BÓNG QUÊ TRONG THƠ CỦA MỘT CỰU CHIẾN BINH
Về tập BÓNG QUÊ của Trần Trọng Giá, nxb Văn Học, 2023
Vũ Nho
NHÀ VĂN VŨ NHO - ẢNH HOÀNG XUÂN TUYỀN
Người lính Trần Trọng Giá rời làng Phú Nhiêu huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đi chiến đấu trong kháng chiến chống Mĩ. Hòa bình, mang quân hàm Đại tá, cởi áo lính, về sống cuộc đời thường. Anh đã làm thơ để tri ân quê hương, tri ân đồng đội cùng bạn bè. Và để sống đẹp phần đời còn lại như mọi công dân khác giữa phố thị Thủ Đô.
Trong tiếng Việt, "QUÊ" gợi thương gợi nhớ mỗi người, cũng thiêng liêng và thương mến như tiếng "MẸ", tiếng "CHA". Quê là một khái niệm vừa hẹp lại vừa rộng. Căn cứ vào những yếu tố ghép trước nó : thôn quê, làng quê, vùng quê, miền quê. Quê lại cũng có thể ghép với các yếu tố sau nó để xác định tính chất quê mà người ta muốn tới : quê nội, quê ngoại, quê nhà, quê mình, quê mẹ, quê cha, quê hương, quê kiểng...Dầu là rộng hay hẹp, dầu là quê nào thì vẫn là nơi chứa đầy kỉ niệm dịu dàng, trìu mến, thân thương.
Tập thơ Bóng quê, quê mà nhà thơ muốn nói đến là quê như thế.
Tác giả đã từng có tập lục bát “Gửi lại dòng sông” với 169 bài thơ mà chủ đề chính là quê hương và đồng đội, bạn bè và một phần thơ tình . Tập Bóng quê tiếp nối mạch cảm xúc đó, nhưng có khác là ở đây không chỉ có lục bát, mà thêm nhiều thể thơ tự do, ngũ ngôn, lục ngôn, tứ tuyệt, thất ngôn bát cú,…
Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi lưu giữ những kỉ niệm ấu thơ, kỉ niệm đầu đời đi học, kỉ niệm thanh xuân trước khi lên đường vào trận mạc,… Quê là bóng mát tỏa rợp tuổi thơ, là tấm khiên che chắn mưa bom bão lửa nơi chiến trường, là nguồn sức mạnh để người chiến sĩ vượt qua mọi gian khó hoàn thành nhiệm vụ.
Bởi thế mà Trần Trọng Giá luôn luôn hướng về quê với tình cảm dạt dào, thương mến. Có nhiều bài viết về quê : Đình làng, Phú Nhiêu quê ơi, Nhớ mẹ, Về quê, Đêm quê, Đêm ở quê, Nhớ dòng quê, Xuân quê, Tình quê nỗi phố, Đêm hè ở quê,…
Quê gắn với mẹ cha, đặc biệt là người mẹ mà tác giả luôn biết ơn. Trong tập “ Gởi lại dòng sông”, tác giả viết:
Phú Nhiêu quê mẹ sinh ra
Nắng mưa vẫn ngọt câu ca giọng hò
Hồn thiêng mẹ hóa con đò
Đưa con vượt mọi bến bờ trái ngang
( Thưa mẹ)
Vẫn tình cảm biết ơn mẹ, biết ơn quê, trong tập thơ mới này, tác giả viết:
Hôm nay ngày giỗ con về
Gánh cong đời mẹ chợ quê, bế bồng
Gió Lào nắng lửa oi nồng
Con nghe tiếng võng thấy lòng mẹ ru
(Nhớ mẹ)
Không chỉ mẹ cha, người thân, mà quê còn là bạn bè một thuở với dòng sông quê chan chứa tình người:
Dòng Hoàng Long bạn bè ngụp lặn
Nước xanh trong ôm ấp trưa hè
Sông không cạn, tình người không cạn
Giăng hồn tôi vào cả tiếng ve
(Phú Nhiêu quê ơi)
Bóng dáng làng quê trùm lên khắp các bài thơ, nhất là các bài viết trực tiếp về quê mình, làng mình.
Tác giả là một người đa cảm, bởi thế mà ngoài tình quê thắm thiết, còn có tình bạn và nhất là tình đồng chí, đồng đội sâu sắc mà người viết luôn dành cho sự trân trọng, biết ơn. Đã có một số bài thơ viết về đồng đội trong tập “ Gửi lại dòng sông” với những câu thơ ám ảnh :
Dòng sông Thạch Hãn mênh mông
Năm xưa nhuộm đỏ máu hồng người ơi
Để giờ thương nhớ đầy vơi
Nghe trong tiếng gió bạn tôi đang về
( Mong đồng đôi thứ tha)
Vẫn dòng sông Thạch Hãn, trong tập thơ “ Bóng quê” :
Đỏ dòng Thạch Hãn ngày xa
Bên dòng còn thấy xót xa vọng về […]
Qua thời đạn lửa bão giông
Chèo khua còn sợ động dòng bạn đau
( Viết từ nghĩa trang)
Trong tập thơ mới này, vẫn với sự nhạy cảm, tác giả như nghe thấy tiếng điểm danh của đồng đội:
Còn bao nhiệu bạn quên về - vô danh
Tiếng chuông nguyện tới cổ thành
Còn nghe rõ tiếng điểm danh năm nào
( Viết từ nghĩa trang)
Trong tập Bóng quê có không ít những bài thơ tình. Đó cũng là tiếp mạch nguồn của thơ tình trong tập “Gửi lại dòng sông”. Có điều trong tập này số lượng khá nhiều ( Nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã tỉ mỉ thống kê có 62 bài trên tổng số 89 bài), và chất lượng cũng khá.
Một người nhạy cảm, đa cảm nhưng Trần Trọng Giá mà không làm thơ tình mới là kì lạ! Hơn thế nữa, tác giả lại quý anh bạn vong niên, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Bài thơ Nhớ anh, tác giả “mãi nhớ ghi” lời thi sĩ đã về chín suối “cưới trời”:
Đời người vốn đã mong manh
Cứ yêu cho hết để ành làm chi
(Nhớ anh)
Hãy nghe tác giả bộc bạch về bản thân mình:
Đời ta như con dế
Ưa ca hát ham vui
Không ưa lời than thở
Vô tư mộng giữa đời
( Cám ơn đời)
Cái tình của thi sĩ chủ yếu là tình mộng cho nên nhiều ước, nhiều mơ, nhiều mong, nhiều nhớ :
Bến trần lắm mộng nhiều mơ
Trách chi! Anh ngã bên bờ mắt nhung
( Về quê)
Mắt em đã bỏ bùa tôi
Nửa đêm trằn trọc…nỗi người nhớ nhau
( Em)
Lại mơ môi mắt em cười
Phút giây sét đánh ngang trời bão giông
( Thương ơi)
Ai cấm được người mơ mộng ước ao, mộng mị, say đắm người ta, dù chỉ là, hoặc phần lớn chỉ là tình yêu đơn phương, tình yêu nồng nàn một phía?
Rất thường hay gặp những “câu thề”, những “ước hẹn” những “tương tư”, “trằn trọc”, “mộng mị”, “đam mê” bởi một tâm hồn nhạy cảm, khát yêu.
Những bài thơ tình đắm say trẻ trung của Trần Trọng Giá làm cho cuộc đời thêm sắc, thêm hương. Đó là những giọt vui quý giá giữa đời thường nhiều vất vả, nhiễu nhương, có khi nhạt nhòa, nhàm chán:
Giọt vui giục nở những lời thơm hương
( Xuân về)
Tập thơ Bóng quê nhiều cung bậc tình cảm về quê hương, đồng đội, bạn bè, người thân, về tình yêu mơ mộng . Nhưng có lẽ quý giá nhất chính là ở chỗ nó đem đến cho bạn đọc “những lời thơm hương”!
Hà Nội, 31/8/2023
Người gửi / điện thoại