Thanh Ứng
CHÂN DUNG MỘT HỒN THƠ
(Đọc “Tuyển tập thơ Vinh Biếu” của Nguyễn Lương Vinh-nxb Hội Nhà Văn 2017)
Tôi rất vui được đón nhận tập thơ của nhà thơ Nguyễn Lương Vinh “Kính biếu” qua một người bạn. Đó là một tuyển tập thơ dày dặn, bìa cứng được trình bày và màu sắc trang trọng, bắt mắt, chứng tỏ chủ nhân của tập thơ này yêu thơ và trân trọng thơ biết nhường nào. Lần giở gần 250 trang sách, đọc 201 bài thơ mới thấy tác giả Vinh Biếu là một người viết dồi dào bút lực. Cả đời yêu thơ, sáng tạo thơ, từ các tập thơ lẻ trước đó, Vinh Biếu chọn lọc thành tuyển tập bề thế làm món quà tinh thần dâng tặng cuộc đời và các bạn bè yêu thơ gần xa.
201 bài thơ trong tuyển tập là những cảm xúc, suy ngẫm đa dạng, phong phú qua những trải nghiệm cuộc đời tác giả. Khi thì là khúc tâm tư, khi thì là niềm trăn trở, là nỗi bức xúc, là suy ngẫm của một nhà giáo, một thi nhân, một ông lão đã qua đỉnh dốc cuộc đời với bao buồn, vui, sướng, khổ. Tất cả đã khúc xạ vào thơ ông bằng những vần lục bát uyển chuyển nhịp nhàng, bằng những bài thất ngôn bát cú vuông vức, đầy đặn và nhiều hơn cả là những bài thơ tự do, thơ tứ tuyệt. Thơ tứ tuyệt của ông cũng nhiều vẻ: có lục bát, có ngũ ngôn, thất ngôn và cả những bài phá cách: hai câu trên ba chữ, hai câu dưới năm chữ… Thơ ông không phụ thuộc vào một niêm luật nào nhất định mà luôn luôn cởi phá để cho ý thơ, tình thơ được thỏa mãn trong từng câu chữ của ngôn ngữ thi ca. Ông chia tuyển tập làm ba phần: Phần một:Chân dung tác giả, Phần hai:Quê hương- gia đình, Phần ba:Nhân tình- thế thái. Sự phân chia này chỉ mang ý nghĩa tương đối và chỉ có giá trị thẩm mĩ trên bề mặt bố cục tập thơ, còn với tâm hồn thơ thì tất cả là một sự nhất quán, liền mạch trong suốt những năm tháng trăn trở cùng ngọn bút, trang giấy của cả đời sáng tạo, là một sự hòa quyện, xen lẫn không gì phân chia được của một hồn thơ. Đọc 201 bài thơ trong tuyển tập của nhà thơ Vinh Biếu, độc giả dễ dàng nhận ra chân dung thơ của một con người luôn nặng lòng với quá khứ, nhiều trở trăn, nỗi niềm với hiện tại và có bao ước vọng thầm kín về những gì chân thiện của tương lai. Quá khứ trở đi, trở lại trong thơ Nguyễn Lương Vinh là những năm tháng ông dạy học ở vùng cao, là “Tiếng chào thầy” đầu tiên: “Nhớ buổi đầu tiên được gọi thầy / Ngượng ngùng nhưng thấy cũng hay hay / Bản mường em chào anh thầy giáo / Vừa lạ, vừa vui mãi tới nay.”(Tiếng chào thầy-trang 25), “Anh thầy giáo” cụm từ gắn kết thật độc đáo, chỉ có dạy học trên miền núi mới nhận được cách xưng hô dễ thương này của học trò và đồng bào với mình. Ba tiếng giản dị “anh thầy giáo” cũng đã gợi lại cho người viết bài này bao nhiêu kỉ niệm về những năm tháng dạy học ở miền núi của một thời không quên. Đó là lần tác giả về “Thăm trường cũ” với tâm trạng bồn chồn, phấn chấn: “Xe chạy bon bon vượt dặm trường / Hãy nhanh, nhanh nữa tới Yên Lương / Lán lều sơ tán xưa còn nhớ / Trường lớp đổi thay nay khó lường” (Thăm trường cũ-trang 31). Quá khứ là những kỉ niệm ngọt ngào của một thời dạy học mà ông luôn nhớ đến từng chi tiết : Nhớ cái hộp “xinh xinh đựng phấn” từng là chiếc hộp nhựa trắng đựng thuốc sốt rét, dùng hết thuốc được các chú quân y cho trên đường ra Bắc. Nhớ con suối Thanh Sơn “suối của trường tôi” có Thác Bò, đập Tràn, Thủy điện cùng với những kỉ niệm một thời gian khó, đói nghèo mà vẫn sống lạc quan chứa chan tình người, tình đời và nhà thơ thổ lộ: “Trên đường hành quân tôi qua trăm con suối / Không có suối nào như suối trường tôi / Tôi muốn sống bên suối khi già / Tôi muốn đem nước suối về xuôi pha trà đãi bạn” (Con suối trường tôi –trang 33). Một ý tưởng thật đẹp, đầy lãng mạn, chứa chan nhân tình. Nỗi nhớ còn dai dẳng, sau này đã ba, bốn chục năm rồi mà vẫn “nhớ tái, nhớ tê” nơi rừng xưa Yên Lương và nhà thơ đặt câu hỏi “Ba mươi năm bốn phương trời / Mà sao ta vẫn nhớ người rừng xưa?” (Nhớ người rừng xưa-trang 35). Yên Lương không chỉ là nơi nhà thơ dạy học mà còn là nơi ông đã sống hết mình vì lý tưởng của một thời trẻ trung, của một thời mê say trong gian khó vất vả: “Chặt tre, chẻ nứa dựng trường / Đào hầm hố tránh máy bay” và cũng có những niềm vui “Quây quần đàn hát”, những phút giây lãng mạn “khi ngắm trời cao”…là nơi tình người sâu nặng: “Tình thầy trò nghĩa nặng sâu / Cũng là bè bạn của nhau thiếu thời” (Nhớ người rừng xưa-trang 35). Những năm tháng dạy học ở vùng núi đã trở thành những kỉ niệm thiêng liêng của nhà thơ Vinh Biếu và mảnh đất này đã “hóa tâm hồn” thơ trong ông khi ông xa nơi “đất ở” như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Quá khứ trong thơ Nguyễn Lương Vinh còn là những hồi ức thầm kín “một mình mình biết, một mình mình hay”, nó chợt hiện về thật tinh tế, lắng sâu: “Một mình mình với chị Hằng / Một mình, mình tỏ tấm lòng với ai? / Bóng tà, đêm ngắn, tình dài / Lung linh ánh điện, tìm hoài ánh trăng”. (Chơi trăng-trang 51). “Ánh trăng” là biểu tượng lung linh, kì ảo của một quá khứ thủy chung, tươi đẹp “Vầng trăng ôm trọn trái tim yêu mình”, là kỉ niệm mà tác giả luôn muốn kiếm tìm, tái hợp trong tâm tưởng. Khác với “ánh trăng” “tròn vành vạnh”, “im phăng phắc” nghiêm trang như thử thách tình người trong thơ Nguyễn Duy ngày nào, ánh trăng trong thơ Vinh Biếu cứ ẩn hiện, khi xa xôi, khi gần gụi như quá khứ vẫn quanh quất đó đây. Quá khứ trong thơ Vinh Biếu khi lặng lẽ như ánh trăng nhưng cũng có lúc ào ạt trở về ngập tràn trong những dòng thơ. “Quê xưa” là bài thơ dài nhất của tập, với 32 dòng lục bát như những thước phim quay chậm đưa tác giả trở về những ngày xựa cũ với quê hương, với bạn bè, với những kỉ niệm của thời niên thiếu. Đó là “Vùng quê đồng trũng nước trong” , “sắn khoai cháo ốc”, là khi nước ngập,”Tây càn”, “Chụm đầu ốc luộc chấm tương với gừng”. 32 dòng thơ là những phác thảo bức tranh quê một thời lam lũ, bần hàn với những chi tiết gợi cảm, ấn tượng và câu kết thật bất ngờ: “Vấy bùn từ thuở thiếu niên / Tôi thành ông lão đồng chiêm đánh phèn” (Quê xưa-trang 85). Hai dòng thơ giản dị, mộc mạc tạo nên một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại gợi cho người đọc sự liên tưởng về tuổi thơ lấm láp bùn quê của Nguyễn Lương Vĩnh với hiện tại phóng khoáng, chân mộc và cũng là nét tiêu biểu của chân dung nhà thơ Vinh Biếu bây giờ. Cùng với “Quê xưa”, đọc trong “Tự cảm”, “Bộc bạch”, “Chân dung tự họa”, “Cô liêu bóng chiều”, “Hưu trước tuổi”, “Xuân cạn”…độc giả dần dần nhận ra một Vinh Biếu với đầy đủ những tâm tư, nỗi niềm và cảm nhận của bản thân về cuộc sống hiện tại. Với một tâm thế của người biết làm chủ cuộc sống và sự khiêm nhường dí dỏm, ông như cũng bằng lòng với những gì mình hiện có: “Học hành cũng được “tú tài ta” / Rồi cũng cử nhân chốt đến già / Lên lớp thao thao cao lý luận / Về nhà lủi thủi “giỏi chăn gà / Đồng lương co kéo đàn con dại / Buôn bán tảo tần đôi kiến tha / Tròn vẹn Công -Tư nhờ phúc tổ / Ơn trời đau ốm cũng qua loa.” (Bộc bạch-trang 64). Người đọc gặp ở đây cái chất tự trào rất dễ thương của một ông già vui tính, yêu đời, yêu người. Giọng thơ phảng phất chất trào phúng của các bậc tiền nhân Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tú Mỡ…ngày xưa. Chất thơ đó cũng là một yếu tố khá đậm nét trong thơ Vinh Biếu. Thơ Vinh Biếu không chỉ nhè nhẹ xuôi chiều như thế mà thơ ông nhiều lúc cũng bộc bạch những trăn trở, những nỗi niềm về những gì ông chưa hài lòng, ưng ý với bản thân và thời cuộc. Với bản thân, ý nghĩ đó thường đến khi sức khỏe có vấn đề: “Đã tháng nay rồi “ rơi tự do” / Hai tay nhức buốt khổ ra trò” (May chán-trang 116), rồi có lúc “Bà nâng ông ốm…” nhưng nhờ có thơ và cuộc sống tinh thần thoải mái, lạc quan mà ông lại vượt qua: “Trở trời, trái gió ương ương / Cậy nhờ có thuốc văn chương đỡ nhiều” (Chân dung tự họa-trang 73) từ đó sống vui, sống khỏe với văn chương và tuổi già. Nhưng một hồn thơ cận đời như thế thì nỗi niềm không chỉ là nỗi niềm cho bản thân mà còn là những tâm tư về thời cuộc, về nhân tình, thế thái. Tập thơ của ông có ba phần, ông dành riêng một phần với với tiêu đề trên. Phần thơ này có 99 bài chiếm gần một nửa số bài thơ của tập. Phần này, tác giả chủ yếu đối diện với thực tại, những cảm nhận, suy ngẫm của ông cũng khởi nguồn từ tình yêu cuộc sống, mong muốn cuộc sống tốt đẹp, hoàn thiện hơn. Do đó, khi ông yêu cái tốt, cái đẹp, trân trọng quá khứ sáng trong thuở nào thì ông cũng thể hiện sự không bằng lòng với những biểu hiện chưa tốt, chưa đẹp ở quanh ta. Trước hết là trong văn chương, ông không thích thói “Lào lá”, “nhại thơ”, những người “khéo khoe” và những lời khen đễ dãi…”Trình làng, bình phẩm hoan ca / Gà toi nâng chén hai ta gật gù” (Gật gù! Trang 143). Ngoài xã hội, ông dị ứng với những biểu hiện trái với đạo đức, với thuần phong mĩ tục như “Cưới chơi”: “Chưa hết tuần trăng mật / Đã chia tay nhau liền”, ra đường ăn mặc tùy tiện, hở hang như “Khiêu khích” mọi người. Ông cũng châm biếm nhẹ nhàng thói chuộng bằng cấp mà không có thực tài, vấn nạn học nhiều của trẻ trong giáo dục hiện nay. Ông còn quan tâm tới một thực tế buồn ở nông thôn là nhiều ao bị lấp đi, số còn lại thì ô nhiễm “Ao nhà nguồn trong mát / Niềm kiêu hãnh bấy lâu / Nay ngấm từ đâu tới / Nước nặng mùi đục ngầu” (Ao buồn-trang 166), ngõ xóm thì “người quét ngõ / Người dắt chó đi “xia”(Ngõ xóm-trang 167)…Như thế là nhà thơ đã đụng chạm đến một vấn đề lớn của cuộc sống: Đó là vấn đề môi trường, vấn đề này không chỉ tổn hại đến cuộc sống đời thường mà đối với nhà thơ còn là sự đụng chạm đến những xúc cảm đẹp đẽ của quá khứ, của kỉ niệm với những khung cảnh thiên nhiên của làng quê trong lành, ruộng đồng ngõ xóm tươi xanh, cây cối hoa nở, chim hót bốn mùa… Tất cả đều là những thi tứ gợi cảm của thơ ca mà người làm văn chương vẫn hằng kiếm tìm.
Dẫu phần “Nhân tình- Thế thái” có chiếm một số lượng bài đáng kể trong tập song cảm hứng chủ đạo của “Tuyển tập thơ Vinh Biếu” vẫn là lòng yêu đời, ham sống, là sự gắng gỏi của người làm thơ luôn biết mình để vươn lên trong cuộc sống còn nhiều khó khăn phía trước: “Tập trung khối óc bàn tay / Hiện tại, quá khứ, tương lai giỡ dần./ Bình tâm, kiêu hãnh ân cần /Lời hay, ý đẹp góp phần thọ tăng” (Tận cùng-trang71). Người đọc cũng có lúc cảm thông với Vinh Biếu những khi thấy lòng mình hoang vắng buồn: “Bình sinh lên rừng dạy học / Dốc dếch có bạn đồng hành / Xế chiều một mình trở lại / Chơi vơi như ngoài hành tinh” (Vắng bạn-trang 37), nhưng đó là những nỗi buồn trong sáng, dễ cảm, dễ thương “không chảy thành đôi lệ hèn” (Thơ Xuân Thủy) và sự bi lụy chán đời chán cảnh. Thơ ông đây đó đan dệt nhiều niềm vui và những thoáng cười lạc quan thầm lặng trong đời sống thường nhật. Cao hơn, ông không chỉ là một “Lão giả an chi” mà còn là một một người yêu nghệ thuât, biết dùng nghệ thuật tô điểm cuộc sống bản thân, gia đình và đem lại niềm vui tới bạn bè và những người xung quanh: “Vụng đàn, tay gảy tình đời / Tặng thơ mong đợi có người tri âm”. “Chân dung tự họa-trang 74) Và thơ ông đã đến tay nhiều người, trong đó có tôi, người viết những dòng cảm nhận mộc mạc, chân quê này. Mong ông và những người yêu thơ ông rộng lòng đón nhận…
Hà Đông cuối tháng 2/2020
T.Ư
Người gửi / điện thoại