bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 14
Trong ngày: 295
Trong tuần: 1464
Lượt truy cập: 650721

TẤM ẢNH LƯU GIỮ

Trần Ngọc Dương
 
TẤM ẢNH LƯU GIỮ VÔ TÌNH
(Trích tiểu thuyết “Ngôi nhà có giàn hoa giấy”)
 
“…Những lần sau mỗi khi được rãnh rỗi, Minh thường ghé quán vào những quãng thời gian khác nhau trong ngày. Một lần, bà chủ quán buột miệng khi nhìn thấy tấm ảnh Minh để trước mặt:
- Chú biết con nhỏ Út Mai?
Minh ớ ra hỏi lại:
- Bác ...ác vừa hỏi cháu?
Bà chủ quán khẳng định:
- Vâng! Tôi vừa hỏi chú, chắc chú biết con nhỏ Út Mai?
- Ai là Út Mai cơ?
Bà chỉ vào tấm ảnh:
- Đây nè, là cô gái này.
Minh hỏi lại:
- Là cô gái này?
Bà chủ quán phân trần:
- Chẳng nhẽ nhỏ lại nói với chú một cái tên khác. Mà tôi cũng không rõ khi đi học, con nhỏ có tên kêu là chi nữa? Út Mai là tên lối xóm ở đây vẫn thường gọi nó. Nhà nhỏ chỉ có hai anh em thôi.
Minh thăm dò:
- Nhà chỉ có hai anh em, nhưng sao cháu thấy cánh cửa cổng đóng suốt ngày. Mà cháu cũng chưa bao giờ trông thấy người anh cả.
- Ba dạy học, má là bác sĩ, nhưng cả hai đều có tuổi rồi. Từ ngày anh con Út Mai bị tử vong, mất xác ở mặt trận Hớn Quản vào mùa hè năm 1972, ông bà ấy buồn sọp hẳn đi.
Minh thốt lên:
- Mất tích ở Bình Long, vào chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972?
Giọng bà chủ quán trùng xuống:
- Thì Hớn Quản, Bình Long hay An Lộc cũng chỉ là một, tùy theo thói quen thường gọi của mỗi người khi nói về mặt trận ấy. Dạo đó, gia đình nhỏ Mai nhận được tin máy bay của anh mình bị Giải phóng bắn rơi trên lộ 13. Phía chính quyền Sài Gòn còn nói rõ: Phi cơ bị vỡ vụn khi rớt xuống đất, không tìm thấy  người lái. Mà dạo ấy, lính Cộng Hòa tử trận ở đó nhiều lắm, phần lớn đều mất xác cả.
Minh trầm ngâm, im lặng nhớ lại những ngày làm nhiệm vụ chiến đấu trong Mùa hè máu lửa - theo cách gọi của những người lính ở cả hai phía - trên con lộ 13.
**
Dạo đó, sau sáu trời hành quân vượt Trường Sơn, đoàn của Minh vào đến B2. Lúc bàn giao quân ở binh trạm cuối cùng, đoàn chỉ còn lại hai phần ba quân số so với đội hình khi xuất phát. Vậy mà cấp trên còn nói: “Như vậy là đã thành công rực rỡ, vì từ trước đến nay, hầu hết các đoàn ở ngoài Bắc vào chỉ đảm bảo được một nửa con số lúc cán đích.”
Ngay ngày hôm sau, đoàn của Minh được phân bổ vào các tiểu đoàn chiến đấu trực thuộc một đơn vị chủ lực của Miền.
Minh không khỏi ngỡ ngàng, khi nghe đồng chí Tiểu đoàn trưởng nói lúc đón nhận tân binh: “Chưa bao giờ quân số của chúng ta đầy đủ như bây giờ. Nếu tính từ ngày đồng khởi đến nay, theo danh sách của bên quân lực lưu giữ, chúng ta có thể thành lập được hai mươi bốn tiểu đoàn như hiện nay. Các đồng chí được bổ sung đúng lúc đơn vị ta đã nhận được nhiệm vụ chiến đấu. Trong chiến dịch này, mặt trận B2 của chúng ta có nhiệm vụ: Giải phóng một phần các tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh để làm bàn đạp uy hiếp Sài Gòn từ hướng bắc và tây bắc.”
Sau này, lúc đơn vị Minh tham gia đánh tiêu diệt Tiểu khu Bình Long, anh được nghe đồng đội truyền cho nhau cái tin: “Nơi này đã được chọn làm thủ đô của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.”
Cả ta và địch đều biết rất rõ tầm quan trọng của chiến dịch này. Các lực lượng mạnh nhất của hai bên đều được tung vào tham chiến. Tất cả phương tiện và vũ khí hai phía đang có đều được sử dụng tối đa. Hai bên thi nhau dùng các loại hỏa lực mạnh nhất, nhiều thứ lần đầu tiên xuất hiện ở chiến trường này.
Phía địch dùng cả máy bay chiến lược B52 ném bom rải thảm, hòng ngăn chặn bước tiến của Quân giải phóng.
Còn bên ta, lần đầu tiên sử dung các loại pháo do phương tiện cơ giới kéo và xe tăng cho các trận đánh. Tổn thất, thương vong của hai bên tăng nhanh đến mức chóng mặt.
Sau khi chiếm xong cụm cứ điểm Lộc Ninh, đơn vị của Minh được lệnh tham gia tiến công thị xã Bình Long. Cấp trên nhận định: Nếu tiêu diệt được Tiểu khu Quân sự Bình Long, sẽ kéo theo sự sụp đổ toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch trên đường 13. Và ngay lập tức: Đô thành Sài Gòn sẽ bị uy hiếp! Nhưng trận Bình Long ta không thành công như ý muốn.
Sau một thời gian thử lửa, đơn vị của Minh chỉ còn lại một phần ba con số so với lúc đầu tham gia chiến dịch. Không kịp củng cố lại đội hình, đơn vị nhận được lệnh lập chốt chặn trên suối Tầu Ô. Một con suối nằm trên lộ 13, đoạn giữa Chân Thành và Bình Long. Được hai ngày, trên lại cử đi tham gia trận chiến đánh vào sân bay Téc Ních1. Xong nhiệm vụ, lại quay trở lại đường 13 lập phòng tuyến mới, chuẩn bị cho việc ký Hiệp định Pa Ri.
Để đảm bảo bí mật, đơn vị hành quân về địa điểm được phân công vào ban đêm. Khi đến gần nơi cắm chốt vào lúc chim rừng lên tiếng, mọi người dừng chân nghỉ giải lao cạnh con suối Lồ Ô, chờ bộ phận trinh sát ra đón. Qua ánh sáng của cây đèn Nghéo1, Minh nhìn rõ từng viên cuội nhỏ dưới đáy dòng suối trong vắt. Trước khi lấy đầy bình tông nước giống như tất cả anh em trong đơn vị, Minh cũng bụm tay uống thỏa thê. Đến vị trí lập chốt, mọi người phải lao ngay vào việc đào công sự chiến đấu, vậy mà mãi đến lúc mặt trời lên khá cao, công việc mới tạm ổn.
Chiều hôm đó tranh thủ lúc yên bình theo qui luật, Minh cùng một anh bạn được cử quay trở lại cứ lấy thêm hậu cần cho chốt. Lúc vượt qua con suối hồi đêm, hai người giật mình hoảng hốt khi nhìn thấy có hơn chục cái xương đầu lâu người, bị lũ cuốn từ đâu về dạt vào dập dờn thành đám cạnh bãi cát ven suối.
Ngày hôm sau, lúc Minh cùng anh bạn được cử đi khoét một cái giếng nhỏ, lấy nước sinh hoạt cho đơn vị. Trước khi tìm địa điểm đào giếng, hai người đã an táng toàn bộ số xương sọ trên. Cái tên Suối Đầu Lâu được mọi người truyền khẩu thành tên từ đó.
Còn trong bản đồ tác chiến, cả hai bên đều ghi đây là Chốt Cột Cờ, vì nó đều được ta và địch cắm cờ vào đúng cái đêm Hiệp định có hiệu lực. Ngọn cờ được coi làm mốc phân định, vùng đất do mỗi bên quản lý. Đơn vị của Minh trụ lại cái chốt này, cho đến khi Hiệp định Pa Ri được ký kết.
Nhưng đối với những người lính như Minh, họ lại đặt tên cho trận địa của mình là Chốt Phi Công. Đơn giản vì cách đấy không xa, có xác một cái máy bay lên thẳng bị ta bắn hạ từ mấy ngày trước và tử thi của viên phi công nằm phơi trên mặt đất, lúc đơn vị Minh đến nhận nhiệm vụ.  
Trước sự khốc liệt của chiến tranh, Minh không sao nhớ nổi mình đã băng bó, chôn cất cho bao nhiêu đồng đội. Việc tiếp xúc với các loại xác chết cũng trở nên quá quen thuộc. Vậy mà Minh vẫn không sao quên được, cái bận mai táng lần thứ hai cho tử thi của người lính lái cái máy bay trực thăng trên.
Lần ấy, sau khi trận địa hứng chịu một đợt oanh kích của máy bay địch, anh em ở bộ phận hầm tiền tiêu báo về: Có một tử thi bị bom quăng lên trên gò mối, cách cửa hầm không xa, mùi xú khí bốc lên nồng nặc. Minh vội lấy một tân binh mới được bổ sung đi cùng để giải quyết hậu quả.
Lần theo vết xích của xe tăng M48, hai người đến được nơi cái tử thi đang kỳ phân hủy nằm phơi trên mặt đất. Thực ra ngay từ ngày đầu đến đây, lúc phát hiện ra cái xác đang bốc mùi, Minh đã lợi dụng con hào do vết xích xe tăng để lại tiến hành vùi lấp tử thi. Lần này, bom lại quật tung lên, buộc Minh phải cùng anh em trong đơn vị tiến hành chôn cất lại.
Lần đầu, Minh có đem về cái túi bay của người phi công mang bên mình. Túi bay và số tài liệu chứa trong đó, đã được Minh nộp lên trên theo qui định. Còn Minh giữ lại cho riêng mình chiếc bút bi và quyển sổ tay còn trắng tinh.
Công việc bộn bề, khiến Minh quên mất quyển sổ tay của người phi công. Cho đến cái bận bị pháo chụp bắn, chiếc ba lô của anh bị mảnh găm thủng lỗ chỗ, số tư trang ít ỏi đựng bên trong chẳng còn thứ gì nguyên vẹn. Vậy mà chẳng hiểu sao, quyển sổ nhét dưới đáy ba lô lại không việc gì. Lúc sắp xếp lại đồ, một tấm hình rơi ra từ quyển sổ tay. Minh cầm chiếc ảnh, trầm ngâm ngắm nhìn rồi lại kẹp vào giữa quyển sổ, xếp vào cái đáy ba lô đã thủng lỗ chỗ.
Chiến tranh chấm dứt, Minh ngỡ ngàng ngạc nhiên khi thấy mình còn sống. Rồi đơn vị của anh được cử về làm nhiệm vụ quân quản ở địa bàn này. Minh không khỏi sững sờ khi nhận ra nguyên mẫu của tấm ảnh mình vô tình lưu giữ…”
                                                              T.N.D

1 , Sân bay do người Pháp xây dựng. Là căn cứ của sư đoàn 1 Kỵ binh bay và sở chỉ huy sư đoàn bộ binh Anh cả đỏ của Mỹ.
1 , Đèn pin đặc biệt được trang bị cho lính biệt kích của Mỹ
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)