BÓNG RỪNG
Truyện vừa của Thế Đức – Hội viên Hội nhà Văn Việt Nam
I
Khi tỉnh dậy, anh mới biết mình bị thương bên chân phải và cánh tay trái, rồi bị ném lên một gò đất bên cạnh. Xung quanh anh lởm chởm những miệng hố sâu hoắm của đạn pháo. Những xác chết nằm la liệt, máu bầm tím loang khắp thân thể.
Cánh tay lành lặn của anh vừa kéo khẩu AK lệt sệt bên mình, vừa kết hợp với bên chân còn lại làm lực đẩy để nhấc cả tấm thân nặng trịch, cố trườn về phía trước.
- Mẹ ơi!
Anh khẽ gọi trong tiếng rên rỉ. Nhưng mẹ anh nào có nghe được tiếng anh gọi. Bao phủ xung quanh chỉ là cánh rừng già vẫn nồng nặc mùi thuốc súng. Những người lính sống sót của bên bại trận thì hồn xiêu phách lạc, đã tháo chạy khỏi trận địa. Còn những người lính thắng trận cũng vội vàng rút khỏi bãi chiến trường. Đó là kinh nghiệm xương máu để tránh phải hứng chịu những đợt oanh kích của máy bay Mỹ hoặc những trận nã pháo trả thù của đối phương.
Anh cố hết sức. Nhoài! Nhoài! Rồi anh từ từ thả những ngón tay, buông khẩu súng, gục xuống. Anh lại nhỏm dậy, nghiến thật chặt hàm răng để nén lại cái đau đớn dường như đã quá sức. Nhoài! Lại thêm một cái nhoài nữa rồi anh mới chịu gục xuống. Lần này thì anh không còn đủ sức gượng dậy được nữa. Anh thiếp đi…
- Mẹ ơi! Trong cơn mê, miệng anh vẫn thì thầm gọi mẹ.
Đôi mắt anh sâu hoắm, cặp môi khô cháy, xưng rộp. Đã không biết bao lâu, anh như một cái xác không hồn nằm đó. Cái đau đớn, cái đói khát cũng chẳng thèm đếm xỉa gì đến tri giác của anh nữa. Lưỡi hái của tử thần đã mấy lần nhòm ngó nhưng vẫn chưa thể ãm anh đi được có lẽ là do cái số của anh khi ấy còn chưa tới lúc.
Vậy mà bỗng dưng anh thấy như có mẹ đang ở bên cạnh. Đôi mắt của mẹ ướt đẫm nhìn anh đầy thương xót. Rồi mẹ vội vàng bón từng muỗng thức ăn cho anh. Một thứ vị là lạ mà anh chưa từng gặp ở ngoài đời. Anh nuốt. Thấy dễ chịu hẳn. Đôi mắt anh vẫn nhắm nghiền, nhưng cái miệng bỗng nhoẻn cười nom hồn nhiên như một cậu bé đang ngủ trong vòng tay của mẹ. Rồi anh lại thiếp đi…
Lần này thì anh đã ngủ. Anh ngủ thật ngon lành sau một cuộc vật lộn quá sức với thần chết. Hà nội, với những con phố quen thuộc, Hồ Gươm, đường Thanh Niên…và rất nhiều kỷ niệm thuở học trò lần lượt thoáng qua trong giấc mộng. Hình như ai đó lại cầm bàn tay anh. Vẫn Là mẹ. Ấm áp. Không còn mùi tử khí. Sự sống đang phập phồng trong lồng ngực của anh.
Rồi anh từ từ hé mắt. Bỗng anh giật mình, hoảng hốt. Ngồi bên anh không phải là mẹ mà là một bóng người mặc bộ đồ rằn ri, bên sườn đeo một bao súng nhỏ xíu. Người ấy ngồi quay lưng lại với anh. Anh chớp chớp mắt. Sao lại thế này? Mình đang mơ? Không phải! Tại sao không phải là chiếc mũ tai bèo và bộ quần áo xanh lá cây quen thuộc? Chiếc mũ vải của người ấy đội lệch hẳn về phía sau. Anh nhận ra phù hiệu đôi cánh Đại bàng màu bạc. Anh hốt hoảng. Địch! Anh quên béng là mình đang bị thương và cũng quên luôn cả sự đau đớn đang cào xé cơ thể. Anh ngồi bật dậy, chộp vội lấy khẩu súng bên cạnh. Cách! Cách! Anh giật quy lát. Tiếng sắt thép va chạm nhau nghe khô khốc. Anh nâng nòng súng tỳ sát lưng áo kẻ thù.
- Giơ tay lên!
Lạ thay, tên địch vẫn ngồi im như một pho tượng. Cánh tay anh bị chấn động mạnh đã đánh thức tri giác khiến anh khẽ nhăn mặt! Có lẽ mình bị mơ! Anh lại chớp mắt. Không! Đó chính là một tên lính Cộng Hòa. Chính hắn là một tên lính Cộng hòa!
Người lính Cộng Hòa bấy giờ mới từ từ quay lại. Anh thảng thốt. Trời ơi! Một phụ nữ! Người nữ chiến binh Cộng Hòa có Khuôn mặt đẹp như sao băng nhưng rất nghiêm nghị làm anh chột dạ.
- Giơ tay lên! Anh lại quát.
- Anh lính Việt Cộng! Người nữ chiến binh Cộng Hòa bình thản nói - Hãy nhẹ tay thôi và bỏ súng xuống kẻo vết thương lại chảy máu bây giờ! Anh chưa bắn thì tôi đã mang một bản án tử hình của Tòa án Quân sự Quốc gia vì đã cứu sống một tên Việt Cộng rồi đó!
Người phụ nữ quay lại, nhìn thẳng vào mặt anh mà không hề để ý tới nòng súng vẫn kề bên lưng áo. Tay người lính Việt Cộng bỗng run run. Anh nhận ra vết thương của mình được quấn bằng một thứ băng màu trắng, dính bết máu.
Vậy là người này đã băng bó cho mình? Không có lẽ! Anh thảng thốt nghĩ tới cuộc chiến hồi đêm. Tiếng súng nổ và những bóng người đổ vật trên vũng máu. Đó là cuộc chiến của những con người đã từng một mất một còn, không thể khoan nhượng!
Tiếng người phụ nữ vẫn nhẹ nhàng, nhưng thái độ rất nghiêm nghị thì không hề thay đổi:
- Trong khu rừng này chỉ còn tôi và anh. Giữa tôi và anh, lúc này không có ai là ta là địch gì cả. Chúng ta là hai con người Việt Nam đã may mắn thoát chết sau một cuộc thảm sát đẫm máu. Bây giờ anh có thể sống nếu tiếp tục được cứu chữa. Anh đồng ý với tôi như vậy và sẽ hạ súng xuống chứ?
- Không bao giờ!
- Vậy thì tùy anh! Nếu anh không muốn chấp nhận sự thỏa hiệp tốt cho cả anh và tôi thì anh có thể bắn tôi. Nào! Hãy dũng cảm lên và anh có thể siết cò súng!
Ngón tay trỏ của anh bỗng mềm oặt, chùng hẳn lại. Và cơn đau lại bắt đầu hành hạ anh dữ dội.
* * *
Chị vẫn chưa hết bàng hoàng!
Vừa mới hôm qua, chị còn là Bác sĩ trong một tiểu đoàn lính chiến, quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Doanh trại của chị đồn trú tại một vị trí có địa bàn chiến lược rất quan trọng nằm giữa những cánh rừng rậm thuộc khu vực Tây nguyên. Cuộc tấn công bất ngờ của quân Giải Phóng trong lúc đơn vị của chị đang chuẩn bị thực hiện gấp lệnh hành quân di chuyển đã làm thay đổi tất cả.
Những người chiến hữu của chị còn chưa kịp hoàn hồn, lại phải hứng chịu một trận đấu pháo dữ dội. Cả đơn vị tan tác như ong vỡ tổ, mạnh ai nấy chạy. Trong ánh chớp sáng lòe, chị chỉ kịp vơ vội chiếc ba lô chiến binh và chiếc túi có hình chữ thập đựng đồ nghề rồi nhằm hướng rừng rậm, cố chạy, để thoát khỏi vùng chiến sự.
Một quả đạn pháo nổ bên cạnh, hất chị ngã xuống. Mặt mày chị xây xẩm. Chị sợ quá, nằm bẹp tại chỗ và miệng không ngớt cầu Chúa che chở. Có lẽ Chúa linh thiêng thật, nếu không, làm sao chị có thể tránh khỏi cơn mưa đạn lửa dày đặc như thế này.
Chị lại vùng dậy, xé rừng chạy miết. Sau lưng chị, lửa vẫn cháy. Dữ dội. Điên cuồng. Mắt chị u tối và tai thì ù đặc. Cho tới khi tiếng súng thưa dần thì cũng là lúc chị không thể cố thêm được nữa. Chị gục xuống, thiếp đi, và đêm đen như muốn nuốt chửng lấy phần hồn của chị. Sài Gòn với những kỷ niệm đẹp không làm sao có thể xóa nhòa được ký ức hãi hùng…
Khi tỉnh dậy, chị nhìn rừng lá trùng trùng điệp điệp và ánh sáng tràn đầy mới biết là trời đã sáng. Chị ngơ ngơ, ngác ngác. Đất trời quay tít. Bốn phương tám hướng đảo điên giữa khu rừng câm lặng. Người nữ chiến binh vừa khoác trên mình bộ đồ màu chàm loang lổ, còn thơm mùi vải, làm sao có đủ kinh nghiệm để vượt qua những tình huống nguy hiểm như thế này!
Nhưng cũng chẳng còn con đường nào khác để chị có thể lựa chọn. Bụng đói cồn cào. Chị tặc lưỡi. Dù sao thì cũng đã may mắn thoát khỏi cái chết! Chị đưa tay làm dấu Thánh tạ ơn Chúa, rồi mở hộp thức ăn cố nuốt một miếng lót dạ để có sức đi tiếp.
Vẫn là hướng trước mặt. Chị vắt đôi quai chiếc ba lô và quăng túi đồ nghề lên vai, tiếp tục kéo lê từng bước.
Bỗng chị giật bắn mình. Hình như có tiếng người rên rỉ ở đâu đó? Lạy Chúa linh thiêng hãy đừng cho con sáp mặt với tụi Việt Cộng!
Chị thì thầm cầu nguyện rồi vội vàng nằm rạp xuống. Bàn tay chị run run mở nắp bao súng đeo bên sườn và lia ánh mắt đi tìm.
Bỗng tim chị co thắt lại. Cách đó không đầy mươi bước chân, một người đàn ông mặc bộ đồ xanh lá cây đang nằm úp. Chiếc mũ tai bèo hất ngược về phía sau, để lộ một phần khuôn mặt tái nhợt nghiêng sang trái. Bên cạnh người ấy là khẩu súng nằm dưới những ngón tay buông hờ đang ở tư thế trườn về phía trước.
Việt Cộng!
Chẳng hiểu Chúa linh thiêng có ác ý muốn trừng phạt ta hay đó chỉ là sự sắp đặt của số phận? Chị vội chĩa nòng súng vào hắn.
Lại một tiếng rên rỉ nữa rất yếu ớt hắt ra, rồi im bặt. Hắn bị thương! Bằng linh cảm nghề nghiệp, chị nhận ra ngay sự nguy khốn của hắn. Chắc là hắn sắp chết!
Chị thở phào. Khẩu súng cũng từ từ được trả về vị trí cũ. Sau một giây lưỡng lự, chị bật dậy, lao tới, và lật ngửa xác tên Việt Cộng đang trong tình trạng bất động. Những chiếc cúc áo bị đứt tung, phơi trần bộ ngực vâm váp đầy vết xước tứa máu. Chị lấy ống nghe đặt lên phần ngực bên trái của hắn. Thật may cho hắn! Hắn bị kiệt sức chỉ vì mất quá nhiều máu! Không biết mảnh đạn của bên nào trong trận đấu pháo đã ngoạm gọn hai mảng thịt, một trên cánh tay, một trên bắp chân, nhưng lại vẫn nhè nguyên vẹn phần xương ống của hắn?
Chị vội mở túi đồ và bắt đầu từng thao tác nghề nghiệp. Rửa vết thương. Băng bó. Tiêm thuốc kháng sinh. Và cuối cùng, chị cũng không quên bơm cho hắn một liều trợ sức…
Người lính Giải phóng vẫn nằm im như một xác chết. Vẫn là bộ ngực đầy vết xước tứa máu và cái bụng lép kẹp đập vào mắt chị. Người nữ chiến binh Cộng Hòa chăm chú nhìn. Đây là lần đầu tiên chị có cơ hội được tận mắt nhìn thấy một tên Việt Cộng bằng da, bằng thịt. Hắn cũng chẳng có gì khác lạ! Ngoài cái bụng khô đét thì hắn đâu có giống hình hài của những tên Việt Cộng mà sách vở và báo chí của bộ truyền thông Sài Gòn vẫn mô tả!
Chị liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo tay. Cũng đã muộn! Chắc hắn đang đói lắm! Cái bụng của hắn đã chứng tỏ với chị điều đó. Hắn sẽ khó qua khỏi nếu không được ăn tý chút để lấy lại sức! Gói súp ăn liền nhanh chóng được mở và rót ra chiếc ca sắt nhà binh. Người lính Giải phóng vẫn nhắm nghiền mắt nhưng rất ngoan ngoãn nuốt từng thìa thức ăn từ tay chị bón.
Quả nhiên, khi ca súp vừa cạn đến giọt cuối cùng thì người lính Giải Phóng đã có dấu hiệu hồi phục. Cái bụng hắn phập phồng và đều dần. Thôi mặc hắn! Hắn cứ việc nằm đó và sẽ qua được cơn nguy kịch này thôi! Chị ngồi quay người lại, đưa cánh tay quẹt mồ hôi vãi dòng trên má rồi vuốt lại mái tóc được cắt ngắn cho phù hợp với phong cách nhà binh. Nỗi ám ảnh về sự phiêu lạc giữa khu rừng già, sự nguy hiểm có thể ập tới bất cứ lúc nào lại gõ vào bộ cảm ứng của chị. Điều gì sẽ tiếp tục xảy ra với mình nữa? Trống ngực chị đập thình thình. Nhưng dù sao thì ta cũng đã hoàn thành một sứ mạng mà Chúa vừa giao phó!
* * *
Cây súng trên tay người lính Việt Cộng từ từ hạ xuống. Anh nhích người, tựa lưng vào một gốc cây bên cạnh. Cái chân lành lặn hơi co lại làm giá đỡ cho khẩu súng và ngón tay trỏ của anh vẫn không rời vị trí sẵn sàng chiến đấu.
Đối diện với anh là người nữ chiến binh Cộng Hòa. Hai cặp mắt ở hai bên bờ chiến tuyến bấy lâu chứa đầy sự hận thù, lúc vụt sáng dữ dội như tia lửa chiếu thẳng vào nhau, lúc lại phụt tắt như bị dội nước lạnh và sự nghi hoặc thì vẫn còn đầy ắp. Hình như họ đang cố lục tìm trong tận đáy mắt kẻ thù những điều bí ẩn nhất.
- Thế này là thế nào?
Người lính Giải Phóng vẫn chưa hết ngơ ngác, bàng hoàng. Giọng anh cố che đậy sự yếu ớt của kẻ sắp chết.
- Tôi cũng không hiểu được nữa, có lẽ đó là do ý Chúa!
Người phụ nữ trả lời, giọng trong veo như tiếng Họa mi. Liền trong khoảnh khắc ấy, một tia sáng rất kỳ lạ ánh lên trong đôi mắt chị. Người lính Giải Phóng lập tức bắt gặp, và đọc được tất cả những gì hàm chứa trong ánh mắt sáng rực ấy. Sợi dây thù hận ngăn cách giữa hai con người trong anh bỗng chốc chùng hẳn lại. Nhưng thật trớ trêu, lại vẫn chiếc phù hiệu đôi cánh Đại bàng và bông mai trắng đập vào mắt. Không thể như thế được! Ngọn lửa căm thù lại bùng cháy dữ dội. Cô ta là người ở bên kia trận chiến, nói theo cách của những người Giải Phóng thì cô ta là giặc, là địch, là kẻ thù không đội trời chung! Bọn chúng vô cùng nguy hiểm, xảo quyệt! Anh liếc nhìn chiếc bao da có chứa khẩu súng bé tý tẹo đeo bên sườn. Đó! Chính đó là thứ để gây ra những tội ác tày trời! Nó đã giết chết bao nhiêu đồng chí đồng đội của mình? Ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình chỉ cần sơ suất hoặc có một sự mất cảnh giác nào? Sự giết chóc, máu chảy, đầu rơi, tất cả đều là những điều bất ngờ không thể lường trước! Bàn tay anh run run nắm chặt lấy khẩu súng và ngón tay trỏ lại được đặt vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.
- Giơ tay lên!
Anh nghiến răng, cố chịu đựng đau đớn và bất ngờ chĩa khẩu súng vào người tên địch. Đôi mắt anh đảo qua đảo lại. Vẻ hiền lành, thoang thoảng nét buồn phúc hậu vẫn y nguyên trên khuôn mặt người phụ nữ cũng không làm anh sờn lòng.
Người nữ chiến binh Cộng Hòa ngoan ngoãn giơ hai tay lên trời, rồi nói như van vỉ:
- Anh lính Việt Cộng! Anh hãy đừng bắn tôi! Tôi là một bác sĩ, vừa nhập ngũ và cũng vừa được điều động ra chiến trường. Lúc này, tôi đang rất cần cho anh. Vết thương của anh sẽ nhiễm trùng và có thể bị hoại tử nhanh chóng nếu không tiếp tục được cứu chữa. Điều đó rất nguy hiểm đến tính mạng của anh. Anh hiểu chứ?
- Người chiến sĩ Giải Phóng quyết không sợ hy sinh, quyết không thỏa hiệp với quân thù!
- Anh vẫn không chịu nghe tôi nói ư? Tôi xin nhắc lại, trong khu rừng này chỉ có tôi và anh. Chúng ta là hai con người Việt Nam vừa thoát chết sau một cuộc thảm sát đẫm máu, không có ai là thù là địch gì cả. Anh hãy nghe tôi đi!
- Không được! Tôi cũng xin nhắc lại, người chiến sĩ Giải Phóng quyết không thể đội trời chung với quân thù…
- Vậy thì tùy anh. Anh có thể hành động đúng với lương tâm của mình!
Họng súng lạnh ngắt vẫn hằn học chĩa vào ngực người đàn bà mặc áo rằn ri. Ngón tay anh từ từ siết chặt cò súng.
“Cách”
Tiếng kim hỏa vỗ vào khoảng trống làm anh giật thót tim. Anh vội kéo quy lát rồi lại nghiến răng bóp cò. “Cách” Vẫn thế. Vẫn lạnh ngắt! Vô hồn! Vô cảm! Anh hoảng hốt. Trong giây lát, anh vụt hiểu tất cả mọi điều. Anh vứt khẩu súng, định lao tới tên địch. Trời! Vết thương lại đau như xé vật anh ngã xuống. Anh bất lực, ngồi thở hổn hển. Lửa căm thù trong anh ngùn ngụt trút về phía người nữ chiến binh Cộng Hòa.
- Tôi biết thế nào anh cũng hành động như vậy mà! Người nữ chiến binh Cộng Hòa nói, rồi từ từ buông hai tay xuống. Chiếc bao da bên sườn bật nắp và khẩu súng bé tý tẹo được rút ra. Bộ ngực của người lính Giải phóng phút chốc đã trở thành mục tiêu của chiếc đầu ruồi đen sì. Bây giờ thì đến lượt tôi sẽ quyết định số phận của anh! Nào! Người lính Giải Phóng anh hùng đã sẵn sàng chưa nhỉ?
Hai kẻ tử thù nhìn nhau không chớp. Lửa trong đôi mắt anh lính Giải Phóng càng rừng rực như muốn đốt cháy thành than tất cả. Người nữ chiến binh Cộng Hòa vẫn bình thản, nói tiếp:
- Anh lính Việt Cộng! Trước khi chết, tôi cho phép anh được cầu Chúa và bày tỏ nguyện vọng của mình tới Người lần cuối cùng…
Anh lính Giải Phóng gào lên:
- Không! Ta không cần gì cả! Người chiến sĩ Giải phóng quyết không run sợ trước cái chết. Cô bắn đi! Hãy bắn đi!
Bàn tay người nữ chiến binh Sài Gòn vẫn nắm chặt khẩu súng ở nguyên tư thế cũ. Ngón tay trỏ đặt trên cò súng từ từ co lại.
“Đoàng”
Tiếng nổ xé toang sự yên tĩnh của khu rừng. Người lính Giải phóng hét lên một tiếng rồi ngã bật ngửa về phía sau.
- Anh lính Việt Cộng! Hãy dậy đi nào! Tôi không bắn vào trái tim của anh đâu. Ai nỡ kiên gan giết chết một trái tim anh dũng như vậy! Người nữ chiến binh Sài Gòn nói. Trên khuôn mặt chị bỗng thoáng một nét buồn. Chị cất khẩu súng vào bao rồi lặng lẽ cúi xuống nhặt đôi quai chiếc ba lô và túi đồ nghề của người thầy thuốc, quăng lên vai. Đôi mắt chị mở to nhìn anh lần nữa. Vẫn cái giọng không thay đổi là mấy, chị nói tiếp:
- Thật đáng tiếc, chúng ta không thể có cơ hội chung sống hòa bình để giúp đỡ nhau cùng vượt qua cơn hoạn nạn được nữa! Chào người lính Giải Phóng anh hùng! Vĩnh biệt!
* * *
Anh gượng ngồi dậy. Bấy giờ, anh mới biết là mình vẫn còn sống và không thể nào tin nổi sự kiện vừa xảy ra lại là sự thật. Khoảnh khắc viên đạn bỏng rát bay rẹt qua mang tai hất anh ngã xuống vẫn còn nguyên vẹn trong cảm giác. Đau đớn! Nhục nhã! Ê chề! Cái đau đớn từ một thân thể thương tật như vậy thì cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng còn sự ê chề, nhục nhã, thì lại là chuyện khác. Nó lần bò trong từng làn da thớ thịt, trong từng hạt máu của mỗi tế bào, rồi cắn, rồi xé, khiến trái tim anh vô cùng nhức nhối. Thật khốn kiếp! Anh nguyền rủa sự bất lực. Chính sự bất lực ấy đang buộc chặt anh vào cái yếu hèn. Mà cái yếu hèn thì luôn là thủ phạm làm cho lòng kiêu hãnh của người lính bị thất thố trước kẻ thù.
Người lính Giải Phóng càng bị chấn động mạnh.Anh đưa cánh tay lành lặn xoa xoa vuốt vuốt lên khuôn mặt xạm đen vì khói lửa. Cảm giác mệt mỏi đang gặm dần sức lực của anh đến tận giọt cuối cùng. Anh nhìn trước, nhìn sau, nhìn sang bên phải, rồi lại nhìn bên trái. Xung quanh, bốn bề, vẫn chỉ là màu xanh bất tận của rừng. Hình ảnh người nữ chiến binh Cộng Hòa có khuôn mặt đẹp như sao băng không dám siết cò để giết chết kẻ tử thù đã hai lần chĩa súng vào ngực mình vụt hiện ra trước mắt. Bỗng dưng anh muốn gào lên. Rồi anh đã gào thật to. Rốt cuộc thì mọi cố gắng, vùng vẫy của anh vẫn chỉ là vô ích. Tiếng gào của anh đã bị rừng nuốt chửng, đưa vào chốn sâu thẳm nơi hoang dã rồi bặt âm vô tín. Vẫn là sự im lặng đến rợn người. Có vẻ như anh không thể chịu đựng thêm được nữa. Anh gỡ chiếc mũ tai bèo, ném bên cạnh khẩu súng. Cánh tay lành lặn của anh giơ lên, chới với. Rồi anh lại cố sức gào thật to thêm một lần nữa. Rốt cuộc thì vẫn chẳng hơn gì. Rừng vẫn như con thú hoang đói mồi, lập tức lại đớp gọn tiếng gào của anh. Thật khủng khiếp. Anh vò đầu, muốn bứt, muốn phá. Lại vẫn cảm giác viên đạn bỏng rát bay rẹt qua mang tai. Chỉ có thể là trò chơi của bọn con trẻ, chứ không thể xảy ra tại bãi chiến trường đầy máu và những xác chết! Mạng sống của ta chưa đến hồi kết trước họng súng đen ngòm chính là nhờ tấm lòng cao cả của con người ấy! Vậy thì tại sao ta lại nhất quyết khép cô ta vào tội chết?
Anh lại vò đầu. Lại bứt. Lại phá. Những con sóng vô hình cứ thế táp mạnh vào trái tim anh. Ta không phải là người anh hùng! Ta không phải là người anh hùng! Ta đã ứng xử như một kẻ hèn nhát trước một tấm lòng vô cùng cao thượng. Ước gì câu chuyện ly kỳ kia sẽ được diễn lại từ đầu, để ta tự trói mình và quỳ trước mặt nàng. Ta sẽ nói với nàng chính ta mới là kẻ tội đồ và xin được nàng tha thứ!
Nhưng muộn rồi! Bây giờ thì đã quá muộn rồi! Bóng người nữ chiến binh mặc áo rằn ri đã biến mất trong màu xanh trùng trùng điệp điệp của rừng.
Anh lại đưa bàn tay nắm chặt mớ tóc rối bù, giật liên hồi. Bây giờ, ta sẽ làm gì với những vết thương như thế này? Mặt mũi anh nhăn nhúm. Anh đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn cánh tay và bên chân quấn băng nhằng nhịt. Nếu vết thương không được điều trị thì rất dễ bị nhiễm trùng và sẽ hoại tử dần! Cô ta đã nói như thế. Đó là chưa kể đến cái đói, cái khát cũng có thể cướp đi mạng sống của mình rất dễ dàng!
- Mẹ ơi!
Anh lại gọi mẹ. Không biết mẹ có nghe được tiếng mình gọi? Có biết được đứa con duy nhất của mẹ bây giờ đang gặp khốn khổ giữa khu rừng xa lắc xa lơ ngoài trận tuyến? Anh bỗng nhớ tới đồng chí, đồng đội. Những người đồng chí đồng đội đã từng chia sẻ từng miếng cơm manh áo giờ này đang ở tận phương nào? Không biết có những ai đã chết trong trận đánh vừa rồi, hoặc có đứa nào số phận cũng đang khốn khổ giống như mình? Anh chua chát, cười thầm trong dạ. Những đứa may mắn sống sót rồi đây sẽ gọi mình là “liệt sĩ”, và cái tên của mình sẽ được ghi vào sổ báo tử của đơn vị với dòng chữ “đã hy sinh anh dũng trong chiến đấu!”
Anh lại cười. Nụ cười thiểu não và thật vô cùng khốn khổ. Nhưng dễ gì mà ta chết được! Đúng vậy! Ta không thể chết! Bây giờ là lúc ta cần thể hiện bản lĩnh của người lính, cần phải sống để tiếp tục chiến đấu! Vết thương của ta rồi cũng sẽ khỏi. Nó sẽ được điều trị bằng ý chí và nghị lực của chính con người! Anh chợt nhớ tới câu chuyện ở một nước nọ, có một nữ bệnh nhân ung thư rất lạc quan. Bà lạc quan tới mức lúc nào cũng nghĩ rằng tất cả bạch cầu trong cơ thể bà như một đội quân dũng mãnh, luôn ào ạt tấn công các vi khuẩn gây bệnh, và cuối cùng đội quân ấy đã chiến thắng. Một năm sau, các bác sĩ rất bất ngờ báo tin bà đã khỏi bệnh…
Câu chuyện thần kỳ ấy đã trở thành động lực vô cùng lớn và thôi thúc anh vượt qua tất cả. Anh gồng mình. Nào, ta sẽ bắt đầu nhé! Nhưng trước hết thì hãy đứng dậy cái đã nào! Anh liếc nhìn khẩu súng rồi nhoài người, dùng cánh tay còn lại định với lấy. Nhưng nó chẳng còn viên đạn nào thì có tác dụng gì với ta nữa? Anh đăm đắm nhìn khẩu súng. Chỉ tiếc là ta không thể đủ sức để mang nó đi theo! Nhưng còn chiếc lê kia thì vẫn có thể dùng được, nó sẽ giúp ta đào củ rừng để chống đói! Anh lập cập, dùng một bên tay thao tác rất thuần thục để tháo rời chiếc lê. Được rồi! Anh lại đăm đắm nhìn khẩu súng một lần nữa trước khi ném sang bên cạnh.
Bây giờ mình cần phải kiếm lấy một cái gậy để thay thế cho cái chân chết tiệt này. Anh đưa mắt chọn một thân cây nho nhỏ ở gần đó. Tốt rồi. Anh đẽo nhọn một đầu cây gậy để bám đất được chắc chắn hơn rồi lấy hết sức đu người, từ từ đứng dậy. Vừa nhấc cơ thể lên khỏi mặt đất được một chút thì vết thương lại đau nhói, vật anh ngã xuống. Người chiến sĩ Giải Phóng quyết không thể đầu hàng trong bất cứ tình huống nào! Anh nghiến chặt hai hàm răng, cố chịu đựng đau đớn. Vẫn những động tác như vây, anh lại đu người thêm lần nữa. Cái vết thương thật vô cùng quái ác, nó quyết không buông tha anh. Lần này thì máu bắt đầu tứa ra, thấm ướt đến cả lần ngoài cùng của lớp băng. Anh lại khụyu xuống. Miệng anh há hốc, mồ hôi vã ra khiến lưng áo ướt đầm như người vừa tắm.
Anh ngơ ngác nhìn quanh. Cả khu rừng vẫn chỉ là một khoảng trống hết sức vô cảm. Lại vẫn là hình ảnh người nữ chiến binh Sài Gòn có khuôn mặt đẹp như sao băng hiện ra rõ mồn một. Ơn Trời, cô ấy đã không bắn ta. Kẻ bên kia chiến tuyến còn chẳng nỡ giết ta thì tại sao ta lại dễ dàng chấp nhận cái chết? Không! Nhất định ta không thể chết! Hỡi người chiến sĩ Giải phóng, hãy anh dũng lên và đừng bao giờ nghĩ tới chuyện đầu hàng nhé! Nào! Hãy cố lên! Anh tự động viên mình như thế rồi ngước nhìn lên bầu trời qua những kẽ lá. Đôi mắt anh bỗng nhiên bừng sáng. Bên cạnh anh, một thân cây khẳng khiu đang cố sức vươn lên với những chồi non đâm ra tua tủa, nom thật dũng mãnh. Cây ơi, mày nhỏ bé thế mà cũng bất khuất gớm nhỉ? Nếu không thế làm sao mày có thể sống và đủ sức vươn lên cao vút thế kia? Hàng ngàn tấn chất độc máy bay Mỹ trải xuống, vậy mà vẫn chẳng nghĩa lý gì! Giỏi! Mày giỏi thật đấy! Rồi tao cũng sẽ noi gương mày. Tao cũng sẽ sống bất khuất chẳng kém gì mày cho coi!
Anh nghiến thật chặt hai hàm răng chịu đau đớn rồi đu người vào chiếc gậy. Bên chân lành lặn của anh gồng cứng lại, vừa làm lực đẩy, vừa làm bàn đỡ cho tấm thân khỏi bị rớt xuống…
- Anh lính Việt Cộng giỏi quá! Vậy là anh đã chiến thắng được chính bản thân mình rồi! Hèn chi, viên đạn của tôi hồi nãy đã không dám xuyên thẳng vào ngực anh!
Người nữ chiến binh Sài Gòn bất ngờ xuất hiện. Chị vừa nói, vừa lách từng khóm cây phía bên trái anh bước ra, khẩu súng bé tý tẹo vẫn lăm lăm trên tay. Anh lính Giải phóng giật thót tim. Cô ta trở lại để giết mình? Anh lập cập xoay người rồi tựa lưng vào gốc cây, đôi mắt nảy lửa nhìn thẳng người nữ chiến binh Cộng Hòa.
- Cô vẫn muốn…
- Nếu muốn giết anh thì tôi đã chẳng quay lại chỗ này làm chi. Chị vừa ngắt lời, vừa tra khẩu súng vào bao rồi nhoẻn miệng cười. Tôi chỉ cần bỏ mặc anh thì chậm lắm cũng chỉ vài ngày nữa, đói khát, thương tật cũng sẽ giết chết anh thôi. Anh hiểu chứ? Người nữ chiến binh Cộng Hòa nhìn qua, nhìn lại, nụ cười hồn hậu vẫn giữ nguyên trên môi. Tôi quay lại đây bởi tôi vẫn muốn thương lượng với anh cái điều mà tôi đã từng nói khi nãy. Chúng ta đều là người Việt Nam vừa thoát nạn sau một cuộc thảm sát đẫm máu, không có ai là thù, là địch gì cả. Chúng ta sẽ cùng giúp đỡ nhau để vượt qua cơn hoạn nạn này! Giọng người nữ chiến binh Cộng Hòa vẫn dịu dàng. Tôi biết bây giờ anh sẽ chấp nhận điều đó, phải không anh lính Việt Cộng?
Người lính Giải Phóng bỗng nhiên run rẩy, rồi từ từ đổ khuỵu xuống. Người nữ chiến binh Sài Gòn thấy vậy, vội nhào tới và kịp đỡ anh đứng dậy.
* * *
Chỉ cần bấy nhiêu điều đã xảy ra cũng đủ để họ khuất phục nhau theo cách nhìn của riêng mỗi người.
Chiều hôm ấy, khi người nữ chiến binh Sài Gòn đang chăm sóc vết thương cho anh lính Giải Phóng thì cơn mưa bất ngờ ập đến. Chị ái ngại nhìn vết thương của anh, bảo:
- Anh cứ tạm nằm nghỉ cái đã nhé. Tôi phải làm túp lều để tránh mưa không thì nguy mất!
Rồi chị vội vàng bắt tay vào công việc. Chiếc lưỡi lê của anh lính Giải phóng và những sợi dây dù dùng để mắc võng của chị lúc này thật cần thiết, đã giúp chị chặt cành, phát lá, và dựng được chiếc lều hình chữ A khá chắc chắn. Để thật yên tâm, chị còn cẩn thận phủ trên nóc lều mảnh vải bạt, đề phòng nước mưa có thể dột xuống.
Công việc xong xuôi thì cũng vừa lúc trời nổi gió. Những tảng mây đen kịt, nặng trĩu, chụp sát từng ngọn cây khiến cả khu rừng tối sầm lại.
Và mưa.
Chị vội vàng dìu anh lính Giải phóng vào trong lều. Trời ơi! Anh bị sốt! Người nóng hầm hập như thế là sốt cao ghê lắm! Chị đỡ anh nằm trên thảm lá rừng được trải dày làm chiếu. Trong căn lều bé nhỏ lúc này, cái dải phân cách đen sẫm giữa hai luồng tư tưởng gần như đã được gột rửa, nhường chỗ cho một thứ tình cảm mới lạ bất ngờ ập đến. Người nữ chiến binh Sài Gòn lấy thuốc hạ sốt cho anh uống. Bên ngoài, trời mưa như trút, đập ràn rạt trên tấm vải bạt tưởng chiếc lều chẳng mấy chốc sẽ bị xé rách. Người lính Giải Phóng vẫn không hề hé răng kêu rên tới nửa lời. Đôi môi anh mím chặt, bộ mày nhíu sát vào nhau, chứng tỏ anh đang gồng mình hết cỡ để chịu đựng những cơn đau khủng khiếp.
Hồi lâu, mưa bắt đầu thưa dần, khi tạnh hẳn thì trời cũng đã bắt đầu tối. Đêm rừng giống như con quái vật khổng lồ đang ngoác cái miệng đen ngòm để nuốt tất cả mọi thứ vào đó. Thật khủng khiếp quá! Chị bắt đầu cảm thấy lo sợ. Rồi đêm nay mình sẽ ngủ ở đâu? Một bài toán thật khó khi chiếc lều chỉ rộng vẻn vẹn được hai bước chân. Quá khứ đầy kiêu hãnh trước giới mày râu đô thành vụt thoáng qua trí nhớ của chị. Dù thế nào thì cũng không thể nằm bên cạnh hắn!
Bỗng có tiếng cựa mình, người lính Giải phóng đưa cánh tay lành lặn quờ quạng như muốn tìm kiếm cái gì đó. Miệng anh ú ớ:
- Kiều Trinh! Kiều Trinh là tên của người nữ chiến binh Sài Gòn mà anh vừa được biết hồi chiều.
Nghe gọi tên mình, người nữ chiến binh Sài Gòn vội quay lại:
- Anh đã tỉnh rồi ư?
- Vâng! Người lính Giải phóng nghẹn ngào. Cô tốt với tôi quá! Tôi biết lấy gì đền ơn cô được?
- Anh đừng nói vậy! Chúng ta đều là nạn nhân của cuộc chiến tranh này. Dù thế nào đi chăng nữa, nhất định tôi cũng sẽ không bỏ mặc anh. Nhất định tôi sẽ giúp anh vượt qua hoạn nạn. Khi nào vết thương của anh bình phục, chúng ta sẽ cùng tìm đường thoát khỏi khu rừng này. Anh cứ yên tâm điều trị cho tốt nhé!
Bỗng dưng anh lính Giải phóng thấy cổ họng nghèn nghẹn. Khoảnh khắc im lặng trùm kín. Người nữ chiến binh Cộng hòa quay mặt nhìn ra phía ngoài. Bóng tối càng thêm đặc quánh. Chị rùng mình. Thật may mắn, cho dù anh ta không giúp gì cho mình vào lúc này, nhưng cái bóng của anh lại trở thành nơi trú ẩn thật tốt. Chị vụt nghĩ tới hồi sáng, bàn tay chị đã kịp điều chỉnh nòng súng chếch ra khỏi bộ ngực của anh trước khi siết cò…
- Giá đất nước mình không có chiến tranh thì thật tốt đẹp biết bao nhiêu, phải không cô? Người lính Giải phóng như muốn phân trần với người nữ chiến binh Cộng Hòa về nỗi lòng của mình.
- Vâng, tôi hiểu. Nhưng việc đó khi nào anh khỏe ta sẽ sẽ nói chuyện sau. Bây giờ, anh phải ăn tý chút cho đỡ đói đã nhé!
Người nữ chiến binh Cộng hòa sực nhớ cả hai người đều chưa ăn bữa tối. Nếu không bị Việt cộng tấn công và cả hai bị lạc trong rừng, chắc giờ này họ đã dùng xong bữa tối từ lâu để chuẩn bị cho những sinh hoạt cá nhân và một đêm ngon giấc. Chị vừa nói, vừa lom khom bước tới bên chiếc ba lô đựng quân tư trang, rồi lúi húi lục tìm chiếc đèn pin trước khi mở túi cóc lấy ra hai gói thức ăn và chiếc bát quân dụng.
Trong ánh sáng mờ nhạt của chiếc đèn pin đã được ngụy trang bớt đi một phần ánh sáng, người lính Giải phóng ngoan ngoãn nuốt từng muỗng cháo chị bón.
Nhìn anh ăn uống ngon lành, bất giác chị chép miệng. Chiến tranh đã đầy đọa những con người vô tội đến tận cùng sự khốn khổ! Người lính Giải phóng nghe tiếng thở dài của chị bỗng nhiên thấy chạnh lòng buồn. Anh đưa mắt nhìn chị. Trong phút chốc, hình ảnh mẹ lại vụt hiện ra trước mắt. Anh nghẹn ngào nói:
- À, Kiều Trinh này, vừa rồi tôi nằm mơ gặp mẹ tôi đấy. Tôi đã nói với mẹ khi nào đất nước thống nhất, tôi sẽ đưa mẹ đi tìm Kiều Trinh để cám ơn cô đã cứu tôi! Mẹ tôi khóc. Nghe tiếng khóc nức nở của mẹ, tôi giật mình tỉnh giấc và cứ cảm giác như mẹ tôi đang ở bên cạnh!
Người nữ chiến binh Sài Gòn nhìn anh mỉm cười:
- Cám ơn anh! Anh thật là một người hài hước. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được cơ hội ấy đâu. Ngày thống nhất, hoặc là tôi, hoặc là anh sẽ phải chạy trốn nếu không muốn bị giết hoặc tù đày. Chắc anh vẫn không quên thân phận của mỗi chúng ta đấy chứ?
- Là tôi nói vừa nãy tôi đã nằm mơ như thế ấy mà. Chứ sự thực thì…
Người lính Giải Phóng định nói một điều gì nhưng anh đã kịp thời dừng lại. Anh nhìn Kiều Trinh. Cô ta nói đúng! Và cũng chính câu nói ấy đã làm trái tim hai người như bị thắt lại. Họ đều mang chung tâm trạng là con dân một đất nước đang bị chia cắt bởi cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc.
Rồi như không muốn để tự mình phải gặm nhấm nỗi đau ấy nữa, chị đứng dậy, lặng lẽ quay ra phía ngoài, mở gói thức ăn dành cho mình…
Khi người nữ chiến binh Sài Gòn ăn xong thì cũng vừa lúc ánh trăng muộn đã vãi tràn lên những ngọn cây. Chị chui vào lều, với tay lấy chiếc áo trong ba lô và nhẹ nhàng đắp lên người anh. Một vệt sáng bất chợt rơi từ kẽ lá hắt qua khiến khuôn mặt vốn đầy cương nghị của anh bỗng chốc trở nên vời vợi, làm lay động con tim người thiếu nữ. Chị đưa tay khẽ vỗ lên má anh, âu yếm nói:
- Hãy ngủ đi người lính Giải Phóng anh hùng! Chúc anh ngủ ngon nhé!
Giọng nói hết sức trìu mến và hơi ấm từ chiếc áo đắp trên ngực đã làm anh thao thức mãi. Nàng đẹp và dịu hiền như thần nữ Artemis vậy! Ta thật may mắn! Ta thật vô cùng may mắn vì đã được gặp nàng!
Anh đang định nói với chị điều gì đó nhưng chị đã quay đi, lấy chiếc võng dù trong ba lô và chui ra khỏi lều. Dưới bóng trăng sau cơn mưa xanh ngắt, người nữ chiến binh Cộng Hòa lúi húi mắc hai đầu dây lên hai thân cây cạnh đó, rồi chui vào chiếc áo chống muỗi của nhà binh. Một đêm thật dài. Sự lo lắng, và cả những kỷ niệm trong cuộc đời binh nghiệp tuy ngắn ngủi nhưng đầy máu lửa, lần lượt cù vào tri giác làm chị không thể nào chợp mắt được…
* * *
Vậy là thời gian cũng vừa đủ để họ trở thành ân tình của nhau.
Suốt quãng thời gian ấy, mặc dù thuốc men thiếu thốn, nhưng người lính Giải Phóng đã được chăm sóc rất chu đáo nên vết thương cũng khá ổn định. Vừa đi lại được, anh đã nghĩ tới việc chặt cành và lấy dây dù làm thành một chiếc cung để săn bắn thú rừng.
- Chiếc cung này sẽ giúp chúng ta cải thiện những bữa ăn được ngon lành hơn, Kiều Trinh nhỉ?
Một tay người lính Giải phóng cầm con thỏ màu xám bị trúng tên vẫn đang nhỏ dòng máu tươi hồng, tay kia cầm chiếc cung giơ lên với vẻ mặt đầy hứng thú. Chú Thỏ xấu số ấy chính là thành quả đầu tiên của anh ngay sau khi chiếc cung vừa được tết dây.
Người nữ chiến binh Cộng hòa lặng lẽ gật đầu. Lòng chị đang rối như tơ vò. Nếu đây là chuyến đi săn thú rừng để tiêu khiển thì thật tuyệt vời, chị sẽ reo lên để cổ vũ cho người thợ săn hết sức tài ba này. Nhưng khổ nỗi, hàng ngày, hàng giờ, chị vẫn luôn lo sợ và mặc cảm bởi thân phận của kẻ phiêu lạc đang lâm vào cảnh cùng đường. Những cuộc đi săn như thế này chỉ là sự bất đắc dĩ để cải thiện những bữa ăn đạm bạc bằng củ quả rừng, chứ nào có vui thú gì!
Nhưng dù sao thì họ cũng còn có được cái may mắn là tìm được nơi trú ẩn thật tốt. Đó là cái hang nằm trong khối đá tự nhiên chìm sâu trong gò đất ẩn dật ở một góc rừng. Cửa hang chỉ vừa đủ cho từng người lách qua để vào bên trong. Thật lạ lùng. Không biết liệu có phải do sự sắp đặt của ông Trời, ngày này, tháng này, năm này, sẽ có hai con người gặp nạn ở nơi này mà chuẩn bị sẵn cho họ? Bên trong cái hang đá ấy rộng chừng khoảng mười mét vuông, cao hơn một với đứng của người lính Giải phóng. Chuyện đáng nói là trong hang còn có cả một phiến đá phẳng lì, làm chỗ ngủ rất tốt. Bên phía vách trái lại có dòng nước trong vắt, mát lạnh, không biết bắt nguồn từ đâu cứ róc rách chảy suốt ngày đêm. Ban ngày, người nữ chiến binh Cộng hòa thường ra khỏi hang để kiếm củ quả mang về nuôi thương binh. Cũng may, rừng đang mùa quả chín nên việc tìm kiếm của chị cũng khá dễ dàng. Vậy là họ không còn lo thiếu nước sinh hoạt, và nhất là phải lo bầy thú dữ chuyên đi kiếm mồi khi bóng đêm bắt đầu sập xuống.
Trong khi sự lo lắng về cái đói khát đã được khắc phục, cái gianh giới đối lập giữa hai bên bờ chiến tuyến cũng mờ nhạt dần, thì khoảng cách giới tính lại là điều làm cho họ rất khó xử. Đêm đêm, người nữ chiến binh Cộng hòa phải căng mảnh vải dù để làm “phòng ngủ” của riêng mình…
Một buổi chiều, họ lấy củi khô nhóm lửa nướng thịt thú rừng ngoài cửa hang. Mùi thịt nướng thơm phức, tiếng mỡ sôi rơi xuống than hồng xèo xèo mang lại biết bao cảm hứng cho cái không gian của riêng họ. Tuy nhiên, tất cả những thứ đó vẫn không thể nào kích thích nổi sự thích thú đối với Kiều Trinh. Chị ngước nhìn anh lính Việt Cộng, nói:
- Anh lính Việt cộng nè, không biết liệu chúng ta có thể thoát ra khỏi khu rừng này được không nhỉ? Kiều Trinh sợ lắm!
Anh lính Giải phóng cười, rồi phẩy tay:
- Những người lính Gải Phóng chúng tôi chỉ quen sống ở rừng nên rất thích nghi với rừng. Đường đi lối lại chỉ là chuyện nhỏ. Hơn nữa, chúng ta cũng mới chỉ loanh quanh đâu đây thôi, chứ làm gì đến nỗi đã đi quá xa. Kiều Trinh đừng lo!
- Kiều Trinh cũng hy vọng là vậy, cám ơn anh nhiều lắm!
Vậy là cứ tạm tin lời anh ta nói! Kiều Trinh tự nhủ. Trong lúc anh lính Việt cộng say sưa đùa giỡn với con thú rừng trên ngọn lửa hồng rực, chị nhận thấy anh rất vui vẻ. Đối với bất kỳ ai cũng vậy, trong lúc đang vui vẻ như thế là cơ hội tốt nhất để có thể giãi bày tâm sự. Chị ngước nhìn anh, hàng mi cong vút chớp chớp liền mấy cái rồi bừng mở thật sáng.
- Bây giờ, Kiều Trinh rất muốn được nghe anh kể chuyện về Hà Nội, anh vui lòng chứ?
- Tất nhiên rồi!
Anh lính Giải Phóng mừng rỡ. Trong thâm tâm, anh cũng đang nung nấu ý định sẽ tìm cách thuyết phục chị trở về với hàng ngũ của những người Giải phóng. Nhân cơ hội này, mình sẽ giới thiệu cho cô ta hiểu về Hà Nội, về con người, về chế độ Xã hội Chủ nghĩa ở miền Bắc là vô cùng tươi đẹp.
Rồi anh kể. Bắt đầu từ câu chuyện Hồ Gươm và sự tích rùa thần trả kiếm cho vua Lê Lợi. Những kỷ niệm về mùa thu Hà Nội với cái gió heo may đã làm xao xuyến lòng người. Mỗi dịp tết đến, xuân về, hoa đào nở rộ trong mỗi nhà và tục lệ gói bánh chưng của người dân miền Bắc…
- Tôi nghe nói, mùa đông ở ngoài đó rét lắm phải không anh? Kiều Trinh ngắt lời.
- Rét lắm! Rét đến nỗi những con cá ở ngoài ruộng cũng không thể chịu nổi, bị chết cóng rất nhiều.
Kiều Trinh lắng tai nghe. Thật tuyệt! Sài Gòn không có tháp rùa và những thứ mà anh vừa kể. Sài Gòn cũng chưa bao giờ có cái gió heo may và mùa đông lạnh tê tái như thế. Bỗng dưng, trong liên tưởng, lần đầu tiên chị cảm thấy bồi hồi khi nghĩ về Hà Nội và một tổ quốc Việt Nam thống nhất. Hà Nội ơi! Ước gì ta được một lần đến thăm Hà Nội! Kiều Trinh cảm thấy có cái gì cứ da da diết diết, và chị cũng nói với người lính Giải Phóng cái tâm sự riêng tư ấy.
- Anh kể tiếp đi! Anh đã làm Kiều Trinh muốn khóc quá đây nè! Kiều Trinh nói.
Vậy là cô ta đang bị cuốn hút vào câu chuyện như một dòng xoáy. Đây là cơ hội tốt nhất để giới thiệu cho cô ta hiểu về chế độ Xã hội chủ nghĩa. Sau đó, mình sẽ có cách cảm hóa cô ta quay về với chính quyền cách mạng!
Anh lính Giải Phóng mừng vui như mở cờ trong bụng. Anh được thể, bắt đầu thao thao nói về Chủ nghĩa xã hội và chế độ làm ăn tập thể ở miền Bắc. Lúc đề cập đến vấn đề hợp tác xã nông nghiệp ở nông thôn, anh đã khéo léo lồng thêm vào câu chuyện hình ảnh tuyệt mỹ của cây đa, giếng nước, sân đình, chỉ có ở vùng đồng bằng Bắc bộ…
Người nữ chiến binh Sài Gòn vẫn rất chú ý, lắng nghe từng câu, từng chữ. Nhưng thật bất ngờ, khi anh lính Giải phóng vừa ngưng lời, chị lập tức đưa ra những lập luận chứng minh về sự phi lý của cung cách làm ăn tập thể, hậu quả đã làm cho người dân miền Bắc phải sống trong cảnh vô cùng nghèo đói.
Anh lính Giải phóng nghe Kiều Trinh nói cứ như người chạm phải nọc độc. Anh thốt lên:
- Trời ơi! Họ tuyên truyền tầm bậy đó, Xã hội Chủ nghĩa là vô cùng tốt đẹp! Người dân miền Bắc phải sống trong nghèo đói vì còn phải thắt lưng buộc bụng để chi viện cho chiến trường. Khi nào miền Nam được giải phóng, nhất định đất nước sẽ được giàu đẹp…
- Sài Gòn và cả miền Nam cũng phải đương đầu với cuộc chiến chống Cộng Sản, nhưng người dân miền Nam vẫn được no đủ đấy thôi. Sài Gòn còn được mệnh danh là hòn ngọc của Viễn đông. Anh biết điều đó chứ?
- Đó là sự giàu có giả tạo. Chế độ Sài gòn không thể tồn tại được nếu không nhờ vào những đồng Dola viện trợ của Mỹ…
Họ tranh luận một hồi. Đây là lần đầu tiên kể từ khi hai người tạm thời chấp nhận sự thỏa hiệp, họ lại bùng lên một cuộc khẩu chiến rất ác liệt. Rồi hình như cả hai đều nhận thấy đó là một vấn đề nhạy cảm, rất dễ làm sứt mẻ đến tình cảm nên bỗng nhiên cùng im bặt.
Người lính Giải Phóng ngồi ngã lưng vào gốc cây bên cạnh, mắt đăm đắm nhìn những vòm lá xanh rì bằng sự bất lực và trống rỗng. Vậy là việc thuyết phục Kiều Trinh trở về với hàng ngũ quân Giải phóng không phải là dễ dàng!
- Anh lính Việt cộng à, tôi nói vậy, anh có giận tôi không? Kiều Trinh ngước nhìn anh, dịu giọng nói.
- Không, tôi không giận Kiều Trinh đâu!
Cũng vừa lúc thịt thú rừng đã chín. Mùi thịt nướng ngọt lịm, khiến cánh mũi của người lính Giải phóng cứ phập phồng, phập phồng. Anh với chiếc lê, tay kia nhặt chiếc lá rơi bên cạnh lau sạch phần lưỡi rồi cắt một miếng ngon nhất đưa Kiều Trinh:
- Xin mời cô!
Kiều Trinh đỡ lấy miếng thịt từ tay người lính Giải phóng. Chị lật đi lật lại nhìn, rồi xuýt xoa:
- Chà! Ngon quá he!
Cả hai người cùng cười. Tiếng cười của họ đã lùa đi tất cả bầu không khí nặng nề từ câu chuyện vừa nãy. Vậy mà đã gần hai tháng trời, kể từ cái đêm binh đao, máu lửa, rồi xảy ra cuộc gặp gỡ định mệnh giữa hai người, cái thèm một bữa ăn như thế này đã ngấu thật kỹ trong dạ dày của họ.
Anh lính Giải phóng cũng lựa cắt cho mình một miếng. Họ vừa ăn vừa trò chuyện rất vui vẻ.
Khi bữa tiệc kết thúc, người nữ chiến binh Cộng hòa đột nhiên lên tiếng:
- Anh lính Việt cộng nè, sức khỏe của anh đã tốt thiệt chưa?
- Cám ơn Kiều Trinh, tôi khỏe rồi!
- Vậy thì ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu cuộc hành quân nhé! Bữa ăn chiều nay coi như một bữa tiệc chia tay, nó sẽ mãi mãi ghi nhớ những kỷ niệm đẹp và không thể nào quên giữa chúng ta. Anh đồng ý chứ?
Anh lính Giải phóng nghe nói bỗng thấy thảng thốt trong lòng. Dẫu biết rồi thế nào cái sự kiện ấy cũng sẽ đến, nhưng anh không thể ngờ Kiều Trinh lại đột ngột đưa ra vào lúc này. Hơn nữa, cho đến thời điểm hiện tại, tình cảm của anh đối với người nữ chiến binh Cộng Hòa đã có rất nhiều điều khác lạ. Anh không hề muốn rời xa chị nữa.
Cảm xúc lại gõ cửa tâm hồn, lộ rõ trên khuôn mặt vốn sạm đen của người lính chiến. Không! Nhất định mình phải thuyết phục bằng được cô ấy quay về với chính quyền cách mạng, nếu không, đây sẽ là một cuộc chia ly vĩnh viễn, không bao giờ có ngày gặp lại!
- Kiều Trinh! Anh nhìn thẳng vào đôi mắt của chị. Con đường tươi sáng nhất của nhân loại là Chủ nghĩa Xã hội. Kiều Trinh hãy nghe tôi, hãy trở về với hàng ngũ của những người Giải phóng! Những người lính Cộng hòa lầm đường, lạc lối, sẽ được khoan hồng và trọng dụng. Cách mạng nhất định sẽ thắng lợi và cuộc kháng chiến sẽ không còn bao xa nữa đâu Kiều Trinh ạ!
- Anh nói gì vậy? Anh khuyên tôi trở thành kẻ phản bội ư? Người nữ chiến binh Cộng hòa ngạc nhiên, mở to đôi mắt nhìn anh lính Giải phóng, rồi tiếp. Không! Chúng ta là những người lính. Bổn phận của chúng ta là phải trung thành và chiến đấu quên mình cho lý tưởng mà mình đã lựa chọn. Tôi rất khâm phục anh cũng chính vì cái khí phách của một người anh hùng. Có vậy thôi anh lính Giải Phóng ạ!
- Kiều Trinh…
- Tôi xin anh hãy đừng nói đến chuyện ấy nữa! Kiều Trinh ngắt lời. Ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu cuộc hành quân anh nhé!
Ánh nắng của một ngày đã loãng dần. Anh lính Việt cộng ngước đôi mắt buồn thẳm nhìn lên bầu trời mờ nhạt. Vậy là hết! Tất cả mọi thứ xung quanh anh đều như trống rỗng, chỉ còn lại duy nhất một trái tim cô liêu vẫn đang cồn cào nổi sóng…
( CÒN TIẾP)
Người gửi / điện thoại