ẢNH BÁC
Trần Đăng Khoa
Nhà em treo ảnh Bác Hồ
Bên trên là một lá cờ đỏ tươi
Ngày ngày Bác mỉm miệng cười
Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà
Ngoài sân có mấy con gà
Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi
Em nghe như Bác dạy lời
Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa
Trồng rau, quét bếp, đuổi gà
Thấy tàu bay Mĩ nhớ ra hầm ngồi
Bác lo bao việc trên đời
Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười với em…
1966
Lời bìnhcủa Vũ Nho
Trước khi nói về sự độc đáo của bài thơ này, các bạn đọc nhỏ nên biết rằng, bài thơ Ảnh Bác, Trần Đăng Khoa viết khi lên 10 tuổi và đang học lớp 2. Viết xong, chú Khoa đưa cho cô giáo xem. Cô bảo được và khuyên nên gởi báo Văn Nghệ. Bài thơ được đăng báo Văn Nghệ đúng ngày 19 tháng 5 năm 1966 dịp sinh nhật Bác. Cuối bài thơ còn ghi rất tỉ mỉ : “Trần Đăng Khoa, học sinh lớp 2B cô giáo Thược, Trường cấp 1 xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, Hải Dương”. Đây là bài thơ được đăng báo đầu tiên của nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Cũng theo chú Khoa, ban đầu chú viết “Nhà em treo ảnh bác Hồ/ Dưới là một cái bàn thờ đỏ tươi”. Vì sao bàn thờ lại “đỏ tươi”? Bởi vì bàn thờ nhà chú Khoa phủ vải nhựa đỏ. Câu thơ trong bài đã được các bác ở báo sửa lại. Treo cờ với ảnh Bác Hồ chỉ là nơi trụ sở cơ quan chứ người dân ít nhà treo. Nhưng sửa như thế cũng có lí vì “Bác Hồ suốt đời gắn bó với Cách mạng, nên ảnh Bác đi với lá cờ là phải”(1)
Bác Hồ trong ảnh mỉm cười nhìn các cháu vui chơi trong nhà! Rất đúng với tình cảm của Bác vì “Ai yêu các nhi đồng/ Bằng bác Hồ Chí Minh”.
Đang nói Bác trong ảnh nhìn các cháu “vui chơi trong nhà” bỗng nhà thơ nhí chuyển cảnh đột ngột:
Ngoài sân có mấy con gà
Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi
Có vẻ như chẳng liên quan gì với ảnh Bác cả.
Nhưng rõ ràng là tuy còn bé, nhưng Trần Đăng Khoa viết đã có lớp lang, chủ đích hẳn hoi. Gà ở sân với na ngoài vườn là để chuẩn bị cho lời Bác dặn bé Khoa tiếp theo:
Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa
Trồng rau, quét bếp, đuổi gà
Thấy tàu bay Mĩ nhớ ra hầm ngồi
Khi ấy ở nhà trường luôn có treo 5 điều Bác Hồ dạy, và bé Khoa chắc cũng có biết điều ấy : “1. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. 2. Học tập tốt , lao động tốt. 3. Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt. 4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. 5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Nhưng làm thơ chứ không phải là “chép lại” lời Bác. Nên bé Khoa nghĩ Bác dạy đơn giản như lời ông bà dặn cháu, bố mẹ dặn con. Và đặc biệt là tính thời sự nên việc “Thấy tàu bay Mĩ nhớ ra hầm ngồi” là rất quan trọng, để ở sau cùng để cháu khỏi quên.
Bài thơ được kết rất giỏi:
Bác lo bao việc trên đời
Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười với em…
Rất đúng với trọng trách của lãnh tụ và tinh thần ung dung, lạc quan của Bác, tình thương của Bác với thiếu nhi.
Bài thơ “Ảnh Bác” của Trần Đăng Khoa, cùng với các bài thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Minh Huệ, Viễn Phương,…là những bài thơ hay ca ngợi Bác Hồ.
Hà Nội, ngày 16 tháng Tư năm 2020
-------
Thơ với tuổi thơ TRẦN ĐĂNG KHOA, Nhà xuất bản Kim Đồng, 2007, trang 23.
Người gửi / điện thoại
Cảm ơn nhà thơ Vũ Nho đã giới thiệu lại bài thơ “Ảnh Bác” của Trần Đăng Khoa cùng Lời bình dành cho “các bạn nhỏ” mà “bạn già” vẫn rất thích. Với cảm nhận cá nhân một bạn đọc, tôi thấy thay câu “Dưới là một cái bàn thờ đỏ tươi” bằng câu “Bên trên là một lá cờ đỏ tươi” tuy “cũng có lí” nhưng không thực tế và cũng không hay hơn. Thứ nhất, như nhà thơ Vũ Nho đã viết “Treo cờ với ảnh Bác Hồ chỉ là nơi trụ sở cơ quan chứ người dân ít nhà treo”. Thứ hai, treo ảnh Bác trên Bàn thờ gia tiên là gia đình thờ Bác, bày tỏ lòng thành kính sâu sắc đối với Bác. 19/05/2022 Đinh Y Văn
Trả lời