bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 33
Trong ngày: 663
Trong tuần: 1382
Lượt truy cập: 774468

PHÙ KHÔNG ĐƯỢC PHÙ

Nguyễn Xuân Mẫn

PHÙ KHÔNG ĐƯỢC PHÙ

 Đã thành nếp làm ruộng của người Giáy, khi lúa cứng hạt, Phù ra ruộng phát cỏ bờ, dùng sào gạt cho cây lúa nghiêng vào trong ruộng để tránh bị chuột ăn và tháo cạn nước, đến khi gặt, ruộng đã khô chân. Mảnh ruộng dưới cùng tháo nước xong, Phù rửa sạch cuốc, rồi vác dụng cụ về bản. Trong nắng cuối chiều, bản Na được tắm mình trong màu vàng êm dịu. Không như nhà của các bản Sền Siềng, Mường Hoa… xếp thành hai dãy như phố để họp chợ phiên. Chẳng giống các làng Cốc Sa, Luổng Vi…nhà nhà đứng thành tầng thành lớp. Cũng là người Giáy nhưng ở bản Na này mỗi chòm chừng dăm bảy nhà, nơi thì nằm dưới chân đồi, chỗ lại lách vào các khe các hủm hay khoe mình giữa cách đồng nên ai đi qua đều khen Bản Na đẹp như tranh vẽ vì nhà lúc ẩn khi hiện giữa rừng giữa ruộng. Phù chẳng biết quê mình đẹp như thế nào mà người ta cứ thi nhau đến chụp ảnh và quay ca mê ra. Với gã cái bản mang tên ruộng này không ai bị đói như trên vùng cao vì họ chỉ cấy được một vụ, mà cũng chẳng ai giàu như người ngoài phố do buôn bán, làm nghề thủ công. Đất đai rộng rãi nên người Bản Na không phải làm lều xa nhà để trồng rau, chăn nuôi như các bản Giáy khác. Từ Bản Na ra chợ tỉnh chỉ chừng cây số nhưng chẳng ai đi buôn đi bán, người ta đi chợ bán bó rau, nải chuối, con gà của nhà rồi lại mua về những thứ cần dùng. Năm sáu chục năm về trước, vì có ít người nên chỉ cấy một vụ lúa cũng thừa thóc ăn. Từ ngày có hợp tác, ruộng vẫn có thế, mà người đông lên nhưng cấy hai vụ  giống lúa năng suất cao nên thóc nhiều. Bởi vậy, mọi người Bản Na luôn an phận với ruộng với làng như lời dặn của ông cha: “Pú cai tung cai sri, Tý bỏ đáy hũn căm xay tỳ toọc”. Có nghĩa là “Người bán đông bán tây, Không bằng người cầm cày một chỗ”.

Nhìn lại cánh đồng sắp chìm vào bóng đêm, Phù lẩm bẩm: Ôi! Chẳng lẽ đây là vụ lúa cuối cùng của cánh đồng Bản Na mình! Lòng Phù bồn chồn nhớ lại cuộc họp thôn cách đây mấy tối...

 

…Ngồi trên bàn chủ tọa hội nghị, giọng trưởng thôn lúc nghẹn lại, khi thì hào hứng: Theo đề án quy hoạch mới, Bản Na chúng ta sẽ nằm trong khu đô thị. Sắp tới sẽ có nhiều đường rộng, phố to, có nhiều xưởng máy, nhà hàng, trụ sở cơ quan và sướng nhất là nhà dân đều ở mặt đường. Cấp trên đề nghị bà con mình hết lòng ủng hộ công ty Thành An. Với phương án đổi đất lấy công trình, họ sẽ bỏ tiền ra san gạt mặt bằng, làm đường nhựa, dựng  đường điện rồi sau đó bán mặt bằng để bù vào số tiền đã đầu tư. Riêng các gia đình như của bản ta, giá cả đền bù đất đai, hoa màu được tính hệ số bốn tức là gấp bốn lần giá đền bù so với các xã nông thôn khác. Họ sẽ san gạt mặt bằng chỗ ở mới cho bản ta tuy không rộng như ở bản cũ nhưng giá trị tiền có khi gấp vài chục lần trong khe trong hẻm. Chúng ta chỉ phải trả lại cho họ số tiền san gạt chỗ ở mới chỉ bằng một phần tư giá bán cho các đối tượng khác. Hôm họp trên ủy ban thành phố, ông giám đốc công ty Thành An nói tiền lãi thu về chẳng đáng là bao nhưng lãi không thể tính bằng tiền mà là họ góp cho thành phố có thêm khu đô thị mới và dân nông thôn được làm dân phố.

Cuộc họp ồn ào khác hẳn mọi khi, phía trên bục, trưởng thôn nói theo công việc của chủ tọa, bên dưới từng tốp từng tốp thì thào bàn tán. Người ca cẩm: Không có ruộng thì sống bằng gì? Tôi sắp làm ông nội rồi, đi học nghề nào để có ăn? Tốp khác lại thì thầm: “Người Bản Na mình không biết đường buôn đường bán, chỉ biết mỗi đường cày thôi. Không có ruộng ra cày đường nhựa á?” Mấy thanh niên tụm lại với nhau thì thầm: “Các bố kêu dở bỏ mẹ. Người ngoài phố họ bảo giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố. Dầm mưa dãi nắng cày, bừa, cấy, gặt… bốn năm tháng trời mới được tấn thóc. Nếu đi làm ngoài phố, mỗi tháng ba bốn triệu bạc cũng thừa sức mua thóc ăn cho năm sáu tháng!”. 

          Hàng chục cuộc họp thôn, hàng chục đoàn cán bộ vào bản đặt máy đo đạc đất đai, kiểm đếm nhà cửa, hoa màu rồi định gía tài sản. Hai người phụ nữ trẻ vào nhà Phù làm việc gần hết buổi sáng rồi bảo: Cộng tất cả các khoản được đền bù, nhà anh chị được khoảng hơn năm trăm triệu đồng!

Gia phả nhà gã còn ghi rõ vì nghèo túng liên miên, lại bị loạn lạc nên cụ cố của gã cùng năm gia đình nữa đìu díu nhau dạt sang đây lập làng khai ruộng. Bằng nghề nông gia truyền và tính cần cù mà năm gia đình họ Thào, họ Nông, họ Lù, họ Vi và họ Hoàng nhà gã ngày một khá giả. Nhà Phù ở trong khe nước tưới cho gần trăm cân giống ruộng nên các cụ ví nó là khe bạc. Ngày xưa bạc là thứ thay tiền giấy nên dần dần người ta gọi là khe tiền mà gọi theo tiếng Giáy là Vĩ Sền. Đến Phù là năm đời nhưng chẳng đời nào biết được ruộng nương, ao vườn nhà cửa là bao nhiêu tiền.  Thế mà bây giờ mọi thứ tính thành tiền, mua được cả nhà hai tầng trên phố chợ. Tưởng nghe nhầm, Phù hỏi lại lần thứ hai thì người phụ nữ đeo tấm các ghi Hoàng Thị Dín cười: Em cũng là người Giáy nên em nhờ chị Hà đây cố tính toán để có lợi cho anh chị. Như cây bưởi kia chưa ra quả quy định giá chỉ có năm mươi nghìn đồng nhưng chúng em ghi là đã có quả sáu năm nên gía của nó là ba trăm nghìn! Nhìn hai cô cán bộ, vợ Phù rơm rớm mắt xúc động: Anh chị không biết lấy gì trả ơn hai cô cán bộ nhà nước. Cô người Giáy giọng nhỏ nhẹ: “Anh chị chỉ biết  thế, đừng nói với ai kẻo họ bảo bọn em ăn tiền của nhà mình…”

Từ ngày ruộng không còn, chưa có nơi để chuyển nhà ra chỗ mới và  tiền đền bù chưa thấy đâu nhưng bữa cơm, quyển vở cho con cùng vô số việc cần phải dùng tiền, đòi người Bản Na phải nhao đi kiếm việc làm. Bốc vác hàng, chạy chợ, bảo vệ, ô sin…Hơn năm sau, có người khéo tay nhanh ý vừa làm vừa học thành thợ gò hàn, thợ sửa chữa ô tô, xe máy… Phù cũng thế, vừa phụ vừa tập, rồi cũng thành thợ xây.

Mới hơn mười giờ trưa, nếu làm ngoài đồng  có gió và hơi nước nên dễ chịu nắng nhưng ở công trường xây dựng, đất đỏ như bốc lửa, viên gạch xẻng cát càng được đà nóng giãy khi mó tay vào.  Giơ tay đón viên gạch của người từ dưới đất tung lên, đầu óc Phù choáng váng, mắt nổ hoa như có vô vàn con đom đóm. Tay Phù không bắt kịp, viên gạch thuận đà lao thốc vào ngực làm gã đau điếng, lộn từ trên giàn giáo xuống đất.

 

Phù ra viện với tờ hóa đơn năm triệu đồng viện phí và tờ giấy xuất viện ghi: Rối loạn nhịp tim mãn tính, không được trèo cao, tránh xúc động mạnh. Phù đành bỏ xây, xin làm ở xưởng xẻ gỗ. Hắn mừng vì làm khoán nuôi cơm ngày đầu tiên, gã đã được hai trăm rưởi, gấp rưỡi thợ xây. Ở đời đồng tiền công cao hay thấp đều có giá của nó. Dù đeo khẩu trang nhưng bụi mùn cưa chui vào tai vào mũi, khạc đờm ra vàng đặc. Quái ác hơn, tiếng máy cưa lúc nào cũng chói tai. Đêm nằm ngủ chỉ mơ thấy tiếng kêu rin rít vào tận óc. Dù quý Phù nhưng dăm bảy ngày lại phải tìm người thay cho gã bị ốm nên chủ xưởng đành bảo Phù nghỉ. 

Đứng dưới cột điện trông hàng và xe đợi vợ, Phù ngao ngán ngáp dài. Từ ngày không được làm ở xưởng xẻ, Phù đành vay thêm tiền mua chiếc xe máy cũ  lai vợ đi chợ. Vợ Phù không phải cong đít đạp xe nhưng cả hai người đi mua đi bán cũng chỉ nhỉnh hơn một mình vợ hắn chút ít. Ba giờ sáng, hai vợ chồng đã lục đục dậy đi chợ đêm cất hàng. Tưởng dễ dàng nào ngờ cái chợ con chưa đầy chục sạp rau thì có tới vài chục xe đến đổ hàng. Mới hôm qua, Phù bàn với vợ mua hai sọt chanh về đổ. Phóng vội xe về chợ xép đã thấy hơn chục sọt chanh quả mọng nước. Vợ hắn cằn nhằn: Khổ thế đấy cứ tưởng chỉ có mình cất chanh, nào ngờ nhiều người quá. Thôi còn bao nhiêu mai mình bán vậy. Nhưng lấy tiền đâu cho con Cú nộp tiền học hè.

          Đang lo nghĩ hôm nay lại tiếp tục đi xe bán rong nốt sọt chanh, Phù nghe có tiếng người gọi mình. Trong ánh đèn cao áp, Phù nhận ra cô cán bộ Dín. Phù phàn nàn chuyện chưa được cắm đất tái định cư để làm nhà nên đang phải đi ở trọ thuê,  chuyện ốm đau, chuyện làm ăn và cả cái sọt chanh quả ở nhà. Nghe Phù nói, đang lắc đầu ngao ngán bỗng Dín nói như reo: Em chỉ cho anh chỗ này nhé! Anh chở sọt chanh đến cửa hàng Vân Hồng của chị gái em là hết ngay. Em sẽ điện cho chị ấy!

Cầm xếp tiền bán ba chục cân chanh, Phù mừng rơn định lên xe về thì nghe giọng một người phụ nữ nhanh nhảu: Anh gì áo xanh ơi! Hộ em một tay tý! Phù quay lại, phía người gọi. Bên cạnh chị ta là lồng gà chừng vài chục con nặng không nhấc nổi nên phải nhờ Phù khiêng ra sân cắt tiết. Vốn nhiều lần đi phục vụ đám cưới đám tang nên Phù thông thạo việc giết mổ gà vịt. Nhìn người phụ nữ loay hoay mãi mới bắt được con gà ra cắt tiết, Phù cười: Cô đưa dao tôi cắt cho mấy con. Phù thò tay vào mắt lồng, lôi cổ từng con gà ra cắt tiết mà chẳng phải vất vả gì. Bà chủ nhà hàng đi qua khen rối rít: Ai cũng giỏi như chú thì phúc cho cửa hàng tôi quá. Chợt bà ta quay lại niềm nở: Ở đây thiếu người phụ bếp, nếu chú làm, tôi trả mỗi tháng bốn triệu nuôi cơm!        

 Cả bếp có gần hai chục người phục vụ nhưng chỉ có hai nam giới thì một ông già bếp trưởng. Vì vậy mọi công việc nặng nhọc đều dồn vào vai Phù, nhất là việc giết mổ gà vịt ngan ngỗng. Dẫu rằng nhà hàng đã có cả máy vặt lông gà nhưng việc giết mổ  vẫn phải bằng tay. Việc làm đồ tể chưa xong, mấy phụ nữ lại lóe xóe: Ôi! Anh nhặt, đập nhanh giúp em mớ hành khô kẻo dầu rán già rồi. Cô khác lại õng ẹo: Anh! Khiêng giúp em sọt bát ra phòng ăn đi!

Nhìn người đàn ông trẻ đang thoăn thoắt mổ gà, mụ Va nhớ lại chồng mụ ngày trước vốn là tay mổ gà vịt nổi tiếng nhiều người thán phục. Nếu là có hội thi mổ gà vịt chắc chắn lão sẽ được giải nhất. Hôm ấy, một bàn chân đạp vào mình con gà trống hơn bốn cân, một tay lão kéo cổ con gà, tay kia cầm dao, miệng lẩm bẩm: Tao hóa kiếp này cho mày sang kiếp khác…Khi thấy con gà không giãy, gã buông tay ra và thật bất ngờ, con gà trống bật dậy nhảy lên đạp trúng vào hai mắt gã. Bao nhiêu tiền của để dành và cả bán nhà mặt phố để lấy tiền chữa trị nhưng hai mắt lão vẫn bị mù, chỉ còn mỗi công việc ăn ngủ và ngồi nghe ca nhạc. Từ ngày mắt chồng chỉ nhìn thấy bóng đen thì đầu óc mụ Va lại sáng lên. Vét toàn bộ số tiền còn lại, mụ mua một khu vườn rộng sau dãy nhà mặt phố, mở nhà hàng treo tấm biển Nhà hàng đặc sản Vân Hồng. Mụ dựng những chiếc chòi nhỏ dưới các gốc cây, bờ ao chỉ đủ kê một bộ bàn ghế. Hơi khuất nẻo nhưng thoáng đãng yên tĩnh nên khách ngày càng đông mà toàn khách sộp. Người ta đến đây ăn uống và đàm đạo, mặc cả ra giá chuyện làm ăn và cả chuyện tình mờ ám...  Khách đông, tiền vào két mụ Va ngày càng nhiều lên. Chẳng biết thực hay hư, lần nào đi xem bói người ta đều bảo mụ có quý nhân tuổi Nhâm Thìn phù trợ.. Mụ bỗng giật mình nhận ra người ấy chính là chồng mụ vì chỉ có lão già tuổi ấy, hơn ả tới hai chục tuổi. Nghe thầy bói, mặt mụ tái dại lại khi nghĩ từ ngày lão thành cái bóng trong nhà, mụ coi lão như người thừa.

Từ ngày chồng bị mù, bây giờ mụ mới thấy một người giỏi hơn cả như chồng mụ vì anh ta thạo nghề đồ tể và mọi công việc chẳng nề hà gì. Còn về thể xác, thì anh chàng này vừa trẻ, lại khỏe hơn chồng mụ. Nhìn anh ta quần áo lấm tấm tiết gà, mụ nuốt nước bọt ừng ực... 

Vừa mổ xong mấy chục con gà, Phù nghe tiếng mụ Va đứng giữa sân gắt gỏng: Này chú Phù, lên chị nhờ tý! Sao gọi mãi mà không trả lời thế ? Xấu hổ vì quần áo nhem nhuốc nhưng Phù vẫn phải lên phòng làm việc của mụ. Vừa đi Phù vừa lo mụ chủ sẽ cho nghỉ việc vì dạo này khách ít đến nhà hàng mà đổ xô ra những quán ngoài bờ sông thoáng mát. Ôi nếu thế, Phù biết làm việc gì để nuôi con. Dù tuần trước được lĩnh tiền đền bù đất đai và di chuyển nhà cửa nhưng Phù không dám tiêu dùng mà gửi hết vào ngân hàng để lo chuyện làm nhà. Khác với lúc nãy, bà chủ niềm nở mời ngồi xuống bộ sa lông bóng lộn nhưng Phù sợ bẩn cứ đứng như trời trồng, nên mụ phải đích thân dắt tay Phù vào ghế và ngồi liền kề đó như sợ Phù chạy mất. Từ người mụ phả ra mùi nước hoa thơm lừng làm Phù càng lúng túng thêm. Giọng mụ thẽ thọt: Chị mời chú lên có một việc. Dạo này bọn nghiện cứ rình rập liên tục nên chị muốn chú làm bảo vệ cho nhà hàng. Gọi là bảo vệ cho có tiếng thôi vì bốn bên đã xây tường cao lại có ca mê ra đặt bốn phía. Đàn chó béc nhà chị toàn giống thính, lại ngày nhốt đêm mới thả ra nên chúng hung dữ lắm. Hai là chị cần nhờ chú việc này… Liếc đi liếc lại không có ai, mụ ngồi sát vào Phù, tay day day đùi hắn, giọng nhẹ nhàng: Chị cần tiền nâng cấp nhà hàng mà nghe dì Dín nói chú vừa được nhận đền bù nhưng chưa xây nhà nên chị muốn chú cho vay và cho chị mượn bìa đỏ mảnh đất chú vừa được cấp. Cả tiền và bìa chị trả lãi cao hơn mọi người nhưng việc này chỉ có chị và vợ chồng chú biết. Còn cô ấy, nếu cần thì đến đây làm, khỏi phải phơi mặt ra đường ra chợ cho khổ. Mình cùng dòng họ Hoàng của người Giáy cả, chị không để em thiệt đâu nuống ơi! Thấy Phù chần  chừ, mụ Va tung ra một tràng toàn tiếng Giáy thề thốt: Nếu chị làm sai, chị sẽ thành người không biết ăn cơm… Thôi,  chú cứ về bàn với cô đi, nếu vợ chồng chú đồng ý thì chị mới dám vay. Chị còn nhiều cửa nữa người ta nhận lời cho vay nhưng chỗ thân thiết chị mới hỏi em!

Vừa san gạt, vừa xin điều chỉnh quy hoạch, có nhiều đợt cả khu đất nằm im lìm năm sáu tháng trời vì nhà thầu không còn tiền. Sau bảy năm ròng rã, cuối cùng khu đô thị mới cũng được hình thành. Bản Na mới nằm trên vùng đồng cũ được tôn lên cao hơn chừng bốn năm mét. Bản  mới được gọi là phố Bản Na hiện ra bằng những ngôi nhà cấp bốn, vài ba nhà hai tầng nhưng nhiều nhất vẫn là những khung nhà cũ bị thu kèo xà ngắn lại vì đất hẹp. Ngôi nhà gỗ nghiến bền hơn cả bê tông rao bán mãi chẳng ai mua, phần vì thầy mo bảo tuổi của Phù phải bốn năm nữa mới được làm nhà mới nên Phù thuê thợ sửa lại dựng tạm.

Xung quanh khu nhà hàng Vân Hồng được xây tường bao cao ba mét lại chăng lưới thép gai bên trên, nhìn qua người ta tưởng trại giam tù. Hơn thế nữa, đàn chó bec giê hơn chục con, ban ngày bị nhốt trong cũi, đêm đến, khi không còn khách, chúng mới được thả ra nên xóa nỗi ức vì bị giam cầm bằng cách chạy nhảy, lục lọi khắp nơi tìm địch thủ đã làm cho  chúng bị nhốt. Chỉ cần một động tĩnh nhỏ, cả đàn ào tới sẵn sàng cắn xé bất cứ người hay con vật nào dám xông vào lãnh địa của chúng. Lại nữa, gần chục chiếc camera đặt ở khắp nơi để quan sát nên dù làm bảo vệ, nhưng ít khi Phù phải ra khỏi phòng. Công việc không vất vả, lại đỡ phải lo nghĩ nên từ ngày làm bảo vệ Phù béo khỏe ra. Mỗi lần gặp Phù, đôi mắt bà chủ lại nhìn trước nhìn sau miệng tấm tắc: Em chị dạo này phong độ quá, vợ tha hồ được nhờ…

Đêm đã khuya lắm, đi một vòng quanh nhà hàng, Phù về phòng ngả lưng xuống giường cho đỡ mỏi nhưng rồi mệt gã thiếp đi lúc nào không biết. Gã mơ hai vợ chồng làm tình với nhau, mà lạ thật vợ gã cứ nắm lấy phần dưới của gã lúc bóp mạnh như muốn cho nát ra, lúc xoa nhẹ nhàng như cưng chiều. Lạ hơn nữa, vợ hắn hôn chùn chụt vào miệng hắn rồi cứ nhè môi hắn mà cắn đau điếng. làm hắn choàng tỉnh nhận ra người đè lên mình không phải là vợ Phù mà là bà chủ Va. Mụ ghé vào tai hắn tình tứ: Người gì lạ thế! Nào chiều chị đi!!!

Từ ngày Phù trở thành bảo vệ càng về nhà muộn bao nhiêu thì tiền hàng tháng đưa về cho vợ nhiều lên bấy nhiêu. Vợ Phù nhẩm tính ngày trước hai vợ chồng làm quần quật nhưng vẫn không đủ ăn tiêu. Từ khi Phù làm bảo vệ, dù phải ngày hai lần đưa đón con đi học, ả tranh thủ đạp xe đi bán rau nên tháng nào cũng  có tiền gửi tiết kiệm. Vợ chồng hắn bàn tính hai ba năm nữa số tiền gốc và tiền lãi cho mụ Va vay cộng với tiền vợ chồng hắn dành dụm sẽ dư sức xây nhà ba tầng như ngoài phố chợ và còn sắm được nhiều thứ đồ dùng đắt tiền để bằng người ta.

 Mới tờ mờ sáng người ta thấy có nhiều người kéo đến tìm mụ Va nhưng mụ đã cao chạy xa bay. Lúc ấy người ta mới biết mụ là con nợ tới dăm chục tỷ đồng. Một người đàn ông xòe ra trước mặt mọi người bản giấy viết tay của mụ Va giao lại toàn  bộ tài sản nhà hàng này cho lão.   

 Mặt Phù xanh tái không còn giọt máu. Thế là toàn bộ mấy trăm triệu tiền đền bù giải phóng mặt bằng và cái bìa đỏ thổ cư mới của vợ chồng hắn đã bay theo mụ Va đi mất tăm. Tiền mất, không có việc làm, vợ chồng Phù đành đưa con vào tít trong bản Luổng Đơ cách phố ba giờ đi xe máy ở nhờ bố mẹ vợ. Khi chia tay với hàng xóm, Phù dân dấn nước mắt:” Khổ lắm! Mình tên là Phù nhưng không được tổ tiên phù giúp để  làm người ở phố á!”

                                                                                               N.X.M

 

 

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)