CHIẾC ĐỒNG HỒ CỔ
TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI
Tôi hỏi nguồn gốc ngôi nhà cổ mặt tiền hướng ra con sông nhỏ chảy qua lòng thị xã T, nhiều người lắc đầu: Không biết. Mấy ông tuổi tóc muối tiêu, nói kiểu nước đôi: Không của me sừ Tây cũng của chú chệt Tầu. Người Việt mình ai ưa nổi kiều nửa Âu nửa Á vậy. Một vị bô lão thổ địa vùng này cũng lơ mơ: Hồi còn thò ló mũi xanh, đã thấy bỏ hoang. Nghe nói của viên thẩm phán thời Pháp thuộc. Chỉ mình ông nhà văn già, gốc gác lâu đời ở đây thông tin gần gần chính xác: Của ông công sứ Pháp. Đến tuổi nghỉ hưu, đã về chính quốc vài năm, chả biết lý do gì, đột ngột một mình quay lại An Nam, cất ngôi nhà ấy. Sinh thời, ông nội tôi và ông Tây ấy thi thoảng có qua lại uống trà với nhau. Nhà tôi còn giữ tấm hình hai người chụp chung vào khoảng đầu thế kỷ hai mươi. Nước ảnh đã hoen ố, nhưng vẫn nhận ra ông tôi lơ thơ ba chòm râu bạc. Ông Tây tóc xoăn chấm vai, râu rậm, miệng ngậm ống vố. Ông ta mất trước nội tôi. Ngôi mộ được đánh dấu bằng một khối đá vuông vức không ghi tên tuổi. Tôi đồ chừng vẫn còn nằm quanh quanh bờ sông này. Bây giờ nhà cửa, đường xá mở mang đè lên rồi, e rất khó tìm.
Sau ngày thông nhất Bắc Nam, tôi liều cất căn nhà nho nhỏ trên miếng đất vô chủ cách ngôi nhà cổ ấy khoảng vài cây số. Bấy giờ, con sông này còn vô tư sống đời sống tự nhiên thuở hồng hoang. Hai bờ um tùm rậm rạp nhiều loại cây hoang dại. Chim chóc quần cư trú ngụ cùng rắn rết, côn trùng. Tiếng kêu của chúng chao chác mỗi hoàng hôn buồn bã. Mỗi kỳ con nước dâng cao, từng hồi bìm bịp gọi nhau vang vọng. Chốc chốc, một con vỗ cánh bay lên, chớp lóe một ngọn đuốc màu nâu xỉn rồi vụt tắt. Cách nay mấy chục năm, còn hoang vu vậy. Vài thế kỷ trước nơi đây lạnh lẽo hoang vắng đến đâu. Tôi nghĩ ông Tây ấy phải là người được văn hóa Á Đông quyến rũ đến mức nào mới quyết tâm xa lánh thị thành hoa lệ, dành trọn những năm cuối đời về sống cùng chim muông cây cỏ. Từ ngày thị xã lên cấp thành phố, con đường đất ven sông san ủi thành đại lộ. Đôi bờ xây kè đá. Nhiều ngôi nhà cao tầng liền khít nhau mọc lên soi mái ngói đỏ tươi xuống mặt sông vừa được dọn sạch quang những dề lục bình lưu cữu chả biết tự bao giờ. Nhưng ngôi nhà cổ nửa trên rêu phong hai mái ngói mũi hài kiểu kiến trúc năm gian Nam bộ, vẫn không hề mảy may thay đổi. Nửa dưới, còn nguyên trạng bốn bức tường vững chãi xây chèn giữa những trụ bê tông thay cho hai hàng cột cái, cột quân truyền thống chân kê đá tảng. Mỗi vòm cửa sổ bán nguyệt ngoài hiên, mỗi khung cửa ra vào vẫn được bảo tồn nguyên vẹn mấy đường viền đắp nổi, chính giữa thắt một nút hoa văn cầu kỳ lạ mắt. Trên mỗi mỗi đầu trụ bê tông đều đắp nổi một đầu người đội vòng nguyệt quế y chang phong cách trang trí mặt trước các lâu đài quý tộc Pháp thu nhỏ lại.
Từ ngày, hội Văn Nghệ Tỉnh T… được phân ngôi nhà cổ này làm trụ sở, hằng năm tôi về đây dự họp mấy lần. Lần nào tâm trí cũng bị hút vào những thanh xà ngang, xà dọc bằng gỗ quý đen nhức nước thời gian im lìm phía trên đầu. Nhà không trần, thoang thoáng nhiều cánh dơi không tiếng động vọt qua ô cửa gió. Vòm mái cao vừa đủ để khí nóng bức không đủ sức tỏa xuống không gian phòng ốc. Lại vừa đủ rộng cho tiếng nói ở dưới âm vang cộng hưởng, khiến lòng dạ ta lâng lâng như bị lạc vào một ngôi giáo đường cổ kính. Trong không gian ấy, đã nhiều lần, tôi cảm thấy, khi từ bức tường trước mặt, khi từ ô cửa vô hình nào đó rót vào tai tôi thánh thót chùm giai điệu vô cùng quen thuộc: Đinh… Đình… Đông… Đinh. Đình. Đông. Đó là tiếng nhạc chuông báo thức từ chiếc đồng hồ cổ trong nhà học của anh em tôi thưở xa lơ xa lắc chốn quê nhà. Tôi nghi hoặc hỏi người ngồi cạnh, nhận được cái lắc đầu, chẳng nghe gì. Cũng tại hành lang ngôi nhà này, mới vài ngày trước, tôi bàng hoàng bắt gặp một bóng cụ già cao lớn, mồm ngậm tẩu thuốc, tóc bạch kim phủ trùm sau gáy, êm ru lách qua mấy ông văn sĩ rồi biến vào khuôn cửa văn phòng hội. Tôi không cho là ảo giác. Bởi cùng lúc ấy, còn ý thức rõ ràng anh họa sĩ trẻ giơ một ngón tay chỉ chỏ về phía tôi, miệng lắp bắp câu gì đấy. Tan họp, anh ấy hỏi: Khi nãy bác xuất thần ý tưởng gì mà chu môi, chú mục đến đờ đẫn vậy? Nói ra thì chắc chắc họ bảo tôi bị tâm thần.
Đêm ấy, tôi mất ngủ, vẩn vơ nghi hoặc: Phải chăng trong chốn thâm u ấy đang lẩn quất một bóng ma? Từ đấy, mỗi khi đi qua đây, tự nhiên tôi cứ sợ hãi đến lạnh cứng sống lưng. Mơ hồ như có ánh mắt bí mật nhìn xoáy vào tôi sau một ô cửa sổ tối đen huyền bí. Cơ duyên một tối kia, phát hiện tôi co ro cạnh cổng cơ quan trú trận mưa rào đột ngột, anh nhân viên quen biết mời tôi vào phòng bảo vệ. Nhân cơ hội này, tôi tò mò tìm hiểu: Những đêm mưa gió hú hét thế này, anh có thấy hiện tượng gì bất thường không? Ban đêm thì không. Nhưng thi thoảng cữ năm giờ sáng văng vẳng trổi lên một hồi chuông báo thức, du dương một giai điệu lạ cháu chưa bao giờ được nghe. Cũng đã cất công dò hỏi, nhưng quanh đây không nhà ai có chiếc đồng hồ phát ra chuỗi âm thanh ấy. Tôi se sẽ hát: Fère Jacque. Fère Jacque. Dormez-vous. Dormez-vous. Sonnez les matines. Sonnez les matines. Din… Din… Don… Anh bảo vệ tròn xoe mắt ngạc nhiên: Đinh đình đông, tiếng chuông ấy, nhịp điệu ấy, đúng rồi. Nhà bác có cái đồng hồ ấy à? Tôi lắc đầu im lặng.
Đêm ấy tôi ngủ ở phòng bảo vệ. Ngoài tiếng mưa rơi gõ đều đều trên mái ngói nghe buồn buồn không dứt, tịnh không lẫn một tiếng động lạ nào. Tôi cứ nằm tỉnh như sáo mà vẩn vơ nghĩ ngợi. Nửa khuya về sáng, se sẽ bước ra ngoài. Mưa tạnh tự lúc nào. Tràn ngập không gian mát mẻ, sực nức mùi thơm khen khét. Chợt nhớ ngày xưa cha tôi thường ngồi trầm ngâm nhả ra từng cuộn khói từ đầu điếu xì gà cháy đỏ. Tự dưng đầu óc mê man, phó mặc hai bàn chân vô thức bước về phía khuôn cửa mở rộng đang chập chờn hắt ra luồng ánh sáng mềm như ánh trăng lọt qua làn mây mỏng. Vẫn căn phòng họp quen thuộc, nhưng mấy hàng bàn ghế đã dọn hết sạch rồi. Thay vào đó là một chiếc bàn hình bầu dục kê chính giữa và sáu chiếc ghế tựa kiểu cách chạm khắc hoa văn cầu kỳ xếp dọc hai bên. Năm ngọn nến cùng leo lét cháy cắm trên giá nến bằng bạc đặt giữa mặt bàn. Căn phòng vừa đủ sáng cho tôi nhìn rõ gương mặt ông già ngậm chiếc tẩu lơ phơ làn khói thuốc. Ông ngồi bất động, hai cánh tay khuỳnh khuỳnh đặt trên hai vành tay ghế cong cong. Tôi nhận ra mái tóc bạch kim của bóng ma từng thấp thoáng giữa thanh thiên bạch nhật hôm nào. Ông mở to đôi mắt xanh lơ thân thiện nhìn tôi, có vẻ như là quen thuộc. Thoáng nhìn vầng trán rộng, sống mũi khoằm khoằm đặc chủng Parisien của ông, tôi cũng thấy quen quen. Hình như người này có mặt trong tấm hình cụ cố năm đời của tôi chụp chung với vài ba quan chức người Pháp tự thời thuộc địa. Tấm hình mà hồi nhỏ chúng tôi từng giả bộ chỉ trỏ xì xồ với ông ta. Monsieur, tôi ngập ngừng cất lời chào, ông xua tay: Tôi là người Việt gốc Pháp từ hơn trăm năm nay rồi. Cụ Tổ của ông từng biết tôi sõi tiếng Việt đến mức nào mà. Anh bạn rất giống quan Đốc đồng liêu với tôi ngày trước. Tôi thưa danh tính, quê quán, ông Tây thân mật bảo tôi ngồi đối diện. Rồi trầm ngâm: Tôi đã đoán không sai. Tối nay, được hạnh ngộ với hậu duệ của quan Đốc học, người bạn An Nam mà tôi vô cùng kính trọng, thật là hân hạnh. Tôi biết lâu nay ông vẫn tò mò về chủ nhân ngôi này, thì chính là tôi đấy. Còn lý do tôi đã hồi hưu về chính quốc, sau đó bất chấp sự can ngăn của gia đình, dòng tộc, một mình trở lại thuộc địa, một mình lặng lẽ sống giữa chốn hoang vu này, chính là bởi tấm lòng tôi vô cùng kính trọng cụ Đốc tổ tiên của ông đấy. Nói gọn, tôi đã bị sĩ khí của quan Đốc khuất phục, được nhân cách nhà Nho của cụ thu phục, cùng với bao nhiêu nếp ăn, nếp ở thường ngày của nền văn hóa Á Đông tuyệt diệu đã cảm hóa tôi, từ một tên quan cai trị trở thành người bạn thân thiết với An Nam, chính xác, trở thành một dân An Nam gốc Pháp. Merci, merci lắm lắm. Ô là là, chắc ông chưa biết, cái nguyên cớ thúc đẩy tôi lặng lẽ sống tại chỗ này đến lúc về với Chúa, nói ra có vẻ buồn cười. Nhưng mà thực sự đúng là như vậy. Tiện đây tôi bật mí ông nghe... Tôi chưa kịp nghe ông thổ lộ ẩn tình thì, bỗng vang lên hồi chuông báo thức từ một chiếc đồng hồ trong hõm tường đối diện. Tôi lẩm bẩm hát theo như đứa trẻ thơ: Phè rơ zắc này, Phè rơ zắc này. Dậy đi thôi, dậy đi thôi. Chuông sáng nay đánh rồi. chuông sáng nay đánh rồi. Đinh đình đông, đinh đình đông. Quên khuấy câu chuyện sắp kể, ông Tây nháy mắt hỏi tôi: Hồi nhỏ ông thường hát theo nó phải không? Trước khi về Pháp, tôi đã trân trọng biếu cụ Đốc chiếc đồng hồ ấy đấy. Nó là một trong những món gia bảo của gia đình Buộc Bông chúng tôi đấy. Tôi đáp: Nó bị thất lạc rồi ông ạ. Ông lại nháy mắt lấp lửng: Ồ… chưa mất hẳn đâu. Nó đang trên đường trở về nhà ông đấy.
Anh bảo vệ đặt tay lên người tôi lay lay: Đêm qua mát mẻ, ông ngủ say quá. Mơ những gì mà lảm nhảm vậy ông? Tôi tỉnh dậy. Phía bờ sông, loa phát thanh đang phát đi bản nhạc thể dục buổi sáng. Chính xác năm giờ sáng.
Cái thuở tôi vào học lớp Đồng ấu, gia đình tôi còn sống chung dưới một mái nhà tứ đại đồng đường. Một lũ lau nhau chúng tôi ngoài buổi học ở trường làng, hầu hết thời gian trong ngày phải sống với nhau trong nhà học. Nhà học là hai gian nhỏ trong ngôi từ đường đại tộc. Ba gian giữa kê liền khít mấy chiếc án thư, trên mặt mỗi án thư bày la liệt bát nhang. Sau mỗi bát nhang là một bài vị sơn son thiếp vàng hay một bức ảnh thờ những cụ già áo the khăn xếp, vẻ mặt người nào cũng nghiêm nghị như mặt quan tòa nghị án. Chúng tôi học ở trường lấy lệ vậy thôi. Chủ yếu học ở nhà. Buổi tối ông tôi dạy chữ Nho, thì cả lũ ra rả đồng thanh: Đức Khổng Tử viết, Đức Khổng Tử dạy rằng… Buổi chiều các chú tôi dạy vỡ lòng tiếng Pháp, lại đồng thanh: Nos encêtres sont des Gaulois, tổ tiên chúng tôi là người Gô loa. Thường lúc ấy, ông tôi ở chỗ nào đó chạy vào, tay chỉ lên tấm ảnh cụ Đốc, miệng quát: Có im đi không, cụ mà nghe thấy thì chúng mày bị phạt méo mồm hết ráo bây giờ. Mấy thằng chú chúng mày, toàn dạy cháu những điều lăng nhăng bố láo. Văn tự gì mà lằng ngoằng dây muống, đọc lên chỉ nghe xì xồ, sịt sạt như trâu đánh rắm. Lơ cu ly là cụ lý, la đinh đông là cái đỉnh đồng. Rành rành nó thó tiếng của ta làm của nó, cứ cắm đầu mà học. Bố láo thật. Bỏ chữ thánh hiền, rồi chúng mày sẽ trở thành con nghê con ngỗng mất thôi. Chúng tôi ngặt nghẻo cười. Ông bất lực dứ dứ ngọn roi mây mà chẳng bao giờ quất đứa nào.
Cụ Đốc là ông nội của ông tôi. Cụ đậu Thám hoa, từng giữ chức Đốc học một tỉnh giáp Hà nội. Chán thời thế, chưa tới tuổi hưu, cụ cáo lão về làng. Dân làng tôi ai cũng biết chuyện cụ chơi khăm viên công sứ Pháp lúc đương nhiệm. Thuở ấy, quy định của Nhà nước Bảo hộ, mỗi hai năm, tất cả các viên quan cai trị người Pháp phải sát hạch tiếng An Nam. Ai bị trượt thì không được lên lương, lỗi nặng còn bị đổi đi mấy tỉnh miền núi sơn lam chướng khí. Lần đó cụ Đốc nhận giám khảo tiếng Việt cho viên công sứ đầu tỉnh. Viên quan này nói tiếng Việt làu làu. Cụ Đốc ra điều kiện: Tôi biết ngài rất tinh thông tiếng An Nam, nên tôi chỉ hỏi một câu thôi, ngài phải trả lời ngay, nếu hỏi lại, coi như ngài trượt. Viên công sứ nghĩ bụng, tưởng gì, đơn giản vậy thì dễ ợt. Hắn gật đầu. Cụ hỏi: Tiếng Việt, em gái của mẹ gọi bằng gì? Viên công sứ đáp ngay: Gọi bằng dì. Cụ đốc cười cười. Viên công sứ toát mồ hôi, biết rằng mình bị lỡm. Trượt là cái chắc. Hắn mang bộ mặt ỉu sìu về tư dinh. Biết chồng bị hố, vợ hắn xin gặp cụ Đốc, van nài cụ cho chồng thi lại. Cụ Đốc tỏ ra dễ dãi: Để ông nhà bị thiệt thòi, tôi cũng tiếc lắm. Nghe nói quý phu nhân thường hay chê bọn An Nam chúng tôi mọi rợ, ăn mắm tôm bốc mùi lộn mửa. Tôi chỉ cần phu nhân ra chợ, làm sao rửa cái tiếng xấu ấy đi thì ông nhà sẽ đỗ đợt này. Cực chẳng đã, mụ ta phải xuất hiện giữa chợ đông, xà vào hàng bún, nhồm nhoàm chấm lá bún vào bát mắm tôm vắt chanh, vừa ăn vừa luôn miệng khen ngon. Lạ kỳ, từ đấy, phiên chợ nào người nấu bếp nhà quan công sứ cũng mua một gói bún với dúm mắm tôm. Thì ra quan ông và quan bà bị nghiện món này. Nghiện đến nỗi ông quan cạo phăng bộ râu xồm xoàm đạo mạo chỉ vì bị mắm tôm nhoe nhoét dính vào râu, mỗi lần ăn, mỗi lần gội xà bông phiền phức lắm. Nghe nói ông ta quay lại An Nam sinh sống, cũng chỉ vì cái vị mắm tôm chanh đấy. Mỗi lần kể đến đoạn này, ông tôi đều ha hả cười, vỗ đùi khoái trá. Rồi tự tin kết luận: Cha bố thằng Tây, khôn đến đâu rồi cũng bị dân An Nam mình khuất phục.
Cái đồng hồ viên công sứ Pháp tặng cụ Đốc, đến đời chúng tôi vẫn còn chạy tốt. Cứ mỗi năm giờ sáng, ngoài sân còn tối mò, còn sương lành lạnh, nó đã phè phè bật hai cánh cửa sổ giữa mặt quả lắc cho con chim gõ kiến nhỏ xíu nhảy ra gật gù bản nhạc: Đin din don… sonnez les matinnes bắt chúng tôi phải tung chăn cùng dậy. Thằng em họ hơn tôi hai tuổi nghĩ ra cách tháo cái quả lắc để ra ngoài. Sáng ấy chúng tôi được ngủ vùi. Kết quả, cả bọn bị ăn mấy con lươn quắn mông đít. Đến năm nước nhà ngừng chiến tranh, nhà tôi chỉ còn trơ trọi hai bà cháu. Túng quá, bà phải bán dần từng thứ đồ cổ. Đến lượt cái đồng hồ, bà bảo: Năm giờ sáng đã có gà báo thức rồi, giữ làm gì. Vậy là nó theo chân người mua nó. Đến nay, đã mấy chục năm rồi
Con gái út của tôi làm chuyên viên ở một ban chuyên lo việc kêu gọi các dự án đầu tư nước ngoài của tỉnh T. Sau một tuần công tác ngoài Hà Nội, nó trở về, mang theo một thùng cạc tông dán keo rất kỹ. Nó bảo: Quà của ông bố bạn con cho đấy. Con tặng bố. Chắc chắn bố sẽ rất thích. Sau một hồi tự tay cẩn thận mở từng tấm mút chèn xung quanh, nó lôi ra một chiếc đồng hồ quả lắc. Vừa nhìn thấy, tim tôi đã thình thịch đập. Mặt mày xây xẩm muốn ngất xỉu. Chả lẽ đây chính là chiếc đồng hổ cổ vẫn tích tắc gõ nhịp trong hai gian nhà học ngày xưa? Chả lẽ cái buổi tối tôi gặp ông Tây với những lời mập mờ về chiếc đồng hồ này không chỉ là chiêm bao? Hai bàn tay tôi run run nâng cái vật tưởng mươi mươi mất tích ấy đặt lên mặt tủ nơi phòng khách. Cả ngày hôm ấy, tôi cứ lặng người ngồi ngắm hệ thống bánh xe vàng ánh và hai cây kim được chạm trổ bởi một bàn tay tinh sảo, đã qua mấy thế kỷ rồi, chúng vẫn cần mẫn đuổi nhau chạy vòng quanh mười hai chữ số La mã gắn trên mặt đĩa kim loại đường kính khoảng gang tay. Nhớ ngày xưa, cha tôi bảo, cái giá trị của chiếc đồng hồ này, chưa hẳn ở máy móc tinh vi, chưa hẳn ở tuổi cùa nó đã vài ba thế kỷ, mà nó nằm trong cái hộp chứa nó gồm bốn tấm pha lê trong suốt và bốn trụ gốm sứ đen bóng được chế tác trong xưởng thủ công Hoàng Gia Thụy Sĩ. Công thức chưa bao giờ tiết lộ ra ngoài dân gian. Nên hiếm lắm, luôn là vật săn tìm của bọn chơi đồ cổ khắp năm châu lục. Tò mò, tôi nâng quả lắc bằng gốm trắng, nhìn kỹ mặt sau, vẫn còn rõ nét vệt dài hàng chữ La tinh ký tặng bằng mực Nho đen nhánh. Hình như sức mạnh của thời gian bất lực trước cổ vật này. Tôi lắp quả lắc, lên dây cót, rồi nhẹ tay xoay chiếc kim phút mấy vòng cho hai kim chỉ đúng năm giờ sáng. Lập tức mặt trước quả lắc sè sè mở ra hai cánh cửa, từ trong khung cửa thập thò con chim gõ kiến gật gù mỏ nhọn bật lên điệu chuông: Phè rơ giắc cờ, Phè rơ giắc cờ. Cả một thời thơ ấu của tôi như bừng sống lại. Chao ôi! Đây chính là cổ vật của gia đình tôi đã phải đứt ruột đổi lấy hai bữa hằng ngày đấy ư? Chữ ký tặng của viên công sứ Pháp còn rành rành đây. Tấm huy hiệu một dòng họ quý tộc Pháp còn nguyên vẹn gắn mặt sau chiếc hộp vẫn còn sáng bóng.
Phải chăng thế gian này vẫn còn những điều mờ mịt. Tôi nghĩ vậy sau khi nghe con gái tôi thuật lại câu chuyện của bạn nó, đại ý: Ngày xưa ông nội bạn ấy mua cái đồng hồ này ở một phiên chợ Viềng. Ông quý lắm. Nhưng mà nó không chịu chạy. Bao nhiêu thợ đồng hồ thủ đô lừng danh đều chịu bó tay. Ông ngán ngẩm cất vào kho chứa đồ phế thải. Khổ nỗi, Nhiều đêm khuya khoắt, trong nhà cứ bất thường vang lên những hồi chuông báo thức lẫn với tiếng đầu gậy chống lộc côc lộc cộc đầy ma mị. Là người giảng dạy triết học duy vật biện chứng, ông cũng phải nghi nghi hoặc hoặc. Bị vợ hối thúc, đã mấy lần ông đem cho mấy người bạn, nhưng họ đều trả lại, với cùng một lý do, có cái gì đấy ma ma quái quái, sợ lắm. Con tôi kể thêm: Buổi tối đầu tiên con bước chân vào nhà bạn con, chiếc đồng hồ này tự nhiên phát ra một hồi chuông sau bao năm im lặng. Ông bố nó từ trên lầu hấp tấp chạy xuống kinh ngạc nhìn con không chớp. Suốt một tuần con ở trọ nhà nó, suốt một tuần cái đồng hồ này sống dậy, chạy đều. Buổi sáng con chào từ biệt, ông chủ nhà nâng chiếc hộp cạc tông khẩn khoản: Mong cháu nhận lại cổ vật này, cháu chính là chủ nhân của nó. Đêm qua bác nằm mơ, cụ thân sinh của bác hiện về, bảo: Con trả lại nhà họ chiếc đồng ngày xưa bố mua được ở chợ Viềng. Nói với họ châu lại về Hợp Phố.
Con gái tôi dẫn về nhà ông khách chính gốc parisien còn rất trẻ. Anh ta tự giới thiệu mình là đại diện của một tập đoàn chuyên doanh các sản phẩm công nghệ cao su. Đang làm việc với các cơ quan chức năng sở tại, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, nếu đạt yêu cầu thì sẽ mở một nhà máy đại quy mô sản xuất vỏ ruột các loại xe. Chúng tôi trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp. Anh người Pháp nhã nhặn nêu câu hỏi: Xin lỗi vì tò mò. Hình như ông rất quen với cung cách xã giao kiểu Tây phương? Tôi cười cười: Từ tấm bé tôi đã được học hành bằng ngôn ngữ Pháp. Hơn trăm năm trước, cụ Tổ năm đời của tôi từng là bạn đồng liêu với viên Công Sứ thời Pháp thuộc đấy. Trước khì về chính quốc, ông ấy đã tặng cụ tôi chiếc đồng hồ quý lắm. Hiện chúng tôi còn giữ được trong nhà. Tôi dẫn anh vào phòng khách. Anh người Pháp quá sửng sốt khi nhận ra tấm huy hiệu dòng họ Buộc Bông nhà mình in trên mặt tấm pha lê. Tôi kể với anh lai lịch cổ vật này. Anh xúc động tiếp lời: Tôi đã từng nghe các bậc cha chú nói, trăm năm trước nhà mình có một cụ nhiều năm làm quan cai trị ở xứ Đông dương. Hồi hưu, cụ trở lại An Nam sống một mình tới lúc về già. Nghe chuyện, tôi chắc mười phần cụ tổ dòng họ anh chính là ông cụ tôi đã gặp trong giấc mơ tuần trước. Chiều mát, tôi mời thêm ông bạn nhà văn cùng dẫn anh đến thăm ngôi nhà cổ mà chúng tôi thường lui tới. Tôi phiên dịch lời ông nhà văn kể về lai lịch và chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà. Vừa tầm các nhân viên hết giờ làm việc, chúng tôi xin phép anh bảo vệ vào thăm. Phả vào khứu giác ba chúng tôi mùi khói thuốc xì gà thơm thơm khen khét. Anh khách Tây phải bám vào vai tôi để kìm cơn xúc động rồi khẳng định: Tự xưa tới nay, dòng họ tôi vẫn giữ được bí mật công thức sao tẩm thứ xì gà đặc biệt này. Chưa bao giờ nó được đem bán ra thị trường. Mùi khói thuốc này, tôi nghĩ chính là tín hiệu cụ tổ của tôi xác nhận câu chuyện của các vị là sự thực. Tôi chân thành cám ơn mảnh đất này, cám ơn các vị. Chắc chắn một ngày gần đây, gia đình tôi sẽ về đây thăm viếng ngôi nhà này và tìm kiếm chốn an nghỉ của cụ Tổ chúng tôi.
Trước khi về Pháp, anh doanh nhân ấy nói với con tôi: Cứ coi như chúng tôi chấp thuận mấy điều khoản hợp đồng mà chúng ta còn tranh cãi. Tuần sau sẽ có một đoàn đủ tư cách sang đây ký kết. Ông cụ Tổ của chúng tôi đã là công dân của nước này. Đóng góp cho sự phồn vinh của xứ sở giầu văn hóa mà cụ hằng yêu quý, tôi nghĩ cũng là bổn phận của các con cháu cụ. Tiễn khách rồi, con gái tôi tỏ ra vô cùng mãn nguyện. Nó bảo: Nếu vụ này thành công, vùng nguyên liệu mấy trăm ngàn hec ta cao su tỉnh ta hết lo anh bạn vàng truyền thống bắt chẹt. Người trồng cao su mình có cơ hội phát triển bền vững rồi. Hình như nó đã hiểu, điều gì đó về văn hóa văn minh trong quan hệ làm ăn, ứng xử. Và trong đời sống.
Ghi chú: Tình tiết bún lá, mắm tôm, tác giả mượn từ giai thoại quan Thám Hoa Đốc học Hải Dương Vũ Phạm Hàm (1864 - 1910).
Người gửi / điện thoại