bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 45
Trong tuần: 786
Lượt truy cập: 626017

VỀ TẬP THƠ TÓC RỐI CỦA YOSANO AKIKO

ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ TÓC RỐI CỦA YOSANO AKIKO

          Tóc rối,  Chu Thu Phương dịch và giới thiệu, nhà xuất bản Thế Giới, 2023

                             VŨ NHO

ong_nho

     VŨ NHO - ẢNH PHẠM VĂN SƠN

Thông thường, tập thơ đầu tay có thể hoặc là tuyệt hay vì đó là sản phẩm chắt chiu của nhà thơ thể hiện một năng lực nổi trội lần đầu tiên xuất hiện; và cũng có thể là còn nhiều non nớt vì tác giả chưa tự tin lắm, đang dò dẫm trên con đường sáng tạo. Tập thơ “TÓC RÔI” của Y.Akiko thuộc về trường hợp thứ nhất. Theo lời dịch giả Chu Thu Phương, đây là tập thơ thành công nhất của Akiko, mở đầu và tạo ra “trào lưu thơ tanka mới” của Nhật Bản. Không chỉ có thế, tập thơ còn gây ra sự tranh cãi của các nhà phê bình, nhà thơ về nội dung “phi truyền thống”. Dù sao, người ta cũng thừa nhận về mặt nghệ thuật, đó là tập thơ hay, nếu không nói là hay nhất của thơ tanka 31 chữ.

            Có thể nói, đối với người dịch, chọn được một tập thơ như thế để dịch là đã đảm bảo một nửa của sự thành công rồi. Vấn đề còn lại là sự am hiểu văn hóa bản địa, am hiểu nghệ thuật thơ tanka, và điều quan trong nhất là khả năng chuyển ngữ sang thơ tiếng Việt. Có thể nói Chu Thu Phương đã làm rất tốt điều này, mặc dù có lúc người dịch đã thất vọng định bỏ dở công việc vì…quá khó!

            Quả thật tập thơ gây ấn tượng mạnh  ngay từ nhan đề của nó. Tóc rối. Vì sao tóc rối? Đó là tóc của cô gái vừa ngủ dậy chưa kịp chải, chưa kịp làm đẹp. Nhưng có lẽ không chỉ  vậy! Tóc rối còn là biểu tượng của tâm trạng bối rối, biểu tựợng của nỗi lòng sâu thẳm đang xáo trộn, đang  rối tung, đang đứt nối vì cảm xúc trào dâng.

            Đây là những ví dụ về sự tương đồng giữa tóc và tâm trạng:

            Mái tóc đen huyền hoặc

            Ngàn sợi vắn sợi dài mái tóc

              Mái tóc mây rối bời

            Và nỗi lòng triền miên rối loạn

            Nỗi lòng cứ rối bời rối mãi

                        ( Bài 260)

Có khi nhà thơ nói trực tiếp, không cần thông qua tóc rối, sự bối rối, bời bời trước “vị thần chẳng đoái thương hoa”. Một tâm trạng mạnh mẽ:

            Lòng em bời bời rối

            Lòng em như say tỉnh mê man

            Cứ quanh đi quẩn lại

            Trước vị thần chẳng đoái thương hoa

            Thậm chí chẳng còn buồn che vú

                        (Bài số 40)

Tóc đẹp  là mái  đen dài; tóc che  tâm trạng kín đáo khó tỏ bày của người con gái đang yêu:

            Tóc huyền dài năm thước

            Gỡ ra thả xuôi theo dòng nước

            Uốn lượn mềm mại trôi

            Trái tim của người con gái này

            Che dấu kĩ chẳng thể tỏ bày

                        ( Bài số 3)

Nếu trước AKIKO, người con gái Nhật cũng như các cô gái Á Đông thường khiêm tốn, dè dặt, nhún nhường, che dấu tình cảm cá nhân, đè nén khát vọng dục tình, thì Akiko đã vượt qua rào cản đó. Cô gái Nhật trong tập thơ này là người là con người sống động,  tự do, tự tin,  thẳng thắn gợi tình. Không phải ngẫu nhiên mà học giả người Mĩ  Hiromi Tsuchiya Dollase nhận định :

            “ Xuyên suốt tập thơ Tóc rối, những hình ảnh như ngực, môi, da, vai và tóc được nhấn đậm tượng trưng cho nữ tính và tính dục nữ” ( Dẫn theo Chu Thu Phương)

            Không ít lần  nhà thơ nhắc đến bầu vú như một biểu tượng của sức sống, của sự phồn thực, linh thiêng:

            Ép chặt lấy bầu vú

            Chạm đến miền bí ẩn  linh thiêng

            Phá tung bức màn che

            Hé lộ bên trong nơi chốn đó

            Đóa hoa đỏ thắm nồng rự rỡ

                                    ( Bài số  68)

( Về chuyện này thì cụ Nguyễn Du và cụ Hồ Xuân Hương ở  cuối thế kỉ 18, đầu thế kỉ 19,  đã đề cập đến trong Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiênĐôi gò bồng đảo sương còn ngậm).

            Đây nữa:

                        Xuân ngắn ngủi biết bao

                        Có cái gì là bất diệt đâu

                        Số mệnh đã định rõ

                        Bầu vú em tràn căng sức sống

                        Bàn tay ấy xin hãy mân mê

                                    ( Bài số 321)

Nhà thơ  thể hiện sự dâng hiến đẹp đẽ cho người tình trong tiết mưa xuân:

                        Chìm trong cơn mưa xuân

                        Người ướt đẫm anh tới mở ra/ Cánh cổng tràn hoa cỏ

                        Kìa cái gương mặt cậy được yêu/  Của đóa hải đường đêm hôm trước

                                           ( Bài số 31)

Khát vọng tình yêu, hạnh phúc luôn bừng bừng trong người thiếu nữ. Khát vọng đó cần được đáp ứng lập tức. Khát vọng đó cũng là ý chí của thần linh:

                        Dòng máu bừng bừng cháy

                        Thiêu đốt lòng người giấc mộng đêm

                        Ngự trị chốn thiêng liêng

                        Hỡi người đi qua mùa xuân ấy

                        Xin chớ coi thường ý thần linh

                                       (Bài số 4)

Nhà thơ  khao khát dâng hiến, trong khi bạn tình lại chỉ chú ý đến cái Đạo lớn lao trừu tượng. Ta thấy sự trách móc :

                        Làn da mềm dịu đây

                        Thủy triều máu nóng dâng đến vậy

                        Anh cũng đâu chạm tới

                        Lẽ nào chẳng cô đơn lắm sao

                        Mà anh chỉ mãi nói về Đạo

                                    (Bài số 26)

Thiếu nữ yêu cuồng nhiệt đến  mức  “Chẳng chịu vâng lời Chúa”, tự do theo ý mình:

                        Chẳng chịu vâng lời Chúa

                        Nơi chốn này đây một lần nữa

                        Em đã gặp lại anh

                        Chia tay đi rồi chia tay lại

                        Chẳng còn làm em buồn đau nổi

                                    (Bài số 212)

 Tình yêu mạnh mẽ đến nỗi đánh thức khát vọng yêu thương của cả kẻ tu hành, đánh đổ cả những sách kinh mà nhà sư theo đuổi:

                        Trẻ trung tràn sức sống

                        Sư trót lỡ gục đầu ngủ quên

                        Từ cửa sổ xuân tình

                        Tay áo duyên dáng đánh thức dậy

                        Làm đánh đổ cả những chồng sách kinh

                                                (Bài số 229)

Akiko đã nói đến những phút giây chờ đợi, mong ngóng, da diết khi đợi người mình yêu:

                        Hái đóa hoa hồng dại

                        Cài lên mái tóc mây mềm mại

                        Ấp ủ trong bàn tay

                        Trên cánh dồng hoa suốt một ngày

                        Đợi anh chờ mong anh mòn mỏi

                                                ( Bài số 237)

                        Chờ đợi người tới bên

                        Con nước dòng sông Ôi thao thiết

                        Da diết đến vô cùng

                        Nỗi buồn của người con gái trẻ

                        Dài tựa tay áo kimono

                                                ( Bài số 298)

Tự mình, cô gái Nhật nhận thấy đã vượt qua mọi quan niệm yêu đương thông thường, thậm chí người đời cho là “tội lỗi” là “điên loạn”. Nhưng cô chỉ cần sự bao dung của người mình yêu:

                        Hỡi anh, một con người

                        Trái tim chứa chan lòng trắc ẩn

                        Bao dung được em chăng

                        Một người con gái đầy tội lỗi

                        Đã đến tận cùng của điên loạn

                                                ( Bài số 293)

Nói về sự đam mê sáng tạo, tác giả tự ví đã chạm tới “tận cùng nỗi thống khổ dày vò”, được thần linh dẫn đường để bước vào cõi yêu thâm u, huyền hoặc, thiêng liêng:

                        Người bạn ấy chạm tới

                        Tận cùng nỗi thống khổ dày vò

                        Mà tìm ra bài ca

                        Thần linh dẫn đường cho chúng ta

                        Bước vào chốn thâm u huyền hoặc

                                                (Bài số 292)

Tập thơ Tóc rối có tổng số  399 bài thơ. Chu Thu Phương chỉ chọn dịch 50 bài nghĩa là mới chỉ gần gần 1/8  số lượng, nhưng cũng đủ để bạn đọc Việt Nam hình dung tâm hồn trẻ trung, mạnh mẽ, khát vọng yêu  của thiếu nữ Nhật Bản thời hiện đại.

            PGS.TS Đỗ Lai Thúy đã đánh giá về tập sách công phu này của Chu Thu Phương:

            “ Tóc rối của Yosano Akiko được Chu Thu Phương dịch theo nguyên thể nhằm đảm bảo nhịp điệu tanka của nó. Với những phá cách thể loại, dịch giả cũng đã thành công. Tóc rối tiếng Việt là một chuyển ngữ vừa chân vừa nhã do một cộng cảm lớn của tác giả và dịch giả” ( Lời giới thiệu).

            Tôi đồng tình với nhận xét đó và thêm rằng Chu Thu Phương đã nắm vững makura-kotoba ( chẩm từ) và kake-kotoba ( quải từ) được dùng phổ biến trong thơ tanka và chuyển ngữ thành công. Bên cạnh đó, dịch giả trung thành với nhip của tanka (thơ Nhật không có vần, nhip điệu là vô cùng quan trọng), nhưng vừa đảm bảo nhịp, hầu hết lại đảm bảo có vần điệu, làm cho người Việt thấy gần gũi và tiếp thu dễ dàng. Đó cũng là thành công đáng ghi nhận của dịch giả Chu Thu Phương, vốn đã có kinh nghiệm dịch thơ Đức.

                                              Hà nội, 12 tháng 5 năm 2023

 bia__toc_roi

 

 

                       

                       

 

                       

 

 

 

           

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)