CHIẾN SĨ VIẾT VỀ CHIẾN SĨ
(Đọc Chiến sĩ ta cầm bút của Đỗ Ngọc Yên, nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, 2023)
Vũ Nho
NHÀ VĂN VŨ NHO
Có làm thơ và viết tiểu thuyết, nhưng bạn đọc biết đến Đỗ Ngọc Yên với tư cách là người viết phê bình tiểu luận. Không chỉ với các bài phê bình trên mặt một số tờ báo lớn, mà những cuốn sách của người lính xuất thân từ Đại học Tổng hợp Văn Hà Nội cũng chứng tỏ điều này. Trước cuốn sách chúng ta đang bàn, Đỗ Ngọc Yên đã từng in: Văn chương, những cuộc truy tìm (500 trang); Nghe - Nhìn- Đọc- Viết…Suy ngẫm (500 tr.); Hệ lụy văn chương (200 tr); Nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh quyển 1 và 2 (440 tr); Nhà văn Giải thưởng Nhà nước, quyển 1 (220 tr), “Dự cảm cuối mùa thu” (220 tr). Nghĩa là anh đã có 2080 trang in phê bình, tiểu luận, chân dung.
Tập Chiến sĩ ta cầm bút gồm 20 bài viết về các nhà văn chiến sĩ. Có thể là phê bình giới thiệu một trường ca, có thể là phê bình một tiểu thuyết, hoặc viết về một đời thơ, một lối kể chuyện… Tất cả các tác giả được đề cập đến trong tập sách đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và đã hay đang là những người mặc áo lính. Tư cách đầu tiên của họ là tư cách chiến sĩ, sau đó mới là tư cách nghệ sĩ. Nhà văn chiến sĩ Đỗ Ngọc Yên viết về họ là một thuận lợi lớn vì họ là đồng đội cầm bút. Họ đã từng trực tiếp nếm trải những gian khổ khó khăn nơi chiến trường. Hơn nữa, có khi khá gần gũi như Châu La Việt là lính ở Thượng Lào, còn Đỗ Ngọc Yên là lính ở Nam Lào (tr.154). Và tác giả cũng đã từng trải qua cảnh huống mà anh hùng Đăng Văn Thanh kể trong tác phẩm “Huyền thoại tàu không số” của nhà văn Đình Kính, (trang 96), nên dễ đồng cảm sâu sắc.
Có thể nói nhà văn Đỗ Ngọc Yên viết về các tác phẩm của đồng đội với tinh thần trân trọng, yêu quý. Tác giả đã cố gắng phát hiện những điều độc đáo, khác lạ, những đóng góp mới mẻ của các đồng đội cầm bút. Cho nên giọng điệu chung là biểu dương, ngợi ca, khẳng định những đóng góp. Ví dụ viết về trường ca Sa mộc của Phạm Vân Anh: “Nếu so với những tập thơ trước của Vân Anh thì Sa mộc là một bước tiến dài, thậm chí là nhảy vọt trong phong cách thơ của chị” và “Với nỗ lực cá nhân không mệt mỏi, Vân Anh đã bước đầu làm được điều mà mọi người mong đợi: Khắc đi là khắc đến/ Hội núi mở thong dong/ Khắc yêu thì khắc khoải/ Dặm dài non nước biên phòng/…/ Lang thang miền dã sử/Gọi ngàn năm mây bay/ Sa mộc đêm chốt lạnh/Thức cùng non sông này ( tr,6 & tr.10). Hoặc đối với nhà thơ tác giả của trường ca Trầm tích: “Hoàng Trần Cương đã có những phát hiện táo bạo trong tạo dựng hình tượng cũng như cách sử dụng ngôn ngữ thơ. Hình tượng và ngôn ngữ thơ ông mộc mạc, chân thành, tự nhiên tuôn chảy như dòng đời, kiếp người, vì thế nó đằm thắm, da diết có khi quặn đau cháy lòng” (tr.50).
Có thể nói Đỗ Ngọc Yên cố gắng tìm ra một nét khác lạ của đồng đội để biểu dương. Đó cũng là một việc làm không đơn giản, dễ dàng. Vì phải có con mắt xanh, nhạy bén, và phải có sự tự tin và mạnh bạo nữa. Nói gì thì nói, chê đúng đã rất khó. Nhưng khen đúng đâu có dễ dàng hơn! Để khen ngợi, biểu dương Đỗ Bích Thúy kể chuyện có giọng điệu riêng, Đỗ Ngọc Yên đã không ngần ngại dẫn ra một loạt tên tuổi các nhà văn trước Cách mạng, rồi các nhà văn sau này như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư và sau đó là Đỗ Bích Thúy. Cũng với đó là kết luận khách quan, tưng tửng nhằm “tôn vinh” ngầm đối tượng của mình: “Có không ít người cả đời cầm bút vẫn không thể tìm ra một giọng điệu, một lối kể riêng, ngõ hầu đem đến cho công chúng những trang văn mang đậm dấu ấn cá nhân, âu cũng là lẽ thường” (tr.138- 139).
Để tránh trùng lặp và gây ấn tượng nhàm chán cho người đọc, Đỗ Ngọc Yên có ý thức thay đổi cách tiếp cận đối tượng. Ngay nhan đề mỗi bài viết cũng đã có sự tìm tòi: Một hồn thơ đong đầy quan họ; Một cách nhìn khác về chiến tranh Cách mạng; Háo hức lên tàu tìm bến đỗ mới cho thơ ca; Trầm tích miền Trung; Ngưỡng nào chẳng thế… Lối kể chuyện của người Mông trên núi đá; Lững thững một mình… đi và viết; Một đời lính- Một nghiệp thơ,…
Có khi vào đề trực tiếp nói về tác phẩm, đánh số đoạn viết 1,2,3,…Có khi lại trịnh trọng với Lời mở, các phụ đề và tạm khép. Một số tác giả được giới thiệu tóm tắt tiểu sử (Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Trần Cương, Nguyễn Thế Đức, Nguyễn Hoa, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Hữu Quý, Trần Quốc Thực, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Trác, Phan Vũ, Ca Lê Hiến). Nhưng Đỗ Ngọc Yên không sa vào những chi tiết tiểu sử cá nhân mà chỉ trích vừa đủ cho những đánh giá, nhận định của mình trong bài viết. Vì thế mà “tiểu sử” được trích linh hoạt, dài ngắn khác nhau.
Đánh giá tác phẩm của đồng đội, Đỗ Ngọc Yên thận trọng. Không có lối chê thô, khó nghe, khó tiếp nhận đã đành, mà khi khen, nhà phê bình họ Đỗ cũng thận trọng, chừng mức. Thậm chí trước khi khen hay khen xong rồi, người khen “cẩn thận rào đón” kiểu: “Có thể nói trên thế gian này có bao nhiêu nhà thơ thì có bấy nhiêu kiểu loại thơ hay […] Và thơ hay cũng có dăm bảy loại, Giản dị hay, triết lí cao siêu cũng hay, chân thật hay và ám ảnh cũng hay, truyền thống hay và cách tân cũng hay, thơ tự do hay và thơ theo niêm luật cũng hay. Vấn đề là tùy gu thẩm mĩ, khả năng cảm nhận, lí trí phân tích của từng người mà thích loại thơ hay nào” (tr. 21). Hình như sau khi nêu nhận xét có tính chất phát hiện sắc sảo của mình: “Những điều Nguyễn Bảo viết ra trong Thượng Đức vẫn lộ ra một cách quá rõ ràng tư cách phát ngôn của con người công năng và tự nhiệm hơn là cách cảm nghĩ của một nhà tiểu thuyết chuyên nghiệp” (tr.31), Đỗ Ngọc Yên thấy cần phải “an ủi” Nguyễn Bảo nên ngay sau đó lấy tiêu chí viết cho ai, viết như thế nào và viết để làm gì, liền đề cử “Thượng Đức của Nguyễn Bảo xứng đáng đoạt cúp vàng” (tr.31).
Đôi chỗ, nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên, muốn nhấn mạnh điều quan trọng mình đang nói tới, khiến cho người đọc cẩn trọng phải nghi ngờ. Chẳng hạn “Tôi đã đọc đi đọc lại hàng trăm lần Hà Nội phố của Phan Vũ” (tr. 183)! Ai tỉ mẩn đếm mỗi lần đọc làm chi. Chỉ nói nhiều lần cũng đủ. Rồi chỗ khác ca ngợi Nguyễn Trác như thế này thì lợi chẳng bõ hại: “Thơ của ông (Nguyễn Trác) phải vừa đọc vừa suy ngẫm. Có khi ngươì đọc ngẫm đến nát óc mà chưa chắc đoán được ý tưởng của tác giả” (tr.156). Nguy hiểm quá! Đọc Nguyễn Trác thế thì phải gọi sẵn xe cấp cứu!
Lại một chỗ ca ngợi Phan Vũ thì cứ ca ngợi, làm gì phải lôi các người thơ vào mà chê bôi: “Mà người thơ nào chẳng mạnh mồm, giỏi khua chân múa tay trước bàn dân thiên hạ, nhưng đến khi bắt gặp hồn cốt của CÁI- ĐẸP lại run lên như cầy sấy” (tr.186).
Có thể tôi là người cùng nghề nên xét nét với Đỗ Ngọc Yên chăng? Không phải! Rút kinh nghiệm cho bạn, cũng chính là rút kinh nghiệm cho bản thân mình và những đồng nghiệp viết phê bình.
Thực tình tôi rất chăm chú đọc cuốn sách với lời đề tặng thân ái của người đồng tuế. Và tôi thấy mừng cho bút lực của đồng nghiệp. Thẩm bình văn khó nhất là khen đúng và chê đúng! Nếu có gì không đúng thì mong tác giả Đỗ Ngọc Yên và bạn đọc bỏ quá cho!
Hà Nội, 25 tháng 9 năm 2023
Người gửi / điện thoại