bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 22
Trong ngày: 187
Trong tuần: 1600
Lượt truy cập: 778825

THƠ ANH CHI

anh_chi_1


Văn thơ            

 

                   I

 

Chú Cuội già cô lẻ trên trời

mà thành điển hình nói dối                                    

Thị Mầu mang tội với người đời

chỉ bởi quá yêu

kiếm miếng ăn thân cò lặn lội

mà rằng cò gánh gạo nuôi chồng

cò khóc nỉ non…

thơ văn siêu thực thế

bởi văn nhân hiểu sự đời sấp ngửa

tả thân phận nào tình cảnh cũng trớ trêu

 

dường như mông lung là đặc tính của văn thơ 

nói hoa cúc vàng đẻ ra hoa cúc tím

rồi hoa cúc tím đẻ ra hoa cúc xanh (1)

thà nói em cứ giữ cái yếm anh tặng

khi phải đi lấy chồng,

tả thực e ghê người nên phải mông lung

dùng dao vàng cứa ruột

không đau, cắt cả chín khúc

đưa hết cho chàng(2)

mông lung mà người đọc đờ đẫn

nàng làm sao sống đặng

khi mất đi cả chín khúc ruột mềm?...

may có văn nhân khiến nàng không chết

nàng đã thành thơ văn

thời gian chảy xiết 

văn thơ mãi mãi còn!                     

                     II

Mông lung như chuyện lên trời

trẻ ba tuổi bay bằng ngựa sắt

người thợ đúc đồng mơ bay bằng chim lạc

Chử Đồng Tử dùng nón mà ra đi…

ngày xửa ngày xưa

biết bao cuộc giã từ trần thế

thế kỷ hai mươi

Chế Lan Viên, một thiên tài duy lý

cũng có giấc mơ bay

như ông nói

hoa hái trên trời

cũng chính là nước mắt dưới xa kia(3),

mông lung, nhưng tha thiết yêu hoa

da diết thương nước mắt

thơ dẫu viết chuyện lên trời

cũng để nói về trần thế

trần thế nhiều khổ nạn, giặc dã

cũng thật nhiều nước mắt mồ hôi!

 

hoa trần thế thơm ngát giêng, hai

hề gậy, chú tễu đời cười nghiêng ngả

tháng năm sen hồng, tháng mười rơm rạ

khói đốt đồng thơm mùi cháy cơm… 

mông lung lại còn ưa bi kịch

bởi nó chứa đựng bài học lớn

về thù hận và tình yêu

bi kịch chiếc lông nga nàng Mỵ Châu dứt áo

ném ra đúng lúc bị chém đầu

máu nàng hoá ngọc

và từ đó cả thế gian đều biết

người đời mua ngọc bằng tiền

riêng Mỵ Châu tạo ngọc bằng máu

người đời tìm ngọc để làm đẹp

Mỵ Châu tạo ngọc tặng cho đời

nàng vẫn sống dài lâu cùng lịch sử

trong cái mông lung đau đớn của văn thơ!  

 

                     III 

 

Đi vào cõi âm là mông lung nhất

cách đi lạ lùng này

không ai bằng thiên tài Nguyễn Du

Cụ điểm đủ mười loại chúng sinh

                                         không còn nơi cõi thế

mà đã tới cõi u u âm âm

mông lung hơn cả đêm

Đêm trường dạ tối tăm trời đất

Toát  hơi may lạnh  buốt  xương khô(4)

 

ngôn ngữ thiên tài Nguyễn Du dựng dậy

những bộ xương đói rách vật vờ         

vật vờ sống, vật vờ đi lại

cả mười loại chúng sinh, Cụ tái tạo

trong một thế giới mù mịt âm u

chúng sinh chính là phiên bản các loại người

đúng hơn, là âm bản cõi trần thế

qua lăng kính Nguyễn Du

xem mà lạnh gáy

ma đói ma khát, ma nghèo ma giàu

bỏ đời trong điếm cỏ, hết đời nơi đầu cầu

đủ mặt trong con chữ của Cụ

khiến người đọc vận vào câu ca

ma quỷ là ai ma quỷ là ta

thác xuống âm phủ thành ma quỷ tất

đọc mà thương quỷ thương ma

ấy là thương mình, muốn khóc

và thấy thương đời đến không đủ nước mắt

để khóc chúng sinh cõi trần đời

chao ôi kiếp con người

trong cái mông lung thiên tài của Nguyễn!

                  

                    IV

 

Phận người gió cuốn mây bay

văn nhân thì hiền, dòng đời thì xiết

tôi mong người ta yêu thương văn nhân

như yêu hoa, yêu áo cơm

như thương nước mắt

thương máu có thể hoá ngọc

yêu những chữ đẹp như vết thương

chữ chất đầy khổ đau mộng ước

chữ dậm chân đấm ngực kêu trời…

 

chữ viết trong một ngày

văn nhân lội qua một kiếp

tôi mong người ta thương yêu những chữ

chất chứa vật vã phận người

theo điệu thơ Ông đồ tôi ngâm ngợi

Những người muôn năm cũ(5)

hồn đọng thành văn thơ!

 

                              Long Biên tháng 7 – 2015  

 

………………….

Chú thich

(1): Từ ý câu ca dao, “Hoa cúc vàng đẻ ra hoa cúc tím/ Em lấy chồng rồi trả yếm cho anh/ Hoa cúc tím đẻ ra hoa cúc xanh/  Lấy chồng cứ lấy yếm anh em cứ cầm”.

(2): Từ ý câu ca dao, “Dao vàng cứa ruột không đau/ cắt ra làm chín gửi nhau mang về”.

(3): Câu thơ Chế Lan Viên, trong bài Tìm đường.

(4): Hai câu thơ của Nguyễn Du, trong bài Văn tế thập loại chúng sinh.

(5): Câu thơ áp chót trong bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên.  

 

 

 

 

 

 

Tự bạch   

 

Bầu trời xanh màu cốm

Sữa lúa ngan ngát thơm

Hồn tôi từng bay bổng

Khi chưa biết nhọc nhằn

 

Rồi thân lúa mang bông

Còng xuống như lưng mẹ

Và hồn tôi đã hạ

Xuống cực nhọc sớm hôm

 

Bao người chết nhẹ nhàng

Cho một nền thống nhất

Người sống mới đau xót

Hy vọng mới gắt gao

 

Đôi khi cọng rau má

Cứu sống cả mạng người

Nhưng rồi bao con trẻ

Vẫn không ngừng chào đời…

 

Sữa lúa vẫn ngát hương

Trời vẫn xanh màu cốm

Giờ thì tôi chịu đựng

Gánh nặng tâm hồn mình

 

Có lẽ chính vì thế

Tôi gắn bó với đời

Bằng mối tình cực nhọc

Nức nở mà sinh sôi!


hoa_sung_1

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)