Trần Tâm
BÀ VỢ ÔNG QUYNH
Ông Quynh ở cùng công trường tôi. Nói chung, ông là người khỏe mạnh, tích cực trong công việc nhưng hiền lành, rụt rè. Mỗi khi, gặp những điều không phải, ông sẵn sàng trừng phạt bằng cách… im lặng. Bố không thèm nói nữa, kệ mẹ chúng mày. Tội nợ mắc phải thì cố mà gánh lấy, chả vạ gì đến ông.
Nhưng đời nhiều chuyện lạ lùng ghê. Nhiều kẻ đang ngu ngơ bỗng dưng vớ của. Là người xông xáo nhưng ít lời lại gặp may, ông được đề bạt đội trưởng rồi phó quản đốc phân xưởng. Xí nghiệp cử đi học mấy lớp, không ra gì cũng đỗ. Dốt nát là kẻ thù của toàn dân, của giai cấp lãnh đạo, ông ăn đói mặc rách đi học. Cuối năm, ông được đề bạt làm Quản đốc rồi Phó giám đốc. Có chức có quyền nên khối kẻ sợ người nể. Tiếng ca ngợi vang vang.
Vậy mà loáng cái, từ con người này nảy nòi thành ra con người khác. Bao nhiêu công lao có nguy cơ đổ ra sông ra bể hết.
Bà Lam - vợ ông làm ở công trường xây dựng trong Xí nghiệp xây lắp. Phụ nữ nói chung thời nào cũng khổ. Người vợ ấy là một phụ nữ đáng nể. Lấy chồng, chồng được làm Phó giám đốc một xí nghiệp sửa chữa công nghiệp loại ba. Chức quyền thế nhưng không nhiều bổng lộc, quà cáp như những năm về sau.
Nghèo túng, khó khăn quá lại không nhờ vả được ai, bà đưa mấy đứa con về quê. Vừa làm ruộng vừa trông coi, săn sóc bà mẹ chồng không còn nhiều sức lực. Hoàn cảnh đưa đẩy như thế nhưng Lam không ngại. Nếu đổ lỗi cho hoàn cảnh, tốt đẹp sẽ rất xa, viễn cảnh giàu có mãi nằm trong giấc mơ thôi. Việc duy nhất bà làm là không đổ lỗi, cố gắng cho con cái khỏi đói, phấn đấu học tập và làm việc cho bằng anh em, bằng chúng bạn. Chăm sóc hơn hai mẫu ruộng với bàn tay quen việc nhà nông. Bà ở quê, hàng năm chỉ được gần chồng những kỳ ông nghỉ phép, đi công tác qua. Như phần nhiều công nhân ở khu tập thể thời ấy, vợ chồng gần nhau mỗi năm chỉ tương đương với thời gian họ đi vệ sinh, đi rửa mặt. Ông Quynh cũng vậy. Năm thì mười thoảng mới về, đưa vợ mấy chục đồng, ăn vài bữa cơm rồi tếch. Ông có Khẩn, anh bạn cùng quê làm trưởng Ban Thanh tra Đảng ủy. Hai người ở cùng nhau trong gian nhà mười tám mét vuông.
Gần chỗ Quynh là khu tập thể nữ. Mỗi chiều, sau khi đi làm về, bể nước lại là nơi hội tụ. Những tay thanh niên lực lưỡng, cởi trần tắm táp. Chị em phụ nữ đêm đêm len lén ra, trần truồng rửa ráy thay giặt. Thấy vắng người thì thoải mái giặt gột, chuyện trò. Những đêm trăng, họ cử người canh gác hai đầu. Thấy ai ra thì lặng lẽ làm hiệu cho đứa đang nồng nỗng. Trong số chị em có Kim. Kim là cô gái khỏe mạnh nhưng nhan sắc chỉ đến năm cộng đã là ưu ái. Cô ra mỏ theo một đợt tuyển thanh niên đi làm thợ. Mưa nắng chuyện trò không nhớ bao lâu, phó giám đốc xí nghiệp sửa chữa công nghiệp loại ba lại phải lòng Kim. Chả rõ thế nào, Quynh lại làm cho cô có thai. Kim người Mỹ Hào, Hưng Yên. Lằng nhằng đến lúc bụng lùm lùm rồi cái thai quẫy đạp, cô bắt đền ông. Những giọt nước mắt phụ nữ cũng là sức mạnh. Khu tập thể bắt đầu có tiếng xi xeo. Quynh nói với cô:
- Anh nhờ người đưa em lên bệnh viện tỉnh. Ở đó, họ làm tốt, không đau lắm đâu. Em yên tâm!
Kim giãy nảy lên:
- Không! Em không làm chuyện giết người ấy! Mặc kệ anh!
- Em thừa biết! Để vậy tai tiếng lắm! Đời em còn dài. Bố mẹ em nữa, sẽ đối xử với em ra sao? Anh lại đang…
Những lời ngọt nhạt, rủ rỉ, răn đe, thương xót, cảm thông cũng có sức mạnh, lôi kéo quyến rũ người. Cô Kim đồng ý cùng ông lên bệnh viện tỉnh.
Nhưng trời không nỡ để thằng bé chết. Bệnh viện nói cái thai to quá rồi, không nạo nữa. Ông bày cách chu cấp tiền lương của mình cho Kim bỏ xí nghiệp về quê.
Lúc đó, vùng than đang sôi sục chống Mỹ. Nhiều việc cấp bách không ai kịp đếm xỉa những điều không nhỏ nhưng chưa động đất cháy nhà chết người. Chuyện Lam bỏ việc ồn ào một dạo rồi cũng lắng.
Hơn một năm yên lành, Quynh được Khẩn thông báo Đảng bộ nhận được đơn tố cáo ông. Ông là cán bộ bất chính có con riêng với Kim khiến cô phải xấu hổ bỏ về Hưng Yên. Hai mẹ con nheo nhóc.
Thời ấy, quan hệ ngoài luồng đã có một bản án nặng nề đợi sẵn. Người bị kỷ luật với những lời buộc tội to tát, mất cả danh dự lẫn chí tiến thủ.
- Mày giải quyết thế nào chứ nó khui ra thì mất nghiệp. Là cán bộ mà sai lầm về tư tưởng đạo đức, có khi còn phải cải tạo nữa đấy.
Ai cũng nói đi tù là đi cải tạo. Cải tạo con người từ xấu trở thành tốt. Cụ Bá Kiến ơi! Cụ còn sống, chúng con phải vái cụ. Mười thằng đi cải tạo, chín thằng trở về đều hư đốn do được rèn giũa trong những năm tháng tù đày, dạn dĩ ở phương xa.
Quynh lo lắng trở lại quê, ân hận, năn nỉ, thầm thào với vợ. Bà vợ xót xa, cay đắng quá:
- Tôi lạy ông! Tôi vẫn mơ có một mái ấm tưởng rồi toại nguyện. Chịu bao nhiêu cay đắng giờ được trả công bằng chồng ngoại tình, đưa gái về bắt nuôi báo cô. Giời ơi! Tôi làm sao muối mặt mà sống được với bà con làng xóm. Xin ông tha cho tôi!
- Mình ơi! Khi ta thành công thì xung quanh ít người vui thật lòng. Chúng chỉ a dua, nịnh bợ mong kiếm chác chứ thực ra, lăm lăm chờ cơ hội đạp đổ mình. Tôi là cán bộ! Bao công lao phấn đấu mới giành được. Giờ vỡ toang ra còn mặt mũi nào. Tôi mà tội tù, khổ cho tôi đã đành nhưng còn mẹ con mình, liệu có yên không? Của chồng công vợ. Tôi là cán bộ cũng nhờ mình. Bây giờ chả lẽ mình lòng nào để nhà cao rộng bị hủy vì con mối nhỏ?
Không phải đàn bà nào cũng thích phiêu lưu, liều lĩnh. Xấu chàng hổ ai. Giờ biết làm thế nào. Ông bàn đưa Kim về quê mình. Tốt lá tốt nem, tốt em tốt chị. Cứ nói cô em con bà bá đằng chồng, giờ chú ấy đi bộ đội. Dì về làm xã viên mới, nương tựa vào anh chị. Trước cùng nhà sau rồi chị một chái em một chái. Con cái thì cũng anh em, ở giữa. Hai chị em hòa thuận với nhau, bên ngoài chẳng ai biết, có hơn không?
Thương chồng, bà vợ ngậm ngùi nghe với bao tủi hận. Ban thanh tra cử người về quê Kim xem xét. Địa phương xác nhận, cô Kim người ở xã đi công nhân lâu rồi, hiện không có mặt.
Ông thoát được tai nạn ấy.
Ba năm sau, Quynh đang làm việc thì Khẩn xồng xộc từ đâu lại, thông tin:
- Mày làm thế nào mà có đơn kiện con cái với con Kim, lại đưa nó về Thái Bình. Đảng bộ xí nghiệp sắp cử tao đi điều tra đấy. Tao báo cho mày biết thế! Liệu mà thu xếp.
Lại nghỉ phép về Thái Bình, Quynh bàn với vợ, đưa Kim lên Lai Châu. Những cái đã qua tưởng qua nhưng đâu phải. Nhiều chuyện lâu rồi giờ nhớ lại vẫn nhói đau. Đau đến nhức nhối. Sự nhức nhối như cái dằm đã thành mắt cá, thậm chí trở thành nỗi căm hận không tan.
- Mình phải thương tôi! Tôi cắn rơm cắn cỏ lạy mình. Bao nhiêu kẻ chỉ mong tôi bị kỷ luật để chễm chệ ngồi cái ghế mối mọt ấy! Mình thương tôi, chín bỏ làm mười.
Lam mặt méo như cái bị rách, kéo theo đứa con chồng đưa tình địch trốn về vùng hẻo lánh. Chim kêu vượn hót, nước độc rừng thiêng cũng mặc. Kim không vui không buồn, lững thững đi theo, mơ ước cho con lập nghiệp tại miền đất mới như mọi người ngày ấy ca tụng là phương xa chất chứa những tiềm năng sẽ được khơi dậy.
Chuyện không hay ấy may không kịp vỡ lở. Bao nhiêu việc rơm rác đâu đâu xảy tới. Nạn tham ô, tham nhũng dần dà phát triển. Nhiều vị lãnh đạo đã tạo cho con cháu một vỏ bọc vô cùng an toàn. Họ cho chúng đi học ở nước ngoài với những lý do khó chấp nhận nổi. Có kẻ khám sức khỏe đi nghĩa vụ quân sự loại B2 (mắt mờ, tai nghễnh ngãng…) mà vẫn ra được nước ngoài học tập để về xây dựng Tổ Quốc. Mấy năm sau, trong cái lung bung, lùm xùm, xụn xọe ấy, việc con trong ngoài giá thú được coi như việc sinh hoạt nên lão mới thoát. Hú vía!
Về nghỉ hưu, lão mang số tiền khi còn làm Phó Giám đốc xà xẻo được công quỹ đưa cho Kim. Thỉnh thoảng, lão cũng trở lại Thái Bình thăm bà vợ già với mấy đứa con ngộc nghệch. Dăm bữa nửa tháng, lại cầm tiền của vợ con quay lên Lai Châu. Nếu chưa đưa, lão không đi vì lấy gì mà làm lộ phí?
- Tôi thấy bà ấy thật đáng nể. Hi sinh vì chồng. Mẫu nghi thiên hạ ngày xưa cũng chỉ chịu đựng được đến thế.
- Phụ nữ ngày xưa thôi. Ngày nay thì tan cửa nát nhà!
- Cũng không hẳn! Sợ mất quyền lợi, họ ngậm bồ hòn làm ngọt không chừng!
Tôi vốn nhát, sợ cả mấy người ấy!
T.T