bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 29
Trong ngày: 482
Trong tuần: 1379
Lượt truy cập: 638676

VỪA LÀ ĐỒNG HƯƠNG VỪA LÀ NGƯỜI ĐỒNG HÀNH...

 VỪA LÀ ĐỒNG HƯƠNG VỪA LÀ NGƯỜI ĐỒNG HÀNH   VỚI THƠ

HOÀNG CẦM

 

                                                                               PGS.TS Nguyễn Bích Thu

 

Không phải ngẫu nhiên khi nhận cuốn Thơ Hoàng Cầm với văn hóa Kinh Bắc của Nguyễn Thị Minh Bắc, thi sĩ  Hoàng Cầm đã xúc động gọi chị “một người gái ngoan của Kinh Bắc…đã hoàn thành cuốn sách đáng quý với quê hương mình” và tôi xin nói thêm không chỉ với quê hương mà với cả thơ Hoàng Cầm - “một người trai Kinh Bắc đã đa mang cái nghiệp thơ nhiều oan khổ”.

Cuốn chuyên luận nói trên bắt nguồn từ luận văn thạc sĩ Văn hóa Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm, bảo vệ thành công năm 2003. Có thể nói, cách đây gần 20 năm, đề tài của Nguyễn Thị Minh Bắc là đề tài đầu tiên nghiên cứu về thơ Hoàng Cầm, một đối tượng thẩm mỹ đầy sức mời gọi nhưng cũng không tránh khỏi sự e ngại về “nhân thân” với những thăng trầm, oan nghiệt mà thi nhân đã trải qua trước thời kỳ đổi mới. Và như mang cái nghiệp vào thân, từ kết quả mùa đầu ấy, hai mươi năm qua, cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Minh Bắc bên các trang giáo án vẫn bền bỉ theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu sự nghiệp thi ca của Hoàng Cầm. Sau khi bảo vệ, Nguyễn Thị Minh Bắc dành thời gian xem xét và điều chỉnh hệ thống luận điểm cùng các nhìn nhận, đánh giá thơ Hoàng Cầm sao cho khách quan và khoa học hơn.

Rồi mãi cũng tới bờ, năm 2008, cuốn Thơ Hoàng Cầm với văn hóa Kinh Bắc hiện diện trên văn đàn, trên các giá sách của những người mến mộ thơ Hoàng Cầm, đúng như tác giả chuyên luận tâm niệm: “ Muốn khẳng định giá trị thơ Hoàng Cầm và phong cách nghệ thuật thơ ông, rất cần có một sự giải mã khoa học, hệ thống, công phu. Chúng tôi hy vọng trở về cội nguồn văn hóa Kinh Bắc để kiếm tìm một số tín hiệu thẩm mỹ, góp phần soi sáng những đặc điểm nghệ thuật quan trọng trong thơ ông”, ngõ hầu qua đó thấy được những đóng góp và vị trí xứng đáng của thơ ông  trong lịch sử thơ ca hiện đại Việt Nam.

Không tự bằng lòng với những gì đã có, dù cuốn sách đã đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, nhất là với bạn đọc ở vùng quê Kinh Bắc , nhân 100 năm ngày sinh của Hoàng Cầm (1922-2022), Nguyễn Thị Minh Bắc đã làm “mới” cuốn chuyên luân ra đời từ 15 năm trước (2008) bằng cách bổ sung phần Phụ lục với 111 trang cho đầy đủ và thời sự, cập nhật hơn.

Ở phần viết này có thêm những bài bình giải về 15 bài thơ nổi tiếng của Hoàng Cầm, hai bài viết nhân ngày viếng thi sĩ Hoàng Cầm và ngày giỗ của ông cùng sáu bài thơ Cỏ bồng thi, Cỗ bài tam cúc, Lá Diêu bông 1, Lá Diêu bông 2, Qua vườn ổi, Tình cầm được các nhạc sĩ Phạm Duy, Nguyễn Thụy Kha, Hữu Xuân phổ nhạc. Phần Phụ lục cho thấy thơ Hoàng Cầm đã được độc giả các thế hệ, trong đó có Nguyễn Thị Minh Bắc đón đợi và tiếp nhận một cách thân thiện mà tinh tế ở thơ ca cũng như âm nhạc.

Điều đáng nói là Nguyễn Thị Minh Bắc đã chọn một cái tên mới Nhớ người cầm Lá Diêu Bông ở lần tái bản này. Theo tác giả chuyên luận: “Lá Diêu Bông là hình tượng nghệ thuật đỉnh cao của thơ Hoàng Cầm. Bởi đối với người nghệ sĩ tài ba, nếu không có đỉnh cao nghệ thuật thì cũng không có gì là còn lại cả. Lá Diêu Bông chính là cái còn lại mãi mãi”. Lá Diêu Bông là một cái tên vừa cụ thể vừa phổ quát, làm nổi bật đặc trưng về một thứ lá mơ hồ mà lại như một tín hiệu thẩm mỹ độc đáo xuất hiện trong thơ Hoàng Cầm, đã đi vào tâm thức cộng đồng, vào tâm thức cảm thụ và tiếp nhận thơ ông lâu nay.

Có thể nói, Lá Diêu Bông trong thơ Hoàng Cầm như một biểu tượng của tình yêu mang tính đa nghĩa, “liên văn bản,” mở ra nhiều cách tiếp cận không chỉ ở tình cảm lứa đôi mà còn là tình người, tình quê hương xứ sở, hòa quyện với hồn thơ Kinh Bắc, không gian văn hóa Kinh Bắc, mang tính bản địa mà vẫn kết nối, hòa nhập vào mạng lưới văn chương quốc gia. Điều ấy cho thấy thơ Hoàng Cầm đã góp phần đáng kể trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa Kinh Bắc nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.

Là người có cơ duyên gặp mặt và tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Cầm, có ảnh chụp với ông từ ngày bảo vệ luận văn thạc sĩ cho đến ngày ông bay về miền mây trắng. Nguyễn Thị Minh Bắc nhờ những lần gặp gỡ và trò chuyên về thơ văn với nhà thơ đã vỡ vạc và thẩm thấu nhiều điều mới mẻ và thú vị về thơ ông, về những giá trị văn hóa vùng Kinh Bắc, về những hoài niệm ký ức từ những mối tình Chị va Em vấn vương thực ảo đến cỏ cây hoa lá, tạo sự gần gũi và dung hòa giữa cái tôi chủ thể với thiên nhiên, sinh thái.

Cuốn chuyên luận Nhớ người cầm lá Diêu Bông nghiêng về lối viết nghiên cứu với văn phong đan xen khoa học và cảm thụ,  không  kiễng chân” khoe chữ, làm dáng hay rào đón lý thuyết thuần túy, mà từ thực tiễn văn hóa Kinh Bắc, vùng thẩm mỹ gắn với đối tương nghiên cứu, tác giả có ý thức hướng tới người đọc đại chúng (chả thế mà sách vừa ra lò đã có khá nhiều nơi đặt hàng) chứ không hẳn chỉ dành riêng cho giới học thuật và giảng dạy chuyên ngành. Vì vậy tính giản dị, dễ cảm, dễ hiểu nhưng không dễ dãi, chiếm ưu thế trong cách trình bày luận điểm, cảm thụ và phân tích tác phẩm, trong nhận định và lý giải của Nguyễn Thị Minh Bắc.

Trong quá trình đến với thế giới nghệ thuật thơ Hoàng Cầm, dễ nhận ra sự cộng cảm, tương tác giữa người nghiên cứu với thi nhân. Đi tìm văn hóa Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm , Nguyễn Thị Minh Bắc muốn làm rõ những trầm tích văn hóa như là “cội nguồn thi cảm xuyên suốt qua các chặng đường sáng tác, góp phần quan trọng làm nên giá trị nghệ thuật thơ ông (Hoàng Cầm - NBT), ngược lại bằng tài thơ độc đáo , Hoàng Cầm cũng có công lớn “làm “phát sáng” và thăng hoa những nét đẹp tiềm ẩn của quê hương Kinh Bắc”. Chính sự giao thoa, cộng hưởng này đã tăng thêm độ tin cậy và sức thuyết phục của cuốn sách.

Chuyên luận Nhớ người cầm lá Diêu bông gồm ba chương. Chương 1: Hoàng Cầm trong cái nôi văn hóa Kinh Bắc hay những ánh xạ văn hóa Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm, người viết may mắn được sống sống trong vùng thẩm mỹ đầy sức quyến rũ và cuốn hút đó, bằng những quan sát và cảm nhận của người Kinh Bắc, đã lắng lọc các tiếng nói, các góc nhìn khác nhau của giới nghiên cứu, phê bình nhưng thống nhất trong việc khẳng định: Kinh Bắc - cội nguồn văn hóa Mẹ có ảnh hưởng lớn đến thơ Hoàng Cầm.

Chương hai với tựa đề: Thơ Hoàng Cầm là tấm gương phản chiếu văn hóa Kinh Bắc, Nguyễn Thị Minh Bắc đã tỏ ra công phu, kỹ lưỡng trong tìm hiểu và nghiên cứu các phương diện không gian nghệ thuật Kinh Bắc với biểu tượng về dòng sông, núi đồi, lễ hội, chùa chiền gắn với truyền thống lịch sử, với cội nguồn văn hóa, với ký ức tuổi thơ trong thơ Hoàng Cầm. Đi vào thời gian nghệ thuật Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm, người viết nhấn mạnh đến thời gian của tình yêu, của kiếp đời với những chiều Kinh Bắc “chuông chiều cởi yếm, chuông chiều đội khăn”, với “đêm Diêu Bông” mang chất liệu Kinh Bắc, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đặc biệt trong không gian, thời gian ấy, hình ảnh con người Kinh Bắc từ kiếp trước đến kiếp sau, từ xa xưa đến hiện đại đều mang “màu cờ sắc áo” tiêu biểu cho mỗi thời. Đó là những nhân vật siêu nhân “đã hóa thân trong huyền thoại, là những trai tài gái sắc Kinh Bắc” thời hiện đại. Song đặc sắc nhất trong thơ Hoàng Cầm là những cô gái mang nét đẹp huyền thoại của Kinh Bắc với những “khuôn mặt búp sen”, những nụ “cười như mùa thu tỏa nắng”.

Trong chương ba, Nguyễn Thị Minh Bắc đi sâu phân tích, phát hiện và khẳng định giá trị nghệ thuật đỉnh cao, độc đáo trong thơ Hoàng Cầm đến từ những hóa thân của cái tôi đầy biến ảo, huyền diệu và tình tứ trong những bài thơ siêu thực (Mưa Thuận Thành, Về Kinh Bắc) với cả “một seri hình ảnh siêu thực: Cỏ Bồng thi, Cầu Bà Sấm, bến Cô mưa,  Lá Diêu Bông, dế Bồng si “ có lẽ được tuôn chảy, thăng hoa  từ sự thúc đẩy của tiềm thức, của những giấc mơ.

Bên cạnh yếu tố siêu thực, tác giả cuốn chuyên luận còn nhận ra chất liệu dân gian thấm đẫm trong thơ Hoàng Cầm với những làn điệu dân ca quan họ, những hội hè, những trò chơi dân dã, nổi bật ở bài thơ Cây tam cúc: Chị gọi đôi cây/ Trầu cay má đỏ/ Kết xe hồng đưa chị đến quê em. Từ những quan sát có căn cứ, Nguyễn Thị Minh Bắc đưa ra nhận định thỏa đáng và thuyết phục về nghệ thuật thể hiện trong thơ Hoàng Cầm: “Ở thơ Hoàng Cầm có sự cộng hưởng giữa chất liệu dân gian, lối thơ hiện đại tự do phóng túng và một hồn thơ Kinh Bắc, để làm nên một gương mặt thi nhân quen mà lạ”. Trong chương ba, giá như người viết “đẩy thuyền” thêm chút nữa về thể thơ, về sử dụng ngôn từ mang sắc thái Kinh Bắc thì phần viết này sẽ đầy đặn và cân đối với chương hai hơn.

Có thể nói với 163 trang chính văn, 111 trang Phụ lục và 8 trang giới thiệu, 19 tấm ảnh lưu giữ những kỷ niệm về nhà thơ Hoàng Cầm cùng các sự kiện liên quan đến ông được chú thích rõ ràng, cho thấy từ năm 2003 cho đến nay, Nguyễn Thị Minh Bắc vẫn đồng hành với thơ Hoàng Cầm, vẫn chuyên chú với sự nghiệp thơ ca của ông. Sau luận văn về Văn hóa trong thơ Hoàng Cầm năm 2003, như là tiếng nói mở đầu hướng nghiên cứu văn hóa trong thơ Hoàng Cầm đã có khá nhiều luận văn làm về thơ ông từ những góc tiếp cận khác nhau. Đặc biệt có luận án nghiên cứu về Thơ Hoàng Cầm dưới góc nhìn văn hóa của Lương Minh Chung bảo vệ năm 2012 và luận án Văn hóa Kinh Bắc vùng thẩm mỹ trong thơ Hoàng Cầm của Trần Đức Hoàn bảo vệ năm 2013.

Điều ấy cho thấy sự lựa chọn nghiên cứu văn hóa trong thơ Hoàng Cầm của Nguyễn Thị Minh Bắc từ năm 2003 là đúng và trúng với thơ ông. Và dường như chỉ có luận văn của chị là in thành sách, như một chỉ dấu, trở thành tài liệu tra cứu hữu ích cho những ai yêu mến thơ Hoàng Cầm, nhà thơ tài danh của vùng Kinh Bắc và rộng ra của thơ ca Việt Nam hiện đại. 

vnp_hoi_hoa_xuan_ecopark_2019_1


Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)