Mai Thanh
CẢM NHẬN VỀ BA BÀI THƠ TÌNH“THI MẠCH KỴ LỘ” TRONG THƠ VĂN BÚT THÁP
Trước hết, xin mời đọc ba bài thơ dưới đây:
1.CÓ MỘT NGÀY - Lê Hà
Có một ngày Em theo vào vườn anh
vườn anh đầy gió nắng
chân em lạc trong líu ríu tiếng chim
mải chơi ghép lá “tục huyền”
đường ra em không nhớ
chiều hương say màu hoang vu
nắng tỏ em bừng tỉnh vườn anh sập cửa không còn lối ra!
2.KHOẢNG TRỜI RIÊNG - Nguyễn Thiết Kế
Vô tình! Một ánh sao rơi
Xé màn đêm rạch khoảng trời thành hai
Nửa yêu ở phía ban mai
Nửa thương lặn phía đêm dài mênh mông
Biết là! Mùa đã sang đông
Cánh chim di trú sao không thấy về?
Cải ngồng hiu hắt triền đê
Thương đời bạc mệnh dãi dề gió sương
Người đi! Biền biệt viễn phương
Liệu còn hoài niệm con đườnglá xanh?
Dẫu quê chưa hửng nắng hanh
Khoảng trời riêng vẫn để dành… chờ nhau!
3.VÔ ĐỀ - Nghiêm Thản
Lỡ tay làm tuột dây gàu
Em ơi! Giếng nước nông sâu thế nào
Anh về lấy một chiếc sào
Dò tìm đáy nước thấy bao nhiêu tình.
Đây là tập thơ phong phú về nội dung và hình thức thể hiện như nhiều tập thơ mà ta đã đọc. Đó là ấn phẩm tinh thần bộc lộ cảm xúc về cha mẹ, về bạn bè đồng nghiệp, về tình yêu,hôn nhân-gia đình, về cảnh quan đất nước và lịch sử dân tộc…Đặc biệt, tập thơ tôn vinh các chân dung đáng kính ở mọi thời đại, ở mọi lĩnh vực trong cộng đồng Việt Nam. Về kết cấu nội dung,tác phẩm, đúng với sản phẩm tinh thần của một CLB văn học gồm thơ, văn và cả nhạc nữa! Các bài bình luận của PGS. T.S Vũ Nho và nhà thơ-nhà phê bình Nguyễn Việt Chiến đã nói lên hầu hết vẻ đẹp theo tinh thần “Chân-Thiện-Mỹ”của tác phẩm Tôi chỉ xin cảm nhận ngắn về ba bài thơ tình đã nêu trên kia: 1.Lê Tam Hà: “Có một ngày” (tr.141): Vườn anh chính là anh. Em vào vườn annh đồng nghĩa em đến với anh, đến với không gian tình yêu quên cả lối về: Vườn anh sập cửa Không còn lối ra Vậy là em thuộc về anh rồi. Với cách nói khác, tôi gọi đây là bài thơ “được tình”! 2. Nguyễn Thiết Kế: “Khoảng trời riêng” (tr.309) Nếu bài thơ “Có một ngày” của Lê Tam Hà tôi gọi là “được tình”, thì bài thơ “Khoảng trời riêng” là “mất tình”. Người tình xấu số ra đi, nhà thơ thương “đời bạc mệnh dãi dề gió sương” và vẫn để dành khoảng trời riêng để chờ nhau. 3. Nghiêm Thản: “Vô đề” (tr. 454): Đôi trai gái đứng bên bờ giếng nước. Anh để rơi chiếc gầu xuống giếng và hỏi em “đáy giếng nông sâu thế nào?” Em trả lời rằng, anh về lấy cây sào ra mà dò tìm vật rơi đáy giếng. Tôi gọi đây là bài thơ “Tỏ tình”. Tôi quan tâm đến nghệ thuật của ba bài thơ. Mỗi bài thơ có lối gieo vần khác nhau: Thơ tự do, thơ lục bát và thơ khổ, nhưng đều thể hiện được nét nghệ thuật độc đáo chung cho cả ba bài. Dù ở “Được tình”, Mất tình”, hay “Tỏ tình”, chúng đều chứa đựng ý tưởng kín đáo – còn gọi là “mạch kỵ lộ” là vậy. Ở Lê Tam Hà, không nói em đến với anh, mà nói em vào vườn anh; không nói em yêu anh rồi, mà nói vườn anh sập cửa em không còn lối ra. Ở Nguyễn Thiết Kế, không nói em qua đời mà nói “một ánh sao rơi”; thay dùng đại từ em mà nói “cánh chim di trú”. Ở Nghiêm Thản, thay lời tỏ tình cụ thể, chàng trai hỏi cách tìm lại chiếc gàu và thay vì đáp trả trực tiếp lời tỏ tình đó, cô gái gợi ý chàng trai tìm chiếc sào để dò ra độ nông sâu của giếng, đồng nghĩa để tìm hiểu lòng em. Cần nói thêm: “Thi mạch kỵ lộ” là một yêu cầu để thơ hay. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho rằng, thơ lộ mạch cũng có thể là thơ hay. Song, đó là câu chuyện khác về thơ, ở đây ta không bàn đến chuyện đó! Về các bài thơ đang đề cập, còn có thể nói nhiều điều hơn nữa. Song xin được dừng lời tại đây để nhường lời cho các đại biểu và các bạn thơ khác! Trân trọng cảm ơn các đại biểu và các nhà thơ!
M.T