bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 49
Trong ngày: 534
Trong tuần: 1292
Lượt truy cập: 774125

RƯỢU VÂN

RƯỢU VÂN

           

 nh_v_thin_khi_1

 TRUYÊN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI

 
  

 


       ự định đầu xuân năm tới làng Vân mở hội lớn mừng năm trăm năm thành lập. Lại nghe phong thanh, hai vợ chồng nàng Bích Vân và một nhóm thanh niên đang khẩn trương khoan sâu vào lòng giếng cổ để lấy nước, đúng dịp ấy nấu lại mẻ rượu Vân danh trình làng tiếng sau mấy năm vắng bóng.

Hai vị thượng tổ của hai dòng họ Nguyễn Doãn và Đinh Việt hiện thời là người có công lập nên làng Vân. Vốn gốc một vùng trung du nào đó, chả biết lý do gì hai cụ lại cùng lặn lội đến đây rồi cắm rễ ở đây. Cụ tổ Đinh Việt không một chữ trong đầu, nhưng có sức mạnh của loài gấu đực, một tay khai phá nên chả biết bao nhiêu mẫu ruộng. Lại được cụ bà cũng mang trong mình khí huyết phồn thực của gấu mẹ, nên đẻ liền tù tì mười thằng con trai hệt mười chú gấu con. Mười thằng lại sinh cho hai cụ cả trăm thằng cháu nội. Các thế hệ sau cứ thế nối tiếp gấu chắt gấu chút đầy đàn. Bây giờ, ở cái làng Vân này, dòng giống nhà Đinh Việt đã có hơn hai chục đời với hơn vài ngàn nhân khẩu.

Cụ tổ họ Nguyễn Doãn xuất thân thày đồ. Chữ nghĩa chỉ đủ dạy cho mấy đứa thò lò mũi xanh, nhưng am tường phong thủy. Vừa dừng chân nơi đất lạ, sau cả tháng lặn lội long đong, trong khi cụ Đinh Việt hăm hở mường tượng gửi gắm tương lai vào đám năn, lác bời bời mênh mông bát ngát, thì cụ Nguyễn Doãn buông quần lá tọa thả bộ quanh một gò đất nhỏ, nằm ven dòng sông con con nông choèn lững lờ uốn khúc ruột dê. Cân nhắc cặn kẽ, vợ chồng cụ quyết định dựng lều hạ trại. Ngọn gò này nổi lên giữa một vùng đầm lầy, quanh năm úng ngập. Hình như là gò thiên tạo. Trên đỉnh gò lùm lùm một mu đất nhỏ, chính giữa lõm một miệng giếng tròn vành vạnh, xung quanh mọc rặt một thứ cỏ loăn xoăn non tơ rất lạ. Nước trong lòng giếng trong văn vắt, thăm thẳm tưởng chừng không đáy. Sau này cụ đồ Doãn còn biết thêm, tháng hạn căng nhất nó cũng chưa bao giờ cạn nước. Mùa mưa lũ, cả cánh đồng ngập lụt, đục lờ, trong lòng giếng vẫn leo lẻo một màu trong suốt. Đứng giữa đỉnh gò nhìn về phía Tây, ngọn Ngọc Mỹ Nhân hiện lên hai chóp núi nhọn hoắt tròn căng mưng mửng giống hai bầu vú thiếu nữ đang thì. Thoai thoải về phía dưới, hai sườn núi tròn lẳn như cặp đùi non he hé một miền bồng lai tiên cảnh phập phồng phồn thực. Cụ đồ nghĩ nước giếng luôn xanh có lẽ do bốn mùa được hấp thụ khí thiêng bóng núi mà thành. Và biết đâu, giếng này chính là âm huyệt của ngọn núi mỹ miều kia. Chiều chiều ngồi trước cửa nhà, ngẩn ngơ ngắm núi khỏa thân lồ lộ dưới ánh hoàng hôn, cụ đồ Doãn cao hứng se sẽ ngâm câu thơ cổ Vọng mỹ nhân hề tây thất phương để nguôi ngoai bớt những nỗi niềm u uẩn chôn chặt đáy lòng. Tìm được mạch địa linh rồi, cụ chắc mẩm dòng họ cụ rồi sẽ nảy sinh những trang anh thư, tuấn kiệt. Nhiều năm sau, con cháu dòng họ cụ, tuấn kiệt chẳng thấy, nhưng anh thư tuyệt sắc thì đời nào cũng sẵn. Riêng đời cụ chỉ được một con trai nối dõi với hai con gái sắc nước hương trời. Chưa vượng phát, nhưng trời cho vậy cũng mãn nguyện rồi. Anh con trai học hành đì đẹt chẳng dám lều chõng tranh tài, đành kế nghiệp cha chi hồ giả dã dạy dăm ba đứa kiếm gạo ngày hai bữa. Hai cô con gái chưa tới tuần cập kê đã nức tiếng mười phần xinh đẹp, mười phần thông minh vốn sẵn tính trời. Cô chị vừa kết tóc xe tơ với một vị Thám hoa năm trước, năm sau cô em đã ngồi võng đào vu quy cùng quan Bảng nhãn tân khoa làng bên. Từ đấy, đời nào dòng họ Nguyễn Doãn cũng chỉ sinh được độc một nam nhi giữ phần nhang khói. Còn thục nữ, mỗi thế hệ đều sòn sòn sinh ra, ít thì một vài, nhiều thì năm ba, người nào cũng vẻ ngoài rờ rỡ tiên cô giáng thế. Đến tuổi cập kê cô nào cũng đều một bước lên ngôi mệnh phụ phu nhân. Tuy vậy, gia cảnh các đời nhà Nguyễn Doãn đều thanh bạch như nhau. Phú gia chẳng tới nhưng cũng không tụt xuống bần hàn. Quan cách chẳng dự phần, nhưng đều đứng vào hàng danh gia vọng tộc. Những ngày giỗ chạp, Tết nhất ngựa xe các quan tuần quan phủ xếp hàng dài dài hai bên cánh cổng tre sơ sài. Nhà thanh, tiếng cả. An bần lạc đạo mơ ước gì hơn.

Cũng bởi độc đinh, nên sau gần năm trăm năm cụ thượng tổ Nguyễn Doãn phá đất dựng nghiệp, cơ ngơi của cụ vẫn chỉ một trang viên duy nhất. Ngôi nhà mái tranh vách đất thuở đầu, qua mỗi đời mỗi phá đi làm lại. Cũng là nhờ các vị tế tử đại quan bỏ tiền xây cất. Tới khi hình thành một ngôi nhà gỗ năm gian bề thế thì không tu bổ thêm gì nữa. Ngày nay khu vườn căn bản vẫn như xưa. Hàng cau cao vút, những gốc quế, gốc lan trước sân, cây nào già cỗi thì cây mới trồng thay vào. Trong vườn, những cây ăn trái lưu niên cho hoa lợi cũng vậy, hàng cây non xen kẽ cây già. Nhìn chung, dẫu qua nửa thiên niên kỷ vật đổi sao dời, khuôn viên ấy dường như vẫn nguyên vẹn vẻ xưa, như là cốt cách nho phong dòng họ ấy cứ  mơ hồ phảng phất, cứ bền bỉ vững chãi lưu tồn muôn thuở. 

Cái giếng thiên tạo giữa trang viên cổ kính, được dân gian cho là nguyên nhân vượng phát những mỹ nhân dòng Nguyễn Doãn. Cái giếng ấy, trong dân gian còn lưu truyền một chuyện ly kỳ huyền ảo nữa. Chả ai nhớ vào đời thứ mấy nhà Đinh Việt lại nảy nòi một kẻ si tình. Anh ta một chữ cắn đôi không biết. Quanh năm cởi trần đóng khố một gang đánh dậm nuôi mẹ già. Ngày ngày ì oạp ven hai bờ con sông nước trong leo lẻo, chảy ngoằn ngoèo sát khuôn viên nhà Nguyễn Doãn. Chốn Đào Nguyên ấy sớm chiều thấp thoáng mấy bóng trang đài tha thướt. Trời sui hay là trời hại khiến anh ta mê mẩn một cô trong số ấy. Tự biết rằng hoa quỳnh đâu thèm nở vườn hoang, anh ta chỉ dám ngày ngày vác dậm lội sông để được mê mẩn chiêm ngưỡng bóng hồng. Rồi tới một đêm gió mưa tầm tã, nước sông dâng ngập cánh đồng. Sáng mai người ta thất kinh phát hiện xác anh đánh dậm họ Đinh Việt nổi trong lòng giếng nhà Nguyễn Doãn. Có thể do sẵn mối từ tâm, hay do vướng mắc nhân duyên tiền kiếp nên khi thi hài anh đánh dậm được vớt lên, cô tiểu thư họ Nguyễn ấy động lòng thương cảm, xúc động nhỏ xuống anh ta ba giọt nước mắt nóng hổi. Chỉ chờ có vậy, từ lồng ngực chứa trái tim kẻ si tình xấu số ấy, bỗng phập phồng như là đang thở rồi thoát ra một luồng khí trắng thơm nồng bay thẳng lên mây, rồi tụ lại thành một vì sao xanh biếc lao tũm vào lòng giếng. Mấy ngày sau trời yên gió lặng, trên mặt nước giếng nhô lên một bông súng rung rinh những cánh hoa mỏng tang màu ngọc bích. Từ đấy, suốt mấy trăm năm, cây súng ấy cứ đều đặn nở mỗi sáng một bông. Tàn rồi nở, nở rồi tàn, những cánh hoa trinh tuyết, những nhụy vàng rực rỡ thủy chung cứ kiên trì hiện diện khoe sắc, xông hương thách thức gió mưa, dẻo dai chờ đợi cho một kiếp xa xăm nào đấy cá nước sum vầy.  

Dân làng Vân có nghề nấu rượu chả biết tự bao giờ. Chẳng ai nhớ được. Cũng chẳng ai để ý, bởi vì nó cũng chỉ làng nhàng như rượu các làng khác mà thôi. Đến đời ông nội cụ đồ Hân bây giờ, gia cảnh bị lâm vào vòng cùng túng, phải tính đến việc nấu rượu kiếm thêm thu nhập. Gạo nếp lức và men ủ thì cũng như mọi lò rượu khác thường dùng, duy chỉ nước nấu rượu là múc lên từ cái giếng thiên tạo ly kỳ ấy. Ngay mẻ đầu tiên cụ đã cho ra một loại rượu khác thường, làm sửng sốt chính người cất chưng ra nó. Cái giây phút lịch sử ấy, khi hơi rượu mới tụ được ít giọt trong veo, đã phả đầy gian bếp một mùi ngây ngây phảng phất hương hoa súng. Mấy vị sành tửu được mời thưởng thức nước đầu đều gật gù bình luận, rượu tiến vua chắc gì đã ngon hơn. Thật vậy, chỉ mới ngửi hương rượu thơm nồng bay ra từ miệng chén, ta đã hồ như lâng lâng, láng cháng. Từ từ nuốt khỏi cổ, đợi một lát cho cái thứ nước mê hồn ấy thấm vào ngũ tạng, tức thì ta đã biến thành người khác mất rồi. Lúc ấy, dưới chỗ ta ngồi bỗng hóa đám mây trôi, và hồn ta ngất ngây bồng bềnh nghiêng ngả. Vốn có tấm lòng rộng rãi, chủ nhân cho gọi người làng đến múc nước giếng nhà mình về nấu thử. Kết quả họ đều thu được những mẻ rượu thơm ngon cực kỳ. Từ đấy, một đồn mười, mười đồn trăm, danh tiếng rượu Vân lan truyền đi khắp chốn. Sau này có vị sính chữ đoan quyết: sở dĩ làng có tên hành chính Ngọa Vân duyên cớ bởi chính đức vua đã ngự ẩm thứ mỹ tửu này, thấy tâm thần lơ mơ êm ái như ngủ trên giường mây, Đức Kim Thượng mới ngự phê ba chữ Ngọa Vân Tửu. Từ đấy làng xin đổi tên theo tên rượu cho thêm phần vinh dự. Nhưng dân gian thì vẫn cứ gọi làng Vân, rượu Vân. Chuyện này thực hư mờ mịt chẳng biết thế nào.

Cụ đồ Hân sinh hai gái rồi mới sinh được Nguyễn Doãn Hoan. Hai gái đầu dĩ nhiên phẩm hạnh tố nữ gia truyền chẳng thiếu một phân. Vừa tròn đôi tám đã lần lượt xuất giá theo chồng. Thời cuộc bấy giờ đã đổi sang Tây học, vẫn cử nhân tiến sĩ đấy, nhưng bằng của họ lấy tận mẫu quốc Pháp. Cụ đồ Hân đầy bụng khinh khi cái thứ Lang Sa, thế mà cũng phải nín nhịn thở dài chấp thuận. Thành vợ chồng rồi, họ tếch sang xứ Tây sinh sống. Mấy năm liền cụ chẳng biết mặt thằng cháu ngoại.  Doãn Hoan nối nghiệp cha, làm ông giáo trường làng được dăm năm thì nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc. Giai đoạn ấy, làng Vân rủi ro nằm trong vùng giặc Tây tạm chiếm. Lính Tây, lính ngụy vào làng quấy nhiễu bắt gà, bắn chó, xẩy ra như cơm bữa. Các trường học phải đóng cửa bởi chiến tranh, nhưng thương bầy trẻ nhỏ, giáo Hoan mở lớp dạy tại nhà. Sáng ấy cụ đồ Hân đi dự đám giỗ nhà bạn, ở nhà chỉ còn vợ chồng giáo Hoan và mươi đứa học trò. Khoảng mười giờ trưa, mấy thằng Tây da đen rạch mặt mò vào nhà, định kiếm con gà như thường lệ, thấy vợ giáo Hoan ngồi đun rượu trong bếp, hai má hây hây đỏ mọng, chúng lập mưu ném con gà ra giữa ruộng ngoài cổng, rồi sai giáo Hoan đuổi theo bắt lại. Khi ông Hoan một tay xách ống quần, tay cầm viên phấn trắng lò dò lội xuống thì một thằng giương súng bắn ông ngã xấp mặt xuống bùn. Sau đấy chúng  xộc vào bếp lôi chị giáo lên nhà trên hãm hiếp ngay trước mặt bầy trẻ nhỏ. Hàng xóm chỉ dám chạy đến cứu giúp sau khi bọn Tây đã rút về đồn. Đàn ông vội lội ào xuống ruộng khiêng xác ông giáo Hoan về nhà. Lúc khâm liệm, một bàn tay ông còn nắm khư khư viên phấn thấm đầm dòng máu đỏ. Đàn bà thì xúm vào cứu chữa và an ủi chị giáo nằm héo rũ xó buồng. Khoảng một tháng sau, chị giáo thấy người khang khác, nghi mang thai. Kinh sợ rằng mình sẽ sinh ra nòi sài lang nghiệt chủng, một đêm quá hoảng loạn, chị ra sông Cái trầm mình. Ba ngày sau dân làng mới tìm được xác chị, cùng một lá thư tuyệt mệnh trong túi áo, mỗi dòng chữ nhòe mực, một núi ai oán đau thương chất ngất. Năm ấy, cụ đồ Hân đã ngoài sáu chục tuổi rồi. Hai con cụ để lại thằng con trai năm tuổi. Chả biết do định mệnh hay sao, ngày đứa cháu nội ra đời, cụ chọn chữ Hận đặt tên cho nó. Từ buổi ấy dưới căn nhà cổ của dòng họ Nguyễn Doãn chỉ còn trơ trọi hai ông cháu côi cút nương tựa vào nhau. Cũng từ đấy ba gian bếp bặt tăm mùi rượu thơm lừng. Nhờ có mảnh vườn cho nhiều cây trái, hai ông cháu cũng sống được qua ngày. Thằng cu Hận thông minh vốn sẵn nếp nhà, sức học cứ một lèo thăng tiến lớp này qua lớp khác. Hết phổ thông, Hận theo học sư phạm, rồi về làng dạy học được một năm thì cụ Đồ cưới vợ cho cháu. Cuối năm cháu dâu sinh cho gia tộc cụ một gái đầu lòng, cụ đồ Hân mừng quí hơn vàng ngọc. Suy nghĩ cạn mấy đêm ròng, cụ hạ bút đặt tên chắt gái là Bích Vân. Cụ giảng cho vợ chồng giáo Hận: Chắt gái ta chính là viên ngọc bích cao sang ông Trời cất giữ trên chín tầng mây thanh sạch. Bích Vân lên năm tuổi thì cuộc kháng chiến chống Mỹ chuyển sang giai đoạn cuối. Hưởng ứng lệnh tổng động viên, giáo Hận xung phong nhập ngũ. Hai năm sau anh hy sinh tại cửa ngõ Sài Gòn, trước giờ chiến thắng chỉ vài mươi phút. Anh vào chiến trường được một năm, thì vợ anh ở nhà bị bom Mỹ sát hại, trong một đêm cùng đồng đội dân quân tải đạn xuống thuyền, chở ra tiền tuyến. Một lần nữa số phận lại bắt cụ đồ Hân phải giang đôi cánh tay già nua ấp iu che chở đứa chắt gái mồ côi yếu ớt. Năm ấy cụ đã hơn tám chục tuổi. Vậy là chắt gái Bích Vân của cụ đóng vai hậu duệ cuối cùng của dòng họ Nguyễn Doãn làng Vân danh tiếng. Năm Bích Vân tròn mười tám tuổi, học lớp mười hai, nàng đã nổi tiếng hoa khôi. Hình như có một sự đền bù bí ẩn, mỗi năm Bích Vân một lồ lộ thêm nét đẹp gia truyền của mấy mươi đời trước. Má hồng, môi mọng, da thịt mịn màng như miếng mỡ đông thế kia, chỉ có thể là tạo vật do trời hun đúc, nếu là bàn tay trần tục, thì dù tài hoa trác tuyệt đến mấy cũng không thể tác thành. Tốt nghiệp trung học vào loại xuất sắc, lý lịch thừa mấy lần ưu tiên, một suất du học là điều chắc chắn. Vậy mà Bích Vân từ chối hết thảy, thản nhiên đem sách vở khóa chặt vào ngăn tủ, ở hẳn nhà chăm sóc cụ nội già yếu hom hem gần chạm trăm năm sống khổ. Nhận bằng tốt nghiệp hôm trước, hôm sau Bích Vân xuống bếp lôi bộ đồ nghề nấu rượu gia truyền ra sửa chữa, rồi bắt tay nấu mẻ rượu đầu tiên trong đời. Từ đấy lò rượu nhà Nguyễn Doãn lại bập bùng ấm áp ngọn lửa hồng. Lại tiếp tục thánh thót rỏ đều từng giọt giọt trong veo thứ nước diệu kỳ, khiến hồn người lâng lâng bay bổng, như lạc vào chốn Bồng lai tiên cảnh.

Người đưa danh tiếng rượu Vân lên hàng thượng hạng lại chính là nàng Bích Vân, hậu duệ đời thứ hai mươi lăm của dòng họ Nguyễn Doãn. Cứ như là sự tình cờ, một đêm mưa rào ào ạt, bầy ếch nhái trong vườn đồng loạt inh ỏi tấu khúc hoan ca bổi hổi giống loài, nàng Bích Vân cảm thấy lòng dạ bồn chồn không thể nào chợp mắt, khẽ mở cửa bước ra ngoài khu vườn khuya mát lạnh. Tới bờ giếng, nhìn mặt nước sóng sánh nhiều mảnh trăng vàng vỡ vụn, bởi sự quẫy đạp náo nức của muôn loại côn trùng, trong cơn phấn khích, nàng nảy ra ham muốn ngâm mình trong làn nước lóng lánh gợi mời. Phút giây kỳ diệu ấy đã xẩy ra bởi sự mê hoặc, sự quyến rũ từ bông súng giữa lòng giếng đột nhiên bùng bùng ngọn lửa biếc xanh lóng lánh. Giữa lòng hoa, muôn nhụy vàng run rẩy bắn ra mùi hương con trai thanh tân rạo rực, khiến nàng như bị mê đi, như được trở về nguyên vẹn hình hài bé thơ; khiến nàng vô thức nhè nhẹ trút bỏ hết áo quần. Rồi từ từ ngâm cả tấm thân băng tuyết ngọc ngà lút trong làn nước nồng nàn ma mị. Hình như có sự dồn nén từ mấy thế kỷ chờ đợi phút giây này, khắp âm u vòm giếng, lập tức tràn ngập âm thanh phấn khích, hoan ca rên rỉ. Vây kín xung quanh nàng, từng chùm bọt khí sủi lên ào ạt, rồi xoắn vặn thành đôi cánh tay âm ấm dịu dàng ve vuốt đôi vai, mơn man eo lưng, làm nàng lịm dần trong miền cảm giác mới lạ, từ ngón chân cho tới đỉnh đầu đều ran ran ngứa ngáy như có muôn ngàn con kiến li ti bò bò trên da thịt. Tận trong tâm thức thanh cao trinh nữ, dù cố nén, ngọn lửa đê mê nhục thể đã phựt cháy bừng bừng, khiến đôi má nàng bỏng rát. Tắm giếng là điều nghiêm cấm từ xưa của nhà Nguyễn Doãn. Vậy là nàng đã phạm gia qui rồi. Lo sợ, bối rối kéo nàng về bổn phận, Bích Vân hốt hoảng nhảy vọt lên bờ. Rồi cứ trong trạng thái khỏa thân như vậy, nàng vô thức múc đầy chum thứ nước vừa được sinh ra trong cuộc giao hoan kỳ diệu, vừa rồi để dự trữ cho việc nấu rượu ngày mai.

Không ngờ mẻ rượu hôm sau nấu bằng thứ nước thoang thoảng mùi hương trinh nữ kín về lúc nửa đêm khuya ấy, lại chưng cất nên một mẻ rượu thơm ngon đặc biệt, hơn hẳn thứ rượu các cụ tổ tiên nàng ngày xưa từng nấu. Nếu rượu Vân truyền thống có hương thơm không thể gọi ra tên, thì rượu của nàng không cần tinh tế lắm, người thưởng thức cũng nhận được mùi hương trinh nữ dịu dàng, mùi thanh tân đê mê đầy nam tính thoáng bay, thoáng đậu không định vị một chỗ nào, mà lan tỏa êm ái lặn vào từng ngõ ngách thể tạng người thưởng thức. Có một sự khác thường, có lẽ không một thứ rượu nào trên đời sánh được là trong cơn say, người ta cảm thấy như được trở về với nguyên vẹn tuổi thơ hồn nhiên cao khiết, bao ham muốn tầm thường chẳng còn lởn vởn trong tiềm thức. Thay vào đó là một thứ tình người bao dung thương mến, thôi thúc ta muốn bắt tay nhau kết bạn, muốn cùng nhau hóa giải bằng hết mọi xích mích hận thù. Từ buổi ấy, làng Vân lại có thêm một đặc sản rượu Bích Vân quí hiếm, nổi tiếng đến nỗi cơ quan Văn hóa Trung ương đang nghiên cứu một đề án nhằm tôn vinh lên hàng quốc tửu.

Sau cái chết thương tâm của anh đánh dậm si tình, các thế hệ gấu con của nhà Đinh Việt đều được cha chú nghiêm khắc răn đe: Nếu không muốn hoá thành bông súng cô đơn bị giam trong giếng cổ, thì đừng bao giờ tơ tưởng đến các nàng tú nữ nhà Nguyễn Doãn. Suốt mấy trăm năm, hai nhà song song tồn tại cùng làng, nhưng chưa một lần phá lệ kết ngãi sui gia. Vậy mà đầu xuân năm ngoái, đã xẩy ra một đám cưới của một hậu duệ nhà gấu, tiến sĩ địa chất sánh duyên cùng nàng Bích Vân sắc nước hương trời, hậu duệ cuối cùng của dòng Nguyễn Doãn. Cụ đồ Hân lúc này đã thọ ngoài trăm tuổi. Đêm cũng như ngày, hầu như chỉ lang thang trong vườn lộc cộc gõ gậy hỏi chuyện từng gốc cây già cỗi. Bích Vân vừa lo nấu rượu vừa lo trông cụ như trông trẻ. Đầu xuân này nàng lâm bồn sinh một lần cho hai họ một trai một gái. Bé gái môi hồng, mắt xanh tóc mềm như liễu. Bé trai trán cao, lưng dài hội đủ tinh anh gấu đực của cụ thượng tổ. Ngày hai cháu ra đời, cũng là ngày địa phương long trọng làm lễ khánh thành một nhà máy hoá chất, trên cánh đồng trước mặt khuôn viên nhà Nguyễn Doãn. Con sông nhỏ chảy ngoằn ngoèo ôm ngọn gò năm trăm năm trước cụ tổ Nguyễn Doãn chọn làm đất dựng nhà, nay đã bị lấp bằng. Bữa dòng sông cạn nước biến thành đường bộ, cái giếng linh thiêng nguồn cội của những nàng tố nữ làng Vân, nguồn cội của thứ rượu Vân đặc sản cũng đột nhiên cạn nước. Cây súng cô đơn nở độc, mỗi sáng mỗi bông xanh biếc cũng đột nhiên chết héo. Và cụ đồ Nguyễn Doãn Hân thọ dư bách tuế, cũng đột nhiên lộc cộc chống gậy từ vườn về nhà, nằm thư thái trên chiếc giường gỗ cổ. Cụ cho vời hai vợ chồng Bích Vân tới bên, run rẩy giơ ngón tay khô quắt, chỉ lên tấm bài vị cụ Thượng Tổ trên bàn thờ rồi tắt thở.

Lo xong việc mai táng cụ cố, vợ chồng Bích Vân tìm thấy hai vò rượu miệng gắn xi kín mít, một vò đề chữ Vân Tửu, một vò đề chữ Bích Vân Tửu ở đúng nơi ngón tay cụ run run chỉ tới. Hiểu ý cụ cố di chúc điều gì, cả hai nắm tay nhau chạy ra vườn. Họ thấy dưới đáy giếng cổ xưa, trơ trơ một đám bùn khô. Đứng tần ngần một lúc lâu, tưởng chẳng còn chút hy vọng gì, định quay gót thì bất ngờ họ nghe phát ra một tiếng: Ục. Quan sát kỹ, cả hai cùng vui mừng nhận thấy nơi rốn giếng, vẫn còn một vụm bùn non, từ chỗ ấy, đều đặn vọt lên hí hóp từng nhịp thở, làm lay động một mầm xanh xao yếu ớt. Họ ngờ rằng chồi cây súng. Bất giác cả hai cùng chung ý nghĩ, hai vò rượu cụ cố để lại quyết không thể là vò rượu cuối cùng. Giây phút thiêng liêng ấy, từ phía trời Tây lồng lộng, ngọn núi Ngọc Mỹ Nhân mưng mưng hai bầu vú mơn mởn sức xuân, hắt bóng biếc xanh phủ khắp khu vườn. Dưới chân họ, từ trong rốn giếng phát ra hơi thở bùn non hổn hển, nghe mơ hồ như lời thiết tha thôi thúc.

Vậy là dưới sâu lòng đất, ngọn nguồn dòng nước linh thiêng giếng cổ vẫn còn. Vậy là nguồn cội rượu Vân không thể mất. Nguồn cội của bao nhiêu cái đẹp, cái chân cái thiện đâu chỉ vì một hành vi nông nổi của con người, mà chịu tức tưởi chết đi vô tăm vô tích.

anh_chuan_5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)