BẾN CŨ XUÔI VỀ
Truyện ngắn
Trần Văn Thước
Từ làng tôi có hai lối lên phố huyện. Một lối thong dong đường liên xã chừng bảy cây số; một lối qua bến đò sông Lăng, tắt ngang làng Quảng gần
được già nửa đường. Dọc hai bên lối xuống bến đò xanh rợp bờ tre dây.Giống tre dây thân nhỏ gióng dài, từng khóm, tửng khóm kết thành bờ cao vút. Không một tầm cấp dông bão nào đủ sức mạnh quật đổ bờ tre dây. Làng lấy thứ cây bé nhỏ kiêu hùng ấy đặt tên cho bến - bến đò Tre. Đi lối lụy đò thường là các bà các cô đi chợ huyện mỗi tháng ba phiên ngày bảy và mấy đứa học trò cấp ba không có hoặc không muốn phiền nhờ xe đạp.
.
Bây giờ ngưới làng tôi vẫn kể chuyện này:
Một dêm trăng muộn bờ bên vọng sang tiếng gọi đò.Ông Lân xuống đò nhanh gấp tay chèo. Tiếng gọi vống sang khẩn thiết mà con đò áp bờ gặp cảnh vắng tanh. Bến làng chưa từng có chuyện đùa đò nên ông giữ chèo chờ khách.Bất ngờ lưng chừng dốc bến ré lên tiếng khóc trẻ con. Ông Lân chạy lên thấy đứa trẻ nằm trong lòng thúng có dây ràng miệng buộc chặt vào bờ tre. Xem ra kẻ bỏ con vẩn còn chút lương tâm. Sợi dây ràng giữ để đứa trẻ khỏi giãy lăn và tiếng gọi khẩn thiết hàm ý đánh động gửi gắm. Ông Lân bế đứa bé xuống đò, tay rung nựng tay chèo gấp. Đến giữa sông đứa trẻ khóc giãy lên, rúc ngực ông đòi bú.Ông dừng tay chèo, vỗ về đứa bé: “Cơ duyên cho ta được gặp con.Con chờ ta ở bờ tre, ta đặt tên con là Trúc. Còn nửa dòng sông sông rộng nữa mới đến bờ. Con ăn tạm giọt nước sông ta uống từ tấm bé. Con bằng lòng cho ta làm cha thì ăn thì nín ngay nhé”. Ông Lân vốc nước giữa dòng cho bé Trúc ăn ba giọt.Bé Trúc nín ngay,tóp tép ngon lành ba giọt nước.
Chỉ hôm sau khắp làng xôn xao chuyện đứa trẻ nằm trong thúng ràng bờ tre.Có người chê trách ông Lân vợ chết chưa được giỗ đầu đã léng phéng rồi chạy làng nên người ta đem trả “hậu quả”. Những người hiểu tính nêt ông Lân thì cho rằng ở hiền gặp lành,ông trời có mắt.Ông Lân đi bộ đội ngót chục năm ở chiến trường Tây Nguyên. Sau ngày đất nước thống nhất ông về làm chồng cô bạn từ thuở cắt cỏ chăn trâu. Mấy năm sau vâng lời mẹ già, vợ chồng ông tiếp việc đò giang. Bà Lân ba lần mang thai không đậu.Rồi sau chuyến đò chở khách thập phương về hội làng Dưỡng Thông bà đột ngột bỏ chồng bỏ bến. Các bác sĩ bảo căn bệnh nan y đường đột ấy thường đổ vào những người cả thương cả nghĩ. Sống hiền thác linh bà Lân xui khiến người đàn bà trót dại đem đứa trẻ đến bến đò cho chồng được làm bố. Bé Trúc đang khóc giãy nín ngay là nhờ vị sữa,lời ru trộn trong giọt nước sông Lăng.
Cái ngày dốc bến Tre vang lên tiếng khóc trong thúng tôi chưa có mặt trên cõi đời này.
Tôi thi đỗ cấp ba và trở thành kẻ thường xuyên phải lụy đò.
Ngày đầu tiên đến trường, trưa tròn bóng nắng tôi xuống bến đã thấy chị Trúc đứng bên bờ tre cuối dốc nhìn lên như chờ ai. Từ năm kia,sau ngày ông Lân mất chị Trúc trở thành cô chủ bến đò Tre. Chị đã là thiếu nữ. Cả làng khen chị đẹp. Dáng chị thắt đáy lưng ong, mái tóc đen dài óng ả,dưới cặp mày cong như kẻ là đôi mắt đen láy biết cười biết nói những lời vô thanh, nụ cười của chị có màu hồng của đôi môi và màu sáng của hàm răng đều tắp hạt na.
Chị em xuống đò. Ra đến giữa dòng chị Trúc nụ chèo cho con đò dừng lại.
-Chúc mừng nhé. Ba mùa ve ran là Công thành cậu tú. Nhanh lắm.
Tôi đỏ mặt nhìn dòng sông nước lửng. Lời kia là chị Trúc khen khéo thằng bạn như đứa em từ những năm lớp một. Cùng khối lớp nhiều đứa học giỏi nhưng vì hoàn cảnh không thể học tiếp. Kỳ thi năm ấy cùng thôn có bốn đứa đỗ tôi đứng thứ ba. Con đò áp bờ. Chị Trúc cắm vội con sào lên bờ cùng tôi.
-Từ mai ngày nào chị cũng chờ đưa Công sang sông miễn phí. Đừng ngại.
“Đừng ngại” thật dịu dàng,nửa như rủ rê nửa như mệnh lệnh. “Đừng ngại” trong ánh mắt kéo tôi về những ngày lớp một,lớp hai…Tôi sán lại cụng đầu vào trán chị Trúc:
-Thật nhé.
Chị Trúc búng mũi tôi :
-Ai thèm đùa chứ. Chỉ sợ có xe đạp rồi Công quên lối này.
Tôi ép chị Trúc ngoéo tay:
-Không có quên đâu. Còn nghi ngờ thì ngoéo tay cho hết ngờ nghi.
Ít lâu sau bỗng dưng tôi nổi cơn “ngố’’ thú thật với chị Trúc rằng cú ngoéo tay hồi nào chỉ là ngoéo đại thôi. Vào đầu năm lớp mười một một nếu mẹ tôi vay được tiền mua xe đạp thì có đứa “còn lâu’’ mới nhớ đến bến đò. Chị Trúc cười giữ tay chèo cho con đò dừng giữa dòng sông. Ánh mắt chị gọi tôi lại cùng ngồi trên bệ khoang lái. Đó là chuyện thường có. Mỗi khi đi học về sớm gặp lúc bến vắng chị nhanh tay chèo và bất ngờ dừng đò giữa dòng. Chị em ngồi bên nhau lan man đủ chuyện. Có khi chị em im lặng nhìn sông nước bờ bãi, đố nhau hít hà đoán mùi hương hoa cỏ.
-Cho qua cú ngoéo tay ấy nhé - Tôi nhắc lại chuyện hôm trước.
Chị Trúc khuấy nhẹ mái chèo:
-Thật thà thì cho qua. Bây giờ chị đố Công nhé.
-Sẵn sàng giải đố đây.
-Đố Công biết hôm nay đò chị chở gì mà nặng hơn mọi ngày?
Tôi nhìn khắp lòng đò. Vẫn những tấm ván lát sạch sẽ. Vẫn hai hàng áo phao màu đỏ. Khoang lái vẫn chỉ đôi mái chèo và bệ gỗ chị em ngồi chung.
-Không có gì để con đò nặng hơn - Tôi quả quyết.
Chị Trúc chỉ mảng hoa súng đang trôi cách mũi con đò dăm sải nước: -Cho đoán lần nữa. Hoa súng trôi đến bờ lau Công phải trả lời.
Tôi đứng lên, lần nữa nhìn khắp lòng con đò,khoang láí, khoang mũi…Tịnh không có gì khác. Tôi nhìn chị Trúc, săm soi…Vẫn là chị Trúc hôm qua hôm kia. Có khác chăng là từ chị tỏa ra mùi lá chanh gội đầu và vồng ngực như căng hơn sau lần áo mỏng. Nhưng con đò không thể nặng hơn vì hương thơm, vì áo đẹp.Thế vì sao con đò lại nặng hơn?Tôi ấm ức giật lùi ngồi ịch xuống bệ lái vô tình ngồi vào lòng chị Trúc.
-Xin chịu thua.
Chị Trúc vội vàng ẩy tôi ra nhưng bờ vai chị vẫn áp bên bờ vai tôi:
-Thì ra những người thông minh cũng có lúc quá ư chậm hiểu.Từ mai nghỉ hè rồi, Công mang lên đò bao nhiêu tin vui nên đò nặng hơn đấy thôi. Chịu thua chưa?
Bị chê là chậm hiểu nhưng tôi khâm phục cô lái đò thông minh hóm hỉnh. Tôi kết thúc năm học không đến nỗi nào. Bốn đứa cùng thôn cùng lớp ,một đứa bị lưu ban, hai đứa phải thi lại. Tôi đặt chiếc cặp phần thưởng lên đùi chị Trúc, khẽ day day:
-Trời thương đứa quanh năm mưa nắng phải lụy đò nên báo mộng cô thầy cho nó đạt danh hiệu tiên tiến. Nhưng chỉ chịu thua một nửa thôi .
-Sao lại chỉ một nửa?
Tôi hích vai chị :
-Nửa đò nặng vì phải chở hương chanh và áo phun đỏ mới lại quá mỏng.
Chị Trúc cười, bàn tay ấp lên bàn tay tôi trên chiếc cặp học trò. Có gì
như man mát, như âm ấm từ bàn tay chị Trúc. Bất ngờ có tiếng gọi đò. Có gì như miễm cưỡng, chị Trúc thôi ấp bàn tay đứng lên vồi vội tay chèo. Tôi ôm cặp sách đứng trên mũi con đò. Tầm nhìn phía nào cũng không được xa tôi mới sực nhớ con đò neo giữa dòng từ lúc vàng mặt trời cho đến lúc bóng tối đang trờ tới. Nhìn hai phía dòng sông tôi phát hiện ra một điều thú vị:Khi bóng tối ập xuống dòng sông chỉ hơi tối đi rồi lại sáng lên bàng bạc như dải lụa sa. Hình như mỗi khi êm ả dòng sông tự chiếu sáng bằng tầm mênh mông sóng nước bờ bãi.
Chuyện phong thanh hóa ra là có thật. Có người có xe máy hẳn hoi mà vẫn thích lụy đò. Người ấy là anh Bảo, anh họ tôi. “Anh ấy có việc sang làng Trình…Có việc lên phố huyện …xe máy hỏng … Đi lối này cho tiện…”. Đấy là lời chị Trúc.Tôi không ngố đến nỗi tin xe máy xịn lại hay hỏng đến thế.
Thứ bảy có giờ ngoại khóa tan lớp muộn. Tối mờ tôi mới về đến bến đò. Tôi cất tiếng gọi đò. Con đò cách bờ đúng một bước chân và nụ cười hồng sáng đón tôi lên. Bến vắng. Chị Trúc chầm chậm tay chèo. Đây là dấu hiệu báo trước con đò sẽ cắm sào giữa dòng. Tôi không đủ kiên nhẫn chờ . Tôi bước dằn từ trên mũi xuống lòng đò, sấn lên khoang lái. Con đò tròng trành. Mặc kệ tròng trành. Chị Trúc bát tay chèo giữ im con đò. Kệ chị với mái chèo.
-Từ mai không thèm hỏi nữa. Mà chị cũng thôi đi nhé.
Tay chèo khựng lại ,chị Trúc ngơ ngác:
-Hỏi gì, thôi gì chứ?
Tôi xốc lại quai cặp tuột khỏi vai vì cú bước gằn:
-Chẳng làm sao cả. Chỉ không thích ai nói dối. Thế thôi.
Chị Trúc nhìn nhanh hai phía bến. Có gì nghe như tiếng thở dài lẫn vào tiếng mái chèo khuấy nước. Đến giữa sông chị Trúc gác mái chèo,rút sào cắm neo con đò:
-Chị xin lỗi Công. Bấy nay chẳng cứ anh Bảo mà khối người giả vờ có việc qua sông. Người ta ngỏ lời nhưng chị vẫn im lặng. Nhận lời ai chị sẽ vấn ý Công.
-Thật nhé…-Tôi cuống lên.
-Chị đã nói dối Công bao giờ đâu.
Tôi hươ cặp sách qua mặt chị Trúc:
-Ê xì bà chị. Thế ai vừa xin lỗi xe máy hỏng. Lộ tổ con chuồn chuồn nhé.
Chị Trúc nhìn bờ này bờ kia rồi đăm đăm phía hạ lưu. Có một mảng hoa súng lững lờ trôi.
-Công này.
-Gì ạ-Tôi vội rời mắt khỏi mảng hoa súng có những chùm nụ đang chúm chím nở.
-Chị nghĩ ước gì…Mà thôi.
Tôi kịp giữ bàn tay chị Trúc toan nhổ con sào. Con trai mười sáu tuổi chưa hoàn toàn là trai tráng nhưng đã bỏ lại phía sau rất nhiều thói tính trẻ con,đã ít nhiều biết xốn xang và mất ngủ,biết nên nói gì và nói vào lúc nào với người khác giới. Tôi xoay người chung ánh mắt với chị Trúc nơi chùm hoa súng. Chị Trúc khẽ cựa bàn tay nhưng tôi không buông.
-Chị Trúc… Đừng nhận lời ai nhé .
- Vì …sao đừng?
-Không biết …Nhưng xin chị đừng vội. Có dòng sông làm chứng, chị thề đi.
-Chị hiểu rồi. Nhưng không thể …Không được đâu…
Những lời chị nói sau đó lặng đi,đứt đoạn vì gió thổi,vì tiếng sóng vỗ mạn đò. Nhưng tôi hiểu hết. Tôi vớ lấy mái chèo. Từ năm lớp mười chỉ sau vài buổi chị Trúc làm “cô giáo” là tôi thuấn thục tay chèo.Tôi hùng hục tay chèo như chạy trốn cuộc rượt đuổi của bọn thủy tặc. Con đò áp bờ, tôi buông trả mái chèo, phóc lên bờ,chạy gằn.
-Công chờ…chị…
Tiếng chị Trúc nghèn nghẹn đuổi theo. Tôi quyết không dừng lại. Tôi nhớ đến lời rủ trọ học của đứa bạn cùng lớp. Tôi đã từ chối nhưng ngày mai nói lại cũng chẳng sao.Nếu chỗ ấy hết tôi tìm chỗ khác, chẳng khó gì…Tôi nghĩ lung tung…Khi tâm tưởng vừa trở về với bến đò một buổi chiều có cơn mưa bất chợt thì phía sau dội lên tiếng bước chân vồi vội. Chẳng cần dừng lại tôi cũng biết ai đang vội bước. Kệ chị.
-Công này…Chị Trúc vượt lên,dừng phắt lại-Ngày mai chủ nhật Công được nghỉ chứ.
Đang cơn ấm ức tôi nói như ăn cướp :
-Từ mai không có chủ nhật nào nữa. Học ràn cả tuần cả tháng. Có khi phải ở trọ để học.
-Ừ nhỉ chị quên Công đang ôn thi tốt nghiệp. Sắp thành cậu tú rồi nhé
-Có là tú gì cũng chẳng bằng ai.
-Công thì... Mà có chuyện này định nói lúc nãy nhưng Công vội lên bờ. Tối nay Công quên rối sao.
Ấm ức vụt biến mất. Tôi nhớ. Tôi làm sao quên được buổi tối ngày này hai mươi mốt năm trước từ bờ tre lưng dốc bến vang lên tiếng khóc trẻ con. Cũng chặp ấy người cô ruột của tôi bỏ đi biệt tích. Từ ngày tôi học trường huyện cứ ngày này tháng này chị Trúc và tôi ngồi với nhau bên bờ tre lưng dốc bến từ tối cho đến mãi khuya. Tôi còn có những người thân để hình dung ra gương mặt người biệt tích…Bỗng lóe lên ánh đèn xe máy.Chị Trúc bối rối đứt lời. Ngược sáng nhưng tôi vẫn nhận rõ mặt người đi xe máy. Tôi chào chị Trúc, xốc cặp sách rảo bước.
Thời gian đi học nghề tôi ít gặp chị Trúc. Trong nhiều nguyên nhân khiến tôi từ ít đến ngại gặp có việc tôi làm chị thất vọng, hoài công động viên trợ giúp đủ điều: Tôi không đỗ đại học.
Sắp mãn khóa học tôi nhận được thư chị Trúc báo tin lấy chồng. Gần cuối lá thư có mấy dòng nét chữ hơi khác đi: “... Ngày cưới chưa định nhưng chỉ nội tháng này. Mà tháng này thì Công bận ôn thi…”.Tôi cất lá thư, cảm giác không vui cũng không - có - gì - buồn. Nhưng thực lòng tôi khâm phục chị Trúc đã giữ đúng lời nguyền. Sau ngày bác Lân mất chị vẫn giữ việc đò giang và chỉ làm vợ người trai nào về cùng sống với bến đò Tre.Chị Trúc nói với tôi điều ấy trên con đò cắm sào giữa dòng sông chiều nước lửng. Đò cắm sào cho đến lúc trăng lên…Có điều lạ, thư thông báo việc cưới mà không nửa lời nhắc đến người chồng sắp cưới. Bảo là con cả mà đi ở rể thì tránh sao khỏi điều này tiếng nọ. Dù dư luận thế nào thì ông anh họ tôi vẫn được nhiều hơn mất. Chị Trúc nức tiếng nết na, đẹp nhường ấy cơ mà.
Chiều muộn. Tôi về đến lưng dốc bến vừa lúc con đò áp bờ trả khách.Vẫn như ngày nào, nụ cười ánh mắt chị Trúc dắt tôi xuống đò. Tôi càng tiếc kế hoạch âm thầm chuẩn bị đêm trước ngày về. Khi về đến bên này dốc bến tôi sẽ nấp vào bờ tre, bịt mũi đổi giọng gọi đò. Con đò áp bờ, chị Trúc giữ chèo, dướn cập mi cong, đôi mắt đen láy nhìn lên dốc bến và cất tiếng “Đò đây. Mời xuống đò nào”. Chờ chị chau mày quay mũi con đò tôi mới ào ra. Cả khi có chuyện bực mình, nét mày chau lại chị Trúc vẫn đẹp mê hồn.
Tôi đứng trên khoang mũi mong con đò nhanh đến giữa dòng. Trong đợt thực tập tôi làm thêm được món tiền. Tôi chia đôi, nửa mua quà biếu mẹ, nửa mua quà cưới tặng chị Trúc. Ngày cưới chị mùng sáu tháng trước tôi không về được. Dòng sông và bến quê sẽ chứng kiến món quà trao muộn của đứa em - thằng bạn.
Lướt đi được vài tầm sào chị Trúc buông thõng mái chèo. Giây lát ngơ ngác tôi sấn xuống khoang lái. Con đò tròng trành. Mặc kệ con đò.
-Chị làm sao thế ?
Chị Trúc vén lọn tóc mai gió thổi xõa bên má.
-Không làm sao đâu. Chỉ không có ngày cưới. Công vắng nhà đã lâu ,về sớm cho mẹ mừng. Chuyện chị để hôm khác.
Tôi không đủ bình tĩnh để chờ hôm khác.Tôi ép được chị Trúc dừng chèo giữa dòng, ngồi cùng tôi trên bệ khoang lái. Chị Trúc đăm đăm nhìn dòng sông. Hình như dòng sông đã giúp chị kìm giữ những giọt nước mắt. Chị cầm bàn tay tôi xiết nhẹ rồi buông nhanh. Tôi lần trong những lời nghẹn ngào của chị ra một khối hận tình. Năm hôm trước ngày cưới cũng vào lúc chiều muộn thế này có cô gái gọi đò. Sang bên này lên đến lưng dốc bến cô ta hớt hải quay lại xin chị nhanh đò. Thấy sự khác thường chị giữ lại hỏi chuyện. Cô ta kể có người yêu tên là Bảo người làng Dưỡng Thông. Sau buổi tối cô báo tin có thai anh ta mất mặt. Cô quyết tâm qua đò tìm đến nhà anh ta nhưng qua rồi cô vừa sợ vừa xấu hổ đành quay lại. Chị Trúc mời cô ta vào nhà rồi phóng xe đi tìm Bảo. Sắp đến ngã ba làng chị gặp hắn.Không biết cái gì đã giúp chị kìm được cái tát vào mặt gã sở khanh. Chị bình tĩnh đi cùng hắn về nhà mình. Vào nhà, chị bảo hắn : “Tôi đã là một. Giờ anh đừng để có đứa trẻ thứ hai phải gửi bờ tre. Vợ con anh đang ở trong nhà tôi. Anh phải vào gặp cô ấy. Nếu trái lời tôi sẽ hô gọi dân làng”.
Chị Trúc vịn mái chèo đứng lên. Từ lúc nào con đò đã quay ngang sắp trôi dạt vào bờ lau. Quay xuôi con đò rồi chị Trúc nhường tay chèo cho tôi xuống ngồi trên xà ngang lòng đò. Tôi bối rối tay chèo vì liên tưởng bất chợt.Ngối giữa lòng đò không phải là cô lái đò đang nặng mối hận tình mà là nàng công chúa thủy cung lên với bến đò quê. Nàng làm vui bến quê lối hẻo. Khuya sớm nắng mưa không ai phải lỡ độ đường. Nàng âm thầm gánh chịu lừa lọc để cứu đứa hài nhi khỏi chết yểu…Nàng công chúa ngồi kia, nỗi buồn ắp đầy hơi thở…Nhưng lạ thay, nàngđẹp hơn quyến rũ hơn…Hình như những người đẹp càng đẹp hơn mỗi khi phải chịu nỗi buồn. Tôi mấy lần lỡ nhịp tay chèo.
Ngày còn rất mảnh. Tôi nụ chèo cho con đò dừng ở điểm neo học trò. Đấy là điểm chị Trúc chọn từ khi tôi mới vào lớp mười. Điểm neo khuất bên bờ lau cách bến đỗ vài nhịp chèo. Đò chưa im hẳn, chị Trúc đã đứng lên.
-Hình như có khách. Vào thôi Công.
Không phải là hình như mà rất rõ tiếng gọi : “Đò ơi”. Nhưng tôi không sang tay chèo cho chị Trúc. Một tay tôi giữ chèo một tay tôi mở túi xách lấy gói quà bọc giấy hồng. Tôi đứng thẳng ném mạnh gói quà xuống sông. Một tiếng “bụp” vọt lên những tia bọt nước.
-Công…Chị…có lỗi…
-Thằng anh họ khốn nạn - Tôi chặn lời chị Trúc-Nhưng đâu riêng chị buồn hận. Chuyện đã qua cho qua luôn đi.
Tôi bạt mạnh mái chèo hướng mũi con đò về bến.
Hai hôm sau tôi ra chào chị Trúc để ngày mai đón chuyến ca nô sớm ngược sông Lăng. Nơi tôi đến nhận việc là trạm bơm Bắc Lăng cách bến đò Tre hơn một trăm cây số về phía hạ lưu. Nơi ấy tôi đã thực tập ba tháng. Bắc Lăng là trạm bơm đời “tám mươi’’đang chờ kinh phí nâng cấp. Tôi thế chỗ bác thợ về hưu.
Đêm ngày hạ chí không trăng sao nhưng vòm trời cao sáng.Tôi xuống bến vừa lúc con đò trả khach trở về. Tôi đón trước việc chị Trúc cắm sáo gác mái.
-Gã khách này muốn ra điểm neo học trò. Cô lái đò còn nhớ chỗ ấy không?
Thoáng lưỡng lự rồi ánh mắt, nụ cười dắt tôi lên đò.Chị Trúc vồi vội tay chèo mà tôi cảm giác con đò bị bến bờ níu lại. Rồi mái chèo gác lên cho con sào cắm xuống. Điểm neo thật tuyệt vời,vừa tầm cho rì rào bờ lau hòa quyện với lăn tăn sóng vỗ mạn đò. Tôi rời khoang mũi xuống ngồi bên chị Trúc trên tấm ván rộng đặt dọc lòng đò. Cảm giác buồn buồn bên má tôi đưa tay lên và chạm phải những sợi tóc. Thì ra con đò đậu ngang chiều gió thổi.
-Hôm nào Công đi?
-Sáng mai đi sớm.
-Sao vội thế-Chị Trúc ngập ngừng là lạ-Hay là Công có hẹn rồi. Chắc là xinh trẻ lắm nhỉ.Chúc mừng Công nhé. Mà phải chúc hai lần Công nhỉ
-Sao những hai lần?
-Còn hỏi cơ đấy. Chúc Công mừng trở thành người thợ. Chúc mừng có người đẹp hẹn hò. Sớm đưa về trình diện mẹ và chị. Nghe chưa.
Tôi lơ mơ “nghe chưa”.Thêm nhiều sợi tóc bay sang.Tôi cầm giữ những sợi tóc thơm mùi lá cây vọng cách. Làng tôi nơi bến nước,cầu ao thường trồng cây vọng cách. Cây vọng cách thấp tầm cao nhưng tán rộng la đà cho bóng mát, lá tắm gội đầu.Nắm lá phơi se nấu nước gội đầu;ngợp mình trong nước với tay hái nẹn lá xoa khắp người…Chiếc lá hình quân cơ nho nhỏ xanh thẫm để lại mùi thơm dìu dịu,quyến rũ không lẫn với bất kỳ thứ mỹ phẩm nào.
Gió chợt mạnh. Thêm nhiều sợi tóc bay sang. Tôi cầm giữ nhiều hơn những sợi tóc thơm mùi lá. Cả một lọn tóc trong lòng tay chợt căng ra rồi chùng lại. Chị Trúc nghiêng người,bờ vai tựa vào bờ vai tôi.
-Hình như có người nói ngày chị được làm con bố Lân cũng là ngày cô Công bỏ đi…
-Vâng... -Tôi quấn nhẹ lọn tóc vân vê.
-Có người bảo rằng…Mà thôi …
-Thôi gì ạ.
-Thôi cái việc chưa cho xem mặt người ấy. Thật là thế thì cứ nói để khỏi phải phấp phỏng.Nói đi chứ.
Có gì thật lạ cuồn cuộn thúc ép tôi thú thật với chị Trúc. Tôi đã yêu đến ba lần và cả ba lần đều trở thành kỷ niệm đắng buồn.
-Vì Công hay vì những người ta?
-Hoàn toàn vì em. Vì mối tình đầu đơn phương hóa thành nỗi ám ảnh. Còn hơn cả ám ảnh.
-Lãng mạn quá nhỉ. Công đơn phương từ khi nào? Người ấy là ai ?Ở đâu?Nói nghe nào.
-Không nói được.
-Sao mà không nói được?
Đột nhiên lọn tóc căng ra như bứt rồi chùng ngay lại. Chị Trúc xoay sang ôm choàng lấy tôi. Tôi hoang mang mền oặt đi. Vòng tay chị Trúc càng riết róng, vồng ngực căng mẩy ép xuống…Trong bồng bềnh tôi mơ hồ nhớ ra hơn một lần trong mơ tôi được riết róng cánh tay, được úp mặt vào vồng ngực căng mẩy, cặp môi mềm quấn quýt...Châng lâng vô cùng…Bồng bềnh kỳ ảo…Hình như cô gái trong mơ và mùi thơm lá cây òa hiện trong lòng con đò. Tôi sắp ấp lên khối thơm lá cây vọng cách thì chị Trúc lơi vòng tay đứng lên. Chị thong thả búi lại mái tóc chưa kịp xổ hết.
-Chị đền Công đấy. Không thể vừa lòng nhưng không thể khác được.Tha lỗi cho chị. Chị em mình về thôi.
Bàn tay đưa ra và “chị em mình về thôi”nhẹ nhàng mà dứt khoát.Tôi nắm bàn tay và được kéo đứng lên.Chị Trúc bước lên bệ khoang lái xuống chèo quay mũi con đò.
Thư mẹ gửi lên,tôi buồn vui lẫn lộn. Vui cái tin tuyến đường liên tỉnh mở qua làng,bến Tre là điểm bắc cây cầu lớn.Phân nửa mảnh vườn nhà chị Trúc nằm trong quy hoạch xây văn phòng cung đường bộ. Như thế đường lớn “ăn hết”bờ tre kiêu hùng và bến nước với hàng cây vọng cách. Tôi chẳng bao giờ còn được cất tiếng “đò ơi”, chẳng bao giờ còn được nhanh chậm mái chèo, cắm xuống con sào.
Bất ngờ chịTrúc lên thăm tôi. Trong túi quà của chị có những chùm nhãn lồng.Như thế là tôi làm thợ đã tròn một mùa quả chín. Cây nhãn lồng đầu dốc bến chặp này năm ngoái chị Trúc trảy chùm quả mọng mang xuống đò. Con đò neo mãi đến khuya.
Anh Từ trưởng trạm chỉ túi quà, vỗ vai tôi nhìn chị sang chị Trúc:
-Cô Trúc mang quà “hối lộ” anh em tôi tát cạn nước sông Lăng “bắt về”kỷ niệm chứ gì. Việc này xin nhường cả cho chú em chị.
Chị Trúc thoáng đỏ mặt. Tôi lảng chuyện, chúc mừng chị những điều được biết qua thư mẹ và bạn bè. Ba thế hệ nhọc nhằn đò giang đã được đền đáp công lao. Chị Trúc được tuyển đi học công nhân giao thông. Hết khoá học chị sẽ về đội bảo dưỡng đóng trụ sở trên phần đất nhà chị. Trong lá thư gần nhất mẹ tôi tiết lộ chị đã đưa anh đội trưởng đến trình diện cụ trưởng họ.
-Chị nhận hết những lời chúc mừng-ChịTrúc nói-Còn Công sao lâu lâu chưa về.
-Vì hết chống hạn đến lũ lụt. Còn vì thua chị chưa có người đưa về trình diện.
-Công thì…-Thoáng ngập ngừng, chịTrúc dứt khoát-Gắng như chị bảo đi nhé. Chị lên để từ nay Công đừng lười về nữa, hiểu chưa.
Một phần ngày còn lại đằng đẵng. Máy nghỉ ca, tôi nhao lên bờ đê. Sông Lăng vừa qua cơn lũ hiểm đang êm lại dòng trôi. Có một mảng hoa súng đang lững lờ theo dòng nước…Có một chiều sau lũ chị Trúc cắm đò ở điểm neo “học trò”. Con đò neo quá nửa đêm…
-Có chuyện gì thế Công?
Anh Từ ngồi xuống bên cạnh tôi. Liền hai cái vỗ vai đầy hàm ý. Tôi im lặng.
Dòng sông đang êm lại xuôi về cho tôi hối hả những vớt lên. Đấy là buổi sáng trời mưa mẹ đưa tôi đến trường. Hai mẹ con vừa ra khỏi ngõ thì gặp chị Trúc. Chị chào mẹ,cầm tay tôi: “Cô cứ về, để cháu đưa em đến lớp’’.Nhà tôi ven đường chị Trúc dưới bến lên phải đi qua ngõ nhà tôi. Đi bên nhau chị Trúc thủ thỉ: “Từ mai nhé…”.Từ đấy “từ mai” như một mệnh lệnh. Từ đấy dù cách nhau hai lớp ngày nào tôi cũng chờ chị Trúc cùng đến trường cho đến năm lớp chín chị thôi học để phụ việc đò giang. Đang xuôi về kia chiếc cặp cói đựng mấy cục đá, chiếc thước kẻ vót nhọn đầu.Đấy là “vũ khí’’để tôi đánh trả mấy đứa hay gào vè chọc.Lên lớp năm được vài tuần tôi trở thành đối tượng của bài vè: “Ve vẻ vè ve… Vợ to chồng bé…”.Một lần cuộc chiến diễn ra ngoài bãi sông. Chị Trúc bất ngờ lao đến kéo tôi vào lều vó,gỡ khăn buộc tóc lau máu mũi. “Từ mai mặc kệ chúng nó’’. “Chị thích vè à”. “Vè vè gió bay.Còn hơn là đánh nhau”. Đang xuôi về kia…Tôi vớt lên bến vắng một đêm trăng. “Gắng mà học hành Công ạ…Còn chị…Rồi Công sẽ hiểu…”.Tôi chưa hiểu được bao nhiêu thì bến quê đã nhòa lối cũ cho nước trôi sóng vỗ chân cầu... Đang qua cầu đổ xuôi về cho tôi vớt lên.Tôi vớt lên được nhiều lắm những tháng ngày qua …Tôi vớt lên được cả con đò, vớt lên được cả lượm gió thẫm mùi lá cây vọng cách…Chỉ không sao vớt lên được gói giấy hồng. Gói giấy hồng khi xa khi gần. Một ảo ảnh buốt nhói tận chân tóc. Không chịu nổi,tôi đứng phắt lên bươn chưa trọn bước,anhTừ túm tay kéo giật lại xoay mặt ra phía dòng sông:
-Tao tin sớm muộn chú mày sẽ hiểu ra. Cho dù thế nào thì với Trúc và mày bến Tre mãi mãi là một miền ngày xưa yêu dấu. Ai cố vượt qua ,muốn khác đi người ấy sẽ mất nhiều hơn được. Ở điểm này Trúc thông minh hơn mày. Cho nên cô ấy thanh thản và sẽ có cuộc sống rất êm đẹp. Cứ chờ xem.
Có lẽ anh Từ đúng. Chị Trúc, hơn mọi sự chờ trông tôi cầu nguyện.
Trần Văn Thước
Vũ Lăng-Tiền Hải –Thái Bình