bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 59
Trong ngày: 553
Trong tuần: 1308
Lượt truy cập: 774157

AO HẬU

AO HẬU

 


AO HẬU

 

                                             Truyện ngắn của Vũ Thiện Khái

 




 

    Nhà tôi ở đầu xóm. Nhà anh em thằng Hiếu, con Hạnh ở cuối xóm. Xóm Trại của chúng tôi chơ vơ như một ốc đảo giữa cánh đồng làng Phùng, đếm đi đếm lại vẫn chưa đầy mươi nóc nhà. Hằng năm, vào những ngày tháng tám  rền rĩ mưa rào, trẻ con phải chịu cảnh đứa nào ở nhà đứa ấy, bó cẳng ngồi một chỗ buồn bã nghe ếch nhái kêu inh ỏi. Nửa đêm, cá chép vật ổ đẻ ùm ùm quanh ruộng lúa sát hông nhà. Bố tôi vùng dậy mặc áo tơi, đeo giỏ, cầm nơm lội khắp cánh đồng tới sáng. Hôm sau, giữa mâm cơm thế nào cũng đầy tú ụ đĩa cá kho, và bát cá nấu béo ngậy. Đợi lúc mẹ tôi te tái cắp rổ cá đi chợ Xanh, ước chừng bà đã khuất sau lũy tre ao Hậu rồi, bố tôi mới nháy mắt bảo: Mày ra bến ao lôi xâu cá tao giấu chỗ cũ ấy, đem sang biếu ông bà Hậu. Tội nghiệp nhà họ chả ai biết làm nghề cá mú. Ông Hậu là bố thằng Hiếu và con Hạnh. Có lần đang lơn tơn xách tòng teng con cá chép đuôi dài quét đất ra khỏi cổng, gặp mẹ tôi quên cái gì đó lật đật quay về. Bà nguýt dài qua kẽ răng: Rõ rặt giống bố nào con nấy. Rồi mày cũng cả đời ra ngơ ra ngẩn như bố mày thôi con ạ. Tôi nhăn răng cười trừ. Chả hiểu bà nguýt tôi hay ngấm nguýt bố tôi. Thây kệ chuyện rắc rối của người lớn, cứ được xổ lồng chơi bời cả buổi với anh em con Hạnh là tôi vui rồi.

Bố tôi nói đúng. Tóm được con cá đang bơi ngoay ngoảy giữa mênh mông đồng nước đâu có dễ. Thằng Hiếu chân cò tay nhện, hơi chạm gió bấc, chớm dầm mưa phùn đã nhức đầu sổ mũi, lên cơn hen xuyễn, cái cổ gầy nhẳng cứ thế mà  kéo nhị khò khè. Ngữ ấy đêm hôm lội ruộng ào ào theo bố con tôi sao được. Sắp qua tuổi thiếu niên rồi mà người ngợm nó vẫn đuồn đuỗn, chân tay khẳng khiu đến tội nghiệp. Bố nó cũng chẳng hơn, ông cùng một lứa với bố tôi, nhưng vóc dáng nhỏ thó, gầy gò, lọ mọ chả kém cụ lão tám mươi lụ khụ. Công việc gặt hái cày bừa ông làm không nổi, đội sản xuất xếp ông vào tổ phụ lão trồng cây. Những ngày mưa phùn gió bấc, ông rét cóng, chống cuốc đứng nép mé đường núp vào giữa đám trẻ chăn trâu, đầu trùm kín mít chiếc khăn len tả tơi mua  từ thuở vua Bảo Đại thoái vị, hai bàn tay lòng khòng ủ dưới vạt áo bông cũ sờn, nước mũi hòa lẫn nước mưa rỏ ướt bộ râu cằm loe ngoe mấy sợi, trông thật tôi nghiệp. Thời trước 1945, ông từng làm lý trưởng làng Phùng. Cũng là do một tay cụ tổng Cầu, bố vợ ông cất nhắc thôi, chứ lão ấy biết quái gì việc làng, việc nước. Ấy là bố tôi bảo thế. Lại cũng nghe bố tôi kể: Thời kháng chiến chín năm, làng tôi ú ớ hội tề, đêm ta, ngày địch. Ông Hậu chẳng làm gì cho địch, cũng chẳng tham gia du kích Việt Minh, ru rú nằm vạ cửa hầm, hễ  nghe tầu bay u u hay tiếng đại bác ì ùng xa xa đã vội chui tọt vào lòng đất. Hồi cải cách ruộng đất, lúc ấy tôi còn nhỏ, đã chứng kiến mấy đêm ông Đội họp dân, đưa lý Hậu ra đấu tố. Phát động ì xèo, chả có ai vạch ông một tội. Đành phải xếp nhà ông thành phần trung nông. Nhưng cái lý lịch đen tối liên quan đến gia đình bố vợ theo địch chạy vào Nam thì cứ đeo vào cổ ông Hậu nỗi sợ hãi vu vơ suốt một đời. Sợ đến độ có việc đi đâu, ông cụp mắt nhìn xuống đất, khép nép bước bên vệ đường. Vậy mà vẫn bị mấy thằng trẻ trâu tinh nghịch vắt vẻo cây roi tre dằn mặt: Ê… cường hào Hậu đi liên lạc với Việt gian hả? Ông khúm núm: Dạ, thưa  ông bà nông dân, con xin phép ra chợ mua gói thuốc lào ạ. Người khác gặp tình huống ấy, mười mươi vung tay chửi lớn: Mẹ cha mấy thằng trẻ ranh con nhà nào hỗn láo, ông thì cho mấy bạt tai bây giờ.

 

Con Hạnh và thím Hậu trái ngược với cha và anh nó. Nếu ông Hậu chả có một tí sức vóc và phong độ đàn ông đĩnh đạc, thì bù lại, ông trời lại hào phóng ban cho thím Hậu sức khỏe dẻo dai cùng nhan sắc óng ả buổi thanh xuân và dung nhan mặn mà đằm thắm lúc về già. Gánh nặng tuổi tác, nắng mưa, đói khát, chả để lại dấu vết tàn phai nào trên làn da trắng nõn, hồng hào từ đôi má in rõ hai lúm đồng tiền đến hai cánh tay tròn lẳn cho đến tấm lưng mềm mại của thím cứ gọn gàng nền nã quanh năm, suốt tháng. Từ bỏ địa vị tiểu thư con gái út cụ tổng Cầu mấy đời giầu có nhất làng Phùng, thím Hậu lẳng lặng cắp nón về làm dâu cụ Đồ xóm Trại nghèo kiết xác, cam chịu gắn bó cả đời với anh học trò tên Hậu học hành chữ nghĩa lơ mơ, sức vóc dặt dẹo trói gà không nổi. Mấy bà cô, ông chú xót xa mắng mỏ: Đồ ngu, số sướng mà không biết sướng. Thím vẫn lặng thinh nín nhịn giữ gìn phép tắc, chưa một mảy may lỗi đạo tứ đức tam tòng. Thương thím, họ chỉ biết thở dài trách móc ông nội thím, vì muốn trả mối hàm ơn nào đó từ đời nảo đời nào giữa hai nhà mà bắt cháu gái mình chịu khổ. Năm 1954, cụ tổng Cầu muốn đưa cả gia đình ông Hậu cùng di cư vào Nam, nhưng cụ Đồ không đi, thím Hậu xin cha cho ở lại gánh vác công việc nhà chồng. Thương con, cụ Tổng kín đáo để lại cho thím mấy cây vàng để phòng lúc cơ hàn. Đến hồi cải cách, số vàng ấy bị mấy ông đội trưng thu. Sau này ông Hậu thoát tội địa chủ cường hào, lẽ ra mớ của cải kia, theo chính sách phải được hoàn trả, nhưng rồi ù xọe chả biết nó nằm ở chỗ nào. Vả ông Hậu cũng chẳng có gan mở mồm đòi lại.

Thằng Hiếu giống cha như đúc cùng khuôn. Con Hạnh giời cho giống mẹ y hai giọt nước. Nhà nghèo, thường ngày bữa cháo bữa rau, anh nó đét đẹt, còn nó cứ lớn phù phù. Mới hơn mười tuổi đã phổng phao, da mịn như trứng gà bóc, tóc dài lả lướt chấm eo lưng, mình mẩy chắc nịch như nắm cơm gạo tám. Trên người nó chỉ quanh đi quẩn lại vài bộ quần đen, áo nâu mẹ nó khâu tay bằng thứ vải dệt thủ công cứng quèo thô ráp. Bộ nào cũng ngắn cũn cỡn, gấu quần chạm đầu gối, vạt áo không che nổi cạp quần. Chưa bao giờ nó có được tấm áo hoa. Nhiều lần tôi bắt gặp thím Hậu nhìn con gái rồi quay mặt đi, lén thở dài. Còn nó thì cứ vô tư vung vẩy đôi bím tóc đen mượt, sóng sánh đôi con mắt chẳng vương vấn một chút buồn. 

Mãi mấy năm sau ngày kháng chiến thành công, lũ trẻ xóm Trại đã lớn tồng ngồng mới được lếch thếch dắt nhau đi học lớp vỡ lòng. Mà gom cả xóm mới đuợc bốn đứa học trò, gồm  anh em thằng Hiếu với tôi và thằng Lác con ông hoạn lợn. Thằng Lừng dại dại đần đần con ông Thủ bán thịt chó, cùng tuổi với chúng tôi, vẫn không biết mở mồm gọi mẹ, học chữ làm sao được. Nhiều lần chúng tôi chơi ác, vạch một vòng tròn nhỏ quanh bàn chân nó, lại bắt nó cầm chiếc bát mẻ trước bụng, ra hiệu không được đi đâu. Mải chơi, chúng tôi quên khuấy. Quá trưa nó vẫn đứng im chỗ ấy, tay khư khư chiếc bát mẻ, nhăn răng cười toe toét. Bố thằng Lừng khỏe như vâm, nhanh như sóc. Vung thòng lọng cái xẹt, con chó đang long nhong đã bị xiết cổ kêu cái oẳng. Bà vợ ông ta da vàng ệnh, quắt queo như cá khô. Mẹ tôi bảo ngữ ấy hết đẻ đái được rồi. Chú ruột thằng Lừng ngày ngày đeo xà cột lên văn phòng Ủy ban xã, lấy vợ cả chục năm rồi, chưa có mống con nào. Nghe đồn ông ta mắc chứng vô sinh. Nghe người lớn nói với nhau: Anh em nhà ấy tuyệt tự đến nơi rồi. Thằng Lác, cằm nhọn, mặt dài, một mắt bình thường, một mắt lác. Tôi kém nó vài tuổi, nhưng tôi khỏe hơn nó. Tôi đã cho nó vài cú đá hôm nó chơi trốn tìm đã chơi xấu nhay nhay cái cằm nhọn vào lưng con Hạnh khiến nó khóc thét như con lợn bị chọc tiết. Tôi biết nó thích con Hạnh. Nó cũng biết con Hạnh thích tôi, không thích nó. Nên nó thường giở trò chọc ác chúng tôi bất kể lúc nào. Một lần thiếu nhi toàn xã tập trung mít tinh trong khuôn viên sân gạch nhà cụ tổng Cầu. Bây giờ chính quyền trưng dụng làm trụ sở. Thằng Lác giả vờ hỏi con Hạnh: Nhà ông ngoại to lớn thế này, mà tiểu thư chịu chui rúc trong túp lều bằng lỗ mũi vậy a? Thương em phải chịu cú xỏ lá này, tôi kéo em trốn khỏi đám đông. Đêm ấy, chúng tôi nắm tay nhau lao vào cơn lốc heo may lạnh buốt xiết vào da thịt. Con đường về xóm Trại xuyên qua cánh đồng tối đen như mực. Tôi gồng mình chắn gió cho em. Hai bàn tay em bấu chặt cánh tay tôi. Vai em ghé sát vai tôi. Tôi cảm nhận toàn thân em run rẩy, chả biết em cóng buốt hay là em đang khóc. Mơ hồ một bên cánh tay tôi, cồm cộm một cục tròn tròn bằng nửa trái chanh mềm mềm, âm ấm. Từ chỗ ấy, một luồng điện nóng rực truyền sang da thịt tôi, chạy dọc sống lưng tôi, êm ái chạy lên tới đỉnh đầu. Tôi chợt nhận ra, từ giây phút huyền diệu này, tôi không còn là cái thằng tồ tồ vô tâm vô tính thường ngày nữa. Và em nữa, hình như em đang run rẩy từ giã tuổi thơ ngây để bước lên cuộc đời thiếu nữ bâng khuâng say đắm cùng với biết bao vui buồn bất trắc khôn lường. Chạy ngang đầu ao Hậu, hai chúng tôi chầm chậm chìm vào bóng tre tù mù trùm lấp ánh sao. Bên trong vũng ao đen thẳm, lập lòe những bầy đom đóm xoắn xuýt nhập vào nhau trong vũ điệu mê man ma quái. Đứng nép vào tôi, em nín thở thì thào: Anh ơi! Em sợ. Lúc ấy tôi chỉ biết ôm chặt đôi vai em, trấn an khích lệ em, chứ có ngờ đâu, cái hơi thở nóng bỏng ấy, cái câu thì thào run rẩy: Anh ơi! Em sợ ấy, sẽ khôn nguôi ám ảnh tôi, sẽ rên xiết trong cõi lòng tôi đau đớn đến tận cuối cuộc đời. 

Ao Hậu nằm cạnh con đường nhỏ từ xóm Trại băng qua cánh đồng làng Phùng. Cha tôi bảo lúc còn bé đã nghe nói cái ao này là của chùa Bản. Nguyên thủy nó là hương hỏa của một cụ bà tuyệt tự. Cụ đã hiến cho nhà chùa để hằng năm các vị sư lo cúng giỗ cho cụ. Gọi là giỗ hậu. Nên mới có tên ao Hậu. Bao nhiêu năm nay, chả ai giám tơ hào một con cá, một cành tre nhà Phật. Năm này, năm khác, bờ tre ao Hậu cứ tự nhiên nẩy măng, tự nhiên vươn cao, vươn cành đan quyện vào nhau làm thành bức rào kín mít bốn bề. Nhà chùa không sát sinh nên ao cá sinh sôi dầy đặc. Chả biết tự bao giờ cò trắng kéo vể làm tổ, sáng, chiều, bầy bay lên, bầy đáp xuống dập dìu. Chúng tôi thường nghe người lớn đe nẹt: Chớ dại dột mò vào ao Hậu nghe chưa. Trong ấy có nhiều ma thiêng lắm đấy. Nhưng mà anh em thằng Hiếu và tôi vẫn lén lút chui vào ao Hậu. Chẳng lần nào gặp ma, chỉ thấy bốn bề hoang vu um tùm cỏ rậm, phân cò trắng xóa. Mặt ao lềnh bềnh lá súng, rung rinh mấy bông nở bung tím ngắt. Tôi kể với bố: Chúng con vẫn thường chui qua bờ tre ao Hậu, nhiều hôm được ăn no bụng cả buồng chuối chín cây ngọt lịm. Chỉ chưa giám lội xuống tắm thôi. Bố tôi không mắng lại còn vui vẻ kể: Thi thoảng nắng quá, tao cũng vào tắm trong ấy. Chả thấy ma thấy quỷ bao giờ. Mà ao ấy sâu lắm, chúng mày chớ dại dột lội xuống đấy. Ông nội mày kể ngày xưa đã có anh con trai cụ lý trưởng làng Phùng treo cổ trên ngọn tre ao Hậu đấy. Cây tre bị uốn cong đưa xác anh ấy ra giữa ao, hai bàn chân chấm mặt nước. Mấy ngày sau cụ lý mới biết thì, mười ngón chân tử thi đã bị cá rỉa hết thịt, chỉ còn trơ mấy đầu xương trắng hếu. Lúc sống, anh ấy đã dám bước qua rào cản phân chia thứ bậc thấp cao, quyết lấy cô gái con nhà cùng đinh mõ làng. Cụ Lý quyết ra tay ngăn cấm, dẫn đến đứa con trai độc nhất của mình phải chết thảm thương.

Bố tôi chịu thân phận kẻ ăn người ở cho nhà cụ tổng Cầu từ tấm bé. Qua tuổi thằng nhỏ chăn trâu cắt cỏ thì làm anh canh điền cày sâu cuốc bẫm. Tới năm làng Phùng cùng cả nước nổi dậy cướp chính quyền, bố tôi thoát kiếp tôi đòi, tham gia dân quân tự vệ. Mấy năm giặc Pháp lập tề, bố tôi chỉ huy trung đội du kích làng Phùng. Quan lính đồn Xanh nghe nói đến bố tôi, thằng nào thằng nấy mặt xanh như đít nhái. Anh con cả cụ tổng Cầu theo Tây, đeo lon gì to lắm. Một lần về nhà ăn giỗ, đội du kích làng Phùng gài mìn ngoài đường cái, đợi anh ta ra khỏi làng là cho nổ banh xe. Chẳng ngờ hôm ấy cô con gái út cụ tổng Cầu cùng ngồi trên chiếc xe zep ấy. Cái cô tiểu thư sau này sẽ là vợ ông Hậu, là mẹ thằng Hiếu với em Hiền. Cha tôi  bặm môi cho xe chạy qua mới giật dây mìn. Vì vậy ông bị tổ chức kỷ luật, cách chức trung đội trưởng. Chín năm kháng Pháp kết thúc, cha tôi trở về làm anh dân cày. Tôi để ý, không ít lần thím Hậu đi lẫn trong đám phụ nữ qua cổng nhà tôi ra đồng làm việc, cha tôi ngồi cúi đầu buồn bã hút liền năm bẩy điếu thuốc lào. Mẹ tôi đứng ngoài sân mát mẻ: Nhớ ai như nhớ thuốc lào.

Người em ruột bố tôi, thời trước cách mạng, bị nghi oan đã tham gia vụ cướp nhà cụ tổng Cầu, nửa đêm bị lính lệ xông vào nhà trói thúc ké giải lên huyện đường đánh mấy trận thừa sống thiếu chết. Ông nội tôi chỉ có hai sào tư điền phải bán đi lấy tiền chạy chọt, chú mới được tha về với tấm thân bầm giập máu mê. Chú bí mật thoát ly từ đấy. Tháng Tám 1945, chú về làng tổ chức cướp chính quyền. Bây giờ chú công tác trên tỉnh. Gia đình chú ở trên thị xã. Chú ít về làng. Năm tôi đang học nửa cấp ba, chú về ăn giỗ ông tôi. Chập tối, cả nhà ngồi quây quần trò chuyện, chú hỏi tôi: Sau này cháu muốn theo học ngành nào. Tôi ngây thơ trả lời: Chỉ muốn được ở làng làm ruộng như bố cháu. Chú nói tiếp: Rồi lấy vợ sinh con đẻ cái phải không? Tao nghe mẹ mày nói mày quấn quýt với đứa nào rồi. Hỏng, hỏng quá. Lâu nay bận công tác, tao ít để mắt đến mày, bố mày thì ù ù cạc cạc, để mày ra nông nỗi này, hỏng quá. Lập trường giai cấp để đâu hở? Tôi định cãi: Cháu chả làm gì hư hỏng. Thì chú đã phán như đinh đóng cột: Tháng sau có lớp đào tạo đặc biệt, Anh chị chuẩn bị tinh thần, tôi sẽ cho nó thoát ly. Quyết định của chú, bố tôi không cản được. Đầu tháng sau, chú cho xe về đưa tôi đi. Tôi chỉ còn kịp chạy nhảo sang nhà thằng Hiếu hẹn gặp em Hiền chỗ cũ. Đêm ấy, núp kín trong bụi mấy cây móc dại mọc chen giữa bờ tre ao Hậu, em Hiền và tôi run rẩy ngồi bên nhau chả đứa nào nói được câu nào mạch lạc. Tôi chỉ một lời: Ráng đợi vài ba năm, học xong anh sẽ trở về. Em Hiền thì nức nở: Anh ơi!… Em sợ, em sợ lắm. Trăng đã lặn rồi. Đàn cò trên những ngọn tre cũng đã im ắng không còn lếu quếu gọi nhau nữa. Từ mấy xóm xa xa đã rộ lên mấy hồi gà gáy báo hiệu trời sắp sáng, chúng tôi mới nghẹn ngào chia tay nhau trong nước mắt.Tôi nhớ đêm ấy em mặc tấm áo lụa mầu tím mà mẹ em đã khâu cho em từ tấm áo thời thiếu nữ của mình. Vai áo tôi đẫm nước mắt em. Nước mắt tôi cũng thấm đẫm tấm áo lụa duy nhất trong đời em có được. Thật sự ngày ấy, tôi chẳng thể ngờ hơn chục năm sau tôi mới được trở về. Sau này nghĩ lại, tôi mới biết từ đêm ấy, em đã sớm ngộ ra cái khoảng cách phân chia này nọ giữa con người, vì vậy mà biết bao số phận phải hứng chịu bi ai, chia lìa, tan tác. Mà tôi thì non dại quá, không biết rằng đôi bàn tay em mãi thít chặt hai vai tôi giây phút ấy chính là cử chỉ níu kéo cuối cùng của em trong mịt mờ tuyệt vọng. Không biết rằng, em và tôi chỉ là hai hạt cát dưới bánh xe thời cuộc lạnh lùng, vũ bão.

Sáng sớm hôm sau, chiếc xe chở tôi qua cổng nhà em, đã thấy em thẫn thờ đứng đợi tự lúc nào. Tôi năn nỉ chú lái xe dừng lại. Nhưng, một cú nhấn ga, chiếc com măng ca Liên Xô màu cỏ úa vô tình lao vút trên con đường vắng vẻ, con đường suốt tuổi thơ em và tôi đã bao lần đi về tin cẩn nắm tay nhau, đinh ninh cùng nhau yên hàn sánh bước tới tận cuối cuộc đời. 

Sau mười hai năm ba tháng bẩy ngày, hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt ở nước ngoài, tôi mới được trở về xóm Trại. Bắc nam thống nhất đã mấy năm rồi. Ao Hậu ngày xưa không còn chút dấu vết nào. Chỗ xưa là mặt ao, bây giờ là mặt con đường rộng rãi chạy qua cửa nhà văn hóa thôn Phùng, dẫn thẳng vào trụ sở Ủy ban Nhân dân xã. Dưới mái ngôi nhà tôi luôn da diết nhớ thương nay đã bạc đi vì mong đợi, chỉ còn một mình cha tôi râu ria tua tủa, thui thủi ra vào. Mẹ tôi và cha mẹ em Hiền cùng gần trăm người làng Phùng đã bay về thiên cổ trong một trận phi cơ Mỹ rải bom bi dọc triền sông Đáy. Hỏi tin em, bố tôi cúi đầu thờ thẫn: Con Hiền nó chết thảm quá, xác nó treo cong ngọn tre ao Hậu, y như cậu con cụ lý làng Phùng ngày xưa. Tôi chạy như bay đến nhà em. Thằng Hiếu hom hem đứng như trời trồng giữa mặt sân ngập ngụa lá vàng. Dường như nó vẫn đứng chỗ ấy chờ tôi mười mấy năm qua. Cố gắng lắm nó mới khò khè được mấy lời: Mày đi được hai năm thì em Hiền nó ra ao Hậu. Cái ngọn tre ao Hậu vít cong thả nó vào đúng chỗ chúng mày thường bí mật gặp nhau hồi ấy. Tối ấy nó đi, nó mặc tấm áo lụa màu tím Huế. Nó gửi tao cuốn sổ tay này. Nhắn rằng sau này trao cho mày. Chiều hôm ấy, tôi và Hiếu gục đầu ngồi trước nấm mồ em. Tôi đọc từng trang nhật ký em ghi từ buổi sáng sớm em hóa pho tượng gỗ đứng chờ tôi cạnh cổng nhà, đăm đắm nhìn theo tôi lần cuối. Tôi khóc. Nước mắt tôi rơi trên mồ em, rơi trên ngọn cỏ úa vàng. Rơi ướt những cánh hoa dại màu tím ngắt. Sáng ấy em mặc tấm áo lụa màu tím Huế, màu tượng trưng chung thủy sắt son tôi vẫn mang theo trong ký ức mười mấy năm ròng.

Nhật ký của em

Ngày… tháng… năm 196… Anh hẹn tôi tối nay cùng đi xem chiếu bóng. sốt ruột chờ chẳng thấy anh kêu ám hiệu như mọi bận. Tôi liều đến nhà anh. Con chó quen vẫy đuôi mừng. Cửa chính nhà anh thả chùng tấm mành đan bằng những thanh nứa nhỏ. Ngọn đèn măng sáng rực đặt giữa mặt bàn. Ông chú anh ngồi đối diện với cha anh. Tôi kịp dừng bước đúng lúc chú anh đang to tiếng mắng: Lập trường giai cấp mày để đâu? Hỏng quá. Tháng sau tao sẽ cho mày đi học lớp đặc biệt… Đất dưới chân tôi như sụp lở. Chẳng nhớ làm sao tôi về được nhà mình.

Ngày… tháng… năm 196… Tôi sốt mê man, nằm liền ba ngày. Giữa trưa tỉnh dậy. Mẹ thất thần, mếu máo: Sao đôi mắt con nhìn mẹ vô hồn như vậy con ơi! Có nhận ra mẹ không? Giời ơi! Sao mẹ con tôi phải khổ thế này. Đừng nghĩ dại con ơi! Dầu thế nào cũng còn mẹ, còn cha con, còn anh con nữa. Tôi đưa bàn tay lạnh giá nắm chặt tay mẹ. Mẹ ôm tôi thổn thức: Ngày xưa, mẹ trót yêu một lực điền từng làm tôi tớ trong nhà ông ngoại con từ tấm bé. Khi ông ngoại biết, đã gầm lên: Tao thì gọt đầu bôi vôi, cột mày lên bè chuối thả sông. Còn cậu con từ Hà Nội nhắn về: Nếu mày quyết theo thằng ấy, tao sẽ cho lính đánh cho nó tuốt xác rồi tống ra ngoài Côn Đảo. Ngày ấy bà ngoại con khuất núi lâu rồi, mẹ chả có ai để giãi bày nông nỗi. Mẹ đã có ý định quyên sinh. Một đêm mẹ trốn ra ao Hậu. Khi hai bàn chân chạm mặt nước ao lạnh buốt, chợt vang bên tai tiếng bà ngoại: Con đi rồi, thanh thản mình con. Có nghĩ cho người ấy sẽ bị anh con đọa đày khốn khổ cả đời không? Nó nói là làm đấy. Mẹ biết tính nó mà. Tỉnh trí lại, mẹ thờ thẫn quay về, sợi dây thừng chẳng biết bỏ chỗ nào. Nghe chuyện mẹ, thảo nào mà mắt mẹ lúc nào cũng buồn rười rượi.

Ngày… tháng… năm 196… Buổi sáng nhìn theo chiếc xe đưa anh lao vùn vụt trên đường, Tôi biết đời tôi từ nay thật sự mất anh rồi. Đã biết chuyện năm ngoái Ủy ban xã không cấp giấy chứng nhận cho chị Huệ con ông bá Biểng kết hôn cùng anh kỹ sư đường sắt, chỉ vì nhà chị thành phần địa chủ. Mà sao tôi không nhận ra nhà anh và nhà tôi khác biệt nhau một trời một vực? Anh ơi! Cái trời cao vực thẳm kia nó mênh mang quá. Gió thì như bão. Đôi cánh chúng mình mong manh quá, làm sao bay qua nổi anh ơi…

Ngày… tháng… năm 196… Dạo này giặc Mỹ dùng không quân đánh nống ra miền Bắc dữ dôi quá. Thanh niên trai tráng ra mặt trận hết rồi. Xóm Trại chỉ còn thằng Lừng và thằng Lác. Thằng Lác được chỉ định làm đội phó đội sản xuất. Hễ gặp cơ hội là nó bám đuôi tôi như đỉa đói: Hiền ơi về làm vợ anh đi. Thằng ấy lý lịch đỏ như son, lý lịch nhà mày đen như đít trã. Đũa mốc đừng chòi mâm son em ạ. Tôi xổ thẳng vào mặt nó: Dù đời này hết sạch đàn ông, tao cũng không lấy cái mặt mày. Nó hằn học: Vậy thì mày chỉ còn nước lấy thằng Lừng. Tôi đáp tỉnh bơ: Tao lấy thằng Lừng có sao đâu. Nó hơn mày gấp vạn lần.

Ngày… tháng… năm 196… Tưởng nói cho qua chuyện, không ngờ… Trưa nay hai mẹ con tôi đi làm về đã thấy bố tôi đang tiếp bà mẹ thằng Lừng và người em dâu bà ta. Ba gói trà Ba Đình nằm lỏng chỏng giữa giường. Hai bà ý tứ nhìn tôi rồi đứng lên thân mật chào hỏi mẹ, đoạn xin phép ra về. Mẹ hỏi bố: Họ đến hỏi con Hiền cho thằng Lừng phải không? Ông nhận lời chưa? Bố im lặng. Mẹ gào lên: Ông giết mẹ con tôi rồi hãy làm chuyện ấy. Bố chống chế: Thời buổi chiến tranh, tìm đâu cho nó được thằng tử tế. Với lại người ta hứa, chú nó đảm bảo sẽ duyệt cho thằng Hiếu được vào học trường Sư Phạm tỉnh. Nó ốm o vậy, không lo cho nó một nghề mài chữ mà ăn, mình chết đi rồi, con nó làm sao sống nổi. Mẹ tôi ôm đầu rên rỉ: Ông hủy hoại đời con gái tôi rồi ông ơi. Tôi bật lên một tràng cười lạnh giá: Con đồng ý. Bố trả lời người ta đi. Mặt mẹ trắng bệch, nhìn tôi trân trân. Từ ngày mất anh, tôi đã chết rồi. Bây giờ chết thêm lần nữa, có sao đâu.

Ngày… tháng… năm 196… Chả biết ông chú thằng Lừng có quyền thế to tát gì không, tốt nghiệp cấp ba, anh tôi thi đậu vào trường sơ cấp sư phạm. Anh nhập học tuần trước, tuần sau người ta vội vã tổ chức đám cưới thằng Lừng. Tôi ráo hoảnh đôi mắt, dẫn cái xác vô hồn về nhà họ. Đêm đầu tiên ngủ chung giường, thằng Lừng và tôi nằm giở đầu đuôi, chiếc gối cưới ngăn đôi hai đứa. Chưa đặt lưng nó đã ngáy khì. Những đêm sau này đều vậy. Anh ơi! Từ nay mỗi đêm của em là một cuộc hành trình mộng mị bay bổng như chim qua mặt ao Hậu. Không ít lần em mơ thấy mình vắt vẻo trên ngọn bụi móc, chỗ anh và em vẫn gặp nhau thuở xa lơ xa lắc. Hai mắt em xối xả tuôn trào hai dòng lệ, ao Hậu ngập rồi, bụi móc ngâp lút ngọn rồi, cánh đồng làng Phùng lụt trắng băng rồi, hai suối lệ em vẫn chẳng ngừng tuôn anh ơi…  

Ngày… tháng… năm 196… Thỉnh thoảng gặp mẹ ngoài đồng, mẹ ý tứ nhìn bụng tôi, mắt cứ buồn rười rượi. Tháng tháng mẹ thằng Lừng thấy tôi kín đáo phơi miếng vải mùng sau nhà bếp, mặt bí sị hỏi: Vẫn chưa có gì à. Tôi tinh quái hỏi lại: Có gì hả mẹ? Hôm qua tôi phát hiện cái chốt cửa buồng bị tháo đi rồi. Nửa đêm nghe tiếng bước chân bà ta se sẽ đẩy cửa. Thấy chiếc gối ngăn đôi hai đứa nằm xuôi, nằm ngược. Chiếc đèn hoa kỳ từ tay bà rơi xuống đất vỡ tan tành.

Ngày… tháng… năm196… Chiều muộn, nghỉ việc đồng, tôi như kẻ mộng du qua cổng nhà anh. Nghe tiếng cha anh gọi với theo: Hiền! Cháu vào nhà bác nói chuyện này. Bác và tôi ngồi trên chiếc trõng tre đặt cạnh gốc nhãn. Tôi cảm nhận hơi ấm của anh còn lưu trên mặt ghế. Đắn đo mãi bác mới nói: Cháu ơi, bố cháu bị anh em lão hàng chó lừa rồi. Nó chỉ là chân thư ký giữ con dấu, quyền gì mà phê duyệt lý lịch người ta. Bác đã hỏi, Ông trưởng công an xã bảo: Ông Hậu thành phần trung nông, nhút nhát hiền lành như cục đất. Thằng Hiếu đi học mấy ngành bình thường, xã có ngăn cấm gì đâu. Cháu ra nông nỗi này, bác thương cháu, thương thằng con bác đứt ruột. Tôi thầm nghĩ: Bây giờ chuyện ấy quan trọng gì đâu. Tự nhiên tôi nghẹn lòng thương bác, thương mẹ tôi, thương tôi, nức nở không kìm nén được trước mặt bác.

Ngày… tháng… năm 196… Hôm nay bà ta đe nẹt: Này tôi cưới cô về không phải để cô qua mặt dở trò tinh quái ấy đâu. Tôi giả vờ lễ phép: Thì con đã làm đúng hợp đồng làm vợ anh Lừng đấy thôi. Bà ta lật ngửa bài: Cái chúng tôi cần là cô đẻ cho dòng họ chúng tôi một thằng con để nối dõi tông đường kia. Rồi bà ta van vỉ: Con ơi, hãy thương xót mà cho nhà này một thằng quý tử, mẹ hết lời cầu xin con đấy. Tôi phản đòn: Lâu nay nhà bà lừa dối chúng tôi đã đủ rồi.  

Ngày… tháng… năm 196… Sau lần xô sát ấy, mấy hôm nay tôi thấy thái độ bà ta cứ lấm lét thế nào. Ánh mắt ông buôn chó vụng trộm nhìn tôi hấp háy gian tà. Thằng Lừng mấy tối liền bị đuổi sang nhà chú ngủ nhờ.  Nghĩ đến cái chốt cửa bị tháo ra, mỗi đêm tôi cảnh giác giắt con dao nhọn bên mình. Lại cẩn thận nằm ngang giường cuộn tròn manh chiếu bó quanh người. Chẳng ngờ... họ đặt sẵn hai sợi lạt trên tấm rải giường, chỉ chờ tôi vừa ngả lưng cuộn chặt người trong manh chiếu, vợ chồng họ ập vào trói tôi như khúc giò cứng ngắc không cựa nổi chân tay. Con dao nhọn bên mình cũng chẳng giúp được gì. Nghe bà ta nghiến răng: Đẻ cho dòng họ tao thằng cháu, chúng tao sẽ giải phóng cho mày. Nói rồi mụ xé toạc nửa chiếu dưới, thô bạo kéo tuột quần tôi, đoạn kéo giang hai chân tôi cho lão chồng hổn hền đè xấp lên người tôi.

Ngày… tháng… năm 196… Sau mấy ngày cắn răng đau đớn ê chề, tôi quyết định không nói gì với mẹ cái sự ô nhục tôi vừa phải trải qua. Bố mẹ tôi biết được chỉ đau đớn thêm, chẳng giải quyết được gì. Mọi sự tôi đã quyết rồi. Chiều nay tôi về nhà mẹ, giả vờ nói cười cứ như không. Chỉ còn mỗi việc cất cuốn nhật ký này trong ngăn bàn anh Hiếu nữa là xong phận sự một đời người. Tôi không dám mở miệng từ biệt mẹ, không dám chào cha già lấy một câu. Sợ rằng tôi không kìm được nước mắt, không đi được đến điểm cuối đoạn đường đoạn tuyệt thế gian này. Tôi mang theo tấm áo màu tím huế cất trong buồng mẹ. Bao nhiêu xót xa tình mẹ trong tấm áo này, tôi chưa mảy may báo đáp. Bao nhiêu trắng trong tinh khiết tôi dành cho anh trong tấm áo này. Đêm nay tôi sẽ mặc vào người, để cùng với nó đi xa, từ cõi vô hình, tôi sẽ trở về hằng đêm trong giấc mơ của anh, chỉ bát ngát một màu tím Huế dịu dàng, trinh trắng.

 

 

Nửa đêm nay tôi sẽ một mình ra ao Hậu. Sợi dây ngày xưa mẹ tôi bỏ quên đâu đó, lần này tôi sẽ xiết chặt nó trong hai bàn tay chưa bao giờ được nồng nàn ôm anh theo nghĩa vợ chồng. Giây phút tôi nhẹ nhàng buông tay ấy là phút giây vĩnh cửu tôi được quyền là tôi, được sải cánh bay về phía anh, phía ngàn trùng xa cách. Anh ơi! Từ đêm nay, em hết sợ rồi.

 

 

                       

Người đăng: Vũ Nho Ninh Bình vào lúc 15:28


In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)