THI SĨ HOÀNG CẦM NEO BỀN HỒN KINH BẮC
(Đọc Chuyên luận “Nhớ người cầm Lá Diêu Bông” - Nxb Văn học 2023
của tác giả Nguyễn Thị Minh Bắc)
PGS. TS - Nhà văn Lê Thị Bích Hồng
Cuốn sách chuyên luận dày 280 trang, khổ 14,5cm x 20,5cm do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành năm 2023. Ngoài bút tích, Lời nói đầu (tr 4 - tr 7), Kết luận, Phụ lục (tr 158 - tr 276), chuyên luận “Nhớ người cầm lá diêu bông” được kết cấu thành 3 chương:
Chương I: Thân thế và sự nghiệp thơ văn Hoàng Cầm
Chương II: Thơ Hoàng Cầm là tấm gương phản chiếu văn hóa Kinh Bắc
Chương III: Thi pháp thơ Hoàng Cầm - Những nét độc đáo
Tựa sách “Nhớ người cầm Lá Diêu Bông”
“Nhớ người cầm lá diêu bông” là cuốn sách tái bản từ cuốn “Thơ Hoàng Cầm với văn hóa Kinh Bắc” của Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Bắc nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hoàng Cầm (1922 - 2022). Tác giả chuyên luận đã chia sẻ “cuốn sách tái bản được chỉnh sửa, bổ sung, đi sâu bình giải một số bài thơ hay của Hoàng Cầm” (tr 13).
Tôi ấn tượng với tựa sách của chị - cựu sinh viên Văn Khoa Sư phạm (khóa 23), học trên tôi 5 khóa, cùng chung “Vương quốc A7”; là hội viên các Hội: Hội VHNT tỉnh Bắc Giang; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội. Hẳn là tác giả Minh Bắc phải mê say lắm, tâm đắc lắm mới đặt tên cho chuyên luận về Hoàng Cầm bay bổng, lãng mạn, hấp dẫn, tạo ấn tượng mạnh cho người đọc đến như vậy. Thường tên sách chuyên luận nghiên cứu khoa học, các tác giả thường tiết chế cảm xúc, tuân thủ nguyên tắc chung, đặt tên đề tài cô đúc, lượng chữ vừa đủ, rõ ràng, súc tích, chứa đựng lượng thông tin cao, giàu hàm lượng khoa học, thể hiện rõ vấn đề được nghiên cứu.
Ngay từ Lời mở đầu, tác giả Minh Bắc đã chia sẻ “Mỗi khi nói đến thơ Hoàng Cầm, người ta nhớ ngay đến Lá Diêu Bông, đến văn hóa vùng Kinh Bắc... Bởi Kinh Bắc là ngọn nguồn khởi sinh ra thế giới nghệ thuật Hoàng Cầm” (tr 7); “Có thể nói Lá Diêu Bông là nghệ thuật đỉnh cao của thơ Hoàng Cầm. Bởi đối với người nghệ sĩ tài ba, nếu không có đỉnh cao nghệ thuật thì cũng không có gì còn lại cả. Lá Diêu Bông là cái còn lại mãi mãi” (tr 13). Vì thế, tác giả đã vượt qua “nguyên tắc” chung để khẳng định đề cập đến thi sĩ Hoàng Cầm phải gắn với Lá Diêu Bông. Viết hoa Lá Diêu Bông, tác giả coi chiếc lá siêu hình tưởng tượng ấy là danh từ riêng.
“Về Kinh Bắc quê thiêng thơ mình”
Qua ba chương, hướng nghiên cứu của tác giả tập trung phân tích thi nhân trong mối quan hệ với quê hương, dòng tộc, gia đình... mà môi trường cộng hưởng chính là văn hóa Kinh Bắc. Chị thể hiện tố chất của người làm khoa học là bản lĩnh, quyết đoán, làm chủ...
Ở Chương I: Thân thế và sự nghiệp thơ văn Hoàng Cầm được coi là cơ sở lý luận, thực tiễn của chuyên luận. Tác giả đưa ra phân tích hai luận điểm lớn:
Thứ nhất: Thân thế và sự nghiệp thơ văn Hoàng Cầm.
Thứ hai: Kinh Bắc - một trong những nôi văn hóa lớn, vùng thẩm mỹ lớn có ảnh hưởng sâu sắc đến ngòi bút Hoàng Cầm.
Xác lập luận cứ nghiên cứu, tác giả khá duyên dáng phân tích làm rõ yếu tố con người thi nhân ngoài tài năng, tố chất thiên bẩm, nguồn gốc xuất thân... chính là sự ảnh hưởng của các yếu tố địa văn hóa quê hương Kinh Bắc. Lợi thế dung dưỡng trong môi trường thấm đẫm văn hóa Kinh Bắc, chị đã thực sự làm chủ ngòi bút, khéo léo xử lý kho tư liệu ngồn ngộn về vùng văn hóa đặc sắc này. Tác giả Minh Bắc đã phân tích làm rõ luạn điểm “Kinh Bắc - vùng địa linh nhân kiệt”; lý giải cội nguồn “Lịch sử văn hóa xã hội vùng Kinh Bắc” với “Sắc thái xã hội riêng vùng Kinh Bắc”, Hội hè vùng Kinh Bắc, Quê hương của huyền thoại, truyền thuyết, ca dao... Từ cơ sở nền tảng, tác giả đã khẳng định “Dân ca Quan họ là linh hồn văn hóa Kinh Bắc”.
Tác giả đã căn cứ vào yếu tố địa văn hóa, coi đó là căn cốt hình thành nên tố chất, con người nơi đây tuy “quê mùa, chất phác nhưng có trước có sau, ít sự đảo điên, suy tệ... Phần nhiều ngay thẳng, trung thực” (tr 47). Minh chứng trong nhiều thế kỷ từ XVI đến nay ở mảnh đất này đã xuất hiện những danh nhân, tác gia tiêu biểu, nhà chính trị, như: Ngô Chi Lan, Nguyễn Đăng Đạo, Trịnh Thị Ngọc Trúc, Nguyễn Gia Thiều, Lê Ngọc Hân, Phạm Thái, Đoàn Thị Điểm, Cao Bá Quát, Nguyễn Cao, Đề Thám, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Anh Thơ, Thế Lữ, Ngô Tất Tố, Hoàng Tích Chù, Hoàng Tích Linh, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Nguyễn Đăng Bảy, Hoàng Tích Chỉ...
Hai luận điểm trên đã góp phần lý giải sự xuất hiện Hoàng Cầm tài năng có ảnh hưởng từ vùng văn hóa Kinh Bắc. Tác giả khẳng định “Kinh Bắc –cội nguồn văn hóa Mẹ có ảnh hưởng lớn đến tài năng thơ của ông “Muốn tiếp cận được thơ Hoàng Cầm, chúng ta không thể không tìm hiểu văn hóa vùng Kinh Bắc. Trong mọi thăng trầm của ông, bóng dáng con người, xứ sở Kinh Bắc đều xuất hiện. Môi trường văn hóa gia đình và vùng đất xứ quê ấy là dòng sữa ngọt ngào đã thấm vào máu thịt ông, chảy trong huyết quản ông, nuôi dưỡng hồn thơ Kinh Bắc Hoàng Cầm” (tr 67)...
Tác giả chia sự nghiệp Hoàng Cầm thành 3 chặng, đó là Thời kỳ “vàng son” nhất của Hoàng Cầm; Sóng gió thời kỳ Nhân văn - Giai phẩm; Thơ Hoàng Cầm trong thời đổi mới.
Chương II: Thơ Hoàng Cầm là tấm gương phản chiếu văn hóa Kinh Bắc là phần trọng tâm nghiên cứu văn chương của Hoàng Cầm nhìn từ soi chiếu của văn hóa Kinh Bắc theo thi pháp học: Không gian nghệ thuật, Thời gian nghệ thuật và Con người. “Tác phẩm văn học nào cũng tái hiện thế giới thực tại, cả vật chất lẫn tinh thần, tự nhiên, đồ vật, con người, tạo thành thế giới nghệ thuật. Hình thức tự nhiên của thế giới ấy trước hết là không gian và thời gian nghệ thuật” (GS Trần Đình Sử). Ngoài tái hiện không gian của thực tại, không gian nghệ thuật thể hiện quan niệm không gian của con người và rộng ra là của cả một nền văn hoá trong một thời kì lịch sử; là thuộc tính của các loại hình nghệ thuật. Đây là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, thể hiện sự cảm nhận không gian của con người, có chức năng biểu nghĩa và có giá trị thẩm mĩ; thể hiện cấu trúc bên trong của tác phẩm nghệ thuật, sâu sắc hơn nhiều so với khái niệm kết cấu, dường như là thiên về tổ chức bên ngoài của văn bản.
Tác giả nắm chắc lý luận thi pháp không gian nghệ thuật có tính trừu tượng, phổ quát, nên không chỉ là nơi chốn, khung cảnh cho nhân vật xuất hiện, cũng không phải không gian vật chất (vật lí), địa lí; càng không phải không gian tâm lí và không phải lúc nào, nó cũng là một không gian cụ thể.
Không gian nghệ thuật vốn là sản phẩm sáng tạo trên cơ sở văn hoá, tác giả đã vận dụng thi pháp phân tích thơ Hoàng Cầm với những hình tượng quen thuộc gắn với văn hóa Kinh Bắc với không gian dòng sông, núi đồi, hội hè, chùa chiền... Đặt trong sự đối sánh, tác giả đã chỉ ra cách thể hiện không gian nghệ thuật trong thơ Hoàng Cầm độc đáo, khác, mới lạ so với nữ sĩ Anh Thơ, nhà thơ Bàng Bá Lân - những nhà thơ nổi tiếng vùng Kinh Bắc. Với sông Thương (sông Nhật Đức), thi sĩ Hoàng Cầm đã thả hồn chạy suốt con sông để có những phát hiện ám ảnh, bất ngờ từ màu sắc đến tâm trạng: “Em vắt quả cam vàng đầu ngọn sông Thương”, “Thơ xô sóng đẩy xạt bờ xót thương” (Thể phách tinh anh), “Chợt nghe sông cạn bao giờ/ Đắng cay đứng sững mấy bờ nhân duyên” (Xanh xưa)...
Tác giả đã minh chứng sông Lục Nam (Minh Đức) đi vào thơ Hoàng Cầm với trường liên tưởng độc đáo: “Thì ngã ba sông ba hướng thuyền/ Hướng nào khôn dại, hướng nào điên/ Liệu còn một hướng ta bơi đứng/ Vớt cánh mai vàng sập bóng đen” (Ngã ba sông); sông mang tâm trạng thi nhân “Mặt trăng héo úa chập chờn mặt sông”, “Dạt về bến lặng thương yêu/ Nợ nần chất đống củi rều trôi sông... Cái bèo nước chảy ngược dòng/ Rủ rê cái bọt xoáy vòng khe sâu” (Kỷ niệm)...
Trong không gian dòng sông, Hoàng Cầm dành bao yêu thương cho sông Cầu (Nguyệt Đức) “Gấm sông Cầu khoác lại áo thời xưa”, nhất là chi lưu sông Tiêu Lương (Tiêu Tương) đã đi vào ca dao, Truyện Kiều, ám ảnh trong truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương... Sông Tiêu Lương “phát nguyên từ một cái đầm lớn ở xã Phù Lưu, huyện Đông Ngàn, chảy từ phía tây sang đông bắc, qua xã Tam Sơn huyện Yên Phong, chuyển sang địa phận hai huyện Tiên Du và Quế Dương vào sông Thiên Đức”[1]. Tác giả Minh Bắc đã rất có lý khi nhận định sông có ý nghĩa với Hoàng Cầm, nhất là thời điểm “rơi vào tâm trạng bi kịch, ông đã tìm về với dòng sông quê hương xoa dịu vết thương”:
Thờ ơ lắng đọng quê nhà
Những sương buông khói mờ xa sông Cầu
(Thờ ơ)
Đặc biệt “Bên kia sông Đuống” đã làm nên tên tuổi Hoàng Cầm, nhất là từ khi bài thơ được đưa vào giảng dạy trong chương trình văn học phổ thông.
Bên cạnh hình ảnh dòng sông đậm đặc trong thơ là hình ảnh núi đồi Kinh Bắc đặc trưng “Bao nhiêu núi đồi Kinh Bắc/ dịch sườn thông sang xúm xít/ quanh hàng mi nắng đọng hồ trong” (Đèn nhang 2); “Tôi bỏ lại phía bên kia núi tím/ Cả miếng cười si – biếc – em trắng lịm” (Hai phía núi); núi Thiên Thai nổi tiếng trong văn hóa Kinh Bắc “Thiên Thai đẹp thế mà nghe đọa đầy” (Ca trù hoài cảm); “Chớp rạch dáng tiên vén xiêm xõa ngủ/ Thoắt chìm/ Gấu đẩy đá Thiên Thai” (Đêm Thổ); “Nắng bồng Thiên Thai/ Ngón tay trắng muốt”; “Anh dìu em đến Thiên Thai/ Sầu xanh hơn tóc, mộng dài hơn đêm” (Đêm tạm biệt)...
Không gian nghệ thuật trong thơ Hoàng Cầm tồn tại trong không không gian ba chiều: cao, rộng, xa và chiều thứ tư là thời gian. Không gian nghệ thuật luôn gắn với thời gian, mở ra với thời gian và có thêm điểm nhìn chủ quan của con người, thể hiện không gian theo cái hiểu, theo chiều sâu tâm trạng chứ không theo chỉ cái nhìn cơ học bằng mắt.
Là một phạm trù của nghệ thuật, thời gian nghệ thuật có đặc điểm cơ bản: thời gian hữu hạn; tính liên tục, tính gián đoạn; tính chủ quan, tự do, ước lệ, nhanh chậm gắn với thời gian tâm lý; là một biểu tượng, một tượng trưng, thể hiện một quan niệm của nhà văn về cuộc đời và con người; tính sáng tạo rất đa dạng; có thể được xét trên nhiều bình diện với các chiều thời gian (hiện tại, quá khứ, tương lai), thời gian đồng thời, đồng hiện, vĩnh cữu...
Tác giả đã phát hiện thấy sự độc đáo kiểu thời gian phổ biến trong thơ Hoàng Cầm “phảng phất màu sắc tâm linh, siêu thức nhưng lại gắn bó chặt chẽ với tên người, tên đất, xôn xao đầy ắp kỷ niệm về Kinh Bắc, với tư duy Kinh Bắc, nếp cảm, nếp nghĩ của người Kinh Bắc” (tr 104). Nhận định của tác giả chuyên luận cho thấy mọi hành động, suy nghĩ, tâm hồn, trái tim... của thi sĩ Hoàng Cầm tất thảy đều gắn với văn hóa Kinh Bắc. Đó là thời gian đo đếm bằng giây/phút/giờ; ngày/đêm, năm/tháng; là con số vô vàn trăm/triệu năm; quá khứ/hiện tại, hôm nay/mai sau; thời gian khó xác định: xa xưa, muôn thuở, cõi, kiếp...
Thời gian đo phút giây nghệ thuật “Vì phút giây bồi hồi/ Biết mình sâu đáy bể” (Khi em đi xa). Cảm thức thời gian tình yêu: “Cất cánh thời gian rụng xuống đây/ Đọng môi em tẩy vết răng say/ Tháng năm trói chặt bằng tơ tóc/ Đã quấn đời nhau trọn kiếp này” (Cắt cánh thời gian); thời gian ẩn hiện hư/thực diễn đạt mơ hồ, khó xác định “Về cõi thật em/ Nửa phút hái đào tiên...Tình không còn nửa ly/ Mà đau ngàn dặm xé” (Về cõi thật em)...
Tác giả đã chứng minh thời gian tháng/năm gắn bó đậm đà với vùng văn hóa Kinh Bắc, nhất là tháng Giêng: “Tháng Giêng ơi vút vút nhanh/ Như mây từ biển liệng vành Thiên Thai/ Như dòng sông Đuống cuốn trôi/ Như Tiêu Tương liễu buông mành Bách Môn” (Tháng Giêng đi chậm); “Em ơi thử đếm mấy Giêng Hai/ Đêm hội Lim về quê quai rảo bước” (Theo đuổi)...
Những tháng còn lại đều gắn với cuộc sống của nhân dân nơi thôn dã. Tháng 3 ngày 8 giáp hạt “Giáp hạt tháng 3 em bưng giế lớn/ Nối mùa em dâng mật sớm khoai vùi/ Hun hút ngõ xanh lộng vùi bắp nướng/ Bếp vẫn hồng than cời khúc sắn lùi” (Vợ liệt sĩ)...
Thời gian tính theo mùa hoa trái “Khi mùa xuân đến mắt em/ Bỗng dưng biển sóng trào lên ngang trời...Khi mùa xuân đến mắt anh/ Chon von dòng tóc em thành sông xa” (Khi mùa xuân đến); “Lá xanh lạc lẻo sương mù/ Muốn về cội hóa chết từ giữa xuân” Phân vân)...
Tác giả phát hiện cách nói thời gian trong thơ Hoàng Cầm mang nếp cảm, nếp tư duy của người Kinh Bắc. Cách nói tuổi là một cách đo thời gian “Mười hai tuổi cũ biết gì chị ơi”, “Bảy mươi rồi vẫn cơ hàn/ Tám mươi khát cả lưỡi dao”, “Chín mươi dẫu đến mười mươi/ Khát thương em quá khốc thôi một mình” (Tinh anh thể phách); “Ôi chiều Kinh Bắc/ Chuông chùa nhuộm son” (Quà mẹ)... Thời gian hiện tại hay tương lai đều chứa đựng vẻ đẹp văn hóa Kinh Bắc “Kẻo mai bóng gấu lại rình ăn trăng/ Kẻo mai trăng đậm đẫm hồn Trương Chi” (Nương nhẹ); “Cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng...Mồ tháng Giêng mưa sũng/ Đằm ca dao sáo diều chiều lịm tím lưng trâu” (Đêm Thổ)...
Trong “Thời gian nghệ thuật”, tác giả có phát hiện thú vị thơ Hoàng Cầm có thời gian đằng đẵng thương nhớ qua giây, phút, giờ; thời gian ám ảnh là đêm. Trong Con người Kinh Bắc, tác giả nhấn mạnh 3 hình ảnh con người nhìn từ góc độ siêu phàm: Siêu nhân; nhìn từ giới tính: trai tài, gái quê.
Hoàng Cầm ảnh hưởng rất lớn từ quê hương qua phong tục tập quán, tín ngưỡng, hội hè, đình đám. Tác giả Minh Bắc dẫn dắt từ cội nguồn văn hóa thấm đẫm này đã sinh ra thi sĩ Hoàng Cầm. Ông như một vị “Đại sứ văn hóa” giới thiệu văn hóa Kinh Bắc qua chùa chiền “Chùa Phật Tích ruổi trong màn lụa bạch/ Tượng Quan Âm má đỏ bồ quân” (Đêm thủy); “Chùa Dâu Phật Tích cheo leo/ Mắt em không chớp ai theo mình
Trong Con người Kinh Bắc, tác giả nhấn mạnh 3 hình ảnh con người nhìn từ góc độ siêu phàm: Siêu nhân; nhìn từ giới tính: trai tài, gái quê.
Hoàng Cầm ảnh hưởng rất lớn từ quê hương qua phong tục tập quán, tín ngưỡng, hội hè, đình đám. Tác giả Minh Bắc dẫn dắt từ cội nguồn văn hóa thấm đẫm này đã sinh ra thi sĩ Hoàng Cầm. Ông như một vị “Đại sứ văn hóa” giới thiệu văn hóa Kinh Bắc qua chùa chiền “Chùa Phật Tích ruổi trong màn lụa bạch/ Tượng Quan Âm má đỏ bồ quân” (Đêm thủy); “Chùa Dâu Phật Tích cheo leo/ Mắt em không chớp ai theo mình về” (Thể phách tinh anh); “Chùa Dâu ni cô/ Sao con thẩn thơ” (Mưa Thuận Thành)...
Chương cuối cùng, tác giả đi vào “Thi pháp thơ Hoàng Cầm – Giá trị nghệ thuật đỉnh cao độc đáo”. Quan điểm nhất quán đã được tác giả khẳng định trong chuyên luận là hồn thơ Kinh Bắc đã “lắng đọng và thăng hoa qua những nét riêng biệt độc đáo” (tr 136).
Trong phần nghệ thuật, tác giả phân tích ba luận điểm lớn:
- Thơ siêu thực - nét lạ nổi bật ở Hoàng Cầm (tr 136).
Dựa trên những nghiên cứu, nhận định, đánh giá của các nhà khoa học, tác giả tiếp tục khai thác những bài thơ “Bên kia sông Đuống”, “Lá Diêu Bông”... “do lời thần linh mách bảo” để thấy độ phiêu say “dội lên từ tiềm thức thi nhân” như chính thừa nhận của Hoàng Cầm rằng “Lá Diêu Bông” là bài thơ siêu thực nhất, đẹp nhất về thi pháp của ông với độ “say triền miên, say không tỉnh”. Còn “Bên kia sông Đuống” say mà vẫn tỉnh táo để minh định.
- Tình yêu huyền ảo, trái khoáy mà bất tử trong thơ Hoàng Cầm (tr 143).
Đây là phần tác giả Minh Bắc phân tích khá duyên, thuyết phục người đọc bởi chất hư ảo trong tình yêu “Một đời nợ suốt Diêu Bông/Gọi đôi kết lứa xe hồng được đâu... Ngã ba sông chín hướng tình/Về Kinh Bắc gặp dập dềnh Trương Chi (Ai xui đắp mảnh xe hồng)...
- Thơ Hoàng Cầm thấm đẫm chất liệu dân gian (149).
Hoàng Cầm chịu ảnh hưởng rất lớn ngọn nguồn văn hóa dân gian. Thơ ông có thừa kế khéo léo của ca dao, dân ca. Ca dao và vận vào Quan họ “Có mấy dòng sông vòng chảy ngược/ Mà em xuôi mãi xuống Tào Khê...Thôi đợi sang chiều sương rủ khói/ Lơ thơ che mặt thẹn sông Cầu” (Một lời quan họ)[2]; “như Tiêu Tương liễu buông dài Bách Môn”[3]; “Thu đừng lạnh phía mưa Ngâu/ Quanh năm Chức Nữ gối đầu tay anh/ Triền mưa gội bất ngờ xanh/ Hỏi Ngâu nối mấy sông thành đêm em” (Bất ngờ); thời bà chúa Chè “Đá nghển trông con/ gục đầu sườn núi Dạm/ Lụa vàng xé lộc rắc tro tiền” (Sương cầu Lim)...Văn hóa Mẫu đi vào thơ Hoàng Cầm qua bài thơ “Theo dòng mẫu hệ”: Tôi theo dòng mẫu hệ/ Ngây xanh miền thuở bé...Mải theo dòng mẫu hệ/ Thắt yếm đào tuổi son... Anh bảy mươi tuổi giòn/ Nằm mơ đưa võng Mẹ/ Ru say dòng mẫu hệ/ Vòng tay quê bế bồng”...
Sau tập tiểu luận phê bình “Thơ Hoàng Cầm với văn hóa Kinh Bắc” (NXB Hội Nhà văn, 2008), trên cơ sở kế thừa, tiếp nối, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Bắc đã nỗ lực tìm tòi, đau đáu đi tìm văn hóa Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm để 15 năm sau có một công trình được giải mã khoa học, hệ thống, công phu, ý nghĩa về thi sĩ Hoàng Cầm qua chuyên luận “Nhớ người cầm lá diêu bông”. Kinh Bắc chính là ngọn nguồn khởi sinh ra thế giới nghệ thuật Hoàng Cầm và cũng chính Hoàng Cầm đã làm sâu sắc thêm trầm tích văn hóa Kinh Bắc.
-------------
[1] Đại Nam nhất thống chí – 1882 (1971), NXB Khoa học xã hội
[2] Ca dao “Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn/ Tào Khê nước chảy vẫn còn trơ trơ trơ”
[3] Ca dao “Sông Tương một dải nông sờ/ Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia”
Người gửi / điện thoại