bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 27
Trong ngày: 425
Trong tuần: 1518
Lượt truy cập: 641972

BÚT KÍ CỦA NGUYỄN HÒA BÌNH

VẮT MỀM RUỘT ĐÁ BẬT LÊN

                                           Bút ký  NGUYỄN HÒA BÌNH

nguyen_hoa_binh

 

  “Hà Giang là nơi mà diện tích đất canh tác tính theo đầu người ít nhất cả nước. Hà Giang cũng là nơi mà nước dùng cho sinh hoạt, cho sản xuất thuộc vào diện khó khăn và ít nhất của cả nước. Thêm nữa, đây cũng là địa bàn sinh sống nhiều và thuộc vào diện đông nhất của bà con dân tộc Mông” - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, anh Trần Đức Quý đã chia sẻ như thế với đoàn nhà văn trong lần chúng tôi được may mắn đến với vùng đất nơi địa đầu của tổ quốc.

   Anh Quý không nói thêm. Nhưng, người thầy thuốc Nhân dân, người đã từ dưới xuôi lên mà gắn bó với Hà giang mấy chục năm rồi, người đã từng làm Chủ tịch một huyện thuộc vùng cao nguyên đá, giờ giữ vị trí là phó Chủ tịch tỉnh phụ trách khối văn xã, đã nói bằng nhận thức và trách nhiệm của mình như thế, đủ hiểu Hà Giang sẽ cần phải có thêm những động lực gì để từng bước vượt lên nhằm nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho bà con các dân tộc nơi đây. Vì thế, có lên với Hà Giang, tôi không chỉ được hiểu để yêu mến Hà Giang hơn, không chỉ biết đến Hà Giang với lễ hội hoa Tam giác mạch, với di tích nhà họ Vương, với những dãy núi đá trập trùng được coi là Công viên địa chất toàn cầu, với mảnh đất đã từng cùng các tỉnh Biên giới phía Bác bước vào cuộc chiến năm 1979  nhưng lại là nơi sau cùng im tiếng súng; mà, còn giúp ta hiểu hơn: có lẽ trên mảnh đất hình chữ S của tổ quốc mình, không có nơi nào cái ý chí, cái kiên cường của người dân biết và chấp nhận để tồn tại và vượt lên trong khắc nghiệt của lịch sử, của điều kiện tự nhiên, lại như người Hà Giang.

   Và, cũng chính từ thực tế ấy, có về với Hà Giang hôm nay, tôi nhận ra một Hà Giang còn chất chồng bao gian khó trong chặng đường đi tới.

Để rồi, tôi nhận ra rằng: Không chỉ người Mông Hà Giang, người Mông cả nước, mà người Dao, người Tày, người Nùng, người Giấy... Hà Giang và cả nước, những người đã và mãi coi mảnh đất Việt thân thương này luôn là nơi đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng cho hồn cốt văn hóa, cho sự sinh tồn và phát triển của họ trong đại gia đình 54 dân tộc anh em, chính là những người hiểu rõ nhất điều này.

   Tôi đã nghe anh Hoàng Trung Luyến, bạn thơ của chúng tôi, nguyên là Bí thư tới 2 huyện, rồi Bí thư thành phố Hà Giang, 2 khóa là Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy, giờ là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh; người mà mấy chục năm công tác đã in dấu chân đủ cả trên 195 xã, thị trấn của mảnh đất cực Bắc tổ quốc, kể về những gì anh đã biết, đã trải nghiệm, để tôi càng quý hơn cái cách nghĩ, cách xử lý vấn đề của người Mông sống trên mảnh đất này.

  Trong lời ru người mẹ Mông vỗ về con, trong lời răn từ ông bà, cha mẹ nhiều đời người Mông truyền lại cho con cháu, dường như những giá trị thiêng liêng của sự tồn vong mà người Mông đã trải, chưa bao giờ bị đứt quãng bởi thời gian. Có lẽ chính vì thế, cái tình yêu của người Mông Hà Giang, người Mông cả nước dành cho mảnh đất này luôn sâu nặng nhất, dào dạt nhất. Và có lẽ cũng chính vì thế, trong điệu khèn ngày xuống chợ của các chàng trai Mông, câu chuyện họ kể trong mỗi nhịp khèn ấy là lời tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ, là lời răn dạy mỗi người đã tự hào mình là người Mông đất Việt, phảỉ biết mà giữ lấy những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp.

  Chính trong chuyện này, tôi cũng đã từng hiểu chưa hết về tiếng khèn ấy. Mà, theo chuyện xưa kể rằng: Ngày xa lắm, ở một bản Mông, có người già qua đời. Ông có tới 6 người con trai, mà cả 6 đều được ông chăm chút, dạy dỗ nên người. Vì thế, dường như để tỏ lòng thương tiếc cha, 6 anh em ai cũng muốn giãi bày đầy đủ nhất, sâu nặng nhất tình cảm của mình trước vong linh cha. Họ lần lượt khóc mà kể với cha về những năm tháng được sống bên cha, được cha truyền dạy phải biết sống sao cho ra người, được cha chở che, nâng vực trên mỗi bước đường đi tới. Riêng người con út, anh hiểu cha yêu rừng, yêu núi thế nào; bởi nhờ rừng, nhờ cây tre cây trúc, cây lim cây trắc mà người Mông có được nếp nhà, có được cái măng đõ mật, có hơi ấm của ánh lửa hồng gian bếp. Vì thế, anh quyết định lấy từ rừng cành trúc, cành bương, thổi vào nó cái hồn cốt người Mông, cái tình, cái hiếu của đứa con luôn biết tôn kính cha mẹ, ông bà, tiên tổ. Những âm thanh ấy bay lên, lan tỏa, để cuối cùng cả 6 anh em quyết định làm ra chiếc khèn Mông có đủ 6 ống, cùng hòa vào nhau mà cất lên những âm thanh vừa trong vắt như nước suối ngàn, thẳm xanh như rừng già trăm tuổi, lại vừa rực rỡ như mặt trời treo trên đỉnh núi mà vẫn đủ làm ấm và sáng lên mỗi vách đá, vực sâu...

    Bây giờ, chiếc khèn Mông với 6 ống ấy, luôn có trên tay những chàng trai Mông ngày xuống núi, cho họ thêm một lần được bày tỏ lòng tôn kính cha mẹ, thêm một lần được nhắc lại những gì mỗi người Mông cần làm để giữ cho được những giá trị truyền thống tốt đẹp của mình. Để rồi, hôm nay khi hiểu đúng về chiếc khèn Mông ấy, tôi càng biết trân quý hơn những giá trị văn hóa mà người Mông đã góp vào cho đất Việt được trường tồn muôn thủa. Và để rồi, khi bắt gặp cái màu xanh đang bật lên chen chặt trong cái màu xám lạnh của đá trên những triền núi nơi cao nguyên đá Hà Giang, tôi đã bật lên tiếng reo: Co...o...ỏ.

   Hình như, cái tiếng reo trong ngỡ ngàng mà khâm phục ấy, không phải chỉ là tiếng reo của tôi. Áp mặt vào vách đá cao nguyên, tôi như nhận ra tiếng reo ấy đã lan xa, vang rộng, bay bổng khắp các hoang mạc đá, nón đá, tháp đá, chóp đá, rừng đá, mái nhà đá...trên mảnh đất Hà Giang này.

Cỏ, trong đó kể cả giống cỏ voi, với đồng bằng hay trung du, thậm chí cả với nhiều tỉnh miền núi, hình như luôn là thứ không chỉ sẵn có nhất mà thiên nhiên ban tặng cho dân Việt, mà còn là thứ cây dễ trồng nhất. Nhưng, riêng với Hà Giang, đặc biệt là với vùng cao nguyên đá ở đây, nó không chỉ là sản vật quý, mà thực sự còn là hàng...hơi bị hiếm. Không chỉ người Mông, mà người Dao, người Tày, người Nùng, người Giáy... Hà Giang, trong cuộc sinh tồn của mình, cuộc sinh tồn đã trải qua bao gian lao vất vả, bao thách thức khó khăn, để ngàn đời gắn bó với cây ngô, giờ liệu có dễ dành lại từng hốc đất, hõm đá cho loại cây mang tên: Cỏ.

   Thậm chí, ngay cả với cây Ngô, người Hà Giang cũng phải biết lựa thời tiết mà bỏ hạt. Bởi, nếu nhanh hay chậm với thời gian tra hạt ấy chỉ 7-8 ngày, cây Ngô dẫu vẫn trổ cờ, lại không tài nào cứng hạt. Như thế, liệu có nơi nào trên nước Việt mình, thời tiết có thể khắc nghiệt hơn Hà Giang?

   Tôi đã gặp cô gái Tày-Nông Thị Tám, cán bộ phòng Địa chính-Nông nghiệp xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, người đã nhiều năm liền gắn bó với bà con các dân tộc nơi đây trong vai trò của một cán bộ khuyến nông. Tám về công tác ở Pả Vi đã gần 20 năm, thì cũng gần 20 năm ấy bước chân chị đã đi đủ khắp các bản trong xã, cho chị “nếm đủ’’ mọi cung bậc tình cảm của người Pả Vi dành cho chị trong từng bước chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Vì thế, nói như anh Lê Minh Tân- Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Mèo Vạc, thì: “Cả huyện Mèo Vạc với diện tích tự nhiên lên tới 574 km2, nhưng chỉ có hơn 1000 ha đất canh tác, trong đó đất dành cho trồng cỏ nuôi bò mới chỉ đạt 60 ha, đã là thành công lắm. Bởi để thay đổi một nếp nghĩ, một cách làm đã ăn vào máu thịt của bà con nơi đây, đâu có dễ gì.”.

  Cây cỏ đến với Mèo Vạc vừa được 9 năm, cũng chính là đủ cả 9 năm những người như Tám nhận “trọn vẹn” cả tin yêu trân trọng, lẫn ngờ vực so đo. Điều ấy trong nếp nghĩ đơn giản của người dân, âu cũng đâu đáng trách, khi mà cây ngô còn cho hạt để thơm hơn chõ mèn mén, mềm môi hơn chén rượu ngô. Còn, giữa trập trùng núi đá, con bò sao bám nổi sườn non; mà nào ai nơi đây đã nuôi bò nhốt kín trong chuồng?

   Tuy nhiên, vẫn có những người Mông như vợ chồng anh Giàng Mí Sử, chị Vàng Thị Vừ, sớm nhận ra lợi ích thiết thực của việc trồng cỏ nuôi bò. Từ 1-2 con giống đầu tiên, sau vài ba tháng vỗ béo bằng chính cây cỏ được trồng trên mỗi gốc ngô xưa, các chú bò nhanh chóng được xuất chuồng, giúp cho anh chị vừa có thêm lưng vốn mua thêm 3 chú bò khác, lại có cả tiền lo cho con ăn học.

   Hôm chúng tôi tới thăm anh chị, nghe anh Sử kể: Giờ, hai thôn Pả Vi Thượng và Pả vi Hạ, đã có trên 20 gia đình chuyên chăn nuôi bò thịt rồi. Mà, nhiều hộ giống như anh, luôn có tới 5-6 con trong chuồng. Chính nhà anh cũng mới bán đi 6 con, với giá 73 triệu đồng, mà anh vừa mua trước đó mấy tháng với giá 65 triệu. Anh còn khoe rằng: “Chỉ không đủ bò nuôi bán thôi. Chứ, nhắc máy lên, có người về ngay tận bản vác bò đi ngay. Thậm chí, ngay cả cỏ, đến ngày chợ phiên, nhà nào thừa, còn bó lại mang ra bán, đắt hơn cả rau ấy”.

   Không chỉ Mèo Vạc, mà ở huyện Yên Minh, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện - Nguyễn Thị Minh, Phó Bí thư huyện ủy - Sùng Mí Thề, với diện tích tự nhiên toàn huyện là 782 km2, do Yên Minh không có nhiều núi đá như các huyện thuộc cao nguyên đá, nên diện tích đất gieo trồng chỉ tính riêng năm 2016 đã đạt 27.611 ha. Vì thế, Yên Minh cũng dành tới 2.752 ha cho cây cỏ tại các vùng núi đá, để thực sự giúp bà con nơi đây từng bước thoát nghèo.

   Còn ở Quản Bạ, cứ theo như Phó Bí thư huyện ủy Giàng Cồ Diu cho biết, thì với 550 km2 diện tích tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng của Quản Bạ không chỉ trồng được cỏ để nuôi bò, mà còn có đủ điều kiện để phát triển cây phục vụ cho các ngành nghề thủ công, cây dược liệu quý, thực sự góp phần nhanh chóng giúp bà con các dân tộc nơi đây từng bước thoát nghèo.

  Để rồi, theo lời giới thiệu của anh Diu, chúng tôi tìm bằng được đường về với xã Lùng Tám, nơi có người phụ nữ Mông là Vàng Thị Mai- một nghệ nhân ưu tú, tiêu biểu cho ý chí vươn lên của người Mông Hà Giang. Con đường dài cả hàng cây số dẫn về Lùng Tám, mùa này Đào đang vào kỳ cằn lá để chuẩn bị nảy lộc, đâm chồi, rực đỏ sắc hoa khi xuân vừa chớm

   Chị Mai mới theo đoàn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi Châu Âu về, với tư cách là người “mang chuông” đi khoe với nước ngoài. Đấy là những tấm vải, chiếc khăn, chiếc túi, bộ quần áo... được dệt từ những sợi lanh bóc ra từ cây lanh trên vùng cao nguyên đá này. Cái Hợp tác xã Dệt lanh Lùng Tám, do chị làm chủ nhiệm, không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho hàng chục hộ trực tiếp may thêu sản phẩm...mà còn giúp cộng đồng người Mông ở đây giữ được cây lanh, giữ được cốt hồn dân tộc mình qua việc gỡ lanh, se sợi, dệt nên những tấm vải thổ cẩm rực rỡ mọi sắc màu.

   Tôi đã lắng lại để nghe hết câu chuyện của chị Mai kể về chuyến đi của chị trong đoàn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản vào trung tuần tháng 9 năm 2015. Chính trong lần vinh dự theo đoàn ấy, những sản phẩm chị mang đi do chính bàn tay chị và người Mông Lùng Tám Hà Giang làm ra, đã góp phần để bạn bè quốc tế hiểu và trân trọng hơn, quý hơn những mặt hàng thủ công truyền thống mà bao người Việt như chị biết yêu mà gìn giữ nó, luôn trăn trở với nó đến khôn cùng.

   Tôi biết đất Lùng Tám - Quản Bạ không chỉ có những người Mông như chị Mai, như nghệ nhân Giàng Tảo Mẩy đã làm rạng danh cho mảnh đất quê mình, mà người Nùng, người Dao, người Giấy Lùng Tám đang từng bước vượt lên từ con bò, cây cỏ trên đất cao nguyên này. Bởi, theo như Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã- Lý Thanh Sơn, một cán bộ người Nùng, thì ít có xã nào ở Quản Bạ mà cả 812 hộ như ở Lùng Tám, hầu như hộ nào cũng có 1-2 con bò, nhiều hộ còn có tới 8-9 con.

Ngày về Quản Bạ, về với Hợp tác xã cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ, đúng dịp 51 chị em, đại diện cho đủ 51 hộ dân người Dao Chàm thuộc thôn Nặm Đăm, tề tựu đông đủ dự Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; tôi đã gặp Bí thư Chi bộ thôn- Lý Đại Thông, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sùng Thị Páo (người Mông), cùng các cô gái Dao - Lý Thị Oanh, Phàn Thị Quế, Lý Thị Vui, Lý Thị Vàng, Phàn Thị Ngân...để được nghe các anh chị kể về bước chuyển mình của Nặm Đăm, của Quản Bạ. Bây giờ, người Dao Quản Bạ cùng 15 dân tộc anh em khác sống trên vùng đất này, không chỉ biết trồng ngô, lúa, mà còn biết trồng cây dược liệu, cây hồng không hạt, cây cỏ để nuôi bò, dê, ngựa. Thêm nữa, họ còn từng bước biết cách làm du lịch cộng đồng để giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế những nét văn hóa đặc sắc như của người Dao Chàm ở Nặm Đăm này.

   Vắt mềm ruột đá bật lên, cây cỏ ở Đồng Văn cũng đã về với nhiều bản nơi địa đầu tổ quốc. Vì thế, về Lũng Cú hôm nay, ta không chỉ nghe rõ tiếng reo phần phật của lá cờ tổ quốc kiêu hãnh bay cao nơi mảnh đất tiền tiêu. Mà, dường như từ mỗi hốc đá, rừng đá ở đây đã vui hơn trong tiếng reo về cỏ. Cùng cây ngô, cỏ đã có mặt ở cả bản Seo Lủng, nơi chỉ có 47 hộ người Mông sinh sống, mà hôm nay dẫu chưa thoát được nghèo nhưng cả 47 hộ ấy nhà nào ít cũng có 1 con bò.

   Ít đất canh tác nhất cả nước, người Hà Giang biết bóc lên, gỡ ra từ hoang mạc đá, rừng đá, những hốc đất hiếm hoi, để ươm vào đấy những mầm xanh cho cuộc sống mỗi ngày. Hôm ở trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, nơi có 341 học sinh đều là người Mông học từ lớp 6 đến lớp 9, được nghe lại câu chuyện ngày chưa xa của các thầy cô giáo dưới xuôi “cõng cái chữ lên gieo” vào mảnh đất Cao nguyên đá này, tôi càng hiểu hơn cái giá trị của mỗi vốc đất và giọt nước ở Hà Giang.

   Chuyện ấy, anh Hoàng Trung Luyến kể lại thế này: Trường dựng lưng chừng núi. Mấy nếp nhà thưng gỗ, lợp phibrôximăng vừa làm lớp học, vừa làm nơi ở của thầy hay cô giáo. Thiếu nước. Lúc xuống đón các em đến lớp, thì xin bà con trong bản. Nhưng, thầy cô còn phải đi một vòng khắp bản, nên đành phiền các cô cậu học trò của mình, khi đến lớp mang giúp thầy một ống bương nước con con. Thèm một chút màu xanh cây cải. Lại đành phiền các em gắng xách giúp thầy nắm đất nhỏ gói trong cái thạp tre đựng xôi đã hỏng. Để rồi, góc sân nhỏ cạnh lớp học chênh vênh nơi sườn núi ấy không chỉ bừng lên màu xanh rau củ, mà còn óng ánh màu vàng của hoa cải lúc lên ngồng. Còn, những ống bương nước con con kia, không chỉ làm mát dịu lòng thầy cô, mà còn làm bừng sáng thêm gương mặt các cô bé, cậu bé người Mông, người Dao, người Giấy... biết nhận từ cha mẹ mình sự sẻ chia đầy ắp tình người, dành cho chính các thầy cô.

   Nghe chuyện anh Luyến kể, lại ngồi trò chuyện với các thầy Hoàng Thanh Hải - Hiệu trưởng, Ngô Phú Cường, Nguyễn Văn Ninh - đều là Hiệu phó nhà trường, những người từ các vùng quê Nam Định, Phú Thọ, Hà Nội đã lên đây dạy học cả hơn chục năm rồi; lại được các thầy đưa đi thăm quan cơ ngơi nhà trường, nơi vừa chăm nuôi vừa dạy dỗ các cháu về mọi mặt, tôi hiểu thêm tình cảm mà cán bộ công nhân viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã dành cho vùng đất đặc biệt khó khăn này, khi các anh chị sẵn sàng mang những đồng lương ít ỏi của mình góp lại giúp trường chăm sóc tốt hơn các cháu có hoàn cảnh khó khăn.

   Tôi đã tìm gặp các cháu Vàng Mí Dếnh, Vàng Mí Hợi, Vàng Mí Lềnh để nghe chúng khoe về những ngày được học tập, sống và vui chơi dưới mái trường này. Dếnh bảo rằng: “Chúng cháu được đi học thế này là vui lắm. Cuối tuần nào chúng cháu cũng được về nhà thăm bố mẹ đấy. Vì thế, cháu và các bạn ai cũng cố gắng vâng lời thầy cô, học cho thật tốt để sau này làm được nhiều việc tốt hơn”.                                             

    Nghe chúng nói, lại nhìn váo ánh mắt sáng và hồn nhiên của chúng, tôi nhận ra chúng đang khôn lớn từng ngày, đang dần tự tin vào chính bản thân mình khi được học tập trong một môi trường chan chứa chất nhân văn. Bất chợt, tôi lại nhớ đến ngày về cùng Đồng Văn, được gặp và nghe các anh chị: Đặng Văn Nghiệp (người Tày Đồng Văn) – Trưởng phòng Văn hóa huyện, Sùng Thị Hương- Phó trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy, Sùng Thị Say – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện (đều là người Mông), rồi cô giáo mầm non Tỉnh Thị Thiệp (người Tày Bắc Quang), cô Phó Chánh Văn phòng huyện ủy- Phan Thị Thu Dung (người Tuyên Quang), kể và hát về những năm tháng chưa xa họ đã được học hành, được chăm chút thế nào, để hiểu hơn cái gắn kết của cộng đồng các dân tộc Việt có được như hôm nay, chắc chắn cũng bắt đầu từ những ngôi trường như ở Cán Chu Phìn ấy

   Đi trên con đường tỉnh lộ 176, con đường mang tên Hạnh Phúc, hay những con đường dẫn về các xã, các bản của vùng cao nguyên đá, những con đường vắt trên đỉnh núi, cưỡi trên ngọn mây, uốn lượn giữa lưng trời, gặp những hồ treo Sà Phìn, Tả lủng, Sính Lủng, Lùng Thàng, Lùng Phủa, Sủng Trà...xanh trong màu nước - sản phẩm của tinh thần dám nghĩ, quyết làm, của tình cảm và trách nhiệm mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho Hà Giang; tôi biết, Hà Giang dẫu giờ đang từng bước chuyển mình, nhưng vẫn luôn cần nhiều hơn sự quan tâm của các cơ quan chức năng, để mỗi ngày có thêm nhiều người dân cả nước, nhiều bạn bè quốc tế về với Hà Giang, về với cao nguyên đá sẽ được nhận cái mát lành từ từng giọt nước giữa lưng trời.

                       

                                                        Hà Giang cuối năm 2016

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)