bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 32
Trong ngày: 512
Trong tuần: 1271
Lượt truy cập: 774089

PHẦN MỘ VÔ DANH

 Nhật Hồng
 
      “Chiến tranh kéo dài ¼ thế kỷ đã đi qua, nhưng còn đọng lại nỗi buồn da diết! Ta hãy nghe tâm tư tình cảm người trong cuộc kể lại”
img_1530
 
PHẦN MỘ VÔ DANH
         
  Con trăng rằm cuối năm trôi lạc xuống cánh rừng lênh lênh sáng đùn đục. Ông bà lão mắc hai cánh võng dưới gốc cao su. Màu trăng đọng trũng lên đôi má hóp của ông lão, trơn tru lên mái tóc lốm đốm bạc.
Bà đong đưa, nói:
- Anh lên mà không nhắn trước cho sắp nhỏ ra đón.
- Mới có dự tính hồi đầu hôm, sáng lên xe đi liền làm sao nhắn cho kịp.
- Cá khô ở đâu mà anh có sẵn.
- Đã đã hai lần chuẩn bị lên thăm em mà không thành, sữa soạn đi thì  thằng cháu nội nóng vô nhà thương phải trông coi nhà vừa hết tới đứa cháu ngoại. Rồi tới ai nữa đây… Thôi nóng lòng đi đại, trước thăm em, sau hỏi thăm đứa em mất tích mấy mươi năm qua, nghe đâu nó ở vùng này!
 
  Chừng như bà lão không chú ý đến câu nói của ông lão vì lo loay xoay buộc dây giăng võng vào gốc cây, buộc xong, bà lão đến mâm trà rót vào ly đưa cho ông lão:
-Uống đi anh, trà Lâm Đồng ngon lắm, của đứa con gái em nó gởi về cho. Hôm trước vợ chồng nó về đây rước em lên chơi em không chịu. Anh coi, lên tụi nó cung phụng món ngon vật lạ đầy đủ, nhưng buồn quá cứ ngồi khu khú trong nhà, đợi trưa, chiều nó đi làm về mới gặp mặt. Thằng Hai thì nó nài nỉ rước về thị trấn ở với nó nhưng cũng buồn, sao mà cái chòi giữ rừng này em chịu. Thấy vậy thằng Nam nó cho đứa con trai lên ở hủ hỉ với em. Làm như tuổi về già muốn quay về nơi tĩnh lặng, ồn ào không thích.
 
  Ông lão xoè bàn tay đưa những ngón cong queo ra hứng lấy màu trăng vàng mượt, thổn thức:
-Cũng màu trăng này, em nhớ không? Bỗng dưng ông lão hạ giọng. Bà lão:  “Làm sao em quên cho được!”
 
-Bây giờ nhớ lại cũng nhờ cái đêm đó, nhờ màu trăng đó mà mình nhận ra nhau.
-Em hỏi anh: Nhờ đâu mà anh biết được em nằm bất tỉnh ở cái hốc đá đó. Nếu như lần đó mà không có anh thì đời em kể như chấm hết. Không có gì lạ, ngoài tình yêu cô gái giao liên ranh mảnh lơ lớ cái giọng Quảng Bình:
-Đây là vùng sáng tối giữa địch và ta lẫn lộn, thám báo biệt kích của các lữ đoàn dù: 101, 173, 196, 199 thường thả từng nhóm đánh phá đường dây và căn cứ của ta. Do vậy, các đồng chí phải nghiêm chỉnh chấp hành trên chặn đường hướng dẫn của tôi. “Cô giao liên càng nghiêm càng đẹp!” Anh nói thật khẽ mà em cũng nghe được lườm lườm đôi mắt xanh biếc như nước sông Nhật Lệ.
   Chuyện đêm đó! Rừng cây xào xạc gió, trăng lên đỉnh dồn cái bóng của đoàn người chùn xuống mặt đất. Em nhắc nhở: “Đi giản ra đề cao cảnh giác!”. Dứt lời, một cột lửa trước mặt, theo sau những đóm lửa đạn ghim tua tủa,  anh dạt vô gò đất, em  nằm cách anh chừng 3mét, em rên thật khẽ, biết em bị thương anh vừa chồm lên bò đến em, viên đạn phớt qua môi nóng hổi. Anh nằm nghe ngóng, hai cái bóng đen lạ trườn lên anh bình tĩnh xiết cò. Phải chờ đến mấy phút anh bò qua hai cái xác chết mới đến được bên em.
Bà lão như nhớ ra nói:
- Chưa lần nào em mắc cở như lần đó, anh xé đứt ngang cái ống quần của em.
- Vậy chớ khi cỏng em máu ra ướt dầm cái lưng của anh, em chỉ rịt sơ sơ làm sao cầm máu cho được. Nhớ đến bây giờ còn sợ.f4f1_102
- Sợ gì?
- Sợ em chết! Thấy máu ra nhiều quá anh quýnh lấy lưỡi lê cắt ống quần ở phần đùi để băng bó vết đạn khoét sâu bằng cái miệng ly, anh phải dồn hết phần bông băng cá nhân của anh cho em, may mà không vô xương. Em cũng ngộ, bị thương bất tỉnh mà hai tay cứ dịnh cái lưng quần.
- Vậy chớ sợ anh ẩu vuột cái quần ra rồi thì sao?
- Ai mà làm vậy! Kỳ!...
- Biết đâu? À! Mà anh Tùng ơi! Chuyến đó, về bên khe sườn núi anh chết hụt hả?
-  Ừ! Nước uống đã hết, thấy tình hình yên tĩnh, anh em thì quá mệt mỏi, anh tình nguyện xuống suối lấy nước một mình. Vừa xách thùng nước đứng lên, thằng biệt kích xuống suối rửa mặt chợt thấy anh nó cầm lưỡi lê dài thượt phóng tới. Anh may làm sao mà vớ được cục trứng đá ném một cái thật mạnh vào trán nó. Nó giẫy đành đạch lăn xuống suối. Ném thêm vài cục vào đầu nó rồi anh xách cái thùng nước chui vào bụi rậm.
- Sao anh không bắn mà ném đá?
- Súng còn mắc ở trên vai, lột ra sao cho kịp. Mà may, nếu như anh bắn  súng thì anh cũng chết.
- Sao vậy?
- Nó còn hai thằng nữa, cách đó chừng năm chục thước. Nó không hay biết gì hết, thơ thẩn đến bờ suối cởi quần áo ra tắm. Anh xách thùng nước chạy tắt lên khe núi. Anh hỏi em! Nói thiệt nghen, bây giờ cũng đã già rồi giấu nhau làm gì nữa!
- Hỏi đi!
- Cái thư lần đó em viết cho ai? Cho anh hay anh Cơ.
- Cho anh chớ ai!
- Tại sao em không để tên người mình thương.
- Thì phải giấu chớ, lộ ra tổ chức kiểm điểm chết luôn!  Vừa viết xong bỏ trong túi em chờ anh đến lấy cơm để đưa. Có ngờ đâu, báo động khẩn cấp B52 bừa! Em chui xuống hầm, áo còn bỏ lại. Qua trận bom tan hoang lá thư xếp làm tám trong túi áo bung ra mắc trên đọt cây. Gió lung lay rớt xuống anh Cơ lượm được. Thấy chữ viết của em, anh Cơ quèo em ra bờ suối, hỏi y như anh.
- Em trả lời làm sao?
- Em nghĩ, phải nói dối thôi: “Thì cho anh chứ còn ai vô đây!” Anh Cơ nửa tin nửa ngờ … Anh Cơ cất lá thư dưới gối ghen ngầm. Em biết, mà giả bộ không biết, ghen ngược lại mấy cô y tá ở trạm. Em thương anh, không giấu anh điều gì cả, chuyện của quá khứ kể nhau nghe. Anh Cơ cũng đã qua đời rồi! Lúc đó, tình cảm em thương anh nhiều hơn anh Cơ. Em chờ anh ngỏ lời một tiếng là em ừ liền!
- Anh Cơ cũng đẹp trai tại sao em không thương?
- Lúc em bị thương anh băng bó, chăm sóc, gần gũi, em cho đó là duyên nợ. Em nghĩ duyên người con gái chỉ gởi cho người đàn ông nào biết được cơ thể mình, mà anh đã biết cơ thể của em rồi. Biết đâu trong đêm hôm ấy em hôn mê anh lén … khám phá!
- Đâu có chuyện đó, giữa lúc sống chết cận kề, em thở dồn dập chừng như muốn đứt đoạn. Lòng nào mà …
- Anh biết lá thư rơi về tay anh Cơ, nên buồn xin về miền Tây phải không?
- Anh về Miền Tây là vì lý do tổ chức phân công, vì quê hương xứ sở anh nơi đó!
- Vậy mà em ngỡ … Em chờ anh ba năm, thấy vắng bặt tăm hơi. Anh Cơ nhờ tổ chức đứng ra mai mối, đêm tân hôn em âm thầm thương nhớ anh. Nói trong bụng nếu như anh xuất hiện, em dặn nài bẻ ống mà về theo anh. Anh đâu có biết rằng đêm đó nằm trên tay anh Cơ mà em ngỡ trên tay anh. Khi thực tế đã phũ phàng em khóc sưng vù hai con mắt. Anh Cơ cứ nghĩ rằng giọt nước mắt  đàn bà trong đêm tân hôn. Buổi chiều đi ngang  những cánh rừng, con suối, nơi mà mình đã đi qua, em nhớ anh đến nao lòng. Thằng con thứ hai ra đời, em vẫn mơ tưởng về anh, con gái thứ ba ra đời em còn hy vọng gặp lại anh, đứa thứ tư hết hy vọng. Ngang trái rồi!
 
   Em luôn tìm hỏi thăm anh. Được tin phản hồi hai lời khác nhau: “Anh đã hy sinh trận đánh chống càn vào mùa nước lũ. Anh còn sống có vợ rồi!” Dẫu anh có hy sinh từ buổi ấy, dẫu anh ở xa có vợ con nhưng anh luôn ở trong lòng em.
Gió rừng lang thang dắt díu nhau vuốt ve mơn man lên chòm tóc bạc lưa thưa trên đầu ông lão thở ra hít vô thật nhẹ, ông nói lập bập:
 
Trước khi quyết định rời Miền Đông, anh đau đớn lắm như sắp cắt bỏ một phần xương thịt trong cơ thể. Chiều hôm đó, gặp anh Cơ bên bờ suối mới hay anh Cơ thương em dữ dội. Anh không nói lời nào cứ ngồi lặng lẽ cho đến tối mịt, đêm đó anh tạt qua cơ quan em nói lời chia tay. Không ngờ em cũng vừa mới đi công tác, có người bảo anh đợi ít hôm. “Nín thinh hông chừng hay hơn.” Nghĩ như vậy! Anh lặng lẽ đi không một lời nhắn gởi.
 
- Em giận anh biết sông suối nào mà chứa, hết giận, rồi thương rồi nhớ đầy ăm ắp như nắng gió trên rừng. Hết nhớ rồi trách: “Anh không nói một lời, phải chi nhắn lại một câu hẹn, câu chờ thì em cũng đợi!”
- Lúc ấy chúng mình chỉ biết: “Chiến đấu, chiến thắng” còn mọi việc khác gần như thờ ơ, biết đâu mà hẹn mà chờ. Mọi sự diễn biến ai có lường được còn hay mất.
  Số của anh là lụy với đàn bà dẫn dắt đường, về Miền Tây cũng cô giao liên đón đưa anh trên những cánh đồng lênh láng nước. Chiếc xuồng bị bom đạn bể mấy lần mà cô ta không nao núng. Có những buổi cơm chiều ăn cơm với mắm kho chấm bông súng, bông điên điển mà nhớ em, nhớ rau rừng măng bẹ muốn chảy nước mắt. Anh cũng như em thôi, vẫn chờ vẫn hẹn trong lòng. Em có biết không? Đứa con gái lớn của anh lót chữ đệm tên của em đó! Anh giấu biệt, vợ anh không hề hay biết, cho đến ngày cô ấy xuống mồ. Anh mới đốt cây nhang tạ lỗi với người bạn đời của mình: “Em hãy tha lỗi cho anh, lòng anh luôn có một bóng người đàn bà mà anh không thể dứt ra được!”
Bà lão bỗng thở dài:
          - Còn một việc em ray rứt trong lòng ngót mấy mươi năm qua. Nó cứ ám ảnh, giằn xé, có đôi khi chập chờn trong giấc ngủ. Em thấy mình thiếu trách nhiệm trong một sự việc mà người duy nhất còn lại là em. Năm ấy, sau khi em về miền Đông độ nửa tháng sau: Một trưa, em ra bờ suối gặp một thanh niên cúi đầu rửa mặt, chừng như có vẻ mệt mỏi lắm! Em nghĩ ở đây đâu có dân sinh sống, không phải thám báo thì ai? Em cẩn thận đi lòn phía sau vồ đá, bất thần chỉ mũi súng AK nạt gắt: “Giơ tay lên!” Người thanh niên luống cuống sợ sệt: “Em! Em đi tìm chị mà!” “Chị nào?” “Em đi tìm bộ đội cách mạng.” “Để làm gì?” “Đi theo”. Sự thật thà hiện rõ trong đôi mắt của người thanh niên. Nhưng em đề cao cảnh giác cho anh ta đi trước hai tay úp lên đầu không được để xuống. Vừa đi, em vừa suy nghĩ: Ít ra mình cũng nắm được một phần nào về thanh niên lạ này, nên hỏi: “Lý do nào anh đi tìm chúng tôi?” “Chị ơi! Ba em đi tập kết, anh ruột cũng ra Bắc năm 1960, nghe đã về Nam rồi! Em ở nhà nuôi mẹ, lo tiền làm giấy nhỏ tuổi để khỏi bị bắt lính. Một hôm, em đi xuống nhà thương thăm má bị cảnh sát bắt cho là giấy tờ giả. Chúng đưa em vô Trung Tâm Ba rồi đưa ra quân trường học một tháng, nửa đêm, chúng lùa lên trực thăng đổ xuống miền đất đỏ này. Em bỏ trốn vào nhà dân, người ta cho quần áo, chỉ vô đây sẽ gặp anh chị. Em nói thiệt, đây là kỷ vật để làm tin”. Vừa nói, người thanh niên móc sợi dây đeo cổ. “Khỏi cần, cất đi!”. Tới một gò đất, em chỉ cho cậu ta ngồi ở đó, em ngồi bên này vẫn lâm le khẩu AK. “Bây giờ em muốn về với má hay ở với cách mạng? Về thì chị tìm cách đưa về an toàn. Ở lại gian nan lắm, em có chịu nỗi không?” “Về dưới cũng bị bắt lính, có nuôi má được đâu! Thôi ở với cách mạng để tìm ba và anh hai”. Nghe câu nói quá thiệt tình và đơn giản của cậu thanh niên, em cũng đôi chút cảm động. Bom đạn thì dày đặt, người thì trùng trùng lớp lớp, tìm cách nào đây? Nhưng em không nở để cho cậu ta thất vọng. “Nếu như vậy ở đây chị sẽ tìm cách giúp em, ít ra cũng hỏi thăm được tin tức về ba và anh.
          Đơn vị em là một bộ phận bảo vệ bệnh viện tiền phương của Trung Đoàn 141, Sư  đoàn 7 chủ lực Miền nên lúc nào cũng đặt nhiệm vụ an toàn cho thương binh lên cao hơn hết. Em được lệnh khẩn cấp ra nằm chốt. Chốt của em có ba đồng chí, em Hóa và Toàn. Ý kiến của Hóa là đưa thanh niên lạ về phía sau, thông qua cấp trên định đoạt. Cậu thanh niên xin đi theo ra chốt. Em lo ngại, hỏi: “Biết bắn súng không?” “Biết! Lên đạn bóp cò chớ gì!?” Em cũng sợ cậu thanh niên lạ trà trộn về phía sau, biết có gì không? Hơn nữa, việc này em chưa kịp báo cáo cấp trên, nên thuận cho cậu ta ở lại. Công sự vừa đào xong thì toán thám báo vừa bò tới. Em dặn cậu ta: “Phải thật bình tĩnh và không được nổ súng trước nhé! Bắn phải có mục tiêu và thật chính xác!” “Ừ! Biết rồi!”
 
   tim-em-3Bốn tên thám bào lù lù đi lên bị hạ gục, còn lại chúng tìm công sự đánh trả. Em để ý, chừng như cậu ta chưa nổ viên nào, không biết cậu ta đang làm gì ở hố đó. Em suy nghĩ: “Sao quá cả tin, chỉ có mấy lời như vậy ai nói không được! Gặp phải tay biệt kích thì sao? Cũng may có ý dè trước, đặt công sự của cậu ta phía trước trong tầm ngắm của mình. Đợt tấn công thứ hai, chúng điên rồ bắn không giật 72 và M79 vô các mô gò đất mà chúng nghi là có công sự. Sau đó chúng bò lên. Những viên đạn ít ỏi và thật chính xác làm chùn chân những tên liều lĩnh. Bất thần, nhanh như sóc, cậu ta nhàu ra chỗ tên lính vừa giãy chết lấy một ba chạc lựu đạn. Trời! Nguy hiểm quá! Nhưng không ai kịp cản được, em đành bắn để yểm trợ cho cậu ta. Về tới công sự an toàn, thật may phước cho cậu ta. Chúng lại mở cuộc tấn công mới, lần này chúng dè dặt từ gốc cây, gò đất để cố đánh bật tụi em ra. Nhưng ở phía trên sườn dốc, những trái lựu đạn của cậu ta vô cùng có hiệu quả, làm cho tan nát đội hình của toán thám báo. Nhưng anh có biết cái gì xảy ra không? Cậu ta bị lộ mục tiêu, bị chúng bắn một quả M.79 ngay công sự. Em bò tới chỉ kịp ôm mặt câu ta đầy máu me, cậu ta muốn nói cái gì đó mà chỉ nấc một tiếng rồi ngã gục xuống công sự.
          Ông lão bỗng ngồi bật dậy như cái lò xo:
          - Cậu đó tên gì?
          - Tên … Lâm, vì sau đó em phát hiện trong cái móng treo ở cổ có tên họ câu ta.
          - Tên Lâm à! Trời! Em của anh đó!
          - Tại sao tới giờ này em mới cho anh biết!
- Ai có ngờ là em của anh đâu? Còn anh tại sao giữ kín cái miệng để cho tới hôm nay?
- Anh về quê được tổ chức móc nối cho má anh vô thăm. “Má bệnh nằm ở nhà thương, thằng Út nó có xuống thăm má bị bắt lính rồi chúng chở đi biệt tích luôn. Ngày nó còn ở quân trường, má vô thăm, lượng trước cảnh bất trắc nên chọn miếng nhỏ viết mấy dòng chữ: “Trần Việt Lâm, con của Trần Việt Quân-cán bộ tập kết, anh là Trần Việt Phương cũng ra Bắc năm 1960, dân ở Bến Tre” rồi gói lại thật nhỏ ép trong cái móng bằng nhôm cho nó đeo cần cổ. Sợ bị bọn lính phát hiện ra thì nguy nên má dặn Lâm: “Đây là bùa hộ mệnh của má thỉnh ở trên núi”. Khi gặp người của cách mạng thì mở ra cho giúp con.
- Em có gặp lại cái móng đó hay không?
- Có chớ. Hôm em cùng với các đồng chí làm nhiệm vụ chôn cất các liệt sĩ. Trong đó có Lâm, em tình cờ thấy bàn tay của Lâm nắm chặt một cái gì đó. Em mở ra xem thấy cái móng đem về làm kỷ niệm, không ngờ em lỡ tay đánh rơi, vật rớt nghe lạ chừng như rỗng, em cạy ra xem. Trời ơi, đây chuyện thật! Nhiều lần em gặp người Bến Tre kể về chuyện của Lâm nhưng vẫn bặt vô âm tín, không biết ông Quân là ai, Phương là ai!
- Phương là tên cúng cơm của anh đó!
- Bởi vậy cho nên…
- Số ngôi mộ đó bây giờ ra sao rồi?
- Năm đồng chí hy sinh trong trận đó vì bị đạn pháo của giặc cộng với Lâm là sáu, bốc về Đồng Xoài năm 1980. Bây giờ phải làm sao hở anh?
Ông lão lặng lẽ một lúc lâu:
- Làm gì bây giờ?
- Thì…làm hồ sơ liệt sĩ cho Lâm.
- Phiền phức lắm em ơi! Ba mươi năm rồi dở ra làm gì…
- Hiện giờ thủ trưởng của đơn vị em còn sống, việc xác nhận cho Lâm cũng vô cùng thuận lợi:
Ông lão nhắm nghiền đôi mắt: “Linh hồn của chú ấy bây giờ chắc vui và thanh thản vì được nằm chung với các liệt sĩ. Và cũng vui khi những viên đạn bắn ra thật chính xác.
- Em nghĩ, tội nghiệp cho chú ấy quá. Ôm hy vọng gặp được cha và anh, nhưng chưa kịp gặp đã nằm xuống lòng đất. Vì cha và anh, chú ấy bất chấp mọi hiểm nguy lội ngược vô rừng, nhưng rừng xanh quá khắc khe…
Hai Phương than thở:
          - Má anh vừa khóc ba hy sinh khi vừa đặc chân về quê nhà, cho đến ngày hấp hối cứ thều thào gọi tên Lâm…  đến khi tàn hơi kiệt sức!
          - Anh biết mặt chú ấy không?
          - Không! Vì lúc anh đi Lâm chừng bốn năm tuổi.
          - Chú ấy giống anh như tạc.
 
          Sau một lúc lâu, người quản trang dò tìm các ngôi mộ:
          - Đây rồi!- Ông ta kêu lên:
          - Trong sáu ngôi mộ nằm song song hàng dọc, ngôi mộ vô danh đó!
          Bà lão phủ phục trước tấm bia trống, bà khóc thật sự. Những giọt nước mắt đặc quánh lem nhem trên đôi má. Có lẽ đây là những giọt nước mắt cuối đời của con người nên nó sắc se đến thế! “Chị có lỗi với em Lâm ơi! Hãy tha thứ cho chị nhé! Có những giây phút chị nghi ngờ em và sẵn sàng dành cho em một viên đạn. Chị còn cái lỗi nữa là thời gian qua không làm cho em có cái tên đàng hoàng trong nghĩa trang như bao người khác. Tha lỗi cho chị nhé Lâm ơi!”
          Ông lão vẫn ngồi lặng lẽ, chốc chốc bật lửa đốt cây nhang cho đứa em không biết mặt. “Cuối cùng… rồi anh cũng nhận ra em, dẫu là muộn màng nhưng còn hơn không!”
Bà lão nói thật khẽ:
-Ngày mai anh chị đi khắc tên bia cho phần mộ em. Ở đây với các đồng chí nhé! Đừng ngại ngùng, đừng phân biệt gì… có người qua hai cuộc kháng chiến, có người năm, mười năm. Còn em chỉ vỏn vẹn có 2 giờ đồng hồ, thật ngắn ngủi và cũng thật oanh liệt, có chị chứng nhận cho em đây!
          Nắng giêng hai Đồng Xoài khô quắc quéo nhưng trên phần mộ của “liệt sĩ vô danh” còn sót lại một chắm hoa dại bé xíu. Trông cũng tươi lắm!
                                                                          N.H
 

Nhật Hồng Hội Viên Hội Nhà Văn
Tp.Cần Thơ, 170 Lý Tự Trọng, Tp.Cần Thơ.
ĐT:0939.860568.

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)