Đào Kim Ngân
PHÍA NGƯỢC ĐƯỜNG CHIM BAY
“Cánh chim tìm một mái rạ lành
Anh gõ cửa tim em
Kiếm tìm chút bình yên khi trời giông bão
Đắm mình trong ánh nhìn trong trẻo
Cho vơi những đau buồn
Nói những lời yêu thương
Như mật đắng
Chẳng nỡ trách anh đâu
Dù biết mình sẽ cô đơn
Khi cánh chim kia bay về phía mặt trời
Em vẫn xin được làm mái rạ lành
Che chở cho anh
Nhưng em không dám chắc mình sẽ bình yên
khi trời tan giông bão
Người không dành cho nhau ơi !
Chắc rồi em sẽ bị lãng quên
Như cánh chim kia quên mình khi có một miền yên tĩnh
Như cánh chim kia vô tình bay qua mái rạ lành
Khi trời đất bình yên
Anh có biết không?
ở phía ngược đường chim bay có một trái tim
Vẫn thảng thốt
Không biết mình đắng cay hay hạnh phúc”
Đ.K.N
LỜI BÌNH CỦA ĐỖ NGỌC YÊN
Cô gái thảng thốt khi bất ngờ nhận ra mình như mái rạ ấm êm cho những tâm hồn khổ đau trú ngụ. Đấy là hệ quả khi cô ta nhận ra rằng trong những lời tỏ tình của chàng trai, bề ngoài mới nghe tưởng ngọt ngào yêu thương, nhưng thực chất đấy cũng chỉ là một thứ mật đắng. Giá như chàng trai kia cứ ứng xử một cách chân thật thì có hơn không và mọi chuyện có thể đã đổi khác. Đằng này dù biết là giả dối đấy nhưng cô gái cũng chẳng thế nào bỏ mặc anh ta như trời xanh phó mặc cánh chim trong những ngày giông bão. Và hơn thế cô ta còn Em vẫn xin được như một mái rạ lành; che chở cho anh.
Tứ của bài thơ chính là tâm trạng đầy rắc rối và mẫu thuẫn của cô gái trẻ, một mặt biết rằng con trai thời nay chỉ như cánh chim kia bay về phía mặt trời để kiếm tìm một chút bình yên, nhưng mặt khác lại vẫn thích che chở cho họ khi gặp những rủi ro và đau khổ. Ai trên đời này chẳng có lúc gặp những rủi ro, đau khổ bởi ngàn vạn lý do khách quan và chủ quan mang đến. Trớ trêu là chắc gì những khổ đau của chàng trai là có thật, một khi trước tình yêu anh ta cũng chỉ nói những lời mật đắng.
Mạch thơ cứ trải mãi ra xoay quanh khối mâu thuẫn đó, giữa sự chân thật và giả dối, giữa lòng vị tha và sự vô ơn bội nghiã của cô gái và chàng trai nọ. Cảm xúc càng dâng lên trong lòng người viết, thì ý thơ càng phát triển và như xoáy mãi vào, đến mức cô gái kia hình như không còn biết mình là ai nữa. Giá như cứ quên mình, yên tâm một bề như mái rạ lành đi thì sự bao dung độ lượng ấy đáng qúi bao nhiêu. Đằng này vừa muốn tha thứ, chở che, lại vừa căn vặn đủ điều. Cũng là vô ích thôi một khi mình không đủ sức níu kéo người ta lại, thì mọi cố gắng cùng lắm cũng chỉ dẫn đến mình làm mình chịu kêu mà ai thương. Cái đáng quý ở mái rạ kia là sự chân thật và lòng vị tha, nhưng như vậy liệu đã đủ sự cần thiết cho một tình yêu đích thực thời nay đỗ lại chưa, hay tình yêu còn cần những gì khác nữa (!?) Cái thứ tình yêu lãng mạn theo kiểu một mái nhà tranh, hai trái tim vàng của các cậu ấm cô chiêu trong tiểu thuyết lãng mạn của những năm đầu thế kỷ xem ra không còn thích hợp nữa. Cuộc sống bây giờ đã đổi khác đòi hỏi tuổi trẻ cần phải thực tế hơn và dũng cảm dám nhìn thẳng vào sự thật, dù nó có đắng cay và chua chát bao nhiêu. Quả đúng thế thì trước hết hãy tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Các cô gái trẻ bây giờ hình như ít chịu biết cho điều ấy nên thường thích trách người. Một thực tế là kẻ có quá ít để cho cũng chẳng hơn gì kẻ cho quá ít. Xét đến cùng làm gì có thể nhận được từ người khác nhiều hơn cái phần mình dâng hiến, đặc biệt là đối với tình yêu điều này càng có ý nghĩa thực tế hơn, vì bản chất của tình yêu là hỉ xả, hoá giải trong nhau, ngay cả khi tưởng chừng như có vẻ mâu thuẫn, đối kháng.
Bố cục bài thơ mở với sự gắn kết của các ý thơ khá phóng túng và có phần lỏng lẻo, làm cho chiều liên tưởng không bị gò bó, như vậy vừa thể hiện được tính thiếu nhất quán, bất ổn định trong tâm tưởng của hình tượng chính của bài thơ - cô gái. Điều đó sát hợp với đặc trưng tâm lý ở các cô gái trẻ bắt đầu bước vào đời thường dễ choáng ngợp bởi những sắc màu có vẻ hào nhoáng bề ngoài, để rồi chính nó lại là kẻ thù quật ngã họ và cuối cùng làm cho các cô dễ mất phương hướng: ở phía ngược đường chim bay có một trái tim, vẫn thảng thốt, không biết mình đắng cay hay hạnh phúc. Đặc trưng của tình yêu là vậy. Đắng cay đấy mà cũng hạnh phúc đấy. Có gì đâu mà cần phải căn vặn, phải thảng thốt cơ chứ./.
Hà Nội, 10/1999
Đ.N.Y