bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC VỀ MỘT MỐI TÌNH THUỞ HỌC TRÒ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC SĨ HÀ HẢI ANH ĐÃ CỘNG TÁC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!BÀI THƠ TẶNG PHU NHÂN RẤT THÚ VỊ!CHÚC CÁC BÁC AN KHANG THỊNH VƯỢNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN VŨ THẢO NGỌC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ  CHIÊU ĐỨC! LUÔN CÓ LIÊN HỆ ĐẾN TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM! CHÚC BÁC AN LÀNH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ KIỀU HỌC VƯƠNG TRỌNG! THÚ VỊ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 31
Trong ngày: 63
Trong tuần: 970
Lượt truy cập: 881561

BÁT TRÀNG LÀNG GỐM SỨ - LÀNG VĂN


 BÁT TRÀNG - LÀNG GỐM SỨ - LÀNG VĂN 
Ghi chép của Phạm NgọcTâm Dung
 
tm_dung
 


Hôm qua, ngày rằm tháng Hai năm Ất Tỵ, nhận lời mời của bạn Tô Thanh Ngát - một người con gái dòng dõi Họ Tô lâu đời của làng gốm sứ huyền thoại, nhóm bạn văn Hà Nội-Miền Cổ Tích, về Làng Bát Tràng dự lễ hội làng.
Qua san sát những cửa hàng, những tòa ngang, dẫy dọc, hoa cả mắt, toàn gốm sứ là gốm sứ, chúng tôi tìm đến quầy hàng số 22A, nơi mặt tiền chợ gốm Bát Tràng. Đón chúng tôi là chị chủ nhà xinh đẹp, dáng thanh cao như...người mẫu thời trang, trong tà áo dài màu tím nền nã, tươi như hoa với nụ cười rạng rỡ, cùng phu quân là PGS.TS đang giảng dạy ở một trường đại học danh giá, đồng thời là..."chủ nhân ông" của nhà hàng sang trọng vào hàng "số má" này.
Đây là một "cặp đôi hoàn hảo" khá đặc biệt.
Thày giáo Phùng Quốc Thanh, ngoài việc giảng dạy, anh còn là " trợ thủ số một" cho người vợ xinh đẹp, đảm đang. Họ đã vượt qua bao khó khăn, lập nên gia sản bằng sự phát huy truyền thống gia phong, bằng biệt tài sản xuất, kinh doanh, sáng tạo, có tâm, có tầm tạo nên "thương hiệu hiệu gốm sứ Thanh Ngát" không chỉ bền, đẹp mà còn nổi danh, xuất sắc trong thị trường trong nước và nước ngoài...
Ngoài mặt hàng chính là gốm sứ, người con gái Họ Tô còn rất tài đảm trong chế biến ẩm thực. Chị Thanh Ngát được khách hàng đặc biệt tôn vinh... số một, trong món ăn gia truyền măng mực cầu kỳ chỉ có được ở bàn tay vàng Thanh Ngát. Món ăn này đã được kiểm nghiệm qua khá nhiều sự lựa chọn, của khá nhiều khách hàng của chị là những người nổi tiếng sành ăn ( nhóm chúng tôi là một ví dụ).
Sau màn chào hỏi, trà nước, vợ chồng họ dẫn chúng tôi đi tham quan
hai cửa hàng gốm sứ số 22 A và 22B của gia đình. Chúng tôi xúc động và hoàn toàn choáng ngợp với cơ man nào những món gốm sứ, từ đồ thờ tự đến hàng dân dụng cao cấp, quý giá được trưng bày sang trọng; những màu men đẹp, độc và lạ; những sản phẩm được trang trí bằng những hoa văn tinh kỹ, thậm chí bằng vàng ròng quý phái, lung linh tỏa sáng và quyến rũ lạ kỳ.
Nhóm chúng tôi, ai cũng chọn cho mình những món đồ ưng ý về dùng và làm kỷ niêm cho chuyến đi.
Dù mải mê say hàng gốm, nhưng rồi giờ vàng đã điểm. Chúng tôi rời cửa hàng, cùng hàng nghìn người đổ về từ bốn phương, rảo chân ra sân đình, hòa vào không gian nao nức của lễ hội.
Theo lời chị Tô Thanh Ngát: Lễ hội làng Bát Tràng chính thức được công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia". Làng gốm nổi tiếng này, đã thu hút rất đông du khách trở về từ từ trong và ngoài nước, với các sản phẩm gốm sứ tinh tế và ẩm thực truyền thống ngon, độc, lạ, bổ dưỡng dùng trong những bữa tiệc quan trọng và thể hiện sự tinh tế, tài hoa, khéo léo của người phụ nữ ven đô đất Tràng An thanh lịch, hào hoa, trong những dịp giỗ, tết hay thết đãi khách quý!
Năm nay, lễ hội diễn ra trong vòng 4 ngày. Làng chính thức khai hội vào tối mười hai, tháng hai. Bao năm, người làng lấy sân đình, tọa lạc uy nghi bên bờ sông Bắc Hưng Hải là địa điểm.
Cũng theo chị Thanh Ngát: cứ vào dịp giữa tháng 2 âm lịch hằng năm, người làng Bát Tràng lại cùng nhau mở hội. Hội làng mở ra, để cháu con và khách thập phương cùng tưởng nhớ, các vị thánh nhân tổ nghiệp, đã bao đời lao tâm khổ tứ, tạo nghiệp lớn để làng nước, cháu con có được ngày hôm nay; Hội làng mở, còn nhằm tôn vinh nghề truyền thống và thể hiện ước vọng về một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Kỳ hội năm nay, làng Bát Tràng mở to hơn, vui hơn, hoành tráng hơn, bởi Lễ hội này, làng chính thức được công nhận là: "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".
Sân đình và cả rẻo bãi lối đi, đông đặc người trẩy hội. Các nam thanh nữ tú, các cháu nhỏ, các cụ già tóc bạc, nét mặt ai cũng hân hoan, tưng bừng với trăm hồng nghìn tía. Có rất nhiều tư gia, đoàn quan khách, nâng những mâm lễ vật sang trọng, tiến vào thảm đỏ dẫn vào hậu cung. Tiếng loa xướng danh, tiếng nhạc và người ca lễ cộng với tiếng gió và sóng nước xôn xao, khiến cho lòng chúng tôi phấn chấn như đang nhập hồn cùng một khúc giao hưởng thiêng liêng và kỳ thú...
Ông Trương Văn Học - phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm - cho biết: hiện Bát Tràng có 2 nghệ nhân nhân dân, 6 nghệ nhân ưu tú, 34 nghệ nhân Hà Nội, 80 nghệ nhân làng nghề.
Có được thành tựu rực rỡ nói trên, là công lao vô cùng to lớn của 23 dòng họ, trong làng, cùng chung tay xây dựng và phát triển nghề gốm thương hiệu Bát Tràng.
Điểm độc đáo, sôi động, thu hút của hội làng thường niên là những hoạt động giao lưu thú vị, của các trò chơi dân gian được chuẩn bị hàng mấy tháng, rất công phu và hấp dẫn.
Điều thú vị nhất, góp phần làm nên nét văn hóa phi vật thể là ẩm thực Bát Tràng, đặc biệt độc đáo, cầu kỳ với hai món ăn :
- Măng mực Bát Tràng
- Su hào xào mực
Để có được món ăn dân dã này, những người phụ nữ tài đảm và thanh lịch nơi ngoại thành Thăng Long này, phải tốn quá nhiều công phu.
Bắt đầu từ khâu tuyển chọn măng mực "đầu vào", cho đến những công thức nghiêm ngặt, tỷ mỷ, cầu kỳ... trong khâu chế biến. Chỉ cần "sai một ly" là không ai...chữa nổi!
Hàng tháng giời, trước khi lễ hội diễn ra, ban tổ chức đã họp làng và phân công rành mạch: như thường niên, mỗi xóm "chuyên trách" một món ăn. Sự sang trọng, "ngon mắt" và lịch lãm của các mâm cỗ làng Bát Tràng cũng thể hiện một nét đẹp tiềm ẩn của làng gốm cổ, hơn 500 năm tuổi này.
Hội làng bắt đầu vào sáng 13-3 với lễ rước kiệu - lễ cấp thủy. Lễ mang ý nghĩa tri ân thành hoàng làng, những người đã có công với làng nghề, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của con cháu với tổ tiên!
Lễ hội cũng là dịp để nhân dân cộng đồng đoàn kết, chung tay giữ gìn bảo tồn di sản gắn với việc quảng bá, giới thiệu điểm du lịch làng nghề Bát Tràng, góp phần xây dựng quê hương, ngày càng văn minh, giàu đẹp và hiện đại.
Chúng tôi được ban tổ chức mời tọa lạc dẫy bàn đầu tiên. Các Nhà văn: Mai Nam Thắng, Nguyễn Đình Bắc, Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Cần đã lần lượt vào tận vọng cung để chứng kiến cảnh nao nức, tôn nghiêm từ các phúng tiến lễ vật của bàn dân thiên hạ, cơ quan, quan khách...thành kính dâng lễ bởi lòng đội ơn và cầu thịnh vượng, quốc thái dân an...
Cùng hướng về khán đài, chúng tôi lắng nghe và ghi lại những lời phát biểu, bố cáo của ban tổ chức về ý nghĩa to lớn của lễ hội năm nay. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến lời phát biểu của trưởng ban quản lý di tích Làng Gốm Bát Tràng- ôngTrần Đức Thuận:
- "Quy mô sự kiện năm nay gấp 1,5 lần so với năm ngoái. Lễ hội dự kiến đón tiếp gần 3000 người. Làng Bát Tràng không chỉ là làng nghề, mà còn là địa điểm du lịch. Vì thế chúng tôi không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Mục đích là mang đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách, đúng với bằng khen vừa được trao"
Cũng tại buổi lễ, làng gốm Bát Tràng được trao tặng bằng di sản các làng nghề sáng tạo thế giới - một trong 67 làng nghề được UNESCO công nhận".
Tràng pháo của hàng nghìn cánh tay vang lên từng đợt như sấm, làm cho không gian ba chiều chốn linh nơi ngôi đình tọa lạc càng thêm linh ứng.
Điểm cuối cùng chúng tôi dừng chân là ngôi nhà thờ cổ của dòng Họ Tô, tọa lạc trên mảnh đất Bát Tràng.
Người được gia tộc Họ Tô giao trách nhiệm trùng tu, xây dựng và không ngừng bảo tồn...ngôi nhà thờ nổi tiếng giàu đẹp và tôn nghiêm này là ông trưởng nam Tô Thanh Sơn.
Ông Sơn không chỉ là một doanh nhân giỏi, trí tuệ, thành đạt, giàu có được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú mà còn là một Nhà thơ, một tâm hồn nghệ sĩ, lấy chất nhân văn là điểm tựa cho sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật; cho đối nhân xử thế, trong đời thường cũng như trong kinh doanh!
Trải qua bao nhiêu thăng trầm, hơn một thế kỷ, ngôi nhà thờ góp nền tảng, làm chứng nhân sự tồn tại và phát triển rực rỡ nghề nghiệp và sự phú quý của dòng họ Tô tôn quý nói riêng và Làng gốm sứ Bát Tràng nói chung.
Chúng tôi trân trọng dâng lễ. Trong làn khói trầm nghi ngút, trong tiếng nhạc trầm trầm, lời nguyện cầu của lòng biết ơn; nguyện cầu thịnh vượng, quốc thái dân an... dường như đã làm cho lòng chúng tôi trở nên trong veo, thư thản trong cõi ấm áp bất tận của sự yên bình...
Nhóm chúng tôi, gồm những người ham mê tìm hiểu nghệ thuật. Nhà văn thông tuệ Nguyễn Ngọc Thiện trong vai trò "phiên dịch". Anh đọc chữ hán in trên các hoành phi, câu đối hoạc in trên các sản phẩm gốm cổ, rồi nhẹ nhàng dịch nghĩa... giảng giải cho mọi người nghe, ý nghĩa sâu xa của nó.
Hai nhà thơ Mai Nam Thắng, Nguyễn Đình Bắc say mê, gật gù, luôn mắt, luôn tay ghi hình trước những bài trí mỹ thuật, những hoa văn tinh xảo, những thiết kế mẫu mã độc lạ, tìm ra hết thú vị này đến thú vị khác!
Khi phát hiện ra hàng chữ cũ kỹ 1916, đắp nổi trước chiếc bể đựng nước mưa thì mọi người cùng ồ lên và xuýt xoa...
Thần sắc nét mặt nhà thơ Nguyễn Đình Bắc bỗng chùng xuống, ánh mắt vốn đượm buồn của anh như trũng sâu hơn. Biết đâu, hình ảnh chiếc bể nước mưa đã đánh thức điều chi, trong anh nơi tiềm ẩn...
Cả nhóm, ai cũng thích mê tơi, được chụp hình kỷ niệm với khung cảnh, đồ vật gợi cảm, tôn nghiêm và đẹp hiếm thấy!
Sau cuộc vấn an phụ mẫu của chủ nhân Họ Tô, chuyến xe buýt giản dị, bình dân lại chở chúng tôi trở về với phố phường gió bụi và đông đúc!
Bây giờ đây, khi ngồi chép lại đôi dòng cảm xúc này, dấu ấn in thật đậm, thật sâu, thật ám ảnh trong tôi, lại hiện lên thật rõ, hình ảnh chúng tôi đứng trước bức hoành phi đình làng Bát Tràng, với hàng chữ chan chan thiếp vàng: " THIÊN ĐỊA HỢP KỲ ĐỨC".
Xin phép người đàn anh văn chương nhiệt tâm, tài hoa và nhân hậu - Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện, chúng tôi được mượn lời giải nghĩa của anh cho câu đối trên để làm phần kết cho bài viết mộc mạc này: "Theo triết lý của Người Việt cổ: Thiên là trời, địa là đất, ở giữa là người.
Cái còn lại là tinh ( thần) cùng hợp sức với đất trời, dựng đỉnh cao cho dân chúng. Người có huyết khí, chẳng ai không tôn sùng.
Người Bát Tràng đã thấm thía câu chữ đó, họ đã tích hợp được ba yếu tố đó để đúc rút ra kinh nghiệm quý báu: đồ gốm cơ bản nuôi sống và làm giàu quê hương Bát Tràng được sinh ra từ đất, trời cho nguyên khí và con người bỏ công sức nhào nặn và thổi hồn vào thì mọi việc tất thành công!
Hà Nội 16 tháng hai năm Ất Tỵ.
P.N.T.D. ghi chép
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Nguyễn Thị Mai
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003.
Nhà văn, Phó Gs, Tiến sỹ VŨ NHO:  vunho121@gmail.com