bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Sinh ngã chi sơ, nhĩ VỊ SINH,               生我之初爾未生,                Nhĩ sinh chi hậu, ngã vi huynh.      ...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN THỌ ĐÃ THẦM THÌ VỚI BẠN ĐỌC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

MỘT FAN NHIỆT THÀNH CỦA NHÀ THƠ BÀNH PHƯƠNG LAN! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ!RẤT NỂ BÀI THƠ BẰNG 5 THỨ TIẾNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

TRÂN TRỌNG CÁM ƠN NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH NGUYỄN QUANG TOẢN!ANH ĐÃ VỊN CÂU THƠ ĐỨNG DẬY!CHÚC ANH NHỮNG NGÀY VUI!

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ THƠ TRẦNNH THANH MINH!

 

Trần Thanh Minh

HÀO KHÍ HÀM TỬ - CHƯƠNG DƯƠNG Trần Thanh Minh Lệnh chia cắt: hai đạo quân hung hãn Thoát Hoan mang vó ngựa bắc tràn vô Phối gọng kìm với lão tướng Toa Đô Giữa thế nước...

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 8
Trong ngày: 30
Trong tuần: 821
Lượt truy cập: 1056094

TRUYỆN NGẮN của HỒ BÁ THƯỢC

NGƯỜI ĐI THEO “CON NƯỚC”


               Hồ Bá Thược

 

        Con tàu MIC 300 tấn từ Phà Đen đang ngược nước, bỗng kéo một hồi còi dài. Bất ngờ rẽ trái, xăm xăm lao vào bờ. Từ mép nước lên đến ngọn đê, dốc thoai thoải như mái ta luy đường. Cỏ mọc xanh um, mềm mại. Tầu chạm đất, rung nhẹ khi áp vào bờ. Một thủy thủ trên boong quăng xuống chiếc mỏ neo nhỏ. Chiếc neo rê đi một đoạn rồi cắm vào đất, con tàu từ từ dừng lại, máy tàu lịm dần rồi im bặt.

        Nếu không có cánh tay giơ lên vẫy, thủy thủ trên tàu sẽ cho là mô đất bên vệ đê. Nhưng vì đã có hẹn trước, hơn nữa “mô đất” ấy đang động đậy như người ngồi chờ trong tiết trời se se lạnh. Bọn họ thở phào. Thế là đón được đúng người, đúng địa điểm. Tấm cầu trên mạn tàu lao xuống triền đê làm cầu dẫn. Nhưng vì mạn tàu cao, cầu dẫn ngắn thành ra hơi bị dốc. Bọn thủy thủ quen việc leo trèo, đi đứng trên tàu, chỉ hơi khom người đi được. Nhưng anh ta có vẻ lần đầu lên “độ cao” nên rất lớ ngớ. Lúc đầu ngỡ tưởng đứng lên như bọn họ đi được. Ai dè vừa nhổm mông đã lăn đùng xuống vệ đê. Cũng may mới chớm đầu cầu, còn thấp nên ngã không đau lắm.

Không ngại, lần này anh ta bò bằng hai đầu gối, mông chổng ngược. Chiếc ba lô trên lưng căng phồng, tựa như chú cóc đang bò lên dốc. Vừa lên được mặt boong, nhổm người đứng dậy, liền bị con vện xích ở mũi tàu, xồ lên định vồ lấy anh ta. Nhưng vì còn sợi dây xích cổ đằng sau, thành ra con vện muốn vồ cũng không làm gì được. Nó đứng bằng hai chân sau, còn hai chân trước cố vươn đến kẻ vừa đột nhập, tựa như muốn nuốt sống con mồi. Vị khách sợ hãi, mặt cắt không còn hột máu, suýt nữa té ngửa ra phía sau. May nhờ có cọc bích mạn tàu đỡ cho, không thì lộn cổ xuống vệ đê.

 Chứng kiến màn chào hỏi không mấy thân thiện, lúc này chủ tàu từ trong cabin buồng lái thong thả bước ra, tiến về phía khách, bắt tay chào đón đúng theo nghi lễ, chỉ tội không ôm hôn ba lần theo qui ước ngoại giao. Hai người nhìn nhau một lần nữa rồi đi về cuối con tàu. Bọn thủy thủ thấy đón được người, liền khởi động máy, nhổ neo tiếp tục cuộc hành trình.

  Chủ và khách ngồi trong phòng thủy thủ. Đây là nơi duy nhất trên tàu dành cho nơi ăn ngủ, bàn công việc và giao dịch. Cuộn chiếu, lật ván sạp lên, bên dưới một cỗ máy thủy 135 mã lực. Có thể lắp máy Nga, Đức, Nhật hoặc Đông Phong Trung Quốc. Tùy theo túi tiền, khả năng sử dụng để mua sắm. Tiếp theo phòng ngủ, cuối con tàu bếp nấu, phòng vệ sinh.

  Mọi người phải cúi đầu mới vào được căn phòng thấp lè tè. Có lẽ để phù hợp hơn với việc tránh sóng to, gió lớn nên mới hạn chế chiều cao đến vậy, chứ không việc gì làm trần thấp phải chịu luồn cúi cho nhọc xác. Hai bên mạn có cửa sổ, kính lùa đã mờ tịt. Nếu mở ra gió dưới mặt sông lùa vào mang theo hơi nước mát rượi. Hơn nữa cửa sổ này cũng giúp cho thủy thủ ngồi trong phòng vẫn quan sát được hai bên luồng tàu chạy. Nếu là sông rộng biết được tàu bè ngược, xuôi. Còn sông hẹp, tàu chạy sát bờ, tha hồ  ngắm cơ man người ra sông tắm, chủ yếu là cánh đàn ông và lũ trẻ con. Lúc trời xẩm xẩm mới đến lượt các bà, các cô thỏa sức vùng vẫy, trông hoa hết cả mắt.

Thực ra người đàn ông xuất hiện trên con tàu này có sự thỏa thuận từ trước của người thân quen. Vốn dĩ lão chủ tàu nguyên thủy thủ cũ của bà Giám đốc vận tải đường sông khi xưa. Do cơ chế thay đổi, Công ty giải tán, bà Giám đốc thất nghiệp theo chồng lên Hà Nội định cư.

Trước đây, bà ấy quen rồi yêu một tay bộ đội, nhưng không biết vì lý do gì, hai người không đến được với nhau. Bây giờ tình cờ gặp lại, cả hai đều đã có gia đình, con cái cả rồi. Người đàn ông đã ra quân, lương  hưu giao hết cho vợ quản lý. Còn mình không tìm ra việc gì để làm thêm, suốt ngày chui đầu vào đám cờ tướng quán nước gần nhà, sát phạt lẫn nhau. Say đến mức quên ăn, quên ngủ. Có khi mãi đến chín mười giờ đêm mới mò về nhà.

Thấy vợ anh ta than vãn nhiều quá, bà Giám đốc thất nghiệp không biết làm gì để giúp đỡ họ. May quá gặp lại “lính cũ” bây giờ đã thành ông chủ tàu, xin cho  đi nhờ một chuyến, để anh ta chống mắt lên nhìn thiên hạ làm ăn thế nào? Có thể trong chuyến đi, thấy sông nước, biển cả, than gio vùng mỏ Quảng Ninh mà thay đổi lối sống tù túng của người chiến binh về vườn. Hơn nữa để anh ta rời xa đám cờ bạc vô bổ, nhọc người. Không ngờ, lão chủ tàu vui vẻ nhận lời, hứa bảo đảm an toàn nếu anh ta ưng thuận.

 Lão chủ tàu rót một ca nước vối tươi rõ to mời khách. Chiếc ca để trong khay men móp một góc cứ nhảy tưng tưng do máy nổ dưới hầm tàu rung lắc. Trong thời gian chờ khách uống cạn ca nước, lão tranh thủ ngắm người ngồi trước mặt mình.

 Chỉ lướt qua một chút, lão phẩy tay vào không khí, tựa như muốn nói con người này không có gì đặc biệt, nó nhàn nhạt thế nào ấy. Nửa phần kể từ thắt lưng trở lên quá dài (Ca dao có câu: dài lưng tốn vải…), nửa phần dưới quá ngắn. Cộng hai thứ vào với nhau, người hắn ta không cao lắm cũng không thấp lắm, bình bình. Còn nước da không biết nói thế nào. Hoặc trắng, hoặc đen? À đúng rồi nó nhuôm nhuôm, xỉn xỉn. Chắc hẳn thời gian trong quân ngũ, anh ta ở ngoài nắng gió thao trường một nửa, trong doanh trại một nửa, nên mới có mầu da chia đôi như thế? Còn mớ tóc trên đầu? Lưa thưa, ướt nhoẹt như trẻ em mới lọt lòng. Màu tóc không đen cũng không trắng. Nếu nói tóc muối tiêu đi một nhẽ, đằng này tóc anh ta vạt trắng, vạt đen, loang lổ như da báo. Quần áo anh ta… Lão chủ tàu đang muốn “bới lông, tìm vết” thêm vài đặc điểm nữa, bổng nhiên vị khách đột ngột lên tiếng:

- Chó má nhà các ông dữ lắm à. Nhìn mặt, tôi biết ngay chó dữ, lông lá loang lổ như hổ báo. Các ông xích có chắc chắn không? Nhỡ ra…

- Ông không thấy à? Xích nó bằng sợi xích tháo ra từ chiếc Pa lăng xích hỏng đấy - Chủ tàu nói.

  • Pa lăng cái con khỉ - Khách bỗng văng tục - Ông nhìn mặt tôi đây này. Người ta nói đã xích rồi hắn còn giật tung ra được, đuổi tôi chạy bán sống, bán chết. Tôi ngã sấp xuống mặt đường, con chó chạy quá đà, nhảy phốc qua người, vô tình vục mõm vào tường gãy mất cấy cái răng. Nó đau chạy mất dạng, còn tôi được thoát nhưng trán bị lõm xuống, lôi mãi mới lấy ra được hòn sỏi. Từ lúc nhỏ đến giờ tôi có vết sẹo trên trán. Nhờ chó, sau này đi làm giấy chứng minh thư, công an nhận dạng tôi rất dễ bởi một vết sẹo trên lông mày trái dài 13 mi li mét… Từ ngày đó tôi rất sợ chó. Thôi, chó dữ thế, cho tôi xuống tàu về nhà…

Lão chủ tàu cười hịch hịch:

  • Không sao đâu, ai mới đến nó cũng dọa thế thôi, chứ hiền lành lắm. Nếu ông cho ăn tử tế, nó còn cảm ơn ông nữa đấy.
  • Chó chứ có phải người đâu mà dễ dạy bảo. Thôi, để rồi xem, nhưng tôi hãi lắm.

Sự thật, lão chủ đây và thủy thủ trên tàu không phải người ngoài. Họ là bốn anh em ruột trong một nhà. Gia đình này rất lạ. Cái gì cũng đều của chung hết, con cháu đã thành gia thất rồi, bốn anh em không ai có một chút tài sản nào riêng tư cho mình cả.

Chòm xóm, bạn thuyền, bên ngoài người ta coi Chuẩn chủ tàu, nhưng thực ra lão là anh cả của ba thằng em bên dưới. Lão, người thuần tính, kín đáo, ít khi biểu lộ tình cảm ra ngoài. Nhưng rất giỏi trong việc làm ăn, kinh doanh. Tuổi tác lão ta vào tầm năm mươi.

Sau lão là thằng Mực. Ngày trước cậu này đi lính, sau năm bảy lăm ra quân về làm “chân sào” cho các bạn thuyền. Khi nhà sắm được tàu, anh em về  làm ăn chung với nhau. Cậu thứ ba tên Sông. Vì muốn kỷ niệm những ngày lênh đênh trên sông nước, bố mẹ đặt tên cho hắn. Cậu đã cố học nhưng chỉ qua được lớp năm rồi về phụ nghề chài lưới.

 Cậu út tên Nước. Dễ chừng thiên hạ ít ai đặt tên con như vậy. Không may, đúng ngày chồng con lên bờ đi chợ bán cá, vợ một mình dưới thuyền đau đẻ, cậu ta bị rơi xuống khoang thuyền đầy nước. Cậu có tên Nước, vì thế. Người ta “giàu con út, khó con út” đáng ra cậu cũng được hưởng mọi ưu ái của gia đình dù giầu hay nghèo, nhưng cậu không muốn thế, cứ “dở dở, ương ương”. Học đến lớp hai rồi phá ngang, không biết “tiến hay lui” để tự khẳng định mình. Còn hiện tại cậu đã có vợ con. Hành xử bên ngoài, chẳng coi ai ra gì. Nhìn đời bằng “nửa con mắt”, dương dương tự đắc, cái gì cũng cho mình thông thái, hiểu biết, ngang ngược hết chỗ nói.

Tất cả bọn chúng mỗi đứa một tính nết, vậy mà nhất nhất kính phục thằng anh cả. Khi bàn bạc, mỗi đứa một ý. Nhưng đến lúc thằng anh kết luận, tất cả đều răm rắp tuân theo. Không biết họ chia nhau lợi nhuận thế nào, nhưng mỗi chuyến tàu như thế, thằng anh ôm một bọc tiền vào Ngân hàng. Ra về cái túi rỗng. Thu nhập được bao nhiêu đều gửi tiền tiết kiệm hết. Vậỵ, chẳng có đứa nào phàn nàn lấy một câu.

Còn trên bờ, một dãy năm cái nhà ngói cấp bốn nhưng khá khang trang, trải dài trên một thửa đất dọc theo bờ sông, dễ chừng đến hàng trăm mét. Không biết đất cát có giấy tờ gì hay không, nhưng khi xưa vợ chồng, con cái sống trong  chiếc thuyền nhỏ chài lưới. Không biết của nả tích trữ từ bao giờ hay mò mẫm dưới sông vớ được vàng bạc, bỗng dưng một ngày đẹp trời, cả nhà bốc lên bờ, bắt đầu lập nghiệp từ đấy.

 Đầu tiên một cái nhà, sau này con cái lớn dần lên, từng đứa lần lượt lấy vợ, có con. Nhà cửa cứ thế lại mọc thêm. Năm nhà chính to đùng, một cái cho bố mẹ. Bốn còn lại dành cho bốn thằng con trai, thứ tự từ lớn đến bé. Tất cả, chung nhau một sân nối liền các nhà với nhau, không rào dậu, ngăn sân gì hết.

 Mỗi sáng, đám đàn bà cho con ăn uống, chuẩn bị sách vở cho chúng đến trường. Một lũ anh em, lớn có, bé có dắt díu nhau đi học. Trường lớp mãi tận trong đê, không ai đưa đón. Chúng tự đi, tự về.

Xong việc con cái, các bà con dâu ăn vội bữa sáng, vác cuốc đi làm đồng. Trưa, tối trong ngày kéo nhau về chật nhà, ngồi hai dẫy ăn cơm trưa, cơm tối. Quản lý, vận hành xã hội nhỏ bé này, giao cho cô con dâu cả. Không biết sự tín nhiệm của bà chị cả trong nhà tới đâu, nhưng đám đàn bà vốn dĩ lắm mồm, chưa thấy cô nào cãi vã nhau bao giờ…

Ông bà bây giờ đã trên bảy mươi, nhưng trông ra vẫn còn khỏe, cầm chịch, điều hành đám đàn ông đi tầu dưới sông. Đám đàn bà trên bờ làm đồng, chăm con học hành, cơm nước.

Thỉnh thoảng nhớ nghề, ông bà chèo chiếc thuyền nhỏ ra sông thả lưới, buông câu kiếm con tôm, con cá cho cả nhà. Không làm được việc lớn, làm việc nhỏ, vui khỏe là chính. Âu cũng làm gương cho con cháu noi theo.

Cả nhà ai cũng chăm chỉ làm ăn, gia sản mỗi năm một lớn. Chưa biết tài sản to lớn đến đâu, trước mắt sắm được con tàu 300 tấn chở than, chở đất kiếm bộn tiền. Bên ngoài chòm xóm người ta hết sức ngưỡng mộ. Bên trong mọi người yêu thương đùm bọc, trên kính, dưới nhường.

Đấy, một xã hội nhỏ nhoi ăn chung, làm chung, thành quả của chung. Không biết nó có giống khi xưa hợp tác xã chỉ biết đánh trống, khua chiêng đốc thúc bà con đi làm, không biết thành quả đến đâu?...

Trên tàu, cơm trưa xong, lão chủ và đám thủy thủ đi ngủ, chỉ để lại thằng Nước cầm lái. Vị khách trăn trở mãi không ngủ được vì chỗ nằm lạ, máy nổ rung bần bật, chiếc gối dưới đầu nhoai ra khỏi đầu, khó chịu quá. Thôi đi ra ngoài hóng gió, xem kỹ con tàu một chút. Thú thật, ngoài việc sợ chó má buổi sáng, còn chưa nhìn thấy gì?.

 Anh ta đạp chiếc chăn đắp hờ hững trên người, dồn một đống vào góc phòng, lom khom bước ra cửa. Đến trước mũi tàu, nơi con chó đang bị xích. Thận trọng hơn, còn né xa một đoạn, đề phòng bất trắc. Nhưng thật lạ, con chó không nhẩy sồ vào anh ta như buổi sáng, có vẻ khúm núm, ve vẩy đuôi. Anh ta lẳng lặng đi về cuối tàu mang đến một bát cơm đầy. Hai mắt con “vện” sáng long lanh, khuôn mặt tươi tỉnh, hai chân trước chụm lại, cúi đầu, vẫy đuôi mừng rỡ. “À thì ra, mày cũng bị lóa mắt trước mọi cám dỗ, hay do tao đối xử tốt, mày muốn làm quen?”. Anh ta muốn tiến lại gần, tháo xích cho con vện, nhưng dè chừng, lại thôi..

Sau khi khám phá bí mật con “vện” xong, anh ta đi một vòng sang bên kia mạn tàu, bỗng nhiên hét lên:

  • Ối ông chủ! Ối ông chủ! Nước nóng tràn hết ra  boong tàu rồi!
  • Cái gì thế, nước nóng ở đâu? - Lão chủ tàu bước ra khỏi cửa, dụi mắt hỏi lại.
  • Nước nóng từ trong ống phun ra mạnh lắm. Đúng là lãng phí quá. Tôi lấy giẻ nút lại rồi.

Đến lượt lão chủ tàu lại hét lên:

  • Không! Không được, ông phải tháo cho nước chảy ra, không thì vỡ mất máy. Trời ạ! Đó là nước làm mát máy đấy.
  • Làm mát thì nước mát chứ, sao lại là nước nóng? - Hắn cãi lại.

Thằng Nước bỏ vô lăng, ngoái đầu ra khỏi ca bin:     

 - Đúng là thằng điên!

Đêm ấy anh ta không ngủ được, suy nghĩ mãi tại sao nước làm mát máy lại nóng đến vậy? Không lẽ đầu vào nước lạnh. Đầu ra nước nóng? Đúng rồi. Máy nóng làm cho nước nóng lên. Đơn giản vậy thôi, sao lại không biết? Thật ra, mình không biết chứ đâu phải là thằng điên?

Tầu cập bến Hoàng Thạch, trên bến có những đống đất to, chất cao như trái núi. Công nhân đang hối hả đội đất xuống chiếc tàu đã cập bến trước đó. Lần này rút kinh nghiệm, anh ta không muốn đặt ra những câu hỏi - mà theo bọn họ - rất vớ vẩn, lại cho mình điên!

Đến lượt tàu của lão chủ cập được bến cũng là lúc nước thủy triều xuống, tàu nằm trơ trên cạn. Bây giờ mới thấy toàn bộ con tàu to biết nhường nào. Có khoảng năm mươi công nhân đội đất từ trên bờ xuống tàu. Thật không ngờ với số người như thế, một cái thúng đất nhỏ nhoi trên đầu, chỉ trong một buổi chiều, các khoang đã chứa đầy ba trăm tấn đất cao lanh.

Thằng Mực rủ anh ta lên bờ tham quan phố xá. Dù sao, hai người cũng đã một thời trong quân ngũ, nên dễ có cảm tình, thông cảm với nhau. Anh ta hơi bực mình vì một thành phố khang trang, nhỏ nhắn  xinh đẹp như vậy, mà bụi xi măng, bụi than, bụi đất từ trên mái nhà tràn xuống cửa sổ, ban công, tường rào, đường phố. Thậm chí cây bên đường, bị phủ một lớp bụi khá dày biến thành màu xám ngắt, trông rất chán.

Vào đến chợ, anh ta bỗng dưng hào hứng không cáu bẩn như lúc đi đường. Dù chợ chiều nhưng người vẫn còn đông, các gian hàng hình như mới được bổ sung hàng mới, còn tươi nguyên. Anh ta chỉ trỏ cho thằng Mực cần mua những thứ này, thứ kia cho mấy ngày ăn sau khi tầu trên đường về.

 Cả ngày bận rộn khá mệt mỏi, nhưng đêm không ngủ được, chợt nghĩ đến mấy cục xương dấu hồi chiều để dành cho con “vện”, liền bật dậy mang ra cho nó. Bây giờ “hai đứa” thân quen rồi. Anh rất ngạc nhiên về mình, vừa ghét, vừa sợ chó. Chỉ có mấy ngày làm quen, đã trở thành “tri kỷ” thậm chí còn thích chó nữa. Không lẽ mình đang có điều gì thay đổi?

Nước thủy triều đang lên, con tàu bắt đầu nổi. Anh mở khóa cổ, con “vện” cuống quýt liếm vào tay anh ta như thể cảm ơn, cuồng chân chạy về cuối tàu rồi ngược lại. Tại sao con “vện” ướt từ chân đến ngang bụng. Khi thấy nước tràn lên boong tàu, anh ta hốt hoảng, vớ lấy chiếc xẻng chạy về cuối tàu, đập liên hồi vào ca bin buồng lái:

  • Ối trời ôi, tàu sắp chìm rồi! Tàu sắp chìm rồi!

Đám thủy thủ đang ngủ, nghe có người kêu tàu chìm cùng với tiếng đập chát chúa vào ca bin, bọn chúng lao ra boong, kêu lên:

- Nước vào hầm hàng hay hầm máy?

- Tôi cũng không biết nữa, nhưng nước tràn qua mặt boong rồi.

Mấy con tàu đậu xung quanh, nghe tiếng kêu tàu chìm, hò nhau dậy để cứu tàu. Khi biết không phải tàu mình, hỏi vọng sang, tay chủ tàu bên này nói không làm sao cả, do hiểu lầm thôi. Thằng Nước được dịp khẳng định:

  • Đúng thằng điên thật rồi.

Tay chủ tàu, vỗ vai ông khách “bất đắc dĩ”:

  • Không sao đâu, mặc dù mặt boong nước tràn qua, nhưng miệng hầm hàng cao hơn mặt boong còn những nửa mét nữa cơ mà. Tàu không chìm được đâu. Thật ra hôm nay chở hàng hơi quá mớn so với qui định. Thôi, cũng nhờ quá tải, hàng hóa dôi ra mình cũng được hưởng lợi. Làm nghề này đành phải thế.

Anh ta ngượng nghịu, biết mình sai đành chống chế:

  • Vâng, tôi không biết tầu chở hàng lại “dằm” mớn đến thế. Nhưng nếu có sóng to, gió lớn thì sao?
  • Hầm hàng đã có mui bạt che đậy, nước không tràn vào được. Thôi yên tâm đi. Ai đi tầu lần đầu cũng đều có tâm trạng như vậy cả. Bây giờ nước đã lên, tàu rời bến được rồi đấy, ông bạn ạ!

Sáng hôm sau anh ta đề nghị, được chủ tàu cho phép nấu cơm ăn cho mọi người. Hắn hì hục đằng sau bếp mất cả buổi sáng. Khi dọn cơm ra, anh em nhà lão Chuẩn tròn mắt nhìn vào mâm cơm: Một đĩa thịt ba chỉ quay dòn bì, vàng rộp ăn ghém với củ kiệu nén chua. Một tô giả cầy chân dò kèm húng quế. Thêm năm chai bia “Vạn lực” cao ngất nghểu. Hắn bảo đây là tiêu chuẩn cho một bữa ăn, Phó thuyền trưởng cho phép (ý nói thằng Mực), người nấu chỉ gia công chế biến thôi.

 Đương nhiên, anh em nhà lão Chuẩn quá hài lòng với việc được ăn uống đầy đủ, ngon miệng. Duy nhất thằng Nước không thích một tí nào, thậm chí còn hậm hực.

 Thực ra anh ta không phải cố tình khiêu khích thằng Nước, thực sự không biết một tí gì về sông nước. Trong khi muốn tìm hiểu mọi việc cho đến nơi, đến chốn. Khổ một nỗi, không muốn hỏi ai, chỉ thích hỏi mỗi thằng Nước, không biết vì lý do gì? 

        Chẳng hạn, anh ta đưa ra câu hỏi nghe ra có lý nhưng lại rất ngô nghê. Ví như: tại sao tàu tránh nhau trên sông không theo luật trên đường bộ? Tại sao nhiều khúc sông xuôi dòng, tàu không đi xuôi mà quay ngược nước, thả cho trôi? Tại sao trên cột con tàu, lại có nhiều đèn, nhiều màu như thế? Con nước là con gì, nhìn không thấy ở đâu? Tại sao gọi là con mà không phải một cái tên nào khác? v.v…

 Mỗi lần tàu chạy, anh ta kéo ghế ngồi như thể đóng đinh, cạnh tay lái, nơi thằng Nước chịu trách nhiệm lái chính. Anh cứ lải nhải hỏi tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia trong khi thằng Nước mặt đỏ tía tai không biết trả lời thế nào cho đúng, cho phải. Cũng dễ hiểu thôi, mới chỉ học đến lớp hai kiến thức còn hạn hẹp. Cậu ta chỉ biết lái tàu theo cảm tính, thêm một chút kinh nghiệm của người cha làm chài lưới. Dấu ấn thằng Nước da đen nhẻm như hòn than, có lẽ do suốt ngày bì bõm dưới nắng nôi, sông nước.

 Từ khi anh ta xuất hiện trên tàu, thằng Nước cảm thấy không được thoải mái lắm. Không những bị “bắt mẽ” nhiều thứ, còn làm cho mớ “hiểu biết” lâu nay tích lũy được, dường như đang bị lung lay? Hay chính xác hơn, sự dốt nát của cậu cố tình che dấu lâu nay bị lộ tẩy. Vì thế, nó rất hậm hực, đôi khi muốn lái con tàu sát vào bờ, tống “của nợ” ra khỏi tàu, thế là hết chuyện.

        Cậu có cảm giác, từ khi anh ta đến, nội tình anh em trong nhà đang có vấn đề. Trước đó, trật tự trên tàu như đinh đóng thuyền, chắc chắn như thế, nay đang bị xáo trộn. Ai làm việc gì, cặm cụi làm, không hé một câu. Còn bây giờ các ông anh của nó vui vẻ, cười đùa nhiều hơn, khi ông khách có những câu hỏi rất ngớ ngẩn. Còn nữa, ông anh cả thường ngày rất nghiêm khắc, nay lại chăm chú lắng nghe lời khuyên của lão dở hơi. Anh ta khuyên nhủ mọi người nên đóng thêm một tàu nhỏ nữa để chạy đất cao lanh cho các lò gốm. Vì tàu nhỏ phù hợp với lòng sông hẹp, quay trở dễ dàng, nhanh chuyến, nhanh thu hoạch. Con tàu to, dành riêng cho việc chạy than trên biển Quảng Ninh lợi chuyến, lợi trọng tải, đảm bảo an toàn hơn.

 Khổ nỗi, ông anh cả còn gật gù khen anh ta mới đi mấy chuyến, nhìn ra vấn đề. Chả trách, trong nhà cứ đóng cửa bào nhau, im ỉm đâu phải là điều hay. Phải mở cửa nhìn ra bên ngoài, mới thấy được thiên hạ đổi thay hàng ngày, hàng giờ ra sao!

 Lão Chuẩn còn khuyến khích, nếu ông khách thấy thích thú muốn “đi theo con nước”, xin mời vào biên chế chính thức trên tàu, phụ trách khâu hậu cần, kiêm luôn “anh Ba” phục vụ thủy thủ đoàn.

 Đương nhiên anh ta vui vẻ nhận lời. Đây là sở trường của anh ta trong quân ngũ, vì có thời vị khách đáng quí đã leo lên chức Phó chủ nhiệm hậu cần Trung đoàn ô tô vận tải rồi kia mà.

 Đang bầu không khí sôi nổi, anh ta cao hứng tuyên bố sẽ góp cổ đông, nếu bọn họ đóng thêm tàu mới. Khi bàn đến chuyện tiền nong, anh ta thực lòng nói trong nhà tiền không có, nhưng sẽ đi vay bạn bè. Tiền lãi lấy từ lương hưu đại úy hàng tháng “đập” vào.

 Không biết, sự việc này kết cục sẽ đi đến đâu, nhưng một người mới chập chững “đi theo con nước” đã có tham vọng lớn. Thật không hổ, một đại úy quân đội về hưu, nhưng vẫn giữ được cốt cách của người lính, đã nói là làm. Ba thằng anh có vẻ tâm đắc lắm, còn thằng út lắc đầu, bĩu môi. Hắn chìa hai thớt môi như cặp bánh dày. Lưỡi tụt sâu tựa như miếng chả lấp ló ở bên trong. Chỉ có điều bánh dày phải trắng, nhưng môi thằng Nước lại thâm sì.

  Sau buổi nói chuyện cởi mở, lão chủ tàu cho anh ta nghỉ một ngày về xin bà xã cho phép được đi tàu lâu dài. Lần này, tàu lại cập vào mái đê cũ, nơi đã đón anh ta trước đây. Nhân thể cho thủy thủ lên bờ, chơi phố xá một buổi. Tàu chưa kịp thả cầu dẫn, anh ta đã nhảy phốc từ trên tàu xuống bờ đê, y chang một thủy thủ chuyên nghiệp, rồi biến mất bên kia mái đê.

 Quá trưa một chút, đã thấy anh ta lù lù về tàu với vẻ mặt rạng rỡ. Con vện thấy anh ta, mừng cuống quýt. Cái đuôi vẩy sang hai bên mông hết cỡ, không bù cho lần trước, muốn nuốt chửng anh ta. Ai cũng đoán chừng, vợ anh ta đồng ý cho chồng được đi tầu. Còn chuyện tiền nong đóng góp cổ phần ra sao, không thấy anh ta nói gì. Có lẽ thời gian còn dài, chuyện đó tính sau.

  Anh ta kéo ghế ngồi sát vào tay lái, nơi thằng Nước đang chuẩn bị cho con tàu rời bến. Lúc con tàu đã đi vào luồng, anh ta mới thủ thỉ :

  • Tôi chỉ về qua nhà một chút, thông báo cho bà xã biết ý định tiếp tục đi tàu. Chưa kịp nghe bà ấy phản ứng ra sao, tôi vội chạy một mạch đến phố Lý Nam Đế. Cậu có biết không ? Đấy là thư viện sách Trung ương Quân đội, to và nhiều sách lắm. Tôi có thẻ đọc của thư viện đàng hoàng, nhưng ít vào vì lười đọc. Nhưng lần này, tôi xục vào tàng thư tìm bằng được thông tin quan trọng, liên quan đến nghề sông nước, tàu bè “của ta”. Nghe hắn nói hai chữ “tàu của ta” ngọt xớt, cứ tưởng mình đã là ông chủ con tàu này rồi. Vì thằng Nước đang mải nhìn con tàu đằng trước, nên không nghe anh ta vừa phun ra câu gì. Còn nếu không, thằng Nước sẽ hét lên: “Của ta là của ai?”

       Biết thẳng Nước đang háo hức muốn nghe tiếp câu chuyện, anh ta mới nhẩn nha cho biết:

        - Cái gì cũng có luật cả đấy. Có điều ta đã biết hoặc chưa biết hoặc biết rồi, nhưng giả vờ như chưa biết, để làm sai, làm không đúng. Trên khúc sông hai tàu đi ngược nhau, nhìn thấy nhau bằng mắt thường muốn điều tàu mình phải báo tín hiệu bằng còi cho đối phương:

       - Một tiếng còi ngắn: Tàu tôi đổi hướng đi sang phải.

       - Hai tiếng còi ngắn: tôi đổi hướng đi sang trái.

       - Ba tiếng còi ngắn: tôi đang chạy lùi.

- Năm tiếng ngắn, nhanh, liên tiếp khi tàu vào luồng hẹp, hai bên giáp nhau, không hiểu ý nhau.

- Một tiếng còi dài, tàu vào chỗ khuất, vướng chướng ngại. Phía tàu đi ngược đáp lại cũng 1 tiếng còi dài…

        Thằng Nước chăm chú nghe, mặt không còn đỏ tía tai như người mắc lỗi nữa. Bây giờ nó mới biết đây là luật, là thông tư của nhà nước đàng hoàng, ai cũng phải chấp hành, mới tránh được đâm va, bảo đảm an toàn hàng hải… Còn trước đây hắn lái tàu rất tùy tiện, muốn đi thế nào cũng được. Cũng may, vừa chuyến tàu chở than lần trước, xuýt nữa mất mạng. Tàu chở đầy hàng, nhưng không bị chìm, được một phen hú vía.

Hôm đó, trời mập mờ tối, tàu cố chạy đến khúc sông rộng cho thả neo nghỉ, sáng mai chạy tiếp. Đến đoạn luồng hẹp, tàu đi sát mép bờ bên phải để tránh tàu đi xuôi. Hình như con tàu phía trước cố tình không muốn tránh, ép sát con tàu đi ngược. Thằng Nước bẻ hết lái, nhưng tàu đầy hàng, lại đang ngược nước, trớn lên. Nguy cơ đâm va lớn có thể xẩy ra.

Ở mũi tàu, đang ngồi ngắm sông nước và đùa với con “vện”, chợt thấy hai con tàu sắp va vào nhau, anh ta hoảng hốt vớ lấy chiếc đệm tròn thả xuống giữa hai mạn tàu sắp đâm va. Trong nháy mắt, con lăn bị nghiến rồi lăn tròn theo chiều dọc tàu. Cứ thế anh ta cầm dây con lăn, chạy theo cho đến khi hai thân tàu rời ra. Mất đà người văng xuống dòng nước xoáy sau đuôi tàu.

Trong ca bin, thằng Nước đang vật lộn với tay lái. Bỗng, một cây sào từ con tàu bên kia lao sang như một mũi tên khổng lồ. Con sào bịt mũi thép, khoan thủng nóc ca bin, xuyên sang bên kia cánh cửa. Thằng Nước thoát chết.

Lão chủ, thằng Mực, thằng Sông đang ngồi uống nước trong phòng thủy thủ, bỗng thấy con tàu va chạm rất mạnh, kèm theo rung lắc. Họ liền lao ra khỏi phòng tàu. Vừa hay, con tàu bên kia đã xuôi dòng, để lại phía sau một đám khói đen mù mịt.

Thằng Nước trong ca bin hét toáng lên:

  • Ông ta đã rơi xuống sông mất rồi - Kêu xong, hắn lái tàu ép sát vào bờ, giảm ga rồi tắt máy. Thằng Sông nhảy lên bờ neo tàu. Mấy anh em nhà lão Chừng đứng đằng sau đuôi tàu, nhìn xuống mặt sông đen ngòm, nước chảy cuồn cuộn, không ai dám nhảy xuống tìm kiếm anh ta.

 Lão Chừng và thằng Nước ở lại trông tàu, còn thằng Mực và thằng Sông chạy lùi lại đoạn tàu vừa mới đi qua, để đón lõng ở phía dưới. Vừa chạy vừa gào lên rất to:

  • Ới ông Hợp ơi, ới ông Hợp ơi!

Dưới sông, giá như nghe được người gọi trên bờ, một ông Hợp chứ đến mười ông cũng không thể đáp lại, vì vừa há mồm ra, nước đã ộc đầy bụng rồi. Họa chăng chỉ có Hà Bá nghe được, tủm tỉm cười.

 Thật bất ngờ, có tiếng ho sặc sụa, rồi đáp lại giọng khàn khàn: “Tôi đây, tôi đây!” Hai thằng sững sờ, không biết tiếng người hay tiếng ma phát ra từ đâu, không lẽ dưới địa ngục? Từ trong đám ruộng ngô, một bóng đen xuất hiện, trên vai vác một vật tròn tròn, tiến lại.

  • Trời ơi, ông Hợp đây rồi! Sao ông lại ở trên bờ?
  • Tôi đang tìm đường về tầu. Nhờ cái đệm cao su này, mà tôi được sống. Lúc rơi xuống nước, tôi chìm xuống tận đáy. Tay vẫn còn giữ được đầu dây, người nổi lên nhờ cái đệm cao su này đấy.
  • Sao ông không bỏ đệm để thoát thân?
  • Vì tôi tiếc. Mất đệm, lấy gì mà dùng

 Sau sự việc khủng khiếp ấy, mọi người nhìn anh ta với con mắt rất khác. Không còn “nhàn nhạt” như chủ tàu có ấn tượng gặp gỡ ban đầu. Bây giờ anh ta tỏ ra một cựu chiến binh dũng cảm, biết chắt chiu tài sản, ham học hỏi, lại rất mềm tính. Không những thế, anh ta nấu ăn rất giỏi, ngon miệng. Từ ngày anh ta nấu ăn trên tàu, ai cũng “lên da, lên thịt”. Hơn nữa có thêm anh ta, không khí trên tàu  vui vẻ hơn, bớt đi sự gượng gạo, nếu trần sì chỉ có mấy anh em ruột trong nhà?

 Thằng Nước còn trẻ, mắt tinh tường được giao lái tàu chính. Vì thế từ ngày xẩy “tai nạn” thằng Nước tự thấy kính nể anh ta thực sự, không còn trề cặp môi dày xấu xí, khinh rẻ anh ta như trước nữa.

Hàng ngày, sau khi phục vụ cơm nước xong, anh ta có thói quen ngồi cạnh bên vô lăng tàu. Được thể, mạnh dạn đề nghị muốn cầm tay lái một lúc, vì trên Vịnh Hạ Long khá an toàn với một người lần đầu được nếm trải. Không ngờ thằng Nước “dễ tính” ưng thuận ngay. Lúc cầm được tay lái, mặt anh ta hớn hở, tưởng trẻ lại tuổi ba mươi. Mặt không còn nhuôm nhuôm, xỉn xỉn như dạo nọ, mà ửng đỏ, tâm trạng lâng lâng, hạnh phúc. Điều trước đây, ít người kể cả vợ con chưa bao giờ làm cho anh ta được sung sướng như bây giờ.

Khi đến Cẩm Phả nhiều tàu đi lại nhộn nhịp, anh ta trả tay lái cho cậu út. Nhìn thằng Nước nét mặt phờ phạc, có vẻ mệt nhọc. Anh ta hỏi: “Hôm nay ngày bao nhiêu ta!”. Thằng Nước đáp: hai bảy, tháng chín.

  • Thôi chết rồi, cậu mệt mỏi thế này rơi vào ngày con nước đấy. Tháng chín này có hai con nước vào ngày mười ba và hai mươi bảy. Hắn bảo:
  • Có một bài thơ dân gian dài lắm nói về ngày giờ con nước, tôi chỉ nhớ vài câu: Tháng giêng tháng bảy phân minh/ Mồng năm, mười chín, thìn sinh, tỵ hồi… Tháng tám cho lẫn tháng hai/ Mồng ba, mười bảy tỵ lai, ngọ hoàn…

 Cậu nên nhớ từng cặp ngày con nước để tiện việc tàu bè ra vào bến, đương nhiên cũng phải biết giờ nước lên, nước ròng. Về ngày con nước tôi chỉ nói qua cho cậu biết chứ không thể nhớ được. Hôm nào tôi viết to dán lên cửa kính cho mọi người nhìn thấy:

  • Tháng 1+7 ngày con nước 5 - 19
  • Tháng 2+8 -                3 - 17 - 29
  • Tháng 3+9 -                13 - 27
  • Tháng 4+10 -                11 - 25
  • Tháng 5+11 -                 9 - 23

- Tháng 6+12       -                 7 - 21

    Cậu có biết tại sao người ta gọi ngày con nước không? Nói ngắn gọn, đó là ngày tương tác giữa trái đất và mặt trăng sinh ra lực từ trường, lực hấp dẫn và nhiều lực khác tạo ra thủy triều (nước lên và nước xuống). Ngày con nước còn có tên khác gọi là ngày Nguyệt Kỵ, nghĩa là ngày xấu, ngày ta cố tránh nhưng lại liên quan rất nhiều đến ngành vận tải thủy. Có một câu ca trong dân gian thế này:

“Dù ai buôn bán trăm nghề / Phải ngày con nước đi về tay không / Dù ai giao hợp vợ chồng / Phải ngày con nước, khó lòng nuôi con.

Bề mặt trái đất của chúng ta có tám mươi phần trăm là nước. Con người cũng tám mươi phần trăm cơ thể là nước. Cả hai đều bị lực hút của mặt trăng. Những ngày đó lực hút tác động vào trái đất, vào con người, ảnh hưởng đến thời tiết, năng lượng, bệnh tật, sức khỏe. Đặc biệt các bệnh mãn tính dễ bị lây lan, phát triển. Cậu hôm nay mệt mỏi là hiện tượng bởi ngày con nước.

Thằng Nước cắt ngang câu chuyện:

  • Sao ông biết nhiều chuyện thế? Mới đi có mấy chuyến, ông tường tận về ngày con nước, còn hơn anh em chúng tôi?
  • Nhờ vào thư viện Quân Đội cả đấy. Thời gian qua, tôi được các cậu cho đi tàu, làm thủy thủ vùng vẫy khắp nơi. Vui lắm. Nhưng nói thật, tôi cũng làm mới cho các cậu đấy, chí ít hiểu thế nào là Ngày con nước...

                                       Hà nội, 13-3-2020

nui_xanh

 

              

 

 

 

 

                         

 

 

 

 

 

 

                           

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Nguyễn Thị Mai
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003.
Nhà văn, Phó Gs, Tiến sỹ VŨ NHO:  vunho121@gmail.com