bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 54
Trong ngày: 396
Trong tuần: 1179
Lượt truy cập: 773845

CHẦM CHẬM ĐI QUA THỜI GIAN

 
CHẦM CHẬM ĐI QUA THỜI GIAN
Cảm nhận “ Bấm chân qua tuổi dại khờ” của Cao Xuân Sơn, Nxb Hội Nhà văn, 2019
                                           
                                         Vũ Nho
Kể từ khi công bố tập thơ “Chuông lá” ở nhà xuất bản Thanh Niên năm 1999 đến khi  in tập thơ “Bấm chân qua tuổi dại khờ”, Cao Xuân Sơn có khoảng thời gian dãn cách tròn 20 năm. Tròn hai mươi năm là tính  khoảng cách giữa hai tập. Một người thơ như Cao Xuân Sơn dù có qua tuổi dại khờ, nhưng vẫn đam mê thơ, không bỏ được thơ. Đúng như nhà thơ tự bạch:
          Biết thế mà ngốc thế
          Thơ hay là ma trơi
          Biết thế mà vẫn thế
          Buông thơ, hồn ai nuôi?
                             ( Không  đề)
Chúng tôi đã thống kê 101 bài thơ trong tập để tìm xem việc nhà thơ  đi qua tuổi dại khờ một cách rón rén, cẩn thận, chậm rãi như thế nào. ( Vùng quê Hà Nam của nhà thơ cũng như vùng Ninh Bình quê tôi, để đi qua con đường đất thịt ngày mưa trơn như đổ mỡ, người ta đi chân trần và bấm chân xuống mặt đường cho khỏi trượt  ngã). Kết quả là không phải nhà thơ làm lai rai  suốt thời gian hai chục năm.  Theo dấu vết ghi cẩn thận  ở dưới mỗi bài, chúng tôi thấy:
Năm 2004, 2005, 2007, 2010, 2012 không công bố bài thơ nào.
Năm 1992, 1995, 1998, 2006, 2008, 2013, 2018   mỗi năm  công bố 1 bài.
Năm  2002, 2003, 2019 mỗi năm 2 bài. Năm 1999, 2009, 2011 mỗi năm công bố 3 bài.
Năm 2001 công bố  8 bài. Năm 2000 công bố 9 bài. Năm 2014  công bố 12 bài.
Năm 2016 công bố  13 bài. Năm 2017 công bố 14 bài. Năm 2015 công bố nhiều nhất  23 bài.
Như vậy, có 5 năm không công bố bài thơ nào, có 7 năm công bố mỗi năm 1 bài, có 3 năm công bố mỗi năm 2 bài. Tính ra  có thời gian 15 năm ròng, tác giả chỉ công bố vỏn vẹn 13 bài thơ.
Đó chính là lí do vì sao chúng tôi nói tác giả chầm chậm đi qua thời gian.
Còn nhớ khi viết cho tập thơ “ Chuông lá”, chúng tôi đã coi Cao Xuân Sơn là nhà thơ “hối hả một phận người”.  Tâm hồn thi nhân nối mạng trực tiếp với cuộc sống. Các sự kiện trên xa lộ thông tin cuồn cuộn đổ về anh.  “Bao trùm là  một sự thấp thỏm, phấp phỏng, âu lo “Thắt buồn thoắt vui, âu lo, hồi hộp” (Thời sự) “Thành phố ạ, ta yêu và ái ngại/  Thấp thỏm ngày đi, thon thót đêm” (Linh Cảm), “ Chỉ nghe thắc thỏm sau nhiều chớp suông” (Trắng mưa ngoài phố). Và đây nữa cũng là tâm trạng ấy:
          Hạnh phúc cháy như ngọn đèn hạt đỗ
          Anh khum tay che gió tự trăm chiều
          Phấp phỏng quá em một mình xuống phố ( Giá có thể)”
    (Đi giữa miền thơ, tập 2, NXB Văn  hóa Thông tin, 2001, trang 228)
 Trong tập thơ này, anh chầm chậm sống, làm thơ chầm chậm, chầm chậm nghĩ suy và ngộ những lẽ đời. Không phấp phỏng, không hốt hoảng trước các biến cố, trước các sự kiện, bởi vì đã nhuần   biết:
                   Trời trên đầu vẫn thế
                   đất vẫn nguyên dưới chân
                   ai thăng rồi ai giáng
                   mình vẫn là nhân dân
                                    (Ngẫu bút tháng 5)
Có được tâm an, dù trong cuộc mưu sinh, nhà thơ đã chứng kiến sự thật phũ phàng “qúa nhiều lạnh lùng/ ít nhiều ái ngại”, “ít nhiều sẻ chia/ quá nhiều ruồng rẫy” ( Mượn), “Thấy vậy mà không phải vậy/chao ôi tay bắt mặt mừng/lá mặt đâu ngờ lá trái/ thình lình dao đâm sau lưng” (Thấy vậy mà không phải vậy);  chứng kiến  bao nhiêu cảnh đời nhố nhăng, nhốn nháo:
                   Vừa tội đồ ấm ớ
                   Thoắt nhập vai quan tòa […]
                   Cuộc đời như hí kịch
                   Chớp mắt thằng ra ông
                              (Chờ bay ở Nội Bài)
Và đây nữa :
                   Cũng hôm qua đâu đó rất ồn ào
                   Quỷ bắt tay ma trong phòng họp
                   Công bố phát minh công nghệ hủy diệt
                   Cấm vận A, trừng phạt Z
                   Nhân danh nhân quyền nhân bản sự chết
                                         (Tự sự cát)
Những câu thơ như dự cảm về cơn đại dịch toàn cầu Covid hôm nay.
Người viết đã ngộ ra thân phận mình, ngộ ra “mình là “thằng nhỏ Bắc kì chơi được” với ông Tư”  (Trang Thế Hy như tôi biết). Bởi vậy mà không có gì phải lấn bấn, không có gì phải vội vàng:
Người hỡi, đi đâu mà vội mà vàng?
                  (Chẳng xé lịch thì ngày mai vẫn đến)
Thì em ạ, chi đâu mà gấp gáp
Chẳng cách nào ta ôm riết ấu thơ
Mình sông  nhé dung dăng về tít tắp
                 (Bày tỏ)
Có một điều không đổi khác ở thi nhân đó là sự đa tình và duy tình. Nếu trong tập “Chuông lá” nhà thơ thú nhận: “Em nói và anh mụ mị/ Và anh ngoan ngoãn vâng lời” (Em nói), thì nay  dù đã “qua tuổi dại khờ” những vẫn không qua được sự mê đắm   trong trường tình bể ái, vẫn là kẻ khạo khờ.
          Tôi  khờ  khạo nhất trần đời
trong đôi mắt chỉ một người, là em
                            ( Em từ chìm nổi theo tôi)
Em được tôn sùng như Quan Âm giáng thế:
Bên anh nhem nhuốc bụi lầm
Em như giáng thế Quân Âm Phật Bà
                              (Cạn li này nữa)
Em là người  “chỉ mình em, không ai khác, vớt anh từ đáy mù tăm” ( Kìa em nắng tắt mỗi ngày)
Và chính Em, chính tình yêu của Em  đã là nguồn cảm hứng, nguồn động lực thúc đẩy mọi cố gắng:
Đời  người sương khói mong manh
Muốn xuôi tay về biển rộng
Cho rồi một phận lênh đênh
Mà sao với em trong mộng
Cứ hăm hở phía thác ghềnh
              (Đâu chẳng địa đàng)
Và anh có thể như bất cứ người si tình nào  sẵn sàng hành động theo yêu cầu của người tình: “chẳng điều gì là không thể, vì em” (trong bài thơ cùng tên) và: “ Mò ngọc trai trên rừng/ bắt sơn ca đáy bể/ chỉ cần em hé môi/ hết thảy đều có thể” (Yêu không kiểm soát). Nghe kinh hoàng, nhưng có thể hiểu được vì  chàng và nàng đang “mê si miền mê li”.
Trong tập thơ này, người đọc còn  thấy những suy nghĩ về thân phận, trăn trở về việc làm thơ, làm người, làm cửu vạn, gặp những “Điều ước”, “Cắc cớ”,
 “Miên man”, “Mộng du”, “Mê khúc” , “Phép lạ”,…( tên một số bài thơ).
          Một lời nhắn chân thành: “ Hỡi những dã tràng thi nhân đừng sốt ruột/cứ lặng thầm noi dấu đước mà đi ( Đước).
          Một cảm thông cho phận người cửu vạn, và rộng ra tất cả mọi người “cửu vạn” số phận mình :
            Manh áo miếng cơm bây giờ ồ…nhẹ hều
            Nhẹ hều với ai kia, với cửu vạn lô hàng này quá sức
          Cửu vạn giấc mơ bước trồi bước sụt
cửu vạn số phận dăm dài hun hút
hành trình mỗi cuộc người
vui nhi
 bở hơi tai…
                      (Cửu vạn)
Một nhắn nhủ mọi người:
Đừng bao giờ nhé buông tay
Dẫu là cỏ, dẫu là cây, dẫu là…
              (Trôi)
  Nhà văn Trần Đức Tiến nhận xét khái quát  “Đọc thơ như nhìn thấy Sơn . Vừa hồn nhiên trẻ thơ, vừa thâm trầm già dặn. Nghiêm trang ẩn giấu nét hài hước. Tỉnh táo mà vẫn dại khờ. Yêu đắm đuối không tránh khỏi buồn tê dại. Và thấp thoáng sau những câu thơ là cái bóng ngất ngưởng của một thi sĩ ngang tàng”
( Hai mươi năm từ “Chuông lá”…)
Có thể coi “Bấm chân qua tuổi dại khờ” là thành quả trong “ chuyến lữ hành không mỏi tới niềm vui”  (Dấu chân ta về ấm những chân trời) của một nhà thơ  Bắc kì - tín đồ của Tôn giáo Tình yêu!
                                                         Hà Nội, 8/4/2020
         
 
 
 
 
         
 
         
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)