BỨC CHÂN DUNG TÂM HỒN NGƯỜI ĐÀN BÀ VIỆT
TRONG THƠ NGUYỄN THỊ MAI
PGS.TS Trần Thị Trâm
Gần nửa thế kỷ cầm bút, Nguyễn Thị Mai đã xuất bản 15 tập thơ, 3 tập truyện ngắn. Bao giờ tươi mới giêng hai nõn là tập thơ thứ 15 của chị.
Vẫn biết, văn chương không thể không mang sắc màu giới tính nhưng so với những cây bút khác, thiên tính nữ trong thơ chị đậm đà hơn. Và đó cũng là nét đặc sắc, là sức hấp dẫn của thơ Nguyễn Thị Mai.
Khảo sát thơ Mai ta thấy, ẩn trong cái đẹp bao la nỗi đời là bức chân dung kép, chân dung tác giả và bức chân dung tâm hồn người đàn bà Việt ngàn đời:
Em thì tất tưởi mưu sinh.
Nuôi con bến thực nuôi mình bến mơ (Lục bát - Em và anh)
Dưới ánh sáng mỹ học của sự dâng hiến, chỉ cần một từ khóa tất tưởi, nhà thơ vừa thể hiện vừa cắt nghĩa được cái căn nguyên những phẩm chất đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam: tảo tần, chịu khó, chịu thương, như mặt trăng suốt đời lặng lẽ tỏa sáng vì người khác, rất năng động, thực tế mà vô cùng lãng mạn.
Em thì tất tưởi mưu sinh.
Nuôi con bến thực nuôi mình bến mơ
Sau cái bến thực của bổn phận và trách nhiệm, người đàn bà yêu cái đẹp lại cùng thơ hành hương về bến mơ để nuôi dưỡng tâm hồn. Và chính cái bến mơ huyền ảo đó đã đưa người đàn bà lam lũ trong thơ Nguyễn Thị Mai lên lên vị thế một thi nhân, không còn nhạt nhòa như cái bóng bên chồng con mà thoắt đã trút lốt nâu sồng để trở thành người phụ nữ của hôm nay: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, với ý thức rất rõ về một cái tôi của mình. Đó là một cái tôi không cực đoan mà hài hòa với cái ta. Một cái tôi cân bằng giữa con người tự nhiên và con người xã hội, cân bằng giữa trách nhiệm và bổn phận. Đó là những người luôn có ý thức giữ gìn tổ ấm, sống khiêm nhường và biết điều:
Cho dù bãi mật phù sa
Mà không bên lở chẳng là dòng sông (Nhà không có bố)
NHÀ THƠ NGUYỄN THỊ MAI
Vừa giàu đức hy sinh, vừa có khả năng chịu đựng, lại lãng mạn; những người đàn bà bao dung, nhân hậu, bản lĩnh lại mềm dẻo đã tạo được hòa khí cho mỗi mái nhà và luôn cố gắng hoàn thành vai trò người giữ lửa trong mỗi gia đình:
Đời còn thất vận lắm khi
Thôi đành lục bát, lục… gì cũng thương (Lục bát - Em và Anh)
Có thể nói, sự cân bằng trong cõi tâm hồn đã làm cho tình yêu lứa đôi của người đàn bà Việt trong thơ Mai trở nên sâu nặng, kín đáo nghiêng về giá trị tinh thần, không mang yếu tố nhục cảm, không vượt ngưỡng, không có những mối tình tay ba trớ trêu nghiệt ngã. Nhân vật trữ tình trong thơ chị luôn là người con hiếu thảo, người vợ dịu hiền, người mẹ từ tâm… Tất cả những tình cảm cao đẹp, trong trẻo, thuần khiết ấy được nhà thơ dệt bằng muôn ngàn tình thương, nỗi nhớ: nhớ những kỷ niệm tuổi thơ, nhớ mái trường xưa, nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ những mối tình thuở học trò… Thương chồng, thương con, thương đấng sinh thành: Cha giờ tên tuổi khắc ghi ngoài đồng, thương người chị gái: Dáng gầy như mẹ gánh gồng khi xưa, thương những người đàn bà Việt: Hai vai gánh vác hai nhà/ Chị đi ngược bão để qua tháng ngày (Chị gái em thương), thương miền quê trung du mãi mãi bám đeo cái nghèo truyền kiếp:
Thương quê thương chuyến đò ngang
Gạo châu củi quế vắt ngang lở bồi (Lời thì thầm với cha)
Thương người mẹ khuất núi rồi vẫn thường bảng lảng hiện về trong những giấc mơ con trẻ: Người về mặc áo cánh nâu
Vấn trần mái tóc ăn trầu đỏ môi (Giấc mơ gặp mẹ)
Và thương lắm đứa con chồng thiệt thòi, côi cút:
Dì không mang nặng đẻ đau
Đứt dây mà xót thương bầu bí ơi (Nói với con chồng)
Vượt qua chu vi của căn nhà bé nhỏ, trái tim người đàn bà Việt còn trĩu nặng vì những kiếp vạn chài bập bềnh chìm nổi, vì những nữ công nhân chật vật với đồng lương eo hẹp, những người đàn bà cửu vạn đầu tắt mặt tối chợ đêm Long Biên…
Mồ hôi, sương muối ố hoen
Buốt lưng cửu vạn đã quen với nghề
Đồng công năm bảy xẻ chia
Nẻo cơm quán trọ, nẻo về nuôi con (Chợ đêm Long Biên)
Nhưng dù nói về những phận người trong cõi nhân gian, hay chỉ là những tình cảm riêng tư thì những bức thông điệp nhà thơ gửi đi đều thấm đẫm chất nhân văn, đã trở thành tiếng nói chung và dễ dàng tới được những vùng khuất lấp trong trái tim, đánh thức những mỹ cảm ngủ yên trong lòng công chúng. Đặc biệt hay là chùm thơ tác giả viết về nỗi đau mất mẹ : Qua hàng trầu nhớ mẹ, Giấc mơ gặp mẹ, Nỗi niềm ngày giỗ mẹ:
Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn (Qua hàng trầu nhớ mẹ)
Dải khăn em út bấy giờ chấm chân
Bấy giờ đang cuối mùa xuân
Hoa xoan lã chã từ sân ra vườn
Nhà còn bơ gạo cắm hương
Và bơ nửa thổi bát cơm trứng gà
Gia tài lúc mẹ đi xa
Đôi quang đứt giải, căn nhà dột mưa… (Nỗi niềm ngày giỗ mẹ)
Những câu thơ đã làm bao bạn đọc ứa lệ đó là minh chứng rõ nét về tài thơ, về những đóng góp không nhỏ của chị cho đề tài phụ nữ - một đề tài quan trọng và giàu chất nhân văn trong lịch sử thi ca dân tộc và nhân loại. Có được thành công ấy, phần vì người thơ vốn yêu hơn người và tài hoa cũng hơn người, phần vì nữ sĩ suốt đời thủy chung với quan niệm nghệ thuật, với đích đến là suốt đời đi tìm cái đẹp : Xin hoa cho một lần cầm/ Để mơ cái đẹp xứng tầm thiết tha(Thăm nhà - xem lan). Đồng thời, là người giàu trải nghiệm, chị đã ngộ ra rằng: Nhiều nhất gầm trời là nỗi khổ đau (Nhiều nhất là gì?). Mà mỗi số phận bao giờ cũng chứa đựng một phần lịch sử nên nỗi đau của Nguyễn Thị Mai đã hóa ngọc, rồi thăng hoa để trở thành tài sản chung của cả cộng đồng:
Mẹ và bà nay đã cõi hư vô
Hạnh phúc hóa trầm, khổ đau hóa đất (Điều con chưa biết)
Mặt khác, vẻ đẹp của người đàn bà trong thơ chị càng trở nên ấm áp tỏa sáng, rất gần với mô hình chuẩn của người phụ nữ Việt Nam thế kỷ XXI, bởi so với những thế hệ trước, họ có tinh thần tự chủ, có ý thức rất rõ về trách nhiệm của mình trước gia đình, trước bản thân và đặc biệt là ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc. Vì thơ Mai đâu chỉ phản ánh thể tài đời tư và thế sự mà thường xuyên cập nhật những vấn đề có tính chất sử thi. Chẳng hạn, khi dịch Covid tàn phá thành phố Hồ Chí Minh, chị có ngay bài Thành phố của ta ơi: Thành phố đau lặng lẽ/ Người đang thương lấy người/ Bàn chân không tới được/ Thì trái tim tới nơi . Hoặc: giữa thời điểm gay cấn của sự kiện giàn khoan 981, Mai đã quan tâm tới việc những hậu duệ của các vua Bà, dám cưỡi cơn sóng dữ mang quê nhà đến với Trường Sa, góp phần cùng toàn dân tộc: Quyết giữ chủ quyền bờ cõi nước non ta (Đêm hát về Tổ quốc).
Điều thú vị là, những nội dung lớn lao mang âm hưởng sử thi ấy lại được tác giả soi chiếu qua sự thông tuệ của trái tim phụ nữ. Trong chiều sâu văn hóa, chúng đã được thơ hóa, nên rừng mắm đước hiền lành nơi Đất Mũi đã vụt hóa thân thành những anh hùng vô danh ngàn năm âm thầm đi mở cõi:
Không là đại ngàn, đại thụ
Cứ bền xanh sức trường tồn
Vuốt nhọn dài thêm Đất Mũi
Tổ quốc mỗi ngày lớn hơn (Tạ ơn mắm - đước)
Thật nữ tính và tinh tế, người đàn bà Việt từng trải Nguyễn Thị Mai đã phát hiện ra cái mùi thân thương X- Men lính đảo, cái mùi độc đáo chỉ riêng thấy ở người đàn ông nước Việt, cái mùi thiêng ngàn đời đã đánh dấu chủ quyền và hải phận nước Nam mình:
Ôi cái mùi lính đảo - đặc trưng
Mạnh mẽ, nam nhi, quyết liệt
Mùi con trai nước Việt
Cắm mốc chủ quyền lãnh thổ của riêng ta (X - Men lính đảo)
Đây quả là một độc sáng. Và cái ý tưởng ấy đã nhanh chóng trở thành tiếng đồng vọng của cả dân tộc, cộng đồng. Tôi cứ tự hỏi: Vì sao Nguyễn Thị Mai lại có được cái tứ thơ thú vị đó? Vì sao bức chân dung người đàn bà Việt trong thơ chị lại có thể trở thành một hình tượng nghệ thuật mang vẻ đẹp rất điển hình của người phụ nữ Việt Nam vừa truyền thống vừa hiện đại? Hình như ngoài tài năng thiên bẩm và sự đam mê cống hiến, ngoài những nỗ lực tự vượt lên chính mình, điều làm cho chị trường vốn và đi xa được, có lẽ là bởi hơn ai hết tác giả là người đã thấu thị được rằng: muốn đi xa phải trở về. Chính sự thông tuệ và minh triết của dân gian đã nuôi dưỡng tâm hồn chị, dòng sữa dân gian mát lành đã nuôi dưỡng thơ chị, nhờ thế mà tấm hộ chiếu tâm hồn người đàn bà Việt trong thơ chị trở nên hoàn toàn thuần Việt.
Trong thơ Mai chất liệu dân gian được sử dụng với một tần số lớn và rất linh hoạt. Khi chị lấy ý tưởng dân gian để làm xương sống cho một bài thơ (Gửi em bán muối, Bờm ơi, Tiếng rao mua tóc…). Khi thì chất liệu dân gian hóa thân vào những câu thơ: qua hình thức hát ru (Ru cái nóng, Ru con, Ru anh, Ru mẹ, Ru một miền quê Ba Vì…), qua hình thức cắt dán ca dao tục ngữ: ta tắm ao ta, đổ quán siêu đình, hoa cải về trời, muối mặn gừng cay, bạc phận hồng nhan, bèo dạt mây trôi, xẻ đá nung vôi, mẹ gà con vịt, Bánh đúc có xương, Sảy nghé tan đàn, mang nặng đẻ đau, chân mây mặt sóng… Chính những trầm tích văn hóa mà chị “học lỏm” từ dân gian, đã thấm vào hồn chị, được chị vận dụng một cách đắc địa nên đã tái sinh và phát sáng, tạo ra ngữ nghĩa mới làm cho mỗi câu thơ vừa giản dị vừa hàm súc và nữ tính vô cùng:
Dù anh biển rộng trời xa
Cũng không bước nổi qua tà áo em (Anh và em)
Tắm mình trong khí quyển của văn hóa dân gian, người đàn bà thơ Nguyễn Thị Mai đã học được cái cách cảm nhận và cách nói rất hài, rất hóm của dân gian:
Tự nhiên con sóng lắc lư bập bình
Phao căng tròn mắt đa tình
Bao nhiêu hai mảnh ngụp mình sủi tăm (Tắm biển gặp sư)
Em đùng một phát …anh dần chết tươi (Bài thơ viết hộ Trần lão)
Cho nên, chẳng có gì lạ khi Nguyễn Thị Mai đã chọn lục bát, thể thơ dân tộc nhất, dân gian nhất để phô diễn tình cảm của những nhân vật nữ và cũng chính thể thơ có nguồn gốc từ ca dao này đã bầu lên tên tuổi của chị trong làng thơ Việt. Những bài lục bát của chị hầu như không thấy trường hợp bị ép vận, mà phần nhiều được viết một cách rất tự nhiên như người Việt nói tiếng Việt:
Nhà quê còn chút mẹ già
Đêm thâu thức giấc, canh gà ho khan…
Vườn quê còn rặng xoan gầy
Lá rơi xót đất hoa bay đắng trời (Nhà quê)
Thêm một lý do đã tạo nên sức hấp dẫn của bức chân dung người đàn bà Việt của Nguyễn Thị Mai, đó là lớp ngôn ngữ vô cùng thuần Việt: lũn cũn, rười rượi, toe loe, ới lên, chim chíp, đen đúa, nhọ nhem, tất tưởi, thèn lẹn, nồng nã… Với ý thức rất rõ về trách nhiệm của một người lao động chữ nghĩa, chị đặc biệt quan tâm tới việc sáng tạo ngôn từ, góp phần làm cho tiếng Việt ngày thêm phong phú. Có những từ mới tinh như vừa xuất xưởng (vung văng, khơi vơi…). Có những ngữ được chị làm mới bằng cách sử dụng linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật khác nhau: Bao giờ tươi mới giêng hai nõn. Giống như bậc kỳ nữ Xuân Hương, chị đã tạo ra những cụm từ láy ba đắt giá: đứ đừ đư, ới ời ời, ỉu ìu iu, oải oài oai, tướp tườm tươm, lẻo lèo leo, hoác hoàng hoang...
- Tình ơi, thôi mất đừng tìm
Lẻo lèo leo dậu bìm bìm thế nha! (Học lỏm ca dao)
- Hẹn hò như buộc thắt lưng
Thế mà bỗng tửng từng tưng chối từ
Cho nên giọng đứ đừ đư mất rồi! (Tự ái)
Xung quanh mặc kệ gió đang tống tiền (Chụp ảnh bạn bè ngày họp lớp)
Vẫn biết, làm giàu có tiếng Việt là một đóng góp quan trọng của đội ngũ những người cầm bút, song, giống như người Việt dùng hàng Việt, Nguyễn Thị Mai không vay mượn tiếng nước ngoài mà luôn biết tự làm mới, hiện đại hóa ngôn ngữ dân tộc bằng nội lực của chính văn hóa Việt, để rồi đi đến tận cùng dân tộc chị đã gặp nhân loại. Ngôn ngữ thơ chị là sự gặp gỡ giữa ngôn ngữ thơ ca, ngôn ngữ dân gian và ngôn ngữ của cuộc sống đương đại thời công nghệ. Nên người đàn bà trong thơ Mai không chỉ mang vẻ đẹp công dung ngôn hạnh của ngày hôm qua mà còn rất tự tin an nhiên hàng ngày vi vu lướt Web. Họ đang đồng hành trong thế giới phẳng, vừa biết sống chậm, vừa biết sống nhanh trong thế giới mạng với những di chuột, chat, với điệu múa bụng diệu nghệ… với những câu thơ mang đậm dấu ấn thời đại @:
Thôi đừng rao khỏi nhọc lời
Vào mạng mà gọi Đau đời chấm com (Tiếng rao mua tóc)
Những nét văn hóa mới lạ thời 4.0 đó là cú hích giúp cho chân dung người đàn bà Việt tự đổi mới và không ngừng tỏa sáng.
Suốt đời đi tìm cái đẹp, nữ sĩ Nguyễn Thị Mai đã có công không nhỏ trong việc hoàn thiện vẻ đẹp của hình tượng người phụ nữ Việt Nam, đã góp phần nâng cao chất lượng thể thơ lục bát, cũng đã tích cực đóng góp cho sự phát triển ngôn ngữ thi ca dân tộc. Mà, việc trở về cội nguồn chính là bí quyết tạo nên thành công của người thơ tài hoa ấy. Vì theo bà Fournier, nữ văn sĩ Pháp: “Chúng ta chỉ bằng người ngoại quốc khi biết đi sâu vào tâm hồn dân tộc mình mà thôi”.
Người gửi / điện thoại