Phạm Quang Long là một hiện tượng kì lạ. Xuất thân là nhà giáo, được đào tạo hệ thống trong môi trường hàn lâm, ông luôn khiến bạn hữu và những người quen biết không hết ngạc nhiên.
Tốt nghiệp Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Phạm Quang Long được giữ lại trường làm giảng viên, rồi được cử đi học nghiên của sinh tại một trường Đại học danh giá bậc nhất của nước Nga thời các Sa hoàng và sau này là của Liên Xô cũ: Tổng hợp quốc gia Leningrad. Ông thực hiện một đề tài khó “nhằn”: “Nhân vật chính diện trong tác phẩm của N.G. Chernyshevsky”. Tôi nói khó “nhằn”, vì hầu hết nghiên cứu sinh ngành ngữ văn của ta khi ấy đều khôn ngoan mang đề tài Việt Nam sang bảo vệ ở Liên Xô. Họ đọc tài liệu tham khảo nhàn nhã bằng tiếng Việt, viết luận án bằng tiếng Việt, rồi tìm cách nào đó dịch sang tiếng Nga. Nhiều người học ở Nga thành Phó tiến sĩ hẳn hoi mà vẫn không nói, không đọc được tiếng Nga là vì thế. Tôi nghe người ta kể một giai thoại: có anh nghiên cứu sinh người Việt thi tối thiểu vấn đáp môn triết, bắt được câu hỏi “Vật chất và ý thức?”. Lên trả lời, anh không nói tiếng Nga, mà dùng ngôn ngữ cử chỉ, nắm hai nắm tay, một tay giơ trước mặt, một tay giơ sau lưng. Giáo sư nhìn thấy thế cười ngất, khen: - Tốt! Rất tốt! Tôi hiểu rồi, ý anh muốn nói “vật chất có trước, ý thức có sau”. Viết luận án về N.G. Chernyshevsky (1828 – 1889), về phê bình Nga thế kỉ XIX, ngoài yêu cầu giỏi tiếng Nga hiện đại, Phạm Quang Long phải xử lí cả đống tư liệu viết bằng tiếng Nga và bằng thứ văn tự Nga thế kỉ XIX. Tôi có duyên làm bạn với ông đã mấy chục năm nhờ chuyến nghiên cứu sinh rất nhọc nhằn này. Sau khi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (sau này, được Việt Nam chuyển đổi thành Tiến sĩ), về nước, Phạm Quang Long vừa tiếp tục giảng dạy, vừa đặt chân vào đường quan lộ. Tôi nhớ, thoạt đầu, ông làm Phó trưởng phòng nghiên cứu khoa học, thời Giáo sư Nguyễn Kim Đính làm Trưởng khoa Ngữ văn, ông làm Phó chủ nhiệm. Khi ĐH Tổng hợp tách thành hai, rồi nhập với ĐH Sư phạm và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ thành ĐHQG Hà Nội, ông làm Chủ nhiệm Khoa Văn, rồi Hiệu trưởng ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn. Từ Hiệu trưởng, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội. Đường quan lộ của Phạm Quang Long khép lại bằng hai khóa liền làm Giám đốc sở văn hóa Hà Nội. Đó cũng là lúc Hà Nội mở rộng, một đêm ngủ dậy, dân Hà Tây bỗng thấy mình thành người kinh kì; ở các tỉnh – thành, ba sở Văn – Thể - Du cũng nhập lại thành một. Thế là một thời, dưới trướng Phạm Quang Long từng có 14 Phó Giám đốc. Tôi không tưởng tượng nổi ông đã xoay sở thế nào để “quản” 14 vị Phó giám đốc ấy, và tôi đoán, việc thu phục bọn họ, nói cho họ nghe, khiến họ không “thọc gậy bánh xe” chắc còn khó hơn rất nhiều so với việc phụng sự công việc văn hóa của thủ đô. Tôi biết, đường hoạn lộ của ông không phải bao giờ cũng “xuôi chèo mát mái”. Tôi nghe kể, có kẻ tính kế gài bẫy ông, ông không từ quan, chỉ vì không muốn thua bọn họ. Nhưng nhìn chung, Phạm Quang Long từng được đặt vào nhiều vị trí quản lí văn hóa – giáo dục quan trọng và tỏ ra có tài lãnh đạo hơn người.
Phàm đã làm quan, không mấy ai còn muốn làm dân và hình như nhiều người không thể làm dân được nữa. Tôi chứng kiến nhiều ông quan. bà quan về hưu, họ tiếc cái ghế quan tới mức hóa trầm cảm, ngẩn ngơ, rồi ngã bệnh, chẳng được bao lâu thì thành người thiên cổ. Phạm Quang Long không thế! Ông “thoái quan vi sư”, rồi lại “thoái sư vi văn sĩ”. Mà ở xứ mình, làm anh “văn sĩ” cũng có nghĩa là làm “dân”. Phạm Quang Long làm quan đã giỏi, mà làm “dân” cũng tài, cứ nhẹ như không! Những khi đứng ngồi, trò chuyện với ông, tôi không nghĩ từng có lúc ông đã làm quan! Làm quan, hay làm dân, lúc nào ông cũng sống đôn hậu. Mấy chục năm làm bạn với ông, tôi nợ ông nhiều món nợ ân tình. Mà ông không chỉ tốt riêng với tôi đâu! Còn nhớ khi xưa, tôi thường nghe cố Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh không tiếc lời nói về sự tử tế và lòng tốt của Phạm Quang Long, mặc dù Phạm Quang Long không phải là học trò của ông.
Không phải chờ tới lúc “mãn quan”, Phạm Quang Long mới làm văn sĩ. Khi còn làm quan, ông thường viết báo. Nhưng đúng là phải chờ tới khi rời chốn quan trường, sức sáng tạo văn học của Phạm Quang Long mới bung ra hết cỡ. Nghỉ quản lí năm 2013, thì năm 2014, ông có ngay tập kịch bản văn học gồm 8 vở, lấy tên Nợ non sông (Nhà xuất bản Đại học quốc gia). Vở Nợ non sông được Nhà hát cải lương Hà nội dàn dựng, đưa lên sàn diễn. Trong một lần trò chuyện, cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã nói với tôi rất nhiều về sự kiện này. Năm 2016, ông cho ra mắt tiểu thuyết Lạc giữa cõi người (Nhà xuất bản Hội nhà văn). Năm 2017, ông có tiểu thuyết Bạn bè một thuở (Nhà xuất bản lao động). Tiếp năm sau đó, 2018, ông xuất bản Cuộc cờ (Nhà xuất bản Hà Nội). Đến năm 2020, ông lại có Chuyện làng (Nhà xuất bản Công an nhân dân) và năm ngoái, 2022, ông trình làng cuốn tiểu thuyết mới tặng tôi: Mùa rươi (Nhà xuất bản văn học). Theo chỗ tôi biết, ông đang gấp rút hoàn thành tiểu thuyết thứ sáu, dự định lấy tên là Trưởng tộc. Trong vòng 9 năm, xuất bản 8 kịch bản văn học và ngần ấy cuốn tiểu thuyết dày dặn, đó là một hiện tượng hi hữu, các nhà văn hiện nay không phải ai cũng sáng tạo sung sức như thế. Tiểu thuyết của Phạm Quang khai thác chất liệu ở một không gian hẹp, có khi là một cơ quan, thường là một ngôi làng nhỏ nào đó, chủ yếu là làng quê duyên hải ở đồng bằng Bắc bộ mà người ta có thể nhận ra là ngôi làng của chính tác giả. Trong cách xử lí chất liệu của Phạm Quang Long, ngôi làng rất nhà quê ấy, hay cái cơ quan kia không bao giờ đóng kín, bởi mạch truyện luôn dẫn một số nhân vật tung hoành ngang dọc từ Bắc vào Nam, từ quê ra tỉnh. Truyện cơ quan, làng xóm còn có thể trải dài theo lịch sử từ sau Cách mạng tháng Tám, đến kháng chiến chống Pháp, qua Cải cách ruộng đất, phong trào hợp tác hóa nông thôn tiến lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bác, rồi lại kháng chiến chống Mĩ cho tới ngày thống nhất đất nước. Nhờ thế, trong tiểu thuyết của Phạm Quang Long, không gian truyện kể thực sự trở thành bức tranh thu nhỏ của xã hội Việt Nam thời hiện đại với không biết bao nhiêu số phận thăng trầm chìm nổi.( CÒN NỮA)