đã nói: Khổng Tử Zédu. Mark. Tôn Trung Sơn chẳng có những
điểm chung đó sao ? Họ đều muốn mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn
sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau
rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các
vị ấy” (1).
Trong sự hội tụ tinh hoa văn hóa cổ kim Đông Tây ở “người học trò nhỏ” này,
phần cốt túy nhất vẫn là tinh hoa văn hóa dân tộc trong văn hóa phương Đông cổ truyền.
Ở đây có hai vấn đề cần được tường minh hơn là: ngọn nguồn tư tưởng đạo đức lối sống
và đặc điểm cơ bản cốt lõi nhất về Đường lối chính trị của Hồ Chí Minh. Về ngọn nguồn
thì tu thân mà Người đề cao và đã sống như thế để trở thành Anh hùng giải phóng dân
tộc, danh nhân văn hóa thế giới chẳng lẽ lại không dính dáng gì với luận đề “Chính
tâm thành ý cách vật trí tri tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ” và lối sống: “Tiên thiên
hạ chi ưu nhi ưu hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc, Nhất nhật tam tỉnh ngô thân, Quân tử thận
kỳ độc,Tiên trách kỷ hậu trách nhân, Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân, Quân tử hành bất năng
do cảnh, Quân tử hành chi đại đạo…” của Khổng giáo thuộc văn hóa phương Đông xưa
từng gắn bó mật thiết với đất nước với gia đình đại Nho của Người trong tình hình Nho
học tuy đã lâm vào cảnh chợ chiều nhưng Nho giáo đâu đã tiêu vong. Là một lãnh tụ tối
cao, một nguyên thủ quốc gia mà không như ai là nguyên thủ quốc gia trên thế giới, vẫn
sống cuộc sống bình dị của người dân quê. Đang dốc tâm lãnh đạo nhân dân kháng chiến
chống Pháp thắng lợi lại làm thơ, dõng dạc tuyên bố: “Kháng chiến thành công ta trở lại/
Trăng xưa hạc cũ với xuân này “ (Cảnh rừng Việt Bắc), chả lẽ lại không dính dáng gì với
Triết lý nhân sinh vô cùng cao siêu của văn hóa phương Đông xưa là Thiên nhân nhất thể,
Thiên nhân hợp nhất, Thiên nhân tương dự. Tam tài Thiên – Địa – Nhân, con người sống
trong sự rời che Đất chở. Hạnh phúc con người là sự yêu thương gắn bó giữa con người
với con người nhưng còn là sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên đất trời. Mà để
được thế thì đã sống rất giản dị. Đi dép lốp thì tiếp xúc với mặt đất hơn đi giày bốttin
đơculơ. Ở nhà sàn thì bốn mùa đón ánh trăng sao hơn là ở nhà lầu quanh năm ngập tràn
ánh điện. Đúng là lối sống của một bậc hiền triết phương Đông. Về đường lối chính trị
là xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa : Độc lập –Tự do –Hạnh phúc dưới sự
lãnh đạo của chính Đảng Lao động Việt nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) trên cơ sở
Kết hợp đức trị với pháp trị mà nền tảng là đức trị. Trong đức trị thì tứ đức là gốc rễ của
công đức.

4.

Bởi có Cần kiệm liêm chính mới có Chí công vô tư. Mà công đức thì điều cốt
yếu nhất là “Đoàn kết Đoàn kết Đại đoàn kết” để “Thành công Thành công Đại thành
công”. Bởi đây là cơ sở tối tối thượng quyết định hạnh phúc quốc gia mà hôm nay lãnh
đạo đất nước thông qua vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang ra sức lo liệu sao để
cái bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ vẫn trăm phần trọn vẹn. Chả lẽ tư tưởng đạo đức lối
sống đó lại không liên quan gì với triết lý đạo đức nhân sinh thuộc tinh hoa văn hóa dân
tộc trong văn hóa phương Đông xưa ? Nguồn gốc và khát vọng bao trùm của Người là thế
dù từ nguồn gốc và khát vọng đến thực tiễn cuộc sống vẫn là một khoảng cách. Những gì
vừa nói đây mới là nêu vấn đề để cùng nhau suy nghĩ chứ muốn rõ vấn đề một cách thấu
đáo thì không thể không bằng con đường khoa học nghiêm túc, không thể không đổi mới
tư duy, đổi mới phương pháp tiêp cận về các vấn đề đã có nhận thức nhưng vẫn cần sáng
tỏ hơn đích đáng hơn: Lịch sử dân tộc dưới chế độ phong kiến xưa,Văn hóa Việt Nam
trong văn hóa phương Đông xưa với triết lý đạo đức nhân sinh trong đó có truyền thống
xử lý về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, giữa cuộc sống vật chất và cuộc
sống tinh thần, giữa tư đức với công đức, giữa cái Tôi và cái Ta, có đời sống tâm linh, có
Nho Phật Đạo, có nền giáo dục Nho học. Phải ra sức khôi phục những gì là tinh hoa văn
hóa dân tộc liên quan với tinh hoa văn hóa phương Đông bị văn hóa phương Tây, bên
cạnh sự nâng đỡ thì cũng đã che khuất trong cuộc đụng độ văn hóa Đông Tây từ thế kỷ
XIX mà đến nay ít nhiều vẫn còn di chứng với hiện tượng “dĩ Âu vi trung” Kể cả việc
khắc phục hiện tượng gián cách lịch sử về văn hóa do việc thay chữ viết Hán Nôm bằng
chữ Quốc ngữ trong khi cả khu vực không đâu thay dù được rất lớn nhưng mất là ít nhiều
gây gián cách lịch sử trước qui luật khách quan “Thay chữ viết là thay cả một nền văn
hóa” (Linh mục Puginier ). Cũng cần xem lại sao đâu đó vẫn có hiện tượng: một mặt thì
vẫn đồng tâm nhất trí với nhận định của Nguyễn Trãi : Như nước Đại Việt ta vốn xưng văn
hiến đã lâu/… hào kiệt đời nào cũng có”, vẫn ngợi ca những thành tựu văn hóa văn học
nghệ thuật, tôn thờ những anh hùng dân tộc, kể cả không ít vua chúa, vẫn rất mực ngợi ca
những danh nhân văn hóa xuất thân từ Nho học và chế độ khoa cử Hán học. Nhưng khi
nói về chế độ phong kiến về nền giáo dục Nho học thời phong kiến là cơ sở xã hội xuất
hiện và tồn tại những giá trị cao quí đó thì lại thiên về mặt trái về màu xám. Hiện tượng
không nhất quán trong nhận thức này thực tế đã làm hao hụt không nhỏ trong nhận thức
tinh hoa văn hóa dân tộc về giá trị sống của cha ông thuở trước, rất bất lợi cho công cuộc
xây dựng cuộc sống xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc hôm nay.

 

5.


Cần thấy rằng: chế độ phong kiến xưa là phong kiến đức trị. Trung quân gắn liền
với ái quốc. Trung quân là “Trí quân ” giúp vua đạt đến chức phận làm vua là Thế thiên
hành đạo thay Trời thực hành đạo lý với nhân dân và Trạch dân là chăm lo cuộc sống của
người dân tựa như người múc nước ở đầm hồ mà tưới cho cây cối xanh tươi. Mặc dù
phong kiến nào thì cũng không thoát khỏi qui luật khắc nghiệt của trần gian là thiện ác
tương tranh và luật thịnh suy. Có hôn quân bạo chúa nhưng minh đế minh quân nào có ít.
Việc cần làm ngay là rút kinh nghiệm một cách thấu đáo những bài học vô cùng quí giá đã
có từ công cuộc phục hưng và phát triển văn hóa dân tộc theo hướng văn hóa phục vụ
chính trị bằng phương thức văn hóa hóa chính trị trong khi đang phải đương đầu với
chiến tranh vệ quốc và nghèo đói giai đoạn từ sau cách mạng tháng Tám 1945 đến trước
ngày hội nhập thế giới sâu rộng và phát triển kinh tế thị trường.
Những gì cần nghiên cứu vừa nói không phải là chuyện múa bút cho vui mà phải
thiết thực nhằm thực hiện một yêu cầu thiết yếu không thể thiếu trong công cuộc xây dụng
cuộc sống mới là ôn cổ tri tân. Chỉ ở phạm vi mà bài viết này đang muốn nói là vần đề
tình mẹ tình cha trong tình gia thất nào ai chẳng có, thì ôn cổ là phải tìm hiểu lại một cách
đích đáng vấn đề gia phong gia đạo, gia giáo gia pháp của cha ông thuở trước . Ôn cổ
không phải là phục cổ mà là đãi cát tim vàng. Còn tri tân là phải nghiên cứu đến nơi đến
chốn thực trạng gia đình có lối sống quan niệm sống của con cái thời nay. Trong đó có sự
trỗi dậy của cái Thằng Tôi cá thể (L’Individu, Le Moi ) đang như ngựa không cương mà
xem ra là có được mà cũng có mất, không lợi cho cuộc sống gia đình cùng là cuộc sống
của xã hội.
Bạn đọc quí mến !
Không biêt có bạn nào cho tôi đã lan man vô tích sự không ?.Nhưng thú thật, với tôi,
trong nghề nghiệp thì đã quen phấn đấu với yêu cầu điểm và diện. Bởi diện có rộng có
sâu thì nhìn điểm mới sâu mới rõ. Và viết gì cũng muốn có tính chất mở để được bạn
đọc cùng suy nghĩ, kể cả sự trao đổi bàn bạc chỉ bảo thêm. Không biết nhà văn Nguyễn
Thị Thiện trong khi say sưa sưu tầm tuyển chọn và bình thơ, trong đó chỉ riêng về thơ tình
mẹ con, cha con đã nghĩ gì về ý nghĩa việc làm của mình mà chính mấy vị nhận xét đánh
giá công trình của soạn giả đã nói là có ích cho cuộc sống. Còn tôi thì thấy đây là một
việc làm có vẻ bình thường nhưng ý nghĩa lại không nhỏ chút nào một khi tôi đã đón
nhận nó với một trường dạ suy tư khao khát như thế để rồi có niềm vui như thế.

6.

Sau đây là niềm vui của tôi với thành quả Tuyển chọn và bình của cây bút Nguyễn Thị Thiện
chì ở loại thơ về tình mẹ cha là phần tôi từng mong đợi và mong sao có nhiều nhiều nữa,
không chỉ với thơ mà còn với các thể loại văn học nghệ thuật khác.


II. Thơ và bình thơ


1) Chỉ nói riêng về thơ tình mẹ con, cha con thi trong 04 cuốn sách kể trên có 106
bài có lời bình, trong đó có những bài in lại và số thơ về tình mẹ nhiều hơn thơ tình cha
tình con. Ở đây, tôi vui mừng được gặp lại những tên tuổi ít nhiều đã lừng danh trên thi
đàn thời nay của đất nước. Nào là Huy Cận, Đoàn Văn Cừ, Chế Lan Viên, Tố Hữu. Tiếp
theo là Hoàng Trung Thông, Tạ Hữu Yên. Nào là Phùng Quán, Bùi Minh Quốc, Lưu
Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Trần Nhuận Minh, Trần Đăng Khoa.
Nào là Nguyễn Bùi Vợi, Vương Trọng, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Phan Thị Thanh
Nhàn, Nguyễn Trọng Taọ, Đồng Đức Bốn, Mã Giang Lân. Nào là Đoàn Thị Lam Luyến,
Nguyễn Thị Hồng Ngát, Nguyễn Sĩ Đại, Lê Thành Nghị, Nguyễn Quang Thiều, Y
Phương, Nguyễn Huy Hoàng… kể cả không ít vị mà tôi chưa quen tên tuổi. Trong sách
Tình cha con - Tuyển và bình có 14 bài thuộc tình con với cha và 21 bài thuộc tình cha
với con, ít hơn thơ về tình mẹ con. Thì đó cũng dễ hiểu. Sự sống tự nhiên vốn là thế. Để có
một đứa con, mẹ là thế nào, cha là thế nào. Chúng ta đều rõ. Với tôi, được thưởng thức
một khối lương thơ lại có lời bình thơ như thế là một bữa tiệc nhiều món ngon và bổ.


2) Bình thơ là một thể loại nghệ thuật thanh tao lý thú đã có từ bao đời nay của nhân
loại và của Việt Nam ta với không biết bao nhiêu là kiểu cách.
Ở nước ta, thời văn học trung đại tuy chưa có hệ thống lý thuyết gì bề thế về
phương pháp tiếp cận văn chương nói chung, thơ nói riêng nhưng đã có không ít quan
điểm nghệ thuật về thơ và đánh giá thơ rất sâu sắc (2). Đã có nhiều hình thức thưởng
ngoạn thơ ca rất thú vị.
Thời nhà Trần đã có “Thi xã Bích Động”. Thời nhà Lê có Tao đàn nhị thập bát tú
do Đệ nhất minh quân Lê Thánh Tông sáng lập và làm Tao đàn nguyên soái. Thân Nhân
Trung, tác giả câu nói bất hủ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” là Phó nguyên soái. Tiếp
sau, có các thi xã như: Mặc Vân thi xã tại kinh đô Huế do Tùng Thiện Vương sáng lập, có
“Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán/ Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường”. (Nguyễn Văn
Siêu được mệnh danh là Thánh chữ, Cao Bá Quát được mệnh danh là Thần thơ, Tùng
Thiện Vương, Tuy Lý Vương hai con vua Minh Mạng) và Mai Am nữ sĩ, Huệ Phố nữ sĩ
đều là con vua Minh Mạng cùng nhiều thi bá tham gia.

7.
Trong Nam có Bình Dương thi xã do Tam đại gia Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh,
Trịnh Hoài Đức (tác giả của Gia Định thành thông chí ) sáng lập. Ngoài Bắc có Hưng Yên
thi xã do Tổng đốc Hải Dương kiêm Tuần phủ Hưng Yên là Lê Hoan sáng lập. Năm 1902
tổ chức cuộc thi thơ vịnh Kiều do Tam nguyên Yên Đổ ( Nguyễn Khuyến) làm Chủ khảo,
khá rôm rả. Tham gia cuộc thi có Chu Mạnh Trinh, tác giả của Hương Sơn phong cảnh ca
- bài thơ hay nhất về thơ Chùa Hương mà cũng thuộc loại hay nhất về thơ tả cảnh Việt
Nam xưa nay, có bài Tựa về Thanh Tâm Tài Nhân mà không đâu có sự cảm thương trân
quí bênh vực nàng Kiêù đến mức như thế trong khoa Kiều học hai trăm năm nay. Có loại
sách Thi thoại của Trung Hoa du nhập trong đó có Tùy Viên thi thoại của Viên Mai (Đời
nhà Thanh) với nhiều quan điểm về thơ ca “vượt thời gian” ( theo nhà thơ Anh Ngọc và
GS. TSKH Phương Lựu chuyên gia văn học Trung quốc) . Việt Nam ta thì có Thi tù tùng
thoại của Huỳnh Thúc Kháng cho hậu thế biết thế nào là khí phách cao cường cùng là
quan điểm thi ca của những chí sĩ cứu nước vốn là những nhà Nho nghĩa khí trong ngục tù
Côn Đảo đầu thế kỷ XX : “Thân Dậu Tuất ( 1908, 1909, 1910) bấy nhiêu năm tân khổ,
khi đào cây, khi lượm đá, giữa biển trần gió bụi vẫn thung dung/ Đặng Hoàng Ngô ba
bốn bác hàn huyên, khi uống rượu khi ngâm thơ, ngoài cửa ngục lầm than mà khảng
khái”. (Đặng Nguyên Cẩn, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế ). “Thi không đuổi giặc
ngâm vô ích / Một giọng bi ca đọc chán phèo” ( Lê Đại ). Có Thi văn bình chú của Ngô
Tất Tố. Có Thi nhân Việt nam của Hoài Thanh Hoài Chân… Rồi nữa là những bài Tự
(Tựa), lời Bạt, Hậu đề (Lời đề sau) cho các tập thơ. Hình thức thưởng ngoạn thơ ca rất
mực thanh tao. Thơ liền với rượu. Miên Thẩm Tùng Thiện vương đọc thơ Phương Đình
Nguyễn Văn Siêu đã hạ bút: “Lãng vân lão bút khí phiêu diêu / Thi thảo do ưng nhiễu
mãn biểu” (Khí bút già dặn cao trên tầng mây vời vời/ Bài thơ mới làm nên kèm theo bầu
rượu đầy). Với nhà thơ Tản Đà thì Không thơ không rượu sống như thừa mà trong thơ
Tản Đà có một Tản Đà trong rượu rất hấp dẫn. Những buổi bình thơ thưởng là tìm một nơi
chốn thanh tịnh vào những đêm trăng thanh gió mát để vừa uống rượu vừa ngâm thơ, bình
thơ với nhau trong một không khí vừa vui tươi vừa trịnh trọng thành kính. “Cảo thơm lần
giở trước đèn / Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh”. Có người còn đốt hương trầm khi
đọc Truyện Kiều.

8.
Mọi người hẳn đã đọc Vang bóng một thời của nhà văn tài hoa Nguyễn Tuân tả cái
cảnh trò chơi thả thơ của các tao nhân mặc khách thuở trước là tao nhã, lý thú biết dường
nào. Mà chơi thơ đâu chỉ là chuyện của tao nhân mặc khách. Nó cũng là thú vui dân gian.
Trò chơi đối đáp nhau bằng thơ của nam nữ trong các thể loại dân ca như ví dặm và hát
phường vải của Nghệ Tĩnh có sự tham gia của các bậc đại nho như Phan Văn San (Phan
Bội Châu) trước ngày lên đường đi cứu nước được coi là ngôi sao sáng nhất. Tốp nam nào
có Phan tham gia là tốp ấy nhất định thắng cuộc. Từ trò chơi đối đáp bằng thơ này đã có
không ít nam nữ nên duyên nên phận trăm năm. Kể một trường hợp cho vui. Bên nữ hát:
“Đưa chàng một hột ngô rang / Đúc nơi mô mọc được thiếp theo chàng về ngay”. Thì
bên nam Phan Văn San hát đáp: “Chỗ nào mà nắng không vô / Mà mưa không ướt đúc
vô mọc liền”.Đúng là trong đời sống văn hóa xưa của dân tộc đã có một không gian thơ
tao nhã nhẹ nhàng mà trang trọng, gần như là một không gian thiêng. Đây không chỉ là
một trò chơi để quên bớt khổ nghèo mà chính là sự sống hòa đồng, hòa hợp vui tươi của
con Lạc cháu Hồng thuở trước.
Nói về phương pháp tiếp cận thơ nói riêng, văn chương nói chung ở thời trung đại
thì chủ yếu là bằng trực cảm, bằng chân cảm nghệ thuật. Thưởng thức thơ ca mà như
chuyện sáng ra vừa tỉnh giấc nghe chim họa mi thánh thót hót trên những rặng cây quanh
nhà để rồi kêu lên khoái ! Khoái! Khoái ! Như vừa ngủ trưa dậy ngồi trong thư phòng vừa
uống trà Tân Cương Thái Nguyên, vừa ngắm nhìn qua cửa sổ những đàn bướm đủ sắc
màu lượn ngoài vườn hoa trong những buổi chiều xuân dịu mát để rồi thốt lên thế này thế
nọ. Với Truyện Kiều chẳng hạn, có vị thì xướng lên: Thiên thu tuyệt bút. Có vị thì reo
lên: Nam âm tuyệt xướng!. Mộng Liên Đường thì hạ bút: “Nguyễn Du có con mắt trông
thấy sáu cõi. Có tấm lòng nghĩ tới muôn đời”.Thiết nghĩ, hậu thế có viết bao nhiêu nữa về
giá trị tư tưởng thẩm mỹ của Truyện Kiều cũng không ra ngoài quỹ đạo ý tưởng của Mộng
Liên Đường. Ông chủ bút Nam Phong Tạp chí Phạm Quỳnh thì hân hoan viết: “Truyện
Kiều còn. Tiếng ta còn. Tiếng ta còn. Nước ta còn. Truyện Kiều là quốc hoa, quốc túy
quốc hồn của ta đó”. Nhà thơ Chế Lan Viên cảm nói:“Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa
thành thơ”. Phan Bội Châu “Độc Cao Chu Thần thi tập hậu đề” thì tươi vui múa bút
“Mây gió xoay tròn đầu ngọn bút / Càn khôn chét lỏng nửa tròng ngươi”. Hỏi hậu thế có
ai cảm nhận được thế bút làm vần vũ cả trời đất lên như thế và khí cốt cao cường về lối
sống của Cao Bá Quát giữa cuộc đời thời đó như thế nữa không? Bình thơ mà cứ như dí
điện vào người nghe người đọc. Hoài Thanh Hoài Chân có được Thi nhân Việt nam mà
thần đồng thơ Trần Đăng Khoa cho đây không phải người đời viết mà người Trời viết vẫn
là thành quả của chân cảm nghệ thuật, “ lấy hồn ta để hiểu hồn người” (Hoài Thanh)

9.
Đến thời văn học hiện đại mang tính toàn cầu thì việc bình luận văn thơ đã trở thành
khoa học với không biết bao nhiêu là lý thuyết, trường phái, phương pháp tiếp cận mà
chúng ta đã biết. Cùng một Truyện Kiều mà Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa có đến ba
công trình với hệ qui chiếu khác nhau: Nguyễn Du và Truyện Kiều, Văn chương Truyện
Kiều, Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du. Lê Đình Kỵ có Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện
thực của Nguyễn Du, Phan Ngọc có Tìm hiểu phong cách Truyện Kiều của Nguyễn Du
Trần Đính Sử có Thi pháp Truyện Kiều là những công trình cắm mốc trong khoa Kiều học
đồ sộ đã đang và sẽ ngốn không biết bao nhiêu giấy mực của đất nước kể cả phần nào là
của thế giới. Trên đà phát triển văn học đa thể loại, bình thơ đã thành một thể loại có đội
ngũ riêng. Bình thơ kết duyên với sáng tác thơ. Có phong trào Thơ Mới thì có Thi nhân
Việt nam cùng thắm duyên với thời gian. Có thơ ca kháng chiến chống Pháp thì có Nói
chuyện thơ kháng chiến của Hoài Thanh... Bình thơ là với trọn một tập thơ hoặc chỉ với
một số bài thơ nào đó của tập thơ. Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch thì được bình cả tập
và nhiều bài thơ nhất. Đã có hai phong cách bình thơ vừa giống nhau vừa khác nhau .
Một, tạm gọi là phong cách tài tử thì việc bình thơ chủ yếu là dựa vào năng khiếú
thẩm thơ thiên bẩm dồi dào nhạy cảm và nổ trỗi tài hoa để rồi cứ thế mà hồn nhiên nhả
bút, hầu như không cần gì đến sự hỗ trợ của lý thuyết nào, phương pháp khoa học nào .
Xuân Diêụ với “Ba thi hào dân tộc” (Nguyễn Trãi, Nguyến Du, Hồ Xuân Hương),
Nguyễn Tuân với Thơ của ông tú Thành Nam (Tú Xương), Tiền Độ Tiêu Lang Nguyễn
Đức Bính với Người Cổ Nguyệt chuyện Xuân Hương mà dư luận cho là hay nhất những gì
đã viết về Bà Chúa thơ Nôm xưa nay, là số một của thể loại chân dung văn học (Portrait
littérảire)... Một cây bút hậu sinh mà tôi có điều kiện gần gũi là Chu Văn Sơn vừa được
truy tặng giải thưởng của Hội nhà văn Hà nội năm 2021 rất được nhiều bạn đọc yêu quí
ngợi khen cũng là thuộc phong cách tài tử này. Tất nhiên ở phong cách tài tử không phải
trường hợp nào cũng thành công.xuất sắc. Ngay với các vị đã có thành công xuất sắc thì
không phải lúc nào cũng thành công xuất sắc. Hoài Thanh chẳng hạn, sau không bằng
trước. Xuân Diệu cũng thế. Không phải lời bình nào cũng có sức hấp dẫn ngang nhau. Một
lý do là chất lượng bình thơ còn lệ thuộc vào chất lượng thơ được bình.
Một nữa, là phong cách bình thơ của số đông bình giả hiện nay thì cũng dựa vào năng
khiếu thẩm mỹ bẩm sinh cũng tài hoa nhưng chưa có độ cao như ở phong cách tài tử vừa
nói. Bù lại, thì có hoặc nhiều hoặc ít sự hỗ trợ của các lý thuyết liên quan đến thơ ca của
phương pháp tiếp cận thơ ca này nọ đã được tiếp nhận và tiêu hóa có lợi cho việc bình
thơ. Để rồi chất lượng bình thơ là tùy thuộc vào năng khiếu thẩm mỹ, độ sắc bén tinh tế
trong tư duy phát hiện, vốn liếng hiểu biết thơ ca văn học văn hóa, quá trình nghiền ngẫm
thi phẩm…

10.

Cuối cùng là khả năng tạo ra một phong cách bình thơ cá nhân nhiều hay ít
sáng tạo, độc đáo. Dĩ nhiên trước hết vẫn là việc chọn thơ để bình và động cơ trong việc
bình thơ. Trong thực tế không phải không có loại bình thơ mà động cơ không hay lắm thì
thời gian sẽ trả lại cho người bình cùng sự coi thường của người đọc. Đâu đó có khuynh
hướng coi trọng phong cách trước hơn phong cách sau thì cũng có phần dễ hiểủ. Nhưng
thực ra thì cả hai phong cách đều vừa có tác dụng chung vừa có tác dụng riêng không thể
nhất trọng nhất khinh. Nếu phong cách kia cho người đọc niềm khoái cảm thẩm mỹ dạt
dào thì phong cách nọ lại cho người đọc vừa có khoái cảm thẩm mỹ nhất định vừa có
khoái cảm nhận thức lý tính với thơ ca. Không dấu gì quí vị, tôi đã có dịp may mẵn rơi
vào trường hợp này. Tiểu luận Tú Xương nhà thơ lớn của dân tộc in ở sách Văn thơ Trần
Tế Xương (dùng trong nhà trừơng) của Nhà xuất bản Giáo dục là của tôi. Sau đó, Hội văn
nghệ Hà Nam Ninh làm hai sách khác nhau về Tú Xương kể cả sách Tú Xương - Tác giả
và tác phẩm (dùng trong nhà trường) của Nxb Giáo dục đều dùng Tiểu luận của tôi để mở
đầu. Tôi có hỏi các vị sao không dùng Tiểu luận bậc thầy là của nhà văn Nguyễn Tuân mà
lại dùng Tiểu luận bậc trò là của tôi thì đều được trả lời: Tiểu luận của tôi là cần cho số
đông đối tượng tiếp nhận và hợp với tuổi trẻ học đường hơn. Trong khi trường học vẫn có
tư liệu tham khảo thêm trong đó có thành quả của phong cách bình thơ tài tử.


3) Bạn đọc quí mến !
Tôi lại tiếp tục “ba hoa”đôi chút như thế về chuyện bình thơ, thưởng thức thơ là mong
mua vui các bạn nào chưa quen với nó không biết có được không trước khi nói cây bút
bình thơ Nguyễn Thị Thiện về thơ tình mẹ con, cha con, đặc biệt là tình mẹ con trong 04
tập sách này là một đóng góp đáng quí vào kho tàng bình thơ thuộc không gian thơ của đất
nước có tự bao đời. Các bạn đã đọc hoặc chưa đọc thì xin mời đọc mấy Lời giới thiệu của
TS văn chương Nguyễn Xuân Lạc, các bài đánh giá của hai nhà văn Bùi Việt Thắng Vũ
Nho của bạn đồng môn Bùi Thị Cúc sẽ biết thành tựu bình thơ của cây bút Nguyễn Thị
Thiện là đáng quí. Ở đây, tôi chỉ muốn nói thêm đôi điều về cái gọi là tâm thế từ đó là
thế bút của người bình thơ về loại thơ tình mẹ con, cha con đặc biệt là tình mẹ con trong
04 tập sách này như sau:

11.
Hẳn là chúng ta đều thấy với loài người ở bất cứ hành vi nào thì kết quả hành vi đều lệ
thuộc vào tâm thế, tức là trạng thái tâm lý của hành vi cụ thể mà tôi gọi là tâm thế. Có
bao nhiêu hành vi là có bấy nhiêu tâm thế. Ở những người cầm bút, với bất cứ văn phẩm
nào cũng vậy đều có tâm thế của mỗi văn phẩm. Sự khác nhau hơn nhau về hiệu quả hành
vi trước hết là từ tâm thế. Và từ tâm thế với người cầm bút sẽ là thế bút. Thế bút và bút
lực không phải là một. Bút lực vừa thuộc thế bút vừa thuộc sức viết nhiều ít. Có trường
hợp bút lực viết nhiều nhưng thế bút tầm thường thì giá trị chẳng đáng là bao. Có trường
hợp bút lực không nhiều nhưng thế bút lại là bậc thầy thì có giá trị lớn. Người đại tài là
người có cả hai.
Vậy cây bút Nguyễn Thị Thiện là thế nào ở phạm vi thơ tình mẹ cha, đặc biệt là tình
mẹ? Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lạc đã nói đây là “Người từ yêu thơ thành người bình thơ”.
Nhà văn Bùi Việt Thắng cũng nói đây là “Người say đắm văn chương, người tương tư
thơ ca”. Đúng vậy. Ai đã bình thơ đều ít nhiều là vậy. Nhưng với cây bút bình thơ
Nguyễn Thị Thiện ở chủ đề thơ này thì tôi muốn nói cụ thể thêm. Đây là Người rất nặng
tình nặng nghĩa với mẹ cha, đặc biệt là với mẹ, lại rất yêu thơ, say đắm thơ và suốt đời đã
rèn luyện tay nghề bình giảng thơ trong nhà trường để rồi lấy việc bình thơ làm phần chủ
lực trong văn nghiệp của mình. Ở phần chủ lực đó của ngòi bút, riêng về thơ tình mẹ,
thì đoạn đầu lời Cùng bạn đọc của soạn giả ở sách Thơ dâng Mẹ - Tuyển và bình ( Nxb
Hội nhà văn 2020) đã cho ta rõ cái nền tảng đầu tiên của tâm thế: là một tình mẹ nặng sâu.
“Có một con người suốt đời ta phải mang ơn. Đó là Người Mẹ. Nhờ có Mẹ, cùng với Cha,
mỗi chúng ta mới có mặt trên õ đời này. Âm thanh tiếng “Mẹ” vang lên bằng đủ mọi thứ
tiếng trên trái đất thật bình dị thân thương mà cũng thiêng liêng cao quí xiết bao. Mẹ là
khởi đầu của sự sống, là suối nguồn yêu thương không bao giờ cạn. Mẹ mang nặng đẻ đau
sinh ta, không chỉ dùng dòng sữa ngọt lành nuôi dưỡng. Mẹ còn che chở âu yếm nâng
giấc chăm lo dạy bảo giúp ta rèn luyện để ta khôn lớn từng ngày. Nơi nào có Mẹ nơi ấy
là nhà, là bến đỗ bình yên và tin cậy nhất với mỗi người. Chẳng bao giờ Mẹ không mong
những điêù tốt nhất cho ta, không quan tâm dõi theo ta trong suốt hành trình thiên lý của
cuộc đời. “Con dẫu lớn vẫn là con của Mẹ/ Đi hết đời lòng Mẹ vãn theo con” (Chế Lan
Viên). Tôi cho rằng đấy là những câu văn không dễ có nhiều về tình mẹ. Đã thế lại còn có
bài thơ Nhớ Mẹ (Nguyễn Thị Nõn bình), mở đầu với mấy câu thơ mộc mạc chân quê mà
cũng nặng sâu tình Mẹ: “Mạ non Mẹ cấy xuống đồng/ Hàng cây thẳng lối hàng sông
thắng hàng/ Cấy mùa Mẹ cõng nắng vàng/ Cấy chiêm Mẹ đội hàng hàng mưa
giăng/.Mong sao con được ấm thân/ Mong sao nhà cửa ấm êm vuông tròn”. Một tâm thế
như thế sẽ có một thế bút có phần nổi trội rất thuận chiều cho việc bình thơ về tình mẹ
con, cha con, đặc biêt là tình mẹ với những cách thức và ưu điểm như sau.

12.
Trước hết là người viết đã bỏ nhiều công sức để sưu tầm và lựa chọn được một khối
lượng lớn bài thơ của đông đủ thi nhân thời nay, tuy thi tài có ly lai nhau chút ít nhưng đều
là đáng có lời bình để đưa đến đông đào người đọc, nhất là với tuổi trẻ trong các gia đình.
Chỉ riêng với thần đồng thơ Trần Đăng Khoa như nhiều người đã biết là có hai bài về mẹ
rất nổi tiếng là Khi Mẹ vắng nhà viết năm lên tám và Mẹ ốm viết năm lên mười. Với tôi,
đã có chuyện này kể cho vui. Vào năm 1967, lần đó, tôi mời được nhà thơ Xuân Diệu
cùng tôi đạp xe đạp gần năm chục cây số từ Hà nội về nơi sơ tán để nói chuyện với thầy
trò Khoa Văn ĐHSP Hà nội. Đêm dó nhà thơ ngủ chung giường với tôi, tự nhiên nửa đêm
nhà thơ tỉnh thức vỗ tôi dậy và nói: Chú này, dậy mà nghe tớ nói này. Cái thằng oắt con
Trần Đăng Khoa ghê quá nên tớ đã phải đạp xe về Nam Sách để xem mặt mũi nó thế nào.
Đêm ngủ chung giường với nó. Nửa đêm tỉnh dậy bật diêm để soi mặt nó và nghĩ bụng lơ
mơ nó còn đái dầm lây sang tớ mà không ngờ nó lại làm thơ hay đến thế. Đã có “Ò ó o”
làm cho mấy cô cậu biên tập viên Tuàn báo Văn nghệ co rúm lại vì thấy quá lạ lại có Khi
mẹ vắng nhà ghê như thế. Thế mà Nguyễn Thị Thiện đã không chọn Khi Mẹ vắng nhà mà
chọn Mẹ ốm để bình. Tôi cho thế là đúng vì ở Mẹ ốm vừa cho thấy cái tình yêu phi thường
của Khoa với Mẹ đã đành, còn cho thấy mẹ Khoa là thế nào để có thần đồng thơ Khoa
như thế, kể cả anh Khoa là Trần Nhuận Minh như thế. Và em gái Khoa cũng làm thơ.
Đúng là mẹ nào con nấy. Tôi mong sao trẻ con Việt Nam hôm này và mai sau cháu nào
cũng thuộc một hoặc cả hai bài thơ này của bé Khoa thì hay cho mình cho gia đình cho đất
nước biết mấy. Chọn thơ của thi nhân chuyên nghiệp hay để bình đã đành mà không
chuyên nghiệp như bài Tiếng gọi: Mẹ ơi ! của GSTS Nguyễn Anh Trí, Giám đốc Bệnh
viện Huyết học trung ương cũng là một bài thơ xuất sắc. Chúng ta từ bụng mẹ chui ra gần
chẵn năm, bắt đầu bập bẹ tập nói thì tiếng đầu tiên là gọi: Mẹ. để rồi tiếng Mẹ có suốt
cuộc đời ta, dù thành tiếng hay không thành tiếng: Sướng khổ buồn vui đều gọi Mẹ: Mẹ ơi.
Mẹ là tiếng nói đâu tiên và là tiếng nói chiếm khối lượng lớn nhất của thế giới ngôn ngữ
một kiếp người. Nó là môt âm thanh thiêng. Chọn Tiếng gọi Mẹ ơi làm nhan đề bài thơ
mà cũng là tứ thơ làm nền cho các ý thơ để bày tỏ tình yêu với Mẹ, chứng tỏ tác giả vừa
thông minh vừa rất nặng sâu tình mẹ biết nhường nào. Và người bình thơ từng nhận biết
“âm thanh tiếng Mẹ vang lên bằng đủ mọi thứ tiếng trên trái đất thật bình dị thân thương
mà cũng thiêng liêng cao quí biết chừng nào” thì đúng là gặp tri âm trong lời bình.

13.

Điều đáng nói là qua số lượng thơ được chọn bình đã cho người đọc chứng kiến không biết bao
nhiều gương mặt mẹ cha, đặc biệt là mẹ. Mỗi người một số phận nhưng vẫn chung một
cuộc đời là hết lòng hết dạ với con, bất chấp vất vả cực nhọc đến đâu. Với mẹ với cha, con
là nguồn hạnh phúc không gì thay thế... Nỗi vui buồn của con là nỗi vui buồn của mẹ của
cha. Đúng Me Cha là tất cả đất trời của con...
Chọn được thơ hay để bình là quan trọng nhất rồi. Còn bình thơ của bình giả là sao? Thì
với tôi điều muốn nói thêm là: Thơ thì có ý thơ có tứ thơ. Thường gọi chung là ý tứ.
Nhưng thực ra ý và tứ không phải là một. Ý là nghĩa của từng câu. Tứ là chất dính của các
ý để tạo ra hồn thơ thường thể hiện ở nhãn tự, đặc biệt là nhãn cú. Câu thơ có giá trị như
nét bút vẽ mắt. Vẽ chân dung mà vẽ đủ mọi thứ rồi nhưng chưa vẽ mắt thì vẫn chưa có
chân dung. Một bài thơ có tứ hay thì với người đọc sẽ có khoái càm miên man bền lâu.
Một bài thơ ý nào cũng hay nhưng không có tứ hay thì đọc xong sẽ tan biến. Người bình
thơ nếu không thấy được tứ thơ thường sa vào tình trạng nói nhiều mà chẳng được bao
nhiêu. Người bình thơ có tay nghề là người có cảm xúc thẩm mỹ, có năng lực phân tích
thơ kết hợp tư duy trừu tượng khái quát để nhận ra tứ thơ làm nền cho việc phân tích bình
giá các ý thơ trong một chỉnh thể thơ. Nguyễn Thị Thiện đã có năng lực nhận biết tứ thơ
nên nhận ra nhãn cú để lấy đó làm nhan đề cho cho bài bình thơ. Ví như với Mẹ ơi đời mẹ
của Huy Cận là: “Mẹ là tạo hóa tháng ngày”. Với Con cò của Chế Lan Viên là “Đi hết
đời lòng Mẹ vẫn theo con”. Với Bàn tay mẹ của Tạ Hữu Yên là “Từ tay mẹ / con lớn
khôn. Với Thơ vĩnh biệt Mẹ của Phùng Quán là: “Như chính cuộc đời Mẹ mới là thơ”.
Với Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa của Nguyễn Duy là: “Ta đi trọn kiếp con người / Vẫn
không đi hết mấy lời mẹ ru”. Người đọc chỉ mới nhìn qua nhan đề lời bình đã thấy có gì
đấy đáng đọc. Với ưu điểm đó, công việc bình thơ của cây bút Nguyễn Thị Thiện là chỉn
chu với bao nhiêu thao tác bình thơ thường có đã được vận dụng khá linh hoạt, tỏ ra có
tay nghề khá già dặn mà TS Nguyễn Xuân Lạc và hai nhà văn Vũ Nho, Bùi Việt Thắng đã
chỉ ra. .
                                     ***

Để kết thúc bài viết, tôi chân thành cảm ơn các nhà thơ và người bình thơ đã cho tôi
niềm vui được thưởng thức những vần thơ này vốn từ lâu mong đợi và cũng là cơ hội để
tôi được bày tỏ tâm can trước một vấn đề thiết yếu trong công cuộc xây dựng một nền
văn hóa tiên tiến hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc, ba nhiệm vụ: Kinh tế - xã hội –
văn hóa cùng đồng hành. Kinh tế là trọng tâm- Văn hóa là nền tảng tinh thần của đất
nước. Cũng là cơ hội để tôi thấu hiểu thấm thía hơn công lao trời biển của song thân phụ
mẫu của tôi mà nay nếu thân phụ còn sống đã 157 tuổi, sinh tôi năm 63 tuổi; thân mẫu còn
sống đã 126 tuổi. Thấu hiểu bao nhiêu, nhớ thương bấy nhiêu. Trong nỗi niềm đó cũng có
nỗi buồn suốt đời sống nghiệp văn chương mà không có được những vần thơ cho ra thơ về
Cha về Mẹ như quí vị do ông Trời đã dè xẻn với tôi năng khiếu thi ca,
.

Đông Đô – Thăng Long- Hà nội
Nhâm Dần Trọng xuân ( 3 / 2022 )
Yên Hòa thư trai
Chú thích
1) Xem: Trần Dân Tiên : Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Bản
dịch Trung văn của Trương Niệm Thức ( Hồ Chí Minh truyện Nxb Tam Liên
Thượng Hải 6 / 1919.) Phan Văn Các trích lại trong bài Hồ Chí Minh với Nho giáo
trong sách Hồ Chí Minh – Danh nhân văn hoa.Nxb Hội nhà văn 5/1990
2) Xem : Nguyễn Minh Tấn ( Chủ biên) : Từ trong di sản. Nxb Tác phẩm mới. Hà nội
1981
3) Xem thêm : Nguyễn Đình Chú : Văn hóa – Văn học – Giáo dục. (Tuyển những
bài viết sau 1975) Nxb ĐHQG Hà nội 2017 Các bài: Sự cân đối giữa giàu có và đạo lý bài
toán khó của văn hóa Việt nam thế kỷ XXI, Vị trí của văn hóa Phật giáo trong văn hóa
Việt nam ( Nhìn về dĩ vạng ), Hôm nay với Nho giáo, Để hiểu đúng đạo luân thường của
Nho giáo, Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh với Nho giáo, , Nghĩ về vấn đề gia phong trên
đất Nghệ quê ta, Sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trên phương diện văn
hóa và tinh thần, Cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ
thông Việt nam, Để hòa nhập mà không hòa tan.
4) Xem thêm : Để hiểu đúng nền khoa cử Nho học xưa ( Tc KHXH và NV Nghệ An só
3/2020), Với văn hóa Đông Á xưa những điều muốn nói ( Tc KHXH và NV Nghệ An số 5/
2021), Thử bàn về vai trò của khoa hoc xã hội và nhân văn trong thời đại công nghiệp 4.0
( Tc KHXH và NV số 11/ 2019 ).


5) Bài viết có những ý đã có ở bài này bài khác nhưng thời gian viết khác nhau, chủ
diểm khác nhau, người tiếp nhận khác nhau mà bài viết này vẫn cần có. Bài viết cũng hơi
dài do không kìm được ý nghĩ và cảm xúc. Mong được thông cảm.

hoa-sen-phat


In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)