VỀ TIỂU THUYẾT SÓNG ĐỘC CỦA TRẦN GIA THÁI
Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022
VŨ NHO
NHÀ VĂN VŨ NHO - ẢNH PHẠM VĂN SƠN
Tiểu thuyết “Sóng độc” của trần Gia Thái là một tiểu thuyết về ngành báo chí nhưng là báo hình và báo nói, không phải là báo giấy. Về điều này, bản thân tác giả là người công tác quản lí ở Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội mấy chục năm, vì thế vốn sống của anh là vốn sống trực tiếp, trải nghiệm của tác giả cũng là trải nghiệm có bề dày. Có phải chính vì viết về một ngành, một Đài mà tác giả gắn bó quá lâu nên người viết cần có lời rào đón để tránh suy diễn : “ Câu chuyện được lấy cảm hứng từ những con người thật, ngành nghề thật, bối cảnh thật. Nhưng chân hơn, đậm hơn và cũng ảo hơn […] Vậy xin vui lòng đừng hỏi ai là ai và cũng đừng suy diễn theo logic riêng” ( Tác giả). Hơn nữa để tránh “suy diễn”, tên cơ quan là Đài Nam Bình, tỉnh Nam Bình. Đây là Đài tỉnh, “Từ Nam Bình lên Hà Nội chạy hàng giờ ô tô” (tr.202). Nam Bình có hệ thống loa phát thanh ở nông thôn chứ không giống loa phường của Thành phố ( Cảm nhận của Thiện khi anh đang ngồi ở quê trong tâm trạng tĩnh lặng nghe loa truyền thanh đài xã tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Nam Bình của anh, trang 379).
Nói chung, có thể nhiều người có khả năng, nhưng rất ít người viết về môi trường báo chí và môi trường các nhà văn. Bởi lẽ ngại mở áo cho người xem lưng? Ngại nói những chuyện đụng tới đồng nghiệp? Ngại bị phản biện bởi những đồng nghiệp sắc sảo chẳng kém ai? Chỉ biết rằng mới có Đèn vàng của Trần Chiến viết về nghề báo, Kẻ nằm người ngồi của Nguyễn Thế Hùng viết về văn nghệ sĩ, và bây giờ là Sóng độc của Trần Gia Thái.
Sóng độc là câu chuyện xảy ra tại Đài Nam Bình khi có chuyện thăm dò quy hoạch cán bộ. Điều quan trọng ở đây là câu chuyện không chỉ xảy ra với một cơ quan cụ thể. Chuyện kiện tụng, đơn nặc danh, tin giả đã gần như một bệnh dịch trong đời sống của nhiều cơ quan, nhiều ngành những năm gần đây. Vì thế mà câu chuyện trong Sóng độc có tính chất điển hình. Giải quyết việc chặn sóng độc, thu hẹp khả năng khuếch tán, gây thiệt hại của nó không hề đơn giản. Nhất là những kẻ tung ra sóng độc lại là những người làm trong ngành báo chí, phát thanh truyền hình, thông thạo mọi kĩ năng tạo tin giả và truyền phát sóng.
Cuộc đấu tranh giữa phe Ác và Thiện, Xấu và Tốt, Gian manh và Tử tế cực kì căng thẳng. Một bên là Đỗ Thiết Phó giám độc Đài cùng với đệ tử gồm Bạc Phò, Mùi Già, Đạt Láu, Hoàn Toác, Phòng Bếp,… Bên kia là Quang Thiện và những người bênh vực anh. Có thể nói Đỗ Thiết là nhân vật được tác giả đầu tư khắc họa công phu. Thiết nói năng với đệ tử, Thiết ném đá giấu tay, Thiết âm mưu ngầm hại Quang Thiện, Thiết liên kết với Phó chánh thanh tra Lê Sở Kha, dùng tiền tặng anh ta để thực hiện ý đồ của mình. Thậm chí Thiết còn lợi dụng cơ hội bố đồng nghiệp ốm nặng để tung đòn chí mạng. Thật là một con người xấu xa, hiểm độc. Tuy nhiên, tác giả đã để Thiết quá xấu, quá lố, nên tính chất thuyết phục của nhân vật này không thật cao. Trong khi tỉnh quy hoạch cán bộ, Thiện có cơ chiếm ghế của Thiết thì Thiết quyết trừ khử. Khi Hùng Dũng không đi, tiếp tục làm giám đốc, đe dọa sự thăng tiến của Thiết thì Thiết tìm cách đẩy đi, thậm chí không ngại việc lôi kéo Quang Thiện là điều có thể hiểu. Thế nhưng,… Vâng! Đúng là Nhưng, cái ghế Giám đốc Thiết đã chiếm với tư cách Quyền Giám đốc, trong khi Quang Thiện chưa kịp được bổ nhiệm Phó Giám đốc . Thế mà Đỗ Thiết vẫn cứ tiếp tục hại Thiện. Điều này tôi tán thành một phần nhận định của nhà văn Nguyễn Hoài Nam : “Đọc Sóng độc, người ta không tránh khỏi cảm giác rùng mình ghê sợ và đầy khó hiểu trước nhân vật Đỗ Thiết. Rùng mình ghê sợ bởi sự lạnh lùng nhẫn tâm, bởi tính tàn bạo bất chấp của những thủ đoạn tung sóng độc mà Đỗ Thiết chỉ đạo cho bọn đàn em ra tay để triệt hạ Phạm Quang Thiện. Đầy khó hiểu bởi…không biết làm thế thì ông ta được lợi lộc gì, khi mà vị trí cao nhất ở Đài phát thanh và truyền hình Bắc Hà cuối cùng đã về tay, và ông ta cũng chỉ còn cơ số thời gian rất ngắn để ngồi vị trí ấy, sau đó là về hưu, vậy mà vẫn hùng hục ra đòn? ( Sóng độc, một biên bản về lòng độc và hơn thế. trang 436).
Chỗ này tác giả có vẻ như muốn xây dựng nhân vật kiểu truyện cổ tích, đã xấu là xấu đến tận cùng, đã tốt là tốt hoàn hảo. Mặt khác, các nhân vật bênh vực, bảo vệ Quang Thiện thì toàn là người tốt, toàn những người có tâm. Điều này không sao cả. Nhưng chính vì thế mà một cây viết có số má như Sương Nguyệt Minh lấy làm “tiếc hùi hụi cho tác giả bởi tính gay cấn hấp dẫn và xung đột chưa được đẩy tới tầng cao vì thiếu mâu thuẫn lớn”. Sương Nguyệt Minh băn khoăn: “Có phải ông ngại va chạm ông lớn, sợ cái gọi là “nhạy cảm chính trị”, và lo sách khó in? Hay cuộc đời làm cán bộ quản lí “trên đe dưới búa” đầy hứng thú, nhưng cũng quá bất an, nghiệt ngã làm cho ông khát khao, mog muốn đến mức lí tưởng hóa nhân vật lãnh đạo đều cao cả thiện lành như thánh nhân?”.
( Sóng độc - Ngả rẽ bất ngờ hay đường cái của Trần Gia Thái? Tr.13).
Trong thành công xây dựng nhân vật, ngoài nhóm nhân vật phản diện mà Đỗ Thiết là tiêu biểu, nhân vật ông Khiêm là một nhân vật thành công. Ông Khiêm không chiếm nhiều trang nhưng rất ấn tượng với tư cách người nông dân đôn hậu, chất phác, tự trọng, tự lực và sáng suốt khuyên con tránh xa môi trường cạnh tranh khốc liệt. Tôi chú ý đến nhân vật số đông không tên. Chẳng rõ đó là ai, nhưng họ lời qua tiếng lại rất ấn tượng trước mỗi sự kiện xảy ra trong truyện. Nhà văn đã làm cho họ dạo đầu, hoặc dẫn dắt, hoặc làm nền cho nhân vật chính hay sự kiện chính rất thành công. ( Ví dụ trang 38 -41; tr 60 -63; tr. 64 – 67; tr.114- 116; tr. 173- 174; tr. 193-195; tr.281-285; tr. 372-373).
Có thể nói tác giả không bộc lộ rõ nhưng cũng thấy anh nghiêng về yếu tố tâm linh. Tin những chuyện tâm linh. Giấc mơ gặp người anh Liệt sĩ khi đang duyệt bài của Quang Thiện. Ông Khiêm luôn đón ngõ để mong con xuất hành được may mắn, bình an. Việc Thiện gặp thượng tọa trụ trì chùa Bí ở Nam Bình. Giấc mơ của Thiện gặp bố và câu chuyện “Thương con cha để dạ này” bố anh nhắc. Nhờ đó Thiện như tỉnh ngộ, nhắc Tuấn tìm hòm sắt tây và thấy tấm bằng tốt nghiệp cấp 3. Cũng là một khía cạnh để cho thấy nhân vật Quang Thiện là người thiện lành, người ăn ở hiền lành, nên sẽ được quý nhân phù trợ vượt qua những trắc trở. Không rõ tác giả có sử dụng bao nhiêu yếu tố “tự truyện” khi xây dựng nhân vật ông Khiêm, anh Thành và Quang Thiện. Nhưng tôi tin là họ có liên quan trực tiếp đến tác giả. Không phải ngẫu nhiên mà Trần Gia Thái thành kính trang trọng đề dưới nhan đề tiểu thuyết : “Để tưởng nhớ cha, mẹ và anh Trần Đức Thịnh của tôi”.
Nhiều người cho rằng tác giả không dùng những thủ pháp tân kì mà tiểu thuyết mang tính chất cổ điển. Hai chiến tuyến Thiện Ác đấu tranh và kết quả là phe Thiện có lúc bị lấn lướt, bị o ép song cuối cùng sẽ thắng. Kiểu kết cấu truyện cổ tích này làm cho người đọc có thể đoán trước được kết quả. Tuy vậy, nhờ cách viết , cách kể của tác giả, tiểu thuyết vẫn có sức hấp dẫn bởi đề tài mới mẻ, nhân vật góc cạnh, sống động. Nếu có chút phàn nàn thì nhiều chỗ, tác giả muốn khắc họa tính các nhân vật qua “diễn văn” thưa gửi. Vì vậy mạch chuyện phát triển chậm, có phần rề rà,… Tác giả kể chuyện có duyên, nhưng ít chú ý hoặc chú ý chưa đầy đủ đến phân tích tâm lí, tâm trạng nhân vật…
Nhìn chung Sóng độc là tiểu thuyết đầu tay thành công của Trần Gia Thái. Tác giả đã góp vào tiểu thuyết một đề tài quý hiếm. Không chỉ là câu chuyện của một cơ quan cụ thể, mà là câu chuyện kiện cáo, thư nặc danh, tin giả xảy ra nhiều chỗ, nhiều ngành mỗi khi có việc bổ nhiệm. Cũng là một tiếng chuông cảnh báo về công tác cán bộ của chúng ta hiện nay và lâu dài.
Nếu có bạn đọc nào quen biết tác giả và những đồng nghiệp của tác giả mà nhận ra ai đó trong đời thật ở tiểu thuyết này, không như cảnh báo của tác giả là “suy diễn theo logic riêng”, thì theo tôi cũng là một nét thành công !
Hà Nội, 6 tháng Ba năm 2023
Người gửi / điện thoại