THU HÀ NỘI” tập thơ như một bản tình ca về Hà Nội.
NGUYỄN BÁ ĐỨC
Tác giả Đỗ Thu Hà (tên thường gọi là Đỗ Thu) là giáo viên của một trường PTTH ở Hà Nội. Em sinh vào mùa Thu và lớn lên ở Hà Nội. Như ta thấy, không phải ngẫu nhiên tác phẩm thơ mang tên “THU HÀ NỘI” và ta hiểu thêm tình yêu của tác giả với Hà Nội, với mùa thu sâu nặng, đằm thắm, mãnh liệt đến thế!
Cảm nhận cụ thể từng bài thơ xin dành cho bạn đọc đánh giá. Ở đây tôi chỉ điểm đôi nét về phương hướng nghệ thuật của tập thơ tôi đang có:
- Tư duy về tình yêu Hà Nội đẹp và phong phú, đa dạng và riêng biệt
- Tư duy tình yêu theo tháng, theo mùa
- Tư duy hài hước mang bút pháp Hồ Xuân Hương
- Nhân vật “Anh” rất trừu tượng, nhiều ẩn dụ
Cuối cùng là những câu thơ, cụm câu thơ được tu từ rất hay.
1/Thơ tình của Đỗ Thu Hà đẹp, phong phú, đa dạng và riêng biệt. Dù nói về người, cảnh vật, thời gian, không gian hay hoa lá cỏ cây, đều mang đậm dấu ấn tình yêu với Hà Nội.
Vào mỗi chủ đề, đều có bài giới thiệu chủ đạo đan cài thơ lẫn tản văn, làm người đọc như được thưởng thức một bữa ăn đổi món, chắt lọc từ những hương vị tinh tuý của cả thơ và văn…
Thơ Đỗ Thu Hà giàu hình ảnh, mầu sắc, giầu nhạc điệu. Mỗi bài thơ như một bức thư tình. Cả Tập thơ như một bản tình ca về Hà Nội
“Con đường nhỏ ngày xưa ấy anh qua
Nay thay đổi giờ đã là kỉ niệm
Trong lòng em bao nỗi niềm xâm chiếm
Giữa mùa xuân em tìm kiếm hương tình”…
(Xuân về trên quê hương)
Anh nơi đâu để tím cả quãng chiều
Nắng cũng nhạt thêm cô liêu trắc trở
Em Katê mối tình đầu dang dở
Níu chiều vàng trong nhung nhớ mùa yêu …
( Hương của nắng)
2/Thơ chủ đề theo tháng, theo mùa! Mỗi tháng là một chùm thơ, chi phối cảm xúc rất riêng biệt trong thơ của Đỗ Thu Hà …Đó là những hoài niệm tình yêu không chỉ với mùa thu mà tình yêu bừng dậy theo cả bốn mùa: Xuân- Hạ- Thu- Đông., chẳng hạn,
Tháng giêng: Mùa xuân trên quê hương
Tháng Hai: Mùa trẩy hội
Tháng Ba: Mùa hoa Bưởi
Tháng Tư: Loa kèn xuống phố, …
Tháng Mười Hai: Mùa chim làm tổ.
Tư duy theo tháng, theo mùa tuy không mới nhưng phong phú, có nhiều phát hiện sâu sắc, độc đáo…
3/Tư duy hài hước mang bút pháp Hồ Xuân Hương. Một loạt bài thơ: Đêm và Em, Đợi; Thẹn Thùng; Phải đâu là tội, Bầu và em,.. là những bài thơ hài rất hay, nêu rõ phương pháp nghệ thuật Hồ Xuân Hương của nhà thơ về vấn đề này:
“Đêm cháy bỏng Gác lầu son/ Quay cuồng …rạo rực mỏi mòn ước ao/ Trắng phau … tròn trịa trái đào/ Rập rình thoả cái khát khao… Đàn bà (Đêm và em) Không biết thoả cái khát khao đàn bà hay cái khát khao đàn ông hay cả hai cái đây?
Và nữa: “Vừa trao đã lại thấy thèm/ Người ơi xin hãy ôm em đi nào” (Đợi)
“Em bé nhỏ giữa giàn bầu/ Dài to nghiêng ngả hai đầu Anh- Em” (Bầu và em”…
4. Nhân vật Anh thường được nhắc đến thường xuyên trong thơ với tình cảm da diết, lãng mạn. Có khi Anh là người, có khi là thời gian năm thàng, có khi là địa danh nào đó, có khi Hà Nội cũng được gọi là Anh …
“Anh có nghe tháng tư về rộn rã
Trắng loa kèn tím cả phố Bằng Lăng
Trời cao xanh lắc rắc hạt mưa giăng
Em da diết đón nắng vàng rực rỡ” (Chào tháng tư)
“Em mãi là bản tình Thu Hà Nội
Ghép hồn anh vào nốt nhạc cung trầm
Em mãi là mùa thu ngát thanh âm
Trói tình anh giữa rì rầm sóng vỗ” (Em Hà Nội)
Hoặc: Em mãi là màu nắng ấm anh ơi
Màu xao xuyến của đất trời Hà Nội (Em Hà Nội)
5/Cuối cùng, không thể không điểm đến những câu thơ hay, tu từ gây ấn tượng trong tập thơ của thi sĩ Đỗ Thu Hà
Nhìn chung, thơ Đỗ Thu Hà chuẩn về tứ, chỉnh về lời, ý tứ vần điệu mượt mà, tươi mát, là tiếng lòng của một người đang yêu và cũng được yêu! Đáng nói là thơ có nhiều câu, cụm câu được tu từ hóa rất ấn tượng, đơn cử một số trường hợp dưới đây:
Xuân hong tà áo ven đường
Phất phơ nụ tím ai thường mê say
Mình ơi còn nhớ nơi này
Có người đợi gió heo may thuở nào (Xuân sang)
Anh có nghe lời ru
Gọi xuân về rộn rã
Xua bao niềm vất vả
Đón gió xuân trở về (Lời ru xuân)
Áo dài thắt cái … lẳng lơ
Mơ màng buông chút ngẩn ngơ, thẹn thùng
(Thẹn thùng)
Em chờ đợi tiếng thì thầm của gió
Chờ tháng tư như nửa đứng nửa ngồi
Nửa của xuân, nửa của hạ chơi vơi
Hay nửa nhớ quyện nửa thương e ấp (Chào tháng tư)
Bây giờ chỉ một mình thôi
Đợi ai … Ai đợi …Ai ngồi đợi ai (Đợi)
Môi cười nát cả dòng châu
Để ai khắc khoải ngập sâu nỗi buồn (Môi cười)
Tan mình chảy giữa giàn hoa
Em mang thai cả tình ta… hỡi bầu (Bầu và em)
Giận hờn để nét môi xinh
Ai người chiều chuộng bóng hình cô thôn
Dáng ngà như sóng dập dồn
Lúc êm nhe nhẹ lúc cơn thuỷ triều…(Thu nũng nịu)
Đôi lời trên đây như là khái quát về một số phương pháp nghệ thuật chính của tác giả. Xin mời bạn đọc vào cảm nhận trực tiếp nghệ thuật tập thơ “Thu Hà Nội,” của thi sĩ Đỗ Thu Hà.
Xin chân thành cảm ơn tác giả cùng bạn đọc!
Nguyễn Bá Đức