bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 397
Trong tuần: 1433
Lượt truy cập: 643615

VĂN HỌC CHIẾN TRANH VÀ BÀI CA GIỮ NƯỚC

 

 v_nho_nguyn_kh

VŨ NHO - ẢNH PHẠM VĂN SƠN

VĂN HỌC CHIẾN TRANH VÀ BÀI CA GIỮ NƯỚC

                       Tham luận của Vũ Nho tại tọa đàm của Hội Nhà Văn Hà Nội ngày 10 tháng 8 năm 2023

  1. Đề tài này quá rộng, quá mênh mông. Bởi nước ta luôn luôn có chiến tranh, luôn luôn chống xâm lược. Thành ra Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Chinh phụ ngâm,…đều có thể xếp vào văn học chiến tranh,…

Có lẽ cần khuôn vào thơ văn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, mở rộng thêm là chống giặc Tàu xâm lược phía Bắc và chống bọn diệt chủng Pôn Pốt ở phía Nam.

  1. Trong thời chiến mọi thứ đều bất bình thường. Mọi thứ đều phải ưu tiên cho đánh giặc, thắng giặc.

Thời kháng chiến chống Mĩ cũng không ngoại lệ!

Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả để chiến thắng giặc!

Sẽ không băn khoăn hay sau này có ý “chê” những câu thơ “tuyên truyền” thời đó:

            Có những ngày vui sao

            Cả nước lên đường

            Xao xuyến bờ tre

            Từng hồi trống giục

                         ( Chính Hữu)

            Đường ra trận mùa này đẹp lắm

                        ( Phạm Tiến Duật)

            Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa

            Vui gì hơn là người lính đi đầu

            Trong dêm tối tim ta làm ngọn lửa

                       ( Tố Hữu)

Xưa nay chiến tranh không bao giờ là ngày vui, không bao gời là ngày hội. Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi ( Xưa nay chinh chiến mấy ai về). Đi vào chiến trường là vào nơi bom đạn, sinh tử. Bởi thế mà người mẹ “Ba lần tiễn con đi  hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Buồn lắm chứ! Nhưng  phải gác cái buồn lại, không thể nói buồn, không thể nói hi sinh lúc ấy…

  1. Chiến tranh qua đi, viết về chiến tranh cũng khác đi.

Ví dụ tiêu biểu là Nguyễn Đức Mậu với 2 bài thơ viết về 2 sự hi sinh. Một là “Nấm mộ và cây trầm” viết trong chiến tranh. Hai là “ Người ngồi trước mộ mình”, viết  về người lính đã báo tử nhưng sống sót trở về. Anh ngồi trước mộ mình… Hai người lính hi sinh, hai ngôi mộ, hai tâm trạng rất khác nhau…

Thời gian càng lùi xa, người ta viết về chiến tranh càng chân thực.  Chiến tranh, thắng lợi có, thất bại cũng có.Mất mát có, hy sinh có, anh hùng có, đớn hèn đảo ngũ,  chiêu hồi  cũng có. Nghĩa là có đủ các mặt ái ố hỉ nộ của cuộc đời.

            Tôi muốn nhắc đến 2 cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh, mà người viết không hề được trải nghiệm mà chỉ qua “sách vở”.

            Đó là tiểu thuyết “ Góc tăm tối cuối cùng” của nhà văn Khuất Quang Thụy, viết về cuộc kháng chiến chống Pháp, khi đó nhà văn mới khoảng ba bốn tuổi. ( Khuất Quang Thụy sinh năm 1950, trong cuộc  chiến chống Pháp nhà văn 5 tuổi).

            Đó là tiểu thuyết “ Trăng lên” của nhà văn Thế Đức cũng chủ yếu viết về cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhà van Thế Đức hình như còn trẻ hơn Khuất Quang Thụy. Đúng thế, nhà văn Thế Đức sinh năm 1955.

            Tôi  tin là đề tài chiến tranh vẫn tiếp tục được viết, viết mãi,… Vì đó là một đề tài lớn trong Lịch sử dân tộc và đất nước.

            Chúng ta đã nghe thơ của các nhà thơ lớn viết về chiến tranh.

            Xin dẫn ra một bài thơ viết về chiến tranh của nhà thơ Bành Phương Lan, chưa phải Hội viên hội ta, nhưng là một trong những bài thơ hay viết về chiến tranh. Bài thơ này được tặng giải nhất của Câu lạc bộ người yêu thơ Việt.

 

 

TÔI MUỐN VẼ MỘT NÉT CHIẾN TRANH

          Bành Phương Lan

Ai đó vẽ chiến tranh bằng máu
Bằng tượng đài, bằng những tấm huân chương…
Tôi muốn thêm một nét vào bức tranh
Bằng những sợi tóc rơi trên gối…

Bằng hình ảnh chiếc cối xay lúa đêm đêm
xay mãi… vẫn chưa qua xuân thì
Bằng những chiếc gầu múc nước dội vào đêm,
đêm vẫn khát…

Có bao nhiêu người đàn bà trong làng tim đập rộn lên
khi bóng một bộ quân phục về đến đầu làng
Có ai thầm ghen tỵ với người đàn bà có chồng cụt chân chưa?

Tôi nhìn thấy chị tôi dẫu đau xót nhưng mắt rạng ngời khi anh ấy trở về thiếu một chân.
Chẳng ai phát huân chương cho những người phụ nữ buộc chặt thắt lưng…
Nhưng chiến thắng này có một phần của họ.

Tôi đã thấy cuốn sổ chép bài thơ Đợi anh về của Simonov được chị tôi giữ như báu vật
Rồi những người lính đã trở về, họ chiến thắng
“Chỉ vì không ai người/Biết như em chờ đợi”…

Nhưng… có những người lính không trở về
Tên của họ cộng vào những chiến công
Thịt xương họ cộng vào Tổ quốc…

Và… bao nhiêu tiết trinh, phẩm hạnh đã đi qua… thời đàn bà
Tôi nghiêng mình trước họ
Tôi muốn vẽ thêm bông hoa màu tím vào tượng đài chiến thắng.
*****
Tôi cũng muốn dành cái nhìn vị tha cho người đàn bà đuối lòng
Ngày ấy… không ai tha thứ cho người trót… mang váy hứng trăng
Xin bao dung cho đứa trẻ mẹ nó tự sinh ra
Những đứa trẻ gọi người lính trong ảnh là bố
Hãy để nét vẽ màu xám này vào góc khuất của bức vẽ chiến tranh

Nhưng nét vẽ màu tím rạng ngời hay màu xám ảm đạm tôi cũng xin gửi cả vào Bảo tàng chiến tranh.
Bởi nó đều là một phần của cuộc chiến.


Lời bình của Vũ Nho

Tôi đã để ý đến bài thơ này ngay khi tác giả đăng ở trang cá nhân và trang Thi nhân Miền Cổ tích. Vì đây là bài thơ viết về chiến tranh với một góc nhìn riêng khác lạ.  Chiến tranh là tổn thất, là hi sinh, là thắng lợi phải trả giá. Người đời có thể cảm nhận ngay được điều đó với máu đổ, với tượng đài, với huân chương là những thứ đập ngay vào mắt nhìn. Thế nhưng chiến tranh còn có những mất mát, đau thương  khác, nhất là của những người phụ nữ vò võ  chờ chồng ngoài mặt trận, chồng trở về thương tật, hoặc vĩnh viễn không về. Mất mát ấy là những sợi tóc lặng thầm rơi trên gối, trong căn buồng riêng của người vợ.

            Không chỉ có thế. Không phải là máu đổ, cũng chẳng phải đạn lửa ngút trời, bom rơi cày nát đất. Người làm thơ muốn nói đến những vật rất hiền lành, rất bình thường trong đời sống, nhưng lại phản ánh nét dữ dội của chiến tranh. Nhà thơ vẽ

              Bằng hình ảnh chiếc cối xay lúa đêm đêm
                  xay mãi… vẫn chưa qua xuân thì
             Bằng những chiếc gầu múc nước dội vào đêm,
            đêm vẫn khát…

Vâng, để kìm nén  và dập tắt khát vọng ân ái đang ngùn ngụt như lửa cháy, những người phụ nữ xa chồng trong chiến tranh đã tìm đến cối xay, đã tìm đến nước dội trong đêm. Đó là một sự thật.

            Và khi có bóng dáng một người lính trở về, bao người phụ nữ đã hồi hộp, mừng rỡ rồi thất vọng khi đó không phải là người mình chờ đợi.

            Chỉ có người lính đánh nhau ngoài mặt trận mới được  tặng huân chương. Không ai thấy bất bình thường khi mà những người đàn bà chịu đựng, “buộc chặt thắt lưng” để chồng yên tâm làm nên chiến thắng nhưng không được tặng. Có thể họ biết bài “Đợi anh về” của nhà thơ Nga Ximonov như người chị, và cũng có thể nhiều người không biết nhưng vẫn thủy chung như nhất đợi chờ, kiên trì, bền bỉ đợi chờ.

            Chứng kiến sự chung thủy, đợi chờ của những người phụ nữ trong chiến tranh, nhà thơ muốn:

            vẽ thêm bông hoa màu tím vào tượng đài chiến thắng.

Bài thơ của tác giả có thể kết thúc ở đây cũng đủ hay. Nhưng tác giả muốn đẩy lên tận cùng mạch cảm xúc. Ấy là khi muốn vẽ thêm “nét vẽ màu xám”. Nét vẽ màu xám ấy không đẹp như bông hoa màu TÍM thủy chung, nhưng nó là một hiện thực của cuộc chiến. Đây không phải là tiết trinh, phẩm hạnh mà người viết đã nghiêng mình. Đây là những phút đuối lòng, lầm lỡ cần được cảm thông, độ lượng:

             không ai tha thứ cho người trót… mang váy hứng trăng
          Xin bao dung cho đứa trẻ mẹ nó tự sinh ra
           Những đứa trẻ gọi người lính trong ảnh là bố

Chỉ có trái tim phụ nữ đầy nhân hậu, bao dung mới thấu cảm với   những người phụ nữ lỡ lầm. Tôi nhớ đến thi sĩ Hồ Xuân Hương vừa được UNESCO vinh danh khi bà bênh vực chị em “ Không có nhưng mà có mới ngoan”.

             Như vậy, bên cạnh bông hoa, còn có nét màu xám, tuy không phải là màu chủ đạo.

            Nhưng rõ ràng  bức vẽ chiến tranh sẽ khiếm khuyết và không thực, nếu không có màu tím rạng ngời và màu xám ảm đạm kia.

            Đây là bài thơ hay. Nó xứng đáng được nhận giải nhất của ban Giám khảo. Và tôi tin nó sẽ được xếp vào những bài thơ hay  nhất về chiến tranh, được tôn vinh trong bảo tàng của nhà văn cựu chiến binh Minh Chuyên.

            Xin cám ơn Ban tổ chức và các Hội viên nhà văn Hà Nội!

                                                                Hà Nội, 5/1/2023 – 8 THÁNG 8 NĂM 2023

tay-bac7

                                                            




 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)