Suối Cọp của Hữu Ước - thành công mới của tiểu thuyết
về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam 1 (*)
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện
(Hội Nhà văn Việt Nam)
Trong 80 năm qua, từ ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam
22/12/1944 đến nay, trải dài các thời kỳ phát triển của văn học nghệ thuật
cách mạng, đã xuất hiện không ít tiểu thuyết ghi dấu những chặng đường văn
xuôi tự sự Việt Nam gắn bó, phản ánh khá thành công xung quanh đề tài lực
lượng vũ trang nhân dân và cuộc chiến tranh nhân dân trường kỳ của lịch sử
hiện đại Việt Nam.
Đó là các tiểu thuyết: Xung kích của Nguyễn Đình Thi (thời kỳ kháng
chiến chống Pháp); Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Cao điểm cuối cùng
của Hữu Mai, Bốn năm sau của Nguyễn Huy Tưởng; Bên kia biên giới, Trước
giờ nổ súng của Lê Khâm (thời kỳ những năm đầu miền Bắc xây dựng chủ
nghĩa xã hội); Hòn đất của Anh Đức, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh
Châu; Chiến sĩ của Nguyễn Khải; Vùng trời, 3 tập của Hữu Mai (thời kỳ chống
Mỹ cứu nước ở cả 2 miền Nam - Bắc).
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, đề tài lớn này
vẫn được các nhà tiểu thuyết quan tâm thể hiện trong Năm 1975, họ đã sống
như thế của Nguyễn Trí Huân, Đất trắng, 2 tập của Nguyễn Trọng Oánh, Nỗi
buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Hành lang phía Đông của Bùi Bình Thi, Cửa
gió của Xuân Đức…
Có thể thấy, tư duy tiểu thuyết mấy chục năm qua về đề tài nói trên đã có
sự vận động từ tư duy sử thi đề cập đến những vấn đề lớn quan thiết đến vận
mệnh toàn dân tộc, nhằm bảo vệ Tổ quốc chống kẻ thù xâm lược và bè lũ tay
sai, vang lên âm điệu anh hùng ca chủ đạo, dần dần rộng mở đến những vấn đề
riêng tư của thân phận con người trong chiến tranh khốc liệt, hoặc những mặt
khuất lấp của đời sống hiện thực trước đó bị né tránh (những gian khổ cùng cực;
sự tổn thất nặng nề, đau xót; sự thoái hóa, biến chất, đào ngũ, phản bội trong
hàng ngũ tham gia chiến đấu phía ta; nhân vật phía địch miêu tả còn sơ sài, đơn
giản…).
Sang thế kỷ XXI, dòng tiểu thuyết về lực lượng vũ trang và chiến tranh
cách mạng vẫn được tiếp nối, đặc biệt với các cây bút cựu chiến binh. Trong số
(*) Đọc tiểu thuyết Suối Cọp (tái bản) của Hữu Ước, Nxb. Hội Nhà văn, 2024, 448 trang.
đó, gần đây nổi lên tiểu thuyết Suối Cọp của nhà văn Hữu Ước.
Tiểu thuyết này được xuất bản lần đầu năm 2022. Lần tái bản gần đây
nhất là vào tháng 4 năm 2024, do nhà xuất bản Hội Nhà văn thực hiện. Gây
tiếng vang lớn, được nhiều người tìm đọc, tiểu thuyết cũng được dịch ra tiếng
nước ngoài, xuất bản tại Hungary, Mỹ và Thụy Điển..
Bản dịch đầu tiên bằng tiếng Hungary do nhà xuất bản AB Art của
Hungary phát hành vào mùa hè 2023. Giám đốc nhà xuất bản này, F.Balázs cho
biết: “Sau thời gian dài độc giả Hungary chỉ biết đến chiến tranh Việt Nam qua
các cuốn sách của người Mỹ, người Hàn Quốc, thì 3 năm nay, với cuốn Trại bảy
chú lùn của Bảo Ninh, Suối Cọp của Hữu Ước do AB Art xuất bản, độc giả đã
có cái nhìn khác hơn từ chính người trong cuộc ở phía Việt Nam. Sách của cả
Bảo Ninh và Hữu Ước (những cựu binh chiến tranh Việt Nam) đều được độc giả
Hungary quan tâm đón đọc…”.
Vì sao Suối Cọp gây hiệu quả rộng rãi, lan tỏa như vậy? Đã có một số
nhà văn, nhà quản lý cơ quan xuất bản, nhà nghiên cứu - phê bình trong và
ngoài nước nhận xét, phát biểu về cách nhìn mới về cuộc chiến tranh Việt - Mỹ
của tiểu thuyết Suối Cọp. Trong giới học đường văn khoa, bước đầu đã có
những Luận văn tốt nghiệp Đại học, Cao học khảo luận về nghệ thuật xây
dựng hình tượng người lính và nghệ thuật tự sự độc đáo của tiểu thuyết này
dưới góc nhìn thi pháp học, tự sự học.
Tham khảo các ý trên, đọc và suy ngẫm, cảm thụ riêng, dưới đây chúng
tôi có mấy ý kiến sơ lược về những nỗ lực đổi mới trong tư duy và bút pháp
nghệ thuật của tiểu thuyết này khi viết về đề tài lớn, quen thuộc là lực lượng vũ
trang nhân dân và chiến tranh nhân dân ở Việt Nam.
Với độ lùi nửa thế kỷ, xuất hiện sau nhiều người viết trước đó, song tiểu
thuyết Suối Cọp đã cắm một mốc mới, tìm tòi con đường riêng để thể hiện đề
tài thuộc về quá khứ mà không ít nhà văn đương đại còn đắn đo, hoang mang
chưa dám mạnh dạn thử thách ngòi bút.
Với cách tiếp cận chiến tranh qua một lát cắt trong thời gian ngắn tại một
vùng chiến sự trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn nơi bắt đầu, tiếp giáp
Tây Trường Sơn - vùng Suối Cọp, chỉ tập trung miêu tả dăm bảy nhân vật chính
gắn với các sự kiện lớn mà họ nếm trải trong chiến đấu và sinh hoạt thường
ngày, tác giả đã cho thấy chỗ đứng và góc nhìn mới mẻ, những suy tư, chiêm
nghiệm mới về hiện thực và con người thuộc các thế hệ, dân tộc, tầng lớp bị
cuốn vào guồng máy của chiến tranh, cùng những đặc sắc trong bút pháp in dấu
3
cá tính sáng tạo độc đáo của một nhà văn từng trải, lão thực.
1. Góc nhìn mở về chiến tranh cùng suy tư mới, nhân bản về an ninh
đất nước, an ninh con người (cái riêng tư thân phận, cái chung thuộc dân
tộc, văn hóa, nhân loại), an ninh môi trường sống toàn cầu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở những người cầm bút:
“Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn.
Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế
ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa
đặt ra” (Hồ Chí Minh - Về công tác văn hóa, văn nghệ, Nxb. Sự thật, H.,1971,
tr.22).
Nói về lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Bác Hồ đã khẳng định:
“bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, công an nhân dân vũ trang và dân quân, tự
vệ trong cả nước đã lập được nhiều thành tích và có nhiều tiến bộ trong chiến
đấu, học tập, công tác và sản xuất”. (Hồ Chí Minh - Vì độc lập tự do, vì chủ
nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, H.,1970, tr.269)
Là một cựu chiến binh, đã trải nghiệm những năm tháng tuổi trẻ trên
cương vị người lính trực tiếp cầm súng nơi chiến trường gian khổ, ác liệt ở miền
Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước, cây bút Hữu Ước đã tích lũy, sở hữu một vốn
sống phong phú, phồn tạp mà sâu sắc về muôn mặt của chiến tranh, về những
con người các loại tham gia vào cuộc chiến từ nhiều phía: lực lượng vũ trang
của ta, nhân dân, kẻ địch Mỹ - ngụy.
Từ những chất liệu thực tế và tư liệu thực chứng tích tụ qua năm tháng,
chín dần trong tâm tưởng không quên, trong con người nhà văn trào lên niềm
thôi thúc, bức xúc phải phơi trải và chia sẻ những hiểu biết và suy ngẫm của
người trong cuộc còn sống sót, để cung cấp, hiến tặng bạn đọc hôm nay những
trang viết chân thực như nó vốn có, không cần tô vẽ, bịa đặt. Tất nhiên là tiểu
thuyết, nhà văn phải tổ chức, sắp xếp, bố cục theo chủ đề và trong phạm vi hư
cấu nghệ thuật tổng hợp và khái quát hóa cho phép để đảm bảo tính chân thật
của nghệ thuật đích thực.
Nhà văn Hữu Ước đã chân thành cảm ơn cuộc đời đã cho ông có tuổi thơ
nơi đồng chua nước mặn ở quê nhà Hưng Yên và cho ông là người lính trong
những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Ông tâm sự
về quá trình dụng bút viết Suối Cọp: “Tôi phải cảm ơn các thủ trưởng đã luôn
cho tôi được sáng tạo trong tự do, không bị bất cứ một “vòng kim cô” nào”.
Tâm huyết và được đảm bảo tự do sáng tạo khi thể hiện đề tài, ông đã
4
chọn một chỗ đứng đắc địa trong một góc nhìn mở về chiến tranh.
Ông không chỉ tiếp cận chiến tranh theo cách nhìn truyền thống, tức ở
tầm vĩ mô, đơn tuyến làm nổi bật tính sử thi, hào hùng, cao cả của phía ta trong
cuộc xung đột giữa 2 bên ta và địch, để bảo vệ an ninh Tổ quốc. Giữa hai lực
lượng ta và địch tác giả vẫn cho thấy sự khác nhau về lý tưởng, tinh thần chiến
đấu, động cơ cầm súng, cần phải phân tuyến rành mạch, không lẫn lộn.
Song mặt khác, tuy hai bên thuộc 2 trận tuyến phải tìm mọi cách để tiêu
diệt sinh lực đối phương, giành thắng lợi về mình, nhưng có những phạm vi
thuộc về nhân tính, bản tính người như tình cảm gia đình, tình đồng đội (với cha
mẹ, anh chị em, người thân là vợ con, người đồng đội từng đồng cam cộng khổ
bên nhau sống chết…) thì đôi bên vẫn có những điểm gần gũi, gặp gỡ nhau.
Những người lính có lương tri của hai bên vẫn trân trọng giữ gìn những kỷ vật
gia đình thiêng liêng của người lính phía bên kia khi họ đã ngã xuống, trân
trọng hình hài của họ được trở về trong sự mong đợi của người thân. Chương 5
của tiểu thuyết viết rất xúc động về chiến sĩ ta sau khi tiêu diệt tên lính biệt kích
địch, thấy trong ví của y có tấm ảnh với dòng chữ trẻ con của em gái y, mong y
trở về sớm đoàn tụ với má và em, đã quyết định tìm cách cho máy bay trực
thăng của đơn vị y được an toàn đáp xuống nhặt xác y về để giao lại cho gia
đình.
Về việc này, nhà văn Hữu Ước đã viết về ý nghĩ của người chỉ huy phía
ta, như sau: “từ trong sâu thẳm, anh muốn những tên biệt kích kia qua việc anh
trả lại xác tên biệt kích bị giết và việc anh không tiêu diệt chúng, sẽ thức tỉnh cái
nhân bản của con người, dù chỉ là tia hi vọng mong manh cái nhận thức con
người về chiến tranh, về cái hậu quả đau đớn của việc giết người… Anh muốn
những tên biệt kích này hãy chùn tay súng lại, không khát máu, không cuồng
điên…” (Chương 5, tr.95).
[Trên thực tế, về phía lính Mỹ, đã có những người sống sót sau chiến
tranh đã tìm cách gặp, trả lại cho người thân của những người lính “Việt cộng”
ở Việt Nam, những cuốn nhật ký, những kỷ vật mà họ đã thu được trong cuộc
chiến sinh tử mà những người lính “Việt cộng” đã hi sinh, mang theo bên mình.]
Chính với tâm thế mở, đề cao chủ nghĩa nhân bản và luật pháp quốc tế,
nên chiến sĩ ta khi gặp đối phương là lính Mỹ đã đầu hàng và trở thành tù binh
rồi thì để họ được an toàn tính mạng, chăm sóc y tế chu đáo để sức khỏe mau
bình phục, sớm được trở về với gia đình, người thân (Chương 6, tr.114 và
Chương 7, tr.307).
- Góc nhìn mở về chiến tranh của Hữu Ước không thu hẹp trong phạm vi
5
liên quan đến bảo vệ chủ quyền quốc gia (an ninh truyền thống) mà còn phải chống
lại sự đe dọa đối với an ninh con người, kinh tế, văn hóa và môi trường sống.
Suối Cọp còn là bản tình ca buồn của tình yêu con người không được
thực hiện trọn vẹn trong chiến tranh, là tiếng nói tố cáo bom đạn và chất độc
màu da cam đã hủy hoại môi trường sống và thiên nhiên từng che chở con
người, là sự cảnh báo chiến tranh có thể hủy diệt sự tồn tại của cả một tộc người
cùng với truyền thống văn hóa từ bao đời đã gắn bó với họ. Chiến tranh còn để
lại những di họa khủng khiếp về di truyền nòi giống cho thế hệ sau.
Những phương diện nói trên, ngày nay thế giới văn minh đã yêu cầu cần
phải được bảo vệ an toàn, đó là an ninh phi truyền thống, cho từng cá nhân cũng
như cho cộng đồng dân tộc, quốc gia, trên toàn cầu, không loại trừ một ai.
Trong con người, tình yêu nam - nữ, là một trong những quyền con người
thiêng liêng, cần được tôn trọng và bảo vệ.
Những người lính của chúng ta, trong gian khổ của chiến tranh khốc liệt
đối diện với những thử thách nghiệt ngã, nhưng họ vẫn tìm thấy niềm vui sống
như được tiếp thêm nguồn nghị lực, để tồn tại và hoàn thành nhiệm vụ công dân
cao quý. Họ nuôi dưỡng tình yêu đối với thiên nhiên tươi đẹp có đất đai thân
thuộc, nguồn nước khí hậu trong lành, cây cỏ xanh tươi, chim thú gần gũi thân
thiện. Họ trân trọng tình yêu mà Tạo hóa đã ban cho họ có được với người thân,
người thương (ông bà cha mẹ, anh chị em, nghĩa vợ chồng…).
Trong tiểu thuyết, nhà văn đã dành nhiều trang giàu cảm xúc và thi vị,
miêu tả cuộc tình của 2 cặp đôi. Hoàn (chiến sĩ) và Lan (y tá); Tuần (đại đội
trưởng) và Liên (bác sĩ quân y). Tác giả có cái nhìn chia sẻ, cảm thông, trân
trọng, thể tất cho sự bất cẩn mà cuồng nhiệt khi họ đến với nhau, gắn bó thân
xác si mê, không gì cưỡng lại được.
Kỷ luật quân đội thời chiến không khuyến khích việc yêu đương trong
thời gian tại ngũ, khuyến nghị con người cần “hi sinh tình cảm”, gác tình riêng
để dồn sức hoàn thành việc chung của tập thể đồng đội.
Tác giả tiểu thuyết đã không nhìn nhận quá ư “khắt khe” trước sự vi
phạm quy định ít nhiều của các cuộc tình giàu tính nhân bản này. Ông đã tìm
cách hóa giải những ràng buộc không đáng có đối với nhân vật của mình. Bác sĩ
Liên đã cắn răng, nén khóc, sau khi trao thân cho người mình yêu, đã để lại bức
thư trải lòng, lặng lẽ xin chuyển công tác sang đơn vị khác để không bị nặng
lòng mà vướng víu. Chị đã hi sinh mà không gặp được người yêu đầu đời.
Y tá Lan thì được ra quân trở về địa phương với cái thai trong bụng, kết
quả của tình yêu dâng hiến trọn vẹn với Hoàn, trong khi người tình của cô sau
6
khi hứng chịu án kỷ luật do vi phạm kỷ luật yêu đương nơi chiến trường, đã tự
gây ra cái chết bất đắc kỳ tử.
Cái nhìn về tình yêu, tình cảm cao quý mà con người dành riêng cho
nhau, đối với tác giả là độ lượng và cảm thông. Vì đó là những bản tình ca đẹp,
nhưng buồn, đáp ứng những gì thuộc bản tính tự nhiên của con người, cho dù
chỉ có điều chưa hẳn đã phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh bây giờ, nên phải
chăng có phần “quá đà”, có phần chưa hoàn hảo, do không cẩn trọng.
[Viết đến đây tôi không khỏi không liên hệ đến 1 chi tiết trong tiểu thuyết
Phía Tây không có gì lạ của E. Maria Rêmac (Đức) đã dịch ra tiếng Việt. Đồng
đội thương binh cùng phòng điều trị đã đồng tình bảo nhau làm lá chắn để che
chở cho cuộc giao hoan của người đồng đội trên giường bệnh khi vợ anh ta cất
công lên thăm chồng lâu ngày cách xa.]
Bên cạnh miêu tả tình yêu, tiểu thuyết còn có những trang viết tự nhiên,
trong trẻo về đáp ứng nhu cầu sinh lý bản năng tự nhiên của con người (chiêm
ngưỡng thân thể đẹp của phụ nữ khi họ tắm và ngủ; tình dục “tự sướng” của đàn
ông khi họ quá căng thẳng…).
Các chương 7 và chương 8 của tiểu thuyết được tác giả viết một cách
khéo léo miêu tả hành trình của 2 chiến sĩ Hữu và Hoàn mang lương thực đến
cứu giúp bà con người dân tộc bản Bông Va, họ phải đi băng qua khu rừng chết
vào hang sâu cứu đồng bào sắp chết vì đói khát. Qua đó, đề cập đến vấn đề quân
đội, lực lượng vũ trang tham gia vào việc giữ gìn các phương diện của an ninh
phi truyền thống, tất cả hướng về con người, bảo vệ sự an toàn tính mạng, kinh
tế, văn hóa phong tục của họ. Đó cũng là một sứ mệnh thiêng liêng của lực
lượng vũ trang góp phần duy trì sự gắn bó và niềm tìn của nhân dân với Đảng,
với quân đội. Quân đội không chỉ tập trung làm nhiệm vụ quân sự (là chính) mà
còn phải tích cực tham gia làm kinh tế, văn hóa và an sinh xã hội nữa.
2. Đặc sắc bút pháp nghệ thuật của tiểu thuyết Suối Cọp thể hiện cá
tính sáng tạo độc đáo của Hữu Ước
- Xây dựng nhân vật: Tác giả tập trung bút lực xây dựng các nhân vật
chính về phía ta là Đại đội trưởng Quyết - chỉ huy đơn vị bộ binh 759 bảo vệ
đường Trường Sơn; đại đội trưởng Tuần - chỉ huy đơn vị trinh sát vũ trang 26
Công an vũ trang; Hữu - chiến sĩ liên lạc của Đại đội trinh sát vũ trang; Hoàn -
chiến sĩ đại đội trinh sát vũ trang; Thế Cương - tiểu đội trưởng; Mão - chính trị
viên đại đội trinh sát; bác sĩ Liên, y tá Lan thuộc Trạm Cứu thương Suối Cọp.
Các nhân vật chính này đều được miêu tả kỹ về ngoại hình, hành động và
7
cử chỉ, ngôn ngữ nói cùng là đời sống nội tâm của họ. Điểm mạnh của Hữu Ước
trong xây dựng nhân vật là ông rọi cái nhìn bên trong, đi sâu vào thế giới nội
tâm của nhân vật, cho thấy chiều sâu trong đời sống tình cảm và suy nghĩ của
họ, kể cả ở những phương diện thầm kín, khó nói ra, những cuộc xung đột nội
tâm dai dẳng trong lòng trước khi họ hành động này nọ. Trong đó nhân vật Hữu
- nhân vật trung tâm - có nhiều nét về con người, lai lịch và tính cách là tương
đồng, rút ra từ nguyên mẫu là tác giả, nhưng không đồng nhất hoàn toàn.
- Bố cục, tình tiết và chi tiết
Tiểu thuyết được viết theo bút pháp tự sự truyền thống, sắp xếp thành 23
chương với phần kết. Các chương được kể theo trình tự thời gian tuyến tính là
chính, xen kẽ với những đoạn hồi ức của nhân vật, đảo thời gian về quá khứ.
Mỗi chương kể trọn vẹn một câu chuyện của nhân vật chính với các nhân vật
phụ có liên quan, về các sự kiện gắn kết người của 3 đơn vị phía ta trong hợp
đồng tác chiến trên chiến trường hoặc trong sinh hoạt đời thường nơi hậu cứ,
chăm sóc thương binh ta và tù binh Mỹ. Tất cả được liên kết, xoắn xuýt, đan cài
vào nhau, dệt lên bức tranh tổng thể về cuộc chiến tranh nhân dân huy động sức
mạnh tổng hợp từ nhiều nguồn, mà lực lượng vũ trang là chủ công, quyết định
mọi thắng lợi.
Tiểu thuyết lôi cuốn sự tiếp nhận của người đọc qua những tình tiết, chi
tiết miêu tả rõ nét, sinh động, như bày lên trước người đọc những thước phim kỳ
thú, những lớp kịch căng thẳng, hồi hộp. Ví dụ:
- Đại đội trưởng Tuần trổ tài bắt sống rắn độc để giải cứu đồng đội
(Chương 1, tr.12).
- Con gái già làng Bông Va không may bị hổ vồ và các chiến sĩ ta phải
bày đặt phục kích để sát hại hổ dữ, trừ họa cho dân bản (Chương 4,
tr.52).
- Hoàn và Lan bị chỉ huy đơn vị theo dõi bắt quả tang khi đang ân ái
trong rừng không xa chỗ đơn vị đóng quân (Chương 21).
- Cuộc giao hoan nồng cháy ngẫu hứng giữa đại đội trưởng Tuần và bác
sĩ Liên trên đường về nơi đơn vị tập kết (Chương 9).
- Đại đội trưởng Quyết chiến đấu dũng cảm nhưng bất hạnh chết vì ngộ
độc trong gian hào trên đồi không tên đầy tử thi ngập nước. Sau đó,
phải đưa voi của đơn vị đến vớt xác người dũng sĩ lên bờ, rồi voi cũng
nhiễm độc mà mất mạng (Chương 14).
- Cuộc chiến sống mái giữa đàn chó sói hung dữ với cặp voi sau khi giao
8
hoan, được 2 chiến sĩ Hữu và Hoàn chứng kiến, khiến các anh phải
xông vào dùng súng đạn giải cứu đôi voi đưa về bản (Chương 7).
- Cuộc chiến tử thủ, giằng co một mất một còn giữa lực lượng ta và phía
địch trên Đồi không tên (Chương 13).
- Chiến sĩ Hữu sau chiến tranh thực hiện lời hứa đền bù dân bản Bông
Va, do ngày trước con trâu của bản buộc phải thịt làm thức ăn cứu sống
dân bản; việc đó nay dù làm muộn mằn, nhưng khiến anh thanh thản
trong lòng (Phần kết).
Những tình tiết trên với các chi tiết miêu tả sinh động, có những nét bất
ngờ, ly kỳ, khó có thể tưởng tượng ra được, cho thấy tài quan sát và năng lực kể
chuyện bậc thầy của cây bút lão thực.
- Ngôn ngữ và giọng điệu tiểu thuyết
Ngôn ngữ của người kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật, đối thoại và độc
thoại nội tâm, tả cảnh, tả tình… được tác giả sử dụng khéo léo, nhuần nhuyễn,
thông thạo và tự nhiên. Cảnh và người như hiện lên rành rõ trước mắt người
đọc, như vang lên, ám ảnh tâm trí người đọc.
Toát lên từ các loại ngôn ngữ được sử dụng nói trên, tác phẩm như là một
bản hợp xướng, đa giọng điệu, đa diễn ngôn: có giọng điệu khoan thai mà hào
hứng, có giọng điệu trầm lắng đầy suy tư, có giọng điệu bi tráng có giọng điệu
đầy cảm xúc, thăng hoa tâm tưởng; có giọng điệu phấn chấn, lạc quan, tin yêu.
Tất cả làm thành một khúc vĩ thanh vừa có tính chất sử thi, anh hùng ca,
vừa có tính chất bi tráng của những con người anh hùng, quả cảm đã vượt lên
muôn vàn thử thách cam go, đối diện với cái chết, để vượt lên giành chiến thắng
cho Tổ quốc trường tồn, cho sự tôn vinh các giá trị nhân bản nơi con người với
niềm tri ân sâu sắc tưởng nhớ những người không quản thân mình hi sinh vì đại
nghĩa của dân tộc, nêu cao tinh thần hòa hợp dân tộc, hóa giải hận thù, hướng về
Chân - Thiện - Mỹ - những giá trị căn cốt, vĩnh hằng!
*
Có thể nói Suối Cọp là một thông điệp nghệ thuật thân thiện và khả ái,
giải mã vì sao lực lượng vũ trang Việt Nam gắn bó và được nhân dân làm hậu
thuẫn chắc chắn, đã tích hợp được nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn
của một đất nước yêu chuộng hòa bình với hàng nghìn năm văn hiến truyền
thống, đã chiến thắng giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, một cách thuyết phục,
như một kỳ tích của thời đại.
Nối tiếp Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh ra đời trong thập kỷ cuối của
9
thế kỷ trước, trong bối cảnh dân tộc và quốc tế ngày nay, Suối Cọp xuất hiện
năm 2022, lại thể hiện thành công, cắm một mốc mới trong sáng tác về đề tài
lực lượng vũ trang nhân dân và chiến tranh cách mạng để bảo vệ Tổ quốc, nêu
cao những giá trị nhân bản nơi con người, giúp xã hội và con người tồn tại vĩnh
hằng, phát triển mạnh mẽ trong an ninh bền vững.
Hà Nội, tháng 11 năm 2024
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh - Về công tác văn hóa, văn nghệ, Nxb. Sự thật,
H.,1971, tr.22.
2. Hồ Chí Minh - “Lời phát biểu trong buổi chiêu đãi mừng quân đội ta
20 tuổi”; Trong: Vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật,
H.,1970, tr.269.
3. Nhiều tác giả - “Một cái nhìn mới về cuộc chiến tranh Việt - Mỹ”,
Trong: Phụ lục tiểu thuyết Suối Cọp của Hữu Ước, Nxb. Hội Nhà
văn, H.,2024, tr.417 - tr.447.
4. Lê Việt Hường - Tiểu thuyết Suối Cọp của Hữu Ước dưới góc nhìn tự
sự học, Tóm tắt Luận văn Thạc sĩ Lý luận văn học, Trường Đại học
Sư phạm Hà Nội 2, 2024, 24tr.
5. Nguyễn Ngọc Thiện - Thăng hoa sáng tạo và Thẩm mỹ tiếp nhận văn
chương (Tuyển tập 1974 - 2017), Nxb. Hội Nhà văn, H.,2018, tr.394
- tr.403.
6. Trần Thị Trâm - “Suối Cọp và cách giải mã chiến tranh của nhà văn
Hữu Ước”, amp.cand.com.vn, ngày 28/5/2022.
7. Ngô Khiêm - “Ra mắt tiểu thuyết Suối Cọp của Trung tướng, nhà văn
Hữu Ước”, amp.cand.com.vn, ngày 29/10/2023.
8. Sao Khuê - “Tiểu thuyết Suối Cọp của nhà văn Hữu Ước xuất bản ở
Hungary”, vanvn.vn, ngày 19/7/2023.
9. Gia Bảo - “Mối quan hệ và sự chuyển hóa giữa an ninh truyền thống
và an ninh phi truyền thống”, https/wwwtapchicongsanorg.vn, ngày
14/12/2018
10. Toàn văn bài phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Đối thoại
Shangri-La lần thứ 19, Website : bqp.vn, mod.gov.vn, ngày
14/6/2024
Người gửi / điện thoại